Đời tôi (Tập 1) - Chương 22

CHƯƠNG XXII: Ở NIU OÓC

Như thế, tôi đến Niu Oóc, một đô thị thô thiển lạ thường của sự tự động hóa tư bản chủ nghĩa, nơi mỹ học của chủ nghĩa lập thể ngự trị ngoài phố và đạo lý của đồng đô-la thắng thế trong lòng. Niu Oóc gây ấn tượng mạnh với tôi vì nó thể hiện hoàn thiện nhất tinh thần thời hiện đại.

Tôi cho rằng đa số huyền thoại được đặt ra về tôi là trong thời gian tôi lưu trú ở Hoa Kỳ. Nếu tại Na Uy nơi tôi chỉ quá cảnh, các nhà báo có đầu óc sáng tạo còn đặt chuyện tôi làm nghề mổ cá thu thì ở Niu Oóc nơi tôi sống hai tháng - báo chí đã gán cho tôi vô số thứ nghề nghiệp, nghề này lý thú hơn nghề khác. Nếu tôi gom góp tất cả những cuộc phiêu lưu mà báo chí dán cho tôi, hẳn đã có một thứ tiểu sử thú vị hơn nhiều so với cuốn sách tôi viết ở đây. Nhưng tôi buộc phải làm bạn đọc Mỹ thất vọng. Nghề duy nhất mà tôi làm ở Niu Oóc là nghề của một nhà cách mạng xã hội. Và vì nó diễn ra trước cuộc chiến tranh “giải phóng”, “dân chủ”, cái nghề này cũng không bị xua đuổi hơn nghề buôn rượu lậu ở Hoa Kỳ. Tôi viết bài, làm chủ nhiệm một tờ báo và diễn thuyết trong các cuộc mít-tinh của giới công nhân. Tôi ngập đầu trong công việc và không cảm thấy lạc lõng.

Trong một thư viện ở Niu Oóc, tôi chăm chỉ nghiên cứu đời sống kinh tế Hoa Kỳ. Tôi sửng sốt trước các số liệu tăng trưởng của nền xuất khẩu của nước này trong thời gian cuộc chiến xảy ra. Đối với tôi, đó thực sự là một phát kiến lớn. Không những báo trước việc Hoa Kỳ sẽ tham chiến, chúng còn quyết định vai trò đáng kể của nước này trên thế giới, khi cuộc chiến kết thúc. Tôi liền viết vài bài báo và đi diễn thuyết về đề tài này. Từ hồi ấy, vấn đề “Mỹ và Âu” vĩnh viễn là một trong những chủ đề được tôi quan tâm hàng đầu. Hiện nay tôi vẫn chăm chú nghiên cứu vấn đề này và muốn dành cho nó một cuốn sách. Để hiểu tương lai nhân loại, không đề tài nào có ý nghĩa hơn.

Sau khi đến Niu Oóc một ngày, tôi viết trong tờ báo Nga Nô-vưi Mi [Novy Mir] (Thế giới mới): Tôi rời châu Âu đẫm máu với niềm tin sâu sắc vào cuộc cách mạng sắp tới. Và tôi đã đặt chân lên bờ cái Tân Thế giới khá già cỗi này, hoàn toàn không mang chút ảo mộng “dân chủ” nào.

Mười ngày sau, tôi phát biểu trong một cuộc “gặp gỡ” quốc tế:
Bản chất sự kiện kinh tế có tầm quan trọng đặc biệt là ở chỗ: châu Âu suy tàn ngay tại nguồn của cải cơ bản của mình, còn châu Mỹ thì cứ giàu lên. Và trong khi thèm thuồng nhìn ngắm Niu Oóc, tôi - vẫn cảm thấy mình là người Âu - khắc khoải tự hỏi: liệu châu Âu có trụ được không? Phải chăng nó sẽ thành một nhà mồ? Và trọng tâm đời sống kinh tế và văn hóa sẽ dịch chuyển sang đây, châu Mỹ?

