Đời tôi (Tập 1) - Chương 00 - Phần 2
QUYỂN THỨ NHẤT
TỰA
Thời đại chúng ta, một lần nữa, có quá nhiều những hồi ký, có lẽ nhiều hơn bao giờ hết. Bởi vì có biết bao nhiêu chuyện để kể. Thời đại càng nhiều kịch tính bao nhiêu thì lịch sử đương đại lại càng được quan tâm bấy nhiêu. Nghệ thuật vẽ tranh phong cảnh đã không thể nảy sinh ở sa mạc Xa-ha-ra [Sahara]. Các thời kỳ “chồng chéo” như hiện nay tạo ra nhu cầu phải nhìn nhận ngày hôm qua, giờ đã trở nên xa xôi, dưới con mắt những kẻ đã tích cực tham gia vào đó. Điều này giải thích sự nở rộ của thể văn hồi ký kể từ cuộc chiến tranh sau chót. Và đây cũng có thể là lý do của cuốn sách này.
Cuốn sách được ra đời nhờ một lần tạm nghỉ trong sự nghiệp hoạt động chính trị sôi động của tác giả. Côn-xtan-ti-nốp đã trở thành một chặng bất ngờ, tuy không ngẫu nhiên của đời tôi. Tôi dựng một lều trại tạm thời ở đây, không phải là lần đầu, và kiên nhẫn đợi chờ những gì sẽ xảy ra. Hoàn toàn không thể tưởng tượng nổi cuộc đời một nhà cách mạng nếu thiếu một chút vẻ “định mệnh” nào đó. Dù sao đi nữa, khúc chuyển hồi ở Côn-xtan-ti-nốp là khoảng khắc thuận lợi nhất để nhìn lại phía sau, chừng nào các tình huống còn chưa cho phép tôi tiếp bước.
Thoạt đầu, tôi đã viết những phác thảo tự thuật ngắn cho báo chí và tôi cho rằng thế cũng đủ. Phải ghi nhận ngay là từ chốn lưu đầy này, tôi không theo dõi được tác động của những bài viết ấy đến độc giả. Nhưng mọi công việc đều có cái luận lý riêng của nó. Tôi chỉ cảm thấy điều này khi sắp hoàn thành các bài viết. Khi ấy, tôi quyết định sẽ viết một cuốn sách. Tôi chọn một cung bậc khác, rộng hơn rất nhiều và làm lại từ đầu. Điểm chung duy nhất giữa những bài báo và cuốn sách này là chúng cùng chung một đề tài. Trên mọi phương diện khác, đó là hai tác phẩm riêng biệt.
Tôi đặc biệt giành nhiều thời gian để nói kỹ lưỡng về giai đoạn hai của cách mạng Xô-viết, mở đầu bằng việc Lê-nin ốm và một chiến dịch chống “chủ nghĩa Trốt-kít” được công bố. Như bạn đọc sẽ thấy, cuộc đấu tranh giành quyền lực của những kẻ kế nghiệp bất tài không thể coi là đụng độ cá nhân. Nó mở ra một chương mới trong chính trị: đó là sự phản bội cuộc Cách mạng tháng mười và chuẩn bị cho một Téc-mi-đo [Thermidor]. Từ đó, nghiễm nhiên suy ra lời giải đáp cho câu hỏi mà người ta hay đặt cho tôi: “Ông đã để mất quyền lực như thế nào?”.
