Ngõ Cây Bàng - Chương 05 - phần 1
MỘT buổi tối, chị Hạnh đi vào trong ngõ Hồ dài, sau khi anh Khiết đến một lúc. Vọng đưa mắt nhìn Ân. Mắt Ân khẽ nháy một cái. Đợi chị đi khuất, Vọng và Ân cùng đứng lên đi ra. Mẹ đang mải chọn quả trong thúng trấu không nhìn thấy. Ra khỏi cửa cả hai đứa chạy ù.
Ngõ Hồ dài ở xế cửa nhà Vọng. Đó là một cái ngõ nhỏ và dài, cuối ngõ có một khu vườn hoang rất rộng. Không biết từ bao giờ người ta đặt tên cho nó là vườn bồ kết. Tất cả là một bãi hoang, cỏ mọc cao rậm lút đầu người, cuối vườn có một cây bồ kết lớn, càng lá xòe ra che rợp cả một vùng. Khắp mình nó mọc đầy gai, những cái gai to và dài tua tủa như lông dím. Bọn trẻ con trong các ngõ thường vào đây đẽo vỏ bồ kết về nhà đun nước gội đầu, cũng có khi chúng nhặt được những quả bồ kết khô rơi xuống.
Cạnh cây bồ kết là một cái hồ dài. Nước hồ đen như mực. Trên mặt hồ nổi dềnh lên một thứ bèo tây lá to và cứng xòe ra những bông hoa tím ngắt. Bọn trẻ thỉnh thoảng lại rủ nhau vào trong hồ bắt ốc. Chúng buộc một cái rổ con vào cái sào dài, ngồi trên vệ hồ lùa cái sào xuống dưới chân những cụm bèo rồi từ từ kéo ra. Ốc nhồi bám dưới rễ bèo rơi vào trong rổ.
- Những con ốc ma đấy! - Có đứa kêu lên khi nhìn thấy những con ốc nhồi vừa to vừa đen, trên mình bám đầy rêu. Để nó nằm yên trên đất một lúc là nó lè ra những cái râu dài đen ngòm rồi lết đi như là một cục rêu có chân. Chúng đạp ốc ném cho gà ăn. Bọn trẻ con vẫn thích vào trong hồ hớt ốc vì thỉnh thoảng chúng hớt được những con ốc bươu nhỏ bằng cái hạt mít mình có vân màu vàng óng, chỉ cần bắt được vài con là chúng có bữa cỗ vui lắm rồi.
Bên cạnh hồ có một cái chùa nhỏ nằm dưới gốc cây bồ kết. Mái chùa lúc nào cũng phủ kín rêu và lá vàng, suốt ngày quanh đó thơm lừng mùi hương. Chiều chiều, từ trong đó vọng ra tiếng gõ mõ rất đều của ông từ. Ông là người ở nơi khác đến chùa này. Ông cao lớn, hiền lành, ngoài việc cuốc đất trồng rau và chăn nuôi gà lợn ông chăm nom chùa và ngày rằm mùng một ông mở cửa chùa cho bà con các nơi đến lễ. Bọn trẻ rất thích vào chùa chơi xem những pho tượng và nhặt hoa đại. Ông từ còn biết xem số tử vi. Người ta đồn và người nhiều nơi tìm đến nhờ ông xem hộ, nhưng bà Ngoạn không tin. Mãi đến khi ông Ngoạn bỏ nhà đi mất bà tìm khắp nơi không thấy, nghe mọi người khuyên bà mới chịu mua vàng hương vào trong đền cúng. Ông từ cầm bàn tay bà lên xem rồi bảo bà ra vườn hái một lá trầu không. Ông từ lật xuôi lật ngược lá trầu xem từ đường gân đến cuống lá như là ông xem bàn tay bà. Xong, ông đặt lá trầu xuống đĩa và thở dài:
- Số bà vất vả lắm. Lòng bà nhân hậu, bà chăm chỉ làm ăn nhưng ít gặp điều may. Bà giống như con thuyền nan đi giữa bão lớn. Nhưng dù vậy, con thuyền nan vẫn vượt qua được những sóng to bão lớn để đến bờ, đến bến.
