39. Không Biết Mình Còn Sống (Trần Đông Thành)
Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông
Không Biết Mình Còn Sống
Trần Đông Thành
Một người đàn ông ngồi rung đùi hai chân bỏ thòng vắt qua bờ của bộ ván ngựa gỗ, tay se điếu thuốc rê vấn giấy báo nhật trình, nhìn chăm chăm ra phía cửa cái, tay cầm sẵn cái hộp quẹt diêm để mồi lửa. Còn người đàn bà ngồi ở chiếc ghế đẩu kéo ống quần dài tới vế khìa tay gảy bắp thịt sồn sột, mắt đảo tứ phía, liếc nhìn chung quanh như sợ có người rình rập bên ngoài. Không nghe động tĩnh người đàn ông liền bước xuống đất lộn dây ruột tượng lòi ra sấp vàng cây mỏng vánh lén đút nhanh qua tay người đàn bà và ra dấu gói lại ràng thun thật kỹ.
Có tiếng chó sủa rất xa, một người xề tới cạnh bàn kề miệng định thổi tắt ngọn đèn dầu tranh tối tranh sáng. Người đàn bà đưa tay ngăn lại:
- Đừng. Anh cứ để tự nhiên.
- Phải đó, tắt đèn ở ngoài dễ thấy bên trong.
- Chị coi chừng vợ chồng thằng cha tổ trưởng an ninh tối hay rình nhà người khác để báo cáo.
- Thì đừng có hành vi gì lố bịch để thiên hạ khỏi nghi. Thôi anh đừng xì xào nữa.
Vàng bạc là manh mối câu chuyện. Vừa nói người đàn bà tên Bảy Bét liếm tay thấm nước miếng lẩm nhẩm đếm từng cây vàng, soi qua loa trước bóng sáng ngọn đèn dầu nửa trong nửa đục quan sát giả thiệt rồi nhét từng lá vào chiếc áo cót-sê, phần còn lại đút lòn qua tay chồng, nháy mắt cho Bảy Bét lòn đi ra cửa sau phi tang phòng khi bất ngờ công an xô cửa ập vào khám xét kiểm tra hộ khẩu.
Tiền trao cháo múc, anh Vỹ tiếc tiền đưa ra mua giấy tàu đi vượt biên:
- Tui có bao nhiêu tài sản chừng đó tin tưởng đem giao hết cho anh chị thì cố gắng lo cho vợ chồng tui và hai đứa con tui rất tội nghiệp. Có gì không xuôi là chắc tui tự vận.
Nghe chồng than vợ không dằn được xúc động nước mắt chảy ròng ròng hai khóe:
- Đi quả nhiên là được. Quẻ thầy bói coi rất tốt. Mình ăn ở hiền lành Trời Phật dòm xuống phù hộ vợ chồng mình tai qua nạn khỏi. Anh đừng nói xui quẩy không nên đâu.
Thấy vợ khóc anh Bảy xót xa:
- Em sao kỳ quá! Nói được rồi còn khóc lóc làm gì! Việc gì rồi cũng tai qua nạn khỏi hết.
Chị Bảy Bét là người môi giới, an ủi:
- Anh Tư đừng lo. Tụi tui làm ăn đàng hoàng mà! Đã mười mấy hai mươi chuyến, chuyến nào cũng trót lọt. Nhằm nhò gì tụi công an đối với tụi tôi. Chuyến đi thành công anh qua bển làm ăn khá giả nhớ gởi về cho vợ chồng tui thêm đô la.
Qua giây phút mọi người nín thinh, chị Bảy tiếp lời nửa nạc nửa mỡ:
- Thì anh chị Tư cứ nghĩ lại đi nếu sợ thì thôi, tôi thối lại. Tôi về. Đi vượt biên ai dám ép.
Anh Vỹ sợ mất cứu tinh tay ngoắt lia ngoắt lịa cầm chị Bảy ở lại:
- Nói là nói vậy thôi. Chớ tôi nhất quyết đi thì đi. Ở với tụi này rồi cũng sẽ chết. Không chết trước thì cũng chết sau. Thà đi!
