Những đứa con của nửa đêm - Phần II - Chương 23 - Phần 2

Sự tàn nhẫn của những kẻ tự chủ tiểu tiện với người yếu bàng quang: Zafar, mặc dù mang hàm Trung úy, trở thành trò cười của cả căn cứ quân sự Abbottabad. Chuyện kể rằng gã bị bắt đeo một thứ quần lót cao su như quả bóng quanh cơ quan sinh dục, để bộ quân phục quang vinh của Quân đội Pakistan không bị ô uế; lũ lính trơn, khi gã đi qua, làm bộ phồng má ra thổi, như thể đang bơm căng quả bóng lên. (Tất cả những việc này về sau bị công khai, trong bản tường trình gã viết, giữa đầm đìa nước mắt, sau khi bị bắt vì tội giết người.) Có khả năng việc Zafar được điều tới Rann xứ Kutch do một sĩ quan cấp trên cao mưu bày ra, chỉ nhằm giải thoát cho gã khỏi tuyến lửa của những trò đùa ở Abbottabad… Việc không tự chủ được tiểu tiện đã đẩy Zafar Zulfikar đến một tội ác ghê tởm không kém gì tôi. Tôi yêu em gái; còn gã… nhưng hãy để tôi kể câu chuyện cho đúng trình tự.

Từ sau Chia cắt, vùng Rann đã là “lãnh thổ tranh chấp”; mặc dù, trên thực tế, chẳng bên nào có lòng dạ tranh chấp. Trên dãy đồi trải dọc vĩ tuyến 23, đường biên giới không chính thức, Chính phủ Pakistan đã thiết lập một chuỗi trạm biên phòng, mỗi trạm có vỏn vẹn sáu lính đồn trú và một đèn báo hiệu. Một số trạm, vào ngày 9 tháng Tư năm 1965, bị Ấn Độ chiếm đóng; một toán quân Pakistan (trong đó có ông em Zafar của tôi), đang tập trận tại đây, đã bước vào một cuộc giao tranh tám mươi hai ngày để bảo vệ biên giới. Cuộc chiến ở Rann kéo dài tới tận 1 tháng Bảy. Sự thật chỉ có bấy nhiêu; mọi thứ còn lại ẩn náu dưới bầu không khí hai lần mờ mịt của phi hiện thực và ngụy tạo, vốn tác động tới tất cả mọi vụ việc vào thời kỳ ấy, đặc biệt là mọi sự kiện ở Rann đầy rẫy ảo tượng này… vì thế câu chuyện tôi sắp kể đây (mà về cơ bản chính là những gì Zafar em họ tôi đã kể) có nhiều khả năng là sự thật không kém bất kỳ cái gì; tức là, bất kỳ cái gì trừ những cái chúng ta chính thức được nghe.

… Khi toán lính trẻ Pakistan tiến vào địa hình đầm lầy của Rann, trán họ bỗng toát mồ hôi lạnh và nhớp nháp, và họ bị chất xanh thẳm như đáy biển của ánh sáng ở đây làm khiếp đảm; họ nhớ lại những sự tích càng làm họ khiếp hãi hơn – truyền kỳ về những chuyện kinh dị xảy ra trên vùng đất lưỡng thê này, về những quái vật biển có đôi mắt sáng rực, về những nhân ngư nằm vùi phần đầu của cá dưới nước, hít thở, còn phần hạ thể hoàn mỹ và trần truồng của người thì nằm trên bờ, cám dỗ những kẻ nhẹ dạ vào một cuộc hoan lạc chết người, vì ai cũng biết không kẻ nào có thể sống sót khi yêu người cá… bởi thế nên khi đến được trạm biên phòng và tham chiến, họ đã thành một đám những cậu trai mười bảy ô hợp, sợ sệt, và chắc chắn đã bị tiêu diệt, nếu như không phải quân Ấn còn nhiễm thứ chướng khí màu xanh của Rann lâu hơn họ; bởi thế trong thế giới phù thủy ấy một cuộc chiến điên rồ đã nổ ra trong đó hai bên đều cho rằng mình nhìn thấy hiện thân của ma quỷ chiến đấu bên cạnh kẻ thù; nhưng cuối cùng, quân Ấn chịu thua; nhiều người trong số họ sụp đổ trong nước mắt và òa khóc, Ơn Chúa, kết thúc rồi; họ kể về những thứ bầy nhầy to tướng trườn quanh các trạm gác vào ban đêm, những hồn ma chết đuối dật dờ giữa không trung với từng búi rong biển và vỏ sỏ trong lỗ rốn.