- Ông xem giúp tôi bố cháu bây giờ ở đâu? Nếu còn sống được thì là cái mừng nhất, nhưng nếu chẳng may bố cháu qua đời rồi thì cũng ứng mộng về cho mẹ con tôi biết để tôi lo cho bố cháu mồ yên mả đẹp, ngày giỗ ngày tết các cháu còn biết mà cúng vái.
- Không đâu! Ông nhà chưa chết đâu! - Ông từ nói rồi nhìn thẳng vào mắt bà Ngoạn - Ông nhà bà còn phải sống để đền nợ nước trả thù nhà. Bà cứ cố gắng làm lụng nuôi các cháu nhất định sẽ có ngày ông nhà sẽ về.
- Ngày ấy còn xa hay gần, hả ông?
- Không còn xa nữa đâu, bà ạ! - Ông từ nói và nhìn bà Ngoạn với cái nhìn nhiều ý nghĩa.
Bà Ngoạn lặng lẽ ra về. Câu chuyện không có cánh mà bay mà lan ra khắp trong xóm. Nhiều người vào nhờ ông từ xem tử vi. Kể cả những người không mê tín. Những điều ông nói đem đến cho con người niềm tin vào ngày mai và thêm sức mạnh để chiến thắng những khó khăn trong cuộc sống hiện tại.
Từ đó cái ngõ Hồ dài trở nên có gì như huyền bí linh thiêng đối với bọn trẻ con. Chúng ít dám đến cạnh chùa chơi như trước, nhất là mùa thu trời ít nắng nên khu vườn càng trở nên âm u, kỳ lạ. Buổi tối, có việc gì bắt buộc lắm phải vào ngõ thì người ta thường cầm theo đèn và đi thật nhanh.
Thế mà chị Hạnh đi vào ngõ mà không mang theo đèn. Đi được một quãng, Ân quay lại Vọng bám sát theo chị, cách chừng dăm thước. Chợt Vọng nhìn thấy một đốm lửa nhỏ lập lòe như điếu thuốc ai đang hút và loáng thoáng vài bóng đen di động nhanh biến. Trí tò mò của Vọng bị kích động mạnh. Vọng không còn thấy sợ sệt như trước nữa, bám vào những bờ cúc tần, Vọng lặng lẽ theo sát chị.
Cuối cùng, tất cả biến mất vào trong chùa bồ kết. Vọng thấy mình đứng dưới gốc cây táo quen thuộc. Cây táo mọc trong chùa nhưng cành lá ra ngoài. Vọng bám lấy cành táo, đu người lên. Thoáng cái, Vọng đã ngồi trên ngọn táo. Táo đang mùa quả non, lá táo tròn thưa, gai táo nhọn. Những quả táo non chi chít trong các lá. Vọng nghe gai châm chích vào da thịt khi nó ngồi lên chỗ chạc ba, chỗ bọn con trai hay trèo lên ngồi hái táo. Chỗ này gai rụng sạch, vỏ cây trơn nhẵn. Ngồi ở đây có thể nhìn thấy mọi thứ trong sân, trong chùa. Nhưng phải là ban ngày, còn bây giờ tất cả chìm vào bóng tối. Cửa chùa đóng im ỉm. Vọng lần tìm chạc cây rồi nhảy xuống đất dò dẫm đi, lúc đứng lên nép vào tường, lúc cúi lom khom. Cuối cùng, Vọng đã đến sát bên thềm hè, nép vào sau một bụi ngâu trước cành đại. Qua kẽ hở, Vọng nhìn thấy ánh đèn chai mờ mờ tỏa ra sau pho tượng Phật. Một người mặc quần áo đen đeo súng, quay lưng ra ngoài đang nói chuyện:
- Các chiến dịch thắng to, chúng ta cần mở rộng diện hoạt động, tuyên truyền cho kháng chiến mạnh hơn nữa, ủng hộ kháng chiến thiết thực hơn nữa và làm cho đồng bào tin tưởng vào kháng chiến, thấy rõ âm mưu của kẻ địch, chống bắt lính, trừng trị bọn Việt gian bán nước. Trận đánh sân bay Bạch Mai vừa qua của chúng ta đã có tiếng vang lớn. Chiến dịch Lê Lợi, Hòa Bình làm thế đứng cho chúng ta tiếp theo những chiến dịch lớn...