- Ừ! Phải thẳng thừng như ruột ngựa như vậy thì tốt.
- Tụi tôi có cần đem thuốc uống say sóng gì không? Sao tui lo quá! Con Út nhà tui hay ọc sữa.
- Úi chà! Nói chuyện với anh riết rồi tui cũng lây cái bệnh truyền nhiễm nhát như thỏ đế. Chủ tàu, tài công họ lo đầy đủ hết rồi. Cụ bị hoàn chỉnh lắm rồi ông cụ non à! Họ còn lo hơn anh nữa đó. Chuyến này đánh chuyến chót tài công đem theo vợ con đi luôn. Như vậy đủ lo cho anh chưa?
Chập tối thành phố lên đèn. Dãy cột đèn đường treo lủng lẳng các bóng đèn cái bị cháy đít, cái còn xót một hai chỉ đồng loe ngoe làm rơi rớt vài tia sáng hấp hối xuống mặt đường như thảm hoa. Trong khi đó tại một hẻm cụt, vô trong một đường mòn liên tổ của “thành phố Hồ Chí Minh”, trong căn nhà lá nhỏ một bên chủ bên khách chụm đầu vào nhau bàn bạc vừa mặc cả tổng số cây vàng để mua một chuyến vượt biên. Ba cây vàng cho một đầu người. Luật giang hồ nếu “đóng hụi”sòng phẳng tại Sài Gòn thì được hồi “nửa”cây.
Bàn chuyện xong xuôi, đánh nhanh rút lẹ, anh Vỹ tiễn chân khách ra cửa còn xầm xì hỏi với:
- Tui mặc quần áo gì cho không bị khả nghi?
- Ừ! Cứ bận đồ làm mướn như ở nhà. Giản dị thôi. Một bộ trong mình đủ rồi. Qua Mỹ có tiền mặc sức mà mua sắm. À, nhớ là đứng đội nón lưỡi trai, dân Rạch Giá họ sẽ biết ngay mình ở thành phố xuống. Anh phải chịu khó ra nắng chút xíu cho nước da đen đen như dân biển thì việc gì mà không xong.
Vỹ lóng tai nghe lời chị Bảy dậy, búng tay một tiếng chóc:
- Chị Bảy Bét mới thật là một chuyên viên vượt biên!
Nói rồi ray qua hôn lên má vợ một cái ngọt sớt. Bị chị Bảy đẩy ra :
- Cái ông khỉ này! Cứ mỗi lần vui chuyện gì là lại đè tôi ra bắt tôi vui lây!
Tại bờ biển Rạch Giá, điểm vượt biên.
Bắt đầu từ mười một giờ đêm, từng nhóm năm, ba người len lỏi trong vuờn mía từ từ chui ra có mặt tại tụ điểm. Đủ hạng người Nam, Trung, Bắc, đàn ông, đàn bà, nam nữ, ông già bà cả. Người cụ bị áo quần, người xách túi xách hoặc giỏ đi chợ đựng đồ ăn giống như người đi chợ. Cả bọn không ai bảo ai đều im thin thít.
Một hồi lâu lại có tiếng người đàn bà rầy con:
- Đi ỉa lại không đi trước bi giờ phải làm sao đây? Khổ cho tui quá! Đồ quỷ!
Một người bực mình giọng nói pha nghiến răng lè nhè:
- Làm gì mà quát tháo ầm ĩ lên thế? Muốn bị cùm cả tộc đấy à? Cứ cho nó đùn trong quần thì có sao ư? Để xú uế thế còn hơn đi ra ngoài cho công an thộp cổ. Rõ ngợm!
Lại thêm một tín đồ dị đoan:
- Đồ cô hồn các đảng! Bữa nay đi không đốt vàng bạc trám họng cho nên bây giờ gặp đám cô hồn đây nè!
Nghe nạt một cô gái ấm ức, bị người la:
- Muốn chết hay sao cơ? Bịt miệng nó lại đi các bố các mẹ! Khờ!
- Đi vượt biên sao chị lại khóc?
- Em sợ quá! Em nhớ má quá! Ở đây người ta dữ quá! Xin cho em về!
