Én Liệng Truông Mây - Hồi 05 - Phần 1

HỒI THỨ NĂM

Hoàng Kim Môn tìm trăm phương gỡ tội

Gái giả trai vượt ngàn dặm tìm cha.

*

Con ngựa chồm hai vó trước lên rồi đứng sựng lại trước cửa huyện đường. Huỳnh Hảo Hớn phóng nhanh xuống đất, nét mặt hầm hầm bước thẳng vào căn phòng làm việc dành cho huyện quan, gieo mình nặng nề xuống chiếc ghế gỗ chạm trổ tinh xảo. Trần Đại Chí và Lại Thừa Ân dừng ngựa xong cũng vội vã nhảy xuống theo Hảo Hớn vào bên trong rồi tự động chia nhau ngồi nơi hai chiếc ghế đối diện trước bàn làm việc. Huỳnh Hảo Hớn mặt đỏ gay vì giận, lớn tiếng:

- Các ông dám qua mặt cả tôi! Các ông nói là chỉ mua bán gỗ giáng hương, nay lòi ra cả mấy chục khối gỗ giá tỵ, loại hàng cấm của phủ Chúa. Lại còn buôn lậu trốn thuế cả ngà voi và trầm hương. Các ông nói đi! Những chuyến trước các ông cũng làm như thế phải không? Bây giờ đổ bể ra các ông tính sao đây? Các ông đeo gông vài năm rồi cũng xong, còn tôi e rằng không còn cổ để mà đeo gông như các ông đó, biết chưa?

Trần Đại Chí thấy quan huyện tức giận như vậy thì lo lắng hỏi:

- Việc nghiêm trọng đến mức độ đó sao Huỳnh huynh? Việc gì cũng phải bình tĩnh mà từ từ suy tính. Cái tên thủ Phong đó là ai vậy?

- Bình tĩnh sao được mà bình tĩnh! Hắn ta là thanh tra đặc nhiệm của Hình bộ đưa về. Ngài thượng thư hình bộ đang là khâm sai đại thần ở phủ Quy Nhơn này, các ông làm láo đến mức này tôi làm sao mà giải bày với ngài khâm sai được đây? Tôi tin các ông, các ông lại đem bán đứng tôi.

Lại Thừa Ân lên tiếng:

- Thì chúng ta đành phải tốn một số tiền lo lót, ắt là êm thôi chứ gì. Huỳnh huynh tính thử xem cần bao nhiêu, hai chúng tôi sẽ lo.

Hảo Hớn đập tay xuống bàn xẵng giọng:

- Các ông tưởng ai cũng nhận tiền đút lót của các ông hết sao? Các ông chưa nghe danh thượng thư hình bộ Tôn Thất Dục là người nổi tiếng thanh liêm, chính trực hay sao? Cả cái phủ Chúa từ trên xuống dưới ai cũng ngán cái mặt sắt của ông ta cả đấy. Ta làm sao mà lo lót? Chưa hết đâu, cái tên đồn thủ Phong đó chính là Đoàn Phong, hắn ta cùng Ngô Mãnh nổi tiếng khắp Đàng Trong về võ nghệ cao siêu và tài phá án. Có bọn chúng nhúng tay vào thì khó mà gỡ nổi.

Đại Chí nói:

- Tôi biết Tôn Thất Dục là con rể của ngài ngoại tả Trương Phúc Loan. Quan tân tuần phủ Quy Nhơn Nguyễn Khắc Tuyên là em thúc bá với cai cơ Nguyễn Cửu Thống, cánh tay mặt của quan ngoại tả. Huỳnh huynh tìm cách nhờ đến quan tuần phủ xem sao. Việc này đâu phải là trọng tội, nếu được ngài ngoại tả nói vào một tiếng là xong chứ gì?

Huỳnh Hảo Hớn vẫn chưa hết giận:

- Đâu phải là trọng tội? Các ông buôn hàng quốc cấm, bán hàng lậu thuế lại còn dám hành hung nhân viên triều đình mà còn bảo là không phải trọng tội à?

Đại Chí giả lả:

- Thì có ai ngờ việc lại xảy ra thế này đâu. Huynh hãy bớt giận, chúng ta phải tìm cách làm êm xuôi vụ này trước đã. Xong chuyện chúng tôi sẽ tạ lỗi với Huỳnh huynh sau, nhất định không để cho Huỳnh huynh chịu thiệt thòi đâu.

