Ngõ Cây Bàng - Chương 10 (Hết)
- HY ơi! - Mẹ gọi. - Vọng ơi! - Mẹ lại gọi tiếp. – Sáng rồi kìa! Dạy thôi chứ? Bạn bè người ta đi hết cả rồi. Ngũ mãi muộn giờ đấy!
Mẹ gọi nhưng rồi nghĩ lại thương, chúng nó đang tuổi ăn, tuổi ngủ, đêm qua Hy đi dạy bổ túc đến khuya mới về lại ngồi học bài. Còn Vọng thì vừa học vừa gỡ gai.
Mẹ nhóm bếp, nấu cơm. Cơm cạn, Hy dạy, cơm chín thì Vọng thức. Mẹ nắm cho hai đứa hai nắm cơm: một to, một nhỏ, mỗi đứa một gói muối vừng và một chai nước.
- Hai anh em mày có đi cùng đường không? Mỗi đứa mỗi nơi à? Thế thì phải cẩn thận đấy. - Mẹ nói và chải tóc cho Vọng - Trời nắng như đổ lửa thế này còn phải giữ gìn chứ không bị cảm là lăn quay ra, lấy cái khăn mặt để thêm vào trong nón mà che nắng. Cho con quả chang có khát thì bóc mà ăn.
Mẹ nhìn con gái trong ánh sáng xanh của ngày:
- Mới lao động có ít ngyaf mà da đã đen nhẻm như thế này, nhưng mà nom con khỏe hơn đấy, Vọng ạ!
Vọng thấy mẹ nói đúng. Da nó sẫm hơn, các bắp tay, bắp chân cứng hơn. Môi thì đỏ chót. Vọng đã biết gánh biết cuốc đất và biết thế nào là công việc đồng áng, mùa màng – nó đã biết Hà Nội (trong đó có Ngõ Cây Bàng của Vọng) được bao bọc giữa một vòng đai xanh biếc những rau lúa ngô khoai sắn của những cánh đồng ngoại thành như một vòng tay mẹ ôm chặt lấy đứa con của mình.
- Cháu đi lao động đấy à? - Bà Kẹo đứng đón Vọng ở cửa không biết từ lúc nào mà khi cửa vừa mở bà đã bước vào nhà. – Cháu cho bác nhờ tý việc nhé! – Bà nói và đưa cho Vọng tờ giấy bà cầm ở tay. – Cháu đưa tờ giấy này cho cô giáo Oanh hộ bác nhá. Cái My nhà bác hôm qua bị cảm đấy, cháu ạ! Cả đêm bác chả ngủ được một tí nào, cứ lúc lúc nó lại hét lên nghe sợ sợ là!
Vọng cầm tờ giấy đến lớp đưa cho cô giáo. “Cũng có thể là My ốm thật, cũng có thể là không phải. Chả nhẽ suốt từ ngày đi học, cứ ngày nào lao đọng là My lại ốm hay sao?”. Cũng có lần Vọng nói thẳng với My:
- Mày lười cả học cả làm như thế không tốt đâu.
- Mày thì giỏi lắm đấy! Hợm thế! – My nói và bỏ đi, suốt mấy ngày hai đứa không nói chuyện gì với nhau.
- Em thấy My có ốm thật không? – Cô giáo hỏi Vọng.
- Em không biết ạ! Mẹ bạn ấy đem giấy đến.
- Thôi được rồi, chốc nữa cô sẽ đến nhà My, bây giờ chúng ta bắt đầu đi làm nhé!
Đấy là những bãi đất lớn đã xan phẳng. Những hồ ao đang lấp dở. Những bãi rác khổng lồ từ bao nhiêu năm nay nơi trú ngụ của những kiếp người lầm than nơi những đứa trẻ và bà già suốt ngày cúi mặt xuống bới lên những chai lọ, mảnh giẻ, bao túi ny-lông… mà cả thành phố đổ ra đấy để tìm lấy, để níu kéo chút ít hơi thừa của cuộc sống. Nắng nồng, mùi hôi hám xông lên đã làm nhiều người gục ngã úp mặt trên đống rác mà chết.
