Én Liệng Truông Mây - Hồi 05 - Phần 2

Gian phòng bên dưới rộng lớn, trưng bày toàn đồ gỗ quí được chạm trổ rất tinh vi. Có sáu người đang ngồi trên hai chiếc trường kỷ đặt đối diện nhau. Hồng Liệt nhận ngay ra ba tên trong Dương Tử Tam Kiếm, gã em út bị chặt đứt một cánh tay trái nên thỉnh thoảng gã lại đưa tay phải vuốt vào cái ống tay áo buông rũ xuống như một sự tiếc nuối. Ba người còn lại là Lại Thừa Ân, Đồng Bách và Châu Doãn Thành. Chàng ngạc nhiên tự hỏi: “Châu Doãn Thành cũng dính vào vụ này à?”. Người đang đi tới đi lui trong phòng với điệu bộ nóng nảy là Trần Đại Chí. Một chốc, hắn dừng lại nói:

- Hàng hóa bị tịch thu thì chẳng đáng gì, nhưng những hóa đơn các chuyến hàng trước hắn còn giữ lại được trong tay, chứng tỏ hắn đã lưu tâm đến chúng ta từ lâu rồi.

Thừa Ân nói:

- Chỉ mấy cái hóa đơn cũ thì nói lên được điều gì? Không có bằng chứng cụ thể, chúng đâu thể qui tội cho chúng ta được?

Đại Chí xẵng giọng:

- Sao lại không có bằng chứng cụ thể? Còn hai tên đồn thủ Lý Tập ở An Dũ và Đỗ Thiêm ở Cổ Lũy đó chi? Bọn chúng che chở cho chúng ta ba năm nay, việc gì chúng cũng biết...

Đồng Bách cướp lời:

- Thì bịt miệng chúng lại!

Vừa nói hắn vừa đưa tay ra dấu cứa ngang cổ. Đại Chí hiểu ý gật gù:

- Đành phải như thế thôi. Còn lại mấy tờ giấy lộn thì không lo, chúng ta sẽ có lý để phản cung.

Tên cụt tay trong Dương Tử Tam Kiếm chen vào, giọng hằn học:

- Cả hai cái tên thủ Phong, thủ Hiến gì đó, cho chúng về chầu diêm vương hết đi! Thử xem chết rồi thì lấy gì mà buộc tội các ông? Còn tên Võ Trụ nữa, không giết được hắn ta thật không cam lòng.

Gã nói xong lại đưa tay vuốt ống tay áo thõng xuống. Đại Chí vội nói:

- Tư Đồ Nhị huynh đừng làm ẩu. Thủ Hiến thì tôi chưa biết là ai nhưng thủ Phong chính là Đoàn Phong. Hắn cùng Ngô Mãnh là hai hộ vệ của Hình bộ. Bọn chúng võ nghệ rất cao cường, không dễ trêu vào đâu.

Tên nhị ca trong Tam Kiếm lên tiếng:

- Tư Đồ Nhất ta cũng muốn biết xem tài nghệ của bọn chúng thế nào mà ông ca ngợi quá như vậy.

Đại Chí biết mình lỡ lời bèn cười giả lả:

- Không phải tôi ca ngợi chúng để làm nhụt nhuệ khí của mình. Tất nhiên tài nghệ của chúng làm sao so được với Dương Tử Tam Kiếm các huynh. Nhưng chúng là người của triều đình, chúng ta không thể giết bừa được. Các huynh xong việc thì bỏ đi nhưng còn Đại Chí tôi, gia đình, sự nghiệp này thì sao? Bởi vậy, chúng ta phải tính toán cho kỹ. Theo tôi vụ này phải giải quyết bằng đường lối ngoại giao chứ không nên dùng vũ lực.

Thừa Ân hỏi:

- Theo anh, bây giờ chúng ta phải làm gì?

Đại Chí đáp:

- Chờ coi Huỳnh Hảo Hớn có nhờ vả Nguyễn Khắc Tuyên được không rồi mới tính tiếp. Nếu hắn nhờ được thì chúng ta chỉ cần bỏ tiền ra là xong.

Đồng Bách hỏi:

- Khả năng thành công được bao nhiêu?

