Gối đầu lên cỏ - Chương 03 phần 2
Tôi vốn có chủ ý như vậy rồi. Ðêm nay, để thực hiện chủ trương đó, nằm trong chăn tôi đã làm mấy bài thơ về những chuyện vừa kể. Vì đang học cách làm việc thận trọng, nghĩ rằng nếu có ý thơ mà không ghi lại thì sẽ quên mất nên tôi lấy cuốn sổ phác họa ra để sẵn ngay bên gối. Bài thơ đầu tiên tôi ghi là:
Ngơ ngẩn
Làm run rẩy giọt sương
Ðóa hải đường
Khi đọc lại thì thấy bài thơ không thật hay nhưng cũng không quá tệ. Rồi tôi viết tiếp:
Bóng hoa
Bóng người con gái
Mơ hồ
Bài này thì bị lặp quý ngữ. Nhưng có hề gì, miễn là ta cảm thấy trong lòng thanh thản. Rồi bài thơ kế tiếp:
Hồ ly
Hóa thành cô gái
Trăng mờ
Toàn là những câu thơ buồn cười. Ðúng là thơ của mình nhưng thật là kỳ quặc.
Thế này là ổn rồi. Tôi cứ thoải mái thư giãn, nắm bắt mọi tứ thơ và ghi lại tất cả.
Dưới bầu trời xuân
Những vì sao lạc
Lấp lánh trâm cài
Tóc vừa mới gội
Lướt thướt mây trời
Ðêm xuân
Dáng người con gái
Hòa tiếng thơ ngâm
Ôi! Ðêm mùa xuân!
Ðêm trăng
Hồn cây hiện bóng
Hoa hải đường
Dưới ánh trăng
Mùa xuân
Văng vẳng tiếng ca
Cạn dòng suy nghĩ
Sắp sáng rồi
Ðêm xuân một mình tôi
Trong lúc tôi làm thơ, cơn buồn ngủ đã đến lúc nào không biết.
Có lẽ dùng từ “xuất thần” cho hoàn cảnh này là phù hợp nhất. Trong lúc ngủ thì ai cũng quên đi bản thân mình. Còn lúc tỉnh táo sáng suốt thì chắc hẳn không ai quên được thế giới xung quanh. Sự huyền ảo chỉ xuất hiện ở lằn ranh mập mờ giữa hai thế giới. Ðó là trạng thái quá mơ màng để nói là đang tỉnh, nhưng nói là đang ngủ thì không đúng hẳn vì cũng có nhận biết đôi chút. Ðúng hơn, trạng thái ấy giống như ta dồn hai thế giới vào trong cùng một cái chai, rồi cầm cây bút màu của nàng thơ mà khua khoắng để pha trộn lại. Ngay trước khi ta chìm vào giấc mơ, những màu sắc thật của tự nhiên trở nên nhòa nhạt, rồi cả vũ trụ nguyên dạng trôi tuột vào thế giới của sương mù. Bàn tay phù phép của cơn buồn ngủ làm trơn tru những góc cạnh của hiện thực, và trong khi đó thì mạch sống mỏng manh trong ta vẫn khe khẽ đập, hòa vào thế giới đã được cải biến để trở nên mềm mại dịu dàng. Giống như làn khói là là mặt đất không bay lên được, linh hồn chúng ta không thể dứt khoát lìa bỏ xác phàm. Muốn thoát hẳn ra nhưng cứ mải quanh quẩn mà không thoát được, cuối cùng linh hồn không thể tồn tại lâu hơn nữa trong trạng thái không cảm xúc, và cái sức sống vô hình mạnh mẽ kia không bị tản mác mà trở lại bám chắc vào tứ chi ngũ tạng, làm nảy sinh trong ta cảm giác cần nơi nương tựa hay khát vọng yêu đương.
Khi tôi đang mơ màng nửa tỉnh nửa mê thì tấm cửa dán giấy bỗng nhẹ nhàng trượt qua. Một cái bóng con gái mờ mờ ảo ảo vụt hiện ra ở chỗ trống nơi ngưỡng cửa. Tôi không hề cảm thấy kinh ngạc. Cũng không sợ hãi. Mà chỉ thích thú ngắm nhìn. Nhưng nếu dùng từ “ngắm” thì hơi quá mạnh. Lẽ ra phải nói rằng bóng người con gái mờ ảo đó lướt thẳng vào trong đôi mắt tôi lúc ấy đang nhắm lại. Cái bóng nhè nhẹ đi vào phòng, bước trên lớp chiếu mà không hề gây nên những tiếng động mang hơi hướng con người, cứ như một nàng tiên lướt qua sóng nước. Vì tôi đang nhìn bằng đôi mắt nhắm nên không rõ có chính xác hay không, nhưng tôi thấy là bóng người màu trắng, tóc dày và dài phủ xuống sau gáy. Có cảm giác như đó là hình ảnh ta nhìn thấy khi soi lên ánh đèn một bức ảnh mờ, loại ảnh thịnh hành trong thời kỳ gần đây.