Dù có nh ững thành tựu trong cái gọi là sự ổn định của châu Âu, câu hỏi này vẫn mang tính thời sự cho đến tận bây giờ.
Tôi diễn thuyết bằng tiếng Nga và tiếng Đức trong một số khu ở Niu Oóc, ở Phi-la-đen-phi-a [Philadelphie] và các thành phố lân cận. Kiến thức tiếng Anh của tôi dạo ấy yếu hơn hiện nay, thành thử tôi không dám nghĩ đến chuyện đăng đàn trước công chúng bằng thứ ngoại ngữ này. Tuy nhiên ở Niu Oóc, nhiều lần tôi thấy người ta viện dẫn các bài nói chuyện của tôi bằng tiếng Anh. Mới đây thôi, biên tập viên một tờ báo ở Côn-xtan-ti-nốp kể chuyện về một buổi diễn thuyết giả tưởng ấy của tôi, trong đó anh ta có mặt khi còn là sinh viên tại Mỹ. Thú thực tôi không đủ can đảm để nói cho anh ta biết chắc hẳn anh là nạn nhân của trí tưởng tượng bản thân. Nhưng trời hỡi, anh chàng ấy còn lặp lại “hồi tưởng” nọ trên những trang báo của anh ta, lần này với vẻ tự tin hơn.
Chúng tôi thuê một căn nhà trong xóm thợ và mua chịu các đồ đạc nội thất. Căn phòng giá mười tám đô-la một tháng này có nhiều tiện nghi hơn hẳn so với châu Âu: điện, lò ga, phòng tắm, điện thoại, thang máy tự động chở hàng (có thể chở cả rác rưởi khi xuống). Tất cả những thứ này lập tức làm các con tôi thích Niu Oóc. Trong một thời gian, máy điện thoại là trung tâm cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi chưa từng biết dụng cụ kỳ bí ấy ở Viên cũng như ở Pa-ri.
Gác cổng nhà chúng tôi là một người da đen. Vợ tôi đưa cho ông ta tiền thuê nhà một quý nhưng không nhân được biên lai vì hôm trước, chủ nhà đem cuốn sổ đi kiểm tra. Hai ngày sau khi chúng tôi đến ở, ông da đen biến mất và cuỗm theo tiền thuê nhà của vài người khách trọ. Ngoài tiền nong, chúng tôi còn gửi ông giữ hộ hành lý. Chúng tôi rất hoảng hốt. Khởi đầu thế là dở rồi. Nhưng mọi đồ đạc của chúng tôi vẫn còn nguyên. Và khi mở chiếc thùng gỗ để bát đĩa, chúng tôi vô cùng sửng sốt khi tìm thấy những đồng đô-la của chúng tôi, được cuộn cẩn thận trong giấy. Người gác cổng chỉ đem theo tiền những kẻ thuê nhà đã nhận biên lai hợp lệ. Không nhẹ tay với ông chủ, nhưng người da đen không muốn gây thiệt hại cho những người thuê nhà. Quả là một người tuyệt vời! Chúng tôi rất cảm động vì sự lưu tâm đó và luôn nghĩ về ông với tấm lòng biết ơn. Tôi thấy câu chuyện nhỏ ấy có một tầm quan trọng rất lớn lao. Dường như nó cho ta thấy một mảnh của vấn đề “da đen” tại Hoa Kỳ.
Vào những ngày tháng ấy, Hoa Kỳ ráo riết chuẩn bị cho chiến tranh. Trong việc này như thường lệ - những người hòa bình chủ nghĩa lại là những người đóng góp nhiều nhất. Họ đọc những bài diễn văn rẻ tiền về cái lợi của hòa bình so với chiến tranh và lặp đi lặp lại đoạn kết với lời hứa ủng hộ chiến tranh nếu nó trở nên “cần thiết”. Bri-ăng cũng tuyên truyền trong cái tinh thần ấy. Các nhà xã hội cùng gẩy chung một sợi dây đàn với đám hòa bình chủ nghĩa. Và ai cũng biết: đối với những tín đồ hòa bình chủ nghĩa, chiến tranh chỉ tồi tệ vào thời bình.
