Ngõ Cây Bàng - Chương 06 - phần 1

TRỜI vừa sáng. Tiếng còi báo động kéo dài. Tiếng những cái loa rền rĩ. Xe máy, ô-tô rú còi chạy lên trong các phố chốc chốc lại hãm phanh đột ngột nghe một tiếng rít ghê người. Những người đang đi đường phải dừng lại đứng rạt vào các vỉa hè. Các hàng hiệu to nhỏ đều đóng cửa. Trong các chợ, tiếng thúng mủng đập vào nhau loạn xạ.

- Có chuyện gì thế nhỉ? - Người ta lo lắng hỏi nhau.

Trong các đồn, cảnh sát đeo súng và dùi cui dàn ra đứng gác các góc phố. Dọc mỗi đại lộ lại thấy một chiếc xe HARLER màu cỏ úa mang số hiệu PM to và cao chạy chầm chậm. Trên xe, một thằng tây to lớn, đội mũ sắt, mặc quần áo ka ki xám, có những miếng da đeo trước ngực, súng lục cỡ lớn đeo ngang hông mặt hầm hầm ngồi sau miếng kính chắn.

- Khám nhà ai thế? Bắt ai vậy? - Những người bạo dạn lắm mới dám ló mặt ra cửa thăm hỏi tình hình.

Nhưng chẳng ai có thể nói rõ được đó là việc gì.

Tiếng loa bắc trên nóc ngôi nhà nhiều tầng cất tiếng oang oang:

- Thành phố đang có thiết quân luật, ai ở đâu ở đó. Kẻ nào có hành động gì hoặc bỏ chạy thì người dân nào cũng có nhiệm vụ bắt giữ giao cho nhà chức trách. Sẽ có thưởng!

Những người đang đi ngoài đường bị giữ lại đứng nép vào nhau chờ đợi. Những nét mặt căng thẳng cực độ. Thoáng thấy bóng những tên cảnh binh đi tới là họ vội vàng nhìn tránh đi chỗ khác hoặc cúi mặt xuống. Họ sợ bị trông thấy và có thể bị bắt bất ngờ không nguyên nhân.

Tiếng loa đặt trên tầng cao lại cất lên. Lúc này là một giọng đàn bà the thé:

- Để bà con biết, hôm nay chúng tôi thi hành mệnh lệnh của Quốc gia, quân đội cùng với cảnh sát thực hiện lệnh tổng động viên trong toàn thành. Tổ quốc đang cần những người con đi chiến đấu đem vinh quang về cho Tổ quốc. Quân đội chúng ta đang chiến thắng trên khắp các chiến trường. Tổ quốc sắp ca khúc khải hoàn. Hỡi những người con yêu quý hãy mau mau ghi tên để sớm lập công vàng hiển hách ghi vào lịch sử.

- À, ra họ bắt lính! - Tiếng một người thở phào.

- Bắt lính thì bắt thanh niên trai tráng chứ ai lại bắt cả bà lão thế này? Cho tôi về nhà tôi chứ, lợn kêu, con khóc ở nhà tôi kìa - Tiếng một bà cụ kêu lên.

- Tất cả đứng im tại chỗ, cấm làm nhốn nháo! Phá rối trật tự cũng bị bắt! - Một thằng cảnh binh trừng mắt quát và cầm dùi cui giơ lên như định đánh vào mặt bà cụ. Bà cụ vội vã đứng im thin thít.

Ngoài đường có những chiếc xe tải đi chậm và thỉnh thoảng lại dừng ở các góc phố. Những chiếc xe con chạy chậm áp sát xe tải. Trên xe lố nhố những đứa con gái tóc xoăn, mặc quần tây trắng, đội mũ, đeo lon, má hồng, môi son đỏ chóe từ từ đi xuống cặp đôi với những thằng cảnh sát, nói cười toe toét. Có đứa còn giơ tay khoác lên vai một thằng, có đứa chạy theo cái xe P. M nhảy lên, ngồi đằng sau một lúc rồi lại nhảy xuống. Những người ở ngõ Cây bàng nhận ra trong số đó có khuôn mặt dài choắt bự phấn của con Bạch Tuyết, dâu tương lai nhà Tường Xây.

