Đời tôi (Tập 1) - Chương 00 - Phần 1
LỜI GIỚI THIỆU
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày tên sát nhân gốc Tây Ban Nha Ra-môn Méc-ca-đe [Ramon Mercader] thực hiện bản án của những ông chủ từ Mạc Tư Khoa dành cho người sáng lập Đệ tứ Quốc tế.
Trong
khi Trốt-xki [Trotsky] còn sống cũng như sau khi ông bị giết, tên tuổi ông
thường xuyên là đề tài bôi nhọ, vu cáo và thóa mạ của những kẻ tự đặt mình dưới
sự dắt dẫn của điện Cẩm Linh.
Độc giả các quốc gia xã hội chủ nghĩa (cũ) nói chung, và Việt Nam nói riêng,
biết rất sơ sài về Trốt-xki. Có thời muốn kết tội một ai, chỉ cần vu cho anh ta
là Trốt-kít! Một thời gian dài, trong những tài liệu tuyên truyền cộng sản, cái
tên Trốt-xki đồng nghĩa với phát-xít, bán nước, phản
cách mạng, chỉ điểm, điệp viên cho đế quốc,...
Vậy, hẳn nhiều người có thể đặt câu hỏi: “Trốt-xki là ai?”
*
Nhắc đến Trốt-xki, những người am tường lịch sử thường nghĩ đến hình ảnh một nhà cách mạng “siêu việt” (chữ của báo chí phương Tây đương thời), lãnh tụ chủ chốt của thợ thuyền Xanh Pê-téc-bua [Saint Pétersbourg] trong các cuộc cách mạng 1905 và 1917 trên cương vị chủ tịch Xô-viết thành phố. Đặc biệt, giữ chức chủ tịch Ủy ban Quân sự Cách mạng, bên cạnh Lê-nin [Lénine], Trốt-xki là người lãnh đạo tối cao của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng Nga năm 1917. Chính Lê-nin về sau cũng phải công nhận: trong những ngày Cách mạng tháng mười, không có người Bôn-se-vích nào hơn Trốt-xki. Là người sáng lập và tổ chức Hồng quân Liên Xô kiêu hùng một thời, Trốt-xki còn có vai trò chính trị và quân sự nổi bật trong thời nội chiến Nga. Không phải ngẫu nhiên mà trong “di chúc chính trị” viết khi lâm trọng bệnh, Lê-nin từng khẳng định: “Về mặt cá nhân, hẳn có lẽ đồng chí ấy[Trốt-xki] là người tài năng nhất trong Ban Trung ương[đảng Bôn-se-vích] hiện nay.”.
Dĩ nhiên những chi tiết này đều bị Xta-lin [Staline] và bè cánh của ông ta xuyên tạc hoặc giấu nhẹm trong những thập kỷ kế tiếp. Chẳng những thế, trong cả ba vụ án ngụy tạo lớn ở Mạc Tư Khoa thời kỳ 1936 – 1938, Trốt-xki còn là bị cáo chính (vắng mặt) với những tội danh bịa đặt như “kẻ cầm đầu mọi tổ chức đối lập”, “người khơi mào và tổ chức chính yếu các hành động khủng bố”,... Mười năm sau ngày thành lập nhà nước Xô-viết mà Trốt-xki là một trong những người có công lớn nhất sau Lê-nin, tên tuổi và hình ảnh ông bị xóa khỏi mọi sách báo, tự điển, tổng luận, phim ảnh.
Vào những năm “cải tổ” và “công khai” cuối thập niên tám mươi ở Liên Xô (cũ), đại đa số các nhà cách mạng Bôn-se-vích bị chết oan uổng dưới triều đại Xta-lin đều được phục hồi danh dự. Nhưng chưa bao giờ Trốt-xki, tác giả những cuốn sách đề cập đến cốt lõi của thể chế Xta-lin-nít như Cuộc cách mạng bị phản bội, Trường phái giả mạo lịch sử kiểu Xta-lin-nít,... được đưa vào danh sách “minh oan” này.
“Chủ
nghĩa Trốt-kít là kẻ thù hung hãn nhất của chủ nghĩa Lê-nin-nít”: đó vẫn là
lời đánh giá chính thức của phe cộng sản “chính thống” Nga.
