Ngõ Cây Bàng - Chương 03 - phần 1

III

CÓ tiếng trẻ con the thé gọi và tiếng que đập vào cửa đen đét. Vọng choàng tỉnh dậy, giơ tay lau khan trên mặt đất mấy cái, dụi mắt rồi nhìn ra ngoài. Ánh sáng vàng hoe hắt chéo qua cánh liếp trải dài trên nền nhà đất ẩm. Bên cạnh Vọng, cái Ân cũng đã tỉnh ngủ vừa dụi mắt vừa quờ tay trên chiếu tìm một cái gì. Mấy giọt nước mắt ở đâu như chực sẵn trào ra ngay, ướt cả hai mắt trông như hai cái lá non bị mưa. Vọng nhẩy xuống đất nhìn vào gậm giường tối om, ngổn ngang những củi vụn, guốc hỏng, thúng rách và vỏ lạc. Không có. Vọng ngẩng lên giơ tay cốc vào đầu em rồi chỉ vào ngực áo nó: một cái kim băng to gộc sâu đầy những khuy áo cũ cài trên một miếng vá to bằng bao diêm.

- A! – Ân kêu lên rồi nhe những cái răng hến nhỏ xíu ra mà cười. Đôi mắt như hai cái lá non xòe ra tươi mát.

Nó chạy vù ra ngoài cửa. Mái tóc loi nhoi chỗ dài chỗ ngắn tung lên, đỏ hoe trong nắng xiên khoai trông giống như một cái đuôi bò. Vọng đóng cửa lại, chạy theo em sang bãi đất trống trước cửa nhà bà Đôi.

Chúng chơi nhảy ô và chơi tam cúc ăn tiền.

Nắng chiều nhạt dần rồi tắt hẳn. Nắng chiều và bóng đêm hòa vào nhau thành một màu tím biếc. Mặt đứa nào cũng tím, áo đứa nào cũng tím.

- Sắp tối rồi, cơm nước đã nấu chưa mà còn chơi mãi thế này? – Có tiếng quát, giọng ồ ồ. Tiếng anh Hy. Anh vừa nói vừa đi vào trong sân, tay kéo chiếc xe bò không. Trên xe tuột xuống một vũng cát. Quần áo anh đỏ lèm những bụi gạch. Da mặt anh tái xanh, phờ phạc. Bà Đôi đi đằng sau Hy tay cầm một cuộn thừng và cái đê vai.

Vọng rũ tất cả mọi thứ chơi, chỉ vơ lấy những đồng tiền của mình, chạy bổ về nhà. Cửa nhà, cổng ngõ mở toang. Trống ngực Vọng đập thình thịch. “Đứa nào vào nhà mình thế? Trời ơi không biết nó có lấy mất cái ống của tôi hay không?”. Trong nhà, Vọng không sợ mất cái gì ngoài cái ống. Đó là một cái ống tre ngà vàng ươm, hai đầu có mấu, ở giữa có rạch một nhát dao, mẹ mua cho mỗi đứa một ống từ tết năm nào để bỏ tiền mừng tuổi. Ân đã chẻ ra làm chuyền chỉ còn Vọng là giữ được. Có xu nào, hào nào ki cóp dành dụm được, Vọng bỏ cả vào trong ống. Cạnh bếp có cái buồng con, bé tí thấp lè tè mẹ dùng để đựng mùn cưa, củi vụn và quang thúng, đồ vặt vãnh. Tít phía trong, Vọng treo cái ống của mình rồi trùm một mảnh bao tải rách ra ngoài. Vọng vẫn nghĩ đó là chỗ kín đáo nhất nhà, nhưng bây giờ khi cửa mở thì Vọng lại thấy chỗ đó ai cũng có thể nhìn thấy ngay khi bước vào nhà. Vì vậy cho nên nó chạy thẳng từ ngoài cửa vào chỗ cái ống. Bàn tay nó sờ cái ống, nó nắn cái ống và rồi nó giốc túi bỏ vào trong đó những đồng xu. Nét mặt nó tươi lên khi nghe tiếng tiền rơi, kêu giòn trong ống. Nó cười, mặt lấm lem những bồ hóng và mạng nhện, chạy ra ngoài.