- Trời!
Trong bóng tối mờ trăng, Vỹ thấy ông bạn vừa kêu trời mang khẩu súng K-54 thả xệ hông. Vỹ đoán biết chính gã là công an làm việc cho quận huyện gì đây nhưng đã thông đồng “bán bãi” làm lơ cho đám vượt biên trốn ra khơi.
Tới giờ nhất định có đám người lạ mặc một thứ vải kaki đen mới tới trong đó có anh chị Bảy Bét, có lẽ họ ở trong ban tổ chức, đến từng người nhận diện và thu lại thẻ mua giấy tàu của khách hàng, dấu hiệu là hộp lưỡi lam hiệu Bà Đầm. Ở đằng xa, con tàu lù lù xuất hiện tức thì đám đông như ong vỡ tổ, túa ra chạy vụt tới để leo được lên tàu mới chắc ăn là “hàng vượt biên thứ thiệt”.
Chiếc tàu từ từ rời bến ai nấy đều mừng nhưng không dám thở mạnh vì còn phập phồng sợ đám công an biên phòng ăn không đồng chia không đủ trở mặt. Không ai bảo ai tất cả mọi người đều nằm sát trên ván tàu để mục tiêu thu nhỏ đằng xa khó nhận dạng. Có người thúc dục:
- Thêm ga cho tàu máy chạy lẹ coi!
- Đồ ngu! Chưa ra hải phận cho máy hú để mà tự tử à?
- Câm miệng lại được không các cha!
- Ừ, ai không phận sự xin giữ im lặng cho. Đâu phải đi ăn giỗ.
Vỹ lo sợ không tưởng tượng được đây là con tàu vượt biên vì nó nhỏ thó dài chỉ độ mười ba thước. Không mui. Không thuyền trưởng. Không lương thực. Không thuốc men. Vậy mà chuyên chở trên năm mươi mạng người, vách tàu khẩm chỉ còn cách mặt biển không hơn một gang tay.
Đêm ở biển màn trời tối đen như tiến tới gần trùm sát với mặt đại dương. Người người mở mắt thao láo hãi hùng trước sự yên lặng mênh mông đến lạnh lùng của của vực sâu biển cả. Đang lặng thinh bỗng có tiếng người đàn ông khàn giọng chửi thề:
- Đ.mẹ! Chết hết một máy xăng rồi.
Có tiếng chân trần dẫm lên be tàu cây lẹt xẹt chạy về hướng đuôi tàu, nói xen vô:
- Liệng mẹ nó mấy can xăng đi.
- Ừ, còn lại cái máy dầu liệu đi nổi không?
- Nổi hay không nổi thì sao chớ? Còn cách nào hơn nữa?
- Ừ!
Vỹ thắc mắc:
- Sao anh không giữ lại can xăng để khi nào sửa lại được máy thì có xăng dùng?
- Máy vô nước rồi còn giữ xăng lại làm gì cho nặng ghe.
Bây giờ Vỹ sáng mắt ra, đây là chiếc ghe máy chứ không phải là chiếc tàu lớn như thường thấy ở bến Bạch Đằng. Dù thất vọng nhưng còn nước còn tát:
- Tôi là thợ máy xăng hai thì, đâu anh đưa tôi dụng cụ để tôi sửa chữa thử coi. Họa may.
Anh tài công loay hoay lấy một vật bằng sắt nhét dưới khoang ghe lẹ làng đưa qua tay Vỹ:
- Có cái kềm mũi nhọn được không?
- Trời! Cái kềm loại này thì làm được khỉ gì. Đồ nghề đơn giản như vầy thì vượt biên nỗi gì?
Lúc đó trời mờ sáng, Vỹ thấy rõ viên tài công là một người đàn ông tuổi khoảng ba mươi, ốm nhom, tóc dài quá mép tai. Hắn mặc cái áo thung màu xám nhà binh để lòi cánh tay xương xẩu suông đuột như que củi chấp nối với một cán cây điều khiển bánh lái chân vịt. Vỹ nhìn mà thương hại cho anh tài công, thân xác bé nhỏ, tài năng thấp kém lại đảm đang việc quá sức mình. Vỹ một mình cười lớn, đám người trên ghe nhìn sang Vỹ tưởng rằng ông này tuyệt vọng đến cuống trí chớ đâu có biết rằng họ bị Vỹ cười chê, mọi người tại đây, kể cả Vỹ, đều ngu si giao tính mệnh cho một gã tài công “dỏm”.