Vọng nhìn thấy chị Hạnh ngồi ở một góc. Cạnh chị, Vọng còn thấy cả chị Liêm, anh Khiết, anh Phẩm, anh Bình... Những khuôn mặt vừa quen vừa lạ, tất cả làm Vọng ngạc nhiên và lo sợ, một nỗi lo sợ mà chính Vọng cũng không cắt nghĩa được vì sao.
- Ở ngõ phố của ta có tên Cai Thực ngày càng lộ rõ bộ mặt phản động của nó. Con Khánh mới ở Pa-ri sang...
- Suỵt! - Ông từ đứng gác ngoài cổng chợt kêu lên một tiếng như đuổi con gì và liền theo đó là tiếng ông ho kéo dài.
Ngọn đèn sau pho tượng lập tức tắt phụt. Tất cả chìm vào trong bóng tối tờ mờ của một vài nén hương đang thắp đỏ. Tiếng chân đất tản ra xa nhẹ như tiếng lá rụng.
Vọng chạy vội ra phía gốc táo, trèo lên, thu mình vào giữa các cành cây và nhìn chung quanh. Có ánh đèn pin loang loáng dưới gốc cây bồ kết. Vọng nhìn thấy một người đàn ông dáng đậm thấp mặc quần áo trắng đứng cạnh hai người đàn ông khác mặc quần áo vàng. Tất cả đều đeo súng và mùi thuốc lá thơm bay lên, bay đến tận chỗ Vọng. Từ trong đền nổi lên tiếng mõ đều đều của ông từ. Tiếng mõ lúc thưa, lúc mau, lúc dồn dập đổ hồi như muốn nhắn nhủ một điều gì với con người.
Vọng ôm chặt lấy cành cây chỉ sợ lơi tay ra là có thể ngã nhào xuống đất. Trống ngực Vọng đập thình thịch, có lúc Vọng cảm thấy nếu như không có tiếng mõ của ông từ thì mấy người đứng tận gốc cây bồ kết kia cũng nghe thấy.
Ngọn đèn vẫn lia quanh chỗ chúng đứng, như thể chúng muốn tìm cái gì trong đám cỏ rậm cao ngập gối. Chợt một thằng kêu thét lên:
- Rắn!
- Bật đèn lên! - Vọng nhận ra tiếng thằng San.
Một con rắn đang trườn ngang chỗ chúng đứng. Con rắn to dài, mình đen, vằn trắng, ướt bóng như vừa dưới hồ chui lên.
- Chúng mày bật tất cả đèn lên chiếu vào mắt nó, rồi dông! Mau! - Tiếng một thằng mặc quần áo vàng.
- Bỏ bọn KET(1) à?
- Tếch mau!
Mấy ngọn đèn cùng lóe lên và tất cả ù té chạy. Tiếng giày cá sắt nện trên đất nghe cồm cộp.
Vọng đang sợ hãi bám chặt lấy càng cây thì một bàn tay chạm vào người nó và tiếng nói quen thuộc:
- Đưa tay đây, anh nhấc xuống nào!
- Anh Khiết! - Vọng kêu lên. - Anh đừng mách chị em nhé!
- Chị Hạnh nhìn thấy em trước cả anh kia. Chị ấy bảo em nghịch hơn cả con trai. Này, anh dặn nhé, tất cả những gì em vừa nhìn thấy, nghe thấy em không được nói ra với ai nhé, em mà lộ ra thì bọn nó giết cả nhà ta đấy. - Anh Khiết thì thầm.
Vọng thấy chóng mặt.
- Em có hứa với anh như thế không?
- Em hứa là không nói với ai cả!
- Bây giờ thì em về trước đi, các anh chị còn một số việc phải bàn, về sau. Anh có một việc này muốn nhờ em, nếu em làm giúp anh được thì tốt quá!
- Việc gì anh cứ nói, em sẽ làm ngay. - Vọng nhanh nhẹn.