Ngày nay, theo đánh giá của nhiều sử gia và các nhà nghiên cứu nghiêm túc, Trốt-xki
và chủ thuyết “cách mạng thường trực” của ông là một nhánh đặc biệt trong lịch
sử những phong trào cách mạng Mác-xít. Trong sự nghiệp chính trị của ông, nhân tố “người
anh hùng cô đơn” luôn tồn tại như một nét chủ đạo. Trốt-xki “cô đơn”, vì trong
mọi trường hợp, ông đều cấp tiến và đều theo đuổi những giải pháp độc đáo so
với thời đại ông sống. Về căn bản, nhiều ý tưởng và vấn đề ông đặt ra, cho đến
nay vẫn còn nguyên tính thời sự và đáng để chúng ta suy ngẫm.
*
Có điều, nếu chỉ nhìn nhận Trốt-xki như một chính khách xuất sắc - có tầm nhìn chiến lược sáng suốt, sâu rộng và nhiều khi có những ý tưởng vượt thời đại - thì dẫu đúng nhưng chưa đủ. Người ta đã không quá lời khi nói rằng Trốt-xki còn là một cây bút siêu việt. Nói về tài diễn thuyết của Trốt-xki, Lu-na-trác-xki [Lounatcharsky] cho rằng ông là diễn giả “cừ khôi nhất thời đại” với những bài phát biểu đậm tính văn chương. Phải nói rằng, tài văn chương của Trốt-xki, có lẽ không thua kém tài diễn thuyết của ông là bao.
Một đặc điểm nổi bật là các nhà chính trị cách mạng Mác-xít nổi tiếng nửa cuối thế kỷ trước và đầu thế kỷ này thường là những học giả, những cây bút xuất sắc trên báo chí. Mặt mạnh của họ cố nhiên là ở các bài viết, bài luận về đề tài triết học hay chính luận: với mục đích “tải đạo” (theo nghĩa tuyên truyền những ý tưởng, những đường lối của bản thân họ hay đảng họ). Trong một thời kỳ mà bạo lực chưa được coi là liều thuốc chính yếu để chữa mọi căn bệnh, nhiều khi một cuốn sách sắc sảo, một bài báo đanh thép có tác động mạnh đến xã hội đương thời hơn súng đạn.
Về mặt này, Trốt-xki không thuộc ngoại lệ. Nói về sự nghiệp cầm bút của ông, cần phải nhấn mạnh rằng trước hết ông là một nhà báo chính luận tài ba. Trong đời hoạt động cách mạng chìm nổi, Trốt-xki từng là chủ nhiệm, đồng thời ông cũng là cộng tác viên và là cây bút chủ lực của nhiều tờ báo, tạp chí Nga ngữ như Tạp chí phương Đông, Bình minh, Tia lửa, Báo nước Nga, Buổi đầu, Sự thật, Tư tưởng Ki-ép [Kiev], Tiếng nói của chúng ta, Thế giới mới... (trước năm 1917) và Thông tin Đối lập... (sau ngày bị trục xuất khỏi Nga). Trong số đó, không ít tờ có tiếng vang lớn cả ở Tây Âu. Ngoài ra, trong thời gian sống lưu vong ở nước ngoài, Trốt-xki cũng viết thường xuyên cho báo chí xã hội Pháp, Đức, Áo, Ba Lan,... với phong cách được giới hiểu biết đương thời đánh giá là “chói lọi”, “quyến rũ” và “xuất chúng”. Bản thân Lê-nin - ngay trong lần đầu gặp gỡ - cũng phải thừa nhận chàng trai hai mươi tư tuổi Trốt-xki là một “ngòi bút” (Pi-ê-rô) [Péro] “có năng lực phi thường” (Pi-ê-rô là biệt danh do các đồng sự dành cho Trốt-xki, bằng chứng công nhận bút lực lớn lao của ông).
Nếu không tham gia phong trào công nhân và cách mạng, rất có thể Trốt-xki đã trở thành một văn sĩ thuần túy. Nhưng, hoạt động tuyên truyền và tổ chức phong trào từ thủa thanh niên cùng những ngày tháng tù đày biệt xứ đã biến ông thành một nhà cách mạng chuyên nghiệp. Từ đó trở đi, nói chung, Trốt-xki thường dùng cây bút của mình như một vũ khí sắc bén trên chính trường (như lời bộc lộ của chính ông: “Kể từ năm 1897, tôi chiến đấu chủ yếu bằng ngòi bút. Thành thử, lịch sử đời tôi đã đọng lại trên những trang in hầu như liên tục trong suốt ba mươi hai năm.”).
