Ngõ Cây Bàng - Chương 06 - phần 2
Hy học đệ tứ trường trung học Đồng Tiến.
Đồng Tiến là một trường nhỏ nằm trong một ngõ hẹp cạnh nhà thờ lớn. Học trò ở đây ăn mặc giản dị và nghèo hơn những trường khác. Ở đây có thày Cung, một thày giáo có bằng cử nhân luật. Người thày nhỏ và gầy, đôi mắt đen trầm lặng ó những lúc sắc sảo với những bước đi thoăn thoắt. Có người nói rằng thày hoạt động bí mật nên thỉnh thoảng lại bị gọi lên đồn cảnh sát. Có lần ông hiệu trưởng gọi thày lên phòng, hai người nói chuyện rất lâu. Bỗng, ông hiệu trưởng đứng lên, đập mạnh tay lên bàn và quát:
- Ông hãy coi chừng đấy! Ông muốn làm thày giáo hay muốn đi nằm nhà đá thì cứ giữ cái giọng lưỡi đó!
- Tôi chỉ làm theo lẽ phải...
- Được, tôi sẽ cho ông biết cái lẽ phải của ông đưa ông đi đến đâu!
Ai cũng tưởng thày sẽ bị đuổi nhưng vẫn thấy hàng ngày thày đến lớp và học sinh rất thích nghe thày giảng.
- Các em đáng thương của thày, xã hội đang bỏ rơi các em. Nhìn các em thấy rất thương sót. Thày không thể nào hình dung ra được tương lai của các em. Các em như những trái cây còn non giữa trời gió bão. Rồi đây các em sẽ trở thành người bán phở, người đóng giày, bán sách hay kéo xe..? như thế cũng là còn tốt đấy. Tai hại nhất là các em có thể trở thành một thằng lính cầm súng theo chân địch bắn giết lại anh em bà con mình. Cái mà thày sợ nhất là xã hội không cho các em lý tưởng, mục đích sống đúng đắn.
Thày Cung đã nói như thế vào buổi sáng có lá cờ đỏ sao vàng treo trên cột cờ giữa sân trường. Đám học sinh xì xầm và nhìn thày giáo một cách lo lắng khi thày hiệu trưởng bắt học sinh hạ cờ xuống và đem giấu đi, ông sợ cảnh sát biết và ông bị liên lụy.
Những hoạt động bí mật của học sinh trong trường hình như thày Cung cũng biết nhưng cứ lờ đi như không và thỉnh thoảng như để tỏ thái độ về những chuyện đó, thày chỉ nói một câu chung chung:
- Người nào cũng phải có một con đường để đi.
Sáng nay, khi học sinh đến đã thấy thầy có mặt ở trường từ bao giờ. Thầy mặc bộ đồ xám và đứng trước cửa đợi học sinh, khác hẳn hàng ngày: Khi trống vào học đánh lên rồi thày mới từ trong phòng hội đồng đi vào lớp. Ấy là những hôm thầy có giờ đầu nhưng hôm nay thày lại có giờ thứ hai...
- Các em ơi, đêm qua thày mới đọc được một truyện rất hay, thày đến sớm để kể cho các em nghe - Thày đi nhanh vào lớp, bước lên bục, nói:
Đám học sinh vội vã bước theo sau. Linh tính báo cho chúng biết có sự gì đó không bình thường. Tất cả im phăng phắc nhìn nghe từng cử chỉ, lời nói của thày giáo.
- Thày mới đọc một truyện ngụ ngôn: "Con sói ngu ngốc và con thỏ thông minh". Con sói tìm đuổi theo con thỏ và hăm dọa "Tao sẽ ăn thịt mày". Thỏ cắm cổ chạy trốn. Qua một cái nhà, thỏ không vào, qua cái kho, thỏ cũng chạy Thỏ chạy ra cánh đồng. Lúc ấy lúa đang chín. Thỏ trốn vào giữa đồng lúa. Thế là sói đành chịu vì đồng lúa mênh mông sói làm sao mà bắt cho được. Còn cái nhà, cái kho dù rộng đến đâu cũng đều có giới hạn.
Thày giáo cười sau khi kết thúc câu chuyện. Học sinh ngơ ngác. Chuyện ấy có gì đặc biệt đến nỗi làm thày xúc động đến thế?