- Mày nghịch gì trong đó thế? Bao diêm đâu, nhóm bếp lên! – Tiếng chị gắt ở góc nhà, trong bóng tối nhập nhoạng, Vọng nhìn thấy chị đang run rẩy.

- Chị ơi, chị làm sao thế? – Vọng chạy tới, hỏi.

- Tao rét! Ướt hết cả! Nhóm bếp lên đi.

Chiều nay, chị đi hái rau muống thuê ở ao Chưởng Bạ ngõ trong. Nhà Chưởng Bạ có hàng chục cái hồ. Hồ thả rau, hồ nuôi cá, hồ thả sen. Lão Chưởng Bạ là em lão Cai Thực. Nhà Chưởng Bạ cứ nửa năm lại có một lứa cá, bảy ngày có một lứa rau. Những người bán rau rong thường đến hồ mua buôn rau của nhà mụ ta, xếp quang gánh đứng quanh hồ chờ. Bà ta cầm cái sào dài đi quanh từ hồ nọ đến hồ kia trông những người hái rau thuê. Những người hái rau ngồi trên thuyền. Mỗi người một thuyền. Cái thuyền nhỏ cong và vênh lên bơi ràn rạt trên những bè rau. Người hái rau đeo vào ngón tay cái một cái vỏ ốc nhồi, ngắt thoăn thoắt. Những ngọn rau gẫy giòn tanh tách. Hái một lúc người nào người nấy hai tay đầy những rau, lấy cái lạt tre bó lại rồi ném vào giữa thuyền.

Chị Hạnh có chân hái rau thuê cho nhà Chưởng Bạ từ lâu. Chị hái nhanh, bó đẹp. Người mua thích những mớ rau chị hái. Chỉ có nhà Chưởng Bạ là không thích. Bà ta nhăn nhó khi thấy chị xếp những mớ rau ở dưới thuyền lên.

- Cô bó mớ rau dầy như thế này thì nhà tôi sạt nghiệp mất thôi! Phải tãi mỏng nó ra chứ? – Bà ta nói.

Nhưng chị Hạnh không làm theo lời bà ta. Bà ta kêu rên trách móc, nhưng vẫn thích thuê chị hái rau. Chị hái nhanh, gọn. Thuyền của chị lướt qua chỗ nào là chỗ ấy cuống rau cứ đều tăm tắp như cầm dao mà cắt. Chị lại không có tính tham. Người khác hái ít, nói nhiều. Cứ vắng mặt chủ thì ném rau lên bờ cho con mang về hoặc là giấu vào bụi cây, bụi cỏ. Chị Hạnh tịnh không. Hái rau xong, chị chìa tiền ra, bảo:

- Bà bán cho cháu mấy mớ đem về ăn.

Vậy nên cái hồ nào chị hái rau thì mụ Chưởng Bạ không phải đứng quanh trông, mụ cứ yên trí ở những chỗ khác. Còn như mớ rau có hơi đẫy đà một chút thì mụ xếp lên trên làm hàng. Người mua cầm mớ rau to đẹp ai cũng thích. Thế là bán được giá! Thế là chả đi đâu mà thiệt. Và, vì thế mụ Chưởng Bạ rất thích thuê chị Hạnh hái rau. Nhưng chị Hạnh lại không thích hái rau thuê. Không hái rau thuê thì làm gì để đỡ mẹ nuôi các em? Công việc nhàn nhã thì không ai thuê chị mà buôn bán thì chị lại vụng về mà mẹ cũng không muốn vì sợ chị bị trêu ghẹo. Chị xinh đẹp, cứ ra đến ngõ là có đứa bám theo, có đứa nói lời nhảm nhí.