Đại Chí đáp:

- Khắc Tuyên là tay chân của quan ngoại tả Trương Phúc Loan. Quan ngoại tả hiện giờ là người tin cẩn nhất của Võ vương, tôi tin là chúng ta sẽ thành công. Có điều, phải lót đường từ dưới này ra tới Phú Xuân e số tiền không nhỏ đâu.

Thừa Ân tiếp lời:

- Tiền thì không lo, miễn chúng ta qua xong vụ này và có thể nắm được đường dây ra tới Phú Xuân thì về sau mọi việc sẽ thuận lợi hơn. Chúng ta thu lại mấy hồi.

Châu Doãn Thành nãy giờ im lặng bỗng lên tiếng:

- Vụ này hao tốn bao nhiêu tôi xin được chia đều với các ông rồi từ nay tôi xin rút khỏi việc buôn bán này. Tôi muốn an phận thủ kỹ để lo cho mấy đứa con.

Đại Chí nhìn Doãn Thành cười lớn:

- Đại ca có được cậu quí tử, lại mới sanh thêm một tiểu thư nữa nên muốn tu nhân tích đức để phước cho con hả? Như thế cũng hay! Có điều người trong giang hồ thân bất do kỷ, chỉ e đại ca muốn buông kiếm rút lui cũng không được đấy.

- Việc tôi hợp tác với chú chỉ trên phương diện vốn liếng, đâu có ai biết. Tất cả những phần hùn hạp từ đầu tôi tặng hết cho chú đó. Từ nay, chú hãy để cho tôi yên.

Đại Chí trầm ngâm một lát nói:

- Mới có chút trở ngại nhỏ mà đã làm nhụt chí của đại ca rồi sao? Còn việc mua bán muối của chúng ta nữa? Đại ca bỏ dở giữa đường, tôi biết thu xếp làm sao?

- Chú bây giờ đã có các vị anh hùng đây giúp đỡ, tôi có rút lui thì công việc của chú cũng chẳng gặp khó khăn gì mà.

Trần Đại Chí nhìn chằm chằm vào mặt Doãn Thành một lúc rồi buông tiếng thở dài:

- Thôi thì tùy đại ca vậy. Hãy để xem vụ này kết thúc ra sao. Giao tình bao nhiêu năm giữa hai gia đình chúng ta, tôi lòng dạ nào chiếm hết phần vốn của đại ca.

Tên đại ca trong Dương Tử Tam Kiếm nãy giờ ngồi yên, đột nhiên lên tiếng:

- Ông ta đã muốn lui thì cứ toại nguyện cho ông ta đi. Còn cây Ô Long đao thì sao? Ta phải lấy nó cho bằng được nếu không bị Lý đại vương quở trách sẽ phiền to đấy.

Châu Doãn Thành nghe nói đến cây Ô Long đao thì giật mình định lên tiếng hỏi nhưng Đại Chí đã cướp lời trước:

- Trần gia bây giờ có thêm mấy tên khốn đó giúp đỡ nên thật khó mà ra tay. Tạm thời chúng ta cho người ngăn chặn, không cho chúng chạy trốn rồi từ từ tính sau. Đợi vụ rắc rối này giải quyết xong đã. Lãnh Diện huynh thấy có được không?

- Tạm thời như vậy đi. Nhưng bọn ta phải trở ra Hội An để xin lại chỉ thị từ Giản Phố. Các ông cứ lo cho xong việc này, có cần gì thì thông báo cho ta biết.

- Tôi tin là có thể lo xong vụ này mà.

Bên ngoài, Hồng Liệt và Văn Hiến nghĩ là đã thu thập đủ tin tức nên không hẹn mà cả hai cùng bật người trở lên trên mái, ra hiệu cho nhau rồi nhẹ nhàng phóng người đến tàng cây theo lối cũ trở ra. Hai người đến bờ sông, xuống thuyền và chèo ngược về bờ bên kia. Văn Hiến nói:

- Bọn chúng định giết người bịt miệng. Không biết Đoàn Phong đang giữ Lý Tập và Đỗ Thiêm ở đâu. Ta thật sơ sót không nghĩ đến điều này.

Hồng Liệt nói:

- Đoàn Phong ở trong nghề lâu năm nên thế nào chẳng nghĩ đến việc này. Dù sao chúng ta cũng phải vào Phù Ly ngay cho ăn chắc.

