38. Chuyến Vượt Biển Hãi Hùng (Hoàng Định)

Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông

Chuyến Vượt Biển Hãi Hùng

Hoàng Định

Đoàn người chúng tôi vượt biển bằng chiếc ghe với chiều dài khoảng mười thước thước, ngang hai thước, kéo bằng chiếc máy đầu tám ngựa khỏi Bãi Giá, Đại Ngãi, Hậu Giang, Sóc Trăng chở bảy mươi tám con người đủ lứa tuổi, riêng trẻ em khoảng hai mươi cả trai lẫn gái, hầu hết thuộc về làng ven biển, mà tôi chỉ biết một số người.

Chúng tôi rời quê hương tháng 2 năm 1990, thời tiết êm dịu, mọi việc kể như trót lọt, nhưng đồ ăn nước uống rất thiếu thốn, vì thế sau bảy ngày chịu đựng một em bé sáu tuổi khóc mãi và chết trong tư thế đang khóc, mọi người lấy ván có sẵn trong ghe làm tạm chiếc hòm với hy vọng ngày mai mang lên bờ chôn cất, tối đó có rất nhiều người nằm mơ nhiều chi tiết liên quan đến cái chết của cháu bé, riêng tôi thấy rất nhiều trẻ em kêu khóc, níu kéo ghe chìm xuống, thế là mọi người đều đồng ý cúng vái với một ít mì gói vụn và thả hòm xuống biển, mấy đêm sau đó mọi người không còn những giấc mơ kinh hoàng nữa.

Vài giờ sau chiếc ghe máy bị hỏng không ai sửa chữa được, thế là thuyền lênh đênh trên biển thêm bảy ngày đêm, đói thì ăn cả kem đánh răng, khát thì uống nước biển hoặc nước tiểu, cứ tối đến thì thỉnh thoảng đốt lửa kêu cứu bằng quần áo tẩm dầu.

Một đêm khoảng hai giờ ba mươi sáng, trong lúc người ta đốt lửa làm hiệu thì nhận ra một chiếc tàu chạy đến và dừng lại trao cho chúng tôi chuối, nước, rồi tự động cột dây kéo đi. Người trên chiếc tàu đó không biết là người nước nào. Chúng tôi rất mừng vì được cứu. Khoảng mười phút sau đó, tàu dừng lại song song với ghe và ra dấu chỉ vào tai, vào ngón tay, cổ tay chúng tôi, mấy tiếng giọng lơ lớ “US đô la”. Vì quá vui mừng nên chủ ghe Năm Be vội lấy mũ nỉ gom góp nữ trang của những người trên ghe, họ đứng nhìn và thấy nữ trang được bỏ đầy vào chiếc mũ thì nhẩy qua ôm chiếc mũ sang tàu họ. Một người có vẻ là chủ tàu ra dấu như không đủ vào đâu nên ra dấu bảo đưa thêm hoặc chính họ sang để lục soát. Rồi họ tự động cột giây từ bánh lái đến mũi ghe và cột vào tàu họ. Tôi và một số thanh niên khác cảm thấy lo sợ và nghi ngờ hành động này thì tức thời họ ra dấu chỉ đám đàn ông đu dây xuống nước dọc thành ghe. Tôi và mọi người cùng biết đây là bọn hải tặc đang tìm cách hãm hại những người trên ghe, đang do dự không tuân lệnh nhưng chủ ghe Năm Be lại giải thích vì của cải chúng tôi nộp cho họ quá ít ỏi không đủ cho chuyến đánh cá của họ. Và vì họ ít người nên ngại chúng tôi đông người đó thôi. Thấy chúng tôi vẫn đứng yên, Năm Be vung tay nói; “Đ.M! Có thằng nào chịu nổi cú đấm của tao không mà bày đặt chống cự?”, thế là chúng tôi hậm hực đu xuống, bọn họ chỉ tay ra dấu cho Năm Be đu xuống luôn. Cả đám đàn ông thanh niên đu dây trong biển dọc thành ghe mà nhìn họ.

