Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn - Nhà Vua Trở Về - Quyển VI - Phụ Lục A - Phần 3

Được ưu đãi nhất là Vidugavia, người đã trợ giúp Rómendacil trong cuộc chiến. Ngài tự xưng là Vua Rhovanion, và quả thực là người hùng mạnh nhất trong số các hoàng thân miền Bắc, dù chỉ cai quản lãnh thổ nằm giữa Rừng Xanh và sông Celduin[2]. Năm 1250 Rómendacil phái Valacar con trai mình làm chánh sứ tới sống cùng Vidugavia một thời gian, dặn ngài học hỏi ngôn ngữ, phong tục và chính sách của người miền Bắc. Nhưng Valacar còn đi xa hơn dự tính của cha. Dần dà ngài đem lòng yêu mến đất nước và con người miền Bắc, rồi kết hôn cùng Vidumavi con gái Vidugavia. Phải đến vài năm sau ngài mới quay về. Chính từ cuộc hôn nhân ấy mà sau này dẫn đến vạ Thân Tranh.

[2] Tức Sông Chảy.

“Vì quan chức Gondor vốn đã để bụng nghi ngờ những người miền Bắc sống trong triều; và việc thái tử nối ngôi, hay bất kì con trai nào của Đức Vua cũng vậy, lại hợp hôn cùng một kẻ thuộc nòi xa lạ, thấp kém hơn là một điều vô tiền khoáng hậu. Khi Vua Valacar già đi, đã bắt đầu có loạn ở nhiều tỉnh miền Nam. Hoàng hậu của ông vô cùng xinh đẹp và quý phải, nhưng chết yểu, theo số mệnh của các chủng Người thấp kém, và người Dúnedain e sợ con cháu bà cũng vậy, khiến suy tàn hùng khí của Các Vua Con Người. Thêm nữa họ không đẹp lòng khi phải tôn con trai bà làm chúa, mà dù nay có tên Eldacar, nhưng ngày trẻ, sinh ở vùng đất lạ, đã được đặt cho cái tên Vinitharya theo phong tục họ ngoại ông.

“Chính vì thế khi Eldacar lên nối ngôi cha, ở Gondor chiến tranh bùng nổ. Nhưng Eldacar không dễ dàng chịu bị cướp trắng quyền thừa kế. Thuộc dòng dõi Gondor, ông còn thừa hưởng chí khí không biết sợ của người miền Bắc. Ông tuấn tú và quả cảm, cũng không hề có dấu hiệu lão suy kém cỏi so với cha mình. Khi liên quân các hoàng thân quốc thích khác nổi dậy đánh lại ông, ông đã chống trả tới khi sức cùng lực kiệt. Cuối cùng ông bị vây hãm tại Osgiliath, và còn cố thủ hồi lâu, mãi tới khi bị đánh bật bởi cái đói và số quân nổi loạn áp đảo, bỏ lại sau lưng ngôi thành cháy rực. Trong trận vây thành và đốt phá ấy Tháp Lâu Đài Osgiliath bị phá hủy, quả palantír rơi mất dưới lòng sông.

“Nhưng Eldacar trốn thoát các địch thủ mà chạy lên phía Bắc, tìm về với thân thích ở Rhovanion. Ở đó nhiều người tập hợp bên ông, cả người miền Bắc đang phụng sự Gondor lẫn người Dúnedain mạn phía Bắc vương quốc. Vì nhiều người Dúnedain đã trở nên kính phục ông, còn nhiều người khác lại căm ghét kẻ thoán đoạt. Đó là Castamir, cháu trai Calimehtar, em trai Rómendacil II. Không chỉ là họ hàng gần nhất với dòng vua, ông ta còn cầm đầu lực lượng lớn nhất trong số quân nổi loạn; vì ông ta là Chỉ Huy Hạm Đội, huy động được dân chúng sống vùng duyên hải cũng như ở các cảng lớn Pelargir và Umbar.