Hai người trở lại cửa An Dũ, căn dặn người đồn thủ mới về thay chỗ Lý Tập mọi việc xong, họ nhờ viên tuần nha cho thuyền nhẹ đưa họ vào cửa Đề Gi ngay đêm đó. Trời vừa mờ sáng, họ đã đến Đề Gi, Hồng Liệt hỏi viên cai đội ở đó mượn hai con ngựa rồi cả hai phóng về hướng Bích Khê tìm đến nhà Võ Trụ. Mặt trời lên cao độ hai sào họ mới đến nơi, gặp lúc Võ Trụ sửa soạn chuẩn bị lên mỏ vàng. Nghe tiếng vó ngựa dừng trước cổng, Chí Hiếu vội chạy ra và reo lên:

- A, cháu chào chú Hồng Liệt, cháu chào chú... Mời hai chú vào. Thầy cháu đang chuẩn bị lên mỏ.

Nói xong nó chạy vào trước. Một lúc đã thấy Võ Trụ bước ra tươi cười:

- Chào Hồng Liệt huynh, sao đến thăm sớm vậy? Còn đây là...

Hồng Liệt nói ngay:

- Trại Ức Trai Trương Văn Hiến, đồ gàn Hiến. Còn đây là Võ Trụ huynh.

Võ Trụ và Văn Hiến đồng thanh:

- Nghe danh không bằng thấy mặt. Hân hạnh, hân hạnh!

Võ Trụ hỏi:

- Mời vào nhà uống ly trà nóng rồi nói chuyện. Ủa, con Bạch mã đâu sao lại cưỡi con ngựa này?

Hồng Liệt mặt tiu nghỉu:

- Xin lỗi Võ huynh, bị ăn cắp mất rồi.

Võ Trụ nghe nói trợn mắt lên kinh ngạc. Văn Hiến cười to:

- Kỳ này Thần Thâu bị tổ trác nên gặp phải Thánh Thâu trộm mất ngựa rồi.

Võ Trụ cũng cười theo:

- Đúng là cao nhân tất hữu cao nhân trị! Ha ha... Chắc chúng ta phải tìm gặp người bạn hữu đó để nói lời khâm phục mới được.

Hồng Liệt mặt đỏ gay:

- Khâm phục cái con khỉ gió! Tôi mà gặp lại hắn tôi sẽ lột sạch, không chừa cho hắn một thứ gì để che thân mới hả giận! Hắn dám bôi nhọ cái danh hiệu cao quí của tôi tất hắn phải hối hận.

Văn Hiến bịt miệng lại cười:

- Danh hiệu cao quí! Ha ha...

Hồng Liệt làm bộ sửng cồ gắt:

- Ngươi dám cười nhạo ta à?

Võ Trụ khoa tay vui vẻ cười theo:

- Được rồi, được rồi. Để tôi tặng lại anh con thiên lý mã khác. Tôi còn hai con bạch mã, một của vợ tôi, còn một sẽ tặng anh. Riêng Trương huynh, tôi cũng có món quà gặp mặt. Mời hai anh ra sau chuồng ngựa mà xem.

Võ Trụ đưa hai người ra trại ngựa. Chí Hiếu cũng lững thững theo sau. Khu nuôi ngựa của Võ Trụ khá lớn, diện tích ước hơn năm mẫu. Võ Trụ giải thích:

- Ở đây có năm trại riêng biệt được chia theo mức độ giống tốt xấu. Chúng ta đến trại thiên lý mã xem Trương huynh thích con nào.

Trong trại thiên lý mã hiện có mười con, đủ màu sắc. Mỗi con nhốt riêng một chuồng. Dạo qua một vòng, Võ Trụ hỏi Văn Hiến:

- Trương huynh chọn được chưa?

Trương Văn Hiến nói:

- Trông mười con, con nào cũng là ngựa quí cả. Nhưng tôi thích con đen này nhất.

Võ Trụ đưa ngón tay cái lên khen:

- Con Ô Truy này được chúng tôi đánh giá cao nhất trong mười con đấy. Xin tặng anh làm quà gặp mặt. Mong anh dùng nó làm chân để lui tới giúp đời.

