Những đứa con của nửa đêm - Phần III - Chương 28 - Phần 3

Sử sách báo chí đài phát thanh đều bảo rằng đúng hai giờ chiều ngày 12 tháng Sáu, Thủ tướng Indira Gandhi bị phán quyết là có tội, theo chánh án Jag Mohan Lal Sinha của Tòa án Tối cao Allahabad, với hai tội danh vận động bất hợp pháp trong chiến dịch tranh cử năm1971; điều trước đây chưa bao giờ được tiết lộ là vào đúng hai giờ chiều, Parvati-phù-thủy (nay là Laylah Sinai) cầm chắc mình đang trở dạ.

Cuộc trở dạ của Parvati-Laylah kéo dài mười ba ngày. Ngày đầu tiên, khi Thủ tướng bác bỏ khả năng từ chức, mặc dù bản án kèm theo hình phạt bắt buộc cấm bà tham gia chính quyền trong sáu năm, cổ tử cung của Parvati-phù-thủy, mặc những cơn co thắt đau như ngựa đá, vẫn ngoan cố không chịu mở; Saleem Sinai vàPicture Singh, bị ba chị em uốn dẻo, những người đi lãnh trách nhiệm bà đỡ, cấm cửa khỏi túp lều quằn quại của em, chỉ biết nghe tiếng rên la vô vọng của em cho tới khi một đoàn nghệ sĩ nuốt-lửa bạc-bịp đi-trên-than-hồng lũ lượt kéo đến, vỗ lưng họ và kể chuyện tục tĩu; và chỉ có trong tai tôi là vẫn dội lên tiếng tích tắc... đang đếm ngược đến điều Chúa-mới-biết, cho đến khi tôi bị nỗi sợ xâm chiếm, và bảo Picture Singh,“Em không biết cái gì sẽ chui ra, nhưng nó sẽ chẳng tốt lành gì đâu...” Và Pictureji, trấn an: “Đừng có lo, đội trưởng! Tất cả sẽ ổn thôi! Một thằng cu cỡ bự mười đồng, anh đảm bảo!” Và Parvati, kêu gào la hét, và đêm qua ngày đến, và bước sang ngày thứ hai, khi ở Gujarat các ứng cử viên bầu cử của bà Gandhi thảm bại trước Janata Morcha, Parvati của tôi phải chịu những cơn đau dữ dội đến nỗi người em cứng đờ như sắt, và tôi không chịu ăn uống gì cho tới khi đứa trẻ ra đời hoặc là điều gì phải đến sẽ đến, tôi ngồi xếp bằng ngoài túp lều thống khổ của em, khiếp sợ run bần bật dưới cái nóng, cầu xin đừng bắt em phải chết đừng bắt em phải chết, mặc dầu chưa một lần tôi làm tình với em trong suốt ngần ấy tháng cưới nhau; bất chấp nỗi khiếp sợ bóng ma của Jamila Ca sĩ, tôi cầu nguyện và nhịn ăn; mặc cho Picture Singh can ngăn, “Đừng như vậy mà, đội trưởng,” tôi vẫn tiếp tục, và đến ngày thứ chín thì cả ghetto đã chìm vào một sự im lặng đáng sợ, một sự tĩnh lặng tuyệt đối đến mức kể cả tiếng gọi cầu nguyện của muezzin từ thánh đường cũng không xuyên thủng nổi, một sự vô thanh có uy lực mãnh liệt đến mức làm câm bặt tiếng gào rống của đoàn biểu tình do Janata Morcha phát động ngoài Rashtrapati Bhavan, Dinh Tổng thống; một sự câm lặng kinh hoàng cũng xuất phát từ thứ ma thuật đáng sợ, bao trùm hết thảy như sự im lặng vĩ đại từng phủ xuống ngôi nhà của ông bà tôi ở Agra, bởi vậy vào ngày thứ chín ấy chúng tôi không nghe được Morarji Desai kêu gọi Tổng thống Ahmad bãi miễn bà Thủ tướng ô danh, và âm thanh duy nhất của cả thế giới này là tiếng thoi thóp kiệt quệ của Parvati-Laylah, khi từng cơn co thắt đổ dồn lên em như núi, và tiếng em nghe như đang réo gọi chúng tôi dọc một đường hầm dài rỗng của đớn đau, trong khi tôi, ngồi xếp bằng, như bị thống khổ của em chặt thành từng khúc, với tiếng tích tắc vô thanh trong đầu; và trong lều ba chị em uốn dẻo đang rót nước lên người Parvati để bù lại lượng hơi nước như đang phun trào ra khỏi người em, nhét que gỗ vào giữa hai hàm