- Các em cứ suy nghĩ đi, lúc khác thày trò ta sẽ trò chuyện thêm nếu như cá
c em còn học thày. - Thày giáo nói và đi sang lớp ác. Lại nghe tiếng thày kể chuyện con sói và con thỏ.
- Thày định nói gì với chúng mình mà không tiện nói thẳng ra như thế nhỉ? - Học sinh dò hỏi nhau.
Trống vào học. Bài địa lý về các cháu làm học sinh thoáng quên đi câu chuyện thày vừa kể. Nhưng khi tiếng còi báo động kéo lên, những tên cảnh sát với dùi cui và súng đeo trễ bên hông xuất hiện trước các cửa vào lớp học thì học sinh đều giật mình và bắt đầu hiểu những điều thày giáo muốn nói với mình đằng sau chuyện thỏ và sói.
- Tất cả học sinh hai lớp đệ tứ A đệ tứ B phải ra sân xếp hàng. - Ông hiệu trưởng mặt nghiêm lạnh lùng nói.
Một cái loa được bắc vào trong phòng hội đồng, tiếng đàn bà nheo nhéo:
- Hỡi những anh tráng niên và tráng sinh yêu quý, trong lúc quốc gia đang có giặc, cần sự có mặt của các anh. Các anh hãy mau mau ra ghi tên nhập ngũ.
Hy xếp sách vở vào cặp, đưa mắt nhìn Việt và Trung.
- Ta phải tìm đồng lúa thật nhanh để thoát khỏi nanh vuốt của chó sói. - Hy nói nhỏ.
Tiếng loa lại nheo nhéo:
- Thành phố hiện nay đang có thiết quân luật. Ai ở đâu phải ở nguyên chỗ đó. Nếu ai có hành động gì như chống đối hoặc bỏ trốn thì người có trách nhiệm sẽ có quyền bắt giữ và giao cho nhà chức trách xử lý!
Có tiếng kêu "choảng" Cái loa ọ ọ lên vài tiếng rồi im bặt. Tiếng còi rít lên, tiếng súng nổ.
- Đứa nào ném? Đứa nào ném? Xà lù, bệt! - Một thằng đeo lon trung úy tay lăm lăm khẩu súng nhảy vào trong trường. Theo sau mấy con "tác động tinh thần" mặc quần áo tây trắng phấn son lòe loẹt õng ẹo đi vào khẽ gật đầu chào mấy thày giáo đang luống cuống không biết làm gì trước đám học trò lộn xộn.
Trong lúc nhộn nhạo Hy đeo cặp sách lên vai. Thật cũng may! Mọi người có cặp da trâu, da bò bốn ngăn năm ngăn. Hy không có tiền mua cặp, mẹ lấy miếng vải bạt che mưa mang sang nhà anh Bình nhờ may cho Hy cái túi. Lúc này mới thấy như thế là tiện. Đeo cái túi vào người, Hy đi ra phía sau trường chỗ nhà vệ sinh. Việt và Trung cũng đã đứng ở đó, tay mỗi đứa cầm một tờ giấy và cái cặp. Sau nhà vệ sinh có một cái cửa nhỏ bằng gỗ cài then - chỗ để cho những người vào dọn dẹp. Cái cửa cũ kĩ sơ sài chỉ cần đẩy mạnh một cái là tung ra ngay.
- Làm thế nào để biết ở ngoài cửa có bọn chó hay không? - Trung nói à nhảy lên, đu người vào tường, nhìn ra phía ngoài. Đó là một lối đi hẹp chạy dài thông ra ngõ Hàng Bông Thợ Nhuộm. Trung nhìn thấy một khu vườn rộng trồng toàn chuối, phía ngoài là một hiệu nhuộm. Cái lò than đang cháy rực và một bà gầy gò đang đứng cầm cái gậy sắt đảo lên lộn xuống mớ quần áo đang luộc trong chảo. Chung quanh bà là những dây phơi chăng ngang dọc như mạng nhện phơi đầy những quần áo mới nhuộm ướt lướt thướt. Một bà đang ngồi rũ quần áo trong chậu nước. Nét mặt hai người đều có vẻ hiền lành. Họ chỉ chú ý vào những việc đang làm không quan tâm gì đến những việc xảy ra ở chung quanh.