- Em chạy đến nhà Tường Xây xem hộ anh thằng San và lão Cai Thực đang làm gì. Em xem xét kỹ lưỡng rồi về báo cho anh biết nhé. Được không em?
- Được ạ! - Vọng đáp và chạy vù ra cổng. Hình như chưa bao giờ Vọng chạy nhanh đến như thế. Loáng một cái nó đã thấy bức tường rào nhà Tường Xây ngay trước mặt.
Cổng ngoài đóng kín nhưng cửa trong nhà thì mở. Đèn thắp sáng choang. Tiếng bát đĩa cốc thìa va vào nhau loảng xoảng. Bóng gù gù của bà vú Êm hiện ra, di động. Con chó Lài chạy bắng nhắng xung quanh, mồm lúc thì ngậm miếng xương, lúc thì mẩu bánh. Thỉnh thoảng nghe động ở đâu đó nó lại vội vã chạy tới sủa “rắc” một tiếng.
“Có lẽ trong nhà đang ăn uống. Không biết có những ai ở trong đó. Thằng San đã về nhà chưa không biết, sao không nhìn thấy cái xe đạp trắng?” Vọng nghĩ và cúi xuống đập muỗi ở chân. Chỗ Vọng đang đứng là bụi duối cạnh bể nước mưa gần bên chái nhà. Nấp vào cây duối, Vọng có thể nhìn rõ mọi thứ trong nhà.
Chợt có tiếng huýt sáo rồi một bóng người từ trong nhà nhanh nhẹn đi ra nhảy thoăn thoắt xuống dưới các bậc thềm. “Thằng San đấy!” Vọng nép người vào bụi duối. Lá duối ráp xát vào da mặt. May mà duối không có gai để cào rách thịt da Vọng. Mà dù có gai thì Vọng cũng đành đứng im không dám cựa. Thằng San hay người nào trong nhà nghe thấy sẽ suỵt con chó Lài và ngay tức khắc con chó Lài sẽ nhảy lên vồ lấy Vọng mà cắn, mà xé.
Có tiếng máy nổ. Thằng San nhảy lên cái xe máy to màu lửa, phun khói phì phì lao vút ra khỏi cổng.
“Nó đi đâu đây? Có phải đi báo người về bắt anh Khiết, chị Hạnh?” Vọng nghĩ, nhảy vội xuống đất. Khi con chó Lài nghe động, nhảy chồm lên bể nước thì Vọng đã chạy xa rồi!
Báo tin cho anh Khiết biết tình hình nhà Cai Thực, Vọng về nhà. Lúc lâu sau, chị Hạnh cũng về. Mọi người trong nhà đã ngủ yên rồi, Vọng vẫn còn thức. Vọng thấy chị Hạnh đóng cửa cài then rồi còn lấy một cái ghế chận ra trước. Trên ghế chị để cái chậu và mấy cái ống bơ, như vậy có ai động vào cửa thì ống bơ sẽ rơi xuống đánh thức cả nhà dậy.
Nhưng không có ai chạm vào cửa nhà Vọng cả. Ngoài đường nghe rộn rạo tiếng chân người, tiếng hét gọi, tiếng còi huýt thật mạnh và cả tiếng súng nổ xa xa. “Chắc đang có cuộc đuổi bắt”. Vọng nghĩ và đầu nóng lên như chảo rang. Vọng giơ tay lay chị Hạnh. Chị ghé vào tai Vọng thì thầm:
- Ngủ đi, không sao đâu!
Trong bóng tối mờ mờ Vọng nhìn thấy mắt chị mở đen tròn. Vọng nhắm mắt, nhưng không ngủ. Vọng nhớ đến cây táo và con rắn buổi tối, nhớ cả cái ánh sáng chói gắt trong nhà Cai Thực hắt ra và cái dáng cúi lom khom của bà vú Êm.
Vọng vừa thiu thiu ngủ thì có ba tiếng gõ vào cánh cửa.
