Đời tôi (Tập 1) - Chương 23 (Hết)

CHƯƠNG XXIII: TRONG TRẠI TẬP TRUNG

Ngày hai mươi lăm tháng ba, tôi đến tổng lãnh sự Nga ở Niu Oóc: ở đây chân dung Nhi-cô-lai Đệ nhị đã được hạ khỏi tường nhưng bầu không khí nặng nề của một đồn cảnh sát Nga cũ vẫn tiếp tục ngự trị. Sau một vài trở ngại và trì hoãn không tránh khỏi, ông tổng lãnh sự bằng lòng cấp các giấy tờ hợp lệ để tôi có thể về Nga. Tại phòng lãnh sự Nga ở Niu Oóc, sau khi tôi điền xong các tờ khai, người ta tuyên bố chính quyền Anh sẽ không gây trở ngại gì cho chuyến quá cảnh của tôi. Thành thử, mọi sự dường như đâu vào đấy.

Ngày hai mươi bảy tháng ba, tôi cùng gia đình và vài người đồng hương xuống con tàu thủy Na Uy mang tên Cơ-rít-xti-a-ni-áp-gioóc [Christianiafjord]. Mọi người giã từ chúng tôi bằng hoa và những bài diễn văn. Chúng tôi trở về đất nước cách mạng. Có đầy đủ hộ chiếu và thị thực. Cách mạng, hoa và thị thực làm thành một bản hòa tấu tràn ngập tâm hồn phiêu lãng của chúng tôi.

Ở He-li-phéc-xơ [Halifax] (Ca-na-đa) nơi nhà chức trách hải quân Anh kiểm tra tàu, các sĩ quan cảnh binh chỉ xem xét hộ chiếu những công dân Mỹ, Na Uy, Đan Mạch và các nước khác một cách hình thức. Nhưng những người Nga chúng tôi thực sự bị hỏi cung: chúng tôi có tư tưởng gì, có kế hoạch chính trị gì...v.v...? Tôi từ chối không chuyện trò với họ về vấn đề này. Tôi nói: các ngài có thể xem xét những thông tin liên quan đến nhân dạng tôi, nhưng thế là hết; nội tình chính trị Nga hiện thời chưa thuộc quyền kiểm soát của hải quân Anh.

Nhưng điều này không ngăn trở Ma-sen [Machen] và Oát-xtút [Wastwood], hai sĩ quan điều tra - sau khi cuộc hỏi cung thứ hai thất bại - dò hỏi các hành khách khác về tôi. Hai viên sĩ quan này nhấn mạnh tôi là một terrible socialist (nhà xã hội ghê gớm).

Toàn bộ cuộc điều tra thật khiếm nhã và đã đẩy những nhà cách mạng Nga vào một tình thế bị phân biệt đối xử thái quá so với các hành khách khác, những người không có cái rủi ro đại diện cho một quốc gia đồng minh với Anh. Đến nỗi nhiều người - sau khi bị truy hỏi - đã lập tức bày tỏ sự phản kháng quyết liệt với chính quyền Anh vì hành vi của các cảnh sát. Tôi không làm điều đó; sau này tôi sẽ phàn nàn trực tiếp với Ben-dê-bút [Belzébuth] về lũ quỷ sứ này. Tuy nhiên, lúc đó chúng tôi cũng chưa nhìn thấy hết diễn biến sắp tới của các sự việc.

Ngày mùng ba tháng tư, những sĩ quan Anh - được các thủy thủ đi kèm - xuất hiện trên boong tàu Cơ-rít-xti-a-ni-áp-gioóc. Nhân danh thủy sư đô đốc địa phương, họ ra lệnh cho tôi cùng gia đình và năm hành khách phải rời tàu. Được hỏi về nguyên do của đòi hỏi ấy, họ hứa đến He-li-phéc-xơ sẽ đưa sự việc đáng tiếc “ra ánh sáng”. Chúng tôi coi lệnh này là bất hợp pháp và từ chối không tuân thủ. Những thủy thủ có vũ trang lao vào chúng tôi và dù số lớn hành khách la ó phản đối shame, shame (xấu hổ, nhục nhã!), họ xốc chúng tôi xuống một chiếc xuồng tuần tiễu và chở về He-li-phéc-xơ dưới sự hộ tống của một tuần dương hạm. Tôi bị chừng một chục thủy thủ giữ chặt, con trai đầu của tôi chạy đến giúp tôi, cháu ra sức thụi một sĩ quan bằng nắm đấm nhỏ bé và kêu lên:

