Những đứa con của nửa đêm - Phần I - Chương 08 - Phần 2

Còn sáu tiếng nữa. Giờ cocktail. Những người kế tục William Methwold đang ở ngoài vườn - trừ Amina ngồi trong phòng-tháp, né tránh những cái liếc mắt ganh đua nhẹ nhàng được ném về phía bà từ Nussie-nhà-bên, cô ta cũng đang thúc giục Sonny của mình tụt xuống và chui ra giữa hai chân cô ta, hẳn thế; một cách tò mò họ quan sát tay người Anh, đứng bất động và cứng đơ như cây thông nòng súng mà trước đây chúng ta đã so sánh với cái ngôi giữa của ông ta; tới khi họ bị thu hút vào nhân vật mới xuất hiện. Một người đàn ông cao, mình dây, cổ đeo ba vòng hạt, lưng quấn một cái đai bằng xương gà; làn da đen nhem nhuốc bồ hóng, tóc thưa và dài - không mặc gì trừ chuỗi nạt và bồ hóng, vị sadhu sải bước giữa những biệt thự lợp ngói đỏ. Musa, lão đầy tớ già, bước xuống định xua ông ta đi; nhưng ngần ngừ, không biết phải ra lệnh cho một tu sĩ ra sao. Rẽ qua bức màn lưỡng lự của Musa, vị sadhu tiến vào khu vườn của Biệt thự Buckinghan; đi thẳng qua mặt cha tôi đang ngỡ ngàng; ngồi yên vị, xếp bằng tròn, dưới cái vòi nước nhỏ giọt trong vườn.

“Cụ muốn gì ở đây, sadhuji?” - Musa, không tránh khỏi sự tôn kính; vị sadhu, bình thản như mặt hồ: “Ta đến để chờ đón sự giáng hạ của Người. Của Mubarak - Kẻ được Ban phước. Nó sắp xảy ra rồi.”

Tin hay không thì tùy; tôi được tiên đoán hai lần liền! Và vào cái ngày mọi thứ đều đặc biệt đúng lúc, sự nhạy cảm về thời điểm của mẹ tôi đã không phụ lòng bà; lời cuối cùng vừa rồi môi vị sadhu thì lập tức vang lên, từ căn phòng-tháp tầng một với những bông tulip thủy tinh nhảy múa trên cửa sổ, một tiếng hét chói tai, một ly cocktail gồm ba phần bằng nhau của sợ hãi, háo hức và đắc thắng… “Arre Ahmed!” Amina Sinai hét lên, “Janum, đứa bé! Nó sắp ra rồi - cực đúng giờ!”

Điện phập phù trên khắp Điền trang Methwold... và đây là Homi Catrack, với dáng chạy hối hả hốc hác mắt trũng sâu, đề nghị: “Chile Studebaker của tôi ngài cứ tùy nghi sử dụng, Sinai Sahib; lấy luôn đi - đi ngay đi!”… và khi vẫn còn năm tiếng ba mươi phút nữa, nhà Sinai, chồng và vợ, lái xuống quả đồi cao bằng hai tầng nhà trong chiếc xe đi mượn; kia là ngón chân cái cha tôi ấn xuống chân ga; kia là tay mẹ tôi ấn xuống cái bụng vầng trăng; và giờ họ đã đi khuất, vòng qua khúc quanh, qua Hiệu giặt là Band Box và Thiên Đường của Độc giả, qua nữ trang của Fatbhoy và đồ chơi của Chimalker, qua những thanh Sô cô la Dài Cả Mét và những cánh cổng ở Breach Candy, phóng đến Nhà hộ sinh của Bác sĩ Narlikar, nơi, trong một buồng từ thiện, Vanita của Wee Willie vẫn đang hổn hển và rặn, cột sống cong lại, mắt lồi ra, và một bà đỡ tên gọi Mary Pereira cũng đang đợi đến thời khắc của mình... thế nên cả Ahmed của môi trề và bụng nhão và tổ tiên hư cấu, lẫn Amina da sậm bị tiên tri ám ảnh đều không có mặt khi mặt trời lặn xuống lần cuối cùng trên Điền trang của Methwold, và vào đúng thời khắc của lần biến mất sau cùng ấy - còn năm tiếng hai phút nữa - William Methwold giơ cánh tay trắng, dài lên quá đầu. Bàn tay trắng lơ lửng trên mái tóc đen vuốt dầu thơm; những ngón tay trắng thon dài xoắn về phía cái ngôi giữa, và bí mật thứ hai và sau chót được tiết lộ, vì những ngón tay đã cong lại, vồ lấy mái tóc; khi rút khỏi đầu ông ta, chúng không nhả con mồi ra; và vào khoảnh khắc khi mặt trời vừa biến mất Ngài Methwold đứng trong ánh ngày tàn ở Điền trang của mình với mái tóc trên tay.

