Bố già trở lại - Phần VI - Chương 21 - Phần 3

Những người của Joe đến từ Genoa qua ngã Camden, New Jersey. Anh từng mong ước làm một kiến trúc sư, nhưng gia đình anh đã mất tất cả trong cuộc sụp đổ thị trường chứng khoán. Hiện nay anh thiết kế những tường chắn và những lều trại dã ngoại. Người gầy nhom nhưng khôn khéo như một quan chức đảng chính trị, Joe là người bạn tốt nhất của Michael ở trong đoàn.

“Mình cũng từng băn khoăn giống như bạn”, Michael nói. Nếu nước Mỹ bị lôi kéo vào cuộc chiến ở châu Âu, mọi người gốc Ý sẽ bị nghi ngờ.

“Các bạn người Đức trông như thể là...”

“Tôi biết,” Michael nói. “Bạn nghĩ đúng.”

“Đừng cười, nhưng tôi từng tham gia vào một kế hoạch hạ sát Mussolini.”

“Hay đấy,” Michael cười lớn. “Này tráng sĩ! Bạn làm thế nào để hành thích bạo chúa?”

“Mình không nói là mình biết phải làm thế nào. Mình chỉ nói là mình đang làm việc cho một mưu đồ thiên nan vạn nan nhưng không phải là hoàn toàn bất khả thi.”

Joe quả là một kết hợp hiếm hoi: một người vạch kế hoạch dồi dào tài năng chuẩn bị để hành động. Bình thường anh ta cũng thực tiễn nhưng anh ta có bản chất mê lí tưởng.

“Bạn không thể lại gần Mussolini trong vòng năm dặm. Không ai có thể.”

“Hãy suy nghĩ chuyện này đi. Bạn đã đọc nhiều sách lịch sử. Chưa từng có bất kì ai - người anh hùng nào hay kẻ đê tiện nào, ông vua nào hay nhà lãnh đạo nào - lại không thể giết được.”

Đó là một ý tưởng nghiêm túc. Michael từng suy nghĩ về chuyện này và chàng nhìn nhận rằng có lẽ Joe có lí. “Tôi giả thiết rằng khi bạn đã làm được vệc đó với Mussolini thì bạn sẽ nghĩ đến Hitler.”

“Tôi biết là mình chỉ đang mơ mộng thôi,” Joe nói. “Tôi không phải là đứa ngông cuồng dại dột. Tôi biết mình không thực sự là con người có thể đơn thân mang con chủy thủ vào nơi hiểm địa. Nhưng thật đau lòng khi nhìn thời thế đảo điên mà ta lại không thể làm gì để góp phần ngăn chận tai họa cho muôn người.”

Về điểm này thì họ nhất trí. Mối bất hòa từ xưa giữa người Ý miền bắc và người Ý miền nam không gây hiệu ứng gì trên tình bạn của hai người hay trên sự khinh miệt cùng chia sẻ của họ đối với Mussolini. Họ sợ chiến tranh. Nhưng đồng thời - vì chiến tranh có thể sẽ nghiền nát Mussolini và đồng thời có thể sẽ là cơ hội cho những người như họ được một lần và cho mãi mãi chứng tỏ mình trong con mắt của người dân Mỹ - họ lại mong muốn nước Mỹ tham chiến.

Lại nữa, còn có vấn đề về Ustica. Gần như cùng lúc với việc Mussolini kí kết hiệp ước lập Trục Berlin - Rome với Hitler, ông ta ra lệnh cho quân đội của mình ở Sicily bố ráp mọi phần tử Mafiosi dầu là đã biết chắc hay chỉ khả nghi và cầm tù họ trên một đảo nhỏ ở Ustica (Vito Corleone vẫn tiếp tục nhìn Mussolini như một kẻ đàn áp đầy hư vinh khác - just another vainglorious oppressor - mà thời vận cũng đến rồi đi thôi). Khi Michael và Joe nói về những con người bị cầm tù ở Ustica họ than trách việc thiếu những thủ tục theo quy định như ở Mỹ. Michael không để lộ ra mối liên hệ của bố mình với những con người kia. Joe chỉ biết gia đình Corleones là những người nhập khẩu dầu ô - liu. Có rất nhiều kệ để món hàng đó trong nhà bếp của trại.

Vào tháng sáu năm 1940, khi nước Ý tuyên chiến chống lại Đồng minh, Joe Lucadello nảy ra một kế hoạch. “Chúng ta qua Canada,” chàng ta nói.

