Ngõ Cây Bàng - Chương 04

VỌNG ôm chặt cặp sách vào ngực, bỏ lọ mực tím vào trong túi áo, đứng lùi lùi lại phía sau.

- Thày ạ! Thày ạ!

Tiếng học trò nhao nhao ở phía trước. Vọng nhìn thấy cái Hồng, cái Liên, cái Kẹo đang ngửa mặt lên chào. Người chúng chào là ông Cai Thực – thày hiệu trưởng. Ông ta đứng ở ngay giữa hai cái cột tròn trước cổng, người hơi thụt vào phía sau để ló ra phía trước cái chỏm mũ bằng len chụp xuống giữa trán, hở ra một nửa đôi mắt to và sâu tối đen giữa hàng lông mày rậm và xếch. Ông ta mặc chiếc áo pa-đờ-xuy bằng ka-ki màu vàng dài đến đầu gối. Hai vạt áo có hai cái túi chéo to bằng quyển sách. Một tay ông thò vào túi, một tay ông cầm cái ba-toong chống xuống đất.

Đám học trò lần lượt xếp hàng một đi vào cổng. Sau mỗi tiếng chào, ông Cai Thực lại giơ tay ra. Đứa nào cũng cầm sẵn tiền trên tay. Khi ông vừa giơ tay ra thì đứa học trò vội vã đặt tiền vào đó. Ông ta nhìn thoáng qua rồi bỏ vào túi. Xong, ông lại giơ tay ra.

- Hừưưm – Một tiếng hừm rất to khi bàn tay ông Cai Thực chìa ra trước mặt đứa học sinh lại không có gì đặt vào lòng bàn tay to dầy, những ngón tròn hồng rực ấy cái gì cả.

- Thưa thày, bố con bảo, hôm nay, bố con chưa có… Thày cho bố con khất đến…

- Khất! Khất đến bao giờ? Ai là chủ nợ mà mày khất? Về nhà lấy rồi hẵng đến học!

Đứa trẻ không có tiền, ấp úng nói mấy câu rồi đứng rạt ra một bên cho đứa bạn phía sau bước lên. Bàn tay to béo của lão Cai Thực lại giơ ra vừa như bảo đứa bé này đưa tiền vừa như bảo đứa bé kia “về nhà đi”.

Nhưng đứa bé kia vẫn cứ đứng nguyên chỗ cũ. Khi đứa đứng sau nó đang đặt tiền vào tay ông Cai Thực thì nó lách người đi vào.

- Này! – Ông Cai Thực cho vội những đồng tiền vào trong túi rồi cầm cái ba-toong giơ lên. Đứa bé rụt cổ lại. Cái ba-toong quay một nửa vòng tròn chỉ vào cái bảng đen to có ba chân chống dựng ngay ở trước cổng ra vào trong nhà Tường Xây.

Trên bảng viết:

Kể từ ngày 1 tháng 9 năm 1953, học phí của trường tiểu học tư thục Vinh Quang như sau:

Lớp nhất 58 đồng. Lớp nhì 47 đồng. Lớp ba 40 đồng. Lớp tư 35 đồng. Lớp năm 30 đồng. Học sinh đi học phải đóng học phí từ ngày 1 đến ngày mùng 3. Đến ngày mùng 5 ai chưa đóng học phí coi như đã thôi học.

Hiệu trưởng trường Vinh Quang.

Nguyễn Đại Thực

Thằng bé học trò ngẩng lên đọc rồi từ từ cắp cặp quay trở ra.

Nó tên là Phi, con lớn của chị Phẩm “gác ghi”.

“Hôm nay mình cũng chưa có tiền đóng.” Vọng nghĩ và từ từ tách khỏi hàng người, chạy vội về nhà.

- Chị Hạnh ơi, tiền học tăng lên gấp rưỡi rồi!

- Tăng cao thế cơ à? Sao em lại về?

- Ai chưa có tiền thì không được vào học. Con nhà bác Phẩm cũng phải về rồi!

- Ông ấy làm gì mà ghê thế? – Chị Hạnh nói rồi thở dài, cúi xuống. Một rổ quần áo rách để trước mặt chị. Chị vá, mạng, cắt chỗ nọ can vào chỗ kia. Trong một góc, cái trán giô của anh Hy đang cúi xuống chồng sách. Hình như anh đang viết một cái gì phải giấu giếm. Anh không ngồi quay lưng vào vách như mọi khi mà ngồi tựa lưng vào tường, quay mặt ra ngoài. Tờ giấy anh viết để trong quyển sách, mỗi khi thấy Vọng hoặc chị Hạnh nhìn Hy lại giả vờ kéo quyển sách che lên.