Thừa Ân nói thêm vào:

- Vâng, chúng tôi nhất định tạ lỗi xứng đáng cho Huỳnh huynh. Huỳnh huynh cũng biết hậu thuẫn lớn mạnh của Diệp Sanh Ký rồi mà.

Hảo Hớn nói:

- Tất nhiên là phải chạy chọt rồi. Bây giờ hai ông về lo chuẩn bị tiền bạc đi. Nhớ phải có mặt bất cứ khi nào tôi gọi đó nhé. Nay mai thế nào trên phủ cũng gởi trát đòi người đấy. Các ông trốn đi thì tôi sẽ bị chém đầu. Nhưng Huỳnh Hảo Hớn này nhất định không chịu chết một mình đâu. Các ông nhớ lấy.

Trần Đại Chí cười cầu tài:

- Sao Huỳnh huynh lại có thể nghi ngờ chúng tôi như vậy? Cơ nghiệp, gia đình của chúng tôi cỡ đó thì bỏ đi đâu được? Vả lại giao tình chúng ta như thế, tôi nỡ nào đưa huynh vào chỗ chết.

Huỳnh Hảo Hớn gật đầu:

- Được rồi! Tôi sẽ cho người liên lạc với các ông.

Đại Chí bỗng hỏi:

- Việc làm của chúng ta kín đáo như thế tại sao đột nhiên lại bị Hình bộ lưu tâm mà khám xét bất ngờ được nhỉ? Huỳnh huynh có nghĩ là do Võ Trụ mách lối không?

Hảo Hớn nghe hỏi cũng gật gù:

- Ta cũng lấy làm lạ trong vụ này. Ngài khâm sai về đây chủ yếu là lo việc mỏ vàng bên Phù Ly, sao tự dưng lại nhúng mũi vào công việc bán buôn, thuế má của huyện ta nhỉ?

- Tôi nghe quan huyện Phù Ly nói, ông ta có đề nghị khâm sai sử dụng Hoàng Kim Môn trong công việc tinh luyện vàng nhưng không hiểu sao về sau họ lại lơ đi. Có lẽ cũng do Võ Trụ không ưa bọn ta nên nói ra nói vào gì đây. À, mà sao trong chuyện khai thác vàng không thấy họ nói gì đến huyện Bồng Sơn của huynh hết vậy?

- Có chứ! Hôm đầu tiên họp, ngài khâm sai có cho gọi ta nhưng hôm đó ta đi xa không có nhà. Sau ta vào ra mắt thì quan công bộ Phạm Hiệp có giao cho ta việc tìm kiếm nhân công khai thác mỏ. Sao ông lại nghĩ rằng vụ này là do Võ Trụ mách lẻo?

- Hắn ở sát nách chúng ta lại quen biết nhiều trong giới lính thủy ở các cửa sông. Huống chi từ trước đến giờ hắn đâu có ưa gì đệ và Châu gia. Nay hắn được chỉ định làm tổng quản khu mỏ nên muốn thừa dịp dìm chết Hoàng Kim Môn và Châu gia trang để có thể vươn lên làm vua hai xứ Phù Ly và Bồng Sơn này chứ gì. Mà Huỳnh huynh và Bùi huynh có dự tính để cho vàng chảy ra ngoài không?

Hảo Hớn lườm Đại Chí:

- Ông đừng quá tham lam! Ngài khâm sai còn ở đây, đừng bao giờ nhắc đến những việc như vậy nữa. Hãy lo cho xong vụ này đã. Về mà chuẩn bị tiền đi.

Đại Chí và Thừa Ân đứng lên:

- Mọi chuyện trông vào Huỳnh huynh cả đấy. Chúng tôi sẽ không bao giờ để huynh thiệt thòi đâu. Xin cáo từ.

Hai người cúi đầu chào rồi lặng lẽ ra ngoài lên ngựa chạy nhanh khỏi cổng huyện đường. Mấy tên đệ tử chờ bên ngoài cũng vội vã giục ngựa chạy theo sau. Được một đoạn, Đại Chí bỗng ghìm ngựa lại rồi nói nhỏ gì đó với một tên thủ hạ. Tên này nghe xong liền quay ngựa phóng về hướng đèo Lại Khánh.