Tự truyện chính trị của một nhà cách mạng nhất thiết phải đụng chạm đến nhiều vấn đề lý luận có liên quan một phần đến sự phát triển xã hội của nước Nga và một phần đến toàn thể nhân loại, nhất là về những giai đoạn gay go được gọi là cách mạng. Lẽ cố nhiên, trong khuôn khổ cuốn sách này, tôi không thể xem xét đến cùng những vấn đề lý thuyết phức tạp ấy. Ví dụ như lý thuyết về cách mạng thường trực - một học thuyết đã đóng vai trò lớn lao trong đời tôi, và điều quan trọng hơn, hiện đang có tính thời sự sâu sắc tại các nước phương Đông - đã xuyên suốt cuốn sách như một nét nhạc chủ đạo vang vọng từ xa. Nếu độc giả nào chưa hài lòng về điều này, tôi có thể nói rằng tôi sẽ phân tích các vấn đề của cách mạng trong một cuốn sách riêng biệt, ở đó tôi sẽ thử tổng kết mọi kinh nghiệm quan trọng nhất mang tính lý thuyết của những thập niên cuối này.
Vì trong những trang sách của tôi sẽ xuất hiện vô số chính khách và không phải bao giờ họ cũng được mô tả dưới thứ ánh sáng họ mong muốn, cho bản thân hoặc cho đảng của họ, hẳn trong số đó thế nào cũng có nhiều người cho rằng câu chuyện của tôi thiếu tính khách quan cần thiết. Ngay việc tôi công bố một số đoạn của cuốn sách này trên báo chí cũng đã gây nên nhiều ý kiến phản đối. Đây là điều không tránh khỏi. Chắc chắn, nếu hồi ký này chỉ đơn thuần là một phiên bản của đời tôi - điều mà tôi không hề muốn - thì nó cũng đã đủ để gây nên những bất đồng quan điểm bắt nguồn từ các cuộc xung đột được nhắc đến ở đây. Nhưng tập sách này không phải là bản sao tấm hình vô tri, mà là bộ phận cấu thành của đời tôi. Qua những trang sách, tôi tiếp tục cuộc chiến đấu mà tôi đã hiến dâng cả đời mình. Khi trình bày, tôi vừa phân tích và đánh giá; khi kể, tôi tự vệ và trong nhiều trường hợp tôi còn tấn công. Tôi cho rằng đó là cách duy nhất để một bản tự truyện có tính khách quan dưới một ý nghĩa cao hơn, tức là làm cho nó biểu đạt con người, hoàn cảnh và thời đại một cách thích đáng nhất.
Trong trường hợp này, tính khách quan không phải là sự lãnh đạm giả tạo, sự giả dối trước bè bạn và kẻ thù, gián tiếp gợi ý bóng gió cho độc giả những điều mà người viết cảm thấy bất tiện khi phải nói thẳng tuột ra. Kiểu khách quan ấy không khác gì thứ cạm bẫy của giới thượng lưu. Tôi không cần đến nó. Khi tôi buộc phải nói về mình - cũng chưa từng thấy ai viết tự truyện mà lại không nói về mình - thì không có lý do nào để tôi phải che giấu những cảm tình hay ác cảm, tình yêu hay lòng căm thù của tôi.
Đây là một cuốn sách luận chiến, phản ánh tính năng động của một đời sống xã hội được thiết lập trên nền tảng những mâu thuẫn. Học trò láo xược với thầy giáo; những lời chua chát đầy ganh tị được che đậy bằng bề ngoài thân thiện trong phòng khách; sự cạnh tranh không ngừng trên chốn thương trường; cuộc chạy đua điên cuồng trong mọi lĩnh vực kỹ thuật, khoa học, nghệ thuật, thể thao; các mâu thuẫn quyền lợi sâu sắc lúc lên lúc xuống ở chốn nghị trường; cuộc chiến dữ dội hàng ngày của báo chí; những cuộc đình công của thợ thuyền; súng nổ vào những người biểu tình; bọc chứa đầy thuốc nổ mà các nước láng giềng văn minh gửi cho nhau bằng đường hàng không; những ngọn lửa nội chiến hầu như không bao giờ tắt trên hành tinh của chúng ta - tất cả đều là những dạng khác nhau của cuộc “luận chiến” xã hội, từ tính chất thường nhật, tự nhiên, bình dị, hầu như không nhận ra nổi mặc dầu tính căng thẳng của nó, cho đến thứ luận chiến được đẩy tới những thái cực bùng nổ như núi lửa và các cuộc chiến tranh, cách mạng. Thời đại chúng ta đang sống như thế đó. Chúng ta sinh ra, hít thở và trưởng thành cùng với nó. Làm sao có thể không luận chiến, nếu muốn trung thành với “tổ quốc trong thời gian” của mỗi chúng ta?