- Con cho lão ấy một phát nữa, ba nhé?
Nó mười một tuổi. Cháu nhận được bài học đầu tiên của nền dân chủ Anh.
Cảnh sát để vợ và con tôi ở He-li-phéc-xơ. Chúng tôi, những người còn lại, bị đưa lên xe lửa về trại

Am-héc [Amherst], nơi giam giữ tù binh Đức. Tại đây, trong văn ph òng tiếp nhận, chúng tôi bị lục soát như chưa từng thấy bao giờ, ngay cả khi tôi bị giam ở pháo đài Pi-ốt - Pa-ven. Trong nhà tù Nga hoàng, khi chúng tôi bị bắt cởi hết quần áo và cảnh sát sờ nắn khám người, việc đó được làm kín đáo, không để người khác nhìn thấy. Ở đây, ngược lại, các đồng minh dân chủ buộc chúng tôi trải qua những thủ tục nhục nhã ấy trước mặt hàng tá người. Nhân vật chính của vụ lục soát, tên trung sĩ Ôn-xen [Olsen] người Thụy Điển- Ca-na-đa, vĩnh viễn đọng lại trong tâm trí tôi với cái đầu sen đầm đỏ hung kiểu tội phạm. Bọn cặn bã điều khiển từ xa thừa biết chúng tôi là những nhà cách mạng Nga chính trực trên đường trở về quê hương vừa được cách mạng giải phóng.

