Bố già trở lại - Phần VIII - Chương 30 - Phần 1
Chương 30
Chưa đầy một năm sau khi cơ sở trên phần đất của Geraci được xây dựng một đội thi công lại đến triệt hạ nó xuống. Geraci nói rằng anh ta có những tay chuyện đập phá nhà có thể lãnh công việc với giá phải chăng, nhưng “Điệp viên Ike Rosen” nói rằng họ phải làm theo một số quy cách nào đó. Vả chăng còn có những vấn đề về an ninh. Những khóa sinh còn lại đã được cho về nhà, sẽ được gọi trình diện khi cần, đến một trại thao diễn ở Bahamas. (một đảo quốc nhỏ - 13.900 km2, với khoảng 400.000 dân, nằm về phía đông nam bang Florida, trong vùng biển Caribê).
Ba người Cuba lưu vong là những người đầu tiên được gửi đi, hình như là theo lệnh của chính Giám đốc CIA Allen Soffet, trên cơ sở lí luận rằng những người Cuba biết rõ địa hình địa vật, rành đường đi nước bước và nếu có chuyện trục trặc họ có khả năng biến đi tốt hơn là người của Geraci. Nhưng Geraci tức tối về chuyện này. Anh ta muốn một người Cuba (vì nhu cầu ngôn ngữ và hiểu biết về nơi chốn) và hai tay Sicily tinh nhuệ (để công việc được thực hiện ngay trong lần đầu tiên). Làm theo cách đó, theo ý anh ta, sẽ không có gì chuệch choạc, mà công việc sẽ được giải quyết gọn nhẹ. Mấy người Cuba đổ bộ lên một hòn đảo san hô không tên ngay ngoài vùng lãnh hải của Cuba, được một chiếc xuồng cao tốc bị tịch thu từ tài sản của Ernest Hemingway, đón lên và rồi bị giết trên đường vào bờ biển Cuba, khi chiếc thuyền nổ tung trong những tình huống rất đáng ngờ. Người ta nghĩ rằng tay hoa tiêu là một điệp viên của chính quyền Cuba, nhưng mọi chuyện về vụ này mà Geraci nghe được đều không phải từ nguồn đầu tiên. Geraci không muốn mất người mà chẳng được gì nhưng anh cũng không muốn bị gạt ra trong những chiến dịch ám sát tên độc tài kia, và dường như không có phương cách đáng tin cậy nào để phát hiện những gì đang diễn ra nơi những trại quân khác. Tại sao huấn luyện người của anh, Geraci nói, nếu như sắp tới đây họ chỉ gửi những người Cuba đi làm việc đó?
Khoảng một tuần lễ sau, Rosen bảo Geraci rằng anh ta đã được phép gửi ba người khác đi xâm nhập, lần này trên một thủy phi cơ bay thấp, dưới tầm ra-đa, giao tận tay một điệp viên hành động đáng tin cậy - người này sẽ chờ sẵn trên bãi biển. Geraci được cho biết là anh có thể gửi một người đi. Geraci cố nài cho được hai người. Một và chỉ một mà thôi hoặc không có gì cả, tay phái viên kia xác định. Geraci lấy Carmine. Tay chiến binh Sicily này bảo Geraci đừng lo ngại gì; một mình anh ta cũng làm được việc ngon lành như hai người khác, bất kì hai người nào.
Mấy ngày sau đó, Geraci đến văn phòng của anh phía sau hồ nước, đọc lại bộ chiến sử La mã mà anh từng cầm lên đặt xuống trong bảy năm trước đây, thì Charlotte gõ cửa. “Có cuộc gọi.” Chỉ nói cộc lốc, vùng vằng. Càng sống chung với nhau lâu nàng càng bực bội về chuyện nhận lời nhắn cho chồng, đặc biệt là từ những người gọi không chịu cho biết mình là ai. “Chẳng biết là ai, hắn ta muốn tôi nói với anh rằng họ đã đi vào. Chỉ có thế. Họ đã vào. Điều ấy có ý nghĩa gì với anh không?”