- Từ cửa hàng nhuộm chạy thẳng ra phía ngoài, qua đường là đến vườn hoa chéo, có ông già đứng bán thịt bò khô. Qua đó sẽ đến Hỏa lò. Đường Hỏa lò vắng, chạy nhanh nhưng dễ thấy, nên chạy theo đường cấm tắt sang chợ Cửa Nam. Từ chợ Cửa Nam sẽ leo lên tàu điện...". Ba người bàn nhau và cùng nhảy tường chạy vù ra ngoài. Một lúc sau, cả ba đã đứng trong vườn chuối. Hy lấy lá chuối phủ lên người mình và hai bạn. Họ lặng lẽ lắng nghe câu chuyện của hai người đàn bà thợ nhuộm và những tiếng động ngoài phố. Ngoài đường, cứ lúc lúc lại dội lên tiếng chân người, tiếng ô-tô chạy hộc tốc, rồi tiếng còi, tiếng nói to, tiếng quát hét ồn ào, lộn xộn. Một lúc rồi ắng đi.
Bà nhuộm bỗng ngừng tay bảo bà giặt:
- Ta nghỉ một lúc đi bác, mệt quá!
- Ừ, tôi cũng mỏi lưng quá rồi, ngâm nước từ sáng đến giờ rét quá.
Hai người đến ngồi bên bếp lò giơ những bàn tay loang lổ phẩm và nhợt nhạt ra trước bếp than hồng rực. Một lúc, chợt bà nói:
- Hôm nay, nhà bác có thức ăn chưa?
- Bác không nhắc thì tôi quên mất. Hôm nay, tôi phải hỏi xin bà chủ cây chuối về thái luộc ăn vậy.
- Ờ, thế thì ra mà nói ngay đi, ở cuối vườn có cây chuối ăn buồng rồi đấy!
Bà nhuộm đi ra ngoài cửa hàng ngạc nhiên thấy cửa hàng đóng sớm. Bà chủ ngồi trên ghế to, chung quanh bà là những dây phơi chăng ngang dọc, nét mặt bà ta có vẻ nghĩ ngợi và khó chịu khi nhìn thấy bà nhuộm đi đến.
- Cái gì? - Bà ta hỏi trống không.
- Chúng cháu xin bà cây chuối đã trổ ngoài vườn đem về làm rau ạ!
Bà chủ im một lúc rồi mới nói:
- Phải. Các chị cứ lấy nhưng phải chặt giả tôi những tàu lá. Không được làm rách một tàu nào đây đấy nhé!
- Vâng ạ! Sao hôm nay bà đóng cửa hàng sớm thế ạ? - Bà nhuộm rón rén hỏi.
- Chị này bịt mắt, che tai hay sao mà không biết ngoài đường đang thiết quân luật? Chẹp! Cứ bắt bỏ tù hết cũng không thương cái bọn trốn việc quan đi ở chùa!
- Bà nói ai cơ ạ? - Bà nhuộm ngơ ngác hỏi.
- Tôi nói những đứa trốn lính ở ngoài kia kìa! Thật sướng không biết đường sướng. Đi lính cơm no, bò cưỡi không muốn, lại muốn nằm nhà đá!
Bà nhuộm đã hiểu. Bà đi vào thì thầm với bà giặt mấy câu rồi hai người cùng đi ra ngoài vườn.
- Nếu bây giờ ta cứ đứng im đây thì họ sẽ nhìn thấy và biết là ta đang trốn, ta cứ giả vờ nghịch ngợm có lẽ tốt hơn, như thế chỉ bị mắng thôi chứ không bị bắt. - Hy nói với Việt và Trung.
- Nhưng nghịch cái gì cơ chứ? Mình có còn bé như cái Vọng, cái Ân đâu mà bảo có thể nghịch? - Trung cười nhìn bạn.
- Ta giả vờ đào chuối con về trồng. - Hy nói và chợt im bặt. Hai bà đã đi đến gần.
- Bác có nhìn thấy cái gì động đậy ở cuối vườn kia không?
- Đâu, cái gì? Sao tôi không thấy? Nắng đấy, bà ạ! Bà làm tôi giật cả mình. - Bà nhuộm nói và dụi mắt, một đôi mắt đau và đỏ kè.