Chỉ đến sáng hôm sau, đáp lại những đòi hỏi và phản kháng liên tục của chúng tôi, viên chỉ huy trại, đại tá Mô-rít-xơ [Morris] mới đưa ra lý do chính thức khiến chúng tôi bị bắt giam:
- Các ông là người nguy hiểm đối với chính phủ Nga hiện tại. - Y tuyên bố cụt lủn.
Viên đại tá vốn không quá hùng biện, hơn nữa, khuôn mặt ông ta có vẻ bừng bừng một cách đáng ngờ ngay từ sáng sớm.
- Nhưng chính các đại diện của chính phủ Nga ở Niu Oóc đã cấp giấy thông hành hợp lệ cho chúng tôi về Nga. Vả lại, hãy để cho cái chính phủ Nga ấy tự lo lấy thân!
Đại tá Mô-rít-xơ ngẫm nghĩ, quai hàm giật giật nhai đi nhai lại rồi nói thêm:
- Các ông cũng nguy hiểm cho cả phe Đồng minh...
Người ta không cho chúng tôi xem bất kỳ một lệnh bắt giữ nào. Nhân danh cá nhân, ông đại tá còn nói: là những người cư trú chính trị, cố nhiên chúng tôi có lý do rời bỏ đất nước mình và cũng đừng ngạc nhiên về những sự việc xảy ra. Đối với ông, cách mạng Nga không hề tồn tại. Chúng tôi cố giải thích cho ông rằng các bộ trưởng Nga hoàng - những kẻ đã khiến chúng tôi phải cư trú chính trị thời xưa - nay đã đều ngồi tù vì họ chưa kịp di tản. Nhưng tất cả những điều này đều quá phức tạp đối với viên đại tá, kẻ từng lập thân tại các thuộc địa Anh và trong cuộc chiến chống người Bô-e. Khi nói chuyện, tôi không tỏ ra kính trọng ông đến mức cần thiết khiến ông ta gầm gừ sau lưng tôi:
- Thằng này cứ thử rơi vào tay ông ở bờ biển Nam Phi mà xem...
Đó cũng là câu cửa miệng của ông.
Về mặt luật pháp, vợ tôi không phải là người di cư chính trị vì cô ra nước ngoài bằng hộ chiếu hợp lệ. Tuy nhiên cô cũng bị bắt giữ cùng hai con trai nhỏ, một lên chín, một lên mười một. Tôi không phóng đại khi nói lũ trẻ cũng bị bắt giữ. Thoạt đầu, các nhà chức trách Ca-na-đa cố tách chúng khỏi mẹ để đưa vào một trại tế bần. Hoảng hốt vì chuyện ấy, vợ tôi tuyên bố không bao giờ cho phép họ chia rẽ cô với các con. Chỉ nhờ sự phản kháng của cô mà lũ trẻ mới được cùng cô đến ở nhà một cảnh sát người Anh lai Nga, anh này chỉ cho các con tôi ra đường dưới sự quản thúc của anh, kể cả khi lũ trẻ không đi cùng mẹ chúng, tránh việc họ gửi đi những thư từ hoặc điện tín “bất hợp pháp”. Chỉ mười một ngày sau, vợ con tôi mới được chuyển đến một khách sạn với điều kiện hàng ngày phải ra tr ình báo ở sở cảnh sát.
Trại tù binh Am-héc đặt trong tòa nhà rêu phong cỏ mọc của một xưởng đúc cũ; người ta tịch thu xưởng này của một ông chủ người Đức. Các phản gỗ được xếp thành ba tầng và hai hàng, dọc theo tường nhà. Tám trăm người bị giam giữ trong điều kiện như thế. Không khó khăn gì cũng có thể tưởng tượng ra bầu không khí phòng ngủ này ban đêm. Mọi người vật vã trong các hành lang giữa các tấm ván, dùng cùi tay huých nhau, người nằm, kẻ đứng, họ chơi bài hoặc đánh cờ. Số đông thạo nghề vặt như đục đẽo, lắp ráp các đồ vật trong nhà, một vài người vô cùng khéo léo. Đến nay tôi vẫn giữ ở Mát-xcơ-va một vài tuyệt phẩm do các tù nhân Am-héc làm ra. Có năm người quẫn trí trong số những tù nhân, mặc dù họ đã cố gắng anh dũng để tự duy trì thể xác và tinh thần. Chúng tôi ăn và ngủ cùng một buồng với những kẻ bất hạnh điên khùng ấy.
Trong số tám trăm tù nhân cùng sống với tôi gần một tháng, có khoảng năm trăm thủy thủ từ những tàu chiến Đức bị người Anh đánh đắm và chừng hai trăm công nhân rơi vào cuộc chiến ở Ca-na-đa, ngoài ra còn có khoảng một trăm tù thường phạm thuộc tầng lớp sĩ quan và dân sự.
Quan hệ của chúng tôi với các bạn tù người Đức tiến triển ngày một tốt đẹp khi họ hiểu rằng chúng tôi là những người cách mạng xã hội và bị bắt vì thế. Các sĩ quan và hạ sĩ quan thủy quân già cả - họ sống biệt lập, cách chúng tôi một tấm gỗ ván - lập tức coi chúng tôi là kẻ thù. Nhưng ngược lại, quần chúng trong quân ngũ ngày càng có thiện cảm với chúng tôi. Một tháng trải qua trong trại tập trung giống như một cuộc mít-tinh khổng lồ duy nhất. Tôi nói chuyện với các tù nhân về cách mạng Nga, về Líp-nếch, về Lê-nin, về những nguyên nhân tan vỡ của Quốc tế cũ, về sự tham chiến của Hoa Kỳ. Ngoài những cuộc diễn thuyết công khai, thường xuyên có những cuộc nói chuyện theo từng nhóm. Ngày lại ngày, tình bạn giữa chúng tôi càng được thắt chặt.