Khi người Đức tuyên bố cuộc chiến toàn diện bằng tàu ngầm, hàng núi quân trang, quân dụng chất đống tại mọi sân ga miền Đông Hoa Kỳ và các hải cảng trên toàn quốc, làm tắc nghẽn các tuyến đường sắt. Lập tức, giá cả hàng tiêu dùng tăng vọt. Tôi thấy ở cái thành phố Niu Oóc vốn rất giàu có, hàng vạn phụ nữ và các bà mẹ xuống đường, đảo lộn hòm xiểng, rổ rá các quầy hàng rong ngoài phố và làm tan nát những cửa hiệu nhỏ. Cả thế giới này sẽ ra sao sau cuộc chiến? - tôi tự vấn và hỏi những người khác.
Lời tuyên bố được chờ đợi từ lâu vang lên ngày mùng ba tháng hai: Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức. Ngày lại ngày, khúc nhạc sô-vanh càng vang lên mạnh mẽ. Giọng nam cao (của các tín đồ hòa bình chủ nghĩa) và giọng kim (của những người xã hội) không phá hỏng chút nào bản hòa tấu. Tôi đã có dịp quan sát tất cả những điều này ở châu Âu và sự động viên tinh thần ái quốc kiểu Mỹ chỉ là lặp lại mọi điều đã thấy. Tôi ghi nhận các giai đoạn của diễn biến trong tờ báo tiếng Nga của tôi và thầm nghĩ: sao nhân loại lại ngu dốt đến thế? Học hoài mà chẳng hiểu!
Từ cửa sổ tòa soạn, tôi được mục kích quang cảnh sau. Một ông già mắt toét nhèm, râu xám và dựng đứng, dừng lại trước một thùng rác và moi từ trong ra một mẩu bánh mì. Ông già cố bẻ nó, ông đưa mẩu bánh cứng như đá lên miệng rồi đập vài lần vào cạnh thùng rác. Nhưng vô hiệu, mẩu bánh cứ ì ra. Khi ấy, ông nhìn quanh vẻ lo lắng pha lẫn bối rối, đút “báu vật” tìm thấy dưới cái vét-tông màu nâu sẫm và tập tễnh đi tiếp trên phố Xanh Mác Pơ-lết-xơ [Saint Mark’s Place]... Chuyển cảnh nhỏ nhoi này diễn ra ngày 2 tháng Ba 1917. Nó không thay đổi được chút nào các kế hoạch của giai cấp thống trị. Mục đích của giai cấp này là biến chiến tranh thành một thứ không tránh khỏi và phái hòa bình chủ nghĩa phải ủng hộ lời tuyên chiến.
