Ngõ Cây Bàng - Chương 02 - phần 2

Vọng chưa châm thêm được ngọn đèn thì anh San đã vào đến trong sân. Anh ta bước đi bập bỗng, bước đi, bước nhảy cứ như vì nền nhà mấp mô mà anh ta phải đi như thế. Mùi thuốc lá Cô-táp thơm lừng. Cả mùi nước hoa, mùi dầu chải tóc, mùi hồ trên quần áo trắng lốp cứng sột soạt. Vọng thấy mũi mình như bị tắc.

- Làm sao mà tối om thế này? Anh ta vừa đi vừa nói.

- Mẹ tôi chưa về chợ đâu, ai hỏi gì chờ một lúc nữa ạ! - Chị Hạnh bốc mùn cưa ném vào trong bếp, nói vọng ra ngoài.

- Anh hỏi em cơ mà! Không nhận ra tiếng anh gọi à? Hạnh ơi, ra đây anh hỏi cái này. – San vừa nói vừa cười. Đôi môi mỏng và ướt loang loáng cười để lộ ra hàm răng nhấp nhô. Giữa bóng tối và những đồ đạc cũ kĩ trong nhà, người San thẳng đuột và trắng toát như một cái cột mới quét vôi. Mái tóc chải bồng lên như cái mào gà.

- Mời anh lên nhà ngồi chơi. - Chị Hạnh nói.

- Ngồi cả ngày mỏi lưng lắm rồi, đứng một tý rồi anh đi thôi. Nếu Hạnh có rỗi thì đi chơi với anh một lúc.

- Không được rỗi đâu, anh ạ, cơm nước chưa nấu, mẹ thì đi chợ chưa về! - Chị Hạnh đáp và vẫn ngồi nguyên bên bếp lửa. Lửa lém ra ngoài những chân kiềng chờn vờn trên khắp người chị.

- Để trẻ con chúng nó làm! Lên phố ăn hiệu với anh.

- Thôi ạ!

- Bảo cái Vọng lên trên nhà, anh có chuyện riêng muốn nói với em. – San nói và đến đứng sát bên Hạnh.

- Nó nghe cũng được, có chuyện gì anh cứ nói.

- Chuyện về thằng Hy. Năm nay nó bao nhiêu tuổi rồi, em nhỉ?

- Mười lăm, mười sáu gì đó…

- Nó dại dột quá đi đánh đàn đánh đúm với bọn trẻ hư, rủ nhau trưa nay đến hôi cá ở khúc ao nhà anh. Chẳng biết thế nào mà lại gây sự đánh thằng Đôn bị thương khá nặng. Phiền phức quá!

- Có lẽ anh nhầm với đứa nào chứ thằng em tôi đi học rồi đi làm từ sáng đến bây giờ chưa về, có nhà đâu mà đi hôi cá với đánh nhau?

- Em dối anh làm gì? Anh coi nó cũng như thằng Đôn nhà anh thôi. Dù thế nào thì cũng xẩy ra rồi. Ông bố anh cứ gầm rít lên nhưng anh bảo cứ để yên anh lo liệu. Ông bố anh tức giận lây sang cả anh. Bố anh bảo: “Anh lại bênh thằng em vợ anh chứ gì?”. Thế có oan cho anh không? Thật ra anh cũng bênh thằng Hy thật! Nếu không phải là Hy mà là đứa khác thì chết với anh rồi! Anh không sợ khi đứng ra bênh vực một người nào. Anh chỉ sợ vì sự che chở của anh mà làm cho người đó trở nên hư hỏng.

- Anh bảo như thế nào là hư hỏng? Nếu như có chuyện đánh nhau thật thì cũng chưa thể biết là tại như ở ai. - Chị Hạnh nói, giọng hơi có vẻ khó chịu.

- Anh thấy nếu đây chỉ là chuyện trẻ con trêu chọc nhau thì cũng bình thường thôi, chỉ sợ có những dụng ý nguy hiểm ở trong đó!

- Dụng ý nguy hiểm là thế nào cơ ạ? - Chị Hạnh nhìn thẳng vào mặt San.

- Dụng ý nguy hiểm là dụng ý xấu, dụng ý làm chính trị, theo bọn phản động, có tính chất phá hoại, phá rối an ninh! Anh tưởng em cũng hiểu thời buổi một chút chứ?