Về tâm trạng, đám tù nhân thuộc quân ngũ chia làm hai loại. Một loại nói: “Thôi, đủ rồi, phải làm một lần cho dứt điểm.”. Họ mơ mộng đến chuyện xuống đường tại những nơi công cộng. Loại khác nói: “Tôi thì có dính dáng gì đến tất cả những chuyện ấy? Không, chẳng bao giờ tôi để lọt vào tay bọn chúng nữa...”.
- Nhưng cậu lẩn tránh bọn chúng bằng cách nào cơ chứ? - Những người khác hỏi.
Anh thợ mỏ Ba-bin-xki [Babinski], to cao, mắt xanh, người Xi-lê-di-a [Silésie] nói:
- Tớ sẽ đem vợ con vào rừng sâu rồi đặt bẫy sói quanh nhà và chỉ ra khỏi nhà với khẩu súng trong tay. Cứ thử đến gần tớ mà xem...
- Thế tớ, cậu cũng không cho đến gần à, Ba-bin-xki?
- Cậu cũng không. Tớ cóc tin ai sất...
Các thủy thủ tìm mọi cách để giúp tôi đỡ khổ. Tôi phải cương quyết phản đối để giành quyền tự xếp hàng lĩnh bữa trưa và tham gia những công việc chung: quét nhà, gọt khoai tây, rửa bát đĩa và dọn các công trình phụ.
Quan hệ giữa đám lính trơn trong quân ngũ và các sĩ quan đầy hiềm khích. Trong số sĩ quan, vài kẻ mặc dầu là tù binh, vẫn lập những phiếu hạnh kiểm thủy thủ “của họ”. Cuối cùng, họ cũng thưa kiện với trưởng trại, đại tá Mô-rít-xơ. Họ phàn nàn tôi tuyên truyền “phản quốc”. Ngài đại tá Anh quốc lập tức đứng về phía chủ nghĩa ái quốc của dòng họ Hô-hen-dô-léc-nơ và cấm tôi tiếp tục nói chuyện trước công chúng. Nhưng điều này chỉ xảy ra vào những ngày cuối cùng của tôi ở trại và càng làm tôi gần gũi hơn nữa với anh em thủy thủ và công nhân. Họ đáp lại sự cấm đoán của ngài đại tá bằng một bản kháng cáo gồm năm trăm ba mươi lăm chữ ký. Bản “trưng cầu dân ý” thực hiện dưới bàn tay phũ phàng của tên thượng sĩ Ôn-xen hoàn toàn bù đắp mọi khó khăn tôi phải chịu đựng trong trại Am-héc.
Trong suốt thời gian chúng tôi bị giam giữ ở trại, các nhà chức trách cố tình bác bỏ quyền được liên lạc với chính phủ Nga của chúng tôi. Họ không chuyển những bức điện của chúng tôi đến Pê-tơ-rô-gơ-rát. Chúng tôi cố khiếu nại việc cấm đoán ấy trong bức điện gửi thủ tướng Anh Lôi Gioóc [Lloyd George]. Nhưng bức điện ấy cũng không được chuyển đi. Đại tá Mô-rít-xơ đã quen với việc đơn giản hóa luật habeas corpusở các thuộc địa. Hơn nữa, chiến tranh cũng che chở ông ta. Trước khi cho phép tôi đi gặp vợ tôi, ngài trưởng trại đặt điều kiện tôi không được nhờ vợ chuyển bất cứ thư từ gì đến lãnh sự Nga. Điều ấy nghe như không thật, thế mà đã xảy ra. Tôi từ chối việc gặp gỡ. Cố nhiên, ông lãnh sự cũng không vội vã giúp đỡ chúng tôi. Ông ta còn đợi chỉ thị. Mà dễ hiểu là các chỉ thị đã đến chậm.
Phải nói rằng cho đến nay tôi vẫn chưa hiểu hoàn toàn rõ ràng toàn bộ cái cơ chế bí ẩn của việc bắt giữ và phóng thích tôi. Hẳn chính quyền Anh đã ghi tên tôi vào sổ đen khi tôi hoạt động ở Pháp. Bằng mọi cách, nó đã trợ giúp chính phủ Nga hoàng tống tôi khỏi châu Âu. Chắc chắn chính phủ Anh đã dựa trên cơ sở các hồ sơ cũ ấy, cộng thêm tin tức mới về hoạt động “phản quốc” của tôi ở Mỹ, để hạ lệnh bắt tôi tại He-li-phéc-xơ.
Khi tin tôi bị bắt lan đến báo chí cách mạng Nga, sứ quán Anh ở Nga - chắc hẳn không lo ngại trước chuyến về nước của tôi - đã gửi thông cáo chính thức đến các báo ở Pê-tơ-rô-gơ-rát, cho biết những người Nga bị bắt giữ ở Ca-na-đa đã “lên đường với sự giúp đỡ tài chính của đại sứ quán Đức để lật đổ Chính phủ Lâm thời”. Điều này, ít nhất cũng rõ ràng.
Tờ Práp-đa do Lê-nin chỉ đạo đã trả lời Biu-can-ơn ngày mười sáu tháng tư (có lẽ chính Lê-nin viết): Thử hỏi chúng ta có thể tin được không, dù chỉ trong giây lát, vào sự cả tin của bản thông cáo, rằng Trốt-xki - cựu chủ tịch Xô-viết các đại biểu công nhân Pê-téc-bua năm 1905, nhà cách mạng từng khảng khái hy sinh hàng chục năm của đời mình cho sự nghiệp cách mạng - lại có thể dính líu đến một kế hoạch do chính phủ Đức bỏ tiền? Bởi đây là sự vu khống hiển nhiên, tệ hại, vô liêm sỉ đối với một nhà cách mạng. Ông nhận được tin ấy của ai, ông Biu-can-ơn? Tại sao ông không nói?... Sáu kẻ lôi chân kéo tay đồng chí Trốt-xki và họ đã làm tất cả điều này nhân danh tình hữu nghị của ông với Chính phủ Lâm thời...