“Có, anh hiểu.” Vào Cuba, tất nhiên rồi. Và từ chỗ anh ngồi điều đó có nghĩa là mọi chuyện (Nguyên văn: and from where he sat it meant everything. Sở dĩ người dịch phải trích lại câu nguyên tác vì cảm thấy ý nghĩa câu này sao có vẻ quá mông lung, mơ hồ nên người dịch muốn bạn đọc thấy rằng do tác giả viết như vậy thì người dịch phải dịch theo như vậy, chứ không hề có ý đánh đố, làm khó bạn đọc. Xin kính cáo!).
“Quyển sách anh đang đọc đến từ đâu vậy?” nàng tò mò hỏi.
“Những quyển sách,” Geraci nói. “Hai quyển. Lần cuối cùng em đọc bất kì cái gì mà lại không được chiếu trên màn hình ti vi? Và trên thực tế, anh đang có tiến bộ.”
Bên ngoài trời hãy còn tối khi Tom Hagen rời Palmer House và bắt một chiếc taxi để đi gặp Louie Russo. Theresa vẫn còn ngủ nơi phòng khách sạn ở trên lầu. Lát nữa, trong buổi sáng này nàng sẽ có cuộc họp ở Viện Nghệ thuật Chicago - với một tổ hợp bảo trợ bảo tàng quốc gia. Ngày mai họ sẽ lái xe đến South Bend, để đi thăm không chỉ Andrew, con trai họ, mà còn cả Frankie Corleone, con trai lớn của Sonny, đang chơi ở vị trí trung vệ cho đội Fighting Irish và đã lấy vé cho họ cho cuộc đấu trong nhà lần cuối trong năm, với đội của Đại học Syracuse, trường cũ của Theresa. Hagen đã rất mong đợi cuộc nghỉ cuối tuần này từ lâu.
Lẽ ra Hagen đã sử dụng một chiếc limo nhưng rồi anh không muốn có vẻ long trong quá, dụng công quá. Tay tài xế taxi là dân Chicago “kinh điển”, luôn mồm văng tục và tuôn ra những nhận định bôi bác về các đội thể thao. Hagen có quá nhiều ý tưởng trong đầu. Anh chỉ mới uống có hai li cà phê. Anh đang xuất mồ hôi. Anh không cảm thấy căng thẳng, và trong xe cũng không nóng. Chắc là do liên quan đến huyết áp, cao đến độ bác sĩ của anh có lẽ không đùa khi nói rằng một ngày nào đó không chừng anh sẽ nổ tung như quả bóng quá căng. Tài xế vẫn tiếp tục huyên thiên phét lác. Hagen không làm gì để cho anh ta cụt hứng. Càng khua môi múa mép anh ta càng say sưa với chất men mê hoặc trong lời nói của mình, đếch cần để ý đến ông khách nữa!