- Anh bảo hiểu thời buổi là hiểu như thế nào kia ạ? - Chị Hạnh lại hỏi.

Khi chị Hạnh nói chuyện mà toàn nêu câu hỏi và giọng thì chôi chối, Vọng biết là chị đang khó chịu lắm. Nhưng San thì không biết. San châm thuốc lá hút và ngậm hơi lại trong miệng rồi ngửa mặt, tròn miệng lại phun lên trời những hình số 8 ngoằn ngoèo.

- Thời buổi chiến tranh mà! Em ngây thơi quá! – San nói và dậm chân đuổi muỗi. Đôi dép da trắng quai đánh bột trông cứ như làm bằng giấy - Chắc em chẳng bao giờ sốt ruột khi nghe thấy tiếng súng nổ ran ngoài mặt trận. Còn anh, ăn chẳng ngon, ngủ chẳng yên, lúc nào cũng nghe tiếng giục giã lên đường. Bọn bạn anh chúng đã đi vãn cả. Thằng không quân, thằng hải quân, thằng bộ binh… Có “Bắc” (+) như anh đăng lính một cái là được đi Thủ Đức học lớ sĩ quan ngay! Thôi, anh về vậy nhé! Này, lúc nào Hy về bảo nó sang gặp anh ngay nhé? Anh có chuyện muốn nói riêng với nó.

- Chắc nó chả dám đánh cậu Đôn bên nhà đâu, nhờ anh nói lại với ông nhà như thế, còn khi nào mẹ tôi về tôi sẽ mách mẹ tôi, có thế nào sẽ thưa chuyện với anh sau!

- Không phải chuyện trẻ con ấy đâu! Mà chuyện khác, quan trọng hơn nhiều, cô em ngu ngốc và xinh đẹp của anh ạ! – San nói và giơ tay búng vào má chị Hạnh một cái rồi quay ra ngoài.

Chị Hạnh giơ tay đập vào tay San rồi vùng đứng dậy ra sân tìm khăn lau mặt.

- Dọn cơm ăn thôi, Vọng! - Chị gọi. Vọng chạy từ ngoài cửa chạy vào trong nhà. Tiếng bát đũa khuâ vang.

Cơm xong thì mẹ về. Gánh hàng trên vai còn nặng. Cái đòn gánh ỏe xuống. Nét mặt mẹ ỉu xìu. Mẹ đi, chân lết trên đất. Mẹ lẳng lặng bước vào nhà đặt phịch gánh hàng xuống rồi vừa cúi gột bùn trên ống quần vừa hỏi:

- Nấu cơm chưa, các con?

- Chúng con ăn cả rồi, mẹ ạ!

- Tưởng chưa thì ăn cháo vậy, còn nhiều cháo quá!

Nhà vẫn thường ăn cháo trừ cơm như thế. Cũng có hôm ăn bún, cũng có hôm ăn bánh đúc, bánh cuốn. Nhưng hôm nay thì muộn rồi, bụng ba chị em đều căng tròn.

- Thằng Hy đâu? - Mẹ hỏi và nhìn quanh.

________________________________

(+) Tú tài cũ ngang cấp III bây giờ.

- Nó đi sang nhà bạn học bài ạ - Chị Hạnh đưa mắt nhìn Vọng và Ân. Chị sợ mẹ biết, mẹ buồn khổ. Mẹ vất vả suốt ngày, má hóp lại, mắt sâu quầng.

- Bây giờ thì làm thế nào? - Chị Hạnh nhấc cái thúng đựng nồi chào ra khỏi quang gánh.

Mẹ lẳng lặng bưng nồi cháo sang bên hàng xóm. Tiếng máy khâu khô dầu đang kêu nặng nề chợt ngừng lại. Tiếng anh Bình:

- Bác cứ để đấy cho con!