- Tôi thì lại nhìn thấy có người, chả nhẽ ma hiện hồn giữa ban ngày! Lạ thật! Thôi, tôi cũng chả muốn ăn cây chuối ngày hôm nay nữa.
- Bà nhát quá! Để tôi xem sao nào! - Bà nhuộm nói rồi cầm con dao phăng phăng đi ra vườn trong khi bà giặt lủi thủi quay vào trong sân.
- Bác ơi, chúng cháu đây mà! - Hy cất tiếng gọi khi bà nhuộm đi đến gần - Chúng cháu đến xin bà cây chuối con để về trồng.
Bà Nhuộm đứng im một lúc, nét mặt nghĩ ngợi, rồi nói:
- Các cháu là học trò trường Đồng Tiến phải không?
- Vâng ạ!
- Thế thì tôi biết các cháu đến đây làm gì rồi. Không việc gì phải sợ! Bây giờ các cháu cứ nói thật cho bác biết có phải các cháu trốn bắt lính không? Nói thật thì bác mới biết đường bác giúp đỡ, bác không hại các cháu đâu mà phải nói dối!
Ba đứa nhìn nhau. Hy kể lại mọi chuyện. Bà nhuộm chăm chú nghe.
- Khổ thân các cháu! - Bà kêu lên rồi lặng người đi một lúc sau mới nói tiếp - Bác đây với bà giặt kia cũng hoàn cảnh như các cháu nhưng nhà bác không có con trai đang tuổi bị bắt lính như các cháu. Còn bà chủ hiệu nhuộm này thì có hai người con làm sĩ quan cho Tây, nhà này coi như có bảo hiểm rồi, chẳng bao giờ chúng nó để mắt tới. Nhưng nếu bà ta biết có các cháu trốn ở đây thì bà ta sẽ báo lính bắt ngay. Các cháu đừng chạy ra ngoài cho bà ta thấy còn bà ta thì lại chẳng mấy khi vào đây. Các cháu cứ đứng đấy, bao giờ bên ngoài yên rồi bác sẽ bầy cách cho các cháu ra.
Bà nhuộm ra ngoài nói chuyện với bà giặt một lúc rồi quay trở lại, nói:
- Chốc nữa, khi nào bà Nhự mở cửa hàng tức là bên ngoài đã hết thiết quân luật, bác sẽ đưa cho các cháu một cái thùng, các cháu xách ra ngoài vờ như đi lấy nước gạo. Ra đến vườn hoa chéo, cháu để thùng xuống đấy, bác sẽ ra lấy.
- Nhỡ bà chủ nghi đi theo thì làm sao ạ? - Việt lo lắng.
- Nếu bà ấy hỏi, cháu cứ bảo bác cho cháu vào lấy nước gạo. Có gì bác nói thêm cho.
- Thôi, cháu ngại gặp bà ấy lắm, cứ để chúng cháu trèo tường ra ngoài vậy.
- Không được đâu, các cháu sẽ bị bắt ngay! - Bà nhuộm kêu lên - Ra đến vườn hoa chéo, các cháu chạy về phía tay phải vào chợ Cửa Nam, lên tàu điện mà về.
- Vâng ạ! - Ba đứa đáp lại và nhìn bà cụ gầy gò phúc hậu một cách biết ơn. Trong bụng đứa nào cũng nghĩ sau này, khi mọi thứ khó khăn sẽ qua đi chúng sẽ tìm gặp lại bà cụ để cảm ơn.
Hy về đến nhà thấy Vọng đang đứng cửa chờ và móc túi đưa cho một mẩu giấy nhỏ trong đó có mấy chữ: "Chúng nó đã bắt thày Cung rồi. Cậu về, đến ngay nhà mình, có nhiều việc cần". Hy đọc xong tờ giấy, đi vào nhà, để cặp lên bàn, uống một cốc nước to rồi lại đi ngay.