“Castamir ngồi chưa ấm chỗ trên ngai vàng đã lộ bản tính kiêu căng và hẹp bụng. Bản tính nhẫn tâm của ông ta đã thể hiện từ khi chiếm được Osgiliath. Ông ta lệnh cho Ornendil con trai Eldacar, bị bắt trong trận chiến, phải bị xử tử; và dưới tay ông ta thành phố bị tàn sát hủy diệt kinh khủng hơn nhiều chiến sự yêu cầu. Minas Arnor và Ithilien vẫn nhớ mãi điều ấy, và ở vùng này tình cảm dành cho Castamir càng bớt nồng nhiệt khi hiểu ra ông ta chẳng lo nghĩ gì cho đất liền mà chỉ chăm chút đội thuyền, và còn dự định dời đô đến Pelargir.

“Vì thế ông ta mới đoạt ngôi được mười năm thì Eldacar, nhận thấy thời cơ đã đến, dẫn đoàn quân lớn từ phía Bắc đánh xuống, và dân cư đổ tới cờ ông từ cả Calenardhon, Anórien và Ithilien. Một trận đánh lớn nổ ra ở Lebennin đoạn vượt sông Erui, nơi rất nhiều người ưu tú của Gondor đổ máu. Đích thân Eldacar hạ gục Castamir giữa chiến trận, và Ornendil đã được báo thù; nhưng các con trai Castamir trốn thoát, mang theo họ mạc và đội thủy quân đông đảo cố thủ lâu dài tại Pelargir.

“Khi đã tập trung mọi lực lượng phe mình về đó (vì Eldacar không có tàu để kìm giữ quân địch trên mặt biển), họ rời khỏi cảng, lập căn cứ tại Umbar. Nơi này trở thành chốn trú chân cho mọi kẻ thù của nhà vua, một công quốc độc lập không thừa nhận vương quyền. Umbar còn xung đột với Gondor suốt nhiều thế hệ con người, quấy phá miền duyên hải và mọi giao thương trên biển. Lực lượng ở đây chẳng bao giờ bị hoàn toàn dập tắt, mãi cho đến thời Elessar; còn lãnh thổ Nam Gondor trở thành vùng tranh chấp giữa Các Vua và Hải Tặc.”

“Để mất Umbar là một đòn nặng với Gondor, không chỉ vì vương quốc bị cắt mất nửa Nam và bớt khả năng chế ngự bọn Người Harad, mà còn vì chính đó là nơi Ar-Pharazôn Kim Đế, Vua Númenor cuối cùng, đã đổ bộ và khuất phục Sauron. Bất chấp hậu quả khủng khiếp mà việc đó đem lại, ngay những người ủng hộ Elendil cũng kiêu hãnh mà nhớ lại ngày đoàn thuyền hùng hậu của Ar-Pharazôn đổ tới từ đại dương thăm thẳm, và trên ngọn đồi cao nhất ở mũi đất bên Cảng dựng cột trắng cao ghi dấu việc này. Trên đỉnh cột đặt quả cầu pha lê lớn đón nhận những tia mặt trời cùng mặt trăng, chói lọi như ngôi sao sáng, những hôm trời quang có thể nhìn rõ từ tận Gondor hay từ giữa biển xa phía Tây. Cây cột đứng đó mãi đến khi Sauron trỗi lên lần nữa, chỉ sau đó ít lâu, và Umbar bị bề tôi hắn chiếm lĩnh, còn tượng đài nhắc về nỗi hổ nhục của hắn bị quật đổ.”

Sau khi Eldacar tái lập, huyết thống hoàng gia cùng những gia tộc Dúnedain khác lại càng pha trộn với nòi giống Con Người thấp kém. Vì rất nhiều người vĩ đại đã bỏ mình trong vạ Thân Tranh; còn Eldacar thì ưu ái người miền Bắc đã giúp ngài đoạt lại ngai vàng, và dân cư Gondor được bổ sung thêm bằng những đợt đi cư lớn từ Rhovanion.

Cuộc hỗn huyết không đẩy mạnh ngay từ đầu sự héo mòn của dòng giống Dúnedain như người ta đã sợ; nhưng điều ấy vẫn tiếp diễn, từng chút một như từ trước đến nay. Vì, tới giờ không phải nghi ngờ nữa, điều đó có nguyên do trước hết là vì bản thân Trung Địa, và vì ân sủng của người Númenor đã dần phai nhạt sau sự suy tàn của Đất Nước Sao. Eldacar sống tới hai trăm ba mươi lăm tuổi, làm vua năm mươi tám năm, trong đó có mười năm lưu vong.

