Bố già trở lại - Phần VI - Chương 21 - Phần 4

Ngày hôm sau, báo chí và đài phát thanh (mà nguồn vô danh là chính Michael, tự cho là Sĩ quan Chỉ huy) đưa tin là những bồn xăng bị nổ tung kia là do tàu ngầm của Nhật bắn trúng mà - vì những ánh đèn bất hợp pháp trong đô thị - nên chẳng gặp trở ngại gì khi nhắm mục tiêu.

Sau đó việc tắt đèn phòng không được áp dụng dễ dàng hơn rất nhiều.

Michael đi lên dãy phòng chỉ huy ở Trại Elliott, cố gắng xin được phân công lại. Anh đăng kí học lái máy bay. Vào lúc bắt đầu cuộc chiến, muốn làm phi công phải tốt nghiệp cao đẳng, nhưng rồi quy định đã thay đổi để bất cứ ai có được 117 điểm trong kì thi nhập học cao đẳng đều có thể dự tuyển. Michael thi trắc nghiệm, được 130 điểm, nhưng không gì xảy ra. Sau một trong nhiều lần đứng nghiêm trong một ca bốn tiếng bên ngoài văn phòng Đô đốc King, Michael tìm cách để thưa chuyện với ông. Vị Đô đốc hứa sẽ đích thân xem xét trường hợp của anh. Ông còn có vẻ lạc quan về việc chuyển sang kịch trường châu Âu. Nhưng rồi vẫn không có gì xảy ra. Michael ở đó một năm mà tưởng chừng như mười năm.

Cuối cùng, anh thấy rõ rằng tay chánh văn phòng của đô đốc xem xét mọi giấy tờ trình cho ông và kí phần lớn giấy tờ đó. Michael tìm hiểu thị hiếu âm nhạc của tay chánh văn phòng và thu xếp mấy ghế ngồi hàng đầu ở Hollywood Bowl cho vợ chồng anh ta để thưởng thức buổi trình diễn độc nhất của danh ca Johnny Fontane tại đó.

Mấy ngày sau, Michael được tái phân nhiệm vào một tiểu đoàn chiến đấu.

Tiểu đoàn xuống tàu trên một con tàu chở khách sang trọng được chuyển đổi công năng thành tàu chiến, sơn lại màu xám và thay đổi thiết kế để bố trí các ụ súng. Đoàn quân được chất lên chiếc tàu đó trong chuyến hải hành kéo dài nhiều tuần lễ. Hầu như họ sắp cập cảng trước khi có bất kì một thông báo chính thức nào rằng họ sắp lên bờ ở Guadalcanal (nằm trong quần đảo Solomons ở Nam Thái bình dương).

Cuộc chiến đấu diễn ra trong nhiều tháng. Các tuần dương hạm của Nhật vẫn còn tiến vào bãi biển ban đêm và vẫn còn những ổ kháng cự với hàng trăm người trong những địa đạo chằng chịt, nhưng trên đại thể, cuộc chiến đã ngã ngũ với ưu thế nghiêng hẳn về phía Mỹ.

Bãi biển ở Guadalcanal là một bãi phế liệu ngổn ngang những xe cộ bị bắn cháy đủ loại - xe tăng, jeeps, xe chở quân... - nhưng khi Michael lần đầu tiên để mắt vào nơi này, với tất cả những rặng dừa xanh và cát trắng mịn, hòn đảo này đối với anh vẫn giống như một thiên đường vùng nhiệt đới, chỉ tiếc là thiếu bóng dáng thướt tha các nàng tiên nga hậu duệ xinh đẹp của bà Eve!

Michael trèo từ trên tàu xuống một chiếc thuyền nhỏ Higgins. Anh nghe tiếng pháo nổ ở xa xa nhưng không ai bắn vào anh lúc họ đổ bộ lên bờ. Khi bước chân lên bãi biển, anh trượt chân vào một thứ gì mềm nhũn và loạng choạng bay người đi. Anh đứng lên và chạy vào hàng cây. Anh lặn xuống để tìm chỗ nấp gần một đống dây kẽm gai rối tung lộn xộn và một đống xác chết thâm đen. Mùi hôi thối của da thịt người bị đốt cháy rồi đang phân rã xộc thẳng vào mũi và đi sâu xuống cổ họng, đọng lại thành cảm giác nhờn nhờn đến ghê người! Michael nhìn lại bãi biển và nhận ra rằng vật mà anh vừa trượt chân vào cũng là một xác người.