- Thôi, con cứ ở nhà, ăn đói, mặc rách cũng còn hơn sa vào tay chúng nó.

Mẹ nói như thế nhưng Hạnh làm sao có thể ở yên trong nhà khi mẹ vất vả đầu hôm sớm mai và cảnh nhà luôn luôn đói rách? Thế là ai thuê cái gì chị làm cái đó. Đi hái rau cả buổi cúi còng lưng, chân tay thâm sì, những ngón tay mỏi nhừ như muốn rụng, suốt ngày ngâm nước mà chiều về cũng chỉ được mấy mớ rau xách theo. Có mấy mớ rau cũng còn hơn không. Mấy mớ rau cũng còn cõng được một bữa cơm, ngồi nhà ai cho?

- Làm sao chị bị ướt thế? – Vọng hỏi và nhìn mấy mớ rau vứt dưới đất, ngọn rau nào cũng dính đầy bèo.

- Tao ngã! Châm lửa nhanh lên, rét quá! – Chị Hạnh nói.

Vọng chạy lên nhà tìm bao diêm. Bao diêm chỉ còn hai que, ẩm xìu. Mẹ vẫn dặn lúc nào cũng phải bỏ diêm vào túi áo cho có hơi người ấm dễ đánh. Nhưng chỉ lúc nào cần đến lửa mới nhớ lời mẹ dặn.

- Xoẹt! Xòe! – Que diêm bùng lên một tí lửa đỏ rồi tắt lụi.

- Xoẹt! – Lại tắt nữa.

Mắt Vọng hoa lên. Vọng vứt bao diêm xuống đất cầm đèn sang hàng xóm xin lửa.

Bà Đôi đi làm vừa về không biết đun nấu từ lúc nào mà bếp đầy những than hồng. Chắc bà đốt than hoa. Chỉ thấy than chứ không thấy củi. Thuấn đang ngồi trước bếp cầm một cái xiên dài xâu đầy những miếng thịt lợn to bằng bàn tay để sát những cục than, lăn qua lăn lại. Nước mỡ chảy xuống than kêu sèo sèo. Mùi thơm điếc mũi. Vọng nuốt nước bọt, nhặt cái que châm lửa vào đèn. Bà Đôi đang nhặt rau diếp ở ngoài sân. Rau diếp và các thứ rau thơm đầy một rổ. Mùi thơm nhẹ nhàng.

- Mẹ làm nhanh lên chứ? Tôi sắp phải đi rồi đây! – Thuấn ngừng tay nướng thịt quay nhìn mẹ nói như gắt.

- Thì mẹ đang nhặt nhanh đây, cứ chín thịt là xong rau ngay thôi mà! – Bà Đôi cóm róm nói.

Bà Đôi đi đẩy xe bò về cùng với anh Hy, tay bà chỉ cầm có cuộn dây sao lại có thịt và rau nhiều thế? Ngon thế? Chắc là của anh Thuấn mua trên phố mang về. Chẳng ai biết Thuấn đi làm gì nhưng ai cũng biết Thuấn có nhiều tiền. Quần áo Thuấn mặc toàn các thứ hàng đẹp, tốt, hàng ngoại. Hàng ngày, Thuấn đem quần áo bẩn lên phố thuê giặt là. Đi đến đâu người Thuấn tỏa mùi thơm lừng, trông cứ như ông chủ. Còn bà Đôi là vú em. Bà lao động suốt ngày, người lúc nào cũng đầm đìa mồ hôi. Quần áo bà vá víu, mốc mác, bàn tay bà chai sạn. Chân đất, đầu trần lam lũ, bà đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về người đầy mùi bụi, mùi bùn. Bà làm lụng vất vả chỉ để nuôi một mình Thuấn, ngoài Thuấn ra bà chẳng có gì. Còn Thuấn thì muốn gì có nấy. Cả ngõ này không ai biết bố Thuấn là người như thế nào. Chỉ biết một ngày đã xa xôi, bà Đôi tay dắt thằng bé con, tay xách cái túi vải to và cái lồng chim đi từ đâu đến ngõ này, ở nhờ dưới một mái hiên qua đêm và sau đó đóng cột dựng lên một túp lều nhỏ ở gần hồ rác – bãi đất hoang. Cái lều nhỏ đến mức chỉ mình thằng bé đứng thẳng mà vào được thôi, còn bà Đôi thì phải cúi lom khom gần như bò mới vào được nhà.