Văn Hiến chắp tay kính cẩn:

- Tiếng đồn Võ huynh trọng nghĩa khinh tài quả thật không sai. Hiến tôi xin nhận món quà tặng quí giá này của anh và nhớ kỹ lời căn dặn.

Võ Trụ nghiêng mình đáp lại rồi ra hiệu bảo Chí Hiếu vào dắt con Ô Truy ra. Con ngựa cao lớn vô cùng, bộ lông của nó đen tuyền bóng mượt, óng ánh dưới ánh nắng trông hết sức đẹp mắt. Văn Hiến bước đến vuốt cái bờm đen mượt được cắt tỉa tỉ mẩn rồi nói với Võ Trụ:

- Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một con ngựa quí thế này.

Chí Hiếu lại vào chuồng dắt con Bạch mã ra. Võ Trụ nói với Hồng Liệt:

- Con Bạch mã này tuy không đẹp bằng con trước nhưng nó sẽ không làm anh thất vọng đâu. Hy vọng anh có thể dùng nó đuổi kịp tên Thánh Thâu kia mà lột sạch hành lý của hắn và đòi lại ngựa.

Hồng Liệt vui vẻ nói:

- Tất nhiên! Tôi nhất định sẽ bắt hắn cho bằng được.

Võ Trụ cười:

- Thì nhất định vậy. Hai anh vào Phù Ly gặp Phong huynh phải không? Công việc ngoài Quảng Ngãi thế nào rồi?

Hồng Liệt đáp:

- Chúng tôi đã biết bọn người bịt mặt đêm đó là ai rồi. Chính là bọn Hoàng Kim Môn của Trần Đại Chí.

- Tôi cũng nghĩ như thế, chỉ là chưa có chứng cớ thôi. Việc thế nào?

Hồng Liệt bèn đem mọi việc kể lại cho Võ Trụ nghe. Cuối cùng chàng nói:

- Bọn Dương Tử Tam Kiếm hận anh lắm. Anh phải đề phòng. Chúng sẽ trở về Hội An để xin chỉ thị mới từ Giản Phố, chưa biết chúng tính thế nào. Dù sao anh cũng phải chuẩn bị trước mới được.

- Cảm ơn sự lo lắng của Đinh huynh. Tôi sẽ đề phòng. Tôi hiện đang mang trọng trách của Võ vương giao cho nên không thể làm gì khác được. Thôi thì giặc đến tướng ngăn vậy.

Văn Hiến lên tiếng:

- Có lẽ chúng ta phải vào tận sào huyệt của chúng ở Giản Phố Châu để dò xem bọn chúng thuộc tổ chức nào, gồm những ai, bọn chúng đang dự tính gì thì mới có cách giải quyết tận gốc rễ vấn đề được.

Hồng Liệt hăng hái nói:

- Đúng vậy! Nhưng chúng ta hãy tìm xem cái cơ sở ở Hội An của chúng trước đã.

Văn Hiến gật đầu:

- Ý kiến hay! Sau khi gặp Đoàn Phong, chúng ta trở ra Hội An. Ta với ngươi sẽ lo vụ này.

Sau khi ăn uống xong họ lên đường. Đến quan lộ, Võ Trụ cùng Chí Hiếu rẽ lên Kim Sơn còn Hồng Liệt và Văn Hiến phóng ngựa vào Phù Ly. Họ dừng lại trước cổng huyện đường Phù Ly, cả hai nhảy xuống ngựa nói với người lính gác xin vào gặp Đoàn Phong và quan khâm sai. Tên lính vui vẻ để họ vào. Vừa dắt ngựa vào bên trong, Đinh Hồng Liệt bỗng la lớn:

- Ủa? Đây không phải là con Bạch mã của ta sao? Tên trộm kia làm gì ở đây vậy? Hà hà... Lưới trời lồng lộng, ngươi có chạy đằng trời cũng không thoát khỏi tay ta mà!

Chàng đến chỗ con Bạch mã của mình, đưa tay vuốt ve nó:

- Mày ngốc thế, sao lại để kẻ khác trộm đi mà mày cũng nghe lời bỏ ta vậy? Từ nay phải biết khôn nhé.