Vốn có học thức sâu rộng, thông thạo nhiều ngoại ngữ, Trốt-xki không ngừng trau dồi tầm hiểu biết của mình qua sách vở thuộc đủ các thể loại trong những năm lưu lạc qua Áo, Đức, Thụy Sĩ, Anh, Pháp, Hung-ga-ri [Hongrie], Mỹ, Ca-na-đa [CaNa-da]... trước Cách mạng tháng mười 1917. Chính vì thế, những bài viết của ông không chỉ bó gọn trong khuôn khổ chính trị, ý thức hệ, đảng phái...: các tác phẩm của ông về đời sống nông dân Nga, xã hội Nga, văn hóa Nga... cũng đều có giá trị không nhỏ. Cạnh đó, tác phẩm Văn học và cách mạng cho ta thấy một quan niệm rộng rãi, bao dung về mối quan hệ giữa văn nghệ và quyền uy, rất khác (và có nhiều nét trái ngược) với chính sách văn nghệ ở nhiều xứ cộng sản theo mô hình Xta-lin-nít. Đó là chưa nói đến những diễn giải mang tính phê bình về lịch sử văn học Nga với nhiều sắc thái rất “đặc thù” Trốt-xki.
Dĩ nhiên, một độc giả bình thường không quan tâm đến chính trị cùng mọi khái niệm phức tạp và rối rắm của nó, hẳn sẽ đặt câu hỏi: “Trốt-xki có một văn nghiệp ‘thuần túy’ không?”. Đây là điều cần khẳng định, đồng thời cũng là một “điểm son” khiến Trốt-xki có chỗ đứng cao hơn trên văn đàn so với các chính trị gia, triết gia... chỉ viết những tác phẩm mang nội dung chính luận.
Từ những năm còn rất trẻ, Trốt-xki đã có nhiều tiểu luận văn học đặc sắc về các văn hào cổ điển Nga như Goóc-ki [Gorki], An-đrây-ép [Andréiev], về các nhà văn phương Tây như Íp-xen [Ibsen], Hao-tman [Hauptmann] hay Mô-pát-xăng [Maupassant]. Phải nói con mắt sắc sảo của Trốt-xki đã khiến ông có biệt tài trong thể loại “chân dung văn học” này: về sau, Trốt-xki còn nhiều phác thảo rất hay và đậm tính thơ về các văn hào (Mai-a-cốp-xki [Maiakovsky], Goóc-ki, Man-rô [Malraux]...), bạn bè, đồng chí và người thân (Lu-na-trác-xki, Cơ-rúp-xcai-a [Kroupskaia], Ri-a-da-nốp [Riazanov], Lép Xê-đốp [Léon Sedov]...). Với kẻ thù, địch thủ của mình (Xta-lin, I-a-gô-đa [Iagoda]...), ông cũng có những biếm họa tỉnh táo và sắc nét. Ngay trong Đời tôi, người đọc cũng hay gặp những bức chân dung, nhiều khi ngắn gọn mà rất đủ ý và hóm hỉnh. Đây là sở trường chính của ông.
Nhưng, muốn hiểu rõ tư cách con người cũng như văn phong, nghệ thuật cầm bút của Trốt-xki, không gì hơn là đọc Đời tôi, một cuốn sách thuộc thể loại văn - hồi ký mà tác giả đã cho ra đời từ đầu thập niên ba mươi. Giới sử học tìm thấy ở đây nguồn tư liệu vô cùng quý giá về cách mạng Nga và những người khởi sự nó. Đối với độc giả “ngoại đạo” thông thường, cuốn sách cũng có thể đem đến nhiều thông tin, dữ kiện bổ ích về một thời kỳ tuy đã xa vời, nhưng vẫn có những tác động không nhỏ đến thời đại chúng ta đang sống. Đặc biệt, Đời tôi rất có ích cho thế hệ thanh niên, muốn tìm hiểu quá khứ trên căn bản tài liệu và sự thực.