Tại Niu Oóc, Bu-kha-rin là một trong số những người đầu tiên đón chúng tôi, anh cũng vừa bị trục xuất khỏi bán đảo Xcăng-đi-na-vơ [Scandinavie]. Bu-kha-rin biết gia đình chúng tôi từ thời kỳ ở Viên và anh tiếp chúng tôi với vẻ hào hứng con trẻ, vốn là đặc tính của anh. Mặc dầu chúng tôi mệt mỏi và đã quá khuya, ngay hôm đầu anh dẫn chúng tôi đi thăm thư viện công cộng. Công việc chung của chúng tôi ở Niu Oóc mở đầu một quá trình mà Bu-kha-rin ngày càng quyến luyến với tôi, mãi đến năm 1923, khi đó cảm giác ấy mới đảo ngược hoàn toàn. Bản chất con người ấy là luôn luôn phải dựa dẫm, phải tồn tại và phải gắn bó với ai đó. Những lúc ấy, Bu-kha-rin chỉ là một người đang lên đồng, qua anh một kẻ khác nói và hành động. Cần để ý đến anh ta, bằng không thì, bằng một cách không tự giác và hầu như khó nhận biết, anh sẽ rơi vào ảnh hưởng ngược lại như người ngã vào bánh ô tô. Không bị quản thúc, anh sẽ lăng mạ hết lời thần tượng của anh, cũng hăng hái như lúc anh thần thánh hóa họ. Tôi chưa bao giờ thật sự coi trọng Bu-kha-rin và để mặc anh muốn làm gì thì làm, tức là để anh rơi vào ảnh hưởng của kẻ khác. Sau khi Lê-nin qua đời, trước tiên Bu-kha-rin là con rối của Di-nô-vi-ép và tiếp đó là của Xta-lin. Giờ đây, khi tôi viết những dòng này, Bu-kha-rin lại qua một cơn khủng hoảng mới và chịu đựng những ảnh hưởng tinh thần nào đó, lạ lẫm và không quen biết đối với tôi.
Thời gian đó Côn-lôn-tai [Kollontai] cũng ở Mỹ. Chị đi vắng luôn và nói chung chúng tôi ít gặp gỡ nhau. Trong chiến tranh, chị đi một bước ngoặt mạnh mẽ về phía tả, chị rời hàng ngũ men-sê-vích để đứng cùng những người bôn-sê-vích cánh tả. Kiến thức ngoại ngữ và tính khí của chị khiến chị trở thành một nhà tuyên truyền quý báu. Nhưng những quan điểm lý luận của chị vẫn còn mờ mịt. Thời ở Niu Oóc, đối với chị, chẳng có gì được coi là đủ tính cách mạng. Chị liên hệ thư từ với Lê-nin. Làm méo mó các sự kiện và tư tưởng qua lăng kính cực tả thời đó của chị, Côn-lôn-tai chuyển cho Lê-nin những thông tin về nước Mỹ và đặc biệt, về hoạt động của tôi. Trong những hồi âm của Lê-nin, có thể thấy tiếng vang của những thông tin sai lạc và thành kiến của chị đối với tôi từ hồi đầu.
Sau này, trong cuộc đấu tranh chống lại tôi, những kẻ kế nghiệp bất tài không quên sử dụng những ý kiến sai lầm mà về sau, bản thân Lê-nin cũng phủ nhận - bằng lời nói và bằng chính hành động của ông.
Trở về Nga, hầu như ngay từ những ngày đầu, Côn-lôn-tai đã gia nhập phe đối lập cực tả, chẳng những để chống tôi mà chống cả Lê-nin. Chị đả phá kịch liệt “thứ đường lối của Lê-nin và Trốt-xki” để rồi sau đó cúi đầu một cách cảm động trước thể chế của Xta-lin.
Về mặt ý thức hệ, đảng Xã hội Hoa Kỳ cực kỳ lạc hậu, ngay cả so với chủ nghĩa xã hội quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, cái vẻ dương dương tự đắc của báo chí Hoa Kỳ - lúc ấy đang còn đứng ở vị trí trung lập - đối với châu Âu “trong cơn sóng gió” vẫn còn thấy được trong tư tưởng những nhà xã hội nước này. Một số, như Hin-quít [Hillquit] sẵn sàng đóng vai trò “ông bác” xã hội châu Mỹ, người đến châu Âu đúng lúc để hòa giải các đảng phái thù địch trong Đệ nhị Quốc tế.