răng để phòng em cắn đứt lưỡi, và cố ép mí mắt em nhắm lại trên đôi mắt đang lồi ra đáng sợ đến nỗi họ sợ chúng sẽ rơi ra ngoài mà bị vấy bẩn trên mặt đất, và sang ngày thứ mười hai thì tôi đã lả đi vì đói trong khi đâu đó trong thành phố Tòa án Tối cao thông báo với Bà Gandhi rằng bà chưa phải từ chức trong thời gian kháng án, nhưng sẽ không có quyền bỏ phiếu trong Lok Sabha cũng như lĩnh lương, và trong lúc Thủ tướng đang cơn hả hê trước chiến thắng một phần này bắt đầu thóa mạ địch thủ bằng thứ ngôn ngữ dư sức làm một mụ hàng cá Koli phải tự hào, cơn trở dạ của Parvati bước sang một giai đoạn mà trong đó, dù hoàn toàn kiệt quệ, em vẫn tìm được hơi sức để tuôn ra một tràng chửi rủa tục tằn từ cặp môi không còn huyết sắc, đến nỗi mùi xú uế từ những lời lẽ tục tĩu của em xộc vào mũi làm chúng tôi ói mửa, và ba chị em uốn dẻo từ trong lều chạy ra bảo rằng người em căng ra và nhợt nhạt đến nỗi gần như nhìn xuyên qua được, và em sẽ cầm chắc chết nếu đứa bé không chui ra lúc này, và trong tai tôi tôi tiếng tích tắc dồn dập tích tắc cho đến khi tôi biết chắc, đây rồi, sẽ sớm sớm sớm thôi, và khi ba chị em trở lại bên giường emvào tối ngày thứ mười ba họ thét lên Rồi rồi cô ấy bắt đầu rặn rồi, cố lên Parvati, rặn rặn rặn đi, và trong khi Parvati rặn đẻ ở ghetto, J.P.Narayan và Morarji Desai đang khiêu khíchIndira Gandhi, trong khi ba chị em thét rặn rặn rặn thì lãnh đạo đảng Janata Morcha thúc giục Cảnh sát và Quân đội bất tuân những mệnh lệnh phi pháp của Thủ tướng đã bị bãi miễn, bởi vậy về một nghĩa nào đó họ cũng đang ép Bà Gandhi rặn, và khi đêm tối dần đến nửa đêm, bởi vì không có gì là không xảy ra vào thời điểm này, ba chị em bắt đầu réo lên nó đang ra đang ra đang ra, và đâu đó Thủ tướng cũng đang cho ra đời đứa con của mình... ở ghetto, trong túp lều nơi tôi ngồi xếp bằng bên ngoài và chết dần vì đói, con trai tôi đang ra đang ra đang ra, cái đầu ra rồi, ba chị em réo lên, trong khi lực lượng Cảnh sát Trung ương Dự bị bắt giữ các thủ lĩnh của Janata Morcha, bao gồm hai nhân vật già nua đến không tưởng và gần như đã thành truyền kỳ là Morarji Desai và J.P. Narayan, rặn rặn rặn, và vào chính giữa cái nửa đêm khủng khiếp ấy khi tiếng tích tắc vang dội trong tai tôi, một anh cu cỡ bự mười đồng chính hiệu, sau cùng đã phọt ra một cách dễ dàng đến nỗi chẳng ai hiểu nổi bao nhiêu khổ sở vừa qua để làm gì. Parvati rên lên một tiếng yếu ớt cuối cùng, thế là thằng bé phọt ra, trong khi khắp Ấn Độ cảnh sát đang bắt bớ tất cả lãnh tụ đối lập trừ các đảng viên Cộng sản thân Moscow, cả giáo viên luật sư thi sĩ nhà báo công đoàn viên, kỳ thực là bất cứ ai đã phạm sai lầm hắt hơi khi Madam diễn thuyết, và khi ba chị em uốn dẻo tắm cho đứa bé và bọc nó vào một mảnh sari cũ rồi bế ra cho bố xem mặt, chính xác vào thời điểm ấy, lần đầu tiên người ta nghe thấy từ Tình trạng Khẩn cấp, và đình-chỉ-quyền-công-dân, và kiểm-duyệt-báo-chí, và các-đơn-vị-thiết-giáp-sẵn-sàng-cao-độ, và bắt-giữ-các-phần-tử-phản-động; có gì đó đang chấm dứt, có gì khác đang ra đời, và chính xác vào thời khắc khai sinh của nước Ấn Độ mới và khởi đầu của một nửa đêm đằng đẵng sẽ kéo dài suốt hai năm, con trai tôi, đứa trẻ của tiếng tích tắc tái xuất, đã bước ra thế giới.