“Một gã hói!” Padma thốt lên. “Mái tóc bóng lộn của gã... tôi biết mà; đẹp quá hóa rởm!”

Hói, hói; đầu bóng lộn! Bị tiết lộ: trò lừa đảo đã bịp được người vợ một nghệ sĩ phong cầm. Như Samson, sức mạnh của William Methwold nằm ở mái tóc; nhưng giờ, mảng đầu hói lung linh giữa chiều chạng vạng, ông ta ném mái tóc qua cửa sổ vào xe; phân phát, với thái độ có vẻ bất cần, giấy chứng nhận sở hữu đã ký tên cho các cung điện của mình; rồi lái xe đi. Không một ai ở Điền trang Methwold gặp lại ông ta nữa; nhưng tôi, người chưa gặp ông ta lần nào, lại thấy không thể quên được con người này.

Bỗng nhiên tất cả đều màu nghệ và xanh lục. Amina Sinai ở một căn phòng có tường màu nghệ và đồ gỗ màu xanh. Trong buồng bên cạnh, Vanita của Wee Willie Winkie, da xanh, lòng trắng trên mắt vẫn màu nghệ, đứa bé rốt cuộc đã bắt đầu chui ra bằng lối bên trong, nơi cũng có, hẳn rồi, màu sắc tương tự. Từng phút màu nghệ và từng giây màu xanh trôi đi trên những chiếc đồng hồ treo tường. Bên ngoài Nhà Hộ sinh của Bác sĩ Narlikar, có pháo hoa và đám đông, cũng tuần theo những màu sắc của đêm - pháo bông màu nghệ, mưa lấp lánh màu xanh; đàn ông mặc áo màu zafaran, đàn bà quấn sari màu chanh. Trên một tấm thảm màu nghệ-và-xanh, Bác sĩ Narlikar bảo Ahmed Sinai. “Tôi sẽ đích thân chăm sóc cho Begum của anh,” ông ta nói, với giọng nhẹ nhàng mang màu sắc của buổi tối, “Không phải lo gì cả. Anh chờ ở đây; phòng rộng tha hồ mà đi lại.” Bác sĩ Narlikar, mặc dù ghét trẻ con, lại là một bác sĩ phụ khoa lành nghề. Khi rảnh rỗi ông ta giảng bài viết lách phát truyền đơn nhiếc móc cả nước về chủ đề tránh thai. “Ngừa Thai,” ông ta nói, “là Ưu Tiên Số Một Của Cộng Đồng. Một ngày kia tôi sẽ nhồi được điều đó vào những cái đầu ngu dốt của thiên hạ, thế là tôi sẽ rảnh nợ.” Ahmed Sinai mỉm cười, gượng gạo, thấp thỏm. “Riêng tối nay,” cha tôi nói, “quên bài giảng đi - đỡ đứa nhỏ giùm tôi.”

