Những đứa con của nửa đêm - Phần III - Chương 26 - Phần 2

Ngày 15 tháng Mười hai năm 1971, Tiger Niazi đầu hàng Sam Manekshaw; con Cọp với chín mươi ba nghìn quân Pakistan trở thành tù binh chiến tranh. Tôi, trong khi đó, trở thành tù nhân tự nguyện của các ảo thuật gia Ấn Độ, bởi Parvati đã lôi tuột tôi vào đoàn diễu hành và bảo, “Giờ đã tìm thấy đây rồi thì đừng hòng tớ thả cậu đi.”

Đêm đó, Sam và con Cọp uống bằng chota-peg[6] và hồi tưởng về thời trong Quân đội Anh. “Nói thật, Cọp ạ,” Sam Mankeshaw nói, “ông đầu hàng như thế rất có phong độ.” Và con Cọp, “Sam, ông đánh một trận ác chiến đấy.” Một vầng mây nhỏ lướt qua gương mặt của Tướng Sam, “Nghe này, chiến hữu: có những lời đơm đặt khủng khiếp. Về thảm sát, ông bạn ạ, mộ tập thể, các biệt đội tên là CUTIA hay quái quỷ gì đó, được đào tạo nhằm mục đích nhổ tận gốc những phần tử đối lập... chuyện này không có thật chứ hả?” Và con Cọp, “Biệt đội Liệp Khuyển chuyên Săn lùng và Hoạt động tình báo? Chưa nghe bao giờ; ông bị lỡm rồi, ông bạn già. Tình báo hai bên làm ăn lởm quá. Không, lố bịch, lố bịch hết sức, nói ông bỏ quá!” “Đây cũng nghĩ thế,” Tướng Sam đáp, “tôi nói, Cọp ạ, gặp lại ông quá hay, lão quỷ già!” Và con Cọp “Bao nhiêu năm rồi, nhỉ, Sam? Lâu lắm rồi.”

[6] Một loại ly nhỏ để uống rượu, đặc trưng ở Ấn Độ thời kỳ thuộc địa.

“... Trong khi những người bạn cũ hát “Auld Lang Syne” trong nhà ăn của sĩ quan, tôi thực hiện cuộc đào tẩu khỏi Bangladesh, khỏi những năm tháng Pakistan của tôi. “Tớ sẽ giúp cậu trốn,” Parvati bảo sau khi tôi giải thích. “Cậu muốn cực kỳ bí mật hả?”

Tôi gật đầu. “Cực kỳ bí mật.”

Đâu đó trong thành phố, chín mươi ba nghìn lính Pakistan đang chuẩn bị lên xe đến trại P.O.W.[7]; nhưng Parati-phù-thủy bắt tôi trèo vào một cái giỏ liễu gai có nắp đậy khít. Sam Manekshaw buộc phải ra lệnh quản thúc bảo vệ đối với con Cọp; nhưng Parvati-phù-thủy trấn an tôi, “Thế này họ sẽ không đời nào tóm được cậu.”

[7] Prisoners of War (tù binh chiến tranh).

Đằng sau một trại lính, nơi các ảo thuật gia đang chờ lên máy bay để quay về Delhi, Picture Singh, Người Đàn Ông Dụ Hoặc Nhất Thế Gian, đứng cảnh giới cho tôi, tối hôm đó, trèo vào chiếc giỏ tàng hình. Chúng tôi đứng tha thẩn, hút biris, và đợi đến khi không thấy bóng người lính nào, trong khi Picture Singh kể tôi nghe về tên mình. Hai mươi năm trước, một nhiếp ảnh gia của Eastman-Kodak đã chụp ảnh anh – bức ảnh, ngập trong nụ cười và bầy rắn, về sau đã xuất hiện trên phân nửa số áp phích quảng cáo và quầy trưng bày của Kodak tại Ấn Độ; kể từ đó, người dụ rắn đã lấy cái biệt danh hiện tại. “Chú nghĩ sao hỉ, đội trưởng?” anh gầm gừ thân thiện. “Tên hay đấy chứ, hỉ? Biết làm sao, đội trưởng, anh chịu chả nhớ nổi cái tên cũ, hồi xưa, tên cha mẹ đặt cho ấy! Đần hỉ, đội trưởng?” Nhưng Picture Singh không đần; và tài mê hoặc mới chỉ là một phần nhỏ ở anh. Bỗng nhiên, vẻ thân thiện ngái ngủ, suồng sã trong giọng anh biến mất; anh thì thầm, “Mau! Mau, đội trưởng, ek dum, cực nhanh đi!” Parvati nhấc nắp ra; tôi cắm đầu lao vào cái giỏ bí hiểm của cô. Cái nắp đậy xuống, che khuất nốt chút ánh sáng cuối ngày.