Và còn nữa: bởi vì khi, trong cảnh tối tăm tranh tối tranh sáng của cái nửa đêm sẽ kéo dài vô tận ấy, Saleem Sinai lần đầu nhìn thấy đứa bé, gã bắt đầu phá lên cười không nín được, tâm trí gã tê liệt vì cơn đói, phải, nhưng cũng vì nhận ra rằng định mệnh tàn nhẫn lại dành cho gã thêm một trò chơi khăm dị hợm nữa, nên dù Picture Singh, kinh hoảng trước tiếng cười của tôi, trong tình trạng suy kiệt nghe như tiếng khúc khích của một nữ sinh, nhắc đi nhắc lại, “Thôi nào, đội trưởng! Đừng điên thế hỉ! Là con trai rồi, đội trưởng, vui lên hỉ!” Saleem Sinai tiếp tục đón nhận sự ra đời của đứa trẻ bằng cách rúc rích cười điên loạn trước số phận, bởi thằng bé, thằng bé sơ sinh, thằng-bé-con-trai-tôi Aadam, Aadam Sinai có hình dáng hết sức hoàn hảo - trừ, chỉ trừ, có đôi tai. Hai bên đầu nó phấp phới cặp cơ quan thính giác xòe ra như hai cánh buồm, đôi tai lớn vĩ đại đến mức sau này ba chị em tiết lộ rằng khi cái đầu chui ra họ đã nghĩ, trong một khắc hoang mang, đây là đầu một chú voi con.

… “Đội trưởng, Saleem đội trưởng,” Picture Singh van nài, “bình tĩnh nào! Tai chứ gì đâu mà phải phát điên lên!”

Nó ra đời ở Delhi cũ... ngày xửa ngày xưa. Không, như thế không được, không thể né tránh ngày tháng được: Aadam Sinai chào đời ở một khu ổ chuột chìm trong bóng đêm vào ngày 25 tháng Sáu năm 1975. Thế còn giờ? Giờ cũng quan trọng chứ. Như tôi đã nói: về đêm. Không, nhất thiết phải rõ hơn... Thực tế là, đúng nửa đêm. Kim đồng hồ chắp tay. Ôi dào, nói toẹt ra đi, nói toẹt ra đi: chính vào thời khắc Ấn Độ bước vào Tình trạng Khẩn cấp, nó xuất hiện. Trong tiếng hổn hển; và, trên khắp đất nước, câm lặng và sợ hãi. Và dưới ách áp chế ma quái của thời khắc đêm tối ấy, nó đã bị còng tay một cách bí hiểm vào lịch sử, và vận mệnh của nó đã bị xiềng xích không thể chia lìa với của đất nước nó. Không được tiên đoán, chẳng được tung hô, nó đến; chẳng thủ tướng nào viết thư cho nó; nhưng, dù gì đi nữa, khi thời gian của mối liên hệ của tôi sắp chấm dứt, đến lượt nó bắt đầu. Nó, tất nhiên, chẳng có tiếng nói gì trong chuyện này sất; nói cho cùng, lúc ấy, đến tự chùi mũi nó còn chưa làm nổi.

Nó là con của người cha không phải là cha nó; nhưng cũng là con của một thời kỳ đã hủy hoại hiện thực một cách nghiêm trọng đến nỗi không ai còn có thể tái tạo được nữa;

Nó là chắt đích thực của cụ nội nó, nhưng hội chứng chân voi đã nhắm vào tai nó thay vìvào mũi - bởi vì nó cũng là đứa con đích thực của Shiva-và-Parvati; nó là thần Ganesh đầu voi;

Nó được sinh ra với đôi tai phấp phới cao và rộng đến nỗi chắc chúng đã nghe được tiếng nổ súng ở Bihar và tiếng gào thét của công nhân cảng biển bị dùi cui tấn công ở Bombay... một đứa trẻ nghe thấy quá nhiều, và hệ quả là không nói bao giờ, bị câm vì dư thừa âm thanh, thành thử từ bấy đến giờ, từ ổ chuột đến nhà máy rau quả dầm, chưa bao giờ tôi nghe nó thốt ra lấy một lời;