Russo có một câu lạc bộ riêng ở Wisconsin. Ngay cả đi trong dòng lưu thông còn khá thông thoáng của buổi sáng sớm nhưng cuốc xe cũng mất hơn một giờ. Dường như cũng lâu bằng như thế để đi từ cổng và vượt qua dải đất của bãi đậu xe để đến chính câu lạc bộ - một nhà kho màu trắng được chuyển đổi công năng. Mặc dầu chẳng giống nhau gì mấy, song nơi này cũng xoay xở để mời được những ca sĩ tiếng tăm như Johnny Fontane, những danh hài hàng đầu, kể cả nhóm Ice Capades. Một tấm bảng trên cửa chính ghi HECTOR SANTIAGO, VUA RUMBA! Các sô diễn không cần quảng cáo mà vẫn luôn bán hết vé. Kế bên nhà kho là một hồ nước hình vuông rộng bằng khoảng bốn dãy phố và được vây bọc bởi mấy hàng thông. Nước hồ đen như mực, từ xa khó nhận ra. Bên kia hồ là một nhà kho ba tầng không có vẻ gì đặc biệt, không cửa sổ nhưng bên trong đã được tái thiết kế và trang trí nội thất để trở thành một casino đầy đủ tiện nghi. Ban đêm, những tay chèo thuyền đưa khách qua lại trên hồ. Russo tự hào một cách thích đáng về nơi chốn này; xét cho cùng, khó mà đến gặp lão ta ở đây để bàn công việc rồi ra đi mà không dạo một tour quanh cái casino độc đáo này của lão. Dầu thế nào Hagen cũng phải ngưỡng mộ kì công của Russo trong việc lo lót cho mọi quan chức sở tại từ cảnh sát, tòa án đến các phương tiện truyền thông... để cho khách hàng của lão có thể đến nơi cờ bạc bất hợp pháp này một cách ung dung trên những chiếc ghe gondola lững lờ thong thả để đến nơi yên tâm lăn sả vào sát phạt nhau mà không phải sợ ai cả!
Phía sau câu lạc bộ, một nông trại cũ đã được mở rộng và chuyển đổi thành nhà khách. Ở đó Russo có một văn phòng rộng thênh thang trên lầu. Muốn đến đó, Hagen phải đi qua một thứ thiết bị phát hiện kim khí và rồi đi qua cánh cửa thép, loại cửa dùng cho các hầm chứa tiền bạc, kim loại quý, các bảo vật... của các ngân hàng. Như Hagen chờ đợi, hai vệ sĩ thân tín của Russo ngồi ở phòng bên ngoài, tên nào cũng ôm súng tiểu liên trong lòng. Một tên đứng lên, lục soát qua loa anh và ra hiệu cho anh vào “long đàm hổ huyệt” của Ông Chủ y.
“Chẳng phải là vị consigliere người Ái Nhĩ Lan duy nhất trên thế giới này đấy sao!” Russo nói. Lão ta mang một bộ khuy măng - sét bằng kim cương. “Thật là vinh hạnh.”
Hagen cám ơn và ngồi vào chiếc ghế được mời. Russo vẫn còn đứng, một xác định hơi thô thiển và nhỏ mọn về ý muốn kiểm soát.
“Michael Corleone,” Hagen nói,” đã sẵn sàng hậu thuẫn cho ông làmcapo di tutti capi và nhường chỗ ngồi của anh ấy nơi Ủy ban cho người mà anh ấy dự tính đề cử là Nick Geraci chừng nào mà ông và tôi có thể đạt đến một thỏa thuận sơ bộ trên một số vấn đề nhỏ.”
“Này, bạn nghe anh chàng kia chứ?” Russo gọi xuống sảnh cho mấy người cầm súng. “Nghe này, chàng Ái Nhĩ Lan. Theo truyền thống từ nơi tớ đến, chúng tớ không làm tình với nhau mà không hôn nhau trước đã. Cậu hiểu ý tớ chứ?”
Hagen hiểu. “Tôi là dân Đức - Ái Nhĩ Lan,” anh điều chỉnh. “Và tôi không có ý bất kính đâu, Don Russo. Tôi biết ông là người bận rộn, và tôi nghĩ ông sẽ đánh giá đúng mức chuyện này nếu tôi đi thẳng vào điểm chính.”
“Cà phê? Thôi nào. ‘Gu’ của tôi đâu phải thứ đó. Một li cocktail nhé, chàng Ái nị?”
“Gu của tôi là cà phê,” Hagen nói. Rót ra từ bình pha sẵn, thế cũng tốt rồi. “Cám ơn.”
Russo cau mày. “Này anh bạn ổn chứ? Ở đây đâu có nóng.”
“Tôi ổn thôi.”