Ác họa thứ hai và cũng là lớn nhất đổ xuống Gondor vào triều đại Telemnar, vua đời thứ hai mươi sáu, con của Minardil con trai Eldacar đã tử trận ở cảng Pelargir dưới tay bọn Hải Tặc Umbar. (Cầm đầu chúng chính là Angamaitë và Sangahyando, các chắt trai của Castamir.) Chỉ ít lâu sau đó cơn đại dịch chết người ập đến trên luồng gió đen thổi tới từ phương Đông. Nhà Vua cùng tất cả con cái đều chết bệnh, cùng với một phần lớn dân cư Gondor, nhất là những người sống ở Osgiliath. Rồi vì mệt mỏi và thiếu quân, việc canh phòng ở biên giới Mordor yếu đi và các thành trì chắn đèo núi bị bỏ trống.

Sau này người ta nhận thấy biến cố đó xảy ra ngay giữa khi Bóng Đen đậm đặc dần ở Rừng Xanh, và nhiều thứ độc ác nay tái xuất, báo hiệu Sauron lại nổi lên. Quả đúng là ngay những kẻ thù của Gondor cũng hứng chịu hậu quả, nếu không hẳn vương quốc đã bị đánh đổ khi thất thế, nhưng Sauron biết đợi, và rất có thể chính việc thả lỏng Mordor mới là mục tiêu chủ yếu của hắn.

Khi Vua Telemnar qua đời, Cây Trắng ở Minas Anor cũng héo khô rồi chết. Nhưng Tarondor, cháu trai lên nối ngôi ngài, đã trồng lại hạt cây trên hoàng thành. Chính ngài là người dời dô về Minas Anor vĩnh viễn, vì Osgiliath bây giờ gần như đã bỏ hoang và bắt đầu đổ nát. Rất ít kẻ chạy trốn bệnh dịch về Ithilien hay các thung lũng phía Tây còn muốn quay về.

Tarondor lên ngôi khi còn trẻ, là người cai trị lâu dài nhất trong số Các Vua Gondor; nhưng ngài chẳng đạt được thành tựu gì nhiều ngoài việc bố trí lại kinh đô và chậm chạp vun lại sức mạnh thuở trước. Nhưng Telumehtar con trai ngài, nhớ lại cái chết của Minardil và tức giận bọn Hải Tặc hỗn hào đã lên tận bờ Anfalas mà cướp phá, đã tập hợp binh lực hùng hậu đổ tới Umbar năm 1810. Trong cuộc chiến này những cháu chắt cuối cùng của Castamir bị tiêu diệt, và lần nữa Umbar lại trở về với các vua trong một thời gian ngắn. Telumehtar lấy thêm hiệu Umbardacil vào tên mình. Nhưng những ác họa sắp rơi xuống Gondor lại lần nữa tước mất Umbar, trao vào tay bọn Người Harad.

Ác họa thứ ba là cuộc xâm lăng của quân Cưỡi Xe, đã rút cạn chút sinh lực của Gondor phai tàn qua gần trăm năm chiến sự. Bọn Cưỡi Xe là một tộc người, hay là liên quân nhiều tộc người, gốc ở phương Đông, nhưng chúng mạnh hơn và có vũ khí tốt hơn bất kì địch thủ nào từng đọ sức. Chúng hành quân trên những xe thồ lớn, còn thủ lĩnh xông trận trên chiến xa hai ngựa. Bị đám phái viên của Sauron kích động, như sau này người ta biết, chúng đổ tới tấn công Gondor đột ngột, và Vua Narmacil II chết trận khi giao chiến bên kia dòng Anduin nãm 1856. Nhiều nhóm người mạn Đông và Nam Rhovanion bị bắt làm nô lệ; biên giới Gondor thời điểm đó thu về dòng sông và dãy đồi Emyn Muil. [Theo ước đoán, chính thời kì này bọn Ma Nhẫn vào lại Mordor.]