Picture Singh thì thầm, “Ô kê, đội trưởng - ngon rồi!” Parvati cúi xuống gần tôi; môi cô hẳn là áp sát mặt ngoài cái giỏ. Những gì Parvati-phù-thủy thì thào qua lớp liễu gai:

“Này, Saleem, nghĩ mà xem, anh bạn! Cậu và tớ - những đứa con của nửa đêm, yaar! Oách đấy chứ, hả?”

Oách đấy chứ... Saleem, bị bao trùm trong bóng tối của liễu gai, hồi tưởng về những nửa đêm của nhiều năm trước, về những cuộc vật lộn tuổi thơ với mục đích và ý nghĩa; lòng tràn ngập nỗi hoài nhớ, tôi vẫn không thể cắt nghĩa nổi cái oách ấy là gì. Rồi Parvati lầm rầm gì đó, và, bên trong chiếc giỏ tàng hình, tôi, Saleem Sinai, cùng tấm áo choàng vô danh lùng thùng, biến mất vào hư không.

“Biến mất? Biến mất thế nào, biến mất là sao?” đầu Padma giật nảy lên; mắt Padma ngơ ngác nhìn tôi chằm chằm. Tôi, nhún vai, thản nhiên nhắc lại: Biến mất, thế thôi. Tan biến. Tiêu biến. Như yêu tinh ấy: bụp, xong.

“Thế,” Padma cật vấn tôi, “cô ấy đích thực quả thật là phù thủy à?”

Đích thực quả thật. Tôi ở trong giỏ, nhưng cũng không ở trong giỏ; Picture Singh nhấc nó lên bằng một tay và tống nó lên thùng chiếc xe tải Quân đội chở anh và Parvati và chín mươi chín người khác ra chiếc chuyên cơ đang chờ ngoài sân bay quân sự; tôi bị ném lên cùng cái giỏ, nhưng cũng không bị ném lên. Về sau, picture nói, “Không, đội trưởng, anh không cảm thấy sức nặng của chú”; trong khi tôi cũng chẳng cảm thấy chút thịch uỵch bịch nào. Một trăm lẻ một nghệ sĩ đã đến đây, bằng quân vận cơ của I.A.F., từ thủ đô của Ấn Độ; một trăm lẻ hai người trở lại, mặc dầu một người trong số họ vừa ở đó vừa không ở đó. Phải, thần chú thỉnh thoảng cũng linh nghiệm. Nhưng cũng có khi không: cha tôi, Ahmed Sinai, chưa một lần thành công trong việc nguyền rủa Sherri, con chó cái lai.

Không hộ chiếu hay giấy phép, tôi quay lại, dưới tấm áo choàng tàng hình, xứ sở nơi tôi sinh ra; tin hay không tùy quý vị, nhưng ngay cả một người hoài nghi cũng sẽ phải đưa ra một cách giải thích khác cho việc tôi có mặt tại đây. Chẳng phải Caliph Haroun al-Rashid (ở một thiên truyền kỳ ra đời sớm hơn) cũng đã từng lang thang, vô danh vô hình vô tướng, khắp phố phường Baghdad trong lớp áo choàng? Điếu Haroun làm được trên phố phường Baghdad, parvati-phù-thủy đã biến thành hiện thực với tôi khi chúng tôi bay xuyên những tuyến hàng không của tiểu lục địa. Cô đã làm được; tôi trở nên vô hình; bas. Chấm hết.

Hồi ức về sự vô hình: ở trong giỏ, tôi được biết cảm giác chết là như thế nào, sẽ như thế nào. Tôi có được đặc tính của một bóng ma! Tồn tại, nhưng phi vật chất; hiện hữu, nhưng không có thực thể và trọng lượng... tôi khám phá ra, từ trong giỏ, cách hồn ma nhìn thế giới. Mập mờ nhòa nhạt mơ hồ... nó tổn tại quanh tôi, nhưng chỉ hơi thôi; tôi lơ lửng trong khối cầu của không-hiện-diện, và tại rìa của nó, tôi có thể thấy, như những hình ảnh phản chiếu mờ mờ, bóng ma của lớp liễu gai. Người chết chết đi, và dần bị lãng quên, thời gian hàn gắn vết thương, và họ nhạt nhòa đi - nhưng trong cái giỏ của Parvati tôi nhận ra rằng điều ngược lại cũng đúng; rằng cả hồn ma cũng bắt đầu quên; rằng người chết cũng mất dần hồi ức về người sống, và sau cùng, sau khi bị tách khỏi sự sống, họ mờ nhạt đi – rằng sự chết, nói tóm lại, vẫn tiếp diễn một thời gian dài sau cái chết. Sau này, Parvati bảo, “Tớ không muốn nói với cậu - không ai nên tàng hình lâu như thế - nguy hiểm lắm, nhưng biết làm thế nào được?”