Quân Nhật để cho những binh sĩ chết trận tự thiêu thối hoặc trôi ra biển. Những tử thi này là những xác chết đầu tiên mà anh từng thấy ngoài nhà táng.

Những tay Thủy quân Lục chiến đã mặn mà với muối biển đón chào đoàn quân mới trông anh nào cũng dơ dáy, râu ria xồm xoàn và mỏi mệt như nhau. Họ lầm lì ít nói. Tất cả cuộc nói chuyện to tiếng mà những người mới đến tạo ra trong những bộ đồng phục sạch sẽ, thẳng thớm bỗng nhiên trông giống như những cậu thiếu niên đang chơi trò cao - bồi và da đỏ. Còn những người kia là những chiến binh (warriors). Khi họ dẫn Michael đi tuần lần đầu, anh giật mình thủ thế mỗi lần nghe tiếng lá sột soạt. Họ chỉ cười nhạo và tiếp tục băng rừng lướt bụi. Khi họ nhào xuống đất, Michael cũng làm theo. Anh có thể chắc chắn là không đến một giây sau sẽ có những viên đạn vạch đường, đạn pháo hoặc bom - những thứ nhắm giết ta.

Ngày thứ nhì ở Guadalcanal, anh đứng gác chu vi của đường băng. Anh nghe một máy bay đang đến. Một chiếc Trực thăng Hải quân đang vướng vào các ngọn cây và xì khói mù mịt. Phi công xoay xở cho máy bay tiếp đất cách khoảng một trăm yards. Máy bay bốc cháy. Michael chạy vọt như tên bắn đến đó, cố gắng giúp viên phi công thoát ra khỏi máy bay. Vào lúc đó hai chiếc xe jeep chở đầy người phóng tới nơi và viên chỉ huy trung đội của Michael, Trung sĩ Hal Mitchell la lớn bảo anh quay lại. Lửa cháy quá nóng. Chiếc xe cứu hỏa của họ đã bị ném bom trúng. Thiết bị mà họ dùng thay thế chỉ có thể dập tắt một đống lửa trại. Michael có thể thấy bên trong buồng lái. Viên phi công, bị mắc kẹt và đang kêu gào, nhìn thẳng vào Michael và xin được bắn chết. Michael nắm lấy súng trường, nhưng viên trung sĩ không ra lệnh nào. Tiếng gào thét ngưng hẳn ngay sau đó. Michael cần được điều trị vết phỏng vì đứng quá gần.

Khoảng một tuần sau, chiến thắng được công bố ở Guadalcanal. Những Thủy quân Lục chiến nào đã tham chiến tích cực tại đó được luân phiên nghỉ phép, được về thăm nhà hoặc ít nhất là vài kì Nghỉ ngơi và Giải trí ở New Zealand. Các đạo quân thay thế được để lại phía sau để bảo đảm an ninh cho đảo. Trên bản đồ Guadalcanal chỉ là một cái chấm nhưng thật ra đảo dài cả trăm dặm và rộng khoảng hai mươi dặm, nhiều rừng râm và đất khô cằn sỏi đá và sự tàn phá để lại phía sau bởi trận chiến kéo dài nhiều tháng. Chưa kể đến bao nhiêu là hang động.

Các hang động là cả một cơn ác mộng. Những xác người chết không đếm xuể, những khe sâu đầy chất thải, những đoàn quân kiến mà mỗi con dài cả một inch, những con chuột có kích cỡ bằng gấu trúc Mỹ. Từng nhóm bốn Thủy quân Lục chiến cùng một chú chó Doberman đi lục soát các hang động. Michael lúc đầu cũng yêu thích một chú chó nhưng sau khi vài cặp chó bị nổ tung xác bởi những tử thi có gài bẫy mìn, anh không còn dám theo sát chúng nữa.