Những gì toán lính Ấn đầu hàng nói, mà em họ tôi nghe thấy: “Tuy nhiên, các trạm gác không có người; chúng tôi thấy trống thì vào thôi.” Bí ẩn về các trạm biên phòng bị bỏ hoang, ban đầu, không gây thắc mắc cho toán lính trẻ Pakistan, những người được trên chỉ thị trấn giữ chúng đến khi lính gác mới được điều đến; ông em họ Trung úy của tôi thấy bàng quang và ruột gã liên tục bài tiết với tần suất khủng bố trong bảy đêm trấn giữ một trong các trạm gác với chỉ năm jawan làm đồng đội. Trong những đêm tràn ngập tiếng rú của bầy phù thủy và tiếng sục sạo trườn trượt không tên của bóng tối, sáu gã trai rơi vào một trạng thái hèn hạ đến nỗi không còn ai cười em họ tôi nữa, tất cả còn đang bận đái ra quần mình. Một gã jawan khiếp sợ thì thầm trong không khí ma quái của đêm-trước-đêm-cuối “Này, nếu phải đồn trú ở đây để được lĩnh lương, chắc tao cũng chạy mẹ nó luôn!”

Trong tình trạng suy sụp bèo nhèo như bún nát, toán lính ngồi run rẩy ở Rann; và rồi vào đêm cuối cùng nỗi sợ khủng khiếp nhất của họ đã thành sự thật: họ nhìn thấy một đạo quân ma từ bóng tối tiến về phía mình; họ ở trạm gác gần biển nhất, và dưới ánh trăng màu lục họ trông thấy buồm của những con tàu ma, những chiếc dhow quỷ; và đạo quân ma lạnh lùng tiến lại, mặc tiếng gào rú của bọn lính, những bóng ma khiêng rương hòm mọc rêu và những chiếc cáng kỳ quái phủ vải chất đầy những thứ không rõ là gì; và khi đội quân ma bước vào cửa đồn, ông em họ tôi bủn rủn ngã xuống chân chúng mà lắp bắp trong cơn khiếp đảm.

Bóng ma đầu tiên bước vào trạm gác bị mất vài chiếc răng và đeo một lưỡi dao cong ở thắt lưng; khi thấy toán lính trong chòi, mắt nó rực lên một cơn thịnh nộ đỏ ngầu. “Chúa tha tội!”, hồn ma thủ lĩnh nói, “Bọn ngủ-với-mẹ chúng mày ở đây làm gì? Chưa được đấm mõm đủ hay sao?”

Không phải ma; là buôn lậu. Sáu gã lính trẻ nhận ra mình rơi vào một tình thế lố bịch của nỗi khiếp hãi hèn hạ, và mặc dù cố gỡ gạc lại thể diện, sự ô nhục của họ đã trọn vẹn một cách ê chề… và giờ là mấu chốt câu chuyện. Bọn buôn lậu này hoạt động cho ai? Tên ai buột ra khỏi miệng tên thủ lĩnh, và làm mắt em họ tôi trợn lên kinh hãi? Gia tài của ai, ban đầu được xây trên sự cùng khổ của các gia đình Hindu di tản năm 1947, nay tiếp tục sinh sôi nhờ những chuyến hàng lậu dịp xuân-hè qua Rann không ai canh gác rồi từ đây vào các thành phố Pakistan? Viên Đại tướng mặt Punch nào, giọng mỏng như dao cạo, chỉ huy đội quân ma này?... Song tôi nên tập trung vào các sự kiện. Vào tháng Bảy năm 1965, Zafar em họ tôi về phép tại nhà cha gã ở Rawalpindi; một buổi sáng, gã chầm chậm đi đến phòng cha mình, mang trên vai không chỉ ký ức về cả ngàn lần bị nhục mạ và ăn đòn thời thơ ấu; không chỉ nỗi nhục của việc đái dầm suốt đời; mà cả sự thật rằng cha gã chính là người chịu trách nhiệm về chuyện-xảy-ra-ở-Rann, khi Zafar Zulfikar trở thành một mớ bèo nhèo lắp bắp dưới sàn nhà. Em họ tôi thấy cha gã trong bồn tắm cạnh giường, và cắt cổ ông ta bằng một lưỡi dao dài, cong của dân buôn lậu.

