05. Bức Họa Bên Đời (Nguyễn Thanh Trúc)

Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông

Bức Họa Bên Đời

Nguyễn Thanh Trúc

Tôi vẽ đứa bé ngồi trên ghe

rồi tôi vẽ đại dương

mênh mông

đứa bé nhìn tôi

cầu cứu

Tôi vẽ bến bờ bình yên.

Tôi vẽ đứa bé đứng bơ vơ

rồi tôi vẽ đường đời

quanh co

đứa bé nhìn tôi

thăm hỏi

tôi vẽ bước chân xoải dài.

Tôi vẽ đứa bé mắt rưng rưng

rồi tôi vẽ đời

muôn vẻ

đứa bé nhìn tôi

chợt hiểu

tôi đang vẽ tôi.

Có người đã từng nói một câu rất chí lý: “Cuộc đời là hành trình không bến đỗ. Mỗi gia đoạn của cuộc đời là một phần của hành trình.”. Chuyến đi này đã đưa dắt tôi sang một bước ngoặt lớn của cuộc hành trình trên đường đời.

Sau năm 1975, có hàng triệu người đã liều mình ra đi. Trong số ấy có biết bao người làm mồi cho cá ngoài biển Đông. Rồi không ít người bị bắt lại. Đến nỗi trong thiên hạ đã có câu vè: “Một là con nuôi má, hai là má nuôi con, ba là con nuôi cá...” Thế nhưng vẫn có vô số người lén lút tìm đường đi vượt biên. Gia đình tôi gồm có ba mẹ tôi, em gái tôi, và tôi. Chúng tôi đèo bồng nhau thử mọi nơi, từ Cam Ranh ra Nha Trang, xuống Bà Rịa, qua Vũng Tàu, vào Rạch Giá, ra Rạch Sỏi, đến Cà Mau. Đi đến đâu cũng thất bại. Tiền mất mà còn bị tù tội. Tưởng chừng như hy vọng không còn. Mãi sau này, cơ hội đến thật bất ngờ. Lúc bấy giờ đi vượt biên theo đường bộ (thật ra là nửa bộ nửa biển) đang được thịnh hành vì có nhiều cơ hội đến bờ và ít gặp cướp biển. Điều duy nhất làm ba mẹ tôi khó nghĩ là chuyến đi chỉ còn một chỗ trống. Và vốn liếng còn lại của gia đình cũng chỉ đủ cho một người đi. Ai đi, ai ở? Sau hai đêm đắn đo suy nghĩ, ba mẹ tôi hỏi tôi có dám đi một mình không? Vẫn biết nhiều trở ngại đón chờ trước mắt nhưng thật sự tôi không thể nào lường trước những trở ngại đó lớn thế nào so với sức chịu đựng của mình. Trong khi đó nếu ở lại thì con đường vào đại học của mình đã bị đóng lại. Thế là tôi nghe lời ba mẹ ra đi.

Mùa hè năm 1987, trưa nắng vàng con người. Tôi ngồi thu lu trên chuyến xe đò Sài Gòn - Cần Thơ, ôm một cái túi đựng một bộ đồ duy nhất của mình. Một giờ xe mới chạy mà bây giờ hành khách đã nhốn nháo trên xe. Phần lớn khách trên xe là các dì, các mợ đi buôn hàng. Họ hình như có vẻ quen mặt nhau. tiếng than thở lời lỗ, ế ẩm chen lẫn tiếng rao bán hàng cứ xoáy vào tai tôi. Lần đầu tiên ngồi xe đò, khiếp thật! Người ta nói quả không sai “tai nghe không bằng mắt thấy”. Thêm vào tâm trạng nơm nớp lo sợ của kẻ đi vượt biên. Tất cả yếu tố trên làm chuyến đi về miền Tây đầu tiên trong đời mất phần thú vị!

