1.2. Hannibal Barca - Hành trình Alpes huyền thoại

“Không ngọn núi nào quá cao đối với ông!” – Tướng Oliver Cromwell nói về Hannibal.

Hàng nghìn năm chiến tranh trong lịch sử nhân loại đã cho chúng ta biết về cuộc đời của rất nhiều bậc thầy quân sự, rất nhiều người trong số họ được gọi là thiên tài quân sự bởi vì họ đã không bước đi trên những con đường đã mòn dấu chân người.

Thời gian mấy chục năm chưa phải là quá lâu để chúng ta quên chuyện quân Đồng Minh đổ bộ lên hòn đảo Normandy ngày nào khiến quân Phát xít Đức vô cùng bất ngờ, vì không ai nghĩ rằng một nơi đầy đá ngầm và sóng mạnh như Normandy lại là chỗ thích hợp để quân đội hạ cánh, sự táo bạo đó đã khiến cho Phát xít Đức phải trả giá đắt.

Hay như câu chuyện khác về độc tài Hitle khi ông ta cho quân đi qua tuyến phòng thủ của Maginot và chuyển đoàn bộ binh qua đường Ardennes, hành lang của tuyến phòng thủ Maginot nơi mà người Pháp nghĩ rằng xe tăng cũng không thể đi được. Trong chiến tranh sức mạnh của sự bất ngờ là quá rõ ràng, ngay khi người La Mã còn đinh ninh rằng Hannibal đang ở Tây Ban Nha, thì đoàn quân của Carthage đã tiến đến sát trung tâm của La Mã và chuẩn bị đem đến một sự tàn phá vô cùng dữ dội trong nỗi kinh ngạc tột cùng của người La Mã.

Một danh tướng vĩ đại, người hiểu rất rõ về sức mạnh của sự bất ngờ và cũng nhiều lần đưa ra những quyết định táo bạo sẽ nói rõ hơn cho chúng ta hiểu, đó là Napoleon Bornaparte, ông này đã từng nói một câu rất nổi tiếng: “Ce n’est pas possible; cela n’est pas francais” (Không thể được là thứ không có trong từ điển người Pháp)

Câu nói này khẳng định rằng tiềm năng của con người cần được hiểu một cách tương đối, bởi nếu không chúng ta sẽ lâm vào chủ nghĩa ảo tưởng, nhất là khi chúng ta biết rằng những câu nói thế này được nói ra từ những con người siêu việt và vô cùng thực tiễn

Ngược dòng quá khứ, trở về mùa xuân năm 218 TCN, đó là lúc danh tướng Hannibal bắt đầu đem quân đi chinh phục La Mã, một cuộc chinh phạt đầy bất ngờ sẽ tạo dựng cho ông một vị trí huyền thoại trong lịch sử quân sự thế giới.

Quân đội được Hannibal tổ chức thành ba đội quân chính để giảm tắc nghẽn cũng như đảm bảo cho việc cung ứng dễ dàng hơn. Lực lượng của ông lúc ấy ước tính khoảng 90.000 bộ binh, 12.000 kỵ binh và voi chiến – một loại chiến binh độc đáo. Một số nguồn sử liệu cho rằng ông mang khoảng 60 voi chiến chứ không phải 37 con. Những con voi này đến từ Maroc, Libi và hẳn là phải có nài voi người Ấn Độ để quản thúc chúng, mỗi con voi cao gần ba mét và đều được mặc giáp, mục đích dùng voi là để đe dọa kỵ binh đối phương.

Hàng nghìn con la và bò được huy động mang theo cùng quân đội, chúng được dùng để kéo những máy bắn đá, xe phá thành, thậm chí, trong đoàn quân ấy còn được bổ sung thợ rèn để sửa chữa vũ khí, lái buôn để kinh doanh từ những xác chết, ngoài ra còn có cả nô lệ phục vụ cho quân đội.

Hannibal dự kiến cuộc hành quân sẽ xuyên qua Tây Ban Nha hướng đến Pyrenees, dãy núi cao ngất ngăn cách giữa Tây Ban Nha và Pháp, hành trình này kéo dài khoảng hai tháng, sau khi đánh tan một số bộ lạc Celtic hung dữ trên đường đi, Hannibal đã điều bớt một số quân quay lại quê nhà Carthage, những người lính còn lại bắt đầu hành trình vượt dãy Alpes.

Người La Mã không hề hay biết về món quà đáng sợ họ sắp nhận được, trong khi họ nghĩ Hannibal đang ở quê nhà thì ông đang dẫn quân băng qua Pyreness tiến đến gần nước Pháp.

Trong quá trình hành quân Hannibal cũng phải dùng đến nhiều biện pháp ngoại giao, bao gồm cả đút lót cho một số tù trưởng các bộ lạc để không phải giao đấu với họ. Không phải vì Hannibal e sợ các bộ lạc này, mà là theo thông tin trinh sát báo về, thì họ chỉ có thể vượt qua dãy núi Alpes trước khi mùa đông ập xuống, nghĩa là thời gian dành cho đội quân của Hannibal rất hạn chế.