“Bà cụ tôi vẫn nói ổn là một quyết định hơn là một trạng thái.”
“Cụ dạy chí phải.”
“Ờ, phải đấy, trông bạn có vẻ như hoặc là bạn bị lạc thần hoặc nếu không phải thế thì bạn đang có cái gì lạ lạ... ở trong quần bệ hạ vậy! Sốt nhiệt đới chăng? Giống như trong rừng rậm. Này, người đâu? “lão hét lên. “Anh bạn Ái nị của ta đây có lẽ cần một khăn lau. Đem đến mau!”
“Tôi chỉ cần cà phê thôi,” Hagen nói, uống hai hơi dài làm vơi hẳn cốc cà phê.
“Chỉ có ai mang theo thiết bị nghe lén vào đây mới đổ mồ hôi như anh thôi.”
“Thật thế sao?”
Russo gật đầu.
Hagen giơ cả hai tay lên trời. “Khám tôi đi,” anh nói. “Tôi chẳng phiền gì đâu.”
Russo cũng chẳng khách khí gì - không quá tự tôn cũng không quá thủ lễ - để làm chuyện đó. Lão tự tay lục soát anh. Tất nhiên là không có. Vì Hagen cần gì phải thế. Russo lại ra hiệu cho Hagen ngồi xuống. Hagen dừng lại, đợi Russo cùng ngồi.
“Một vài vấn đề nhỏ à?” Russo ngồi vào đằng sau bàn giấy của mình. “Như cái gì, chẳng hạn”
Từ cái ban - công nhỏ ở tầng ba của một thư viện được bịt kín bằng ván ở trung tâm thành phố Cienfuegos, Carmine Marino nạp đạn vào khẩu tiểu liên Liên sô mà chàng ta đã được huấn luyện sử dụng thành thạo và chờ đoàn xe của nhà lãnh tụ tiến đến con đường của mình. Chàng ta đã lạc mất hai người Cuba theo mình trong cái đêm họ đổ bộ. Tiếng Tây ban Nha duy nhất mà chàng ta nói là tiếng Ý trại ra nhưng chàng ta đã xoay xở để tìm đường đi qua hai trăm dặm của một xứ sở sống dưới chế độ độc tài để đến hai nữ điệp viên và nhận những chỉ dẫn cần thiết. Hẳn nhiên là chàng Carmine có hơi thất vọng khi không được khoản đãi một chầu sex nóng với hai nàng trong đêm Cuba nồng nàn đầy nhục cảm. Ai từng nghe một nữ điệp viên lại không khoái làm tình với một tay thích khách can trường và bảnh bao như chàng? Mà ở đây đến hai nàng cũng đều không. Sao lại thế nhỉ? Hay là hai nàng này là dân đồng tính chỉ khoái nhau, không khoái đàn ông. Đáng ngờ lắm! Hay có thể là chàng không phải là một hảo nam tử quá ư ngon lành như chàng tự nghĩ về mình. Nếu hoàn thành điệp vụ này mà còn sống sót để trở về, chàng nghĩ thầm, nhất định ta sẽ đến anh chàng Do Thái một mắt kia và bảo với chàng ta nếu nhà ngươi biết cái gì là tốt cho ta thì hãy tìm cho Carmine Marino này một nàng nở nang săn chắc, cực kì dâm đãng và ngay tức thì! Nói thế chứ Carmine đâu có ngông cuồng rồ dại về chuyện đó. Chàng ta biết rằng những em như thế vẫn đầy ngoài kia nhưng còn đang mang sứ mệnh trọng đại trên vai, đâu có thể vì ba cái chuyện linh tinh mà làm hỏng việc lớn.
Đường phố đầy lính và dân sắp hàng chào đón lãnh tụ. Khi đoàn xe tiến đến gần, âm thanh của dân chúng tạo ra nghe có phần giả tạo, như là tiếng kim khí, như là sự ghi âm sẵn từ một đám đông hoan hô được vặn lên quá to và hơi quá nhanh. Khi còn là đứa bé mới biết đi chập chững, ở Sicily, Carmine đã nghe một nhà độc tài khác, Mussolini, được hoan hô theo lối này.