Mạng người có số. Lù khù có ông Cù độ mạng. Ghe chạy cà xịt cà lui cuối cùng cũng ra được hải phận quốc tế.
Lúc này quang cảnh ở đại dương như một buổi tiếp rước náo nhiệt tại khải hoàn môn. Họ vui cười la ó mừng chiến thắng.
- Ba má ơi con sống rồi! Sống rồi!
- Tui sẽ gởi thư về báo tin cho anh chị tui mừng! Lo đi chuyến nữa.
- Hết lượm bịch ny-lông bán va chai rồi các con ơi!
- Việt Cộng không còn làm gì được tụi mình rồi bà con ơi!
Giữa biển trời bao la bầy chim hải âu bay lượn trên mặt biển như múa hát hòa với lời ca của đoàn người vượt biên:
- Tung cánh chim tìm về tổ ấm...
Một cảnh nhộn nhịp lao xao chưa từng có trên mặt biển như thế này. Năm mươi ba người là năm mươi ba tổng đài ra-đi-ô nào ca hát, nào tiếu ngạo, nào thời sự. Ôi thôi! Cả bầu trời trên trời dưới nước nổ tung với lời ca tiếng hát, chen lẫn lời kinh kệ Nam mô A di đà Phật, Chúa cứu thế Amen!
Vui tới đó rồi ngưng tại đó vì chuyến đi còn tiếp tục.
Biển rộng bao la bao trùm chiếc ghe cỏn con. Có khác nào con kiến vàng nhỏ nhí đeo chiếc lá hoang trôi trên sông cái. Xa thăm thẳm. Ghe vẫn trôi theo giờ khắc định mệnh, đủng đỉnh lần hồi đo từng gang tấc của lãnh thổ đại dương. Bắt đầu có người trên ghe bị say sóng ụa mửa, tay móc họng cho nôn ọe. Ở đây tiếng người rên như bị cúm. Kia, tiếng khóc của trẻ con đói bụng. Từng cơn đói giày vò, già trẻ trai gái mệt lả đi và thiếp dần. Một lớp cá mòi người đóng hộp, nằm sát bên nhau, ôm ấp nhau tìm hơi ấm. Lâu lâu một cơn sóng tạt qua sút nước rửa ráy lớp người hôi thúi vì sự đóng cặn của bụi cát, mồ hôi, bãi ói và tổng hợp của cứt đái gia vị trên thân thể da thịt của lớp cá mòi gần như sình thúi.
Họ lại thức dậy. Người mắt trổm lơ. Kẻ tóc tai rũ rượi. Trưa, biển nóng như người phóng hỏa. Đàn ông cởi trần chỉ giữ lại quần đùi. Đán bà con gái bị nóng hành hạ bứt rứt giựt đứt nút áo lúc nào không hay để thích hợp với tiết trời lửa đốt. Rõ ràng đây là khu người điên có mặt trên biển, chỉ có mặt trời chứng kiến.
Giông tố chưa tới nhưng tàu cướp đã ào tới gần.
Từ đằng xa một con tàu đầu rồng chạy xồng xộc tới, gia tăng tốc lực gây tiếng máy nổ chát tai điên cuồng. Một đám đực rựa lũ khủ đứng trước mũi tàu la hét chí chóe như bầy khỉ đột ở sở thú Sài Gòn. Tới gần mới thấy thằng nào thằng nấy mình mẩy đen thui như quét lọ, tay chân kệch cỡm, dân đánh cá nên tên nào cũng lực lưỡng, sức lực mạnh bạo dị thường, chúng chỉ mặc cái quần xì, có đứa dâm ô cởi truồng bệ vệ như pho tượng đồng đen, trên tàu ai thấy cũng kinh hồn vì biết chắc chắn rằng sẽ bất lực trước bọn cướp biển.