Ẩn sau những bài báo – ĐỢT XÂM PHẠM ĐÊ HÈN CỦA QUÂN ẤN BỊ CÁC CHÀNG TRAI PAKIS OAI HÙNG ĐẨY LÙI – sự thật về Đại tướng Zulfikar đã trở thành một việc mù mờ, không rõ ràng; bọn lính biên phòng ăn hối lộ trở thành, trên báo chí, NHỮNG NGƯỜI LÍNH VÔ TỘI BỊ QUÂN ẤN THẢM SÁT; còn ai sẽ loan truyền câu chuyện về hành vi buôn lậu quy mô lớn của chú tôi? Có vị Tướng nào, có chính trị gia nào không sở hữu những chiếc đài bán dẫn từ hành vi bất hợp pháp của chú tôi, điều hòa nhiệt độ và đồng hồ ngoại nhập từ tội lỗi của ông? Đại tướng Zulfikar chết; em họ Zafar vào tù và được miễn kết hôn với một quận chúa đất Kif, người ngoan cố không chịu hành kinh chính là để được miễn kết hôn với gã; và những vụ việc ở Rann xứ Kutch đã trở thành, tạm gọi là, mồi lửa, của ngọn lửa lớn sẽ bốc lên vào tháng Tám, ngọn lửa của sự kết thúc, mà ở đó Saleem, cuối cùng và mặc cho gã phản kháng, đã đạt đến sự thuần khiết hằng lẩn tránh gã.

Về phần dì Emerald tôi: dì được phép di cư; dì đã chuẩn bị ra đi, dự định sang Suffolk ở Anh, nơi dì sẽ ở cùng thượng cấp cũ của chồng dì, Chuẩn tướng Dodson, người đã bắt đầu, khi về già, sống trong sự bầu bạn và chăm sóc của những bàn tay Ấn Độ cùng lứa với ông, xem những bộ phim cũ về Delhi Durbar và vua George V tới Cổng vòm Ấn Độ… dì mong ngóng ngày được đến với cơn trầm mê trống rỗng của niềm hoài cổ và mùa đông nước Anh khi chiến tranh bùng nổ và giải quyết mọi vấn đề của chúng tôi.