*
Viết hồi ký - trong đó cố làm đẹp và biện minh cho những thất bại hay sai lầm của mình trong quá khứ - là việc làm thường thấy và dễ hiểu của các chính khách, các lãnh tụ cao cấp khi họ không còn ở tột đỉnh của quyền lực. Nhưng Đời tôi của Trốt-xki, xét trên nhiều phương diện, là một cuốn hồi ký đặc biệt. Được viết khi các sự kiện còn nóng hổi và tác giả cuốn sách còn theo đuổi một cuộc đấu tranh không khoan nhượng, khi đa số các nhân vật chính còn sống - thậm chí còn hoạt động chính trị tích cực - Đời tôi vừa trung thực, vừa mang tính luận chiến sắc sảo, khác những tự truyện của các chính khách về già, không còn quan hệ với “đời”, viết sách chỉ nhằm “trà dư tửu hậu” và ngầm ca ngợi bản thân.
Trong số những địch thủ của Xta-lin, có lẽ Trốt-xki là người duy nhất có thời gian và điều kiện để viết lại cuộc đời mình cùng mọi thăng trầm của cuộc cách mạng Nga: đa số các yếu nhân khác của đảng Cộng sản (Bôn-se-vích) Liên Xô như Ca-mê-nhép [Kamenev], Di-nô-vi-ép [Zinoviev], Bu-kha-rin [Boukharine], Rư-cốp [Rykov], Ra-đéc [Radek],... hoặc bị hành quyết sau những phiên tòa ngụy tạo (mặc dù đã quy phục, “hối cải” và trở thành con rối trong tay bộ máy đàn áp khổng lồ G.P.U. -N.K.V.D.), hoặc gục ngã trong lao tù của “nhà độc tài đỏ”.
Ngành mật vụ của Xta-lin đã phạm sai lầm gây tai hại lớn cho họ khi cho phép Trốt-xki rời Liên Xô được mang theo toàn bộ những thư từ, giấy tờ cá nhân của ông. Được lưu trữ trong các kho văn khố và thư khố ở Bốt-xtôn [Boston], Xten-pho [Stanford] và Am-xtéc-đam [Amsterdam], những tư liệu đó vô cùng quý báu và không thể thiếu được cho các sử gia cũng như những người muốn tìm hiểu về phong trào công nhân và cách mạng Âu châu đầu thế kỷ XX nói chung, cũng như cách mạng Nga và Trốt-xki nói riêng. Những văn kiện ấy đã giúp Trốt-xki một phần không nhỏ trong quá trình viết hồi ký.
Trong di cảo để lại của Trốt-xki, chúng ta đuợc biết ông đã có ý định viết những hồi tưởng về cuộc đời mình ngay trong thời kỳ bị đày ải và lưu trú tại An-ma A-ta [Alma Ata] (đầu tháng 2 năm 1928). Mùa xuân năm 1989, kho thư khố Am-xtéc-đam công bố một bài viết bằng tiếng Nga dài bảy trang của Trốt-xki, có dáng dấp một bản tiểu sử tự thuật. Dường như đó chính là dàn ý đầu tiên cho cuốn hồi ký đồ sộ sau này.
Trốt-xki khởi sự công việc vào giữa hè năm 1928 theo lời khuyên của Prê-ô-bơ-ra-gien-xki [Préobrajensky]. Cuốn hồi ký cũng được Ra-cốp-xki [Rakovsky] tán đồng, trong một lá thư gửi Trốt-xki được lưu trữ trong kho tư liệu ở Bốt-xtôn, ông coi nó rất có ý nghĩa về mặt nguyên tắc. Trong vòng gần một năm tại An-ma A-ta, Trốt-xki đã hoàn thành chừng một phần ba Đời tôi: ông hoàn tất những chương về thời niên thiếu và thanh niên, về hai lần đi đày ở Xi-bê-ri [Sibérie]. Xét về mặt văn học, có thể nói rằng đây là phần tươi tắn nhất, nhuần nhuyễn nhất và chứa nhiều dấu ấn cá nhân nhất trong cuốn hồi ký.
Ngày 18-1-1929, theo quyết định của Ban Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô, cơ quan mật vụ G.P.U. buộc Trốt-xki lập tức phải rời khỏi quê hương bởi “những hoạt động chống chính quyền Xô-viết”(!) của ông. Sau khi bị “các nền dân chủ Tây Âu” khước từ, Trốt-xki đến Côn-xta-ti-nốp [Constantinople] (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 12-2-1929, rồi định cư ở đảo Prin-ki-pô [Prinkipo].