Hai mươi chín phút nữa là tới nửa đêm. Nhà Hộ sinh của Bác sĩ Narlikar đang hoạt động với nhân sự tối thiểu; có nhiều người vắng mặt, nhiều nhân viên thích ăn mừng sự ra đời sắp đến của đất nước hơn, nên sẽ không trợ giúp sự ra đời của lũ trẻ đêm nay. Áo màu nghệ, váy màu xanh, họ tụ tập trên những con phố trang hoàng, dưới những dãy ban công bất tận của thành phố, nơi những ngọn đèn dia bằng đất nung đổ đầy thứ dầu bí ấn; bấc nổi trong những ngọn đèn nối liền mọi ban công và mái nhà, và những ngọn bấc này cũng tuân theo kiểu phối màu hai tông của chúng ta: phân nửa số đèn cháy màu nghệ, nửa kia rực màu xanh.

Luồn lách xuyên qua con quái vật nhiều đầu tức đám đông kia là một chiếc xe cảnh sát, sắc vàng và lam của những bộ cảnh phục bị ánh đèn kỳ bí biến thành màu nghệ và xanh. (Ta đang ở trên đường đê Colaba, chỉ giây lát thôi, để hé lộ rằng hai mươi bảy phút trước nửa đêm, cảnh sát đang truy lùng một tên tội phạm nguy hiểm. Tên gã: Joseph D’Costa. Gã hộ lý đang vắng mặt, đã vắng mặt mấy ngày nay, khỏi công việc ở Nhà Hộ sinh, khỏi căn phòng của gã gần lò mổ, và khỏi cuộc đời nàng Mary đồng trinh sầu muộn.)

Hai mươi phút trôi qua, với những tiếng aaah từ Amina Sinai, mỗi lúc một gắt hơn và gấp hơn, và những tiếng aaah yếu ớt mệt nhoài từ Vanita ở phòng bên cạnh. Con quái vật trên đường phố đã bắt đầu ăn mừng; huyền sử mới chảy trong huyết mạch nó, thay máu cho nó bằng thứ huyết cầu màu nghệ và xanh. Và ở Delhi, một người đàn ông gân guốc nghiêm nghị ngồi trong Nhà Quốc hội chuẩn bị phát biểu. Ở Điền trang Methwold, cá vàng lửng lơ bất động trong ao khi mọi người đi từ nhà này sang nhà kia mang theo hạt dẻ cười và kẹo viên, ôm nhau và hôn nhau - hạt dẻ cười cười màu xanh được đánh chén, và những viên laddoo màu nghệ. Hai đứa trẻ chui ra theo lối bí mật trong khi ở Agra một ông bác si già ngồi bên vợ, người có hai nốt ruồi trên mặt như núm vú phù thủy; và giữa bầy ngỗng say ngủ và những hồi ức bị nhậy cắn, vì sao đó họ đâm ra nín lặng chẳng biết phải nói gì. Và ở mọi thành phố mọi thị trấn mọi làng mạc, những ngọn đèn dia cháy trên cổng vòm bậu cửa hiên nhà, trong khi tàu hỏa cháy ở Punjab, với những lưỡi lửa xanh của sơn phồng rộp và màu nghệ rừng rực của nhiên liệu bị đốt cháy, như những ngọn dia lớn nhất thế gian.

Và thành phố Lahore, cũng đang cháy.

Người đàn ông gân guốc nghiêm nghị rời khỏi ghế. Người xức nước thiêng từ sông Tanjore, ông ta đứng dậy, trán bôi tro thánh, ông ta hắng giọng. Không hề có văn bản trong tay, không hề học thuộc một câu chữ chuẩn bị trước nào, Jawaharlal Nehru bắt đầu: “… Nhiều năm về trước, chúng ta có một lời ước định với vận mệnh; và giờ đây đã tới lúc chúng ta thực hiện cam kết của mình - dù không trọn vẹn hay đi đến tận cùng, nhưng hết sức thực chất...”