Bây giờ tất cả đang được lấp đi, tất cả đang được san bằng để xây trên đó những ngôi nhà và trường học.
- Các em nhỏ thì làm việc nhẹ: chẻ tre làm rào cho mảnh đất này. Đây sẽ là khu vườn thực nghiệm - để các em trồng trọt và học thí nghiệm. – Anh Khiết nói và đưa cho Vọng một con dao. Anh cùng những thanh niên san nền.
Vọng chẻ nứa. Nứa sát vào bàn tay rát bỏng. Gió thổi thốc tràn trề trên vạt đất trống. Vọng hình dung ra những gì sẽ được xây dựng lên trên đất và chắc rằng khi đó Vọng đã lớn lắm rồi.
- Giải lao các em ơi! Mời các em lại đây ăn mía! – Cô giáo Oanh nói. Vọng rửa tay và nhận được một tấm mía rất mẫm. Gió bay cát tung vào trong nắng. Buổi trưa đã đến. Tất cả vào nghỉ trong lán nứa, nằm trên những tấm liếp, trên những tấm tôn nóng bỏng sau bữa ăn trưa với cơm nắm, ít thức ăn nguội và chai nước. Vọng úp cái nón lá lên mặt. Những đứa con gái nằm xếp một lượt trên tấm liếp. Chúng cố ngủ lấy một chốc. Gió lùa cát bay vào trong tóc, vào lưng áo vào cổ rậm rạp. Mồ hôi vã ra rồi lại khô thấm đi ngay trong gió và trong nắng. Trong tiếng cười…
Vọng nhắm mắt lại. Vọng thấy mình như đang nằm trên một con thuyền – con thuyền đang đi giữa một dòng sông – sóng gió chòng chành và nước đầy nóng rực.
- Các em cất tất cả sách vở vào trong cặp chuẩn bị giấy bút, còn hai phút nữa cô sẽ đọc đầu bài thi.
Vọng gập sách vào, bỏ xuống ngăn bàn đem tờ giấy đã kẻ sẵn để ra trước mặt, nhìn thẳng phía trước. Trong lớp, tiếng gập sách vở rào rào.
Đề thứ nhất: Toán: Các em chú ý nghe cô đọc một lần, lần sau hãy chép nhé!
- Vâng ạ! - Cả lớp đồng thanh đáp rồi ngồi im phăng phắc nghe cô giáo đọc. Cô đọc chậm chạp, rõ ràng một lần rồi một lần nữa. Tất cả vội vã chép vào tờ giấy và tìm nháp.
Bàn tay Vọng đặt trên giấy đen cháy. Nắng gió của cả một mùa lao động đã nhuộm nước da Vọng thành khỏe khoắn. Vọng không nghỉ một buổi lao động nào và đến tối, Vọng lại thức học bài. Tất cả những bài học ấy trong khi lao động, Vọng tưởng như nó có thể quên đi, trôi mất đi đâu nhưng lúc này trước trang giấy trắng, tất cả lại lần lượt hiện ra như một sự bù đắp công bằng. Vọng viết luôn vào giấy không cần nháp. Không cần nháp nhưng Vọng biết mình làm đúng và chữ rất sạch.
Cô giáo Oanh đi lại quanh lớp, nhìn suốt lượt. Cô dừng lại bên cạnh Vọng, cầm tờ giấy bài làm lên xem rồi lại đặt xuống.
- Thưa cô, em làm thế có được không ạ? - Vọng hỏi.
- Tốt. Nhưng em nên xem lại câu chữ, lỗi nhỏ cũng trừ điểm đấy nhé!