Huỳnh Hảo Hớn ngồi im lặng. Trong đầu hắn giờ đang ngổn ngang trăm mối. Phen này gỡ không ra ắt cái ghế quan huyện này sẽ mất chắc, chưa biết lại còn phải đeo gông bao nhiêu năm nữa. Đại Chí hắn nói đúng. Chỉ còn một cách duy nhất là phải nhờ đến tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên. Mà phải lo cho sớm nếu không ngài khâm sai mở phiên tòa xét xử thì hỏng bét. Lại còn cái tên bị thịt tham lam khám lý Hoàng Công Đức nữa. Hắn mới về mà cái bụng tham đã chìa rõ cho mọi người thấy rồi. Lần này nếu chìa tay ra thể nào hắn chẳng táp đến đứt cả tay. Chà! Phen này phải chịu dày mặt vào luồn ra cúi nữa rồi.

Nghĩ ngợi đủ đường, biết là phải làm ngay nếu không lỡ việc nên Huỳnh Hảo Hớn vội vã chuẩn bị mọi thứ rồi dẫn theo hai tên hộ vệ hối hả đi vào phủ Quy Nhơn.

***

Những hành động của bọn Huỳnh Hảo Hớn đã không thoát khỏi cặp mắt tinh ranh của Đinh Hồng Liệt. Từ cửa sổ trên tầng lầu của tửu quán Qua Đèo đối diện xéo với huyện nha, chàng đã nhìn thấy Trần Đại Chí và Thừa Ân ra khỏi huyện đường rồi phóng ngựa thẳng về hướng Bồng Sơn chứ không về cơ sở Hoàng Kim Môn ở cuối con phố gần đó. Chàng biết bọn chúng muốn về trang trại ở núi Hương Sơn nên không vội theo dõi ngay mà chờ xem động tịnh của Huỳnh Hảo Hớn. Quả nhiên đúng như chàng suy đoán, một lúc sau đã thấy Hảo Hớn cùng hai người hầu cận phóng ngựa về phía đèo Lại Khánh. Chắc chắn là bọn họ vào phủ Quy Nhơn. Đinh Hồng Liệt nhìn theo cười thầm: “Phen này thì chúng bay lòi mặt từ trên xuống dưới cả rồi. Hì hì...” Chàng dự định đêm nay sẽ lén vào do thám trang trại của Trần Đại Chí để xem bọn chúng dự tính kế hoạch đối phó với tình hình này thế nào nhưng thấy hãy còn sớm nên nấn ná ngồi lại uống thêm vài chung rượu.

Bỗng có tiếng ngựa thắng rất gấp trước cửa quán ăn. Con ngựa dựng hai vó trước hí vang một tiếng rồi như quá mệt, nó lảo đảo muốn quị xuống. Hai bên mép con vật tội nghiệp nước bọt sùi ra nhểu thành giọt lớn nhỏ xuống mặt đường, mũi nó thở phì phì, trên lớp lông nâu bụi đất phủ đầy, chứng tỏ nó đã phải trải qua một đoạn đường dài miệt mài không nghỉ. Cũng may người cưỡi nó là một kỵ sĩ có vóc dáng nhỏ bé, nếu không chắc là nó đã ngã quị từ lâu rồi. Chàng kỵ sĩ đã nhảy phốc xuống ngựa rồi dắt nó lại cột cạnh con bạch mã của Đinh Hồng Liệt. Bộ võ phục trắng của chàng ta bị bụi phủ kín đến ngả sang vàng. Khuôn mặt chàng bụi cũng bám đầy nhưng không che lấp được vẻ thanh tú. Chỉ vừa thoáng thấy phong thái và nét mặt chàng kỵ sĩ từ trên lầu cao, Hồng Liệt đã không khỏi buột miệng khen thầm: “Mỹ nam tử! Đúng là một trang mỹ nam tử!”.