Nhà anh Bình đông nhưng người. Người lớn, trẻ con, cả mấy đứa con trai nhà anh Phẩm “gác ghi” đứng ngồi lố nhố chung quanh ngọn đèn ba giây treo trên đầu cái máy khâu. Buổi tối, cơm nước xong bà con trong ngõ thường kéo đến đây. Người thì đến để nhờ anh Bình khâu vá cho cái gì đấy, người thì đến để xem anh máy may, người đến để nhìn ngắm và sờ mó những miếng vải đẹp đến thích mắt thích tay. Trẻ con thì say mê những mảnh vải vụn, cũng có người đến để xin một khúc chỉ hoặc một cái khuy bị mất chưa mua được. Nhưng hơn tất cả những thứ đó họ đến để nghe thông báo tin tức trong ngày với nhau. Nhà anh Bình có mấy thứ báo, mọi người tha hồ truyền tay nhau đọc và bàn luận đủ thứ anh chẳng hề kêu ca, công việc của anh cũng chẳng vì thế mà bị ngừng trệ, bởi lẽ anh không tham gia chuyện với mọi người ai nói cứ nói, máy khâu của anh vẫn chạy đều hoặc kéo của anh vẫn tí tách. Mới nhìn tưởng như anh để ngoài tai tất cả nhưng thường bỗng nhiên anh nhảy bổ vào câu chuyện với những lời nhận xét bình phẩm sắc sảo chứng tỏ rằng anh chẳng bỏ sót một câu nói nào của những người chung quanh. Khuôn mặt tròn, cái cằm hơi bạnh, màu da ám khói, anh thường ngồi xổm trên phản gỗ cầm kéo cắt tăm tắp rồi ngồi vào máy tay căng, tay đẩy, chân đạp, mắt nhìn vào mũi kim nhưng anh vẫn biết ai vào nhà mình. Chị Ba, vợ anh là một người gầy gò ốm yếu, có đôi mắt đen. Chị ít nói nhưng hay cười. Chị cười thay cho lời nói. Chị làm việc suốt ngày, đến tối chị lại ngồi vào một góc lặng lẽ đơm khuy, thùa khuyết. Chị rất thích chơi với bọn trẻ con, cứ có mảnh vải hoa nào đẹp là chị lại cất đi để dành cho chúng. Tết năm ngoái chị cho mỗi đứa con gái trong xóm một cái gối nhỏ khâu bằng vải vụn. Các bà mẹ trong xóm bảo:

- Đứa nào rơi vào cửa nhà ấy thì sung sướng phải biết!

Nhưng chẳng có đứa nào rơi vào cửa nhà chị. Người ta bảo trước đây vợ chồng chị cũng có một đứa con trai nhỏ nhưng bị chết vì đạn lạc trong một trận càn ngày tản cư. Chị thương khóc con đến nỗi cái mang trong bụng đã đến tháng thứ ba cũng bị hỏng. Từ đó, chị cứ ốm liên miên. Nhiều người khuyên chị đi cúng lễ và chữa chạy các bệnh viên để cho có con nhưng chị chỉ lắc đầu, buồn bã trả lời:

- Thời buổi bom đạn thế này có đẻ ra chắc gì nuôi được, đến người lớn còn chẳng biết sống chết như thế nào nữa là trẻ con!

Lần khác, chị lại trả lời:

- Bao giờ độc lập tôi sẽ đẻ hẳn bốn đứa con, hai trai, hai gái, nuôi luôn một thể!

Tối nay, ở đây còn có chị Liêm “La ghim” cũng có mặt. Hai má chị lúc nào cũng đỏ hồng như đang ngồi trước bếp lửa. Chị ở với bà cô ruột, hàng ngày bán rau ngoài chợ Khâm Thiên. Chị ngồi bán trong lều, chứ không gánh đi bán rong. Chị có cái lều một mái lợp lá gồi. Chị ngồi ở giữa lều chung quanh chị là những rổ rau đủ các loại: rau muống, rau cải, rau cần, rau thơm, rau húng, hành tỏi, gừng ớt trông lúc nào cũng tươi mát, sặc sỡ và thơm tho. Đám trẻ con trong ngõ mỗi khi qua chợ thường thích đến đứng bên lều của chị xem chị bán hàng. Chị bán hàng thật là đắt khách: miệng chị vừa nói vừa cười, tay chị vừa vẩy nước vừa cầm rau đưa cho khách.

Nhiều người đàn ông theo đuổi chị, có người cứ lúc chị ra ngồi bán hàng là đến đứng nhìn, có người thì theo chị về tận nhà và nhờ người đến hỏi xin lấy chị. Nhưng chị chẳng bằng lòng ai.