Cho đến nay, tôi vẫn không nín được cười thầm khi nhớ lại các lãnh tụ của chủ nghĩa xã hội Mỹ. Những người nhập cư - thời trẻ từng đóng một vai trò gì đó ở châu Âu - nhanh chóng đánh mất những điều kiện tất yếu về mặt lý thuyết mà họ mang theo trong cuộc chiến chen chúc cho sự thành đạt bản thân. Ở Hoa Kỳ, có một tầng lớp đông đảo các thầy thuốc, trạng sư, nha sĩ, kỹ sư và những kẻ tương tự, đã thành đạt hoặc thành đạt nửa chừng; họ chia sẻ thời giờ rỗi rãi quý báu của mình để tham gia khúc hòa tấu của những danh nhân châu Âu và đảng xã hội Mỹ. Sự từng trải của họ gồm những mẩu, những mảnh các ý kiến thông thái tiếp thu được thời họ còn cắp sách đến trường. Hơn nữa, tất cả bọn họ đều có xe hơi, họ luôn luôn được bầu vào các ban lãnh đạo, các tổ và các phái bộ của đảng. Cái giới tự đắc này ghi dấu ấn tinh thần lên chủ nghĩa xã hội Mỹ. Đối với họ, Uyn-xơn có uy tín hơn Mác rất nhiều. Tóm lại, đó là những dạng từa tựa như ông Báp-bít [Babbitt], người bổ sung những vụ việc buôn bán bằng các suy tư đắm đuối trong ngày chủ nhật về tương lai nhân loại. Những con người ấy sống trong những bộ lạc quốc gia nhỏ, trong đó sự đoàn kết tư tưởng thường chỉ để che giấu các quan hệ làm ăn. Mỗi bộ lạc có một lãnh tụ, thường là người giàu nhất trong bọn. Tất cả đều rất khoan dung với mọi thứ tư tưởng, miễn là những tư tưởng ấy không phá hoại uy tín truyền thống của họ và không đe dọa - lạy Chúa! - sự phồn vinh cá nhân họ. Báp-bít bậc nhất trong các Báp-bít là Hin-quít, lãnh tụ xã hội lý tưởng của những nha sĩ thành đạt.
Lần tiếp xúc đầu tiên của tôi đối với những con người ấy đủ khiến họ ghét tôi ra mặt. Những cảm giác của tôi, có lẽ trầm lặng hơn, chắc chắn không phải những thiện cảm. Chúng tôi thuộc về những thế giới khác nhau. Trong mắt tôi, họ đại diện cho bộ phận thối nát nhất của cái thế giới tôi đã và đang đấu tranh.
Ông già Ơ-gien Đép [Eugene Debs] nổi bật trong thế hệ già bằng ngọn lửa nội tại không thể dập tắt của lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Là nhà cách mạng chân thành nhưng lãng mạn và mang tâm hồn của một mục sư, hoàn toàn không phải là chính trị gia và lãnh tụ, Đép chịu ảnh hưởng của những kẻ kém ông về mọi mặt. Nghệ thuật lớn nhất của Hin-quít là giữ được Đép ở phía cực tả mà không phải đoạn tuyệt quan hệ làm ăn với Gôm-péc [Gompers].
Đép là người có sức lôi cuốn mạnh trong các quan hệ cá nhân. Khi chúng tôi gặp nhau, ông luôn ôm chặt và hôn tôi; phải thừa nhận là ông già ấy không thuộc hạng người “lạnh lẽo”. Khi đám Báp-bít phong tỏa tôi, Đép không tham gia, ông chỉ cay đắng lảng ra xa.