Calimehtar, con trai Narmacil II, nhân một cuộc nổi dậy ở Rhovanion đã báo thù cho cha bằng chiến thắng lớn đập tan bọn người phương Đông ở Dagorlad năm 1899, và trong một thời gian mối nguy đã bị đẩy lùi. Đến triều đại Araphant trên miền Bắc và Ondoher con trai Calimehtar dưới miền Nam, lần nữa hai vương quốc lại cùng nhau lập kế sau thời kì dài ghẻ lạnh và xa lánh. Vì cuối cùng họ cũng nhận thấy chỉ có một thế lực và ý chí duy nhất điều khiển cuộc tấn công từ rất nhiều mặt trận nhằm vào những người Númenor còn sống sót. Cũng vào thời kì này Arvedui kế vị Araphant kết hôn cùng Fíriel con gái Ondoher (1940). Nhưng cả hai vương quốc đều không có cách nào cử tiếp viện cho bên kia; vì Angmar lại phái quân tới đánh Arthedain cùng lúc bọn Cưỡi Xe trở lại rất đông đảo.

Rất nhiều quân Cưỡi Xe lúc ấy đi xuống phía Nam Mordor, liên minh với bọn người ở Khand và Cận Harad; và đợt tiến công từ cả Bắc lẫn Nam này đã khiến Gondor suýt bị tiêu diệt. Năm 1944, Vua Ondoher cùng cả hai con trai, Artamir và Faramir, tử trận trên phía Bắc cổng Morannon, khiến quân thù tràn xuống Ithilien. Nhưng Eärnil, Chỉ Huy đạo quân Nam, đã chiến thắng rực rỡ ở Nam Ithilien, diệt đoàn quân Harad vừa vượt sông Poros. Ngài hối hả tiến về phía Bắc, tập hợp tất cả những người còn lại trong Đạo Bắc đang rút chạy, và đánh vào khu trại chính của quân Cưỡi Xe trong lúc chúng tiệc tùng chè chén vì tin rằng Gondor đã bị lật đổ, chẳng còn việc gì ngoài vơ vét cướp phá. Eärnil ập vào trại như vũ bão, phóng hỏa đốt hết đoàn xe, đánh đuổi kẻ thù vỡ trận chạy khỏi Ithilien. Một phần lớn những kẻ chạy trốn ngài bỏ mạng trong vùng Đầm Lầy Chết.

“Khi Ondoher và các con trai qua đời, Arvedui ở vương quốc Bắc đòi lấy vương miện Gondor với tư cách hậu duệ trực hệ của Isildur và cũng là hôn phu của Fíriel, người con duy nhất còn sống của Ondoher. Đòi hỏi này bị từ chối. Phần trách nhiệm chính trong quyết định đó thuộc về Pelendur, Quốc Quản của Vua Ondoher.

“Hội Đồng Gondor trả lời: ‘Vương miện và vương vị Gondor chỉ duy nhất thuộc về những người kế vị Meneldil con trai Anárion, người đã được Isildur nhường lại lãnh địa này. Ở Gondor quyền thừa kế chỉ được tính theo phụ hệ, và theo chúng ta được biết luật lệ của Arnor cũng không khác.’

“Đáp lại Arvedui nói: ‘Elendil có hai con trai, Isildur là trưởng nam và là người kế vị. Chúng ta được biết tôn danh Elendil cho đến nay vẫn được kể đầu dòng Các Vua ở Gondor, vì người là đức đại vương khắp mọi miền đất người Dúnedain sinh sống. Thời Elendil còn sống, quyền trị vì miền Nam được gửi gắm cho hai con trai người đồng nhiệm; nhưng khi Elendil thọ nạn, Isildur đã lên đường đi nhận lãnh ngôi đại vương của phụ thân, và cũng học theo mà gửi lại quyền cai trị miền Nam cho con trai của em mình. Người chưa hề nhường lại vương vị Gondor, cũng như không hề có ý muốn giang sơn của Elendil bị phân đôi vĩnh viễn.

“ ‘Hơn nữa ở Númenor thuở trước, vương trượng được truyền thừa cho người con trưởng của đức vua, dù là nam hay nữ. Quả là luật ấy không được tuân theo trên những miền đất lưu vong luôn bị chiến tranh quấy nhiễu, nhưng chính luật cổ của dân tộc là điều bây giờ chúng ta viện ra, vì các con trai Ondoher không con mà chết.[3]

[3] Luật này đặt ra tại Númenor (như chúng tôi được Nhà Vua cho biết) khi Tar-Aldarion, vua thứ sáu, chết đi chỉ để lại một người con gái. Bà trở thành Nữ Hoàng Chấp Chính đầu tiên, Tar-Ancalimë. Tuy thế luật ấy có từ trước thời bà. Tar-Elendil, vua đời thứ tư, truyền ngôi cho con trai Tar-Menelur, dù Silmariën mới là trưởng nữ. Tuy thế chính Silmariën mới là bà tổ của Elendil.