Dưới pháp thuật của Parvati, tôi cảm thấy thế giới trôi tuột khỏi sự nắm bắt của bản thân -và thật dễ dàng, thật bình yên biết mấy, nếu không bao giờ phải trở lại! – nếu có thể trôi nổi giữa vùng mây mù vô định ấy, phiêu dạt xa hơn xa nữa xa mãi, như một bào tử bị gió thổi bay -tóm lại, tôi đứng giữa sự sống và cái chết.

Thứ mà tôi bấu víu vào trong không-gian-và-thời-gian ma mị ấy: cái ống nhổ bằng bạc. Thứ, cũng trở thành vô hình như tôi dưới lời thì thầm của Parvati, nhưng vẫn cảnh tỉnh tôi về thế giới bên ngoài... siết chặt món đồ bạc được gò tinh xảo ấy, thứ vẫn lấp lánh kể cả trong bóng tối không tên, tôi sống sót. Bất chấp sự tê liệt từ-đầu-đến-chân, tôi được cứu thoát, có lẽ, nhờ ánh lấp lánh phát ra từ kỷ vật quý giá của tôi.

Không - không thuần túy là nhờ ống nhổ; vì, như chúng ta đều đã biết, nhân vật chính của chúng ta chịu ảnh hưởng đặc biệt sâu sắc của việc bị giam hãm trong không gian hẹp. Mọi biến đổi đều xảy ra với gã trong bóng tối khép kín. Từ chỗ chỉ là phôi trong không gian bí mật của tử cung (không phải của mẹ gã), chẳng phải gã đã lớn lên thành hiện thân của truyền thuyết mới về ngày 15 tháng Tám, thành đứa trẻ của tiếng tích tắc - chẳng phải gã đã xuất hiện như một Mubarak, Đứa Trẻ được Ban Phước? Trong một phòng tắm chật chội, chẳng phải hai thẻ tên đã bị tráo? Một mình trong chiếc tủ giặt với sợi dải rút thọt lên mũi, gã chẳng phải đã liếc thấy một Trái Xoài Đen và khịt quá mạnh, biến bản thân và quả dưa chuột trên mặt gã thành một đài phát thanh nghiệp dư siêu nhiên? Bị bác sĩ, y tá và mặt nạ gây mê giữ chặt, chẳng phải gã đã đầu hàng những con số và, sau khi bị hút-kiệt-ở-trên, chuyển sang giai đoạn hai, thời kỳ của triết gia khứu giác và (sau này) cao thủ săn lùng? Bị đè bẹp, trong ngôi nhà bỏ hoang, dưới cái xác của Ayooba Baloch, chẳng phải gã đã nhận thức được ý nghĩa của công-bằng-và-bất-công? À, thế thì - bị giam hãm trong sự nguy hiểm của chiếc giỏ vô hình, tôi được cứu thoát, không chỉ bởi ánh lấp lánh của cái ống nhổ, mà còn nhờ một sự biến đổi khác: trong vòng cương tỏa của nỗi cô đơn thoát ly thể xác kinh khủng ấy, một nỗi cô đơn có mùi nghĩa địa, tôi khám phá ra giận dữ.

Bên trong Saleem, có gì đó đang phai nhạt và có gì đó đang ra đời. Phai nhạt: niềm tự hào cũ vế tấm-hình-em-bé và lá thư lồng khung kính của Nehru; quyết tâm cũ sẵn sàng nhận lãnh một vai trò lịch sử đã được tiên đoán; và sự sẵn lòng tha thứ, sẵn lòng thông cảm cho việc cha mẹ hay người lạ có quyền lưu đày hay khinh bỉ gã chỉ vì gã xấu; ngón tay cụt và đầu sư cọ xem ra không còn là những lý do đủ thuyết phục cho cách mọi người đối xử với gã, với tôi. Đối tượng của sự phẫn nộ trong tôi, trên thực tế, là tất cả những gì tôi đã, cho tới lúc đó, chấp nhận một cách mù quáng: việc cha mẹ mong mỏi tôi sẽ đền đáp sự đầu tư của họ vào tôi, bằng cách trở nên vĩ đại; thiên-tài-rủ-xuống-tựa-khăn-san; và chính các chế độ liên kết đã khơi dậy trong tôi một cơn giận đột ngột, mù quáng. Sao lại là tôi? Tại sao, vì những sự ngẫu nhiên của lời tiên đoán lúc chào đời và vân vân, tôi lại phải chịu trách nhiệm về những vụ bạo loạn ngôn ngữ và người-kế-tục-Nehru, về cách mạng của lọ gia vị, và về những quả bom đã tiêu diệt gia đình tôi? Tại sao, tôi, Saleem Thò Lò, Cả Khịt, Mặt Bản Đồ, Mảnh Trăng, lại bị quy kết về những gì quân lính Pakistan không-gây-ra tại Dacca?... Tại sao, duy nhất trong tất cả hơn-năm-trăm-triệu-con-người, mình tôi phải mang gánh nặng của lịch sử?

