Ngõ Cây Bàng - Chương 09
- ANH Khiết ơi! Anh Khiết!
Hạnh gọi và chạy theo Khiết. Vai đeo ba-lô, đầu đội mũ cát, chân đi dép cao su đen và với bộ quần áo màu nhạt. Khiết ngơ ngác đi vào trong ngõ y như lần đầu tiên anh đến đây hoặc như một người lạ mặt, một người nào khác chứ không phải là Khiết, một người đã sống ở đây nhiều năm. Càng ngạc nhiên hơn là anh lại không nhận ra cả Hạnh - người chờ đợi anh bao tháng ngày và mong anh từng giờ phút, người mà nhẽ ra anh phải nhận thấy từ xa. Vẻ ngơ ngác như là anh đang tìm ai khác. Hay là anh đang tìm người khác? Hạnh dừng lại không đuổi theo Khiết nữa. Nhưng cũng đúng lúc ấy Khiết nhìn thấy Hạnh. Anh nhoẻn miệng cười. Một nụ cười rộng rãi và thoải mái. Anh chạy tới chị, giơ tay ra như định ôm choàng lấy chị. Hạnh né người và nhìn quanh.
- Ngõ phố ta thay đổi nhiều quá. Anh cứ tưởng mình đi lạc, cả em nữa, anh cũng không nhận ra.
- Em có thay đổi gì đâu. Có anh khác nhiều thì có. - Hạnh vừa nói vừa giơ tay đỡ cái ba-lô trên vai Khiết. Nhưng Khiết chỉ đưa cho Hạnh cái túi cầm tay:
- Quà của em đấy. Anh thay đổi nhiều lắm à?
- Anh béo hơn, trắng hơn, trông đẹp trai hơn trước, trông anh rõ ra một anh cán bộ. Không còn đâu dáng vẻ một anh thợ cạo trước đây nữa. - Hạnh nói và cố nén niềm vui đang dào trên trong lòng. Chị cầm cái túi nặng trĩu những quà bánh. – Anh chu đáo quá. Anh về không báo trước để em chuẩn bị đón anh…
- Vẽ vời! Anh có phải là khách đâu… Này, - Khiết đi sát cạnh Hạnh giọng thấp xuống - Thời gian anh đi vắng có đứa nào trêu em không?
- Em có phải là trẻ con đâu mà anh sợ trêu!
- Thế mà những ngày xa em anh cứ nghĩ ra bao nhiêu chuyện, có đêm mất cả ngủ… - Khiết nói và cười một cách hồn nhiên. Hạnh cũng cười, hai má đỏ lựng.
Họ đi cạnh nhau trong ngõ hẹp. Nắng chan hòa và Hạnh thấy cuộc đời mình bỗng như đổi khác. Tất cả đều đổi khác. Cái ngõ nhỏ thân yêu với những cây bàng già cỗi đầy lá đang độ xanh tươi quen thuộc bỗng như lạ đi. Cái gì như cũng lung linh, kỳ ảo.
- Anh đã về quê chưa? - Hạnh hỏi, chân bước như trôi đi trong nắng.
- Anh về rồi. Mẹ vẫn khỏe và hỏi về em rất nhiều. Anh có đưa cho mẹ xem ảnh em. Mẹ có gửi cho em một miếng lụa đen để may quần. - Khiết nói và đi sát vào người Hạnh. - Mẹ bảo chúng mình cưới đi để mẹ có cháu bế. Em thấy thế nào?
Hạnh vấp vào một hòn gạch, mặt nóng bừng. Ngượng ngùng và sung sướng làm Hạnh đi không vững. Bao nhiêu điều định nói với Khiết bỗng nhiên quên hết. Kìa! Cái Ân đang chạy đến vừa chạy vừa reo, theo sau là cái Vọng. Thoáng cái, chúng đã vây quanh hai người. Phút chốc, Hạnh thấy mình đi giữa đám trẻ và tiếng cười nói lao xao.
Trước Khiết và sau Khiết có bao nhiêu người đã ra đi nay lại trở về trong ngõ nhỏ. Người đầu tiên phải kể đến là anh Phẩm “gác ghi”. Sự trở về của anh thật đặc biệt. Gần như cả cái ngõ nhỏ dài hơn một cây số này đón anh. Hôm ấy là ngày mùng 1 tháng năm, ngày hội của những người lao động. Tất cả các xóm: xóm nhà lá, xóm hồ cây sữa, xóm hồ dài, xóm chợ đều treo cờ, treo đèn kết hoa đỏ rực.