Nhưng có một tiêu chuẩn khác sơ đẳng hơn: sự thành thật, đơn giản khi trình bày các sự việc. Tựa như cuộc đấu tranh cách mạng triệt để nhất cũng không thể bỏ qua những tình huống thời gian và hoàn cảnh, tác phẩm mang tính luận chiến nhất cũng cần giữ những tỷ lệ nhất định giữa người và việc. Tôi muốn hi vọng rằng tôi đã chú trọng đến đòi hỏi đó, trong toàn thể và trong cả những chi tiết.
Ở vài trường hợp nhất định, thật ra không nhiều, tôi thuật lại những cuộc nói chuyện dưới hình thức đối thoại. Sau từng ấy năm, không ai có thể đòi hỏi người viết kể lại những cuộc đàm thoại đúng từng câu, từng chữ. Tôi cũng không có ý định ấy. Một vài cuộc đối thoại chỉ mang tính tượng trưng. Nhưng trong đời mỗi người, có những lúc, những khoảng khắc mà một vài cuộc trò chuyện này khác đặc biệt khắc sâu trong trí nhớ của họ. Thông thường, người ta không chỉ kể lại một đôi lần những cuộc nói chuyện như thế với người thân hay bạn hữu chính trị, thành thử chúng đọng lại trong tâm tưởng. Cố nhiên, ở đây trước hết tôi nghĩ đến các cuộc nói chuyện chính trị.
Tôi muốn lưu ý bạn đọc rằng tôi thường tin tưởng vào trí nhớ của mình. Những lời trần thuật của tôi đã nhiều lần trải qua các kiểm nghiệm khách quan và đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, ở điểm này tôi thấy cũng cần giải thích đôi chút. Nếu trí nhớ của tôi về địa thế - chưa kể đến trí nhớ về âm nhạc - là khá kém, còn trí nhớ thị giác cũng như ngôn ngữ học là khá bình thường thì trí nhớ của tôi về tư tưởng lại vượt xa mức trung bình. Vả lại, trong cuốn sách này, các tư tưởng cùng sự phát triển của chúng và cuộc đấu tranh của con người cho các tư tưởng đó nói chung lại chiếm phần chủ yếu.
Quả thật, trí nhớ không phải là một cái máy đếm tự động. Nó cũng hoàn toàn không vô tư. Nhiều khi, nó làm nổi bật lên, hoặc nhấn chìm vào ngõ tối những tình tiết bất lợi cho bản năng sinh tồn của nó, lắm lúc nó làm thế chỉ vì tự ái. Nhưng chuyện này lại thuộc về lĩnh vực “phân tâm học”, một môn nhiều khi thâm thúy và bổ ích nhưng lắm lúc cũng thất thường và độc đoán.
Thiết nghĩ khỏi phải nói rằng tôi đã không ngừng kiểm tra hồi ức của mình bằng các tư liệu. Cho dù các điều kiện làm việc của tôi có khó khăn đến mấy đây là nói về sự tìm tòi trong các thư viện và kho lưu trữ - tôi vẫn có khả năng kiểm nghiệm lại những hoàn cảnh và những thời điểm trọng yếu nhất khi cần đến.