“Có gì ở Canada vậy?”

Joe rút ra một mảnh cắt từ báo. Theo bài báo thì Không lực Hoàng gia Canada đang tìm kiếm những phi công Mỹ có kinh nghiệm. Một phi công cừ khôi thời Đệ nhất Thế chiến tên là Billy Bishop - “chàng Eddie Rickenbacker của Canada,” như bài báo gọi ông ta - sẽ đích thân trông coi việc huấn luyện của họ.

“Hay quá,” Michael nói, “tiếc rằng chúng ta đâu phải là những phi công có kinh nghiệm.”

Joe đã có cách xoay xở. Chàng ta có một người bạn, một anh chàng Do Thái - Ba lan ở Rhode Island, từng là phi công chuyên đi xịt nước chống cháy rừng và xịt thuốc DDT để diệt muỗi và các loại côn trùng có hại khác. Joe nhờ anh chàng này chỉ dẫn những bài học về lái máy bay rồi ba chàng cùng qua Ottawa để đầu quân. Joe đã chạy được những mảnh bằng lái máy bay cho anh ta và cho Michael. Lúc đầu họ đều được chấp nhận. Hai ngày sau, Billy Bishop đích thân đi vào trại và yêu cầu gặp Michael Corleone (mà ông phát âm đúng theo kiểu Ý - một điềm chỉ có chuyện gì đó đã xảy ra). Ông ta đòi xem bằng phi công của Michael. Có nhiều người trong phòng đó không có bằng lái, có người chỉ là nông dân, người là diễn viên lưu động vậy mà mấy tháng sau cũng tự tay lái máy bay chiến đấu, tranh tài giữa không trung với các phi công Đức, Nhật. Bằng cấp không phải là điểm chính. Nhưng với linh cảm, Michael biết, không hiểu bằng cách nào đó, bố chàng đã đoán ra là chàng đến đây. Bây giờ mà sử dụng bằng lái giả thì chẳng còn nghĩa lí gì mà có thể còn làm liên lụy đến Joe nữa. Thế nên chàng nhanh chóng quyết định. “Xin lỗi ngài,” Michael nói với Billy Bishop. “Tôi không có bằng lái.”

Michael lên xe buýt trở về trại và làm việc lại. Sáu tháng sau, chàng ta lên chiếc xe buýt khác, hướng về New York để dự lễ sinh nhật ngạc nhiên dành cho bố, khi người tài xế nghe tin tức về vụ Nhật tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor). Lắc đầu, anh ta với người tới và vặn lớn radio lên. Cuối cùng, họ ra khỏi xe, xuống đường lại. Michael đi thẳng từ trạm cuối xe buýt đến Quảng trường Thời đại (Times Square). Quảng trường đông nghịt người với những anh chàng đang khoác lác về cuộc chém giết mà họ sắp lao vào. Michael sắp hàng để đăng kí nhập ngũ không quân, nhưng trong khi anh chờ một sĩ quan đi theo hàng quân và bảo mọi người ai có chiều cao dưới năm feet mười thì nên đầu quân vào binh chủng khác. Michael hụt đòi hỏi về chiều cao độ một inch. Thủy quân Lục chiến cũng hấp dẫn lí tưởng của anh. Một đạo quân chiến đấu ngon lành, ác liệt hơn những binh chủng khác với thời kì huấn luyện gian khổ và một bộ luật danh dự thiêng liêng. Binh chủng này cũng có đòi hỏi về chiều cao tương đương, nhưng xúc động đang dâng cao, và Michael với viên trung úy ghi danh cho anh đăng kí nhập ngũ trao đổi nhau một tia nhìn và họ hiểu nhau và anh được chấp thuận. Michael bắt chiếc taxi trở về nhà bố mình.

Đứa con cưng chiều nhất của Vito Corleone là người cuối cùng đến bữa tiệc sinh nhật của ông để nói “Ngạc nhiên chưa!”.

Vito tỏ ra khắc kì khi nghe những tin tức liên quan đến Michael. Ông đặt những câu hỏi mà bất kì người cha yêu thương và quan tâm nào cũng làm thế. Rõ ràng là ông không chấp thuận, mặc dầu ông không bao giờ nói thế.