Cái bóng dừng lại trước chiếc tủ. Tủ mở, và trong bóng tối thấp thoáng một cánh tay trắng muốt thò ra bên ngoài tay áo rộng. Rồi cửa tủ đóng lại. Dĩ nhiên là cái bóng lại lướt trên lớp sóng làm bằng chiếu để quay ra. Cánh cửa dán giấy tự động khép. Tôi chìm dần vào một giấc ngủ sâu. Giống như khi người ta đã rời khỏi kiếp người mà chưa đến lúc đầu thai làm trâu hay ngựa vậy.
Tôi không biết mình đã ngủ bao lâu trong khoảng không lơ lửng giữa kiếp người và kiếp ngựa, rồi thức dậy khi nghe tiếng con gái cười khúc khích bên tai. Nhìn ra thì thấy màn đêm đã được vén lên, khắp nơi đều chan hòa ánh sáng. Nhìn ánh sáng của ngày xuân rạng rỡ nhuộm thẫm những thanh tre đan thành lưới mắt cáo trong ô cửa sổ hình tròn, tôi cảm thấy dường như trong thế giới này không hề có chỗ trú ẩn cho những gì được gọi là ma quái. Có lẽ những gì thần bí đã trở về thiên đàng, đã qua bên kia chiếc cầu dẫn về cõi u minh.
Tôi vẫn mặc nguyên chiếc áo yukata[10] đi xuống phòng tắm, ngâm mình thoải mái trong bồn nước nóng khoảng chừng năm phút. Tôi chẳng muốn kỳ cọ mà cũng không muốn đi ra ngoài. Sao đêm đầu tiên ở đây mình lại có tâm trạng như thế nhỉ? Sự thay đổi trong tự nhiên giữa ngày và đêm như thế này thật là kỳ diệu!
[10] Yukata là loại kimono mỏng, dùng để mặc trong nhà.
Ngay cả việc lau khô thân thể tôi cũng lười nên chỉ phủi qua loa rồi bước ra, người vẫn còn đang ướt. Khi mở cửa nhà tắm bước ra ngoài thì tôi lại gặp một chuyện đáng kinh ngạc.
- Chào anh. Tối qua anh có ngủ ngon không?
Tôi nghe tiếng chào ngay khi đang mở cửa. Vì không nghĩ là có người ở đấy, nên trước câu chào đột ngột này tôi còn chưa kịp đáp lời ngay thì người kia đã nói tiếp:
- Ðây này, anh mặc áo vào đi!
Người vừa nói bước vòng phía sau rồi vắt một chiếc kimono mềm mại lên vai tôi. Tôi chỉ kịp nói “Ồ, cảm ơn...” như thường lệ, quay lại thì cô gái đã bỏ đi cách mấy bước chân rồi.
Từ xưa đã có thông lệ là tiểu thuyết gia phải thật công phu khi khắc họa diện mạo nhân vật chính. Nếu liệt kê ra hết những lời văn được dùng để bình luận về người đẹp trong các ngôn ngữ Ðông Tây kim cổ thì có lẽ cũng thành một tập hợp đồ sộ không thua kém gì Ðại tạng kinh. Trong cái mớ tính từ nhiều đến mức làm người ta phát hoảng kia, không biết có bao nhiêu từ là thích hợp để miêu tả người con gái đang đứng cách tôi ba bước chân, xoay nghiêng người, liếc nhìn về phía sau để nhìn thằng tôi đang kinh ngạc và lúng túng? Hơn ba mươi năm trải đời, quả là tôi chưa từng gặp một sự biểu hiện tình cảm nào như vậy. Nói theo ngôn ngữ của những nhà phê bình mỹ thuật, thì lý tưởng của điêu khắc Hy Lạp có thể quy về hai chữ “nghiêm trang”. Tôi cho rằng nghiêm trang là dáng vẻ con người khi sức sống tiềm ẩn còn chưa được thể hiện thành hành động. Ta không thể biết được nếu sức sống kia thể hiện thành hành động thì dáng vẻ bên ngoài sẽ thay đổi ra sao, liệu có thành mây mưa hay sấm chớp gì chăng? Nhờ đó mà hình tượng nghệ thuật có một thứ dư âm mơ hồ, và vì thế mà tác phẩm vẫn giữ được sức hấp dẫn tiềm tàng sau hàng trăm thế kỷ. Mọi vẻ đẹp tôn nghiêm và cao quý trên đời đều ẩn giấu đằng sau một vẻ ngoài trầm tĩnh. Nếu có sự hoạt động thì mọi thứ sẽ hiển lộ. Nếu hiển lộ ra bên ngoài thì tất yếu sẽ dẫn đến một kết cuộc nào đó. Dù kết quả là như thế nào đi nữa thì chắc hẳn là cũng hàm chứa những năng lực đặc thù. Nhưng rốt cuộc dù đạt đến kết quả nào thì cũng trở nên tầm thường vụn vặt, không thể nào quay trở về với trạng thái viên mãn nguyên vẹn như trước đó. Vì vậy những gì có sự hoạt động hay danh tiếng đều chẳng tốt đẹp gì. Tác phẩm điêu khắc Nio của Unkei[11] và tranh khắc gỗ của Hokusai[12] đều không thành công cũng chỉ vì chữ “động”. Ðộng hay là tĩnh. Ðó là vấn đề lớn chi phối sự sống còn của ngành hội họa chúng ta. Chắc hẳn từ xưa đến nay chân dung của những mỹ nhân cũng chỉ là sản phẩm của một trong hai cách vẽ cơ bản ấy mà thôi.