Với sự trợ giúp của vợ (Na-ta-li-a Xê-đô-va [Natalia Sédova]) và con trai (Lép Xê-đốp), Trốt-xki bắt tay ngay vào việc bổ sung những phần đã khởi thảo và viết tiếp những chương mới của Đời tôi. Ông dự định sẽ cho ra đời cuốn sách đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ năm mươi ngày sinh của mình năm 1929. Để thực hiện dự kiến gấp gáp ấy, Trốt-xki có một phương thức làm việc độc đáo và khá... “khoa học”: như lời thuật lại của một sử gia, cạnh ngòi bút, ông còn làm việc với... hồ dán và kéo! Chẳng hạn, câu chuyện về cuộc vượt ngục từ Xi-bê-ri lần thứ hai, vốn viết từ năm 1907 (trong cuốn sách 1905, rất được ưa chuộng trong thời kỳ lưu vong), nay được chép lại hầu như y nguyên trong hồi ký (trừ một số chi tiết nhỏ mà ông cố tình viết khác đi trong lần xuất bản trước để đánh lạc hướng cảnh sát Nga hoàng). Tương tự như vậy, những tình tiết về vụ trục xuất khỏi Tây Ban Nha năm 1916 - tạp chí Đất hoang đỏ đăng tải đầu thập niên hai mươi và sau đó, được xuất bản dưới dạng sách có minh họa - cũng được ông đưa toàn vẹn, không chút sửa đổi vào Đời tôi. Một số trang cuối của cuốn sách cũng từng được ra mắt trên tờ Thông tin Đối lập số tháng 7 năm 1929. Cạnh đó, già nửa số trang viết về Lê-nin trong cuốn hồi ký là một phần tác phẩm mang tên Lê-nin của ông, do Nhà xuất bản Quốc gia Mạc Tư Khoa ấn hành năm 1924.
Trong số những phần cuối của Đời tôi, có khá nhiều đoạn do vợ và con trai Trốt-xki viết. Khi còn ở An-ma A-ta, ông đã đề nghị Lép và Na-ta-li-a ghi chép lại đầy đủ mọi chi tiết cần thiết. Trong hồi ký, những đoạn này được Trốt-xki đưa vào ngoặc kép và nêu rõ xuất xứ; tất nhiên, chúng đã được chỉnh lý kỹ càng trong thời gian gia đình Trốt-xki cư ngụ trên đảo Prin-ki-pô. Phải nhấn mạnh sự trợ giúp đáng kể của Xê-đốp trong những trang viết của Trốt-xki: theo chính lời ông, “sự cộng tác của anh [Xê-đốp] thật vô giá” và “thực ra, trong hầu hết những sách vở tôi viết sau năm 1928, cạnh tên tôi cần đề thêm tên Xê-đốp nữa”.
Như đã nói ở trên, Trốt-xki tự đặt cho mình một thời hạn rất gấp rút để hoàn tất cuốn hồi ký. Ông ký khá nhiều hợp đồng với các tòa báo lớn ở châu Âu cho việc đăng tải Đời tôi. Do thời gian bó buộc, thoạt tiên Trốt-xki không định viết kỹ lưỡng về thời kỳ sau Cách mạng tháng mười (1917); ta có thể nhận biết điều này qua mục lục và dàn ý đầu tiên còn lưu lại trong bản thảo Đời tôi. Nhưng do việc ấn loát tại Đức bị chậm trễ, đến cuối năm 1929, chỉ mới có Quyển một của cuốn sách được ra đời. Càng ngày, bản thảo càng được bổ sung bằng những dữ liệu, sự kiện mới nhất: Trốt-xki viết thêm nhiều chương mới phản ánh cuộc đấu tranh chống lại Xta-lin của ông và các cộng sự. Cứ như thế, Quyển hai đồ sộ hơn nhiều so với dự kiến và người đọc có cảm tưởng dù ở xa, Trốt-xki vẫn theo sát và cập nhật tình hình chính trị của đất nước Xô-viết đương thời.
Bản tiếng Nga của Đời tôi do Nhà xuất bản Granit (Berlin) ấn hành lần đầu năm 1930. Trong vòng vài năm ngắn ngủi, cuốn sách được dịch ra hai mươi thứ tiếng, trong đó có tiếng Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hà Lan, Trung Hoa, Nhật Bản và Do Thái. Những người hâm mộ Trốt-xki còn dịch vài chương của cuốn sách ra Quốc tế ngữ và in thành những tập nhỏ để giáo dục con cái. Chiến dịch tuyên truyền cho Đời tôi trên báo chí cũng đạt được mục đích: vài nhà xuất bản năng động không chờ nguyên bản tiếng Nga mà dịch gấp cuốn sách từ những bản gián tiếp như Anh ngữ hay Đức ngữ. Đặc biệt, Đời tôi rất được phổ biến ở Đức: cuốn sách có mặt trong hầu hết các quầy sách ở nước này do sự vận động và giới thiệu của Phơ-ran-xơ Phem-phe [Franz Pfemfert], chủ nhiệm tạp chí Die Aktion, một môn đệ của chủ nghĩa Trốt-kít.