Con ngựa như biết lỗi, nó quay đầu liếm vào tay Hồng Liệt, đuôi vẫy nhẹ mấy cái. Con Bạch mã chàng vừa cưỡi đến cũng theo vào, hai con cụng mũi nhau. Chúng là bạn cùng trại nên còn nhớ nhau. Hồng Liệt vuốt đầu cả hai con nói:

- Hai ngươi ở đây đừng cho ai leo lên lưng nữa nhé. Ta vào tìm xem tên trộm kia ở đâu để cho hắn một bài học.

Vừa định xoay người bước đi, không hiểu nghĩ sao chàng khựng lại, nói với Văn Hiến:

- Ngươi vào tìm Đoàn Phong đi. Ta phải ở lại đây canh chừng tên trộm đạo. Phen này nhất định không cho hắn trốn thoát được.

Văn Hiến cột ngựa xong cười nói:

- Cũng được. Nhớ đừng để hắn dông mất nữa nhé.

Người trực ban hướng dẫn Văn Hiến đến căn phòng dành riêng cho quan khâm sai. Khi chàng bước vào thì thấy một người thanh niên mặc đồ trắng đang nói chuyện với Tôn Thất Dục, có cả Đoàn Phong và Ngô Mãnh ở đó.

Văn Hiến cúi chào:

- Thứ dân là Trương Văn Hiến xin chào ngài thượng thư.

Đoàn Phong và Ngô Mãnh thấy Văn Hiến mừng rỡ đứng lên đón. Đoàn Phong giới thiệu Văn Hiến với Tôn Thất Dục. Tôn Thất Dục nhìn Văn Hiến với ánh mắt quan sát:

- Mời anh ngồi. Tôi cũng đã từng nghe quan nội hữu Trương Văn Hạnh nói về anh. Tài ba như anh, lại còn trẻ, sao không ra giúp nước mà sớm chọn thú điền viên thế?

Văn Hiến ngồi xuống chiếc ghế còn trống, chàng từ tốn đáp:

- Vãn sinh vì nhận thấy tài mình chưa đủ nên còn phải ở nhà trui rèn thêm. Vả lại bây giờ thiên hạ thái bình, triều đình đã có lắm bậc hiền tài như ngài thượng thư đây, chút tài hèn như vãn sinh có xá là gì, chỉ e làm vướng chân thiên hạ thêm mà thôi.

Tôn Thất Dục mỉm cười:

- Nói hay lắm. Lời khiêm tốn, ý ngạo đời. Tuổi trẻ bụng chứa kinh luân, lời lẽ ứng xử rõ ràng. Nếu anh chờ thời loạn thì hãy chuẩn bị đi.

- Vãn sinh hi vọng Võ vương cũng là bậc minh quân như những chúa đời trước.

Thất Dục gật đầu:

- Ta cũng mong như vậy.

Rồi ông quay sang người thanh niên áo trắng:

- Xin lỗi, Trần Bạch Mai huynh đệ trình bày tiếp đi.

Người thanh niên áo trắng tên Trần Bạch Mai khẽ cúi đầu chào Văn Hiến rồi nói tiếp:

- Gia phụ lúc đó cũng đi theo Trần bá phụ trên chuyến thuyền từ Gia Định về kinh để minh oan. Trong khi ấy, cả nhà bá phụ cùng gia đình vãn sinh bị quan điều khiển Trương Phúc Vĩnh bắt nhốt rồi dâng sớ về triều tâu rằng bá phụ mưu phản, thông đồng với giặc Cao Miên nay lộ việc đã bỏ trốn. Lúc ra đến Quảng Nam thì bị gió lớn nên bá phụ ghé thuyền vào cửa Hàn rồi nhờ tổng đốc dinh Quảng Nam dâng sớ về triều minh oan. Triều thần vì bênh vực cho điều khiển Trương Phúc Vĩnh nên dèm tâu Chúa Ninh buộc tội bá phụ làm phản. Chúa Ninh suy xét nội tình chưa tin lắm nên hạ chỉ tạm giam bá phụ trong lao ở Quảng Nam để điều tra. Bá phụ vì uất ức mà thổ huyết chết trong tù, không biết xác được chôn ở đâu, còn những người tùy tùng đi theo trên chiếc thuyền, kể cả gia phụ thì không thấy một ai trở về. Về sau, may có quan điều khiển Nguyễn Phúc Triêm đứng ra làm chứng, minh oan nên bá phụ được Chúa Ninh miễn tội và truy tặng chức đô đốc. Gia đình bá phụ và vãn sinh được bình an. Lần này vãn sinh ra đây là để tìm lại mộ phần của bá phụ và truy tìm tung tích của gia phụ cùng những người đi theo lúc ấy.