Trong một lần lục soát hang động Michael bắt được một lính Nhật gầy yếu và gần chết. Anh xốc hắn ta đứng lên. Người lính Nhật chỉ vào lưỡi lê của Michael. Anh ta ra dấu Michael đâm vào bụng mình. Michael không muốn làm điều đó. Anh ta trông bớt căng thẳng và vẻ mặt dần trở lại nét thanh thản.

Lúc đầu, giống như hầu hết những người trong nhóm đi lục soát các hang động, Michael coi công tác này như một chiến dịch tận dụng đồ phế thải. Anh học cách lột đôi giày ống khỏi một tử sĩ Nhật nhanh hơn người ta có thể rút chiếc đồng hồ từ trong túi mình ra để coi giờ. Trở về doanh trại, thị trường những đồ đạc này tràn ngập, và những thứ tốt nhất rời khỏi đảo với những chàng Thủy quân Lục chiến dạn dày trận mạc nơi đây nhất. Nhưng một con người có máu kinh doanh có thể tìm thấy một con đường. Với Michael Corleone, con đường đó hướng về người bản địa. Bất cứ thứ đồ gia dụng nào đều có thể đem bán dễ dàng tại địa phương này. Michael đem phần lớn những gì anh tìm được để đổi lấy các loại hải sản tươi sống như cá, tôm, cua, sò, mực v.v... Mọi Thủy quân Lục chiến đều khoái chiến hữu nào có khả năng cải thiện bữa ăn đơn điệu tẻ nhạt trong sinh hoạt quân ngũ bằng những món lạ để thay đổi, đem lại hứng thú cho khẩu vị, nhất là trong khu vực chiến sự.

Tuy nhiên, một sáng nọ, Michael thức giấc và thấy con thú cưng của anh, một con vẹt mào mà anh đã lấy một tút thuốc lá để trao đổi với người bản xứ, bị nuốt trọn bởi một trong những chú chuột khổng lồ kia. Anh đuổi con chuột ra khỏi lều, và khi làm như thế anh nhìn lên và bắt gặp một mạng nhện lớn chưa từng thấy, giăng giữa hai cây dừa. Con nhện đã bắt được một con mòng biển vào trong mạng và đang vừa đánh chén con chim nọ vừa như đang gật gù tự khen thưởng cho thành quả lao động của mình! Ngày khác lại có thêm mấy chú chó banh xác vì bẫy mìn. Có những ngày trôi qua như thế. Họ sắp sửa cho nổ tung một hang động cuối cùng và trở về doanh trại căn cứ khi Michael để ý thấy một hình vẽ bằng bút chì trên mặt đất. Anh thấy quả là kì dị khi một chàng lính Nhật nào đấy đi ngang qua đây và dành thời gian để tô màu một bức tranh. Michael cuối xuống nhìn. Có nguyên cả một xấp tranh vẽ. Bức trên cùng vẽ một phi cơ đang bay giữa trời với một viên thịt ở bên hông và nhiều người đứng trên mặt đất đang tươi cười vẫy tay lên chào. Một bức khác vẽ một gia đình ngồi ở bàn ăn nhưng có một ghế để trống, một bức tranh vẽ nàng công chúa và nhiều tranh vẽ ngựa. Đúng là một cô gái nhỏ bình thường vẽ những bức tranh bằng nét bút hồn nhiên trẻ thơ để gửi đến cho người cha đang chinh chiến ở một phương trời xa xôi nào mà cô không hình dung ra, và có lẽ đã tử trận khi lao vào một cuộc chiến mà tiến trình của nó ông không thể thay đổi theo hướng này hay hướng kia. Michael đem những bức vẽ ra ngoài rồi ra hiệu làm nổ hang động.

Anh trở về doanh trại và nghe tin Sicily đã được giải phóng. Michael Corleone sẽ không bao giờ còn lấy bất kì thứ gì khỏi kẻ thù nếu như thứ ấy không thực sự tối cần thiết cho sự sống còn của anh.