Chị Hạnh nhẹ nhàng vùng dậy, thổi tắt ngọn đèn dầu vặn nhỏ có che giấy. Trong nhà tối như hũ nút. Ba tiếng gõ cửa tiếp theo. Chị Hạnh đứng nép sau cánh cửa giơ tay gõ lại ba tiếng nhỏ nhẹ, khoan thai, bình tĩnh.
Từ bên ngoài lùa vào khe cửa một cái gì. Cái đó rơi xuống đất, nghe soạt. Bên ngoài có tiếng chân bước, tiếng huýt sáo xa dần.
Chị Hạnh ngồi thụp xuống đất nhặt cái thứ vừa ném vào, nhanh nhẹn đi xuống bếp. Một lát sau, chị lại lên nhà vào giường nằm cạnh Vọng.
- Cái gì thế, hả chị?
- Em muốn hỏi cái gì?
- Cái chị mang vào trong bếp ấy.
- Chuyện công việc của người lớn, em còn trẻ con biết làm sao được?
- Em không nói với ai đâu, chị ạ!
- Ngủ đi, mai chị nói cho nghe. - Chị Hạnh vuốt tóc Vọng.
Vọng nhắm mắt, nó hình dung ra khuôn mặt người gõ ba tiếng vào cánh cửa. Chắc không phải là những người mà nó đã biết. Người đó còn trẻ, đẹp và hiền, người đó vui tính và thích chơi với trẻ con.
- Chị ơi, ai gõ vào cửa nhà mình ban nãy thế, hả chị? - Không nén được, Vọng lại hỏi.
- Chị cũng không biết, em ạ.
- Chị giấu em.
- Chị không giấu em đâu, nhưng quả thực chị cũng không biết đó là ai.
- Họ giấu mặt à?
- Ừ, họ bí mật lắm.
- Họ ở xa đến phải không, chị?
- Chắc thế. Thôi ngủ đi, em. Mai còn bao nhiêu việc. Ngủ đi, sắp sáng rồi đấy.
Tiếng một con gà trống nào vừa gáy, giọng ồ ồ.
Vọng nhắm chặt mắt lại và nó thấy người chìm xuống, chìm xuống rất sâu trong một vùng không khí mát rượi.
Trời đã sáng và mẹ đã thức dậy, mở toang các cửa.
Một người thanh niên đạp cái xe cũ kỹ từ đâu đến, sau xe có cái cặp da to thò ra ngoài đầu cái thước kẻ. Dáng một cậu giáo trẻ lớp Đồng ấu. Cậu ta dựng xe ở thềm bước vào nhà, chị Hạnh từ trong ra:
- Hy đi mất rồi. Cậu đi ngay thì kịp.
- Xin chị cốc nước, khát quá! Chà, thằng Hà hẹn mà lại đi trước! - Vừa nói người thanh niên vừa đưa cái cặp sách cho chị Hạnh. Chị Hạnh cầm lấy và đi vào trong bếp. Một lúc chị đi ra và để cái cặp xuống bàn. Cái cặp to hơn lúc trước một ít. Người thanh niên uống xong chén nước, chào mọi người xách cặp đi ra.
Khi Vọng thức dậy thì nắng đã lên cao. Mẹ đã đi chợ, chị Hạnh đang cắm cúi khâu vá quần áo rách. Vọng nhìn chị và nhớ lại tất cả những chuyện đêm qua. Nó thắc mắc nhiều điều. Nó muốn hỏi chị rất nhiều nhưng lại chẳng biết hỏi ra sao. Những chuyện đêm qua vừa hư vừa thật, vừa như đã xảy ra lại vừa như trong một giấc mơ.
Cuối mùa thu thì Vọng biết se hương. Bàn tay cầm bay đã nhẹ nhàng, nén hương đã tròn và đều tăm tắp. Bà Tía se hương vào loại nhanh nhất một ngày được hơn ba nghìn nén thì Vọng đã được gần hai nghìn nén. Sau mỗi buổi làm ông cụ Vàng lại đưa cho Vọng mấy đồng mang về. Mẹ cầm tiền không vui mà lại buồn:
- Nhẽ ra mẹ không bắt con đi làm sớm thế này đâu nhưng nhà ta khó khăn quá. Công nợ không trả được họ không cho vay lấy gì mà buôn bán kiếm ăn? Mỗi ngày mẹ chỉ lấy một nửa số tiền còn cho Vọng bỏ ống để dành đến Tết bổ ống may quần áo.