Tôi tới thành phố được mệnh danh là Tây Đô vào khoảng xế chiều. Có lẽ tôi xuống xe sớm hơn nếu chiếc xe thổ tả không bị hư dọc đường. Ra khỏi bến xe hỗn độn, quẹo trái qua thêm một dãy nhà rồi quẹo phải mới đến được quán cà phê Mỹ Hương. Tại quán này tôi gặp người dẫn đường. Anh ta dắt qua không biết bao nhiêu là đường, hết đường lớn tới đường nhỏ. Hết đi bộ thì đón xe đạp lôi. Thành phố Cần Thơ ban đêm rất bình dị với những chiếc xe đạp lôi xuôi ngược. Mãi đến khi tối trời chúng tôi mới về nhà anh ta. Đến nhà anh ta thì cũng vừa kịp lúc người nhà đang chuẩn bị thức ăn cho khách. Có bốn người khách cả thảy tính luôn tôi. Chuyến đi này chỉ có năm người. Tất cả đều là phái nữ. Chị lớn tuổi nhất cỡ tuổi trung niên, là chị ruột của người dẫn đường. Chị biết nói ít tiếng Miên. Một chị người Sài Gòn. Một chị từ Cần Thơ và một chị từ Mỹ Tho cùng độ tuổi đôi mươi. Và tôi nhỏ nhất trong đoàn. Sáng hôm sau, trời vừa chạng vạng sáng anh ta dắt chúng tôi ra bến xe đó đi về thị xã Châu Đốc. Lại ngồi xe đò. Lần này đỡ hơn vì ngồi bên cạnh tôi không phải là một bà to bự như chằng mà là một chị đi chung đoàn. Đến thị xã Châu Đốc, chúng tôi len lỏi vô đoàn thiện nam tín nữ về viếng chùa bà. Rồi chúng tôi lên phà qua sông. Đến xế trưa thì cả đoàn tới biên giới Việt - Miên.

Đến biên giới Việt - Miên, người dẫn đường ra dấu cho chúng tôi lẫn vào đám bụi cây. Anh ta nói vài câu gì đó với một người Miên để bàn giao rồi bỏ đi. Người dẫn đường mới của chúng tôi bây giờ là anh chàng Miên, sáu người chia nhau lên ba chiếc xe Honda ôm. Xe chạy qua đường đất đỏ mù trời. Chập tối thì chúng tôi đến trạm xe hàng. Mấy đứa con gái được nhét vào trong thùng của một chiếc xe hàng. Người Miên dẫn đường thì ngồi cạnh tài xế. Lúc lắc bên cạnh những cái thùng không được bao lâu thì xe hàng dừng lại. Cảnh sát Miên chặn xe và bắt chúng tôi ra khỏi thùng xe. Trong lúc người dẫn đường còn đang năn nỉ mấy ông cảnh sát Miên, thấy không ai để ý, chị trong đoàn đẫn chúng tôi lén chạy trốn. Cũng may là người dẫn đường kịp thấy hướng chạy của chúng tôi. Anh ta theo kịp và tìm thấy chúng tôi trước khi chúng tôi bị lạc vào đám rừng.