Trong những ngày tiếp theo, chính quyền Mỹ bao vây các công dân Mỹ gốc Ý trên khắp biên giới nước Mỹ và giam giữ họ như tù nhân chiến tranh. Thêm nữa là hơn bốn ngàn công dân Mỹ mang tên Ý cũng bị bắt giữ. Bố mẹ của Theresa Hagen cũng nằm trong số này, mặc dầu họ không bị kết án và nhanh chóng được phóng thích. Hàng trăm người khác với tình trạng pháp lí mập mờ hơn bị giam giữ lâu hơn - nhiều tháng, nhiều năm - mặc dầu họ cũng chẳng bị kết tội gì.

Trước lễ Giáng sinh, chính quyền ban hành sắc lệnh hạn chế sự tham gia của công dân Mỹ gốc Ý vào những ngành công nghiệp liên quan đến chiến tranh. Trên khắp xứ sở nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ vật lộn với sóng gió để kiếm sống, nhiều công nhân các hãng xưởng và nhiều thư kí đánh máy dân sự cũng bị sa thải.

Vào lúc đó, Michael đang ở Đảo Parris, bò, trườn như một loài bò sát qua một bãi đậu xe được phủ lên bằng lớp vỏ sò được giã nát.

Bốn phần trăm dân số Mỹ đến từ Ý. Nhưng họ tạo thành mười phần trăm những công dân Mỹ chết và bị thương trong chiến tranh.

Mọi thứ mà chính phủ cấp cho Michael Corleone đều quá lớn - mũ đội đầu, đồng phục và cả giày lính. Nhưng anh không để ý lắm. Anh tự hào là Thủy quân Lục chiến và anh nhìn những gì anh muốn nhìn. Nhưng lần đầu mẹ anh thấy tấm hình cậu út của bà tóc cắt ngắn, mặc bộ quân phục rộng thùng thình, bà không cầm được nước mắt và không ngừng thổn thức suốt ba ngày liền. Sau đó bà để tấm hình lên giá lò sưởi. Mỗi lần đi ngang qua đó nước mắt bà lại trào ra. Mặc dầu vậy không ai dám đem cất tấm hình đi.

Trung đội của Michael Corleone ở Đảo Parris có bốn mươi bảy người, tất cả đều dân miền Đông, với sự phân chia khá đều giữa dân Bắc và dân Nam. Trước đây Michael chưa từng bao giờ ở phía Nam (nước Mỹ). Anh biết nhiều về sự đối địch giữa Bắc Nam ở Ý hơn là sự đối địch ở đây và anh ngạc nhiên biết bao khi thấy hai sự đối địch đó lại tương tự nhau đến thế. Từng sống ở Nam Ý và ở Bắc Mỹ, anh có thể thấy cả hai chiều. Và những lí lẽ tranh cãi nhau là về những chuyện không đâu. Chẳng hạn, về âm nhạc. Người Nam thích thứ mà người Bắc gọi là âm nhạc “sến”. Người Bắc thích Cole Porter, Johnny Mercer, những loại nhạc mà họ có thể nhảy theo. Mặc dầu Michael từng biết Johnny Fontane suốt cả đời mình, anh vẫn giữ riêng điều đó cho mình trong suốt những cuộc tranh cãi nổi lên về âm nhạc của anh ta. Bất kì khi nào có những cuộc cãi vã chí chóe về những chuyện lặt vặt làm cho người ta, dầu cho chỉ là trong khoảng thời gian ngắn, quên đi kẻ thù thực sự, thì anh chàng trung sĩ huấn luyện viên sẽ làm cho họ phải hối tiếc về chuyện đó - bằng cách trở thành kẻ thù thực sự. Tất cả mọi người đi đến chỗ sợ nhất là mình lại sợ hãi, sợ không hoàn thành nhiệm vụ khi thời điểm đến. Một giờ sau, họ lại sợ Trung sĩ Bradshaw hơn bất kì cái gì. Michael là một người lính trầm lặng, có khả năng, nhưng anh đã trải qua những ngày với niềm tin rằng vào bất kì lúc nào tay huấn luyện viên cũng có thể giết anh. Buổi tối, chàng nằm đổ mồ hôi trong chiếc giường hẹp, suy nghĩ miên man về thân phận người lính trong cuộc chiến.

Sự nghi ngờ của Michael - rằng yêu cầu về chiều cao của các binh chủng được đặt ra có phần là để ngăn chận người Ý không vào được những lực lượng tinh nhuệ - nảy sinh khi anh phát hiện rằng chỉ có một người gốc Ý khác trong trung đội của mình. Tony Ferraro, cũng đến từ New York, là một cầu thủ, thấp người, chắc nịch, đầu hói. Giống như Michael, anh ta đã tình nguyện đầu quân ngay khi nghe tin về biến cố Trân Châu Cảng, nhưng điều anh ta thực sự muốn là đến Ý và gửi Mussolini xuống địa ngục.