- Ở thế này bệnh tật ốm chết đấy, bà ạ, ở đây có ám khí. – Những người chung quanh thấy thương tình, nói như vậy.

- Hoàn cảnh tôi một tay thì đầy hai tay thì vơi, tiền ăn chẳng có lấy tiền đâu mà mua nhà, mua đất? – Bà Đôi nói và nước mắt chảy dài xuống áo.

Gần tết năm ấy, trong không khí nhộn nhịp đón xuân, lều nhà bà Đôi bị một cơn gió kéo đổ ụp. Hai mẹ con bà với những thúng mủng và quần áo rách phơi ra dưới trời mưa bụi. Bà Đôi lại dắt con đến ngồi nhờ dưới mái hiên một nhà trong ngõ: Mọi người cảm thấy băn khoăn khi những ngày tết đến gần. Và rồi, người ta gom nhau lại, mỗi người cho một tí và đúng giao thừa năm ấy bà Đôi trải chiếc chiếu vá xuống nền nhà đất và cắm nén hương vào bát gạo, lễ giao thừa.

Từ đấy, bà Đôi có nhà và thằng Thuấn được mẹ cho đi học. Nhưng Thuấn không thích lớp học bằng bãi rác. Suốt ngày nó bới trong đống rác khổng lồ đó để tìm ra những thứ nó cần thiết. Bà Đôi đi làm từ sáng đến tối mới về và đêm xuống nước mắt bà lại chảy khi đứa con ngày một hư hỏng. Bà nói xẵng rồi nói ngọt, bà khuyên nhủ, bà van xin. Nhưng bà bất lực.

- Đi đâu mà lâu thế? – Chị Hạnh nói và cầm lấy cái đèn nhóm bếp. Còn toàn củi vụn. Ngọn lửa leo lên những đầu mẩu rất khó khăn.

- Vào nhà đem cái mê rổ ra đây! – Chị Hạnh bảo.

Vọng chạy vội vào trong chái bếp lần mò tìm ra cái mê rổ.

- Nhà còn nước mắm không?

- Hết rồi, chị ạ!

- Sang bà Ba mua mấy hào rồi về mẹ giả tiền.

- Hôm qua đã mua năm hào bảo hôm nay giả, hôm nay lại mua nữa thì ai người ta bán. – Vọng phụng phịu.

- Thì thôi, chấm muối vậy.

Chấm muối là chuyện thường ở trong nhà này. Một nắm muối đổ vào bát, cho muôi nước rau luộc vào, khoắng tan ra, hòa với ít ớt bột, ngon chán. Vọng bốc nắm muối trong lu bỏ vào bát. Chị Hạnh bắc nồi rau luộc ra, múc nước hòa vào muối. Hy đã về, mệt mỏi ngồi thừ trên bậc cửa nhìn ngọn lửa liếm trên đít nồi cơm:

- Cơm chín chưa? Đói quá!

Ân cũng nhăn nhó. Nó mở nồi cơm bốc ra một miếng cho vào mồm rồi kêu lên:

- Chín rồi!

Mùi cơm chín thơm ngọt. Cả bốn cái bụng đều rỗng đói sót lên như có bao nhiêu con vật nhỏ li ti chạy ở trong đó, chúng chạy từ trên xuống dưới rồi lại chạy từ dưới lên trên mồm kêu róc róc.