Kể từ năm 1897, tôi chiến đấu chủ yếu bằng ngòi bút. Thành thử, lịch sử đời tôi đã đọng lại trên những trang in hầu như liên tục trong suốt ba mươi hai năm. Cuộc đấu tranh giữa các khuynh hướng trong đảng từ năm 1905 rất phong phú về mặt tình tiết cá nhân. Không ai nương nhẹ những ngón đòn, kể cả tôi lẫn các đối thủ. Tất cả mọi điều này đã để lại dấu ấn trên báo chí. Từ ngày Cách mạng tháng mười diễn ra, lịch sử phong trào cách mạng chiếm vị trí đáng kể trong những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Xô-viết trẻ tuổi và các học viện lớn. Người ta tìm tòi tất cả những gì đáng chú ý trong các kho lưu trữ cách mạng, trong các ban ngành của cảnh sát Nga hoàng, rồi công bố chúng cùng với các chứng cớ hiển nhiên và chi tiết. Trong những năm đầu tiên, khi chưa cần phải che giấu hoặc ngụy trang gì, công việc ấy đã được hoàn tất một cách hết sức tận tâm. Các tác phẩm của Lê-nin và một phần các tác phẩm của tôi được Nhà xuất bản Quốc gia ấn hành, mỗi tập lại kèm theo những chú giải đầy đủ và cần thiết về sự nghiệp của tác giả, cũng như về mọi sự kiện thuộc giai đoạn tương ứng. Dĩ nhiên, việc này giúp tôi thiết lập dễ dàng một mạng lưới thời gian chính xác và tránh được những sai lầm trong sự việc, ít ra là những sai lầm thô thiển nhất.
Không thể phủ nhận rằng cuộc đời tôi đã không hoàn toàn theo dòng chảy thường lệ. Nhưng, phải tìm những nguyên nhân của điều đó trong các hoàn cảnh thời đại chứ không phải trong bản thân tôi. Cố nhiên, cũng có một số nét cá nhân trong những công việc tốt hay xấu mà tôi đã thực hiện. Có điều, trong những điều kiện lịch sử khác, những đặc tính cá nhân ấy có thể chìm đắm trong giấc ngủ ngon lành, cũng như vô số những thiên hướng và đam mê của con người, vốn không được môi trường xã hội đòi hỏi. Ngược lại, những yếu tố khác, hiện đương bị gạt bỏ hay đè nén, lại có thể được biểu hiện. Cái khách quan vượt lên cái chủ quan và cuối cùng nó trở thành nhân tố quyết định.
Sự nghiệp tích cực và có ý thức của tôi - bắt đầu từ năm tôi mười bảy, mười tám tuổi - nằm trong cuộc chiến đấu thường xuyên cho những tư tưởng nhất định. Trong đời tư của tôi, không có những sự kiện mà bản thân chúng đáng được công luận lưu ý. Mọi việc ít nhiều đáng chú ý trong quá khứ của tôi đều gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng và nhờ đó chúng trở nên có ý nghĩa. Đó là điều duy nhất chứng tỏ lý do tại sao tôi công bố cuốn hồi ký của mình.
Nhưng nguồn gốc một số khó khăn nhất định cho tác giả cũng xuất phát từ đây. Những sự việc thuộc đời tư của tôi hòa quyện với những sự kiện lịch sử đến nỗi khó tách rời chúng khỏi nhau. Tuy nhiên, cuốn sách này không phải là một luận văn về đề tài lịch sử. Tôi lựa chọn các sự kiện không theo ý nghĩa khách quan của chúng, mà theo một chuẩn mực: chúng liên quan đến mức nào tới những vụ việc thuộc đời tư tôi. Thành thử, không có gì lạ nếu trong khi phân tích một số sự kiện và cả những giai đoạn, tôi đã không tuân thủ tỉ lệ phải có đối với một công trình nghiên cứu lịch sử. Tôi đành phải lần mò, dùng kinh nghiệm để tìm ra ranh giới giữa một cuốn tự truyện và một tác phẩm lịch sử viết về cách mạng. Không để lẫn lộn việc miêu tả đời người vào một cuốn sách nghiên cứu lịch sử, nhưng tôi lại phải giúp người đọc nắm bắt được quá trình phát triển xã hội. Xuất phát từ giả thiết độc giả đã biết các nét cơ bản của những sự kiện lớn, tôi chỉ cần giúp họ bổ sung trí nhớ bằng cách nhắc lại ngắn gọn sự kiện lịch sử theo thứ tự của chúng.