Chàng kỵ sĩ gỡ gói hành lý treo bên hông ngựa, đưa bàn tay trắng muốt, thon thả vuốt nhẹ trên bờm con ngựa vài cái rồi bước vào quán. Quán ăn này nằm trên quan lộ, là nơi để cho khách đường xa ghé vào nghỉ ngơi ăn uống, lấy sức chuẩn bị vượt đèo Lại Khánh nếu đi từ bắc vào nam, hoặc dừng chân sau một đoạn dài mệt mỏi vì vượt đèo nếu đi từ nam ra bắc. Trời vào hạ, nắng nóng nên quán đúng là chỗ dừng chân lí tưởng. Vì thế mà giờ này quán gần như chật kín. Những chiếc bàn ở tầng dưới đã không còn chỗ. Lúc chàng kỵ sĩ áo trắng bước vào, mọi người trong quán đang nói chuyện rôm rả bỗng im phăng phắc, mọi con mắt đổ dồn vào chàng thanh niên có dáng thanh như hạc, khuôn mặt trắng và đẹp như thiếu nữ này. Sau khoảng thời gian ngưng đọng, tiếng xì xào lại vang lên khắp phòng. Có tiếng nói nhỏ từ trong góc quán ở mé cửa nhưng cũng đủ để mọi người nghe thấy:

- Quả thật là một chàng trai thanh tú! Mặt đẹp như ngọc vậy.

Tất nhiên chàng kỵ sĩ cũng nghe thấy nhưng chàng vờ như không, chỉ đảo mắt nhìn quanh tìm chỗ ngồi. Người phục vụ vội chạy đến vồn vã:

- Mời công tử lên lầu ngồi cho mát, ở dưới này chật cả rồi.

Chàng kỵ sĩ gật đầu:

- Cũng được. Nhờ ông cho ngựa của tôi ăn uống no đủ nhé. Tôi phải đi xa nữa đấy.

Người đã đẹp mà tiếng nói của chàng lại còn trong như pha lê, nghe rất êm tai. Người phục vụ cười vui vẻ:

- Công tử an tâm. Mời công tử lên trên lầu, chúng tôi có nước rửa mặt ở trên đó, trong góc phía đông.

- Được rồi! Mang lên cho ta một phần cơm với cá lóc kho tộ, rau muống luộc, một tô canh và một bình trà nóng. Nhanh lên!

Người đàn ông phục vụ cười hỏi:

- Công tử đi đường xa mệt mỏi, uống một vài chung rượu nhé! Rượu Bàu Đá xứ Quy Nhơn này là số một, bảo đảm công tử uống vào thì bao nhiêu mệt mỏi cũng đều tan biến tức thì.

Chàng kỵ sĩ lắc đầu:

- Cảm ơn. Trời nóng quá, tôi không muốn uống rượu.

Nói xong chàng bước nhanh lên lầu. Đập vào mắt chàng đầu tiên là đôi mắt sáng quắc của một thanh niên mặc lam y ngồi ở chiếc bàn đối diện cầu thang. Bốn ánh mắt vô tình chạm nhau rồi quay đi thật nhanh. Trông thấy đôi mắt đó, không hiểu sao mặt chàng kỵ sĩ thoáng ửng đỏ. Chàng bối rối bước thẳng đến góc phòng có để sẵn nước rửa mặt. Vốc nước rửa trôi những bụi bặm xong, chàng bước đến ngồi vào chiếc bàn kê gần cửa sổ có thể nhìn xuống đường quan đạo bên dưới, quay lưng lại với người thanh niên áo lam. Chàng đưa mắt nhìn con ngựa của mình đang đang uể oải nhai cỏ, bọt mép vẫn còn sùi quanh miệng nó. Chàng lẩm bẩm một mình:

- Tội nghiệp con vật, nó không phải là thiên lý mã nên không thể giúp mình được. Phải tìm mua một con thiên lý mã mới đủ sức theo mình trong suốt cuộc hành trình này.

Bỗng chàng chú ý đến con Bạch mã cạnh bên con ngựa ốm yếu của mình. Con Bạch mã có bộ lông mượt như tơ, cao to, bốn chân dài rắn chắc với bộ móng đen trông thật đẹp. Chàng không khỏi khen thầm: “Con ngựa đẹp quá! Đúng là con thiên lý mã mà mình đang mơ ước đây!”. Chợt một ý nghĩ khác thoáng qua đầu, chàng bỗng mỉm cười, mắt lóe lên tinh nghịch. Người phục vụ mang thức ăn lên bày ra bàn, miệng tươi cười nói:

- Mời công tử dùng bữa. Những món này tuy không phải là cao lương mỹ vị nhưng đầu bếp chúng tôi nổi tiếng ở xứ Bồng Sơn này đấy. Bảo đảm công tử sẽ hài lòng.