Nhà chị Phẩm rộn rịp từ hai ngày trước. Đầu tiên mấy đứa trẻ đem thùng đi gánh nước về cọ nền nhà. Chỉ một lúc sau những viên gạch đỏ tươi lên. Chị Phẩm đi tìm chị Liêm:
- Báo cáo với tổ trưởng, nhà tôi có việc bận chị cho tôi nghỉ hai ngày. Tôi biết dị mùng Một tháng Năm hoa quả và rau về nhiều phải phục vụ nhiều hơn nhưng, cái việc nhà cũng cần, tôi không thể…
Vẻ ngượng ngùng, bối rối hiện lên trên khuôn mặt gầy xanh và nụ cười đi vắng bao lâu nay mới trở lại làm chị Phẩm như trẻ ra mấy tuổi. Một lát:
- Nhà tôi, anh ấy về, cô ạ. Đồng chí phụ trách đoạn đầu máy xe lửa mới đến nhà báo tin…
- Anh Phẩm về! Thế thì hay quá, chị cứ nghỉ đi, chị ạ - Chị Liêm nói như reo.
- Cô thông cảm nhé, các cháu nhà tôi còn nhỏ, nhà cửa bề bộn, có mấy mẹ con ăn uống thế nào cũng xong nhưng anh ấy đi xa lâu ngày mới về cũng phải sửa soạn một tý. - Chị Phẩm nói. – Tôi nghỉ rồi tôi làm bù.
- Chị cẩn thận quá. Chị cứ nghỉ đi, chị em sẽ làm bù thay. Đây, chị cầm cân cam đem về biếu anh, quà của chị em ở cửa hàng đấy.
- Cô chu đáo quá! Cảm ơn cô.
Chị Phẩm trút cân cam vào túi rồi đi về nhà dẫn năm thằng con ra mậu dịch mua cho mỗi đứa một bộ quần áo, một đôi dép mới.
- Mẹ không mua gì cho mẹ cả à? – Phi hỏi và nó ngạc nhiên khi thấy mắt mẹ nó đỏ hoe.
- Giá còn em Phác bây giờ nó cũng chạy nhanh, nói sõi rồi. Ban nãy, lúc ở trong mậu dịch mẹ trông thấy một bộ quần ào nhung cỡ thằng Phác mặc vừa…
- Thôi, mẹ ạ! - Thằng Phi nắm tay mẹ, mẹ nên may áo cho mẹ đi, nếu không, con không mặc bộ quần áo mới này nữa đâu.
Chị Phẩm cười gượng và để cho các con vui lòng chị mua cho một mình cái khăn hoa và đôi dé mới.
- Mẹ ơi, thế mai bố tự về hay mình đi đón? – Đám trẻ hỏi.
- Bác ở ngoài đoạn đầu máy xe lửa bảo mẹ và con nên đi đón bố.
Xóm nhà lá tưng bừng vì nhà chị Phẩm. Nghe tin anh Phẩm sắp về mọi người sang hỏi thăm tin tức và chúc mừng. Nhà sáng choang, đèn điện được lồng trong cái đèn ông sao tỏa ánh áng rực rỡ như ngày tết.
Đám trẻ thao thức suốt cả đêm chờ sáng. Khi con gà trống ngoài chuồng vừa cất tiếng gáy ra sân lấy nước lã đắp lên mặt rồi lấy quần áo mới ra để sẵn và đánh thức từng đứa em dậy. Đầu tiên là đứa lớn, sau đến đứa bé. Không sáng nào đám con chị Phẩm thức dậy nhanh đến thế. Thoáng cái đã thấy chúng ngồi một lượt ở trên giường trong những bộ quần áo mới tinh sột soạt, mặt đứa nào cũng được lau rửa sạch sẽ và tóc chải mượt.
Nhưng trời vẫn chưa sáng!
- Phi bảo các em ngủ thêm lúc nữa đi, cho đỡ mệt, sớm quá đi đâu được! - Chị Phẩm vừa nấu cơm vừa bảo con.
Đám trẻ mở cửa nhìn thấy trời con tối đen thì lại vào nhà lên giường nằm để nguyên cả những bộ quần áo mới và ngáy pho pho cho đến lúc trời sáng bạch và cơm đã chín từ lâu chúng mới choáng choàng thức dậy.
- Muộn mất rồi, mẹ ơi! - Những đứa trẻ lo ngại nhìn ra ngoài trời nhưng khi đã no cơm và mấy mẹ con ra đến ga thì con tàu chở bố Phẩm vẫn còn ở tận đâu xa tít. Người ta mời mấy mẹ con vào trong ga ngồi chơi nhưng những đứa trẻ chỉ uống xong chén nước là chạy ngay ra ngoài.