Tuy nhiên, cuốn sách cũng làm nhiều kẻ điên đầu. Báo chí cực hữu - cũng như báo chí “cộng sản” Tây Âu - tìm mọi cách bôi nhọ Trốt-xki và thuyết phục độc giả tẩy chay cuốn hồi ký. Ở Liên Xô, người ta nói và bàn tán nhiều về Đời tôi, nhưng đọc và truyền bá cuốn sách bị coi như trọng tội. Cũng ít ai được thấy tận mắt cuốn sách của ông. Nhưng trong số sách vở ấn hành ở Tây Âu của Trốt-xki, đây là tác phẩm duy nhất lọt về Nga: vào thập kỷ ba mươi, một số ít văn nghệ sĩ và lãnh đạo đảng, nhà nước Xô-viết còn được ra nước ngoài, chính họ giấu giếm và mang lậu cuốn hồi ký về nước.
*
Đời tôi được chia làm hai phần với số trang gần tương đương.
Quyển một (Chương I - Chương XXIII) bao gồm những sự kiện trong vòng ba mươi tám năm, từ ngày cậu bé Brôn-sten [Bronstein] cất tiếng khóc chào đời (ngày 8-11-1879) tại một làng nhỏ thuộc chính phủ Khéc-xôn [Kherson] (U-cơ-rai-na [Ukraine]) đến khi Trốt-xki trở về Nga sau những năm dài lưu vong, trên cương vị một nhà cách mạng ưu tú, được ưa chuộng nhất thời ấy.
Quyển một chứa nhiều trang rất sinh động và hấp dẫn, đó là phần thành công nhất của tác phẩm, xét về mặt văn chương. Chúng ta đọc Trốt-xki thoải mái nhất khi ông đi thẳng vào những vấn đề cụ thể: trong những đoạn ấy, có thể thưởng thức trực tiếp phong cách hóm hỉnh, ý nhị và và trong sáng của tác giả. Trong một số đoạn tả cảnh, tả tình hay độc thoại, đối thoại, ta có cảm giác như đang đọc một tác phẩm văn học thực thụ chứ không phải một hồi ký thuần túy. Các trang sách về thời thơ ấu, thuở đến trường, về những năm tháng đầu trên con đường cách mạng của Trốt-xki là những đoạn như vậy.
Quyển hai (Chương XXIV - Chương XLV) bắt đầu với những ngày sôi động của Cách mạng tháng mười 1917 và kết thúc bằng cảnh nhà cách mạng - ở tuổi ngũ tuần - bị lưu đày và lang bạt trên những xứ sở xa lạ, với niềm tin mãnh liệt pha chút cay đắng về lý tưởng của mình.
Trong phần này, người đọc có dịp tìm hiểu kỹ những sự kiện phức tạp diễn ra trên chính trường Nga - Liên Xô. Thoạt đầu là cuộc Cách mạng tháng hai (năm 1917) khiến nước Nga đứng trước tình trạng “nhị quyền”, đến thắng lợi của Cách mạng tháng mười, đưa chính quyền vào tay đảng Bôn-se-vích, một chính đảng nhỏ nhưng biết lợi dụng thời cơ, có chiến thuật linh hoạt và kỷ luật nghiêm thích hợp với hoàn cảnh. Kế đó là những năm nội chiến đẫm máu, khi nhà nước Xô-viết non trẻ đứng trước cảnh “thù trong, giặc ngoài”, đến thời kỳ hòa bình với những khó khăn chồng chất. Trốt-xki dành nhiều trang nói về những tranh chấp quyền lực trong nội bộ thượng đỉnh đảng Bôn-se-vích sau khi Lê-nin mất, kết cục dẫn đến thất bại của phe “Tả đối lập” trước tập đoàn quan liêu Xta-lin-nít, khiến người đứng đầu phe này bị đày ải và trục xuất khỏi Liên bang Xô-viết.