Tony và Michael là hai người thấp nhất trong trung đội. Họ đi chậm và là những xạ thủ yếu, nhưng họ đã đến Philippines trong tình trạng thể lực tốt hơn phần lớn những người khác - và thấy hạnh phúc, bởi vì mọi điều mà họ từng nghe về trận địa Thủy quân Lục chiến đều đúng. Những con người ngã xuống, nôn mửa và cả mửa ra máu. Michael đã học cách yêu thích điều đó. Anh thấy tiếc cho những trung đội mà các huấn luyện viên cho họ trở về trại chỉ sau bốn giờ hành quân trong cát ngập sâu đến đầu gối thay vì tám giờ như Trung sĩ Bradshaw bắt trung đội anh làm. Khi khóa huấn luyện tân binh kết thúc, anh ta nói chuyện với trung đội và lần đầu tiên gọi họ là các chiến hữu.

Mọi chiến sĩ trong đơn vị lúc ấy đều yêu mến anh ta. Nhiều người tuôn ra những giọt nước mắt mà không hề thấy xấu hổ.

Michael không tuôn đổ cái gì nơi trại huấn luyện, chỉ sụt mất vài kí và ngạc nhiên thích thú về sức chịu đựng phi thường của mình.

Mấy tháng sau, Tony Ferraro đến tiếp viện một hòn đảo nhỏ xíu không tên và cũng chẳng có lợi ích chiến thuật gì thì bị một tay bắn tỉa Nhật bắn anh một phát ngay tim.

Trước rạng đông, mọi người vác súng trường, vai khoác ba - lô và đứng nghiêm bên một dãy xe tải đang nổ máy ở số không. Một viên hạ sĩ, giọng Nam đặc sệt, gọi tên và nhiệm sở. Anh ta đọc sai tên Corleone, điều này Michael đã chờ đợi. Tuy vậy, anh lại bị sốc về những gì mà viên hạ sĩ nói tiếp theo đó.

Trại Elliott. Súng M1, bộ binh. Michael Corleone sắp đi về phía Thái bình dương. Giấc mộng góp phần giải phóng Ý đại lợi thế là tan vỡ. Nhưng những gì anh sắp làm là do sự tác động từ xa của bố anh, thông qua vị Hạ nghị sĩ thân thuộc của gia đình.

Michael không lộ ra điều gì. Một Thủy quân Lục chiến đi đến nơi nào mà mình đã nhận lệnh để đi. Dứt khoát không thắc mắc, không khiếu nại.

Một anh chàng miền Nam đã ở trên chiếc xe tải Camp Elliott đưa tay ra. “Chào mừng lên đàng, chàng Dago!” chàng ta nói, vừa kéo tay Michael lên.

Dago, đó là cái tên mà đám Thủy quân Lục chiến gọi thành phố San Diego (Nhưng độc giả chắc cũng nhớ rằng Dago cũng là cách gọi mỉa mai người Ý ở Mỹ của những nhóm chủng tộc khác). Michael cũng biết anh chàng kia có ý đùa mình theo cái nghĩa ám chỉ kia, nhưng anh không bị mắc mớp. Họ là Thủy quân Lục chiến, là huynh đệ chi binh, ra chiến trường sống chết có nhau mà, đó mới là điều quan trong trước tiên. Thứ nhì, họ đều là công dân Mỹ, cùng mang niềm tự hào là người dân của xứ sở Hiệp chủng quốc. Còn bất cứ cái gì khác đều chỉ là thứ yếu, đều chỉ là chuyện vặt.

Trước giờ Michael chưa hề thấy Miền Tây. Anh dành phần lớn thời gian trong cuộc hành trình ngồi ở cửa sổ của chuyến xe lửa chở quân, và như bị thôi miên. Đó là một cách rất tốt để nhìn những gì mà anh chiến đấu cho. Không gì có thể giúp ta hình dung ra tầm cỡ bao la, vẻ hùng vĩ và mĩ lệ của xứ sở này cho bằng một lần “tận mục sở thị”. Càng đi xa về hướng Tây anh càng thấy si mê cái vẻ hùng liệt sắc sảo đến phi thường của giang sơn miền Viễn Tây này.