Vọng cầm tờ giấy lên xem lại. Bỗng nó giật mình. Có một bàn tay quờ quờ cào phía sau lưng như cái vuốt nhọn của con mèo. Vọng kéo lại vạt áo. Một tờ giấy nhỏ chuồi vào trong tay Vọng. Vọng nhìn cô giáo. Cô giáo đang xem bài của thằng Phi, đầu cô gật gật. Vọng cúi xuống che tay, đọc tờ giấy: “Mày đưa cho tao mượn bản nháp rồi về nhà mày muốn gì tao cũng cho”. Vọng vò tờ giấy cho vào mồm nhai rồi cúi xuống nhìn vào bài làm. Cái vuốt con mèo lại cào phía sau lưng. Hình ảnh cửa hàng tạp hóa lại hiện ra với đủ thứ hàng, thứ gì Vọng cũng cần, cũng thiếu. Nhưng… Vọng ngẩng lên nhìn cô giáo vừa lúc cô giáo nhìn Vọng. “Mình không giúp thì nó sẽ trượt, giúp nó thì mình sai, mình khuyến khích sự lười biếng. Hơn thế nữa, nó sẽ khinh mình, nó hợm của. Không giúp, nó sẽ giận mình và hai đứa sẽ bỏ nhau”. Vọng nhìn tờ giấy nháp. Chẳng có gì ngoài mấy con số. Chỉ cần viết đáp số vào lia cho nó là xong. Vọng gập tờ giấy lại, nắm chặt trong tay. “Không, mình không thể làm như thế được! Nó giận mặc nó, bỏ nhau cũng được!”.
- Các em chú ý, chỉ còn mười lăm phút nữa. - Tiếng cô giáo nhắc.
Vọng thấy nóng mặt. Vọng cầm bài toán lên xem nhưng đầu óc lại nghĩ ở đâu. Cái móng con mèo lại cào ở sau lưng Vọng và một bàn chân đạp vào chân Vọng.
- Em nào làm xong nộp cho cô rồi ra sân chơi. Cô giáo nói rồi đi đến chỗ Vọng, chìa tay ra cầm tờ giấy – Em có thể ra ngoài.
Vọng đứng lên, người nhẹ bỗng. Vọng đi ra cửa. Đến cửa. Vọng quay lại nhìn. Vọng không thấy gì ngoài đôi mắt cau lại của Hổng. Vọng thở dài quay nhìn đi chỗ khác “Mình không có lỗi gì với Hồng cả”. Hồng không làm được bài thi như vậy tức là nó cũng tìm thấy đáp số của sự lười biếng. Vọng nghĩ và chạy ra sân nhảy tung lên trong nắng.
Đó là một ngày tháng sáu, nắng rực rỡ, chói lọi – cái nắng của mùa thi đầu tiên trong đời. Hoa phượng, hoa gạo đốt trời từng bông cháy đỏ. Những vòm lá xanh nhức mắt. Bầu trời như được nâng bổng lên cao tít, cái gì cũng chói lọi, gay gắt. Người ta như bị ngạt thở trong nắng nhưng Vọng lại thấy người nhẹ nhõm vô cùng. Nắng gay gắt đỏ chói cũng không làm Vọng sợ hãi vì thế nên nó cứ chạy nhảy như một con cào cào trong đồng lúa tháng ba. Mồ hôi đầm đìa khi nó bước vào lớp.
- Em ốm hay sao mà mặt đỏ bừng như thế kia?
- Thưa cô, em không làm sao cả. - Vọng ấp úng trả lời cô rồi đi vào chỗ ngồi, tiếp tục cuộc thi. Đời người có bao nhiêu cuộc thi nhưng Vọng sẽ nhớ nhất cuộc thi này – đó là kỳ thi đầu tiên trong đời – đó cũng là kết thúc gần như cả tuổi thơ cay cực của một con người để bước sang giai đoạn khác. Một mùa hè đặc biệt với bao nhiêu biến chuyển của những người thân yêu trong gia đình bạn bè, bà con xóm giềng. Anh Hy đã vào đại học. Chị Hạnh chính thức được công nhận là công nhân nhà máy dệt sau kỳ thi tay nghề., chọn thợ giỏi, và cũng là ngày anh Khiết vào đại học. Hòa bình rồi, hết thằng Tây, anh trở lại với ngành y của mình. Anh mong muốn trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mọi người. Tất