Nhưng khi con tàu tới, một con tàu dài treo đèn kết hoa đỏ rực từ phương bắc về là lúc những đứa trẻ chơi đùa chạy nhảy đã mệt nhoài, những bộ quần áo mới đã lấm bụi, chúng đang ăn kem, vừa cầm que kem vừa chạy, chân nhảy cẫng lên, miệng reo hò và tay vẫy rối rít. Khi đoàn tàu vừa dừng lại ở sân ga, đám trẻ lao lên và sục sạo tất cả các toa để tìm bố nhưng không thấy bố đâu, chúng chạy lại tìm mẹ và thằng cu út mắt đã đỏ hoe sắp khóc, thì một người đàn ông mặc quần áo xanh đội mũ lưỡi trai từ phía sau đi tới. Người ông cao và lưng như hơi cong vì cúi nhiều hay vì vất vả, da mặt xạm đen. Ông có đôi mắt rất sáng và nụ cười thật là tươi. Những đứa trẻ ngờ ngợ và khi ông giơ tay ra ôm chúng vào lòng thì chúng ngớ người ra và im thin thít không nói được câu nào. Còn thằng bé út không hiểu sao bỗng nhiên òa lên khóc. Chị Phẩm, hai gò má đỏ ửng cuống quýt bảo con:
- Bố đấy, bố về đấy thôi, các con! Ơ kìa, sao lại khóc. - Chị nói và cố cười nhưng rồi không hiểu sao nước mắt lại ứa ra khi đi bên chồng dọc theo những đường tàu ra ngoài ga. Chị thấy anh khác trước biết bao, anh như một người nào khác chứ không phải anh Phẩm vui tươi ngày trước. Vẻ từng trải và điềm đạm, những nếp nhăn và màu da cháy nắng…
- Anh về nhà nghỉ bao lâu? – Mãi sau chị mới hỏi được một câu.
- Anh chỉ ở nhà được một ngày rồi phải đi họp ngay nhưng họp xong lại về nhà. Bây giờ anh được chuyển về đây, để chuẩn bị cho việc làm lại tuyến đường sắt lên phía bắc…
- Rồi anh lại đi lên trên ấy à?
- Lại đi chứ? Nhưng đi đi về về chứ không đi lâu như trước. Nếu như mẹ con bận thì anh có thể đem theo một hai đứa lên trên ấy đỡ…
- Con đi với bố! Con đi với bố! – Đám trẻ nhao nhao và chúng vây quanh anh Phẩm, đứa túm áo, đứa túm quần đứa thì đòi anh bế trên tay. Cứ thế, họ bước đi, chậm chạp nhân nha trên đường phố trong ngày hội của những người lao động, các nhà trong ngõ xô ra chào hỏi anh, ồn ào, rối rít. Anh về đến nhà thì trời đã gần chiều, anh đem quà trong ba lô ra cho các con, thuốc lá, ấm chè ngon mời các cụ già hàng xóm. Anh kể cho mọi người nghe về những tuyến đường lên các tỉnh biên giới bắt đầu được mở mang như thế nào. Anh còn hỏi xem ai có con em muốn xin vào làm đường sắt anh sẽ giới thiệu, giúp đỡ.
- Bố cho con đi với! - Thằng Phi nói một cách nghiêm chỉnh.
- Con còn bé, phải học đã. Sau này hẵng hay, bố còn có thể nươi con ăn học được thì con cứ học, chứ đừng phí… Như bố bây giờ đây, đã già rồi những vẫn phải đi học đấy, không học không làm việc được. Mà lớn rồi mới học rất khổ, con hiểu không?
Anh ở nhà một ngày, trong một ngày anh không hề được nghỉ ngơi vì khách khứa đến không ngớt, những người đến chơi thăm hỏi chuyện cũ cùng những người đến nhờ anh xin cho con em đi làm thợ ngoài đoạn đầu máy xe lửa đến nỗi anh định chữa cái bếp giúp vợ cũng chẳng có lúc nào rỗi.
- Thôi bố chúng nó cứ đi đi, mọi việc cứ để đấy cho tôi và chúng nó ở nhà, không sao cả…
Chị thấy yên ổn và sung sướng khi anh còn nguyên vẹn và trở về. Dù rằng anh không ở nhà, không đỡ đần chị và trông nom con cái được như ý muốn nhưng chị vẫn thấy thật là may mắn và, dù chị có vất vả bao nhiêu chị cũng vui lòng.
- Bố nó ạ! Tôi tưởng cái đường sắt từ Hà Nội lên các tỉnh miền ngược từ lâu nay vẫn có cơ mà? Nó hỏng phải chữa lại hay sao? - Chị khẽ hỏi và nhìn chồng với vẻ băn khoăn.
- Thì lâu nay vẫn có đường sắt, tàu vẫn chạy nhưng đường tàu nhỏ quá, nay phải làm lại đường theo cỡ quốc tế, phải mở rộng để tiền việc giao thông, vận chuyển - Vừa nói anh vừa vẽ xuống đất những đường thẳng chạy dài.