Chàng kỵ sĩ không nói gì chỉ mỉm cười gật đầu. Nụ cười thật xinh trên đôi môi đỏ như thoa son. Người phục vụ đứng tuổi cười hóm hỉnh:

- Công tử có nụ cười tươi như thiếu nữ vậy. Các cô gái mà nhìn thấy chắc phải chết mê.

Chàng ngưng nụ cười, đưa mắt liếc xéo người phục vụ rồi cúi xuống lặng lẽ dùng bữa. Những thực khách đang ngồi trên lầu đã chú ý đến vẻ đẹp của chàng kỵ sĩ từ lúc chàng ta bước lên, giờ nghe người phục vụ nói đùa cũng xì xào bàn tán. Có lẽ đã quen với điều này nên chàng vẫn ngồi ăn một cánh điềm nhiên. Ăn xong, chàng lấy ra một mảnh giấy nhỏ cùng cây bút than hí hoáy viết mấy chữ rồi dùng mảnh giấy đó gói mấy đỉnh vàng. Bỏ lại một ít bạc vụn trên bàn, đứng dậy xuống dưới lầu.

Đinh Hồng Liệt sau tia nhìn bỡ ngỡ với chàng kỵ kĩ áo trắng, trong đầu bỗng dấy lên một ý nghĩ ngộ nghĩnh. Chàng hình dung khuôn mặt đó, dáng dấp đó nếu biến thành một cô gái thì hẳn phải là một tuyệt sắc giai nhân. Cái suy nghĩ tức cười ấy cứ lẩn quẩn trong đầu Hồng Liệt cho đến khi chàng kỵ sĩ xuất hiện ở nơi cột ngựa. Hồng Liệt thấy chàng ta đến chỗ con ngựa nâu của mình ve vuốt nó mấy cái rồi bỏ vào chiếc túi bên hông của nó một vật gì đó, miệng mỉm cười bâng quơ. Rồi bỗng chàng ta bước nhanh đến bên con Bạch mã, mở dây nhảy phốc lên lưng ngựa, thúc mạnh vào hông nó. Con ngựa hí vang một tiếng rồi phóng nhanh về hướng đèo Lại Khánh. Hồng Liệt đang mơ màng thì giật mình tỉnh mộng bởi tiếng hí của con Bạch mã. Nhưng đã quá trễ, chàng kỵ sĩ có lẽ đã đi được một đoạn khá xa rồi. Hồng Liệt vội vàng tung mình qua cửa sổ, nhảy xuống đất rượt theo, miệng la lớn:

- Ê! Tên ăn cắp! Trả ngựa lại cho ta!

Miệng la oái, chân cố sức vận hết tài khinh công băng mình đuổi theo. Vọng trong tiếng gió là tiếng của chàng kỵ sĩ:

- Xin lỗi! Anh bạn dùng tạm con ngựa của ta đi. Nếu gặp lại ta sẽ tạ tội.

Tiếng nói nhỏ dần theo bóng con Bạch mã khuất sau đám bụi đường. Hồng Liệt biết không thể nào đuổi kịp nên đành quay trở lại quán, miệng lầm bầm chửi rủa:

- Coi dáng dấp phong lưu mà lại là đồ trộm đạo! Tên chết tiệt nhà ngươi đừng để ta gặp lại, nếu không ta sẽ cho ngươi một bài học nên thân.

Mắng xong, chợt nghĩ lại mình nên bật cười thầm: “Ta không phải cũng là tên trộm đạo sao? Coi bộ hắn đang có việc gấp phải đi xa nên mới mượn tạm con thiên lý mã của mình. Hà! Ngươi trông đẹp mã như thế nếu mở miệng hỏi thì ta sẽ dâng hai tay cho, việc gì phải giở trò ăn cắp. Đúng là ăn trộm gặp ăn cướp mà!” Hồng Liệt lắc đầu, bước đến bên con ngựa chàng kỵ sĩ nọ bỏ lại. Chàng lục chiếc túi treo trên lưng ngựa thấy có mảnh giấy, trong mảnh giấy gói ba thỏi vàng, mỗi thỏi nặng chừng một lượng. Mảnh giấy có mấy chữ: “Xin lỗi. Có việc gấp nên phải mượn đỡ ngựa quí. Vàng này để đền cho con ngựa!”. Bên dưới có vẽ nguệch ngoạc một bông mai.