“Gondor không đáp lại lời này. Eärnil, viên chỉ huy thắng trận, giành vương miện; ngôi vua được trao cho ông với sự tán đồng của toàn thể người Dúnedain ở Gondor, vì ông cũng thuộc hoàng gia. Ông là con trai Siriondil, con trai Calimmacil, con trai Arciryas em trai Narmacil II. Arvedui không theo đuổi tiếp yêu cầu, vì không có đủ quyền lực cũng như ý chí mà phản kháng lựa chọn của người Dúnedain ở Gondor; nhưng con cháu ông không bao giờ quên điều đó, kể cả khi ngai vàng của chính họ cùng đã mất từ lâu. Vì đến lúc này vương quốc Bắc đã sắp đến lúc chấm dứt.

“Arvedui quả đúng là vị vua cuối, như tên ông báo trước. Tương truyền cái tên này đặt cho ông khi sinh ra theo lời Malbeth Nhà Tiên Tri nói với vua cha: ‘Và ngài sẽ đặt tên hoàng tử là Arvedui, vì hoàng tử sẽ là vua cuối ở Arthedain. Dù sẽ có một lựa chọn đặt ra cho người Dúnedain, và nếu họ chọn điều có vẻ ít hứa hẹn hơn, thì hoàng tử sẽ đổi tên và trở thành vua một vương quốc rộng lớn. Còn nếu không, sẽ phải chờ qua rất nhiều khổ đau và nhiều thế hệ con người mới đến lúc người Dúnedain vùng dậy và thống nhất.”

“Cả ở Gondor cũng chỉ còn một đời vua nữa sau Eärnil. Rất có thể nếu vương miện và quyền trượng được hợp nhất với nhau thì ngai vua đã được duy trì, và nhiều mối họa đã bị chặn trước. Nhưng Eärnil là một người thông thái, không có tính ngạo mạn, cho dù lãnh thổ Arthedain chỉ là điều nhỏ mọn, theo cách nghĩ của người Gondor, bất chấp dòng dõi vua chúa trên đó.

“Ông phái sứ giả thông báo cho Arvedui việc mình lên ngôi, theo luật lệ và đòi hỏi của vương quốc Nam, ‘nhưng ta vẫn không quên dòng hoàng tộc ở Arnor, cũng không phủ nhận tình cốt nhục giữa hai nơi, hay mong muốn hai vương quốc của Elendil trở thành ghẻ lạnh. Ta sẽ cho người ứng cứu bệ hạ khi cấp bách, theo khả năng của ta.’

“Nhưng cũng phải rất lâu sau Eärnil mới đủ tự tin thực hiện lời hứa ấy. Vua Araphant chỉ huy lực lượng càng lúc càng mỏng vẫn kháng cự được những đợt tấn công từ Angmar, và Arvedui lên nối ngôi cũng vậy; nhưng cuối cùng vào mùa thu 1973, có tin báo tới Gondor rằng Arthedain đang lâm nguy, và rằng Vua phù thủy đang xua quân chuẩn bị đòn cuối cùng. Khi ấy Eärnil phái con trai Eärnur dẫn một hạm đội lên Bắc, đi nhanh hết sức cùng toàn bộ lực lượng có thể cử đi. Nhưng đã muộn. Trước khi Eärnur kịp tới các hải cảng Lindon, Vua phù thủy đã bình định Arthedain, còn Arvedui đã vong mạng.