nhiên anh chữa bệnh cho bộ đội là chính vì anh là bộ đội đi học y khoa. Trước ngày anh nhập trường sau đợt lao động của thanh niên xây dựng khu phố. Ngõ Cây Bàng có đám cưới đời sống mới – đó là đám cưới đời sống mới đầu tiên trong ngõ. Thật là vui vẻ và nhộn nhịp! Cô dâu chú rể ăn mặc vẫn như thường, bà con kháo nhau ầm cả lên và đi xem đông đúc. Hai họ kéo nhau vào cả trong trụ sở (nhà Cai Thực đã trở thành trụ sở của nhân dân để sinh hoạt hội họp). Bàn ghế, cờ hoa, chim hòa bình bay quanh tên họ cô dâu chú rể. Bà con đến rất đông. Có cả đàn sáo của ban Văn nghệ biểu diễn mấy tiết mục chào mừng. Chè xanh, thuốc lá điếu, kẹo giấy bóng mờ và trầu cau. Tất cả hát, nói chuyện và chúc mừng. Ông cụ Vàng đại diện cho các cụ phụ lão làm chủ hôn đứng lên chúc cô dâu chú rể bách niên giai lão. Bà Vú Êm đại diện phụ lão bà tặng quà cô dâu: đôi sổ tay và hai cây bút máy có dòng chữ: vui duyên mới không quên nhiệm vụ. Anh Bảo phụ trách thanh niên tặng bộ tiểu thuyết “Pa-ven Coóc-xa-ghin”, chị Liêm đại diện phụ nữ tặng gói quần áo trẻ con may sẵn.
- Sao hai anh chị không cưới luôn một thể cho tiện? - Người ta hỏi Bảo và Liêm. Cả hai chỉ cười. Mãi mới nghe Bảo nói:
- Các em đang kỳ thi, đợi nghỉ học kỳ đã ạ!
Anh Khiết đốt hai bánh pháo nối vào nhau. Tiếng pháo nổ trong mùa hè nóng bỏng đem đến một cảm giác lạ lùng. Nhưng mà vui. Xác pháo, khói pháo mùi thơm của pháo làm bọn trẻ con như say như mê đi.
Mùa hè năm ấy cũng là mùa bắt đầu tất cả các nhà trong ngõ đều có điện. Ánh điện chan hòa lung linh chạy dài theo những hàng cột xi-măng suốt từ đầu ngõ đến cuối ngõ.
Vợ chồng anh Bình đóng cửa hàng thợ may nhỏ bé của mình lại để đi làm ở xưởng quân nhu:
- Hòa bình rồi, mặt trận vẫn còn ở nơi khác. Còn kẻ thù, chúng ta còn phải chiến đấu, tôi làm như thế này cũng là góp phần chiến đấu đấy chứ?
Chợ Khâm Thiên đã bắt đầu xây dựng. Trên vùng đất đầy ao hồ, bãi rác với những túp lều con cứ có gió mạnh là ngã bổ ngửa ra đằng sau, nay mọc lên những ngôi nhà, những quầy hàng vuông vức, nhiều ô, nhiều ngăn…
- Hy đi đâu rồi? - Chị hỏi và nhìn cái giường bỏ trống.
- Anh ấy đi thực tập ở khu Bốn – Anh ấy đi làm cầu… - Ân trả lời, mắt vẫn không rời quyển sách toán. Nó rất thích toán và say mê khoa học. Đôi mắt nó ngày như một to hơn, lúc nào cũng mở tròn và như mơ mộng xa xôi. Nó hay hỏi những câu ngộ nghĩnh làm cả nhà phải bật cười:
- Mẹ ơi, mẹ se gai thế này thì chẳng mấy chốc mà buộc vòng quanh được quả địa cầu đấy, mẹ nhỉ?
Những đêm trong trẻo và nhiều sao, Vọng và Ân hay ra sân sau, ngồi trên thành giếng ngẩng mặt nhìn trời. Vọng thì cố nhìn, cố nghĩ xem làm cách nào, dùng màu gì để thể hiện được cái sâu thăm thẳm của đêm và cái xa lăng lắc của những ngôi sao. Còn Ân thì lại muốn biết ở trong bầu trời kia có gì mà sao kì lạ. Nó nghĩ nhất định là trong những ngôi sao ấy có người ở.
- Biết đâu ở trên ngôi sao lại không có cái ngõ nhỏ có những cây bàng và bà cụ ngôi xe gai suốt cả ngày… Ân nói.