Cái loa lại cất tiếng eo éo:

- Hỡi những anh trung niên và tráng sinh yêu quí, trong lúc quốc gia đang có giặc, cần đến sự có mặt của các anh, các bạn. Các anh hãy mau mau ra nhập ngũ, từ lứa tuổi mười sáu đến ba mươi bảy, những ai có lòng yêu nước tình nguyện xung phong thì dù ở lứa tuổi nào Tổ quốc cũng sẵn sàng chấp nhận.

- Từ mười sáu à? Thế ra người ta bắt cả lính trẻ con!

- Đả đảo bắt lính trẻ con - Có tiếng hét to trong đám đông.

- Đứa nào đấy, có muốn ăn kẹo bọc đồng không? - Tên cảnh sát rút súng ra.

Đám đông im thin thít.

Cuộc khám xét bắt đầu.

- "Tít" của anh đâu? - Thằng cảnh sát hỏi một người thanh niên.

- Tôi bị mất cắp! - Người thanh niên trả lời.

- Mất cắp sao không đi xin cấp lại? - Thằng cảnh sát vặn.

- Tôi bận làm ăn không có thì giờ.

- Anh bao nhiêu tuổi?

- Tôi bốn mươi ba.

- Láo! Anh chỉ hai nhăm là cùng!

- Anh căn cứ vào đâu mà bảo tôi hai nhăm tuổi?

- Căn cứ vào cái mặt mày!

Bốp! - Người thanh niên giơ tay tát mạnh vào giữa mặt thằng cảnh sát rồi gạt đám người chung quanh, vùng chạy.

- Bắt lấy nó! Bắt lấy nó! - Tiếng hét, tiếng súng nổ vút lên trời.

- Không được bắn giết nhân dân! - Tiếng kêu lên giữa đám đông.

- Đả đảo đàn áp!

Mọi người nhốn nháo. Một ông cụ nói:

- Hôm qua ở bờ sông một tên cảnh sát bắn chết một người đàn bà, nhân dân xúm lại đánh chết tên cảnh sát rồi vùi xuống bùn.

- Cho đáng kiếp bọn hung hăng côn đồ!

Đám cảnh sát nghe thấy tất cả, trông thấy tất cả mọi điều nhưng cố làm lơ đi. Trong phút chốc, có những dấu hiệu làm chúng sợ hãi. Chúng biết, sau lưng đám người dầy đặc kia là trăm nghìn những ngôi nhà, nhà lá, nhà đất, những khu vườn, những lũy tre, những ai hồ, hầm hố và ngõ ngang, ngõ dọc... ẩn giấu những tai họa bất ngờ nguy hiểm.

- Thôi, ra chỗ khác! - Một thằng nói và mấy đứa cùng quay đi.

*

* *

- Chị Hạnh ơi! Không khéo anh Hy bị bắt mất rồi! - Vọng và Ân ôm lấy chị, tức tưởi. Loa chúng nó nói bắt người từ mười sáu đến ba mươi bảy, biết thế này thì bảo anh ấy nghỉ ở nhà không đi học nữa!

- Chúng mày im lặng cho chị nghe ngóng xem thế nào, đừng làm rối lên! - Chị Hạnh bảo các em ngồi im rồi nép vào sau cánh cửa nhìn ra ngoài đường.

Ngoài đường vắng ngắt. Trời đã bắt đầu vào mùa đông. Gió heo thổi sàn sạt, mặt đường khô mốc trắng. Nền trời hanh hánh một màu thiếc. Cây bàng vươn lên trời những cành gầy khẳng khiu và trơ trụi như những cái que. Thấp thoáng một vài thằng lính đi dọc theo bờ hè.

Có tiếng súng nổ và tiếng la hét phía ngoài phố.

- Hạnh ơi! Hạnh ơi! - Có tiếng gọi rất nhẹ vừa gần vừa xa, vừa quen vừa lạ.

Chị Hạnh bối rối nhìn ra ngoài đường. Ngoài đường vẫn vắng ngắt.

- Hạnh ơi, đằng sau cơ mà!

Hạnh vội quay lại phía sau.

- Anh Khiết! Anh làm sao thế? - Chị Hạnh kêu lên, mặt đỏ bừng.

- Anh có làm sao đâu! - Khiết nói và cười. Trên khuôn mặt hốc hác của anh dính những vệt máu, quần áo bị rách xã nhiều chỗ.

- Anh làm sao vào được nhà? - Vọng hỏi.

Khiết cười và chỉ tay lên trời. Bên ngoài có tiếng gõ cửa.

- Có chỗ nào cho anh nấp không? - Khiết hỏi.

- Trốn vào đâu bây giờ? - Chị Hạnh bối rối, thẫn thờ, chạy ra rồi lại chạy vào. "Có một chỗ nhưng cũng không an toàn lắm đâu, chẳng biết anh có chịu nấp ở đó không?"

Hạnh nói và chạy vào trong chái bếp, kéo đám quần áo trên dây dạt ra. Khiết đứng nép vào vách, kéo quần áo che người. Hạnh còn lấy thêm mấy cái quang thúng rách treo ra ngoài. Xong, Hạnh đứng từ xa ngắm. Trông đúng như một đống rẻ rách tùm hum. Hạnh lấy một cái dây thừng buộc chăng ngang đường vào bếp, nhúng nước mấy bộ quần áo phơi lên đó.

Tiếng gõ cửa gấp gáp.

Hạnh chạy ra. Màu quần áo vàng lóe vào mắt Hạnh qua khe cửa. Mùi dầu bôi tóc, mùi thuốc lá cùng xộc vào một lúc. Hạnh chận thêm cửa và giơ tay che ngay miệng làm hiệu cho Vọng và Ân im lặng.

- Cọc! Cọc! Cọc! - Tiếng gõ cửa vẫn nổi lên mỗi lúc một dồn dập.

- Cả nhà đi vắng rồi! - Tiếng bà cụ Đôi.

- Nhà đi vắng sao lại cài then phía trong?

- Chắc chỉ có hai con bé con ở nhà, các ông vào nhà người ta làm gì?

- Vào bảo cô gái má hồng, môi son nấu cho ấm nước ché uống làm nhiệm vụ. - Một thằng nói rồi cười.

- Cô ấy là vợ chưa cưới của cậu San đấy, các ông không sợ lôi thôi à?

- Bà già dở hơi! Cậu San nào lấy con đó! Con đó mà đem so với cô Bạch Tuyết con nhà Bảo Hoa trên phố Hàng Đào được à?

- Biết được ai hơn ai. Các ông bảo cô Tuyết hơn nhưng chúng tôi lại bảo cô Hạnh hơn thì sao?

- Hơn với bà! Bà ở đấy mà lấy cô ta cho thằng Thuấn nhà bà! Thôi, đi, chúng mày!

Tiếng chân xa dần. Chị Hạnh thở phào đi vào trong chái bếp. Khiết ra khỏi những mớ quần áo và ngồi bên cạnh Hạnh, uống từng ngụm nhỏ cốc nước chè tươi Hạnh vừa bưng cho.

Chỉ có hai người, căn bếp nhỏ bụi bậm trở nên ấm áp. Bàn tay họ khi đưa cốc nước như vô tình chạm vào nhau và khi cúi xuống đánh con muỗi đốt ở bàn chân Khiết chạm tay vào tay Hạnh. Hai bàn tay bỗng bàng hoàng nắm lấy nhau. Hai khuôn mặt sát vào nhau, hơi thở nóng rực.

Tiếng Khiết gọi tha thiết:

- Em!

- Dạ! - Hạnh thưa khe kẽ, không ngẩng lên.

- Kháng chiến còn dài, còn gian khổ nhiều, anh có thể đi xa, em có chờ anh không?

- Em chờ. Mong rằng anh không thay lòng đổi dạ.

- Anh thay đổi làm sao được cơ chứ. Anh nhà nghèo, chẳng có tí của cải hoặc công danh để có hạnh phúc, còn em, chỉ cần một bước là em sang cuộc đời khác.

- Em lại không nghĩ thế.

- Em nghĩ sao?

- Em nghĩ đàn bà biết chịu đựng hơn đàn ông và đàn bà ít bị những cám dỗ hơn đàn ông...

- Thôi được, thời an sẽ thử thách chúng ta. Riêng anh, không có ai, so sánh được với em ở trên đời này.

Lòng Hạnh run lên vì xúc động. Không phải đây là lần đầu tiên Hạnh nghe những lời nói ấy nhưng những câu nói như thế trong lúc này quả là thấm thía lòng người. Bàn tay chị bỗng xiết chặt lấy tay Khiết, tiếng run lên:

- Em chẳng biết lấy gì làm niềm tin cho anh được.