Người trong quán lúc đó đã túa ra hết bên ngoài để xem việc lạ. Người phục vụ vội chạy đến bên Hồng Liệt nói:

- Thật xin lỗi quí khách. Quán chúng tôi xưa nay chưa hề để cho khách phải mất mát thứ gì. Thật không ngờ một con người trông thanh nhã đẹp đẽ như thế mà lại đi ăn cắp. Ôi! Đúng là tốt mã rã đám mà. Quí khách thông cảm cho nhà hàng chúng tôi. Đồ bần tiện, quân đểu cáng!

Mọi người cũng om sòm hùa theo chửi rủa tên áo trắng đẹp người, xấu nết nọ. Đinh Hồng Liệt vội xua tay nói:

- Xin đừng vội trách mắng người ta. Hắn có để lại tiền đền ngựa, lại nói hắn đang có việc gấp phải đi xa nên mượn đỡ ngựa tốt của tôi. Thôi thì thông cảm cho hắn vậy.

Chàng bước quán vào định trả tiền rượu. Ông chủ quán vội nói:

- Thôi thôi. Quí khách đã không trách nhà hàng chúng tôi là đã quá rộng lượng rồi. Chút rượu đó có đáng là bao.

Hồng Liệt cảm ơn rồi bước ra cửa tới chỗ con ngựa. Chàng vuốt ve nó:

- Người chủ đẹp mã của mày bỏ mày rồi. Thôi thì mày đi với tao vậy. Tao chẳng đi đâu xa, mày theo tao sẽ đỡ mệt hơn.

Nói xong chàng nhảy lên lưng ngựa phóng về cửa An Dũ.

***

Khi chàng về đến trạm thuế thì hoàng hôn đã buông xuống. Chỉ còn Trương Văn Hiến ở đó chờ, Đoàn Phong và Ngô Mãnh đã đáp thuyền nhẹ vào cửa Đề Gi để lên Phù Ly gặp Tôn Thất Dục báo cáo tình hình. Văn Hiến thấy Hồng Liệt về liền hỏi:

- Bọn chúng động tĩnh ra sao?

Hồng Liệt đáp:

- Hai tên Đại Chí và Thừa Ân chắc đã trở lại trang trại gỗ của hắn ở Hương Sơn, còn tên Huỳnh Hảo Hớn tôi thấy hắn dẫn hai thủ hạ đi về hướng đèo Lại Khánh, chắc là vào phủ Quy Nhơn nhờ vả Nguyễn Khắc Tuyên đỡ đòn.

- Việc trong đó cứ để Đoàn Phong lo liệu, đêm nay ta và ngươi phải do thám trang trại của Trần Đại Chí xem bọn chúng tính toán thế nào.

Hai người cùng bước ra trước sân phóng tầm mắt nhìn về phía rặng Hương Sơn bên kia bờ dòng Lại Dương Giang. Đó là một dãy núi mọc cô độc giữa đồng bằng phía bắc vùng hạ lưu sông Lại Dương. Mặt trời đã khuất sau dãy núi An Lão ở phía tây. Hương Sơn với ba đỉnh cao của các ngọn hòn Đền, hòn Dốc Đội, hòn Đồng Bò như ba chiếc bánh ú đen trên nền trời hồng nhạt trông thật lạ mắt. Hồng Liệt chỉ tay về phía ngọn núi nói với Văn Hiến:

- Trần Đại Chí độc quyền khai thác gỗ giáng hương trong khu núi này là nhờ có chính quyền hỗ trợ sau lưng. Hắn nuôi nhiều voi để kéo gỗ trong núi, còn chân núi gần bàu Tượng là trại xẻ gỗ và cũng là kho chứa muối mà hắn thu mua về. Bên phải nơi hòn núi nhỏ kia là kho lương của huyện Bồng Sơn. Bên kia bàu Tượng, trong một rừng cây là ngôi nhà bằng gỗ nhiều gian vừa to lớn vừa rất đẹp của hắn. Đêm nay, chúng ta sẽ dùng thuyền nhẹ sang bên đó.