Trời lờ mờ sáng và với đốm lửa cấp cứu mà chúng tôi đã đốt lên, nhận ra bọn họ khoảng năm tên, tay xách búa chặt cây bước sang lục soát những phụ nữ, trẻ em trên ghe, sau dó tên lái tàu lái ghe chạy làm lệch ghe. Đàn ông thanh niên dưới nước ôm chặt dây sát vào ghe, cố ngoi đầu lên thở còn thân mình và đôi chân trôi trong nước theo tốc độ của ghe bị kéo. Chúng tôi còn đang kinh hoảng thì những chiếc búa vun vút chém vào đầu, vào mình đám đàn ông thanh niên đang đu dây.

Cảnh tượng thật kinh hoảng, tiếng la ó từ trên ghe của phụ nữ, trẻ con, tiếng hét chỉ một lần rồi tắt lịm của những nhát búa trúng đích vào đầu, tiếng la thất thanh của những ai bị chém trúng tay, cổ, vai hoặc lưng. Tôi kinh hãi buông tay lúc nào không hay và lặn ngầm qua bên kia của ghe. Tên lái tàu rọi đèn pha đảo qua đảo lại để nhìn cho rõ ràng mà chém, chợt nhận ra tôi, một tên trong bọn lấy mỏ neo liệng theo nhưng may không trúng, thế là tôi lặn tiếp một hơi.

Rời xa ghe một khoảng, tôi nhìn lên ghe, đèn sáng choang từ dưới mặt nước nhìn rất rõ, tôi thấy họ tách một đứa bé ra khỏi tay một bà nào đó liệng xuống biển, tôi tiếp tục bơi xa và nhìn thấy tàu đã húc cho ghe chìm hẳn. Tôi quá kinh hãi không biết chuyện gì đã xảy ra sau đó nữa, mãi qua đến trại Sikew qua một bé gái mười ba tuổi tôi mới biết là trẻ em quá nhỏ thì bị liệng xuống biển, còn bé gái đang lớn và tất cả phụ nữ thì họ lùa lên tàu và ngày đêm thay nhau hãm hiếp.

Tôi vẫn tiếp tục bơi mà chẳng biết đi về đâu, mãi gần sáng gặp được tài công Thời (còn gọi là Chệt Lác) lưng bị chém một nhát búa, và ông Hùng bị một nhát búa ngang mang tai máu me còn rỉ ra. Cả hai đang ôm một thùng nhựa đựng dầu hai mươi lít làm phao, tôi mệt quá ghé tay vịn vào nhưng cả hai năn nỉ tôi rời xa đi vì thùng dầu quá bé không đủ sức nổi cho ba người, tôi thông cảm họ và chợt nhớ ra vết thương của hai người máu rỉ ra rất dễ làm mồi cho cá mập. Thế là tôi bơi đi và chợt nảy ra sáng kiến cởi chiếc quần dài thắt ống, lộn ngược làm phao, tôi dựa cổ vào đáy quần và cứ thế một vài giờ lập lại cách làm như vậy cho đến khoảng gần giữa ngọ ngày hôm sau. Nhìn xa xa thấy một vật màu đen đen nhấp nhô, thế là tôi cố gắng lội đến và rất may vớ được thùng dầu từ chiêc ghe của chúng tôi. Tôi vội ôm ngay vào ngực và thấy sung sướng lạ thường như vừa trút được một khối nặng nề mệt mỏi ra khỏi con người vậy. Nhìn quanh thấy kẻ ôm thùng, người bơi, người ôm ván, không biết ai là ai nhưng nhẩm đếm những điểm di động có vào khoảng ba mươi người. Tôi rất mừng vì còn được nhiều người sống sót, hoạt cảnh xẩy ra như thể chúng tôi đang chia từng nhóm bơi lội vậy. Có khá nhiều tàu đánh cá khoảng hơn mười chiếc không biết của nước nào đi ngang, nhưng họ tỉnh bơ nhìn chúng tôi như đang tắm biển vậy, có thể nói từng chiếc tàu đó nghe thấy tiếng kêu cứu não nề tuyệt vọng của chúng tôi trên mặt biển đều khoát tay từ chối. (Khi đến trại chúng tôi được biết nếu họ cứu thì sẽ phiền đến họ vì phải khai báo, chụp hình chung với nhau theo luật Cao Ủy Tị Nạn để điều tra, và nhất là họ sợ bọn hải tặc nhận ra sẽ trả thù).