Cảm xúc được khám phá của tôi về sự bất công (có mùi hành) đã khởi đầu, cơn giận vô hình của tôi đã hoàn thiện. Phẫn nộ giúp tôi sống sót trước sự quyến rũ êm ái mê mị của sự tàng hình; giận dữ làm tôi quyết tâm (sau khi được giải phóng khỏi tình trạng tiêu biến, dưới bóng một Thánh đường Thứ Sáu) bắt đầu, kể từ giây phút ấy, tự chọn cho mình một tương lai riêng, phi-tiền-định. Và ở đó, trong sự tĩnh lặng của cảm giác biệt lập sực mùi nghĩa địa, tôi nghe thấy giọng hát xa xưa của cô Mary Pereira đồng trinh:

Bất cứ gì con muốn thành, con sẽ[8] được,

Con sẽ được thành, bất cứ gì con muốn.

[8] Mary phát âm không chuẩn, đọc chữ you can be(con có thể) thành you kin be.

Đêm nay, hồi tưởng về cơn giận cũ, tôi vẫn hoàn toàn bình thản, mụ Góa phụ đã hút kiệt giận dữ khỏi tôi cùng với mọi thứ khác. Nhớ lại cuộc nổi loạn phát sinh trong giỏ, cưỡng lại vận mệnh, tôi thậm chí tự cho phép mình nở một nụ cười giễu cợt, thấu hiểu. “Con trai,” tôi lẩm bẩm một cách độ lượng xuyên qua năm tháng tới Saleem-ở-tuổi-hai-tư, “sẽ mãi là con trai.” Tại Quán trọ Góa phụ, tôi đã nhận được bài học khắc nghiệt và nhớ đời của sự Không Thể Thoát; giờ đây, gò lưng trên giấy dưới quầng sáng Anglepoise, tôi không còn muốn là gì khác ngoài chính bản thân mình. Tôi là ai, cái gì? Trả lời: tôi là tổng hợp mọi thứ diễn ra trước tôi, mọi thứ tôi đã là đã thấy đã làm, mọi thứ được-làm-với-tôi. Tôi là tất cả mọi người mọi vật mà sự-tồn-tại-trên-thế-giới-này tác động đến tôi bị tôi tác động, tôi là bất kỳ thứ gì xảy ra sau khi tôi ra đi nhưng sẽ không xảy ra nếu tôi không xuất hiện. Tôi cũng không phải là ngoại lệ cá biệt trong vấn đề này; mỗi một “Tôi”, mỗi cá nhân trong số này-là-hơn-sáu-trăm-triệu-con-người chúng ta, đều chứa đựng một sự đa dạng tương tự. Tôi nhắc lại lần cuối: để hiểu tôi, quý vị sẽ phải nuốt cả thế giới.

Mặc dù lúc này, khi quá-trình-trào-ra của những-gì-ở-trong-tôi đã gần tới hồi kết; khi những vết nứt đang toác ra từ bên trong - tôi có thể nghe và cảm thấy tiếng nhay xé gặm - tôi bắt đầu mỏng dần đi, gần như trong mờ; chẳng còn bao nhiêu tôi nữa, và không bao lâu nữa sẽ chẳng còn gì. Sáu trăm triệu hạt bụi, tất cả trong suốt, vô hình như thủy tinh...

Nhưng lúc ấy tôi rất giận dữ. Hiện tượng cường vận động nội tiết trong cái bình liễu gai hai quai: mồ hôi và mùi hôi trào ra từ tuyến eccrine và apocrine, như thể tôi đang cố gắng bài tiết số phận qua các lỗ chân lông; và, đểcông bằng với cơn phẫn nộ của mình, tôi phải ghi nhận rằng, nó đã giành được một thành tựu tức thời - rằng khi từ giỏ tàng hình lăn ra dưới bóng thánh đường, tôi đã được, nhờ có cuộc nổi dậy, giải thoát khỏi tình trạng trầm mê của sự tê liệt; khi bổ nhào xuống nền đất khu ghetto của giới ảo thuật, tay khư khư cái ống nhổ bạc, tôi nhận ra mình đã bắt đầu, một lần nữa, có cảm giác.

Có những nỗi đau, ít ra, vẫn có khả năng bị chế ngự.