Khi cuốn sách này ra đời, tôi sẽ tròn năm mươi tuổi. Ngày sinh của tôi trùng lặp với ngày Cách mạng tháng mười. Các nhà thần bí học và các đồ đệ của Pi-ta-go [Pythagore] muốn rút ra từ đó những kết luận gì, tùy họ. Bản thân tôi chỉ nhận ra sự trùng hợp kỳ lạ này ba năm sau Cách mạng tháng mười. Cho đến năm lên chín, tôi sống tại một vùng quê hẻo lánh xa xôi và không bước chân khỏi đó bao giờ. Trong tám năm tiếp tới, tôi theo học trung học. Một năm sau khi ra trường, tôi bị bắt lần đầu. Như rất nhiều người cùng thời với tôi, trường đại học của tôi là nhà tù, là lưu đày và biệt xứ. Tôi bị giam hai lần trong các nhà tù của Nga hoàng, tổng cộng bốn năm. Tôi bị đi đày lần thứ nhất gần hai năm và lần thứ hai vài tuần. Hai lần tôi trốn khỏi Xi-bê-ri. Tôi sống lưu vong hai lần, cả thảy mười hai năm tại nhiều nước châu Âu, châu Mỹ - hai năm trước cách mạng năm 1905 và gần mười năm sau khi cuộc cách mạng này bị đè bẹp. Trong chiến tranh, năm 1915 tôi bị xử tù vắng mặt tại nước Đức của triều đại Hô-hen-dô-léc-nơ [Hohenzollern]. Năm sau, tôi bị trục xuất từ Pháp qua Tây Ban Nha, ở đấy sau khi bị giam ít ngày tại nhà tù Ma-đrit [Madrid] và qua một tháng quản thúc của cảnh sát Ca-đích [Cadix], tôi bị tống sang Mỹ. Tôi được tin về cuộc Cách mạng tháng hai ở đó. Tháng ba 1917, trên đường từ Niu Oóc [New York] trở về nước, tôi bị người Anh bắt và giam một tháng trong trại tập trung ở Ca-na-đa. Tôi đã tham gia các cuộc cách mạng 1905 và 1917 và từng là chủ tịch Xô-viết Pê-téc-bua [Pétersbourg] năm 1905, rồi 1917. Tôi trực tiếp tham gia Cách mạng tháng mười và là thành viên của chính phủ Liên Xô. Với tư cách dân ủy Ngoại giao, tôi đã dẫn đầu các cuộc thương thuyết hòa bình ở Bờ-rét Li-tốp-xcơ [Brest Litovsk] với các phái đoàn Đức, Áo - Hung, Thổ Nhĩ Kỳ và Bun-ga-ri [Bulgarie]. Trên cương vị dân ủy Quốc phòng và Hải quân, trong vòng năm năm, tôi đã tổ chức Hồng quân và phục hồi Hạm đội đỏ. Trong năm 1920, ngoài những công việc trên, tôi còn chỉ đạo hệ thống đường sắt, hồi ấy đang ở trong tình trạng khốn đốn.
Nhưng, không kể những năm nội chiến, phần chủ yếu của đời tôi là công tác đảng và viết văn. Năm 1923, Nhà xuất bản Quốc gia tiến hành in toàn tập những tác phẩm của tôi. Họ đã ấn hành được mười ba tập, ngoài năm tập sách về quân sự được in trước đó. Việc xuất bản bị ngừng lại vào năm 1927, khi những cuộc khủng bố chống “chủ nghĩa Trốt-kít” đặc biệt trở nên kịch liệt.