- Cháu nó có chồng rồi, chồng cháu làm ở xa. – Bà cô nói đỡ lời cháu.

Mối lái qua lại mãi chẳng ăn thua gì nên họ cũng thôi đến. Ai cũng biết rằng chị chờ đợi một người nào đó nhưng không biết người đó là ai.

- Cho cháu một bát cháo với nào! – Có tiếng nói rất nhẹ và một anh thanh niên dong dỏng cao mặc quần áo xanh thợ, chạy vào nhà. Mọi người nhận ra anh Khiết. Anh Khiết năm ngoái đang học trường Y khoa bị tình nghi là có hoạt động bí mật nhà trường bắt phải thôi học. Anh về nhà mở hiệu cắt tóc ở dưới gốc cây bàng ngay trước cửa nhà Vọng. Không biết ai và từ bao giờ đặt cho anh cái biệt hiệu là “Anh Khiết cắt cua”. Bọng trẻ con trong ngõ cây bàng rất thích ngồi cắt tóc trên cái ghế của anh. Đó là một cái ghế có ngai vừa có chỗ ngồi, vừa có chỗ đỡ gáy để mặt ngửa lên cạo má, ngoáy tai. Dưới chân có bánh xe nên ghế có thể xoay tròn được. Anh cắt nhanh, đẹp và có dầu chải tóc thơm lừng. Cắt tóc hàng anh Khiết còn có cái thích là được nghe anh kể chuyện. Bọn trẻ rất thích nghe chuyện: Ông vua tai lừa, Alibaba và bốn mươi tên cướp, Chuyện cô Lọ Lem…

Bây giờ vừa nhìn thấy anh, bọn trẻ con trong nhà anh Bình đã reo lên:

- Anh kể chuyện cho chúng em nghe đi!

- Chuyện với trò gì, cho người ta ăn bát cháo đã chứ? – Bà Ngoạn gắt rồi múc cháo đưa tận tay anh. Anh cầm bát cháo húp một hơi dài rồi chép miệng:

- Chà ngon! Cháo của bác đến tận giờ mà vẫn còn nóng gớm!

Bà Ngoạn gắp một miếng đậu bỏ vào bát cho anh Khiết, chị Liêm về nhà cầm mấy củ hành sang. Chị thái hành vào bát cháo, khoắng lên rồi mới ăn. Cả hai vợ chồng anh Bình cũng ăn cháo nhưng cho đường. Tiếng suỵt soạt vang lên.

- Cho tôi mua một bát với, bà Ngoạn ơi! – Có tiếng nói và bước chân lập cập đi vào trong nhà.

- Bà Đôi đấy à? Bà mua cháo cho ai đấy? – Bà Ngoạn ngoảnh ra, hỏi.

- Mua cho thằng cu Thuấn.

- Thằng Thuấn có nhà đâu mà mua? Bà có ăn thì hẵng mua. – Anh Bình nói và nhìn bà Đôi vẻ ái ngại.

Người bé nhỏ, đôi mắt tròn lúc nào cũng ngơ ngác, bà Đôi đưa mắt nhìn mọi người và căn nhà đông vui ấm áp, nét mặt bà lộ vẻ ngạc nhiên, bà không hiểu vì sao anh Bình biết con trai bà hiện đang không có nhà.

- Tôi thấy nó đi với mấy đứa ở trên phố mặc quần áo trắng, đội mũ có tua, trông ghê lắm. Nó thiết gì đến bát cháo hoa của bà? Bà ăn đi cho khỏe. – Bà Ngoạn nói và nhìn bà Đôi với ánh mắt thương hại.

Bà Đoi chớp mắt nhìn rồi cúi nhìn xuống đất như để tìm cái gì rồi lại ngẩng lên ngay.

- Thì mua để phòng xa thế. Nó về đêm khuya ngộ nhỡ có đói bụng thì hâm lại cho nó húp vài hơi cũng mát ruột. – Bà Đôi nói rồi giơ tay đỡ bát cháo, bưng đi ra ngoài.

- Bác thấy thằng Thuấn đi với ai? – Anh Khiết “cắt cua” hỏi bà Ngoạn.

- Nó đi những năm sáu đứa, tôi chỉ nhận ra nó với thằng San còn toàn những thằng lạ. Đứa nào cũng phì phèo điếu thuốc lá.