Hai phút nữa là mười hai giờ. Tại Nhà Hộ sinh của Bác sĩ Narlikar, viên bác sĩ da đen phát sáng, với sự trợ giúp của một bà đỡ tên là Flory, một phụ nữ mảnh mai nhân hậu không đóng vai trò gì quan trọng, động viên Amina Sinai: “Rặn đi! Mạnh nữa!... Tôi thấy cái đầu rồi!...” trong khi ở phòng bên một ông Bác sĩ Bose - với Cô Mary Pereira bên cạnh - đảm trách giai đoạn cuối của cơn đau đẻ dài hai mươi bốn tiếng của Amina... “Thế, rồi; một lần nữa thôi, cố lên; sắp rồi, và sau đó là xong...!” Đàn bà rên rỉ và la hét trong khi ở một căn phòng khác đàn ông im lặng. Wee Willie Winkie - hát không nổi nữa – ngồi bệt trong góc nhà, người gật gù lên xuống, lên xuống... còn Ahmed Sinai đang tìm một cái ghế. Nhưng trong phòng này không có ghế; đó là căn phòng được bố trí để đi lại; thế là Ahmed Sinai mở một cánh cửa, tìm thấy một cái ghế ở một bàn tiếp tân bỏ không, nhấc nó lên, đem nó về căn phòng đi lại, nơi Wee Willie Winkie gật gù, gật gù, đôi mắt trống rỗng như người mù... cô ấy sẽ sống? hay là không?... và giờ, cuối cùng, đã tới nửa đêm.

Con quái vật trên đường phố đã bắt đầu cất tiếng gầm, trong khi ở Delhi một người đàn ông gân guốc đang nói, “… Vào đúng thời khắc nửa đêm, khi cả thế giới chìm trong giấc ngủ, Ấn Độ tỉnh giấc để được sống và tự do...” Và dưới tiếng gầm của con quái vật còn có hai tiếng la, thét, gầm rống, tiếng gào khóc của hai đứa trẻ mới chào đời, tiếng phản đối vô hiệu của chúng trộn lẫn với tiếng ồn ào của độc lập lơ lửng màu-nghệ-và-xanh giữa bầu trời đêm - “Một thời khắc đã đến, đến một lần hiếm hoi trong lịch sử, khi chúng ta từ cái cũ bước sang cái mới; khi một thời đại kết thúc; và khi linh hồn một dân tộc bị áp bức lâu nay cất lên tiếng nói...” trong khi ở một căn phòng trải thàm màu nghệ-và-xanh, Ahmed Sinai vẫn đang bưng cái ghế khi Bác sĩ Narlikar bước vào thông báo: “Vào đúng nửa đêm, người anh em Sinai ạ, Begum Sahiba của anh đã sinh hạ một đứa bé to khỏe: một đứa con trai!” Lúc này cha tôi bắt đầu nghĩ về tôi (không biết rằng...); với hình ảnh khuôn mặt tôi lấp đầy suy nghĩ ông quên mất cái ghế; bị tình yêu với tôi ám ảnh (mặc dù...), bị nó lấp đầy từ đỉnh đầu đến ngón tay, ông đánh rơi cái ghế.

Phải, là lỗi tại tôi (bất chấp tất cả)... chính sức mạnh của khuôn mặt tôi, của tôi chứ không ai khác, đã khiến tay Ahmed Sinai buông cái ghế ra; và khiến cái ghế rơi xuống, với gia tốc mười mét trên giây, và khi Jawaharlal Nehru tuyên bố trước Nhà Quốc hội, “Hôm nay chúng ta chấm dứt một thời kỳ bất hạnh,” khi những vỏ ốc xà cừ loa lên tin tức về tự do, chính tại tôi mà cha tôi cũng hét lên, vì cái ghế rơi xuống đã làm giập nát ngón chân ông.

Và giờ chúng ta đến với nó; tiếng hét khiến tất cả xô đến; cha tôi và vết thương của ông đã cướp đi một khoảnh khắc huy hoàng ngắn ngủi của hai bà mẹ đang đau đớn, của hai ca sinh nở đồng thời lúc nửa đêm - vì Vanita cuối cùng cũng đã cho ra đời một đứa bé có kích cỡ lạ thường: “Anh không tin nổi đâu,” Bác sĩ Bose nói, “Nó cứ chui ra mãi, mỗi lúc lại thấy thằng bé quẫy đạp ra thêm, một anh cu cỡ bự mười đồng hẳn hoi!” Và Narlikar, đang rửa ráy: “Của tôi cũng thế.” Nhưng đó là chuyện một lúc sau - ngay bây giờ Narlikar và Bose đang chăm sóc ngón chân cho Ahmed Sinai; các bà đỡ đã được chỉ đạo tắm và quấn tã cho đôi trẻ sơ sinh; và giờ Cô Mary Pereira sẽ đóng góp phần mình.