Những hồ ao, ruộng rau muống mênh mông và xanh um của nhà Chưởng Bạ đã quang. Tất cả các ngọn rau đã hái hết. Phải còn lâu rau mới lại mọc lên thành ngọn, thành lứa mới. Hai bàn tay chị Hạnh đen sỉn những nhựa rau. Gần mười ngày đi hái rau, lưng chị Hạnh như còng đi mà tiền công đem về cho mẹ chỉ đủ đong được mấy bơ bò gạo. Gạo trộn với ngô cả nhà ăn được độ ba ngày, không kể rau dưa, mắm muối, củi lửa… Tất cả trông vào mình mẹ, tất cả chờ mẹ về. Và, bây giờ thì mẹ đã về! Trời nhập nhoạng tối.

- Mẹ ơi, ông Cai Thực không cho học trò vào học vì chưa có tiền đóng học phí, mẹ ạ. Mai mẹ cho con tiền đóng, mẹ nhé! – Vừa nhìn thấy mẹ về, Vọng vội vã lao ra, hớt hải nói. Chợt Vọng sững người. Mặt mẹ cứ như một quả nẫu. Những nếp nhăn trên trán, trên má, trên hai khóe mắt không biết từ đâu hiện ra nhiều thế. Gánh quả chẳng vơi đi là mấy. Mẹ bảo chị hạnh, giọng rầu rầu:

- Chỗ đông người bán được thì nó cấm, chỗ vắng thì chẳng ai mua.

Mẹ xếp dọn quang gánh, bẻ những cành lá ủ lên từng quả, nét mặt mẹ thẫn thờ, mệt mỏi;

Bữa cơm qua thật buồn rầu, lặng lẽ. Cơm xong, mẹ bảo Vọng:

- Bữa nay mẹ đi chợ gặp ông cụ Vàng. Nghe mẹ nói chuyện buôn bán, ông cụ bảo cho con sang học bên đó.

- Học gì cơ, hả mẹ? – Vọng hồi hộp.

Học se hương. – Mẹ thở dài. – Thời buổi khó khăn quá, các con cố giúp mẹ, mỗi đứa một tay, chứ mình mẹ thế này thì đổ mất.

Đầu óc Vọng như có chong chóng quay. Như thế là từ nay mẹ không cho con đi học nữa, mẹ có biết rằng hôm nay con đã bỏ học rồi không? Chắc rằng mẹ không biết. Chắc rằng mẹ đã quên mất là con còn đang đi học. – học lớp ba trường ông Cai Thực! Lúc khác, Vọng sẽ nhắc nhưng lúc này, ôi lúc này… Cái chính là phải có cái ăn đã, phải sống… Vọng nghĩ và giơ tay quệt dòng nước mắt vừa chảy.

Nhà ông cụ Vàng ở cách nhà Vọng chưa đày một trăm thước. Đó là một ngôi nhà lá năm gian rộng và thấp, mái sau to hơn mái trước. Mái trước thì hếch lên, mái sau lại cụp xuống dài gần chấm đất. Trong nhà có những cái giường gỗ to kê sát vào nhau để chừa ra những lối đi nhỏ. Nửa mái sau là chỗ làm hương. Chỗ làm hương chia làm ba khoảng: chỗ để những sọt mùn cưa đã rây nhỏ và những cái bàn thấp để ngồi se hương. Một bà cụ đang ngồi se hương ở đó. Bà ngồi quay lưng ra ngoài, đầu buộc khăn trùm kín mít chỉ để hở ra hai đôi mắt tròn to hó. Hai chân bà ruỗi dài vào trong gậm bàn. Mẹt hương để trên lòng, tay cầm bay, tay cầm tăm hương se nhanh biến. Nắm bột hương để sẵn bà đặt tăm hương vào, lăn một lúc đã thành một nén hương tròn phủ đầy bột qua thơm ngát, rồi gạt xuống mẹt. Đầy mẹt, bà đứng lên dựng hương vào tường. Quần áo bà phủ đầy những bụi.

Phía bên kia là chỗ đặt cối nén hương vòng. Ông cụ Vàng đang đứng trên cần cối – Cái cối giã gạo nhưng đầu nó lại là một cái chày ngắn và tròn. Cối là một ống sắt to bằng miệng bát, nén xuống những mẩu gỗ. Phía dưới các mẩu gỗ là bột qua. Mỗi khi cần cối nén xuống, tiếng kêu ken két rít lên một hồi thì phía dưới đáy cối chỗ có lỗ hổng như cái vòi con chảy ra một dòng hương nhỏ như sợi bún.

Từng vòng, từng vòng. Chảy một lúc là đầy cái mẹt. Ông cụ Vàng đang bắt hương. Bắt hương vòng phải thật khéo vì nó rất dễ gẫy. Một cục chì nhỏ như nắp lọ mực đặt trên mảnh ván, ông Vàng cầm sợi hương vắt vòng quanh cục chì. Cứ hết mười vòng lại ngắt. Bàn tay ông vắt nhanh thoăn thoắt. Vừa làm ông vừa nói chuyện, chẳng cần đếm mà không vòng hương nào thiếu, không vòng hương nào thừa.