Chính phủ Lâm thời có vai trò gì trong tất cả vụ này? Điều đó còn chưa rõ ràng lắm. Không cần phải chứng minh việc Mi-liu-cốp, lúc đó là Ngoại trưởng, đồng tình việc bắt bớ tôi tự đáy lòng. Ngay từ năm 1905, y đã điên cuồng chống “chủ nghĩa Trốt-kít”: bản thân khái niệm này cũng xuất phát từ y. Nhưng vào năm 1917, Mi-liu-cốp phụ thuộc các Xô-viết và y càng phải mưu mô, thủ đoạn vì các đồng minh xã hội-ái quốc của y chưa bắt đầu khủng bố những người bôn-sê-vích.
Đại sứ Anh Biu-can-ơn hình dung sự việc như sau trong hồi ký của ông:

Trốt-xki và những kẻ khác bị bắt ở He-li-phéc-xơ trong khi người ta làm sáng tỏ ý đồ của Chính phủ Lâm thời đối với họ.

Theo Biu-can-ơn, Mi-liu-cốp được thông báo ngay về việc tôi bị bắt. Hình như từ ngày mùng tám tháng tư, đại sứ Anh đã chuyển lên chính phủ của ông ta lời đề nghị phóng thích tôi của Mi-liu-cốp. Nhưng hai ngày sau, cũng ngài Mi-liu-cốp ấy đã rút lại lời thỉnh cầu và bày tỏ hi vọng chúng tôi sẽ tiếp tục bị giam giữ ở He-li-phéc-xơ. Và Biu-can-ơn rút ra kết luận cuối cùng:

Như vậy, chính Chính phủ Lâm thời là người phải chịu trách nhiệm về sự giam giữ họ kéo dài.