Hầu như từ những ngày đầu, tôi tham gia tòa soạn tờ nhật báo tiếng Nga Nô-vưi Mi, trong đó ngoài Bu-kha-rin còn có sự cộng tác của Vô-lô-đác-xki [Volodarsky] - sau này bị bọn xã hội cách mạng sát hại ở vùng phụ cận Pê-tơ-rô-gơ-rát [Pétrograd] - và Trút-nốp-xki [Tchoudnovsky], cũng bị thương ở đó và sau bị giết ở U-cơ-rai-na. Tờ báo trở thành trung tâm tuyên truyền cách mạng quốc tế. Trong mọi liên đoàn quốc gia của đảng xã hội đều có những cộng tác viên biết tiếng Nga. Nhiều thành viên của liên đoàn Nga nói tiếng Anh. Vì thế các tư tưởng của Nô-vưi Mi thâm nhập trong các giai tầng rộng rãi của giới công nhân Mỹ. Các quan chức của chủ nghĩa xã hội chính thức lo lắng. Những cuộc chiến bè đảng hung bạo nổi lên chống người khách từ châu Âu mới tới đất Mỹ ngày hôm qua, chẳng biết chút gì về tâm lý Mỹ mà toan áp đặt những phương pháp hão huyền của anh ta vào giới thợ thuyền nước này. Cuộc chiến nổ ra vô cùng dữ dội. Trong liên đoàn Nga, bọn Báp-bít “dày dạn” và “ưu tú” bị đẩy lùi lập tức. Trong liên đoàn Đức, ông già Slu-ê-tê [Schlueter] - chủ nhiệm tờ Volkszeitung và bạn chiến đấu của Hin-quít - đành chịu mất ảnh hưởng trước biên tập viên trẻ Lô-rơ [Lore], nhưng anh này lại thuộc phái chúng tôi. Những người Lét-tô-ni [Lettonie] một lòng một dạ theo chúng tôi đến cùng. Liên đoàn Phần Lan cũng hướng về chúng tôi. Chúng tôi thâm nhập ngày càng thành công vào Liên đoàn Do Thái vốn rất vững, họ có một tòa lầu mười ba tầng, từ đó mỗi ngày tuôn ra hai mươi vạn bản Vorwaerts, bốc lên mùi thiu thối của thứ xã hội chủ nghĩa tiểu tư sản đa cảm, sẵn sàng phản bội một cách tệ hại nhất. Trong hàng ngũ quần chúng công nhân bản địa Mỹ, những quan hệ và ảnh hưởng của đảng xã hội và cụ thể, của cánh cách mạng chúng tôi kém phần rộng rãi. The Call (Tiếng gọi), tờ báo tiếng Anh của đảng được viết theo tinh thần hòa bình trung lập, nội dung nghèo nàn, trống rỗng. Chúng tôi quyết định bắt đầu bằng việc phát hành một tờ tuần báo Mác-xít chiến đấu. Công cuộc chuẩn bị đang rầm rộ thì bị cản trở bởi... cách mạng Nga
Sau hai ba ngày lặng im bí hiểm, những tin tức mơ hồ và hỗn độn về cuộc cách mạng ở Pê-tơ-rô-gơ-rát bắt đầu lọt ra ngoài qua đường điện tín. Giới công nhân gồm nhiều chủng tộc ở Niu Oóc lặng đi vì hồi hộp. Người ta muốn nhưng cũng không dám hi vọng. Báo chí Mỹ hoàn toàn lưỡng lự. Từ mọi nơi, các nhà báo, nhà phỏng vấn, các phóng viên và người viết phóng sự lũ lượt đổ dồn đến tòa soạn Nô-vưi Mi. Trong một thời gian, tờ báo của chúng tôi trở thành trung tâm hội tụ của cả giới báo chí Niu Oóc. Các tòa soạn và tổ chức xã hội điện thoại cho chúng tôi không dứt.
- Chúng tôi nhận được điện tín báo tin thứ chính phủ Gu-trơ-cốp [Goutchkov] Mi-liu-cốp đã hình thành ở Pê-téc-bua. Thế là thế nào?
- Nghĩa là ngày mai nội các Mi-liu-cốp-Kê-ren-xki sẽ được thành lập.
- Ra thế! Còn sau đó?
- Sau đó ư? Rồi sẽ đến lượt chúng tôi.
- …!
Cuộc nói chuyện trên lặp lại vài chục lần. Hầu như những người chất vấn đều cho là tôi nói đùa.