Vào ngày đầu tiên của thời kỳ “hòa bình giả tạo” kéo dài vỏn vẹn ba mươi bảy ngày, cơn đột quỵ giáng xuống Ahmed Sinai. Nó làm ông bị liệt hẳn nửa người trái, trả ông về thời sơ sinh cười ê a và dãi lòng thòng; ông cũng lảm nhảm những lời vô nghĩa, và đặc biệt thích những chữ đùa bỡn hồi con nít chỉ chất bài tiết. Khúc khích “Xì cục!” hay “Su-su!”, cha tôi đã đi đến cuối sự nghiệp lên voi xuống chó của mình, và, một lần nữa, cũng là lần cuối, lạc đường và thất bại trong cuộc chiến với các tửu tinh. Ông ngồi đó, đờ dại và cười sằng sặc, giữa núi khăn tắm lỗi của đời ông; giữa núi khăn tắm lỗi, mẹ tôi, bẹp gí dưới sức nặng của cái thai khủng, ảm đạm gục đầu khi bà đón nhận cuộc viếng thăm của cây đàn pianola của Lila Sabarmati, hoặc hồn ma Hanif em bà, hoặc đôi bàn tay nhảy múa, như thiêu-thân-quanh-ngọn-lửa, lượn lờ, lượn lờ quanh tay bà… Trung tá Sabarmati đến thăm bà với cây dùi cui kỳ quái trong tay, và Nussie-vịt-bầu thì thào, “Kết thúc rồi, chị Amina, thế giới này kết thúc rồi!” vào đôi tai khô héo của mẹ tôi… và giờ, sau khi vật lộn vượt qua cái hiện thực bệnh hoạn của những năm ở Pakistan, sau khi nỗ lực lý giải đôi chút về những việc dường như là (qua màn sương trả hận của bác Alia) một chuỗi báo ứng vì chúng tôi đã rứt bỏ nguồn cội Bombay của mình, tôi đã đến được thời điểm phải kể cho quý vị về những kết thúc.

Tôi sẽ nói điều này một cách thật minh bạch: tôi khẳng định rất chắc chắn rằng mục tiêu bí mật của cuộc chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1965 không gì khác hơn là xóa sổ gia đình đang chìm trong bóng tối của tôi khỏi mặt đất này. Để hiểu được giai đoạn lịch sử mới đây của thời đại chúng ta, quý vị chỉ cần nghiên cứu kế hoạch ném bom của cuộc chiến này với con mắt phân tích và không định kiến.

Ngay cả kết thúc cũng có sự bắt đầu; mọi thứ phải được kể theo trình tự. (Nói cho cùng, tôi luôn có Padma làm nhiệm vụ đè bẹp mọi mưu toan thắng xe trước bò của tôi.) Đến tháng Tám năm 1965, lịch sử gia đình tôi đã đi đến một tình trạng mà điều-mà-kế-hoạch-ném-bom-đạt-được đã đem lại một sự giải thoát ân huệ. Không: hãy để tôi dùng cái từ quan trọng ấy: nếu chúng tôi muốn được thanh tẩy, thì có lẽ một sự kiện tầm cỡ như tôi sắp kể đây là cần thiết.

Alia Aziz, thỏa mãn với đòn báo thù tàn độc; dì Emerald, góa bụa và đợi kiếp lưu đày, cuộc phóng đãng vô nghĩa của mợ Pia và đời ẩn dật trong-buồng-kính của bà tôi Naseem Aziz; em họ tôi Zafar, cùng nàng quận chúa vĩnh viễn không dậy thì của gã và viễn cảnh đái dầm ra nệm của xà lim; sự thu mình về thời con nít của cha tôi và sự lão hóa chóng mặt và ám ảnh của bà bầu Amina Sinai… tất cả những tình cảnh thê thảm này sẽ được tiêu giải nhờ việc Chính phủ theo đuổi giấc mơ về thăm Kashmir của tôi. Trong thời gian ấy, việc em tôi sắt đá cự tuyệt đáp lại tình yêu của tôi đã đẩy tôi chìm sâu vào một tâm thức phó mặc số mệnh; tư tưởng bất cần tương lai mới này đã xui khiến tôi nói với Bác Puffs rằng tôi sẵn sàng cưới bất kỳ cô Puffia nào bác chọn cho tôi. (Khi làm vậy, tôi đã kết án tất cả; bất kỳ ai định thiết lập quan hệ với nhà tôi đều chịu chung số phận với chúng tôi.)

Tôi sẽ cố thôi làm ra vẻ bí hiểm. Quan trọng là tập trung vào những sự kiện cụ thể. Nhưng sự kiện nào? Một tuần trước sinh nhật thứ mười tám của tôi, vào ngày 8 tháng Tám, quân Pakistan mặc giả dân thường đã vượt qua giới tuyến ngừng bắn tại Kashmir và xâm nhập vào địa phận Ấn Độ, hay là không? Tại Delhi, Thủ tướng Shastri thông báo về “đợt xâm nhập quy mô lớn… nhằm lật đổ chính quyền”; song đây là Zulfikar Ali Bhutto, Ngoại trường Pakistan, phản pháo: “Chúng tôi tuyệt đối phủ nhận mọi liên hệ với cuộc nổi dậy chống bạo quyền của thổ dân Kashmir.”