So với bao nhiêu tiểu đoàn khác thì tiểu đoàn của Michael đã dễ dàng hơn nhiều khi đặt chân lên Guadalcanal. Họ cũng đã tiến hành tốt những trận đánh lẻ tẻ trên một số đảo nhỏ lân cận.

Nhưng khi đến Peleliu thì lại là một câu chuyện khác. Bởi tiểu đoàn của anh đi đầu trong việc đánh chiếm hòn đảo này. Đại pháo dập tưng bừng phía trước để mở đường.

Đoàn xe đi xuống tàu để đánh chiếm đảo trông giống như đoàn xe Okies tiến về miền Tây. Mỗi inch của sàn xe được nhét đầy người và máy móc, chất cao và phủ lại bằng vải nhựa chắp mảnh. Khí hậu nóng không chịu nổi, một trăm mười độ (Farenheit) ban ngày và chín mươi độ ban đêm. Không có đủ chỗ ngủ cho mọi người. Họ chen chúc nhau trên boong tàu, trong hoặc dưới các xe tải, bất kì nơi nào họ có thể tìm được bóng râm. Michael chỉ làm bộ như ngủ thôi. Ngay cả những chiến binh dạn dày trận mạc nhất trên tàu trông cũng nhợt nhạt và nao núng.

Vào lúc Peleliu hiện ra trong tầm nhìn thì tất cả những gì để nhìn chỉ là một bức tường khói lửa. Hàng chục thiết giáp hạm nghiền nát hòn đảo với đạn pháo mười sáu inches liên tục vang rền như hàng đoàn xe lửa tốc hành rầm rập nối đuôi nhau không dứt. Các tuần dương hạm rải đạn súng cối như mưa rào. Chẳng mấy chốc âm thanh của mọi loại súng đang oanh tạc Peleliu trở thành những tràng sấm rền điếc tai khiến người ta có cảm giác như cả cái khối lượng khổng lồ của bao nhiêu những tiếng động ghê hồn kia đồng loạt đổ ập xuống người mình, đè nặng lên đầu lên ngực mình. Toàn bộ chiếc tàu nhô lên thụt xuống phập phồng theo nhịp áp lực của tiếng động đó. Không khí ngửi đặc quánh mùi dầu diesel. Lực lượng xâm chiếm chất đống trong những xe tải lưỡng hành (amphibious tractors, xe có thể chạy trên bộ và lội nước) và những xuồng cao tốc Higgins và ngồi xổm dưới các giá súng.

Họ xông thẳng vào giữa chiến trường. Không khí đầy những tiếng rít của đạn đạo. Khói dày đến độ Michael không thể tưởng tượng làm thế nào người tài xế biết chạy đến đâu. Anh cảm nhận chiếc xuồng va quệt vào rặng san hô ngầm. Trung sĩ Mitchell hô to lệnh xông vào bờ biển. Michael nhảy ra khỏi thuyền và chạy tới. Mọi thứ chìm trong làn khói mịt mù và hỗn mang. Anh ý thức được là có những người ngã xuống chung quanh mình và những tiếng kêu rên đau đớn, nhưng anh tiếp tục cúi thấp đầu và sẵn sàng hành động cùng hai Thủy quân Lục chiến khác đằng sau một thân cây ngã. Trên và dưới bãi biển xe cộ nổ tung, bốc cháy và những con người khấp khiễng, lê lết ra khỏi xe để rồi bị cắt nát thành những mảnh vụn bởi hỏa lực súng máy. Michael chứng kiến những cái chết của ít nhất là hàng trăm anh em đồng đội của mình. Những con người mà anh yêu mến và tin cậy, mặc dầu anh không phải là người dễ tin ai. Nhưng tất cả những gì anh cảm nhận chẳng có cái gì rõ ràng mà chỉ lờ mờ nhân ảnh như người đi đêm. Bản thân anh cũng bị thương, một viên đạn sượt qua cổ. Chỉ là một vết xước qua nhưng máu vẫn tuôn chảy ròng ròng. Michael chẳng có ý niệm gì cho đến khi người bên cạnh anh, một hạ sĩ đến từ Connecticut tên là Hank Vogelsong, hỏi anh có sao không.