Những ngày đầu mới đi làm, cứ đến giờ vào học nghe tiếng trống trường hay tiếng học bài của các bạn là người Vọng lại nao nao muốn khóc. Nhưng từ sau đêm vào trong ngõ Hồ dài về, Vọng thấy bao nhiêu điều lạ lùng và nhà Tường Xây không còn là một nơi hấp dẫn đối với Vọng nữa. Ngược lại, Vọng nhìn nơi đó với con mắt dò xét và căm thù. Với một số người bình thường hàng ngày chung sống, Vọng như đã phát hiện ra ở họ những điều khác nữa ở bên trong, ngoài những cái hàng ngày Vọng thấy. Hình như cuộc sống ngầm ấy còn sôi nổi hơn, mãnh liệt hơn cái cuộc sống ồn ào và những công việc hàng ngày. Nhưng đó là cái gì, ở đâu và đó là những ai, làm thế để làm gì thì Vọng không thể nào hiểu được. Đó là một bí mật ghê gớm vượt ra ngoài hiểu biết của Vọng, cũng bởi lẽ chẳng ai nói rõ cho Vọng hiểu đó là những cái gì.
Nghĩ quanh nghĩ quẩn, Vọng lại thấy thương chị Hạnh. Chị cũng dính dáng vào những chuyện ấy. Chị là con gái yếu đuối, lại nghèo, chị chẳng có gì nhưng chị lại dám chống chọi với nhà Tường Xây, từ chối tình yêu của thằng San, một anh chàng ăn diện và giàu có nhất vùng, là mơ ước của bao nhiêu cô gái.
“Thôi, mình sẽ cố làm để được nhiều tiền đưa cho mẹ, số tiền để dành được sẽ chia cho chị Hạnh.” Vọng nghĩ và bàn tay se hương nhanh biến.
Mải nghĩ, Vọng không biết ông cụ Vàng đã đến đứng sau lưng Vọng từ lúc nào. Ông ngắm hai bàn tay Vọng một lúc rồi nói:
- Cháu ngừng tay, nghỉ một chốc, ông nói chuyện này.
Vọng ngừng tay, ngửng lên nhìn:
- Cháu làm với ông hôm nay nữa thôi, từ mai nghỉ, cháu nhé! Mưa thế này hương không se được đâu. Không có nắng bột chảy rão ra hết. Với lại ông đã nói với mẹ cháu rồi đấy, nghề này là nghề không làm mãi được. Nghề này không phát triển mà cứ mỗi ngày một teo tóp đi. Bây giờ làm chả đủ ăn còn ai muốn vàng hương cúng lễ gì nữa. Bây giờ cháu tạm về nghỉ vậy. Mùa đông, gần Tết ông lại làm. Lúc ấy, cháu lại đến làm với ông.
Mẹ bảo:
- Không việc gì mà phải khóc. Không làm việc này thì làm việc khác. Để mai mẹ sang bên nhà ông cụ Cảnh xin cho con học vót đũa. Nghề vót đũa bao giờ cũng cần vì sướng khổ thì cũng phải ăn. Có ăn mới sống được.
Nhà ông cụ Cảnh ở cuối ngõ, một ngôi nhà gạch lớn có nhiều cửa. Các cửa bao giờ cũng mở toang, lồng lộng gió. Những hôm gió từ cổng sau thổi lồng ra cổng trước, ông bảo:
- Gió hanh đấy, sơn đũa đi!
Gió hanh sơn đũa chỉ hai ngày khô. Gió hanh sơn mau khô đũa lại vừa đỏ vừa bóng. Những hôm gió từ ngoài đường thổi thốc vào trong nhà, ông bảo:
- Gió nồm rồi! Vót đũa đi thôi!
Làm đũa không cầu ngày nắng hay sợ ngày mưa như làm hương mà cần ngày gió. Gió hanh sơn đũa chỉ hai ngày đũa khô. Gió nồm sơn đũa bảy ngày đũa chưa khô mà nước sơn lại xỉn.