- Không cần, em ạ! Chẳng bao giờ anh không tin em. Bởi vì chẳng bao giờ anh không tin ở anh. - Khiết nói và cúi xuống trên mái tóc Hạnh. Họ bỗng ôm choàng lấy nhau và hôn nhau trong bóng tối xanh biếc những làn khói từ bên hàng xóm hay sang.

- Lúc này giá anh có được một điếu thuốc lá mà bút thì sung sướng quá! - Khiết bỗng nói trong tâm trạng lâng lâng bay bổng.

- Tưởng gì, chứ cái ấy không khó. - Hạnh đáp và đứng lên ra ngoài nhà móc túi lấy tiền đưa Vọng. Khiết chạy theo, bảo:

- Bao giờ yên mới được mở cửa.

Vừa lúc ấy có tiếng gõ ngoài cửa và tiếng bà cụ Đôi vọng vào:

- Chúng nó đi hết rồi! Mở cửa ra mà xem, ở trên phố có người ném lựu đạn, chết vô khối là lính.

- Ai bảo bà thế?

- Thằng Thuấn vừa ở trên phố về.

- Bây giờ nó đâu rồi?

- Nói lại đi rồi!

Hạnh mở cửa. Ánh nắng ùa vào trong nhà Ngoài đường lác đác người đi lại, nhiều nhà đã mở cửa. Vọng và Ân chạy vù ra cửa như đôi chim xổ lồng.

- Vọng ơi, em chạy sang nhà bà Ba mua cho chị hai điếu thuốc lá Cô-táp này!

Vọng đi rồi Hạnh quay vào nhà tìm bao diêm. "Chắc anh ấy sẽ sung sướng lắm khi thấy mình đưa cho anh ấy điếu thuốc. Tội nghiệp quá!

Tìm thấy diêm rồi mà mãi không thấy Vọng về, Hạnh ra đứng cửa chờ. Bỗng mắt Hạnh hoa lên. Sao Vọng lại đi cùng với thằng San thế kia? Thằng San đi đằng trước, tay túm áo Vọng. Còn Vọng thì vừa đi vừa khóc. Vừa nhìn thấy chị, nó òa lên khóc to hơn.

Nhìn thấy em, Hạnh hiểu hết cơ sự. Tất cả tại chị quá chủ quan. Sau một giây suy nghĩ, Hạnh chạy tới, nắm lấy áo em:

- Tao phải tìm cái roi tao cho mày một trận mới được. Ai bảo mày đi mua thuốc lá? - Hạnh giằng em ra khỏi tay san, nói to. - Em nó dại gì anh bảo để tôi đánh em nó! Anh bỏ qua cho, để tôi đánh, tôi dạy nó.

- Tôi không bảo nó dại hay khôn mà muốn nói trong nhà này có đàn ông. Lui ra! Khám nhà! - Thằng San quát to và gạt Hạnh sang một bên.

Hai tên lính nhanh nhẹn theo sau lưng San vào nhà, mắt nẩy lửa, nhìn ngang, nhìn dọc. Chúng lấy chân đá vào các thứ ở trong nhà, chúng cúi nhìn vào gầm giường và rũ từng cái chiếu. Mặt Hạnh tái ngắt. Cái Ân chạy tới, cấu khẽ vào tay chị. Hạnh trở nên bình tĩnh:

- Các ông cần thì cứ khám nhà, có ai tôi xin chịu tội nhưng nếu không có ai thì các ông phải bồi thường danh dự của tôi - Hạnh nói và nhìn thẳng vào mặt San.

- Bồi thường danh dự cho cô em thì có khó gì? - Thằng San nhăn nhở cười và giơ tay nâng cằm Hạnh lên nhìn vào đôi mắt trong veo của Hạnh - Bồi thường danh dự cho cô em tốt nhất là cưới cô em làm vợ!

- Tôi ông bằng lòng những câu nói sàm sỡ như thế đâu!

- A, xin lỗi nhé! - San vẫn vừa cười vừa đưa mắt nhìn hai tên lính dã khám xét xong tất cả mọi nơi, - Thôi, anh về nhá! Đừng giận! Nhớ em, anh bầy ra cái việc khám nhà này để đến nhà em đấy chứ chẳng cần khám anh cũng biết là em không có gì rồi!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3