Trong chiến đấu, không ai thực sự biết được điều gì đang xảy ra. Ở một nơi nào đó sau lưng họ xa là một đại tá phụ trách tất cả mặt trận này nhưng ông ta chẳng biết mũi súng của đám quân dưới quyền mình đang chỉa về hướng nào. Một người nào đó mà Michael chưa hề biết và ông ta có lẽ cũng không bao giờ để mắt đến anh, đã quyết định rằng anh có thể hi sinh. Không phải riêng cá nhân Michael. Không có vấn đề cá nhân, riêng tư ở đây. Mà đó là chiến tranh. Và Michael chỉ là quân tốt đen. Ở Peleliu, anh chỉ cố làm sao để khỏi chết. Chẳng có gì là tinh khôn hay dũng cảm cả. Chỉ có điều là anh may mắn hơn hàng ngàn chàng trai trẻ khác trong sư đoàn của anh đã tử trận ngày hôm đó.

Một khi có đủ quân số băng qua bãi biển, họ có thể tiến vào đất liền và bắt đầu chất đá và những mảnh vỡ làm công sự che chắn và nhờ đó họ có thể bắn trả. Hỏa lực địch chậm bớt lại, thưa dần nhưng nguyên đêm đầu tiên đó Michael vẫn bị ghim xuống sát đất. Hình như quân địch bỏ ý định tấn công mở đường máu mà Michael từng được huấn luyện để đối đầu và như vậy bên anh không có cơ hội để tàn sát chúng.

Trời vừa rạng đông, Trung sĩ Mitchell tổ chức cuộc tấn công lên dãi đất hẹp trên đỉnh đồi nơi phần lớn hỏa lực của địch tuôn về phe ta. Michael và mười chiến sĩ khác chạy ào lên đến một mô đất với bụi cây còi cọc lơ thơ cách khoảng năm mươi yards. Hai chiến sĩ bị địch bắn hạ và hai người nữa bị thương trước khi họ đến được nơi đó. Một xe tăng Mỹ tiến về phía bên kia của dãi đất và khai hỏa theo cách mà xe tăng vẫn thường làm. Sau đó hỏa lực địch ngưng bặt. Quân Mỹ còn cách đỉnh cao của dãi đất khoảng hai mươi bộ. Hal Mitchell điều ba người với súng trường tự động và hai với súng phóng hỏa tiến lên đỉnh. Khi họ sắp sửa đốt cháy nó thì quân Nhật khai hỏa. Trung sĩ Mitchell ra lệnh cho Vogelsong và Michael giúp anh ta khiêng người bị thương ra khỏi nơi đó và rút lui. Trong khi Michael che chắn cho họ, Vogelsong và Trung sĩ Mitchell khiêng một trong những chiến sĩ bị thương trở lại nơi Michael đứng. Trong khi họ trở lại để khiêng tiếp người kia thì một quả đạn pháo 80 li giết chết người bị thương và làm bị thương Vogelsong và Mitchell.

Về sau, khi được hỏi về những gì anh làm tiếp theo - cả bởi thượng cấp và sau đó bởi một phóng viên tạp chí Life - Michael không thể giải thích những gì đã ám ảnh anh khiến anh phải đi cứu các đồng đội của mình hoặc làm thế nào mà anh đã thoát hiểm và sống sót. Có lẽ vì có quá nhiều bụi san hô từ đạn cối. Có lẽ quân địch nghĩ chúng đã giết sạch đám bộ binh nên chúng hướng tiêu điểm về phía chiếc tăng mà chúng làm nổ banh xác trong khi Michael tấn công boong - ke của chúng. Michael chưa hề được huấn luyện để sử dụng súng phóng hỏa. Anh chụp đại lấy nó mà không suy nghĩ, mò mẫm bắn đại và giật mình lùi lại khi một cái lưỡi lửa dài và rộng trùm lên dãi đất hẹp trên đỉnh đồi.