Tôn Thất Dục nghe đến đây thở dài nói:

- Vụ oan tình của quan tổng binh Định Sách hầu Trần Đại Định đã khiến Chúa Ninh Nguyễn Phúc Chú hối tiếc vô cùng. Tuy điều khiển Trương Phúc Vĩnh bị giáng chức xuống làm cai đội nhưng bản thân ta cảm thấy không vừa lòng với bản án đó chút nào. Cái tội làm tướng ở biên cương không tròn nhiệm vụ, còn dám dối chúa hãm hại người trung lương đáng lý phải bêu đầu hoặc hạ làm thứ dân mới thỏa đáng. Tiếc rằng lúc ấy ta chỉ giữ một chức vụ nhỏ trong Hình bộ nên chẳng làm sao được.

Trần Bạch Mai hỏi ngay:

- Những người xét xử vụ án của Trần bá phụ ở Hình bộ nay chỉ còn lại ngài thượng thư. Mong ngài giúp vãn sinh tìm ra mộ phần của bá phụ cùng tung tích gia phụ và những người tùy tùng trong đoàn.

Nói đến đây ánh mắt của Trần Bạch Mai long lanh như rướm lệ. Tôn Thất Dục động lòng nói:

- Được. Hiện Hình bộ còn lưu giữ hồ sơ vụ án đó. Ta sẽ cho người lục lại rồi đến dinh Quảng Nam dò tìm xem lúc đó họ đã mai táng Định Sách hầu ở đâu cũng như những tùy tùng vì sao lại bị mất tích.

Trần Bạch Mai nghe nói mừng rỡ:

- Đa tạ ngài thượng thư! Ân đức này Trần gia sẽ ghi tạc muôn đời.

- Gia đình Định Sách hầu giờ này thế nào?

- Sau cái chết của bá phụ, bá mẫu đã đem anh Trần Đại Lực trở về Hà Tiên để sống với ông ngoại là Mạc Cửu gia. Cơ nghiệp nội bá tổ của vãn sinh ở Giản Phố Châu coi như không còn gì, chỉ còn anh em vãn sinh là dòng thứ ở lại đó.

Thất Dục cảm thán:

- Trần Thượng Công có công rất lớn trong việc xây dựng Giản Phố Châu và vùng Gia Định, không ngờ con cháu lại có kết cuộc thảm thương như vậy. Ta còn chút công việc ở đây chưa giải quyết xong, Trần công tử có thể nấn ná lại chờ ta một thời gian không?

Ánh mắt của Bạch Mai hơi sậm lại nhưng chỉ một thoáng chàng tươi ngay nét mặt đáp:

- Dạ được! Vãn sinh sẽ đợi.

Thất Dục thoáng thấy ánh mắt đó biết Bạch Mai đang nóng lòng nên ông đổi ý:

- Ta biết công tử ngàn dặm tìm cha nên nóng lòng muốn đi ngay phải không? Thôi được, ta có thể cử Ngô Mãnh thay ta ra dinh Quảng Nam để lo mọi việc. Công tử đồng ý cách này chứ?

- Nếu ngài thượng thư còn công việc thì vãn sinh đi cùng Ngô huynh cũng được.

Nói xong, Bạch Mai đưa cặp mắt đen lánh nhìn Ngô Mãnh như muốn nói lời cảm ơn trước. Ngô Mãnh nhìn thấy ánh mắt đó trong lòng bỗng nhiên rúng động. Chàng nói:

- Mãnh tôi là người thô lỗ không khéo ăn nói. Nếu việc bất thành xin Trần huynh đừng trách nhé.

Bạch Mai nở nụ cười trên đôi môi nhỏ nhắn xinh đẹp:

- Tôi cảm ơn Ngô huynh còn chưa hết thì làm sao dám trách? Khi nào chúng ta có thể lên đường?