Mọi người cười ầm lên.
*
* *
Một khuôn mặt tròn, hai mắt lá dăm dài hơi be bé khi cười cứ nhăn lại, cái mũi hơi gẫy ở giữa, cặp môi cong cong, một nốt ruồi xanh bên mép ghé vào cửa sổ, mùi nước hoa thoang thoảng.
Khi đó Vọng đã học lớp bảy, năm cuối cùng của cấp hai, lại cũng đúng vào những ngày đầu hè, những cây bàng đang ra lá non. Tuy phải chuẩn bị để tham gia hai kỳ thi trong một tháng nhưng Vọng không thể nào không vẽ một bức tranh với những búp bàng trên cành khô gày và màu xanh kì lạ của lá non tươi cứ bóng lên như có xoa dầu. Vọng cảm thấy bất lực vì không tạo ra được cái bóng trơn ấy trong bức vẽ của mình thì khuôn mặt ấy nghiêng xuống che rợp một nửa bức vẽ. Vọng ngẩng lên:
- Hồng đấy à? Có việc gì thế mày?
- Tao sắp đi xa, đến chào mày. - Hồng nói và nhoẻn miệng cười.
- Mày đi đâu đấy? Sao đang học lại bỏ đi? - Vọng buông bút đứng lên kéo tay Hồng vào trong nhà.
- Tao đi văn công, múa hát.
- Nhà mày có điều kiện cố học có được không, đi bây giờ dở dang hết. - Vọng nói và ngạc nhiên thấy mái tóc của Hồng mới uốn xoăn tít, trông nó lớn hơn đến mấy tuổi. - Sắp kỳ thi rồi…
- Thi ngộ nhỡ trượt thì sao? Tốt nhất là chuồn trước. Mà học xong mày nghĩ xem làm gì? Đi văn công tha hồ bay nhảy, tự do mà lại không vất vả.
- Nhưng mày có khả năng gì?
- Tao không có khả năng gì nhưng tao có chú tao. Mày biết rồi đấy. Chú tao quen thuộc nhiều, chú tao xin cho tao vào đoàn văn công. Vào đó rồi tao sẽ học các môn nghệ thuật xem có khả năng gì thì làm nấy.
Vọng ngồi lặng đi trong khi Hồng cầm cái bút lông đầy màu vẽ lằng nhăng lên một tờ giấy, vẻ nghĩ ngợi.
- Bao giờ mày đi? - Vọng hỏi.
- Một hai hôm nữa thôi. Tao có việc muốn nhờ mày.
- Cứ nói, nếu tao làm được thì tao sẽ làm.
- Việc ấy thì ai chẳng làm được nhưng tao thích mày làm….
- Cứ nói đi. Nếu tao không thích thì tao cũng chẳng làm đâu.
- Tao tin là mày thích. - Hồng nói, đôi mắt liếc dài. – Mày đưa thư này hộ tao cho Phi…
- Thư gì thế? Sao mày không đưa lấy mà lại phải nhờ tao?
- Bí mật! – Đôi mắt Hồng nheo lại, cái mũi chun chun – Tao chỉ muốn nói cho mình mày biết. Tao và Phi yêu nhau. Hôm trước tao với nó có đi chơi công viên Thống Nhất, nó hỏi tao sau này làm gì tao bảo sắp đi văn công, nó có vẻ không thích tao bỏ học giữa chừng. Nhưng nếu không bỏ giữa chừng thì đi văn công ngay sao được. Vả lại, sắp thi rồi. Con gái lớn lên lấy chồng thế là hết! Đàn bà không cần phải học nhiều!... Đi văn công được bay nhảy, dễ được đi nước ngoài dễ nổi tiếng lắm, mày ạ!
- Thích thì cứ đi thôi việc gì sợ ai không bằng lòng?...
- Mày rõ chán! Tại vì tao thích nó. Nó đối với tao rất tốt. Hôm xưa bố nó khánh thành tuyến đường sắt Hà Nội - Mục Nam quan nó bảo bố nó cho cả tao ngồi lên tàu đi lên tận trên ấy xem nhé! Nó là đứa có trí, nó đẹp trai đấy chứ?