“Đi đi,” cô bảo Flory tội nghiệp, “xem chị có giúp được gì không, ở đây để em lo được rồi.”

Và khi còn lại một mình - hai đứa trẻ trong tay - hai sinh linh trong quyền hạn của mình - cô đã làm điều đó vì Joseph, hành động cách mạng bí mật của riêng cô, thầm nghĩ Anh ấy nhất định sê yêu mình vì điều này, khi cô đổi thẻ tên của hai đứa trẻ khổng lồ, ban cho đứa trẻ nghèo một cuộc đời đầy đặc quyền và đày đọa đứa trẻ nhà giàu bằng phong cầm và đói khổ... “Hãy yêu em, Joseph!” là điều Mary Pereira nghĩ trong đầu, và sau đó là xong. Nơi cổ chân đứa bé cỡ bự mười đồng có đôi mắt xanh như bầu trời Kashmir - cũng là đôi mắt xanh như Methwold - và cái mũi ấn tượng như của người ông quê Kashmir - cũng là cái mũi của người bà từ Pháp - cô buộc vào cái tên này: Sinai.

Màu nghệ bảo bọc tôi khi, nhờ có tội ác của Mary Pereira, tôi trở thành đứa trẻ được chọn của nửa đêm, người mà cha mẹ không phải cha mẹ mình, người mà đứa con sẽ không phải con mình... Mary đem đứa trẻ nằm trong bụng mẹ tôi, đứa trẻ sẽ không trở thành con bà, một con cá chim mười đồng khác, nhưng có đôi mắt đã kịp ngả màu nâu, và đầu gối cũng lồi như Ahmed Sinai, bọc nó vào màu xanh, rồi trao nó cho Wee Willie Winkie người đang nhìn cô đờ đẫn, người hầu như không thấy đứa con mới chào đời, người không bao giờ hay biết chuyện những cái ngôi giữa... Wee Willie Winkie, người vừa biết rằng Vanita đã không qua nổi cơn vượt cạn. Lúc mười hai giờ ba phút, khi các bác sĩ rối rít với ngón chân giập nát, Vanita đã bị băng huyết và qua đời.

Thế là tôi được trao cho mẹ tôi; và bà không hề nghi ngờ tính chân thực của tôi dù chỉ một giây. Ahmed Sinai, ngón chân bó nẹp, ngồi bên giường khi bà nói: “Xem kìa, Janum, thằng bé tội nghiệp, nó có cái mũi của ông ngoại.” Ông nghệt mặt nhìn khi bà kiểm tra cho chắc là chỉ có một cái đầu; rồi bà thở phào nhẹ nhõm, hiểu rằng cả thầy bói cũng chỉ có năng lực giới hạn.

“Janum,” mẹ tôi hớn hở nói, “mình phải gọi bên báo đi. Gọi chỗ tờ Thời báo Ẩn Độ ấy. Em bảo mình thế nào? Em thắng rồi.”

“… Đây không phải lúc để phê phán hẹp hòi hoặc thiếu tính xây dựng,” Jawaharlal Nehru nói với Quốc hội. “Không phải lúc để hận thù. Chúng ta phải xây ngôi nhà tráng lệ của Ấn Độ tự do, nơi mọi người con của đất nước có thể an cư.” Một lá cờ trải ra: nó màu nghệ, trắng và xanh.

“Một người Anh?” Padma thốt lên kinh hãi. “Anh nói cái gì thế? Anh là người Ấn gốc Anh à? Tên anh không phải là của anh à?”

“Tôi là Saleem Sinai,” tôi bảo cô, “Thò Lò, Mặt Nhọ, Cả Khịt, Hói, Mảnh Trăng. Ý em là sao - không phải của tôi?”