Ngô Mãnh đưa mắt nhìn Tôn Thất Dục và Đoàn Phong như hỏi ý kiến. Tôn Thất Dục nói:

- Trần công tử đây đang nóng lòng, ngươi có thể đi ngay hôm nay cũng được. Việc ở đây để Phong nhi lo liệu.

Bạch Mai chắp tay đứng lên, cúi đầu nói:

- Đa tạ tấm lòng nhân hậu của ngài thượng thư. Vãn sinh xin cáo từ.

Nói xong, chàng khẽ gật đầu chào Đoàn Phong và Văn Hiến rồi quay người bước ra ngoài. Ngô Mãnh cũng đứng lên từ giã mọi người. Văn Hiến nhìn theo chàng trai áo trắng mỉm cười bí hiểm. Đoàn Phong lấy làm lạ hỏi:

- Anh cười gì vậy? Anh biết chàng trai này à?

Văn Hiến đáp:

- Tôi không biết nhưng tên trộm biết. Chàng trai này ăn cắp con Bạch mã của hắn, giờ này hắn đang đợi bên ngoài để thanh toán món nợ cũ.

Đoàn Phong bật cười:

- Đúng là oan gia đối đầu! Hắn được thiên hạ tặng cho danh hiệu Thần Thâu mà lại bị người khác trộm mất ngựa thì làm sao hắn không tức cho được? Phen này có chuyện vui rồi. À, tình hình đêm qua thế nào?

Văn Hiến đưa mắt nhìn Tôn Thất Dục rồi kể sơ lược mọi chuyện. Xong chàng mới nói:

- Trần Đại Chí cấu kết với bọn Tàu buôn bán trái phép lại còn toan giết hại Trần gia đoạt lấy cây bảo đao. Bọn chúng còn tính giết luôn cả Lý Tập và Đỗ Thiêm để thủ tiêu nhân chứng. Theo ý ngài thượng thư chúng ta nên làm gì?

Tôn Thất Dục nói:

- Nếu việc này có liên quan tới người Hoa thì chúng ta phải hết sức cẩn thận vì chuyện quan hệ đến vấn đề bang giao giữa hai nước. Các anh nên nhớ rằng Võ vương đang rất muốn lấy lòng Thanh triều để mong họ chấp thuận việc xưng vương. Do đó việc bắt giam Trần Đại Chí thì được, vì hắn là người Đại Việt, nhưng còn bọn người Hoa thì phải dè dặt. Đối phó với chúng chỉ nên dùng cách người giang hồ thanh toán kẻ giang hồ mà thôi.

Văn Hiến nói:

- Vãn sinh hiểu rồi. Nhưng hình như đằng sau sự việc này còn ẩn chứa một âm mưu gì đó lớn hơn chứ không phải chỉ là việc bán buôn, cướp đoạt. Thượng thư có nghĩ như thế không?

Thất Dục mỉm cười:

- Người Tàu thì lúc nào chẳng có âm mưu đối với dân tộc chúng ta? Việc này các anh cứ chủ động khám phá, ta sẽ bí mật yểm trợ. Nhớ là đừng để tổn hại đến mối bang giao giữa hai nước.

Văn Hiến “dạ” một tiếng rồi quay sang hỏi Đoàn Phong:

- Lý Tập, Đỗ Thiêm đâu?

Đoàn Phong mỉm cười:

- Tôi đã đưa họ cùng gia đình đến một nơi an toàn rồi.

Văn Hiến đưa ngón tay cái lên tỏ ý khen ngợi. Đoàn Phong hỏi Tôn Thất Dục:

- Thúc phụ định chừng nào thì gởi trát bắt Đại Chí cùng bọn thương buôn?

- Cháu cho người mang thư của ta báo cho Hoàng Công Đức ba hôm nữa thì tạm giam ba tên Đại Chí, Thừa Ân và Đồng Bách chờ ngày ra công đường. Mười ngày sau nữa mới xét xử để bọn chúng có thời gian chạy vạy. Ta muốn biết kẻ đỡ đầu bọn chúng là ai. Nhớ là Huỳnh Hảo Hớn và tên quan huyện Chương Nghĩa cũng phải có mặt tại công đường hôm đó.