Trong một cuộc họp thu hẹp của những người xã hội dân chủ Nga - chỉ gồm các vị được coi là quan trọng nhất - tôi đọc một diễn văn trong đó tôi cố chứng tỏ đảng của giai cấp cần lao nhất thiết sẽ dành được quyền hành trong giai đoạn hai của cách mạng Nga. Hiệu quả đạt được gần giống như khi tôi ném một hòn đá xuống đầm lầy nhung nhúc những chú ếch nhái ngạo mạn và no nê. Bác sĩ In-ghéc-man [Ingermann] không quên giảng giải cho cử tọa: tôi không biết đến cả bốn phép tính số học cơ bản của chính trị và chẳng nên mất thời giờ vô ích - dù chỉ là dăm phút để gạt bỏ những câu nói lủng củng, lộn xộn của tôi.
Quần chúng công nhân đón chờ những triển vọng của cách mạng theo một cung cách hoàn toàn khác. Những cuộc mít-tinh đông đảo với bầu không khí hăng hái chưa từng có diễn ra trong tất cả các khu của Niu Oóc. Khi được tin lá cờ đỏ tung bay trên Cung điện mùa Đông, quần chúng phấn chấn hò reo khắp mọi nơi. Không chỉ các kiều dân Nga, nhiều khi cả lớp con cháu không biết tiếng mẹ đẻ của họ cũng đến dự những buổi họp ấy để hít thở không khí hào hứng do cách mạng mang đến.
Không mấy khi tôi ở nhà. Gia đình tôi cũng sống cuộc sống phức tạp ri êng của nó. Vợ tôi chăm lo xếp đặt tổ ấm gia đình. Lũ trẻ tìm thấy những bạn mới. Được ưa chuộng hơn cả là anh lái xe của bác sĩ M. Vợ ông bác sĩ ấy cùng vợ tôi đi dạo với bọn trẻ và tỏ ra rất thân mật với chúng. Nhưng chị cũng chỉ là một phụ nữ bình thường. Còn anh lái xe mới thật là một thầy phù thủy, một người khổng lồ, một siêu nhân! Chỉ bằng cái phẩy tay, anh khiến chiếc xe quy thuận. Ngồi cạnh anh trên xe là một hạnh phúc tuyệt vời. Khi vào một hàng bánh ngọt, lũ trẻ phật ý kéo tay mẹ chúng và hỏi:
- Sao chú tài xế không đi cùng với chúng ta?
Khả năng thích nghi của trẻ con thật vô bờ bến. Ở Viên, chúng tôi thường sống trong những xóm thợ, vì thế bọn trẻ - ngoài tiếng Nga và tiếng Đức - còn nói rất thành thạo thổ ngữ thành Viên. Nhiều lần bác sĩ Anphrét Át-le rất hài lòng xác nhận: chúng nói thứ thổ ngữ ấy giỏi như bất cứ ông già Fiakerkutscher nào của thành Viên. Trong trường học ở Du-rích, bọn trẻ buộc phải chuyển sang thổ ngữ Du-rích vì đây là ngôn ngữ trong nhà trường ở các lớp dưới, ở đó tiếng Đức được dạy như ngoại ngữ. Tại Pa-ri, lũ trẻ phải đột ngột xoay sang tiếng Pháp. Các cháu học thành thạo ngôn ngữ mới này trong vòng vài tháng. Nhiều khi tôi ghen tị với chúng vì vẻ thoải mái, nhẹ nhõm khi chúng nói tiếng Pháp. Thời gian không đầy một tháng ở Tây Ban Nha và trên con tàu Tây Ban Nha cũng đủ để lũ trẻ nắm được nhiều từ và ngữ thông thường nhất. Cuối cùng, tại Niu Oóc, chúng học hai tháng liền trong một trường Mỹ và nắm vững những nét chủ yếu của tiếng Anh. Sau Cách mạng tháng hai, bọn trẻ tiếp tục học ở Pê-tơ-rô-gơ-rát. Đời sống học đường bị xáo trộn. Các ngoại ngữ bay hơi khỏi tâm trí của các cháu còn nhanh hơn khi chúng đọng lại thuở trước. Nhưng các con tôi nói tiếng Nga theo kiểu của người nước ngoài. Nhiều lần, chúng tôi ngạc nhiên nhận thấy cấu trúc một câu tiếng Nga của chúng nói hệt như dịch từ tiếng Pháp. Tuy vậy, các cháu lại không thể nói lại được một lần nữa chính câu nói ấy bằng tiếng Pháp. Lịch sử những chặng đường di tản của chúng tôi được ghi lại như vậy đấy trong những bộ óc non trẻ, tựa như trên những cuộn giấy cổ bằng cỏ lác được viết chồng chéo nhiều lần.