Một luồng đạn súng máy từ một hang động túa đến bên phải anh và Michael cảm thấy như một cẳng chân của mình đã bị dứt lìa ra. Anh ngã xuống và trườn đi để tìm chỗ nấp - một mình nơi đỉnh cao của dãi đất, một cái đích dễ dàng bị bắn hạ, một con người hoàn toàn không thể phòng vệ, một miếng mồi quá dễ nuốt cho bất kì viên đạn bắn tỉa nào. Mùi thịt người được nướng lên bởi bom napalm quả là... không thơm ngon chút nào! Ngửi nghe phát ớn! Anh lãnh một viên đạn vào đùi và một viên khác đi xuyên qua bụng chân.

Ngay trước mặt anh là sáu binh lính địch mắt lồi ra, môi cháy đen. da họ bị lột đi hầu hết. Xương thịt họ trông giống như một bộ xương trong sách khoa học.

Michael bị ghim xuống đất chỉ trong hai mươi phút trước khi đám quân Nhật trong hang động đó bị triệt hạ và một đồng đội người đầy máu từ đầu đến chân chạy đến kéo Michael khỏi chỗ đó. Anh đã sống qua bao nhiêu năm và thấy còn nhanh hơn hai mươi phút kia.

Anh không còn nhớ chút gì về chuyện bằng cách nào anh đã từ đó đến được Hawaii.

Ý tưởng đầu tiên khi anh tỉnh lại đó là chắc mẹ mình đã lo lắng đến sinh bệnh. Anh viết cho mẹ một bức thư dài và năn nỉ cô điều dưỡng kiếm cho anh một thứ gì để làm quà gửi kèm với bức thư. Cô điều dưỡng chọn một cốc uống cà phê với bản đồ quần đảo Hawaii vẽ trên đó. Ngày mà Carmela Corleone nhận được thư và quà - cùng với cái tin con bà đang trên đường trở về nhà - bà rót đầy rượu vào cái cốc ấy, nâng cốc lên và cám ơn Trinh nữ Mary đã đáp ứng những nguyện cầu của bà. Từ đó trở đi, mỗi lần đi ngang qua tấm hình của Michael đặt trên mặt lò sưởi, Carmela lại cười mãn nguyện.

Michael và Hal Mitchell cả hai đều bình phục. Hank Vogelsong không được may mắn như thế. Ngay trước khi chết anh nói với chỉ huy là anh muốn Michael Corleone giữ chiếc đồng hồ của mình. Khi nhận chiếc đồng hồ, Michael cũng chỉ biết qua về chủ nhân nó, đã viết thư cho bố mẹ Vogelsong, kể lại với họ Hank dũng cảm như thế nào giữa chiến trường mưa bom bão đạn và đề nghị gửi cho họ chiếc đồng hồ. Họ viết thư trả lời, cám ơn anh nhưng nói rằng họ mong anh giữ lại kỉ vật đó.

Trong khi còn nằm viện, Michael nhận được tin vui là anh đã được chấp thuận theo học khóa huấn luyện thành phi công. Anh cũng được đặc cách thăng cấp lên thiếu úy. Nhưng việc thăng cấp này rồi ra chỉ là tượng trưng và anh cũng không bao giờ đi đến trường bay. Đó là đoạn kết cuộc chiến thứ nhất của Michael Corleone.

Ngay trước khi Michael giải ngũ, một phóng viên từ tạp chí Life đến phỏng vấn anh. Michael nghĩ rằng chuyện này đã được dàn dựng bởi bố mình, cám ơn chàng phóng viên về sự quan tâm của anh nhưng nói rằng chàng là một con người thích riêng tư. Chàng đã được thưởng một huân chương và đích thân Đô đốc King gắn lên ngực chàng với đầy đủ lễ nghi quân cách trọng thể.

Michael được chụp hình trong một bộ đồng phục được sửa lại rất vừa vặn với chàng. Câu chuyện về chiến công của chàng được đăng trong một số đặc biệt. Audie Murphy nằm trên trang bìa. Còn nơi trang đối diện là James K. Shea, tổng thống tương lai của Hoa Kỳ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay