06. Đèo Cả Vắt Mẹ Địu Con Vượt Chết (Mặc Đông)

Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông

Đèo Cả Vắt Mẹ Địu Con Vượt Chết

Mặc Đông

Sương tay bồng tay xách lặng lẽ bước theo lối mòn từ chỏm núi Đá Đen cuối cùng, bên kia khụy chỏ đường đèo là bãi tranh cao phủ cả người, muốn đi tắt tới điểm hẹn khỏi bị phát hiện của bọn lính biên phòng, ba mẹ con Sương rất vất vả, khó nhọc chui qua những bụi rậm, những dây leo chằng chịt, những ghềnh đá, gặp có đoạn lên cao thẳng tuột, có chỗ chúi vực, mà theo người hướng dẫn chỉ cách bám chặt những rễ cây, vịn những cành phụ vướng sà, níu nó mà đi, mà vượt qua.

Hơi núi bốc lên, hơi người tỏa ra vì mệt nhọc, nhớp nháp mồ hôi ướt đẫm áo lãnh quần thoa bắt mùi, những con vắt núi vô thần nhô đầu ra từ những đống lá mục, những mô đất, đá trũng rêu rong đen khì bò ra bám chặt, hút sâu dưới mắt cá, có con bò duỗi vào vùng cấm địa, bất thần vì cái hốc đau đáu của loài vắt vô tri nên nàng phải liều lĩnh tuột xuống khạc nước miếng vào thân con vắt, nàng thò tay tóm cổ bắt nó ra vứt bừa lên phiến đá đen gần đó bụng nó hút no đầy máu chạm phải cạnh bén của đá làm vỡ bụng, máu me tung tóe vương vãi lên lá, lên cây... Mùi máu và khí núi làm tăng nồng độ hiếp dâm của vắt núi, hình như chúng nó đói nhừ, lã bã từ những đợt lá mục, những gốc cây ngổn ngang lò đầu ra hướng về nơi bãi máu người mà nàng bắt vứt quăng ra loang lổ trên tảng đá.

Chúng bu như vẹm!

Sương còng lưng, áo rách, chưn trần nhập vào tốp bảy người đàn ông lẫn đàn bà và ba đứa con nít lam lũ đã ngồi chờ ở đó có lẽ khá lâu, nghe người tổ chức nói, phải đợi ba người nữa từ Nha Trang ra là chúng ta xuống núi vượt qua đường mòn kia rồi đến cồn cát của bãi đáp, nằm ở cuối khe suối chảy ra biển Vũng Rô là có ghe đến đón. Nam, chồng của cô Tư chưng hửng mới biết Sương có chồng vượt biên tìm tự do chết đã hai năm, Sương cùng hai con nhỏ hóm, khật khưỡng tay nải, tay bồng vừa đến điểm hẹn giao người thì người dẫn đường kế tiếp chìa tay ra...

Sương hiểu ý, vì nàng đã bốn năm lần vượt biên bị lộ, bị lừa, bị bắt nên nàng nhanh như một cái máy, nàng bảo khéo Sa chạy vào hốc đá bên kia “tè” đi con!

Sa là đứa con gái mới chỉ năm tuổi đầu biết gì đâu những toan tính của mẹ. Và những mưu kế, toa rập ruồng rẫy của người đời nay, mà chỉ có một điều giữa Sa và bé Nhuệ tri thức non nớt ấy làm sao hiểu nổi được những tai biến phức tạp đang xảy ra cho gia đình cha mẹ, nhất là cho đồng bào thân thuộc... Chúng chỉ có một ước mong làm sao đó gặp ba nó là một niềm vui khó tả nhất của trẻ thơ. Khi mà những ngày tháng chúng nhớ ba vời vợi.

Sa vừa “tuột” xuống là “tè” ngay, Sương sợ con không hiểu nổi cái manh mung của sự giao dịch, chuyển, đưa người vượt biên, vì một nhẽ nàng gặp được đường dây này chỉ mới có ngày hôm qua, nên sự móc nối giữa người tổ chức cũng như người vượt biên như Sương, không ai biết ai là người thực hiện, ai là người lừa đảo, cả ngay người thân thuộc khi mà đòi tiền mãi lộ tiền mua bãi, tiền mua ghe, tráo trở như thế nào đó như là việc dựng chuyện cướp ghe, cướp thuyền để cho người ở lại nhất là chủ ghe khỏi bị liên lụy... tra hạch tù tội cho nên hình thức trao tiền như là việc cướp của giết người là việc rất thông thường xảy ra theo chiều dài thời gian hành của người vượt biên trên biển Đông. Cho nên người dẫn đường đến bãi đáp mới, đưa tay ra là nàng hiểu ý ngay...

Cái ruột tượng vải mà nàng chôm của ông già nàng nó khá dài so với vòng lưng của bé Sa, nên nàng thận trọng lắm mới bỏ vào dăm ba “cây” cùng ít lương khô vặt để phòng hờ nàng buộc vào lưng của con nên khi bé Sa tuột quần tè là một việc làm rất khó khổ, Sương tẳn mẳn xốc ruột tượng lấy ra.

Các con còn quá nhỏ không hiểu nổi được những lời mẹ nói bây giờ đâu con!

Ngày mai kia nếu cuộc vượt thoát này thành công ra được nước ngoài các con học hành đỗ đạt thành tài, lớn khôn, thì tự nó sẽ trả lời cách hùng hồn chính đáng nhất, tại làm sao mẹ con mình vượt thoát không sống nổi nơi quê hương của chính mình.

Cố gắng lên các con, trời không phụ lòng mẹ con mình đâu!

Sau cơn mưa, cơn bão, thế nào trời cũng trở nên quang đãng, nắng ấm chan chứa tình người!

Chàng ơi! Hỡi chàng... bên kia bờ đại dương, vùng trời tự do kia có biết chăng nỗi thống khổ cuộc hành trình vượt thoát này phải trả giá bằng máu và mồ hôi khơi dòng nhỏ giọt quyết tâm, cưỡi sóng từ chỗ chết ra đi, tìm cho mình một lẽ sống mà giá trị, vật chất nào so sánh bằng!

Cơn mưa núi thình lình dẫn đến vẫn chưa dứt, gió thổi tạt nghiêng từng trận lá cây xào xạc bì bõm bay quắt vùi giập vào mặt nàng những giọt nước mưa mang mùi khí núi rét căm căm lạnh. Ba mẹ con, nước mưa, nước mắt chảy thành dòng xuống má lăn vào môi mặn tanh rợn người thế mà nàng cương quyết bước những bước chắc nịch qua những chỏm đá, những khe suối.

Nàng và hai con nàng, hổn hển bò, níu lên ghe, trời cũng bắt đầu sẫm tối, thuyền lướt sóng ra khơi, xa dần, xa dần những núi đồi, những bãi cát, đồng nội óng ả đượm tình quê hương yêu dấu. Tuy nàng kiệt sức, lả người qua cuộc vượt thoát từ trên đường đèo cao dốc thẳm, xuống núi đá triền sâu những con vắt, những con rít, rắn độc nàng vượt bước qua, nàng cố ngoi đầu lên khỏi mạn thuyền. Đứng dậy hướng về miền quê hương vẫy tay chào tạm biệt lần cuối!

Nàng sụt sùi ngấn lệ mắt mờ xa, xa dần quê hương trìu mến!

Nàng nghẹn ngào, âm thầm cất lên lời từ giã mẹ già yêu quý của nàng, con vượt đại dương để tìm chồng... tìm tự do!

Và con nguyện sẽ trở về thăm lại mẹ già, thăm lại làng quê, nếu chúng con còn sống!

Tự do, hai chữ hình như trong đời nàng chưa bao giờ hiểu cái nghĩa ấy là gì? Nhưng bây giờ đầu nàng đội trời, chân nàng đạp núi băng đèo, cỡi sóng dữ... đói khát, cướp biển, hải tặc mọi rợ, hung hãn... nàng ngoi đầu lên, rồi hụp lặn xuống bể đời để rồi nàng trả giá quá đắt, sống còn!

Thế nhưng, nhân loại hình như chưa có ai thấu hiểu nỗi thống khổ cuộc hành trình vượt chết này của mẹ con nàng, người đàn bà Việt Nam quả cảm nhẫn nhục, chịu đựng bao nỗi khổ đau trong ba mươi năm chiến tranh Nam Bắc điêu tàn chỉ vì cái ý thức hệ ngoại lai cỏn con.

Và, sau khi chiến tranh tạm kết thúc, để Việt Nam có được hòa bình? Để Việt Nam có được tự do? Người thì tranh nhau giải Nobel Hòa Bình, người thì tranh nhau chức tước này, quyền nọ! Để mặc cho lương dân Việt Nam sống sao đó, đói nghèo, tù tội, sống chết mặc xác chúng bay có can chi tới!

Tự do rồi sao, hòa bình rồi sao nàng phải bồng con vượt qua bao nguy hiểm, bao nhiêu gian lao để đi tìm tự do để tìm cho con nàng có cuộc sống mới!

Nàng và con nàng, ói mửa tới lòi mật xanh, ngất ngưởng thiếp đi khi mà con tàu chao đảo hụp lặn qua bao con sóng dữ, qua bao trận cuồng phong bão tố, ngay cả những đêm lênh đênh trên biển cả không có một giọt nước ngọt nhỏ vào miệng… mà biển là nơi chứa ba phần tư lượng nước khổng lồ của vũ trụ mênh mông, thò tay xuống ghe lõm bõm là nước tung tóe trắng xóa, nhưng nước biển quá mặn, mặn đắng, làm sao con người có thể uống được, đi rừng, đi núi đói có thể hái lá cây, moi móc bắt côn trùng, sâu bọ, dế mèn mà ăn cho khỏi đói, tìm tới nơi suối độc cũng có thể uống cầm chừng qua cơn khát, qua cơn đói mà đi, mà sống, còn biển thì không, nước biển, cá biển không thể nào dùng được qua cuộc hành trình vượt biển tìm tự do này!

- Khát nước mẹ... con quá khát... nước, mẹ ơi!

- Con chết... chắc mẹ ơi!

- Cho con... nước!

Nước đâu mẹ...Việt Nam? Sa thiếp đi ba ngày đêm liền trên mạn con thuyền trôi dạt biển Đông vô tận.

Nàng cầm cự được sức sống còn của nàng thóp thoi từng giây bằng vào nước... đái của nàng, của con nàng. Và nàng bưng mặt khóc... những giọt nước mắt nàng bì bõm, rơi lăn trên má nàng là những khi nàng bồng con rà miệng của con vào mà liếm, mà mút cho qua cơn khát nước... con đòi nước... để giữ được hơi thở mong manh còn lại của con, của nàng mà ngước đầu lên, vịn nếm giọt nước mắt sau cùng mà đứng dậy bước lên những bước chân trời mới, tự do!

Thuyền nan bị sóng dập đã tơi bời nên một phần đã hư hỏng trầm trọng, nước biển lưng chừng đáy ghe buồng tàu, máy hết dầu, bị bão đạp gãy láp trôi dạt mông lung không định hướng, thuyền theo con sóng tấp vào vùng đá cạn, san hô, nhấp nhô bọt thủy triều xuôi ngược về đâu!

Nàng, chưn hồng mảnh mai nõn đạp lên ốc đảo bén nhọn, máu bắn ra loang lổ từng phiến, từng tảng san hô đỏ ngầu, tay năm ngón móc moi những con sò, con ốc lên mang lại bẹn ván ghe rồi hai tay yếu đuối gân guốc bóc ra từng con nhỏ xíu cho con ăn, lót bụng đoạn trường lên cơn đói, lên cơn khát, với tấm ván cỏn con ngất ngư nằm chờ chết chín ngày, rồi mười ba ngày... rồi cả tháng trên vùng trời biển mặn.

Chiều trên ốc đảo san hô nước mặn, mặt nàng đã bao lần hướng lên bầu trời cao lòng nàng gởi trọn vào chân không, cầu nguyện nhân danh những vị tối cao nào Phật, nào Chúa, nào Thần Thánh ngự ở trời cao, biển cả bao la hãy tỏ ra lòng từ bi bác ái ban phép màu nhiệm mà cứu muôn dân cứu mẹ con nàng đã và đang lâm nguy chờ chết!

Hỡi Chúa toàn năng!

Hỡi Phật Thích Ca màu nhiệm vô biên!

Chúng con cần các ngài cứu chết!

Các con cần phải sống!

Dân tộc Việt Nam chúng con cần phải sống để sinh tồn như bao nhiêu dân tộc trên thế giới!

Mẹ, và nhất là hai con phải sống để gặp lại ba, một tương lai đang chờ đón, một tương lai thật sự đấy hứa hẹn con ơi!

Nàng và hai con thiếp đi như một phép lạ, ngủ ngon một giấc dài trên tấm ván chưa bao giờ có từ ngày, giờ khởi hành đã non một tháng trôi nổi quằn quại, bầm trầy, nào xuống núi, nào băng rừng, vượt sóng ngàn khơi, bây giờ nàng nằm soãi trên một bãi cát trắng phau, nàng tựa mình ngồi dậy tưởng chừng hai con nàng lìa khỏi tầm tay nàng mà về dưới lòng biển sâu thẳm, nàng không ngờ còn có cả hai đứa con thơ yêu dấu của nàng nằm sóng soài bên nàng như một phép lạ trời ban.

Nàng bò một cách chậm chạp, uể oải, đau điếng thân xác tiều tụy như một cái xác khô da bọc xương, nàng bò dần dần lại gần... gần lại, nàng đưa tay với tới ôm hai con vào lòng... nàng hun hút khóc nỉ non, hú hồn còn sống.

Nàng ngó quanh, đây là đâu nhỉ?

Nàng khẽ gọi con... các con của mẹ!

Mẹ đây nè, mẹ của hai con đây!

Nàng, tay chống cát, tay chống đầu gối ngồi dậy đứng lên... Mắt nàng đầy trũng những giọt nước mắt, chan chứa lóng lánh lăn tròn trên gò má hốc hác, nám cháy... vương vãi vài ba sợi tóc bù xù, tả tua bay vờn trước gió mới... đất trời lạ hoắc!

Trước mặt nàng xa xa là ngôi làng những túp nhà như dân...

Nàng nách hai con bước tới... tai nghe văng vẳng tiếng người trọ trẹ cả đàn ông lẫn đàn bà bản xứ...

- Nước... nước... tìm nước cho con... - Sa thiểu não đòi mẹ... nước!

Bé Nhuệ ngất ngớp...: Con cần nước!

Nàng quá xúc động khi nghe hai con đòi nước trong cơn sốt, hớt hải kinh hoàng.

Nàng bịu hai con vào lòng ôm chặt khi mà một toán người vừa đàn bà, vừa đàn ông tiến lại gần… hình như họ muốn nuốt chửng ba mẹ con nàng, hay dở trò cưỡng hiếp, cướp bóc thô bạo như những tên cướp biển mà nàng thường hay nghe trước khi nàng quyết định vượt biên. Nhưng nàng, trong bối cảnh này rất bình tĩnh không chút tỏ ra sợ hãi... dù là có gặp phải bọn cướp biển đi chăng, vì nàng còn gì nữa mà phải sợ, khi thân thể nàng quá tiều tụy, da bọc xương, quần áo rách rưới tả tơi, hai con nàng nằm sụi lơ như cái xác chết... ruột tượng đựng “cây” của hai me con nàng cũng lìa xa nàng từ hồi nào rồi có còn đâu nữa mà cướp, với hiếp...

Nàng phó thác... cho số phận của mình!

Chết hay sống hình như nàng không mấy quan tâm nữa mà nàng chỉ cần có nước. Cho chính nàng và hai đứa con của mình!

- Nước... nước... con cần có nước!

- Con khát... nước... quá!

Người, người ơi! Mẹ Việt Nam ơi...! Chúng con cần... có nước!

Mặc Đông

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3