Thấy cướp có người trên ghe sợ quá nhảy đại xuống biển lội ra xa chìm mất dạng. Còn lại những người trên ghe người này hỏi người kia tìm cứu tinh:
- Cướp Thái Lan! Cướp! Anh ơi! Làm sao bây giờ...?
- Vò đầu cho tóc rối bù lên. Mau lên!
- Nè, tui có đem thủ chai hũ trầu quét vô quần đại đi để chúng tưởng mình có kinh nguyệt mà không hiếp. Tui sợ quá! Xin Trời Phật Cứu con! Nam mô a di đà Phật! Đại từ bi!
- Mẹ ơi chúng nhảy qua xuống mình rồi kia kìa!
Đám cướp biển rần rần nhảy phóng qua ghe vượt biên làm cho chiếc ghe tròng trành nước biển đổ vào tràn đầy như cơn nước dẫn thủy nhập điền. Tiếng khóc. Tiếng kêu trời. Van xin. Cầu nguyện. Không được năm phút tất cả đàn ông đàn bà Việt trên ghe dều bị chúng ra lệnh cởi trần truồng để chúng khám vơ vét đồng hồ, vàng bạc nữ trang. Có một tiếng khóc ré kinh hãi, nhìn lại ở trên ván đầu ghe một tên hải tặc Thái xé quần xé áo một cô gái Việt Nam hai tay bốc hốt làm điều tồi tệ. Năm tên, mười tên, hai mươi tên, cả lũ như kiến tấn công thay phiên nhau làm việc dâm ô táo bạo trên ghe. Đám người Việt không ai dám trở tay. Một người đàn ông Việt lui cui tìm vật gì dưới khoang liền bị một tên Thái nghi ngờ có hành vi kháng cự liền lại gần bưng bổng anh lên và quăng đùng xuống biển. Có tiếng người la thất thanh quay lại là người đàn bà vừa bị hãm hiếp xong chưa hết khiếp đảm lại nối tiếp kinh hoàng khi thấy cảnh chồng mình run lập cập bị quăng xuống biển, đang lóp ngóp. Không lâu xác chồng chị bị chìm sâu dưới lòng đáy biển, nhấp nhô.
Một ông già Việt nam tuổi ngoài năm mươi có cái bịt răng vàng ở hàm trên bị một tên cướp bắt ông nhe răng, nó lấy cái búa vổ vào hàm để bươi chiếc răng vàng. Chúng reo hò khi lấy được cái răng vàng trong khi không còn ai nhận ra ông già đó nữa mà chỉ nhìn thấy trên cổ của ông là một cái tô vun máu hơn là mặt người. Một đứa bé hai, ba tuổi đang ôm bú sữa mẹ, cuối cùng cũng bị một tên hải tặc kéo lôi xềnh xệch đứa bé ra khỏi vú mẹ liệng xuống biển như trò chơi ném dĩa bay vèo trên mặt nước, rồi quay lại ôm thân thể người đàn bà xé tẹt chiếc quần xì líp để hành lạc trước mặt mọi người. Một cô gái lõa lồ vừa mới bị chúng hiếp xong còn quá khiếp sợ vội ôm một cậu thanh niên đứng gần nhờ che chở, sợ bị chúng bề hội đồng tập thể. Nhưng chúng không tha, chúng bày trò ra lệnh cho cặp trai giá làm tình trước mặt mọi người. Cậu thanh niên thi hành ạch đụi bị chúng đập bể đầu rồi quăng xác xuống biển mất dấu. Hãi hùng như vậy mà chúng lại cười thỏa thích. Gom góp vàng bạc, đống hồ cà rá. Đứa nào còn tiếc rẻ thì kéo các cô gái trẻ lại hãm hiếp đợt hai, đợt ba, đợt bốn.