Quyển hai là một nguồn tư liệu khả tín về những gì xảy ra trong hậu trường đảng Bôn-se-vích Liên Xô, vốn bị bè phái của Xta-lin giấu bặt trong nhiều thập kỷ liền. Đọc phần này (và cuốn Cuộc cách mạng bị phản bội về sau), độc giả có thể hiểu thể chế độc tài quan liêu Xta-lin-nít đã phản bội cuộc Cách mạng tháng mười như thế nào, và tại sao Liên bang Xô-viết không tiến triển như ý muốn của những người đã sáng lập ra nó.
*
Vài lời về hình thức nghệ thuật và nội dung cuốn hồi ký.
Đọc Đời
tôi, ta có thể thấy sự khác biệt trong hình thức và chất lượng giữa các
chương, các phần của cuốn sách.
Văn phong của tác giả thay đổi tùy theo từng đoạn, khi thì mang phong thái
trong sáng của văn học cổ điển Nga, khi thì khô khan do sự pha trộn với văn
phong đặc trưng cho các văn kiện Mác-xít kinh điển với những ngôn từ của phong
trào công nhân và xã hội đầu thế kỷ XX.
Trong Đời tôi, ta thấy tác giả hiểu biết chính xác diễn tiến của cách mạng Nga thời kỳ “hậu chiến”, khi Lê-nin bị thất bại nặng nề trước Xta-lin và bộ máy quan liêu của đảng. Nhưng qua cuốn sách, Trốt-xki không hề đả động đến chuyện ông đã không đứng dứt khoát về phía Lê-nin - lúc ấy đang lâm trọng bệnh - như mọi lần, mỗi khi ông đồng tình với Lê-nin.
Qua các trang sách của Đời tôi, người đọc có thể ngạc nhiên về giọng văn khá “cầm chừng”, xa lạ với phong cách “nảy lửa” của Trốt-xki, khi ông tố cáo những sai lầm và tội ác của ban lãnh đạo đảng Cộng sản Liên Xô. Ông không nói về tình cảnh đất nước sau khi Lê-nin mất, về âm mưu, thủ đoạn và các hành vi của Xta-lin, về những quyết định “mật” của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Liên Xô... Có giả thuyết cho rằng vào thời kỳ ấy, Trốt-xki còn nghĩ đến việc trở về. Ông cho rằng những mâu thuẫn nội tại trong ban lãnh đạo đảng - nhất là sự đối đầu giữa Xta-lin và Bu-kha-rin - sẽ dẫn đến khủng hoảng không lối thoát, và trong tình hình như vậy ông sẽ có điều kiện trở lại chính trường. Ngoài ra, Trốt-xki còn cân nhắc kỹ lưỡng để ngòi bút của ông khỏi bị lợi dụng, chống lại những lợi ích của Liên Xô.
*
Bản dịch này được dựa chủ yếu vào bản Pháp ngữ, có tham khảo, đối chiếu, chỉnh lý và hiệu đính theo bản tiếng Hung-ga-ri. Để độc giả có điều kiện hiểu rõ và tường tận hơn về những nhân vật, sự kiện và khái niệm - nhiều khi phức tạp và xa lạ - của thủa xa xưa, chúng tôi mạnh dạn bổ sung Đời tôi bằng các chú giải không có trong nguyên tác.
Cho đến nay, đánh giá di sản chính trị và tinh thần, cũng như hệ tư tưởng và lý thuyết của Trốt-xki vẫn là đối tượng quan tâm của nhiều người. Điều chắc chắn là tấn thảm kịch Trốt-xki vẫn để lại nhiều thông điệp đáng lưu tâm cho thời đại chúng ta.
Khi
người đọc cầm trên tay ấn bản Việt ngữ đầu tiên của cuốn sách thì Đời
tôi đã sắp được bảy mươi lăm tuổi.
Năm mươi bảy năm sau ngày bị thảm sát, tác giả cuốn sách này vẫn chưa hề được
khôi phục chính thức ngay tại quê hương mình.
Một sự chậm trễ kép mang tính trớ trêu của lịch sử!
Nhưng, xét cho cùng, Trốt-xki không cần ai phục hồi danh dự cho mình. Cuộc đời
của ông, sự nghiệp của ông cùng những tác phẩm ông để lại cũng đủ chứng minh
giá trị đích thực của ông, người đã từng cống hiến đời mình cho lý tưởng cộng
sản và phấn đấu tới cùng chống lại những kẻ phản bội nó như Xta-lin.
Tháng chín năm 1997 Hoàng Nguyễn