Thế là chúng tôi đi bộ xuyên rừng. Cứ đi chừng hơn tiếng thì dừng lại nghỉ một chút. Đi hết đêm đến sáng trong rừng, không thức ăn, không nước uống. Hai con mắt tôi vừa cay vừa xót. Mí mắt mở không muốn lên mà đôi chân cứ phải bước. Không theo kịp đoàn thì bị lạc. Nếu mà bị lạc giữa đám rừng này thì tôi chết chắc. Trời vẫn còn chưa sáng trong khu rừng nhiệt đới. Đang đi thì bỗng dưng người dẫn đường đứng khựng lại. Chẳng biết từ đâu xuất hiện trước mặt chúng tôi một toán người. Toán người này mang họa cho những người băng rừng. Chúng tôi bị trói thúc ké vào nhau từng đôi một. Một chị trong đám chúng tôi bị kéo ra. Mặc chị kêu la khóc lóc van xin, họ vẫn điềm nhiên làm điều họ muốn làm. Chúng tôi nhìn nhau nước mắt đầm đìa. Tôi khấn thầm các đấng thần linh giúp đỡ, lòng khiếp sợ, sợ đến phiên mình. Trời run rủi, có một số người địa phương đi ngang qua khu đó. Bọn thổ phỉ thấy động bỏ chạy, bỏ lại chúng tôi người thì bị trói thúc ké, kẻ thì như nhộng con ro than khóc. Sau một thời gian định thần, dẫu mệt lả chúng tôi vẫn tiếp tục lên đường. Đi ra khỏi rừng thì mới mong thoát được bọn thổ phỉ.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng ra khỏi được đám rừng, tìm được xe về hướng Nam Vang. Nam Vang là một thành phố lớn với đèn xe như mắc cửi. Anh dẫn đường dẫn chúng tôi vô một quán. Nói là quán chứ thật ra đây là một cái động chúng tôi được lùa xuống một cái hầm nhỏ dưới gầm giường. Chúng tôi được ăn ít bánh nếp. Cái thứ bánh nếp chẳng có nhưn gì hết vậy mà ngon đáo để. Bữa ăn đầu tiên kể từ khi chúng tôi rời Cần Thơ. Dưới hầm tối như bưng. Mặc dù vậy tôi vẫn có thể nghe được tiếng động bên ngoài. Những gì xảy ra bên trên miệng hầm đều được nghe rõ mồn một. Tôi vừa ngủ gục thì nghe một tiếng động lớn trên đầu. Rồi như là có tiếng một ông say nhệ nhệ nói vài câu tiếng Miên. Sau đó là tiếng rên la, tiếng cọt kẹt của chiếc giường. Sao mà tương lai chúng tôi tối như chiếc hầm tôi đang ngồi vậy. Lạy trời cho họ đừng nổi máu gian ác bắt chúng tôi lên làm như họ. Trong lúc khiếp sợ, tôi không biết làm gì hơn, chỉ nắm tay chị ngồi kế bên mình. Chị ấy cũng run rẩy như tôi. Hai chị em nắm chặt lấy tay nhau. Hai hàng nước mắt lăn dài xuống má, xuống môi, mặn kinh khủng.

Chạng vạng sáng, người Miên dẫn đường trở lại và đưa chúng tôi rời cái quán đó. Hình ảnh của những màn cụp lạc vẫn còn ám ảnh trong đầu. Chúng tôi lên xe buýt rời khỏi thành phố Nam Vang để đi đến một tỉnh nhỏ. Mãi cho đến nay chẳng biết tỉnh này tên gì nữa. Người dẫn giao cho chúng tôi một ít tiền Miên rồi biểu chúng tôi lảng vảng gần rạp hát trong tỉnh. Anh ta biến mất đến tối mới trở lại. Anh ta dẫn chúng tôi len lỏi qua những đường lầy lội rồi cuối cùng lẻn vào cửa sau một căn nhà nhỏ. Tưởng khá gì, lại bị xuống hầm. Cái hầm có vẻ rộng hơn và khá yên tịnh hơn cái hầm ở Nam Vang. Bù lại, chúng tôi được ăn uống đầy đủ. Mãi khuya hôm đó, người dẫn đường dắt chúng tôi từng người một ra cửa sau. Nghe tiếng sóng tôi mới biết căn nhà này sát mé biển. Tôi run bắn lên khi bị dắt xuống nước vì không biết bơi. Sợ bị chết đuối nên tôi định nói là tôi không biết bơi. Nhưng vừa há miệng ra nói chữ “tui” thì đã bị anh dẫn đường dùng tay bịt kín miệng tôi lại. Chỉ còn cách níu vào tay anh mà đi. Cũng may nước khoảng chừng ngang vai thì ra đến chiếc ghe nhỏ. Tôi còn tưởng đây là ghe “taxi” để đưa chúng tôi ra tàu lớn. Nhưng không đây chính là chiếc ghe đưa chúng tôi vượt biển. Anh ta lội vào bờ, để chúng tôi trên ghe với vài người tài công.

Chúng tôi bị lùa xuồng hầm ghe. Vì hầm không đủ chỗ nên chúng tôi trong tư thế nửa nằm nửa ngồi. Ngồi tàu, lại thêm bị say sóng. Chưa hết, chiếc ghe bị vô nước, nước trong hầm ghe ngập đến vai. Vì sống còn, chúng tôi phải thay nhau tát nước. Thật ra chỉ tát nước mới được ngồi gần miệng hầm mà thở chút không khí. Tôi bị mùi dầu làm cho ngộp thở. Tôi ói ra đó, khóc cũng ra đó, và tiểu cũng ra đó. Ai cho lên hầm ghe mà đi đâu. Tôi cũng chẳng biết mình ngồi trong tình trạng dở sống, dở chết đó đến bao lâu nữa. Gần sắp xỉu thì mấy người tài công dẫn chúng tôi lên trên khoang ghe. Tưởng đã tới nơi tôi mừng quýnh. Ai dè không phải. Chúng tôi được đưa lên một cái hoang đảo.

Họ biểu chúng tôi ở đó chờ họ đi lấy thức ăn. Chúng tôi cứ chờ, chờ hoài, chờ mãi. Chờ không nổi nữa, chúng tôi đi men theo bãi đá tìm xem có gì lót lòng. Hoàn toàn không! Không đồ ăn, thức uống, tôi thấy phía xa xa có đám người mặc áo đỏ, áo vàng. Nghĩ bụng ít ra mình cũng gặp may. Họ có thể có tí đồ ăn. Tôi đi về phía họ, đi mãi mà họ vẫn ở phía trước. Mệt lả, tôi ngồi phệt xuống đá. Nghĩ chắc mình bị lừa bỏ chết dục ngoài hoang đảo, nên mấy chị em cởi áo hua lên cao mỗi khi thấy bóng dáng chiếc ghe nào đó ngoài khơi xa. Thà bị bắt về ngồi tù còn hơn bỏ xác nơi đây. Mưa. Mưa như tát nước vào mặt. Tôi có nước uống rồi. Chúng tôi hái lá làm phễu, múc nước mưa đọng trên chỗ đá lõm để uống. Đám người áo vàng áo đỏ giờ không thấy đâu nữa. Tối đến mấy người tài công trở lại và tìm được chúng tôi đang núp sau tảng đá to. Lại phải chui xuống cái hầm ghe đấy nước nhờn nhợn người. Tôi nghĩ nếu mình chết thì xong. Khỏi bị cảm giác say sóng thiệt chịu hết nổi. Gần chết thật thì ghe đến bờ Thái Lan.

Sau nhiều đêm đi bộ, xe Honda ôm, xe hàng, và ở trên ghe, trên hoang đảo... Cuối cùng tôi đã đến được nơi mà tôi muốn đến trong tình trạng: Hai hàm răng bị tê cứng, quần áo nhớp nháp, chân bị đá cắt nát đang sưng tấy. Một người lính Thái đã phát hiện chúng tôi trên bãi đá. Chiếc xe cam nhông đưa chúng tôi về trại lính làm thủ tục lục soát. Chúng tôi được đưa vào một ống xi măng thật lớn, trống hai đầu. Cái ống xi măng này giống như một đoạn ống cống chờ được đặt xuống lòng đất. Tại đây chúng tôi được ăn một bữa cơm với canh chua đậu que. Và rồi xe cam nhông lại đưa những người tị nạn bị bịt mắt đến Klong-yai. Đây là trại tiếp nhận tị nạn chờ ngày làm thủ tục đưa về trại tị nạn chính Panat Nikhom.

Ở Klong-yai, tôi phải đi nằm viện hết vài ngày vì chân bị đá cắt nhiễm trùng. Nằm trong bệnh viện nhìn những đứa trẻ địa phương quanh mình có thân nhân vào thăm nuôi mới thấy thấm thía nỗi cô đơn xa người thân.

Gần hai năm trong trại tị nạn, tôi nhớ nhà tê tái. Mặc dù mặt trời mùa hè Thái Lan rực rỡ, nhưng đời tị nạn của tôi bắt đầu bằng những chuỗi ngày lận đận, âm u.

Lá Thư Trại Tị Nạn

Mẹ yêu kính, đã gần năm xa mẹ!

Lê bước buồn, con, một kẻ lưu vong

Quanh quẩn trong trại tị nạn bít bùng

Con ao ước trở về vòng tay mẹ.

Có những đêm con ngồi nhìn lũ trẻ,

Chúng nô đùa rất vui vẻ ngoài sân,

Lệ hoen mi, ôi! Nhớ mẹ muôn phần

Giọt nước mắt mặn, tủi thân quá thể.

Con xa mẹ khi tuổi còn quá trẻ

Nào biết gì đời cạm bẫy giăng giăng

Nhìn tương lai do cuộc sống không thành

Tay định mệnh bứt đời con khỏi mẹ.

Mẹ nâng niu, đời dập vùi con trẻ

Nâng chén cơm dòng lệ đọng tim tôi

Đôi dép đứt vừa cột kẽm, mang. Đau!

Hàng rau muống vừa xanh là bị trộm.

Mấy hôm nay có vài cơn mưa nhẹ,

Nhẹ như bông, chẳng đủ để rửa tay,

Mười lít nước: tắm, giặt, nấu,mỗi ngày,

Trại tù lỏng giam hình hài con mẹ.

Mới vừa sốt, buồn lo, nhưng mặc kệ,

Cõi tạm tù làm sao để khác hơn,

Có người bày cơm trộn ớt, vo tròn

Ăn thay thuốc, đẩy lui cơn sốt. Khoẻ.

Con chợt nhớ lời nghe từ tấm bé,

Con không mẹ được: gọi trẻ mồ côi

Con xa mẹ như đàn đứt giây rồi,

Trời cẩm tú mịt mùng, vì thiếu mẹ.

Ở quê nhà, mẹ có mong con trẻ?

Nhớ thương con? Sức khỏe mẹ làm đầu,

Chiếc lưng còng, hai buổi cháo với rau,

Lòng con xót, cách nào lo cho mẹ.

Đêm trung thu trăng tròn, trời quạnh quẽ,

Gió viễn du cho ta gởi mấy lời,

Nhắn gởi về quê mẹ chốn xa xôi,

Lời kính nguyện con yêu mong mẹ khoẻ.

Viết thư rồi con lại đem ra xé,

Gửi làm gì, khi mẹ đọc sẽ đau,

Lệ thương con khô héo nát mi sầu,

Vết chân chim đã hằn sâu mắt mẹ.

Cuối cùng, may mắn hơn hàng triệu người khác, tôi đạt được cái đích của chuyến đi. Trả những giá rất đắt để đến được bến bờ tự do. Thành phố Porland, tiểu bang Oregon là nơi tôi bắt đầu cuộc sống mới của mình. Bắt đầu phân nửa cuộc hành trình trên đường đời. Tôi vẫn nghĩ là chẳng biết tôi may hay rủi khi vượt biên được. Có lẽ đừng nên suy nghĩ gì thì tốt hơn. Phải chấp nhận và xem như đó là số phận đã an bài cho tôi từ khi tôi chưa ra đời lận kìa. Tôi vẫn phải sống và phấn đấu cho cuộc sống khá hơn. Giông bão trên đường đời rồi sẽ qua đi. Vui với hiện tại bởi lúc nào trong tôi cũng có một tiếng nói phải sống cho đúng nghĩa với đời sống, vì hành trình trước mặt tôi vẫn còn đăng đẳng.

Nguyễn Thanh Trúc

* Nguyễn Thanh Trúc sinh năm 1969

* Sinh ra và lớn lên ở Gia Định, Sài Gòn với ba mẹ và em gái.

* Tốt nghiệp trung học trường Hoàng Hoa Thám, Gia Định.

* Vượt biên qua Thái Lan năm 1987. Ở trại tị nạn Panat Nikhom, Thái Lan, 9 tháng. Sang trại tị nạn Bataan, Philippines 7 tháng.

* Định cư tại thành phố Porland thuộc tiểu bang Oregon từ tháng 10 năm 1988.

* Tốt nhiệp cử nhân Computer Science năm 1993.

* Hiện đang sống và làm việc tại Oregon.

* Cộng tác viên của báo liên mạng Hồn Quê (www.honque.com)

* In chung hai cuốn thơ với các bạn trong nhóm văn nghệ Mai Đức Vinh: “Một Thoáng Kỷ Niệm” (Suối Nguồn xuất bản năm 2001 ) và “Tình Thơ Áo Trắng” (2002)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3