Tất cả những điều ấy đều rất có thể. Biu-can-ơn chỉ quên không làm sáng tỏ trong hồi ký của ông ta về số phận sau đó của khoản tiền tôi nhận được từ chính phủ Đức nhằm lật đổ Chính phủ Lâm thời. Không có gì lạ: sau khi tôi về Pê-tơ-rô-gơ-rát, bị dồn đến chân tường, Biu-can-ơn đành thú nhận trong báo chí là ông ta hoàn toàn không biết gì về số tiền đó. Chưa bao giờ người ta dối trá nhiều như trong thời kỳ “đại chiến tranh giải phóng”. Nếu những điều bịp bợm đều bùng nổ thì hành tinh chúng ta đã tan thành bụi khói từ rất lâu trước hiệp ước Véc-xay [Versailles].

Cuối cùng Xô-viết cũng can thiệp và Mi-liu-cốp đành nhượng bộ. Giờ đã điểm vào ngày hai mươi chín tháng tư: chúng tôi được thả khỏi trại tập trung. Nhưng ngay việc trả tự do cũng diễn ra bằng vũ lực. Đơn giản, người ta ra lệnh cho chúng tôi gói ghém hành lý và đi theo toán lính canh. Chúng tôi đòi được biết mình bị đưa đi đâu và nhằm mục đích gì. Họ từ chối. Các tù nhân lo ngại, nghĩ chúng tôi sẽ bị giam giữ trong một pháo đài. Chúng tôi lại yêu cầu họ phải gọi điện cho viên lãnh sự Nga ở thành phố gần nhất. Điều này cũng bị khước từ. Chúng tôi có đủ cơ sở để đừng tin vào lòng tốt của các ngài cướp biển ấy. Chúng tôi tuyên bố không tự nguyện rời trại, chừng nào họ chưa cho biết chặng kế tiếp của cuộc hành trình mới. Viên chỉ huy ra lệnh dùng vũ lực. Toán lính hộ tống xách tuột hành lý của chúng tôi ra ngoài. Chúng tôi vẫn ương ngạnh nằm dài trên tấm phản. Và chỉ khi đám hộ tống cảm thấy cần phải xốc nách chúng tôi đi như họ đã làm trên tàu thủy trước đó một tháng, nhưng lần này còn phải vượt qua một đoàn thủy thủ bị kích động, viên chỉ huy mới nhượng bộ. Theo phong cách đặc thù của thực dân Anh, y thông báo chúng tôi sẽ được chuyển sang một chiếc tàu Đan Mạch sắp khởi hành về Nga. Khuôn mặt đỏ gay của y co giật. Y không sao chịu nổi việc chúng tôi sắp thoát khỏi tay y. Giá chúng tôi lọt vào tay y ở bờ biển Nam Phi thì phải biết!

Các bạn tù long trọng tiễn chúng tôi khỏi trại. Trong lúc các sĩ quan Lu-i vào phòng riêng của họ và chỉ vài kẻ thò mũi vào những khe hở trên vách, thủy thủ và công nhân xếp thành hàng suốt dọc hành lang. Ban nhạc chơi một bản hành khúc cách mạng bằng các phương tiện tại chỗ, những bàn tay bè bạn chìa về phía chúng tôi từ mọi hướng. Một tù nhân đọc bài diễn văn ngắn chào mừng cách mạng Nga và nguyền rủa đế chế Đức. Đến giờ tôi vẫn thấy ấm lòng khi nghĩ lại tình thân của chúng tôi với anh em thủy thủ Đức ở trại Am-héc vào cực điểm của chiến tranh. Sau này, tôi còn nhận những bức thư thân thiết từ nhiều bạn Đức ấy.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Khi từ biệt Ma-sen, trước mặt viên sĩ quan cảnh binh Anh đã bắt giữ và chứng kiến sự ra đi của chúng tôi, tôi dọa sẽ lập tức chất vấn Ngoại trưởng Mi-liu-cốp trong Hội nghị Lập hiến về việc cảnh sát Anh- Ca-na-đa đã ngược đãi các công dân Nga như thế nào.

Viên cảnh binh lanh lợi đáp:
- Mong rằng không bao giờ ông vào được Hội nghị Lập hiến...
(Hết quyển 1)

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách:

Sienna – Min Harukima – H.y

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3