[11] Nio là tượng hai vị thần bảo hộ, thường được đặt hai bên cửa chùa ở Nhật Bản.
[12] Katsushika Hokusai (1760 - 1849) là họa sĩ nổi tiếng, thuộc dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản thời Edo.
Nhưng khi nhìn những gì cô gái này biểu hiện, tôi lúng túng không biết xếp cô vào loại chân dung nào. Nét môi khép kín thành một lằn ngang. Ðôi mắt nhanh nhẹn như đang dò xét từng góc nhỏ. Gương mặt trái xoan hơi bầu phía dưới cằm thì mang vẻ đẹp trầm tĩnh sâu sắc nhưng trán thì lại quá hẹp và khắc khổ, vụng về ôm lấy đường tóc rẽ ngôi theo hình núi Phú Sĩ. Lại còn hai đường chân mày mọc lan ra chụm vào nhau, giống như bị vấy mực ở khoảng giữa, cứ giật giật như đang có điều gì nôn nóng. Chỉ có cái mũi là không mỏng nhọn quá mà cũng không dày nặng quá. Nếu lên tranh thì chắc là đẹp. Mỗi đường nét đều có vẻ độc đáo riêng, và khi tất cả những nét này cùng dồn dập đập vào mắt ta trong một lúc thì ta lúng túng cũng là lẽ tất nhiên.
Một thế giới rộng lớn vẫn yên ổn bấy lâu bỗng bị lỗi ở một góc nào đó, làm cho mọi thứ đều rung động. Vì biết rằng sự rung động ấy là trái với bản chất tự nhiên nên tất cả đều cố gắng trở về với sự yên tĩnh ban đầu, nhưng vì đã ở trong tư thế mất thăng bằng nên sự rung động không thể ngừng lại được, và bây giờ muốn thể hiện cho người khác thấy sự rung động mà mình đang phải chịu đựng kia. Có thể hình dung cô gái này đang ở trong tình trạng đó, nếu như có tồn tại một trạng thái như vậy.
Vì thế, tôi đã nhìn thấy ở cô ấy một vẻ gì như là sự khát khao nương tựa, ẩn trong cái vẻ ngoài khinh bạc thế kia. Ðằng sau sự nổi loạn ẩn chứa một vẻ sâu lắng dịu dàng. Bên trong sự nỗ lực để thể hiện tài năng và khí phách vượt cả hơn trăm người đàn ông là dòng chảy âm thầm của những đam mê trong sáng. Tóm lại là những biểu hiện trên gương mặt cô không thể nào thống nhất về một kiểu. Giống như mê và ngộ tranh đấu với nhau nhưng vẫn tồn tại cùng nhau dưới một mái nhà. Chắc hẳn cái vẻ không hài hòa trên gương mặt cô gái này là bằng chứng cho sự thiếu cân bằng trong tâm hồn, và sự thiếu cân bằng trong tâm hồn gắn với tình trạng mất cân bằng trong thế giới của cô. Ðó là gương mặt thể hiện một con người bị bất hạnh đè nén và đang chống chọi với bất hạnh. Rõ ràng đây là một cô gái không hạnh phúc.
Tôi khẽ gật đầu và lặp lại:
- Cám ơn!
Cô bật cười:
- Tôi đã dọn phòng rồi đấy. Anh về phòng mà xem. Gặp lại anh sau nhé!
Cô nói xong liền vội vàng xoay người, nhẹ nhàng chạy xuống hành lang. Tóc búi thành búi nặng hình cánh bướm. Cổ áo trắng lộ ra bên dưới búi tóc. Dải thắt lưng đen bằng lụa hình như chỉ giắt có một bên.