Mùa đông là mùa của gió hanh. Trời không mấy khi có nắng nhưng lúc nào cũng hanh hánh. Bầu trời màu xám đục nhưng về trưa lại trắng ra, rạng lên như cái mâm thiếc mờ mờ sau mây. Gió ẩm và mát. Gió từ cửa sau thổi thốc qua cửa trước.
Ở góc nhà, ông cụ Ki ngồi đánh sơn. Sơn ta trộn dầu trẩu đựng trong một cái thúng để nghiêng trên tường. Ông ngồi trên ghế, hai chân đặt trên bàn đạp. Tay ông cầm bay du di, giật lại trong thúng sơn, bắt sơn từ dưới đáy lên miệng thúng. Tiếng sơn đập vào cạnh thúng nghe bình bịch đều đều như tiếng giã gạo ở xa. Sơn lúc mới đánh loãng như nước sau cứ đặc dần, đặc dần rồi chuyển từ màu trắng ngà sang màu đỏ thắm. Đánh liền hai ngày thì được một mẻ sơn.
Hai vợ chồng ông Cảnh ngồi hai góc nhà vót đũa. Vợ trộn, chồng vuốt. Chẳng mấy chốc đũa đã cắm đầy một bàn khuôn xếp la liệt khắp nhà. Mùi sơn ướt thơm nồng, say say hăng hắc.
- Cháu vót đi, vót thế này này! Đeo cái bao vào ngón tay, vót cho đều như ông này này... Một đầu to một đầu nhỏ. - Ông Cảnh đưa cho Vọng một con dao có bốn cái lưỡi nhỏ xíu cong cong như cái vuốt dặn dò cẩn thận rồi lại ngồi vào góc nhà vót đũa.
Gió vẫn thổi lộng từ cửa sau lại.
Những chiếc đũa vừa vót xong màu đỏ tươi, cắm vào bàn khuôn một lúc đã sẫm ngay lại như màu quết trầu. Rồi cứ thế mà thẫm mãi, tím bầm rồi đen lại, thế là khô. Khô rồi thì mỗi lúc một đỏ, đỏ thắm mãi lên như lúc đầu mới vuốt.
Vọng ngây ra nhìn những chiếc đũa. Sự đổi màu nhanh chóng trên thân đũa làm Vọng thích quá. Mắt mở tròn và nụ cười he hé. Vọng đăm đăm nhìn không chớp.
- Làm được một đôi đũa cũng vất vả lắm đấy, cháu ạ! Cháu cứ nghĩ xem, từ lúc nó còn là cây bương trên rừng chặt về, cưa ra từng khúc, rồi chẻ, rồi vót, rồi sơn, rồi thiếc... Ấy thế mà cũng chẳng bán được bao nhiêu đồng tiền. Kìa, cháu vót đi!
Vọng vót lia lịa. Lưỡi dao lia ngang, sượt trên ngón tay trỏ. Một vệt máu đỏ loang ra trên gióng tre trắng nõn. Vọng rụt tay lại, đưa lên miệng mút. Máu mặn ngọt, lờm lợm.
- Nghề này cũng ế ẩm lắm. - Ông cụ Cảnh vẫn cúi xuống nắm đũa, giọng đều đều. - Cháu bảo một đôi đũa ăn bao lâu mới mòn? Thời buổi này cũng chẳng có gì để gắp!
Vọng lặng im, tiếp tục vót. Thỉnh thoảng, Vọng lại ngừng tay, ngửng lên nhìn ông cụ Cảnh và những chiếc đũa mới sơn. Những chiếc đũa ướt thì cứ mỗi lúc một sẫm lại, những chiếc đũa khô thì mỗi lúc một đỏ tươi lên.
- Cháu bảo một đôi đũa ăn bao nhiêu lâu mới mòn? Thời buổi này thì có gì để mà gắp.
Vọng vừa vót đũa vừa nghĩ đến những câu nói của ông cụ Cảnh, lòng nao nao. Chỗ máu ở ngón tay thôi không chảy nữa. Nghe xon xót.
Gió thổi thốc từ cửa sau lại, lạnh và ẩm.