Tàu cướp Thái Lan đi xa để lại trên khúc biển: Khóc lóc. Rên xiết. Kêu trời. Kêu Phật. Gọi cha, gọi mẹ. Có người bị lên cơn điên. Thêm người nhảy biển tự tử. Đám người Việt là nạn nhân. Không ai can gián, không ai tiếc thương ai. Số người còn lại trên ghe là dấu vết nhơ bẩn trong cảnh người hiếp người còn xót lại trên mặt biển.
Chiếc ghe mất hướng trôi theo dòng nước chảy xuôi chung chung với mấy tấm ván lở và các bộ quần áo trôi theo dòng nước tiến tới trước tiếp nối định mệnh.
Một chiếc tàu khác màu mè như rắn biển từ xa bay lượn tới.
Lần này tàu cướp khổng lồ, quái vật. Bọn hải tặc đông đảo tên nào tên nấy mừng rỡn trửng giỡn cười hố hố đói khát dục vọng như đàn chó sói bắt được mồi. Người trên chiếc ghe vượt biên đã kiệt sức. Mọi người bị bầm dập bởi cướp biển, bị hành hạ bởi sóng gió, bị cồn cào bở đói khát. Một cô gái quần áo bị xé rách lõa lồ thân thể đứng ở mũi tàu ra dấu hiệu bọn chúng thảy qua tàu vượt biên hai can nước ngọt thì cô tình nguyện nạp mạng cho chúng. Trước mắt mọi người một đàn chó sói bu quanh vùi dập thân xác một cô gái đẹp đẽ nhưng yếu đuối, biết trước không thể nào chống cự được với bọn quỷ dâm dục cô ra điều kiện lấy nước để cứu đám người người đang chết khát.
Trên mặt biển bao la và thanh thiên bạch nhật tiếp tục xảy ra cảnh tượng dã man, thô tục: Hãm hiếp đàn bà con gái. Búa rìu đập đầu đàn ông. Bày tỏ dùng người làm trò chơi qua cách thắt thóng lọng qua cổ người xô xuống biển, kéo xác trôi theo chiếc tàu lướt sóng làm tàu kéo. Sau đó là trận cười hả hê dội lên không trung của đám người mất lương tri.
Thỏa mãn thú tính, trước khi buông mồi, bọn hải tặc đập phá chiếc ghe tan nát, ván ghe bềnh bồng trong đám người vượt biên đó đây trên mặt biển, ngoi ngóp sặc sụa và lần lượt chìm sâu trong vực thẳm. Sau đó, vài đợt sóng thần đi ngang qua bào mặt biển thành một bàn thủy tinh tạo sức quyển rũ cho thế giới đại dương. Màn đêm với muôn sao lóng lánh trở lại trùm lên mặt biển, tất cả đều phẳng lặng chím đắm như không có biến cố gì xảy ra.
Nơi đây Califonia, một tiểu bang của nước Mỹ, xứ của Nữ Thần Tự Do.
Một người còn sống sót trong đám năm mươi ba người vượt biên ra khơi ngày 13 tháng 7 năm 1981 có tên trong giấy an sinh xã hội của Mỹ ghi là Nguyễn Cảnh Vỹ. Hồ sơ lý lịch tại sở di trú ISN ghi rõ hơn, ông chính là thuyền nhân “boat people” bị tai nạn đi tàu vượt biên bị chìm tàu, may mắn bám được vào tấm ván trôi nên sống sót và được một tàu Mỹ làm việc ở khoan dầu ngoài khơi cấp cứu. Tại Department of Social Security thì ghi hồ sơ tên Vỹ bằng tiếng Mỹ.
Trần Đông Thành
Chuyện thật xảy ra như thế nào không còn ai biết đến, biến cố chìm sâu trong quên lãng. Lịch sử của chuyến vượt biên chỉ còn lại một chứng nhân 1/53 người trong một vụ hải tặc, không ai khác hơn là ông Nguyễn Cảnh Vỹ, giờ đây chỉ còn lại là một cái xác mất hồn vía, với các báo cáo trên đủ là hội chứng cho người Mỹ, họ có lòng nhân đạo chấp thuận cho ông Vỹ, quốc tịch Việt Nam, lãnh tiền bệnh Social Security Income, từ lúc bước vào đất Mỹ tìm “tự do”.
Trần Đông Thành