- Tao không nghĩ đến những chuyện ấy…
- Vâng, “chị” thì chỉ lúc nào cũng vẽ mới vời! Con gái lớn lên đứa nào tốt phúc mới có người yêu sớm. Mẹ tao bảo thế. Tao mười lăm tuổi rồi còn gì. Mẹ tao ngày xưa lấy chồng từ năm mười bốn…
- Sao mày không lấy chồng đi, lằng nhằng gì? Thôi xê ra cho tao làm việc! - Vọng gạt Hồng ra một bên. Bức vẽ còn dở dang làm Vọng thấy sốt ruột quá. Nhưng Hồng lại sán vào: ghé sát vào mặt Vọng:
- Tao đi rồi mày tha hồ vẽ. Bây giờ đưa thư này hộ tao và nói giùm tao là tao không quên nó, dù tao có đi xa. Nó cứ việc đi học và làm kỹ sư, bác sĩ gì thì tùy nó…
Hồng nói và đặt vào tay Vọng một lá thư dày cộm. Vọng nhìn qua những dòng chữ trên phong bì và phát hiển ra hai lỗi chính tả.
- Mày chữa lại không nó cười cho đấy! - Vọng đưa lá thư lại cho Hồng nhưng Hồng không cần xem lại, gạt đi:
- Cười hay là khóc? Thôi, tao đi nhé!
Từ ấy về sau, Vọng rất ít khi gặp lại Hồng. Nó đã vào đoàn văn công và đi nhảy múa ở mãi tận đâu. Mỗi khi về thăm nhà ăn mặc cực kì sang trọng. Nó biết hóa trang và nhiều quần áo đẹp nên nhiều khi Vọng không nhận ra nó nữa. Phi hình như vẫn yêu nó nhưng anh chàng có vẻ kín đáo tợn, có một lần Vọng bắt gặp hai người đi chơi với nhau, khi đó Phi đã vào đại học và Vọng bắt đầu vào trường Mỹ thuật.
Nhưng rồi gần tết năm ấy nhà bà Ba Tần rộn rịp lễ ăn hỏi. Hồng sắp lấy chồng! Nghe nói chồng Hồng nhiều tuổi nhưng nhà giàu, đám ăn hỏi mà đi những hai ô-tô. Vọng bỗng thấy thương Phi quá đỗi khi cầm trên tay lá trầu không tươi xanh và chùm cau to tròn với gói chè gói mứt. Vọng chạy sang nhà chị Phẩm vừa đúng lúc chị đi chợ về.
- Phi nó đi lên chỗ bố nó hai hôm nay rồi. - Chị Phẩm nói.
- Lên chơi hay có việc gì ạ? - Vọng hỏi.
- Nó sắp đi bộ đội.
Vọng quay về nhà và rất khó chịu khi nhận được mảnh giấy ai ném ở bàn: “Mày đi phù dâu cho tao nhé. Quần áo và trang sức mày khỏi lo. Hồng”. Vọng bực tức lấy cái bút viết xuống dưới mấy chữ: Tôi không có thì giờ. Xin lỗi. Và bảo Ân cầm đến nhà Hồng, rồi lấy xe đạp đến trường.
Ngày hôm sau, Phi vừa về thì Vọng đến.
- Này, nhân danh tình bạn, tôi hỏi cậu, có phải vì cái Hồng mà cậu đi bộ đội không?
- Ô, sao cậu lại nghĩ thế? Tôi đâu kém thế! Vì miền Nam hiểu chưa? Hồng là cái gì mà tôi phải bỏ học? Cậu phải xin lỗi mình vì ý nghĩ đó đi…
- Thôi được, thế thì tốt. Chúc cậu thắng lợi. Khi nào lên đường chúng ta sẽ tổ chức liên hoan một bữa…
Nhưng ngày Phi lên đường thì Vọng đang đi thực tập nên cũng chẳng có liên hoan và đưa tiễn. Có một việc trùng hợp đến lạ kì là cái thiếp cưới của Hồng và cái thư ngắn của Phi để lại nhà chào Vọng lên đường lại cùng một ngày.
Hà nội, 1975-1980
N.T.N.T