Ngoài sân, cạnh cái giếng đất có mấy người đàn ông đang trộn bột. Mùi bột hương thơm nồng lên khắp nhà.

- Cháu đến làm đấy à? Vào đây, vào đây! Bà Tía dọn dẹp cho cháu nó ngồi với nào!

Ông cụ Vàng tươi cười nhìn Vọng rồi đứng lên lấy một cái bay gỗ nhỏ nhẵn thin giắt trên mái nhà xuống đưa cho nó:

- Chịu khó một tý là làm được ngay thôi, cháu ạ! Cái nghề này chẳng khó khăn gì lắm đâu, cố học đi rồi làm đỡ mẹ cháu chứ không mẹ cháu khổ quá.

Vọng cầm cái bay, lấy khăn trùm lên đầu rồi ngồi xuống bên cạnh bà Tía.

- Bắt đầu làm như thế này, cháu ạ! – Bà Tía nói rồi cầm cái bay gạt bột qua ra mặt bàn. Một tay bà cầm tăm hương để mớm vào nắm bột, bắt đầu lăn. Lăn tròn rồi ngắt.

- Phải nhẹ tay, phải đều tay mới được, cháu ạ, thế! Thế! Đúng rồi! Con bé khéo tay quá! – Bà Tía gỡ bớt vuông khăn thít dưới cổ, tròn mắt nhìn Vọng tập se hương. Vọng long ngóng, chậm chạp bắt chước từng động tác của bà Tía. Nén hương Vọng xe chỗ to, chỗ nhỏ, nham nhở, méo mó.

- Khéo quá! Ông xem con bé làm giỏi chưa kìa! – Bà Tía kêu lên.

Vọng ngượng. Nó biết là bà Tía khen thế thôi chứ mấy nén hương Vọng vừa gạt xuống xấu xí lắm! Mà Vọng làm cũng chậm chạp, khó khăn. Vọng sợ nhất là để bột hương dính xuống mặt bàn. Vì thế nên khi gạt bột qua, Vọng gạt nhiều cho khỏi dính. Nhưng mới xe được mấy nén, Vọng đã phải dừng lại để hắt hơi. Hắt hơi liên tiếp. Mặt mũi vọng nóng rừng rực, nước mắt giàn giụa.

- Không quen rồi! Khổ chưa kìa! Ấy là hôm nay se hương thường thôi đấy, chứ mai kia mà se hương trầm ngát thì không hiểu cháu tôi sẽ thế nào? – Ông cụ Vàng nói.

Vọng kéo vạt áo lau nước mắt rồi lại cầm bay se tiếp. Bà Tía se hương thật khéo. Tay bà se nhanh biến. Bụi qua bay lên trắng cả vuông khăn bà đội trên đầu mà mắt bà vẫn trong veo, vẫn nói chuyện giòn giã.

- Làm lâu nó quen đi, cháu ạ! Lâu rồi lại thấy thơm thơm. Ra đường ai trông quần áo cũng tưởng bẩn nhưng lại hóa sạch sẽ nhất trần đời! Vừa sạch, vừa thơm, ai cũng thích đến gần. Chả thế mà các cụ có câu: “Nằm đất với chị hàng hương còn hơn nằm giường với chị hàng cá.” – Bà Tía vừa nói vừa cười.

- Cháu nó còn bé, bà ví von sai toét cả! – Ông cụ Vàng càu nhàu rồi quay lưng nhìn Vọng. – Kìa, khổ chưa kìa!.. Hãy ra ngoài kia mà ngồi nghỉ một lúc đi đã vậy! Lấy khăn rửa mặt đi, cháu ạ!

Vọng đứng lên, bỏ bay, chạy ra ngoài sân, ngồi lên thành giếng. Nước mắt đầm đìa hai bên mắt, mồ hôi vã ra trên trán. Vọng nghĩ đến mẹ: “Mẹ ơi! Con đang ngồi se hương ở nhà ông cụ Vàng đây, mẹ có biết không? Từ sáng đến giờ ngồi se hương con chỉ toàn nhớ đến mẹ. Con biết là mẹ cũng chả muốn cho con đi se hương như thế này đâu. Con nhớ trường học lắm. Ngồi làm nhưng con chỉ nghe tiếng chúng nó học bài, nghe cả tiếng chúng nó reo cười lúc giờ ra chơi. Chắc cái My, cái Hồng, cái Liễu nhắc đến con nên ruột con nóng như ớt, mũi con hắt hơi là vì bột hương thơm quá đấy thôi, chứ không phải con ốm đâu. Con thương mẹ lắm! Mẹ ạ!”

Vọng vừa nghĩ vừa vớt nước trong gầu lên rửa mặt. Một lúc sau, Vọng lại vào ngồi se hương tiếp.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3