“Nhưng khi Eärnur cập vào Cảng Xám, niềm vui và kinh ngạc lớn đến với cả Tiên lẫn Người. Đoàn tàu quá đông và mỗi con tàu quá lớn tới mức bến chẳng đủ cho họ đậu, dù đã neo kín cả Harlond lẫn Forlond; đoàn quân đổ xuống mới hùng hậu làm sao, mang theo đạn dược và nhu yếu phẩm thừa đủ cho cuộc chiến giữa các vị vua vĩ đại. Ít nhất thì người dân miền Bắc thấy như vậy, dù đây chỉ là một đội quân nhỏ chia sớt từ quân đoàn hùng vĩ của Gondor. Trên hết người ta trầm trồ trước bầy ngựa chiến, vì phần đông chúng đến từ đồng bằng sông Anduin và đi theo những kị sĩ cao lớn đẹp đẽ, cùng nhiều hoàng thân kiêu hãnh đất Rhovanion.

“Rồi Círdan tập hợp tất cả những người hưởng ứng ông, từ Lindon hay Arnor tới, và khi tất cả sẵn sàng, đoàn quân vượt sông Lune tiến lên miền Bắc khiêu chiến cùng tên Vua phù thủy Angmar. Hiện giờ hắn đang sống tại Fornost, người ta nói vậy, thả những giống dân tà ác sống đầy trong đô thành, tiếm đoạt cả cung điện lẫn quyền cai trị của các vua. Kiêu căng, hắn không ngồi trong thành lũy chờ kẻ địch tiến công mà dẫn quân ra đón đánh, đinh ninh sẽ quét sạch họ xuống dòng Lune như biết bao lần.

“Nhưng Đội quân miền Tây đã ập vào đánh hắn từ khu Đồi Bóng Tà, và trận chiến long trời nổ ra trên đồng bằng giữa Nenuial và Khu Đồi Bắc. Lực lượng Angmar đã vội nhường bước và rút chạy về Fornost thì binh đoàn quân kị chính, vừa vòng lên quanh khu đồi, lúc này đổ đến từ phía Bắc đánh chúng tháo chạy tơi bời. Rồi tên Vua phù thủy, gom hết những gì còn sót từ cuộc đại bại, chạy lên miền Bắc tìm về đất gốc Angmar. Trước khi hắn kịp chạy về Carn Dûm trú nấp, kị đội Gondor đã bắt kịp, Eärnur thúc ngựa phi trước nhất. Cùng lúc đó từ Thung Đáy Khe, một đoàn quân do chúa Tiên Glorfindel dẫn đầu lại tới nơi. Rồi Angmar bị đánh bại tan tành tới mức khắp phía Tây dãy núi Mù Sương, chẳng còn lại lấy một tên người hay Orc quân của hắn.

“Nhưng người ta kể khi tất cả tưởng đã an bài, tên Vua phù thủy thình lình xuất hiện, trùm áo đen, mặt nạ đen, cưỡi trên con ngựa đen. Nỗi sợ bóp nghẹt ai đưa mắt nhìn phải hắn, nhưng hắn chọn ra Chỉ Huy Gondor mà giáng toàn bộ sức nặng của lòng thù hận, và rống tiếng thét kinh khủng hắn tế ngựa thẳng vào ông. Eärnur chắc đã kháng cự được, nhưng con ngựa không chịu nổi lời dọa dẫm; nó quành đi chở ông chạy mất trước khi ông kịp ghìm cương.

“Tên Vua phù thủy trỗi lên cười, và chẳng ai từng nghe giọng ấy lại quên nỗi kinh hoàng đâm xuyên qua họ. Nhưng chính lúc ấy Glorfindel phi tới trên lưng ngựa trắng, tên Vua phù thủy đang dở giọng cười thì quay mình chạy mất hút vào bóng đêm. Vì lúc ấy đêm đã phủ xuống chiến trường, và hắn mất tích, chẳng ai thấy hắn đi đâu nữa.

“Lúc này Eärnur quay lại, nhưng Glorfindel dõi nhìn vào bóng tối thẫm dần mà bảo: ‘Đừng đuổi theo! Hắn sẽ không trở lại đất này đâu. Định mệnh của hắn hãy còn xa xôi lắm, và sẽ không bàn tay người đàn ông nào đánh ngã được hắn.’ Những lời này nhiều người còn ghi nhớ, nhưng Eärnur rất đỗi tức giận, chỉ mong rửa được mối nhục.

“Vậy là kết liễu vương quốc Angmar tà ác; và Eärnur, Chỉ Huy Gondor, rước lấy nỗi căm ghét sâu xa của tên Vua phù thủy; nhưng hãy còn phải nhiều năm nữa điều đó mới được tiết lộ.”