Khi tới sông Rhone, Hannibal phải đối mặt với bộ lạc Volcae, một bộ lạc hung tợn, tại đây ông đã phải khắc phục hai trở ngại: một là chiến thằng bộ lạc này, hai là dẫn đoàn voi qua sông an toàn vì voi vốn sợ nước.

Sau đó đoàn quân tiếp tục tiến về dãy núi Alpes, lúc này trở ngai địa hình thực sự quá lớn lao, khi mà họ phải vượt qua những hẻm núi hẹp, những con đường bao phủ băng tuyết với mũi sắc nhọn, cũng như sự cản trở của các bộ lạc trên núi, trên đường đi đã có rất nhiều người lính phải bỏ mạng.

Cuối cùng, đoàn quân vừa đói khát vừa kiệt sức đã vượt qua chướng ngại vật cuối cùng, đường vào La Mã đã rộng hơn sau khi họ vượt qua 1.609km can trường. Vị tổng chỉ huy Hannibal đã đứng trên đỉnh núi cao và khích lệ những người lính về những thành quả mà họ đã đạt được. Ông thúc giục họ tiếp tục con đường chinh phục, cho họ thấy vùng đất của người La Mã đồng thời hứa hẹn những kết quả tốt đẹp với họ.

Nhà sử học John Prevas ước tính rằng quân đội Carthage đã phải tiêu tốn hàng tấn lương thực mỗi ngày, bởi vì mỗi người lính sẽ cần 4.000 calo mỗi ngày để di chuyển và thậm chí còn cao hơn nếu xảy ra các cuộc chiến dọc đường. Vậy thì Hannibal lấy lương thực ở đâu ra, nhất là khi ông phải vượt qua những vùng đất cằn cỗi, một vị tướng của ông đề nghị ăn thịt người để tồn tại, nhưng Hannibal đã từ chối. Lựa chọn ít khốc liệt hơn là tiếp tục tái bổ sung lương thực ngay trên đường đi. Nước thì khá nhiều từ các con sông, nhưng lương thực thì phải thu gom từ những vùng nông thôn xung quanh, họ sẽ thu lương thực bằng cách dùng vũ lực với các bộ lạc họ gặp phải trên đường đi. Ngoài ra Hannibal cũng rất để ý đến việc đóng quân ở gần những vùng có đồng ruộng và cỏ. Hẳn là ông đã xây dựng mối quan hệ liên minh với các thành bang ở gần đó trước khi chuẩn bị chiến tranh.

Khi đội quân của Hannibal lên đến đỉnh núi cao nhất của dãy Alpes, những con đường hẹp đầy chết chóc với băng, tuyết, nước, vách núi dựng đứng và những vùng bùn lầy giăng ra trước mắt họ như một cái bẫy khổng lồ, để giảm thiểu rủi ro, Hannibal phải thuê bộ lạc địa phương hướng dẫn tìm đường đi nhanh nhất.

Khi việc mở một con đường lớn chuyển quân không khả thi, các chuyên gia của Hannibal đã phát triển một kế hoạch mới, đó là đi vòng qua những vùng bị phá hủy vì lở đất, nhưng lúc này lại có một vấn đề đặt ra, đó là những tảng đá lớn chặn đường. Để khắc phục điều này, họ đã sử dụng những nông dân nhiều kinh nghiệm, họ dùng lửa nung tảng đá nhiều ngày liên tục, sau đó rót rượu nho vốn để phục vụ lính lên đá, chất axetic trong rượu làm đá nứt dần ra, lúc ấy bằng búa rìu, họ có thể dễ dàng cắt vụn các tảng đá.

Nhưng như thế vẫn chưa hết, việc đưa quân xuống núi hóa ra còn khó hơn cả leo lên núi, con đường mà trinh sát báo về là con đường tốt nhất giờ đây tràn ngập băng và tuyết đến mức phải cắt chúng ra mới có thể đi được. Đội quân của Hannibal đã phải nghĩ đến việc tạo ra những con đường mới trên đống đổ nát ấy, tuy nhiên điều này không kém phần nguy hiểm, khi mà những con đường mới này trở nên dốc hơn, khiến không ít binh lính phải thiệt mạng.

Trong phương diện quản trị học, Hannibal đã cho thấy ông là một thiên tài về quản trị nguồn nhân lực, mặc dù hành trình khó khăn như vậy nhưng Hannibal chưa từng phải đối diện với bất kỳ sự nổi loạn nào trên đường đi.

Sau khi thực hiện một hành trình vượt núi huyền thoại, Hannibal đã cho đội quân đã kiệt sức của mình dừng chân nghỉ ngơi để họ hồi phục lại sức mạnh, và sớm sau đó, đội quân này tiến vào đất La Mã trong sự sững sờ của người La Mã.

Hannibal nhanh chóng giành được hai chiến thắng trước người La Mã tại sông Trebia và hồ Trasimene. Chiến thằng Trebia được xem là một trận chiến bậc thầy trong lịch sử quân sự, và không lâu sau chiến thắng này, Hannibal đã giành một chiến thắng vang dội ở trận chiến Cannae – trận chiến mà từ đó đã đưa Hannibal lên vị thế đỉnh cao trong lịch sử quân sự thế giới.