Vọng dọn bát. Ân khệ nệ bê nồi cơm lên nhà đặt cạnh cái mâm gỗ. Chị Hạnh lấy đũa vớt rau ra rá. Anh Hy lấy thêm một đĩa muối. Ân thò tay nhón một hạt muối để vào đầu lưỡi. Có bóng người đi vào cửa. Ân ngoảnh ra và kêu lên:

- A! Mẹ đã về!

- Mẹ đã về! A! A!

Vọng cũng chạy ra và reo lên theo em nhưng nó vội dừng ngay lại. Nét mặt u ám của mẹ làm niềm vui trong lòng nó xẹp xuống như có nước đổ lên bếp lửa. Cúi đầu, nó lặng lẽ đi vào. Còn Ân thì chưa hiểu gì, cứ thế sà vào người mẹ, nắm lấy áo, nắm thắt lưng, giật chỗ này một cái, kéo chỗ kia một cái rồi nắm túi và lục mấy cái mẹt.

- Không có gì đâu, buôn bán thế này thì tiền đâu mà mua quà! – Mẹ gắt.

Ân xịu mặt, đi xuống bếp.

- Chưa ăn cơm à? Sao thắp lắm đèn thế? – Mẹ đi vào bếp vừa đi vừa nói. Mẹ đi qua chỗ Vọng đứng: Vọng ngửi thấy ở người mẹ bốc ra đủ mọi thứ mùi – những thứ mùi chỉ có mẹ mới có mỗi khi đi chợ về mùi những quả dưa mát nhẹ, mùi chuối tiêu thơm thơm, mùi hành và mùi bụi nồng nồng.

- Mẹ đã về! – Anh Hy chào rồi múc gáo nước đưa cho mẹ.

Mâm cơm đã dọn xong, mọi người quây lại. Dưới ánh đèn dầu đỏ đọc chỉ thấy một màu xanh: một đĩa rau luộc to ngồn ngộn, bát nước muối pha bằng nước luộc rau cũng xanh, chỉ có nồi cơm độn nhiều ngô là vàng khè. Chỗ nào cũng bốc hơi. Chẳng ai nói một lời, cũng chẳng cần mời chào gì. Chắc mẹ cũng đói lắm, mẹ rửa mặt mũi qua quýt rồi sà vào ăn ngay.

- Suỵt soạt! – Đói! Nóng! Chỉ một lúc là hết bát cơm. Và chỉ một lúc là hết mâm cơm.

Hy đứng dậy. Mẹ cũng đứng dậy. Vọng cũng đứng lên. Trên cái chõng trơ lại những bát đĩa, nồi trống rỗng. Chà! Ngon! Ân húp thêm một bát nước rau to tướng rồi mới đứng lên và vươn vai.

Cái đài trong nhà Tường xây mở to, gió đưa đến tận đây. Văng vẳng điệu cò lả. Nghe lướt thướt, nghe êm êm. Vọng đứng im, lắng nghe, nó bỗng thấy người nhẹ hẳn và buồn ngủ. Hình như đài mở từ lâu nhưng mãi đến bây giờ nó mới nghe thấy. Ban nãy đói, nó chỉ nghe thấy tiếng bụng kêu chứ chẳng nghe thấy gì cả.

Trong nhà, mẹ đang buộc túm quang gánh lại với nhau, đem treo dưới chái bếp.

- Mai mẹ nghỉ chợ à? – Vọng hỏi.

- Ừ, rửa bát đi con!

Vọng ngồi xuống rửa bát, lo lắng. Ngày mai mẹ không đi chợ nữa thì mẹ sẽ làm gì? Từ ngày lớn lên đã bao nhiêu lần Vọng thấy mẹ xếp quang gánh. Sau mỗi lần như vậy, trong nhà lại có những biến đổi. Rồi sẽ ra sao? Mai mẹ sẽ làm gì? Ngày mai lấy gì mà sống?

- Vọng ơi. – Tiếng mẹ gọi kéo dài.

- Dạ! – Vọng thưa rồi vội vã quét sân, chạy lên nhà.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3