Khi từ tòa soạn, tôi gọi điện cho vợ tôi báo tin cách mạng nổ ra ở Pê-téc-bua, con trai thứ của chúng tôi đang nằm viện vì bệnh bạch hầu. Cháu lên chín. Nhưng đã từ lâu cháu biết rõ cách mạng đồng nghĩa với đình chiến, với việc trở về Nga và với hàng ngàn hạnh phúc khác. Cháu nhảy chồm lên và múa may mừng cách mạng trên giường. Điều này chứng tỏ cháu đã khỏi bệnh.
Chúng tôi cố gắng rời Mỹ bằng chuyến tàu thủy đầu tiên. Tôi chạy đi chạy lại đến các lãnh sự xin giấy tờ và thị thực. Tối hôm trước ngày khởi hành, bác sĩ cho phép đứa nhỏ mới lành bệnh được đi dạo. Vợ tôi cho cháu đi trong nửa giờ rồi sửa soạn hành lý. Đã bao lần cô phải làm từ đầu đến cuối công việc ấy! Nhưng không thấy cháu về. Tôi thì ở tòa soạn báo. Ba giờ khắc khoải trôi qua. Điện thoại kêu vang trong nhà chúng tôi. Ban đầu một giọng đàn ông không quen biết, rồi tiếng của Xéc-gây:
- Con đang ở đây!
Đây là một đồn cảnh sát ở đầu bên kia Niu Oóc. Cậu bé muốn nhân chuyến đi dạo đầu tiên ấy để giải đáp một câu hỏi đã hành hạ cháu từ lâu: Qthực có phố Thứ Nhất (First Avenue) không? Chúng tôi ở phố 164, nếu tôi không nhầm. Dĩ nhiên cháu đã lạc, lân la hỏi người qua đường và được họ đưa đến đồn cảnh sát khu vực. May sao, cháu nhớ được số điện thoại của chúng tôi.
Một giờ sau, khi vợ tôi cùng cháu đầu đến đồn cảnh sát, họ được tiếp đón vui vẻ như một vị khách chờ đợi từ lâu. Cậu bé Xê-ri-ô-gia mặt đỏ bừng và đang chơi bài với một chú cảnh sát. Để che giấu nỗi bối rối do sự chăm sóc quá tận tình của cơ quan hành chính, cháu chăm chỉ nhai kẹo cao su Mỹ màu đen cùng các bạn mới của nó. Bù lại, đến nay Xê-ri-ô-gia vẫn còn nhớ số điện thoại của chúng tôi ở Niu Oóc.
Quá cường điệu nếu bảo tôi đã làm quen với Niu Oóc. Tôi quá vội vã ngụp lặn trong công việc của đảng xã hội Mỹ. Cách mạng Nga cũng đến quá nhanh. Vỏn vẹn, tôi chỉ nắm bắt được chút gì đó từ nhịp sống của con quái vật có tên là Niu Oóc. Tôi trở về châu Âu trong tâm trạng của một kẻ mới thoáng nhìn vào bên trong cái lò tôi luyện tương lai nhân loại. Tôi tự an ủi sẽ có ngày trở lại nơi đây. Đến nay tôi vẫn chưa từ bỏ hi vọng ấy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3