Bây giờ đoàn xe quẹo ở góc phố, qua nhà thờ lớn và chạy về phía anh, một dàn toàn xe Hoa Kỳ. Chuyện này cũng hơi buồn cười đấy nhỉ, vì những kẻ đang ngồi trên những chiếc xe kia vốn ghét Mỹ mà sao vẫn khoái đi xe của thằng Mỹ chứ không chịu đi xe của ông Liên sô. Carmine đưa súng lên vai, nhắm.
Trong chiếc xe thứ tư - một chiếc ô-tô màu xanh nước biển, loại có mui gấp lại được (convertible; tiếng Pháp là décapotable), như đã được chỉ điểm - là “đích nhắm” với bộ râu đặc biệt, mặc quân phục, oai phuông lẫm liệt, đang cười hả hê và vẫy tay chào đám thần dân bị đè nén đến co rúm lại dưới bộ máy chuyên chế của mình.
Marino hít vào nhẹ và siết cò.
Đầu của lão râu ria kia giật ngược ra sau. Một dòng máu tươi vọt bắn ra thành vòng cung qua thân xe. Tài xế nhấn mạnh ga cho xe vọt lên như tên bắn.
Những tiếng la hét tràn đầy trong không khí. Cảnh sát vẫy cho phần còn lại của đoàn xe - kể cả chiếc Sedan màu đen, cách sau chiếc xe mui gấp kia hai xe, trong đó nhà lãnh tụ thực sự của Cuba đang thung dung ngồi, bình an vô sự, vững như bàn thạch - qua một đường rẽ và phóng ra khỏi thành phố.
Còn người đàn ông trong chiếc ô-tô màu xanh nước biển, mui gập kia - kẻ song trùng, hình nhân thế mạng được ưu ái của nhà độc tài - đã ngoẽo trước khi đến bệnh viện.
Bao nhiêu công khó của đám điệp viên CIA trở thành công cốc. Vì... Số Trời đã định là nhà đại lãnh tụ này sẽ đày ải đám dân kia trong một kiếp nạn kéo dài khoảng nửa thế kì để cho họ sám hối đủ về tội lỗi của mình?!
Đây không phải là lần đầu, cũng chưa phải là lần cuối - vì còn rất nhiều lần nữa - mà CIA lên kế hoạch mưu sát và lật đổ vị thủ lĩnh vĩ đại của một dân tộc không muốn mình vĩ đại mà chỉ muốn được hạnh phúc nhưng bị ép uổng phải trở thành vĩ đại (Bi kịch là ở chỗ đấy). Nhưng... người tính sao bằng Trời tính nên bao nhiêu mưu đồ của CIA đều đổ sông đổ biển và nhà lãnh tụ, vị cha già kính yêu của dân tộc Cuba, vẫn cứ sống phây phây phẻ phắn chờ chết êm ái vì tuổi cao sức yếu! Và chuyện này thì chưa thể khẳng định là phúc hay họa cho dân Cuba. Thế thì ta hãy... để cho lịch sử phán xét vậy!
Còn thích khách Carmine Marino thì bị bắt trên đường đến Guantánamo Bay, cải trang thành đàn bà, nhưng đâu qua mắt được mạng lưới tình báo nhân dân, so với Gestapo, CIA hay KGB vẫn hữu hiệu hơn nhiều!