- Tình hình này em ra đi là đúng. Việc ta giải phóng Tây Bắc, mở chiến dịch Thượng Lào, giải phóng Sầm Nưa và cái chết của thằng Đờ-lát ở Ninh Bình đã làm chúng nó điên cuồng. Thằng Na-va mới sang thay thằng Đờ-lát, tổng hành dinh nó đóng tại Hà Nội, nó đang điên cuồng bắt lính để mở rộng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nó đặt tên cho chiến dịch bắt lính này là "Dồn gà về chuồng". Em ở lại hoàn toàn không có lợi. Việc học hành dở dang, sau ta học lại - Anh Khiết nói, giọng rất nhỏ, mắt anh đăm đăm nhìn bếp lửa. Đêm đã khuya, lửa trong bếp đã tắt chỉ còn lại vài cục than nhỏ sáng nhấp nhói mỗi khi có ngọn gió thoảng qua.
Ở chái bếp bên cạnh, có tiếng đào đất. Tiếng cuốc không vang xa mà vọng sâu vào trong lòng đất. Nền đất đã được tưới nước suốt ngày đã mềm và dẻo. Nghe rõ tiếng thở nóng rực của chị Hạnh và mẹ. Chị Hạnh đào nốt chỗ anh Khiết vừa làm, còn mẹ thì nhào đất đắp thành xung quanh.
Nhà bên cạnh cũng vang lên tiếng đào đất thình thịch. Tiếng gần, tiếng xa, tiếng nhỏ, tiếng to, lúc mất lúc lại dội vang lên làm cả một vùng rộng lớn như rung rinh chuyển động.
- Thế anh có đi không? - Hy hỏi.
- Anh chưa biết thế nào, tùy ở như tổ chức. Tình hình hiện nay đang có nhiều diễn biến phức tạp lắm. Ở ngõ phố ta nhà Cai Thực ngày càng lộ rõ bộ mặt làm tay sai chó săn cho Tây. Thằng San hôm nay đã mặc quần áo sĩ quan, em thấy chưa?
- Em có nghe nói, nhưng chưa nhìn thấy. - Hy đáp.
- Hình như nó đã nghi ngờ nên bắt đầu theo dõi nhà này.
- Sợ gì nó! Nó mà lôi thôi em sẽ bẻ giò nó. - Hy nói và cười.
- Ừ, nó tuy đông và có quyền nhưng sức mạnh vẫn ở trong tay chúng ta. Nếu như em mà nhìn thấy cái cảnh bà con quây lấy chúng để cho anh thoát sau khi anh tát thằng sỹ quan thì sẽ thấy cuộc sống hiện nay như thế nào. Tình hình ngày một gay go ác liệt nhưng thắng lợi sẽ không lâu đâu, em ạ!
- Sáng nay, một quả lựu đạn nổ ở chợ Đuổi chết ba thằng lính; làm bị thương hai, trong đó có một thằng sĩ quan. Truyền đơn ném vào con đường đón thằng Na-va làm nó thất kinh, thiết quân luật hai đêm liền cũng chẳng làm gì được ai. Tất nhiên, mình cũng phải cảnh giác để giảm bớt những hy sinh trong lúc này.
Im lặng trong một lúc, Khiết hỏi:
- Em đã chuẩn bị đầy đủ chưa?
- Có gì đâu, anh. Em chỉ lo cho những người ở nhà. Nhiều lúc em nghĩ hay là em ở lại, em cũng có thể giúp mọi người một cái gì, khi cần thiết - Hy băn khoăn.
- Em cứ yên tâm đi, đừng tính toán quanh quẩn nữa. Em phải nghĩ đến khả năng xấu là ở lại sẽ rơi vào tay chúng thì sao? Khi em đi rồi các anh sẽ tổ chức đấu tranh chống bắt lính ở các trường học. Mẹ sẽ ra đồn cảnh sát trình là em bị bắt lính trong lúc đi học.
- Buổi chiều, em thấy mẹ đi mượn xe bò của bà Đôi, em sợ bà ấy biết thì phiền lắm.
- Bà ấy không phải là người đáng sợ đâu, em ạ!
Khiết nói và đứng lên, giơ tay:
- Chúc em đi an toàn và gặp nhiều may mắn nhé! Bây giờ anh phải đi có việc.
Hy nắm chặt tay anh Khiết.
*
* *
- Hy ơi, - Mẹ gọi. Gọi rất khẽ, gọi vu vơ chứ chẳng vì việc gì. Mẹ muốn biết con thức hay ngủ. Lòng mẹ nhẹ nhõm hẳn đi khi không nghe tiếng con trả lời. Như vậy là con đã ngủ. Ngủ được, ngày mai đi, con sẽ đỡ mệt. Đêm mai con sẽ ở đâu, trong ngôi nhà nào?
Mẹ ngồi dậy, tìm bao diêm châm đèn. Mẹ mở gói quần áo của Hy ra xem từ cái áo cái quần đến những thứ lặt vặt. Mẹ cảm thấy con còn thiếu nhiều thứ mà mẹ chưa lo cho con được. Cái áo bông cũ mỏng quá, bông đã giạt mà mùa đông đã đến nơi rồi!
- Mẹ ơi! - Hy đã thức dậy và gọi. - Mẹ đi ngủ đi!
- Sắp sáng rồi! Con cứ ngủ lúc nào đến giờ mẹ sẽ gọi.
Mẹ cầm đèn đi xuống bếp, nhóm lửa. Mẹ thổi cơm và rang vừng. Cơm hơi nát và không độn. Cơm chín, mẹ nắm lại thành những nằm dẹt.
Hy đã dậy. Chị Hạnh thì thầm với em những điều gì đó và đưa cho em những tờ giấy rồi chị đi ra trước sân tìm cái thừng buộc càng xe.
- Cô Hạnh ơi, đi đấy à? Tiếng bà Đôi hỏi và liền theo, một bóng người nhỏ bé gầy gò lướt đến.
- Thuấn có nhà không bà? - Hạnh hỏi.
- Nó đi từ tối đã về đâu. - Bà Đôi thở dài. Đêm qua tôi đào xong cái hầm rồi.
- Cỏ đâu, bà?
- Đây! Đây! - Bà Đôi chạy ù vào trong bếp bê ra hai sọt cỏ.
Hạnh đổ cỏ vào xe bò và để bọc quần áo của Hy xuống dưới, phủ cỏ lên trên. Một lúc sau, đã có một cái xe chở đầy cỏ để ở trước cửa.
- Hy ơi, thay quần áo đi, em! - Hạnh đưa bộ quần áo của mình cho Hy và nói khẽ.
Hy thay quần áo, chít khăn vuông và cầm cái nón. Thoáng cái, trong nhà có thêm một cô con gái. Cô gái này mặt xương xương, trán cao, mũi thẳng, trông có vẻ cứng cỏi hơn là xinh đẹp.
- Gặp ai, hỏi gì em cứ để mẹ trả lời chứ đừng lên tiếng nhé! Có gặp việc ngang tai chướng mắt cũng cứ làm ngơ đi đừng để lộ mình, nguy hiểm lắm. Đi thì phải đến nơi đến chốn chứ đừng vì những việc giữa đường mà làm hỏng việc chính. Tính em hay nóng nảy, cần phải biết kiềm chế, đừng để va chạm. - Chị Hạnh vừa nói vừa sửa lại quần áo cho em.
- Chị hãy tin ở em. - Hy nói rồi đi ra đi vào vừa đi vừa nhìn ngắm mình và tủm tỉm cười.
Bên ngoài, trời rạng dần. Một ít mây màu vỏ chai bay là là trên những nóc nhà cao bồng bềnh, bồng bềnh.
Mẹ đội nói đi trước, tay xách túi cơm nắm, xem xét xe bò rồi nhìn quanh. Ngoài đờng đã có nhiều người đi lại, hối hả, vội vã. Bà Đôi đang hí húi đun nấu gì ở tron bếp, chả có ai chú ý gì đến bà và cái xe cỏ nát. Bà gọi vóng vào trong nhà:
- Hạnh ơi! Đi nhanh lên, con!
- Dạ, con đi ngay đây ạ! - Tiếng Hạnh đáp rất to và liền theo tiếng nói. Hy đi ra, đỡ càng xe bò và kéo đi. Mẹ đẩy phía sau. Bà Đôi nghe tiếng bánh xe kêu lộc cộc trên đường vội vã chạy ra, nhìn theo:
- Hai mẹ con cô Hạnh chịu khó gớm! - Bà nói rồi tựa lưng vào cửa nhìn theo. Con đường gạch cũ lát nghiêng lở vỡ, giữa những đám bùn lầy lụa sau đêm mưa phùn nổi lên những mảnh gạch đỏ như son.