Chúng tôi cứ lêu bêu ngày đêm trên biển đến ngày thứ ba đã thấy lờ đờ vài ba xác chết và nhiều người bất động còn ôm thùng, ván, có một cái xác ngay sát gần bên tôi. Đến trưa, chợt một tàu đánh cá chạy lại gần lại một cặp vợ chồng. Họ vớt vội người đàn bà, đó là chị Liên đang lả người bám vào ván, anh Vũ vội bám vào thành tàu để họ vớt lên thì bọn họ gỡ tay đẩy xô ra, nhìn xuống trông thấy tôi chị Liên vội la lên; “Hoàng ơi, giúp anh Vũ với!”, tôi chẳng giúp được gì, tôi cũng như anh ấy lều bều trên mặt nước, anh Vũ chỉ biết nhìn theo như cái xác không hồn. Chiều đến sóng bắt đầu lớn, cha con ông Ba Vạn và cháu Hồng ôm thùng dầu bị dập vùi trong cơn biển động trông quá kiệt sức, đột ngột ông Ba Vạn thốt lên “Hồng ơi! Tao bỏ mày!”, thế là ông buông tay mất tăm. Chẳng mấy ai còn để ý đến nữa, tôi cũng như mọi người đều mê sảng, hoa mắt, có người thốt lên thấy cồn cát trước mặt, có kẻ thấy hàng dừa xanh mướt, kẻ thì thấy núi xanh thăm thẳm, người thấy cồn đất, còn tôi thì thấy bờ dừa và người đàn bà ngoắc tay như bảo tôi bơi vào, tôi bơi theo hướng tôi thấy, mạnh ai nấy lội theo hướng riêng. Tôi bơi rất lâu mà chẳng thấy đến gần, rồi người đàn bà hiện ra bảo tôi bỏ thùng mà bơi cho nhanh, tôi buông ra và ra sức bơi bằng tay, được vài phút cũng chẳng thấy bờ dừa. Chợt ôi như bừng tỉnh và cầu nguyện thì thấy cát biển, cây dưới nước, tôi đứng xuống rồi người tôi chìm hẳn và mê sảng, thấy như người nào cho ăn, tự nhiên tỉnh táo, mở mắt nhìn lại thấy mình đang chìm dần nên tôi hoảng hồn lội lên, một hồi mới nổi khỏi mặt nước. Nhìn chung quanh toàn biển là biển, thì ra tôi đang mê man hoang tưởng, và kỳ lạ là không cảm đói khát chi, đêm hôm đó trải qua một đêm quả là kinh hãi.