Louie Russo đồng ý mọi chuyện. Nhà Corleones có thể - mà không có sự can thiệp từ Chicago - kinh doanh khách sạn và casino tại Nevada. Cả ở Thành phố Atlantic nữa, nếu, như được chờ đợi, những ngành này sẽ mở ra ở đó. Hagen thừa nhận rằng chiến dịch mưu sát của Geraci cuối cùng được kiểm soát bởi nhà Corleones, và Russo thừa nhận rằng lão ta kiểm soát những chiến dịch do Tramonti và Drago tiến hành. Những Gia đình này có thể đối địch nhau, nhưng vẫn có nhiều điểm chung với nhau hơn là những kẻ cơ hội chủ nghĩa khinh bạc (cynical opportunists) ở CIA hay trong Nhà Trắng.
Sau một bàn luận ngắn về những chi tiết đặc thù, Russo đồng ý rằng nếu người của lão ta làm việc ở Cuba trước, thì nhà Corleones có thể thâu tóm việc kiểm soát Capri và Sevilla Biltmore và hoạt động trong vòng hợp pháp mà không có sự can thiệp từ Russo hay từ bất kì tổ chức nào khác. Quyền lực Russo chắc sẽ có được một khi Michael hậu thuẫn việc tôn phong lão ta làm thống lĩnh chính thức đầu tiên kể từ cái chết của Vito Corleone bảy năm trước đây.
Đích thân Hagen sẽ xem xét tổ chức những người nằm trên bảng lương của nhà Corleones. Một vài trong số công cuộc này sẽ được bàn giao dần dần cho Nick Geraci nhưng cũng để cho Louie Russo sử dụng lúc cần và tùy theo nhận định về sự giúp đỡ của lão để Michael Corleone trở thành một doanh nhân hoàn toàn hợp pháp.
Russo tỏ ra sốt sắng hợp tác đến mức càng lúc càng trở nên rõ ràng với Hagen là Mặt Đéo không có ý định để anh còn sống khi ra khỏi nơi đây. Chuyện này thì anh và Michael cũng đã nghĩ là có thể xảy ra. Biết rằng một chuyện như thế có thể xảy ra là một thế giới tách biệt với cảm nhận nó tiến gần hơn đến chỗ xảy ra. Việc đổ mồ hôi nơi Hagen không hề chậm bớt lại. Anh sẵn sàng tốn cả ngàn đô nếu có cơ hội, ngay vào lúc đó, tắm một phát và ném đi bộ quần áo nhớp nháp mồ hôi để thay vào bộ đồ mới, khô ráo, dễ chịu.
“Hôm nay quả là một ngày trọng đại, chàng Ái nị à,” Russo nói. “Chúng ta nên ăn mừng. Tớ cũng sẽ chung vui cùng với bạn, chỉ có điều là trước đây tớ đùa về chuyện uống cocktail đấy thôi. Ở đây tớ không có thứ gì mạnh hơn là món cà phê đó và hơi thở nặng mùi của các quý ông ở ngoài sảnh, đằng kia. Quán bar của câu lạc bộ ở đó cũng được, nhưng những món thực sự hàng “top”, loại tinh tuyển của cả bang Illinois thì ở bên kia Hồ Louie kìa.”
Còn chưa đến chín giờ sáng.
“Tôi xin ghi nhận thịnh tình,” Hagen nói. “Lời mời chào của bạn quá ư là hấp dẫn nhưng rất tiếc, tôi có việc khẩn cấp phải về ngay.”
“Nào, nào, chàng Ái nị, dẫu sao bạn cũng nên nhìn qua lần cuối cơ ngơi của tớ ở đây, và mặc dầu e rằng không được khiêm tốn, tớ cũng phải nói là tớ hơi bị tự hào về nó. Chỉ mới khai trương gần đây thôi, nhưng” Russo gỡ đôi kính đen ra. Đôi mắt lão ta đỏ ngầu với một vòng xanh lè ở giữa. Lão cười, một cái cười bí hiểm, ghê rợn.
Cơn ớn lạnh chạy qua người Hagen không phải là hậu quả của việc xuất mồ hôi và của máy lạnh, mặc dầu anh tự nhủ như thế.