“Bấy lâu nay anh lừa tôi,” Padma tức giận than vãn. Mẹ anh, anh gọi bà; cha anh, ông anh, dì anh. Anh là cái thứ gì mà chẳng buồn ngay cả nói ra sự thật bố mẹ mình là ai? Anh chẳng buồn quan tâm rằng mẹ anh đã chết khi sinh ra anh? Rằng bố anh khéo vẫn còn sống đâu đó, không xu dính túi, đói khổ? Anh là quái vật hay là gì?”

Không: tôi không phải quái vật. Tôi cũng không phạm tội lừa đảo. Tôi đã cung cấp manh mối... nhưng có một điều quan trọng hơn thế. Đó là: về sau khi chúng tôi khám phá ra tội ác của Mary Pereira, tất cả đều nhận ra rằng chẳng có gì thay đổi! Tôi vẫn là con trai họ: họ vẫn là bố mẹ tôi. Trong một kiểu thất bại tập thể của trí tưởng tượng, chúng tôi hiểu ra mình đơn giản không thể nghĩ vượt ra ngoài quá khứ của mình... nếu quý vị có hỏi cha tôi (ngay cả ông, bất chấp mọi chuyện đã xảy ra!) con trai ông là ai, không điều gì trên đời có thể khiến ông chỉ về phía thằng bé lem luốc, đầu gối gõ nhau của người chơi phong cầm. Cho dù thằng Shiva này, nó sẽ lớn lên thành một người hùng thực thụ.

Thế đấy: có đầu gối và cái mũi, cái mũi và đầu gối. Kỳ thực, khắp nước Ấn Độ mới ra đời, giấc mơ mà chúng tôi đều chia sẻ ấy, những đứa trẻ đang được sinh ra chỉ có một phần là hậu duệ của cha mẹ chúng - những đứa trẻ của nửa đêm cũng là những đứa con của thời đại: được hoài thai bởi lịch sử, quý vị hiểu chứ. Điều ấy có thể xảy ra. Đặc biệt là ở một đất nước mà bản thân nó cũng là một thứ giấc mơ.

“Đủ rồi,” Padma hậm hực. “Tôi không muốn nghe nữa.” Chờ đợi một đứa trẻ hai đầu kiểu này, cô bực bội khi nhận được một kiểu khác. Dù sao chăng nữa, dù cô có nghe hay không, tôi vẫn có nhiều chuyện cần ghi lại.

Ba ngày sau khi tôi ra đời, Mary Pereira bị giằng xé trong nỗi ăn năn. Joseph D’Costa, trên đường lẩn trốn xe cảnh sát đang săn lùng, hiển nhiên đã bỏ rơi Alice em gái cô cũng như Mary; và người phụ nữ nhỏ bé tròn trịa - không thể, giữa niềm kinh hãi, thú nhận tội ác của mình - nhận ra rằng mình đã là một con ngốc. “Đồ lừa ở đâu không biết!” cô tự rủa; nhưng vẫn giữ bí mật. Tuy nhiên, cô quyết định làm một việc gần như bồi thường. Cô thôi việc ở Nhà Hộ sinh và tiếp cận Amina Sinai bằng “Thưa bà, mới gặp em bé của bà một lần tôi đã thấy yêu. Bà có đang cần Ayah không?” Và Amina, ánh mắt ngời lên tình mẫu tử, “Có”. Mary Pereira (“Anh gọi bà là mẹ cũng không sai đâu,” Padma chen vào, chứng tỏ cô vẫn quan tâm, “Bà đã tạo ra anh còn gì”), từ giờ phút ấy, dành trọn đời để nuôi nấng tôi, và do đó ràng buộc phần đời còn lại với ký ức về tội ác của mình.