Nó là người sở hữu một cái rốn lồi ra thay vì thụt vào, làm Picture Singh kinh ngạc thốt lên, “Bimbi của nó, đội trưởng! Trông bimbi của nó kìa!”, và nó trở thành, ngay từ buổi đầu, người tiếp nhận đầy ơn phước niềm kinh sợ của chúng tôi;

Đứa trẻ nghiêm trang tốt nết đến nỗi việc nó tuyệt đối không khóc và mè nheo đã hoàn toàn chiếm được cảm tình của cha nuôi, người đã thôi không cười như ma làm trước đôi tai dị dạng và bắt đầu trìu mến ru đứa bé lặng lẽ trên tay;

Đứa trẻ được nghe một bài hát khi đu đưa trên tay cha, bài hát được hát bằng chất giọng mang màu lịch sử của người Ayah bị ô danh:“Bất cứ gì con muốn thành, con sẽ được; con sẽ được thành, bất cứ gì con muốn.”

Nhưng giờ khi tôi đã cho ra đời đứa con trai im lặng, tai phấp phới có những câu hỏi cần được trả lời vì sự ra đời đồng thời kia. Những nghi vấn khó nói và khó nuốt: Phải chăng, giấc mơ cứu nước của Saleem đã, qua các mô thẩm thấu của lịch sử, ngấm vào suy nghĩ của chính Thủ tướng? Phải chăng tín niệm cả đời của tôi vào sự đồng nhất giữa Quốc gia và bản thân tôi đã chuyển hóa, trong tâm thức Madam, thành câu nói nổi-tiếng-hồi-ấy: Ấn Độ là Indira và lndira là Ấn Độ? Phải chăng chúng tôi là đối thủ cạnh tranh nhau vai trò trung tâm - phải chăng bà cũng bị ám ảnh sâu sắc bởi một sự thèm khát ý nghĩa như tôi - và có phải, có phải vì thế mà...?

Ảnh hưởng của kiểu tóc đến tiến trình lịch sử: lại thêm một chuyện đáng cười nữa. Nếu William Methwold không có ngôi giữa, chắc tôi đã chẳng ở đây hôm nay; và nếu Người Mẹ của Dân tộc có một mái đầu đồng nhất về sắc tố, Tình trạng Khẩn cấp do bà sinh ra nhiều khả năng sẽ thiếu một khía cạnh đen tối hơn. Nhưng tóc bà lại nửa trắng nửa đen; Tình trạng Khẩn cấp cũng thế, có một nửa trắng - công khai, rõ ràng, được ghi chép, vấn đề dành cho giới sử học - và một nửa đen, bí mật, rùng rợn, không ai nhắc đến, là vấn đề của chúng tôi.

Indira Gandhi sinh ngày 19 tháng Mười một năm 1917, con gái của Kamala và Jawaharlal Nehru. Tên đệm là Priyadarshini. Bà không có họ hàng với “Mahatma” M.K. Gandhi; họ của bà là di sản từ cuộc hôn nhân, năm 1942; với một ông Feroze Gandhi, người được cả nước coi như “phò mã”. Họ có hai con trai, Rajiv vàSanjay, nhưng năm 1949 bà dọn về nhà cha mình và trở thành “nữ chủ nhân” ở đây. Ferozecũng thử sống ở đó một lần, nhưng không thành công, ông trở thành người phê phán gay gắt Chính quyền Nehru và phanh phui vụ tai tiếng Mundhra, buộc chính Bộ trưởng Tài chính hồi đấy, T.T. Krishnamachari - tức T.T.K. phải từ chức. Feroze Gandhi mất vì nhồi máu cơ tim năm 1960, thọ bốn mươi bảy tuổi. Sanjay Gandhi và vợ, cựu người mẫu Meneka, là hai nhân vật nổi bật trong Thời kỳ Khẩn cấp. Phong trào Thanh niên Sanjay đặc biệt phát huy hiệu quả trong chiến dịch triệt sản.

Tôi đưa vào bản tiểu sử có phần sơ lược này để phòng khi quý vị chưa nhận ra Thủ tướng Ấn Độ, đến năm 1975, đã mười lăm năm là một góa phụ. Hay (bởi ở đây chữ hoa sẽ có tác dụng): một Góa phụ.

Phải, Padma, Mẹ Indira thực sự có mưu đồhãm hại tôi.