Nếu việc này có thật, thì động cơ là gì? Một lần nữa, một loạt giả thiết được nêu ra: mối hằn thù dai dẳng bị vụ Rann xứ Kutch khơi dậy; tham vọng giải quyết, một-lần-cho-mãi-mãi, mâu thuẫn lâu năm về việc ai-có-quyền-sở-hữu-Thung-lũng-Hoàn-mỹ… Hay là cái động cơ không xuất hiện trên mặt báo: áp lực từ những khó khăn chính trị nội bộ của Pakistan – chính phủ Ayub đang lung lay, một cuộc chiến tranh ở thời điểm này là liều thuốc hoàn hảo. Là lý do này hay đấy hay kia? Để đơn giản hóa vấn đề, tôi đưa ra hai lý do của riêng tôi: chiến tranh nổ ra bởi vì tôi đã mơ Kashmir vào trong ảo tưởng của giới cầm quyền; hơn nữa, tôi vẫn chưa thuần khiết và chiến tranh là để tách tôi khỏi tội lỗi của mình.

Jihad, Padma! Thánh chiến.

Nhưng ai tấn công? Ai phòng thủ? Ngày sinh nhật thứ mười tám của tôi, hiện thực lại có thêm một biến động khủng khiếp nữa. Từ thành lũy của Pháo đài Đỏ tại Delhi, một Thủ tướng Ấn Độ (không phải ông ngày xưa viết thư cho tôi) gửi cho tôi lời chúc sinh nhật này: “Chúng ta hứa rằng, vũ lực sẽ được đáp trả bằng vũ lực, và mọi hành động thù địch sẽ không bao giờ được phép thành công!” Trong khi đó, xe jeep gắn loa phóng thanh chào đón tôi tại Guru Mandir, trấn an tôi rằng “Bọn khiêu khích Ấn Độ sẽ bị đánh bại hoàn toàn! Chúng ta là dòng dõi chiến binh! Một người Pathan; một người Hồi Punjab bằng mười tên babu-có-vũ-trang!”[5]

[5] Patthan, hay còn gọi là Pashtun, một tộc người nổi tiếng Pashto ở Pakistan. Babu tức là người Ấn Độ.

Jamila Ca sĩ được triệu lên phương Bắc, để hát cho những người lính đáng-giá-bằng-mười của chúng ta. Ở nhà tôi, người hầu sơn đen các cửa sổ; về đêm, cha tôi, trong cơn ngô ngẫn của thời thơ ấu thứ hai, mở cửa sổ và bật đèn lên. Gạch đá bay vèo vèo qua các ô cửa: quà sinh nhật mười tám tuổi của tôi. Thế nhưng tình hình ngày một phức tạp hơn: vào ngày 30 tháng Tám, quân Ấn có vượt giới tuyến ngừng bắn gần Uri để “đánh đuổi bè lũ Pakistan xâm lược” – hay là bắt đầu một đợt tấn công? Khi, vào ngày 1 tháng Chín, những chiến sĩ mười-lần-dũng-mãnh-hơn của chúng ta vượt giới tuyến ở Chhamb, họ là kẻ khiêu khích hay là không phải?

Có điều chắc chắn là: Jamila Ca sĩ đã hát cho quân Pakistan đi vào cõi chết; và các muezzin từ trên tháp thánh đường – phải, kể cả đường Clayton – cam đoan với chúng tôi rằng bất cứ ai tử chiến sa trường sẽ được vào thẳng Vườn Long não. Triết lý mujahid của Syed Ahmed Barilwi ngự trị bầu không khí; chúng tôi được mời gọi hy sinh “như chưa bao giờ hy sinh”.