- Bác thấy quang cảnh trên phố như thế nào? – Anh Khiết hỏi tiếp

- Rộn rạo lắm! Chẳng biết có chuyện gì mà con trai, con gái đi ngoài đường nhiều hơn mọi hôm và có vẻ vội vã tất bật lắm. Xe cộ cũng nhiều. À, có một cái xe “Dép”(1) trèo lên vỉa hè chỗ vườn hoa con cóc chẹt chết mất một em bé gái. Chẹt xong nó phóng bừa đi mặt cho người mẹ la hét.

- Quân dã man! – Anh Bình nói và vứt mạnh cái kéo xuống giường, lông mày chun lại, giận dữ.

- Giá mà tôi có sung, tôi bắn theo cho nổ cái lốp thì nó có chạy lên đằng giời! – Anh Khiết nói và để cái bát xuống chiếu.

Mọi người lặng im một lúc. Bà Ngoạn bỗng gọi:

- Vọng ơi, lấy cho mẹ cái rổ!

Vọng cầm cái rổ sang. Bà Ngoạn vừa xếp bát vào rổ vừa nói:

- Cơn mưa giông buổi chiều nay làm hại tôi, nhà chả được thêm một giọt nước nào mà hàng thì lại ế!

______________________________

(1): Xe nhà binh.

- Mình gì bác ế hàng, hàng của cháu cũng ế đấy! Bác bảo mưa gió, bụi bay mù trời ai chịu ngồi giơ đầu ra cắt tóc? – Anh Khiết “cắt cua” nói.

- Không ai cắt tóc hay anh không chịu cắt cho ai? - Chị Bình cười - Chiều nay anh đi đâu?

- Đi tìm chỗ xin việc làm. – Anh Khiết nói và giơ tay vuốt tóc – Chán cái nghề này lắm rồi!
- Thế thì muốn làm gì? Sao đang học bác sĩ lại bỏ? - Mắt chị Liêm lúng liếng nhìn Khiết. Khiết quay đi, giơ tay vuốt tóc. Anh cao gầy, mái tóc bờm xờm, khuôn mặt dài và đôi mắt cũng dài lúc nào cũng đưa đẩy hết nhìn chỗ này qua chỗ khác. Lúc này thì đôi mắt ấy đăm đăm nhìn ra ngoài cửa sổ như chờ đợi ai.

- Ơ, chị Hạnh! – Suýt nữa thì Vọng kêu lên như thế. Chị đang đứng ở ngoài cửa quay lưng vào trong nhà. Ánh sáng hắt vào cái lưng eo của chị và cái vai tròn xuôi xuống một cách nhẫn nại. Trong nhà, mọi người mải nói chuyện nên không ai biết chị đến từ lúc nào. Vọng thì biết qua ánh mắt anh Khiết cứ nhìn mãi ra ngoài cửa. Không biết rằng vì chị đến mà anh nhìn ra hay là vì cứ thấy anh nhìn mãi mà chị đến?

Chị Hạnh bê rổ bát đỡ mẹ. Anh Khiết nhìn chị lâu lâu. Có một cái bát ai để trên bàn chị Hạnh chưa kịp cầm đem đi, anh Khiết cầm ngay lấy và đi theo chị, bỏ lại đằng sau lưng cái lườm dài của chị Liêm. Ở nhà, Hy đã về và đang hí húi cất dấu cái gì dưới bếp.

- Tầm quất! - Một tiếng rao gọn như tiếng roi quất ở ngoài đường.

- Ai phở? Phởơơơ…ơơ - Một tiếng rao khác kéo dài.

Vọng nhìn ra ngoài. Cái ngõ trông giống như một cái ống to và dài, tối om. Một đầu ống hở màu đêm xanh biếc lốm đốm sao. Phía dưới, trong lòng ống lung linh một vài đốm sáng lập lòe của những gánh hàng đêm.

Ông hàng phwor đã đi qua. Cả ông tầm quất nữa. Họ đi về phía nhà ga đón tàu đêm trên ngược về. Như vậy là đêm đã khuya rồi. Vọng trèo lên giường nằm xuống bên cạnh cái Ân đã ngủ say, đầu ngoẹo sang một bên, tiếng thở phì phò.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3