“ - Tớ biết một số người,” Russo nói. “Chưa từng ngao du trên chiếc gondola?”
“Không thể nói là tôi từng,” Hagen lửng lơ.
Russo xua anh ra khỏi cửa. Những người với súng tiểu liên đứng lên. “Tiếp quản cái này,” Russo nói. “Chàng Ái nị đây chưa từng được thưởng thức một cuộc viễn du không hẹn ngày về trên du thuyền Gondola năm sao của chúng ta. Đấy chẳng phải là một trong những điều mà người ta phải làm trước khi xa rời cuộc đời hay sao. Rất mong Ngài Consigliere đây, khi sang đến cõi u minh, sẽ điện về cho tớ biết cao kiến!”
Joe Lucadello đi đến cửa trước của nhà Geraci, ngay vào lúc nửa đêm và bấm chuông. Geraci đã ngủ gục trên ghế trong “hổ trướng” của anh ta ở nhà sau. Charlotte đã uống một viên thuốc ngủ và không còn biết chi đến cái sự đời nữa. Barb đang ở trường cao đẳng. Sau nhiều hồi chuông reo, Bev Geraci trả lời nhưng chỉ thông qua intercom.
“Nói với Bố cháu là chú Mike Rosen đến.”
“Liệu Bố cháu có biết chuyện gì không?”
“Biết chứ, tại sao không?”
“Chuyện gì xảy ra với mắt của ông vậy?” cô bé hỏi. “Có thật như thế không?”
“Thật đấy. Một vết thương từ thời chiến tranh.”
“Tôi không tin ông,” Bev nói.
Lucadello đẩy miếng che mắt lên. Mặc dầu chỉ nhìn qua lỗ cửa, nhưng sự thiếu một tròng mắt trông cũng đủ ghê sợ khiến cô gái hét lên và chạy đi. Lucadello thở dài, ngồi xuống trên bậc cửa và chờ cảnh sát đến. Đó là một chuyện xuất sắc khác mà những người này đã phát minh ra. Cảnh sát vận hành như lực lượng an ninh riêng của họ, và những người khác - những người dân sự - sẽ triệu tập họ khi cần.
Hai xe chở quân xuất hiện. Cảnh sát ùa ra, súng rút khỏi bao. Lucadello đưa hai tay lên. Anh xuất trình cho họ xem bằng lái xe mang tên Ike Rosen và nói với họ mình có công việc về xuất nhập khẩu cần trao đổi với Ông Geraci. Sở dĩ anh đến đây vào cái giờ rất bất tiện, phiền phức thế này chỉ vì một sự cố không may trong thủ tục hải quan. Vào lúc đó, sự chấn động ầm ĩ đã đánh thức Nick Geraci. Anh cám ơn những người cảnh sát và trấn an con gái mình. Rồi anh và tay điệp viên ra lại phía sau, vào “hổ trướng” của mình để mật nghị.
Lucadello ngồi xuống và cho Geraci biết tin tức về Carmine.
“Hãy yên tâm,” Geraci nói, “dầu chúng có làm gì đi nữa, cậu ta cũng không hé răng đâu. Tay này bản lĩnh kiên cường lắm.”
“Dầu cậu ta có nói gì đi nữa cũng chỉ có thể là vấn đề của các bạn.”
“Thế à?” Geraci không chắc lắm là tay điệp viên đang nói về chuyện gì, nhưng cách chọn đại từ của anh ta - vấn đề của các bạn chứ không phải làvấn đề của chúng ta - rõ ràng không báo hiệu điềm lành.