Đến sáng tôi gặp được ba người lớn và ba trẻ em còn lại trên biển gồm người cha có đứa con sáu tuổi bị tách rời mẹ quăng xuống biển và vợ thì chúng bắt hãm hiếp, đứa bé chín tuổi con của anh ta, cô bé mười ba tuổi có mẹ bị chúng bắt sang tàu hãm hiếp và hai người em nhỏ bị tách ra liệng xuống biển, cháu Hồng con ông Ba Vạn bị sóng dập kiệt sức buông tay, Từ Minh Tường, Thời (Chệt Lác). Qua năm ngày bốn đêm trên biển chúng tôi gặp một tàu sắt và một tàu đánh cá, họ dừng lại, chúng tôi cũng chẳng màng đến vì hàng trăm chiếc cũng đã qua đi như vậy. Thế nhưng họ đang vớt chúng tôi, tuy có muộn màng vì quá nhiều người kiệt lực trên biển, nhưng vẫn còn sống sót bảy người lớn nhỏ, tôi nhìn đồng hồ tay là sáu giờ năm mươi tám chiều. Nhìn họ nước da ngăm đen, quấn xà rông tôi không đoán được họ là người nước nào, họ đang loay hoay nấu cháo cho chúng tôi ăn, uống từng chút như họ đã có kinh nghiệm cho những người vượt biển đói khát này rồi. Họ chở chúng tôi và tiếp tục đi đánh cá, hơn một giờ sau đánh bắt được một con cá mập họ đem bỏ xuống hầm tàu, nó quậy ầm ầm, họ chỉ tay xuống hầm rồi chỉ chúng tôi như muốn nói sẽ bị cá ăn thịt nếu tụi tôi còn lêu bêu trên nước.

Tàu chở chúng tôi vào bờ khoảng năm giờ sáng, họ ra dấu sẽ có cảnh sát tới giúp nhưng đừng nói số tàu của họ cứu, rồi họ vội quay tàu ra khơi (Sau này tôi mới biết vùng biển đó thuộc mã Lai Á cạnh Thái Lan). Khoảng nửa giờ sau, có cảnh sát đến, chúng tôi vẫn chưa rõ là người nước nào, một cảnh sát biết tiếng Việt chỉ vào một chiếc xe pick up truck và bảo chúng tôi “Lên xe đi”. Trên đường đi họ hỏi chúng tôi có biết cô gái nào tên N. mười ba tuổi không? Một anh nhận là cháu vợ, thế là họ trở về trạm cảnh sát và anh đã gặp được cô cháu gái thân xác ốm yếu, và nhất là đôi chân bước đi hai hàng trông đau đớn lắm. Gặp lại chúng tôi, cháu khóc nức nở kèm theo nỗi kinh hoàng ghê gớm trên khuôn mặt, chúng tôi cùng im lặng trong nỗi đau đớn chung. Một chập sau đó cháu kể lại đã bị nhốt trên tàu ba ngày đêm và bọn hải tặc liệng hết quần áo em mà đè ra thay nhau hãm hiếp, cháu khóc la hét đau đớn mà bọn chúng thì cứ hết đứa nọ đến đứa kia cho đến khi cháu không còn biết gì thì chúng xách liệng xuống biển cháu mới bừng tỉnh dậy. Cũng may mắn là chỉ vài phút sau đó được tàu cảnh sát vớt. Anh ta hỏi thăm về vợ mình (là dì của cháu N.), cháu cho biết là vẫn còn sống nhưng dì la hét suốt ngày đêm vì bọn họ hãm hiếp dì nhiều quá! Thế là trong số bảy mươi tám người ra đi, chỉ còn lại tám người sống sót.

Sáng hôm sau một số người trong Cao Ủy Tị Nạn đến chích ngừa, chăm sóc cho bé N... Còn bảy người chúng tôi thì hình dáng gần như nhau, ai cũng lở lóet khắp mình và mặt mũi, da sưng từng mảng, được thoa và uống thuốc trị liệu.

Tám người chúng tôi ở đó ba tháng rồi được làm hồ sơ đi trại Sekew, ba mươi ngày sau được thanh lọc và tất cả chúng tôi được chấp thuận đi diện nhân đạo. Ở lại trại thêm sáu tháng nữa, riêng tôi định cư tại Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ anh chị em ngày 20 tháng 10 năm 1992. Mong rằng những câu chuyện đau thương này sẽ tạo khối đoàn kết mạnh hơn trong cộng đồng người Việt hải ngoại khắp thế giới.

Hoàng Định

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3