Văn Hiến gật đầu. Chợt nhìn thấy con ngựa nâu cột trước cửa, chàng ngạc nhiên hỏi:

- Ủa, con Bạch mã của ngươi đâu?

Hồng Liệt cười:

- Bị ăn cắp rồi.

Văn Hiến trợn mắt la lớn:

- Ăn cắp à? Kẻ nào dám to gan múa rìu qua mắt thợ lại đi ăn cắp ngựa của Thần Thâu vậy?

- Một tên mỹ nam tử. Hắn ăn cắp con Bạch mã ngay trước mắt ta, giữa ban ngày ban mặt mà ta đành chịu để hắn lấy đi, thế có tức không chứ?

Văn Hiến cười to:

- Như vậy là hắn thuộc hàng Thánh Thâu, trên ngươi một bậc rồi còn gì?

Hồng Liệt cũng cười theo:

- Dù sao hắn cũng tử tế để lại con ngựa này và ba nén vàng đền bù. Đành phải vào ăn xin Võ Trụ một con thiên lý mã khác rồi. À, đồ gàn ngươi chưa gặp Võ Trụ phải không? Xong việc đêm nay, chúng ta vào Phù Ly, ta sẽ giới thiệu với ngươi. Con người này đúng là trọng nghĩa khinh tài, chính danh hiệp sĩ đấy.

- Ta có nghe hai anh nói về ông ta. Nhất định phải vào thăm rồi. Thôi ngươi đi nghỉ lấy sức đi. Biết đâu đêm nay lại phải động thủ đấy.

Khoảng giờ tuất đêm đó, hai người mặc đồ dạ hành, mang theo kiếm rồi bơi thuyền nhẹ qua sông. Đến bờ, hai người giấu thuyền trong một bụi rậm rồi băng mình vào bóng đêm đi về phía rừng cây bên bờ tây bàu Tượng. Có tên bàu Tượng là do bàu nước này voi thường đến uống. Ngôi nhà được bao bọc bởi dãy hàng rào gỗ trên một diện tích đất rộng, tạo thành khu vườn biệt lập. Trong vườn có những cây cổ thụ cao lớn, tàng lá rậm rạp, dưới mái những gian nhà có treo nhiều chiếc đèn lồng thắp nến sáng rực cả một khoảng sân lớn. Hồng Liệt và Văn Hiến vào gần đến nơi thì chia hai cánh đông tây để tiến vào. Cả hai dùng khinh công nhảy lên tàng cổ thụ rồi chuyền từ cây này sang cây khác tiếp cận ngôi nhà gỗ.

Hồng Liệt núp trên một tàng cây cao quan sát. Bên dưới, mấy con chó to đang nằm sát vỉa hè, thỉnh thoảng lại có vài tên bảo vệ vác đao đi tuần qua lại trước cửa. Chàng nghĩ thầm: “Đêm nay bọn chúng canh gác kỹ hơn đêm trước ta ghé, chắc là có hội họp ở đây rồi!”. Khoảng cách từ tàng cây chàng đang núp đến mái nhà khá xa nên phải hít một hơi dài rồi vận dụng toàn bộ sức lực, nương theo bóng tối tung mình nhảy qua đáp xuống mái nhà một cách êm ru. Nép mình sát xuống mái nhà, chàng cẩn trọng lắng nghe động tịnh bên trong. Tất cả im lặng như tờ. Chàng ngẩng đầu lên cẩn thận quan sát xung quanh. Trên nóc nhà ở gian trung tâm có một tên bảo vệ đang ngồi chống đao nhìn lơ đễnh, bóng của hắn in lờ mờ trên nền trời đen. Bỗng hắn đột nhiên ngã gục xuống, trong tích tắc một bóng đen lướt nhanh tới đỡ thân người hắn. Hồng Liệt biết hắn đã bị Văn Hiến dùng ám khí thủ tiêu, chàng khen thầm: “Tên đồ gàn này ghê gớm thật! Tài ném ám khí của hắn quả là độc bộ thiên hạ!”. Nghĩ xong, chàng bèn tung người nhảy sang bên đó. Văn Hiến nhìn thấy liền đưa ngón tay lên miệng ra dấu im lặng rồi chỉ xuống mái nhà. Cả hai chia ra hai góc, dùng thế Đảo Quyển Châu Liêm móc ngược người lên mái ngói nhìn vào trong.