“Chính quyền Cuba có điên mới đi tra tấn cậu ta. Họ có điên mới đi làm bất kì chuyện gì ngoại trừ làm ồn lên trên các phương tiện truyền thông và trên các diễn đàn ngoại giao quốc tế về tay người nước ngoài này đã âm mưu sát hại “cục cưng” cách mạng yêu quý, đầy râu ria của họ (their bearded, beloved revolutionnary sweetheart). Bọn Nga sẽ đứng về phía họ. Liên hiệp quốc sẽ bị lôi kéo vào. Khi họ trục xuất cậu ta, chúng ta sẽ không còn cách nào khác là phải bỏ tù cậu ta, có thể phải khử cậu ta.”
“Đừng lo lắng về chuyện đó,” Geraci nói. “Carmine Marino vẫn còn là công dân Ý. Nếu họ trả cậu ta về lại nơi đó, cậu ta có một nghĩa phụ khá thế lực sẽ che chở cho cậu.”
Lucadello lắc đầu. “Bạn không hiểu. Chúng tôi cần khử cậu ta từ lâu trước khi bất kì chuyện gì đó xảy ra. Nhưng tôi e rằng đó chính là chỗ mà vấn đề của bạn bắt đầu.”
Geraci sẽ là tên ngốc biết mấy nếu anh ta để cho tên con hoang một mắt này giết mình ngay chính trong sân sau nhà mình. “Đứng lên!”Geraci nói. “Tôi cần lục soát bạn.”
“Thích thì chiều thôi. Có điều nếu mà mình muốn giết bạn thì bạn đã ăn đất từ lâu rồi. Và nếu bạn phí thời giờ quý báu về những chuyện như thế này, e rằng bạn sẽ kết thúc theo cách đó.”
Geraci vẫn cứ lục soát anh ta và lấy ra một khẩu súng và hai con dao.
“Hãy giữ chúng với lời khen tặng của tôi,” Lucadello nói. “Mình ở về phía bạn mà, bạn nhớ chứ?”
Geraci ra hiệu cho anh ta ngồi xuống lại. “Khuya rồi. Mình đang ngủ. Xin thứ lỗi nếu mình lẫn lộn về chuyện tại sao đây lại là vấn đề của mình mà không phải là của bạn.”
“Ồ cũng là vấn đề của mình đấy. Xem nào, mình có nghe một nhân vật hàng top - không phải chủ của mình mà là chủ của ông ấy - rằng FBI biết về trại quân của Tramonti đang hoạt động ở Jacksonville. Họ đã tiến hành điều tra. Tôi có nghe lời đồn trôi nổi đây đó rằng FBI cũng đã được báo trước về chiến dịch của chúng ta, nhưng không có vẻ đáng tin. Nhưng sau sự cố này, thì nó cũng không thành vấn đề. Nguy cơ một ai đó ở Cục nối kết mọi chuyện là khá cao.”
“Và bạn không thể bảo vệ tôi từ đó? Bạn không làm gì được sao?”
“Rất ít trong những tình huống này,” anh ta nói. “Tôi muốn khử những tên đó.”
“Vậy thì, cứ làm đi,” Geraci nói. “Tôi không cản bạn đâu.”
“Không may là,” Lucadello nói,” đấy không phải là một lựa chọn. Dẫu thế nào nó cũng sẽ không giải quyết mọi chuyện cho bạn. Chúng tôi có nguồn tin tình báo đáng tin cậy cho biết rằng cố nhân của bạn, Michael Corleone từng nhiều lần định giết bạn. Điều duy nhất trước nay anh ta chờ đợi là để cho bạn làm xong chuyện này. Bây giờ vì bạn chẳng làm được việc gì cả, chúng tôi tin rằng sinh mệnh của bạn đang đối diện nguy cơ trước mắt đấy. Thêm nữa là, chúng tôi còn có nguồn tình báo, kém tin cậy hơn một tí, nhưng cũng đáng nên lưu ý, đó là Louie Russo cũng dự định thủ tiêu bạn, hình như bởi vì, rằng thì là... , ờ, tôi không biết mọi chuyện diễn ra như thế nào trong nội bộ của các bạn, nhưng dường như có một cái gọi là... Ủy ban?”