Tháng giêng 1928, tôi bị đi đày bởi chính phủ Xô-viết hiện tại. Tôi trải qua một năm ở biên giới Trung Quốc, rồi tháng 2 năm 1929 tôi bị trục xuất đi Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi viết những dòng này ở Côn-xtan-ti-nốp.
Dù có được trình bày một cách phác thảo như trên, cuộc đời tôi cũng không đơn điệu. Trái lại, nếu chỉ dựa vào số lượng những bước ngoặt, những tình huống bất ngờ, những xung đột gay go, những bước thăng trầm, có thể nói cuộc đời ấy có quá nhiều chuyện “ly kỳ”. Tuy nhiên, xin được nói rằng không bao giờ tôi tự tìm kiếm những chuyện ly kỳ ấy. Trong những thói quen của mình, tôi là người mô phạm và bảo thủ thì đúng hơn. Tôi thích và biết đánh giá tính kỷ luật và hệ thống. Và hoàn toàn không phải là nghịch lý khi nói rằng tôi không dung thứ được sự lộn xộn và phá hoại. Đó là sự thực. Tôi luôn là một học sinh rất chăm chỉ và cẩn thận, hai đức tính ấy được tôi giữ gìn trong suốt cuộc đời sau này. Trong những năm nội chiến, khi vượt qua những chặng đường dài gấp nhiều lần đường xích đạo trên xe hỏa, tôi vui mừng mỗi khi trông thấy một hàng rào mới được gọt đẽo từ những tấm gỗ bách tươi. Biết tôi có sở thích đó, Lê-nin đã thân mật chế giễu tôi vài lần. Một cuốn sách hay làm tôi có thể tìm thấy những tư tưởng mới, một cây bút tốt giúp tôi truyền bá các suy nghĩ riêng tư đến người khác - đối với tôi đã và đang là những kết quả đáng quý và gần gũi nhất của nền văn hóa. Tôi chưa bao giờ hết ham muốn học hỏi và nhiều lần trong đời, tôi có cảm tưởng cách mạng đã cản trở tôi làm việc có phương pháp. Vậy mà tôi vẫn dành gần một phần ba thế kỷ trong cuộc đời có ý thức của mình cho cuộc đấu tranh cách mạng và nếu cần phải làm lại, tôi sẽ đi lại con đường ấy mà không ngần ngại.
Tôi viết những dòng này trong cảnh lưu đày lần thứ ba trong đời, giữa lúc các bạn bè thân thiết nhất bị đày ải và tù tội trong nước Cộng hòa Xô-viết mà họ đã góp phần quyết định để xây dựng nên. Một vài người trong số họ đã do dự lùi bước, đã đầu hàng địch thủ. Người thì vì cạn kiệt trữ lượng tinh thần; kẻ bởi không tìm thấy lối thoát trong cái thiên la địa võng của hoàn cảnh; số còn lại bởi sự o ép về vật chất. Đã hai lần tôi thấy quần chúng rời bỏ ngọn cờ chiến đấu: sau thất bại của cách mạng năm 1905 và khi Thế chiến nổ ra. Từ một khoảng cách khá gần, bằng kinh nghiệm bản thân, tôi biết các cao trào và thoái trào của lịch sử, tôi biết chúng bị những quy luật tự thân chi phối, không thể nhanh chóng biến cải chúng chỉ bằng sự nóng vội. Tôi đã quen tìm kiếm triển vọng của lịch sử không thông qua góc độ số phận cá nhân mình. Bổn phận hàng đầu của người cách mạng là nhận biết tính hợp lý của những sự kiện và tìm thấy chỗ đứng cho bản thân trong đó. Và đây cũng là niềm thỏa mãn cá nhân cao nhất với một kẻ tự cảm thấy còn bổn phận với ngày hôm nay.
Lép Trốt-xki
Prin-ki-pô ngày 14 tháng chín 1929