Ngày 20 tháng Tám, Nussie Ibrahim nối gót mẹ tôi vào bệnh viện trên đường Pedder, và thằng Sonny nối gót tôi ra đời – nhưng nó chần chừ khỏng chịu ló đầu ra; một cặp forcep buộc phài đi vào mà lôi nó ra; Bác sĩ Bose, trong lúc nóng vội, ấn hơi mạnh tay, và Sonny xuất hiện với hai vết lõm nhỏ ở hai bên thái dương, hai hốc forcep nông sẽ khiến nó trở nên hấp dẫn không cưỡng nổi như mái tóc của William Methwold đã làm với tay người Anh. Bọn con gái (Evie, con Khỉ Đồng, những đứa khác) vươn tay ra vuốt ve hai thung lũng nhỏ xinh của nó... điều sẽ dẫn đến rắc rối giữa bọn tôi.

Nhưng tôi đã để dành mẩu tin thú vị nhất đến phút chót. Vậy giờ tôi xin tiết lộ rằng, một ngày sau khi tôi ra đời, mẹ tôi và tôi được viếng thăm tại một phòng ngủ màu nghệ và xanh bởi hai nhân vật từ tờ Thời báo Ẩn Độ (ấn bản Bombay). Tôi nằm trong chiếc cũi xanh, bọc trong màu nghệ, ngước mắt nhìn họ. Có một tay phóng viên, anh này để hết thời gian phỏng vấn mẹ tôi; và một tay thợ ảnh cao, mũi khoằm, anh này dành trọn sự chú ý cho tôi. Hôm sau, tin tức cùng hình ảnh đã xuất hiện trên báo...

Vừa mới đây thôi, tôi đến một khu vườn xương rồng nơi có lần, từ nhiều năm trước, tôi đã chôn một quả địa cầu đồ chơi bằng thiếc bị móp nặng và được dính lại bằng Scotch Tape[4]; và lấy ở bên trong ra những thứ tôi đã nhét vào ngần ấy năm về trước. Giờ đây, cầm chúng trên tay trái, khi đang viết, tôi vẫn thấy được - dù cả hai đã ngả vàng và lên mốc - một thứ là một lá thư, một lá thư gửi riêng cho tôi, ký tên Thủ tướng Ấn Độ; còn kia là một mảnh giấy cắt ra từ báo.

[4] Một nhãn hiệu băng dính của Anh.

Nó có tiêu đề: ĐỨA TRẺ CỦA NỬA ĐÊM

Và một dòng chữ: “Một tấm hình duyên dáng của Bé Saleem Sinai, ra đời đêm qua đúng vào thời khắc độc lập của Đất nước ta - Đứa Trẻ hạnh phúc của Giờ Phút huy hoàng ấy!”

Và một bức hình lớn: một bức-hình-em-bé A-l thượng-hạng trang-nhất cỡ-đại, trên đó đến giờ tôi vẫn có thể nhìn ra một đứa trẻ có những vết bớt hoen trên má và cái mũi thò lò lấp lánh. (Bức hình có chú thích: Ảnh: Kalidas Gupta.)

Bất kể cái tiêu đề, dòng chữ và bức hình, tôi phải kết án hai vị khách vì tội tầm thường hóa; những nhà báo đơn thuần, tầm nhìn không vượt quá số báo hôm sau, họ không hề có khái niệm gì về tầm quan trọng của sự kiện mình đang đưa tin. Với họ, đó chỉ là một câu chuyện giật gân hấp dẫn độc giả không hơn.

Làm sao tôi biết được? Bởi vì, cuối buổi phỏng vấn, tay thợ ảnh cho mẹ tôi một tấm séc - trị giá một trăm rupee.

Một trăm rupee! Có thể nào tưởng tượng ra một con số bé mọn, rẻ mạt đến thế không? Đó là con số mà một người có thể, nếu là người có đầu óc để thấy như vậy, thấy bị sỉ nhục. Tôi, tuy thế, sẽ chỉ cảm ơn họ vì đã tán tụng sự ra đời của tôi, và tha thứ cho họ vì thiếu một sự nhạy cảm lịch sử thực thụ.

“Đừng tinh tướng,” Padma dằn dỗi nói. “Một trăm rupee cũng không bé lắm đâu; nói cho cùng, ai mà chẳng ra đời, có gi là to tát kia chứ.”