Họ dừng lại để dự một khóa huấn luyện sa mạc tại một địa điểm cách Las Vegas khoảng ba mươi dặm nơi mà sòng bạc lớn đầu tiên đã mở cửa mấy tháng trước đó. Đêm đó Michael giết một con thỏ với đôi tay trần và ăn thịt nó nơi con kênh lạnh giá, mắt đăm đăm gởi mộng về muôn ánh hoa đăng rực rỡ của thành đô hoa lệ với những giai nhân nằm khoe lõa thể mà những con người có tầm nhìn xa giống như anh đã quyết tâm biến đổi thành một nền công nghiệp không khói sẽ còn tồn tại mãi ở đó, ngày càng thịnh vượng, lâu, rất lâu sau sự sụp đổ của các cường quốc khối Trục, của Đế chế Anh và của Liên sô, sau khi phần lớn các hãng xưởng và các nhà máy thép của Mỹ bị vỡ nợ hoặc dời sang Đông Nam Á.

Tại San Diego, Michael trải qua mấy tuần huấn luyện khác, nghe một số bài thuyết trình về chính trị, quân sự, học những miếng đánh cận chiến thực tiễn, bơi lội, kĩ năng mưu sinh thoát hiểm... Nhưng đến khi nhận công tác, tim anh lại chùng xuống. Anh được phân công vào nhóm canh gác doanh trại. Vô thời hạn. Không được ra trận.

Ngay khi có được cơ hội đầu tiên, anh tìm đến một điện thoại trả tiền liền và gọi Tom. Gia đình Hagens đang ăn tối. Một em bé đang la khóc ở phía sau.

“Tôi sắp hỏi anh một chuyên đây, Tom à. Nếu anh dối gạt tôi, tôi sẽ biết. Và mọi chuyện sẽ không bao giờ còn như cũ giữa chúng ta.”

“Bất kì câu hỏi nào mở đầu như thế,” Tom nói, “là thứ câu hỏi mà người ta không nên đặt ra.”

Michael còn trẻ và không nao núng. Có lẽ đến một lúc nào đó anh sẽ hiểu ra rằng Tom mới vừa trả lời cho câu hỏi mà Michael sắp đưa ra: “Có phải Bố đã tác động vào việc phân công của tôi?”

“Phân công chú làm gì?” Tom hỏi.

Michael hạ thấp giọng. “Tôi không gia nhập binh chủng này để làm một anh cớm.”

“Chú là anh cớm?” Hagen buông giọng lửng lơ.

Chán quá, Michael gác máy. Mấy ngày sau, Michael đi tuần trên bãi biển và đứng trên các cầu tàu, súng trường quàng vai, nhìn những người anh tin yêu khi chung đời quân ngũ bước xuống tàu ra khơi đến những chiến trường xa xôi mà lòng họ rất phơi phới, hăng hái huênh hoang về chuyện diệt thù, thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời. Những con người ra đi với hào khí chất ngất sẵn sàng gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao. Và Michael chẳng bao giờ còn thấy lại bóng dáng những “tráng sĩ nhất khứ bất phục hoàn” đó nữa.

Công việc chán ngắt nhất của phiên hiệu lính canh là làm sao cho những người dân sự tuân thủ luật tắt đèn phòng không (the blackout law). Người ta cứ ưa nghĩ rằng những tình huống của mình là đặc biệt và thật khó mà nói chuyện lí lẽ với họ được. Những đêm đầu khi đi thi hành luật này, nhiều lúc bực mình quá Michael chỉ muốn nện báng súng vào những khuôn mặt phì phị, vênh váo tự cho mình là quan trọng của những kẻ đáng ghét đó, nhưng anh nhanh chóng nảy ra một ý tưởng hay hơn. Viên sĩ quan chỉ huy của anh, người vẫn có một định kiến miệt thị hơn đối với đám dân sự, nghĩ rằng ý tưởng của anh thật xuất sắc. “Tôi không bao giờ nghĩ tôi sẽ nói điều này với một anh chàng người Ý,” viên sĩ quan chỉ huy nói,” nhưng anh bạn có lẽ là mang máu sĩ quan từ trong huyết quản.”

Michael mang theo hai người khác và đi đến kho chứa xăng dầu phía bắc thành phố, ngay trên bờ biển. Hai bồn chứa xăng lớn, cả hai đều trống. Đó là một sự thay đổi chiến thuật hay để tránh khỏi phải nhọc công nói chuyện phải quấy với đám dân sự ưa lải nhải cằn nhằn và cũng để có cơ hội ứng dụng khóa huấn luyện mà anh đã trải qua về chất nổ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay