Én Liệng Truông Mây - Hồi 06 - Phần 2

Hảo Hớn đỏ mặt:

- Quan khám lý nắm tin tức nhanh thật. Dạ, hạ quan quả có sơ sót trong việc quản lý nên để bọn con buôn qua mặt làm càn. Vì thế hạ quan mới đường đột đến đây để xin ngài khám lý tìm cách giảm nhẹ sự việc này. Hạ quan nguyện đền ơn ngài xứng đáng.

Công Đức nheo mắt hỏi:

- Tên Trần Đại Chí được mệnh danh là “ông vua muối và gỗ”, giàu có nhất nhì ở phủ Quy Nhơn này là nhờ có ông đứng sau lưng phải không?

Hảo Hớn giật mình ấp úng:

- Dạ... đâu có ạ. Hạ quan với hắn chỉ có chút tình đồng song. Lúc nhỏ hai chúng tôi có thời gian học chữ chung một thầy nên có tình bè bạn mà thôi. Xin ngài khám lý đừng hiểu lầm.

Công Đức cười mỉm:

- Ông không qua mặt tôi nổi đâu. Nhưng gác chuyện đó sang một bên. Ông có biết ngài khâm sai hiện giờ đang ở phủ chúng ta là ai không?

- Dạ biết. Là ngài Hình bộ thượng thư.

- Thế ông biết tính cách của ngài thượng thư chứ?

- Dạ biết.

- Ông biết tính của ngài thượng thư rồi còn bảo tôi giúp đỡ là giúp đỡ bằng cách nào? Ông định hại luôn cả tôi đấy à?

- Dạ, hạ quan đâu dám có ý đó. Chỉ mong ngài, qua phu nhân, nói giúp với quan ngoại tả một tiếng. Chắc ngài khám lý cũng biết giữa quan ngoại tả và quan thượng thư có tình cha vợ con rể mà. Sau đó ở công đường xin ngài giảm nhẹ tội trạng cho chúng tôi. Ngài cũng biết Đại Chí và bọn Diệp Sanh Ký là những người giàu có, chúng hứa sẽ đền ơn ngài xứng đáng.

- Ông biết được nhiều chuyện đó chứ. Ông mách thế thì tôi sẽ thử giúp ông. Ông tính thế nào?

Huỳnh Hảo Hớn biết mình đã gãi đúng chỗ ngứa của tên tham lam này rồi nên trong bụng mừng thầm. Ông cúi xuống lấy gói đồ mang theo để lên bàn và mở ra. Trong gói có hai chiếc hộp gỗ màu đen mun rất đẹp, một hộp lớn, một hộp nhỏ hơn. Hảo Hớn mở khóa bật nắp chiếc hộp lớn ra trước. Trong hộp đựng toàn vàng khối, mỗi khối mười lượng vàng chín tuổi. Có chừng năm mươi khối như vậy. Ông mở tiếp chiếc hộp nhỏ, trong đó đựng khoảng hai mươi khối vàng. Hảo Hớn hai tay đẩy nhẹ hai hộp vàng về phía Hoàng Công Đức:

- Chiếc hộp lớn để cho ngài khám lý gởi tặng quan ngoại tả. Hộp nhỏ là phần quà lễ của chúng tôi với ngài. Việc êm xuôi, chúng tôi sẽ hiếu kính riêng ngài thêm một hộp lớn nữa. Mong ngài nhận trước cho.

Hoàng Công Đức nhìn hai hộp vàng và nghe lời hứa hẹn liền cười tít mắt:

- Ông nhanh nhảu và thẳng thắn lắm. Được! Ta không chắc chắn lắm nhưng hứa sẽ giúp cho bọn ông. Hãy coi phước của các ông lớn nhỏ thế nào.

Hảo Hớn cũng cười theo:

- Đã có ngài khám lý giúp cho thì vô phước cũng thành đại phước mà.

Công Đức uể oải đứng lên:

- Ngài khâm sai lệnh cho ta ra trát tống giam ba tên Đại Chí, Đồng Bách và Thừa Ân để mười hôm nữa giải lên công đường xét xử. Ông về nhốt chúng lại rồi mang lên phủ cho ta.

- Dạ! Mai hạ quan về sẽ cho bắt bọn chúng và giải lên phủ cho ngài. Giờ xin cáo từ để khám lý nghỉ ngơi.

- Ừ, ông về đi.

Nhắc lại bọn Đinh Hồng Liệt sau khi từ giã Tôn Thất Dục, họ đến khách sạn trong vùng Phù Ly thuê phòng nghỉ ngơi để hôm sau lên đường đi Quảng Nam. Chiều hôm đó khi ra đến chợ Trà Câu ở Mộ Hoa, họ vào một quán ăn nghỉ chân. Văn Hiến nói:

- Ba người cứ đi trước lo công việc của Bạch huynh cho hoàn tất, tôi ghé vào Trần gia gặp hai ông anh của tôi bàn chút việc. Xong tôi sẽ đến cửa Hàn tìm mấy người.

Bạch Mai vẫn cải nam trang để tiện đi đường liền lên tiếng:

- Được. Hi vọng Ngô huynh giúp tìm được mộ bá phụ sớm thì chúng ta gặp nhau ở cửa Hàn, sau đó đi Hội An.

Ngô Mãnh nói:

- Tôi sẽ cố gắng.

Ăn xong họ chia tay. Ba con thiên lý mã phóng miệt mài nhưng cũng phải mất hơn hai canh giờ mới đến được phủ lỵ Quảng Ngãi. Họ nghỉ lại đêm, hôm sau lên đường tiếp. Đến xế chiều hôm sau nữa thì họ mới vượt qua sông Thu Bồn vào trong khu phố chính của dinh Quảng Nam, thuộc phủ Điện Bàn. Hồng Liệt đề nghị:

- Giờ đã trễ, đêm nay chúng ta nghỉ tại khách sạn Thu Giang, sáng mai sẽ vào dinh tìm đến Ty Án sát hỏi thăm tin tức về mộ của Định bá phụ. Xong việc sẽ về bến Hàn thăm mộ sư phụ, như thế tiện hơn.

Bạch Mai tán thành.

- Anh là thổ địa của đất này, mọi việc cứ theo ý anh là tốt hơn hết.

Sáng hôm sau họ tìm đến Ty Án sát. Viên án sát sứ là một người đàn ông tuổi ngoài năm mươi, tính tình trầm lặng nhưng tế nhị và dễ chịu. Ngô Mãnh tự giới thiệu mình rồi trao cho án sát sứ phong thư của Tôn Thất Dục, ông đọc xong nhìn Bạch Mai có vẻ thắc mắc. Bạch Mai hiểu ý liền nói:

- Thưa ngài án sát, vì để tiện việc đi lại đường xa nên cháu phải cải nam trang. Xin ngài thứ cho.

Viên án sát sứ mỉm cười:

- Làm như thế mới phải. Cô là cháu của Định Sách hầu à?

- Dạ.

Viên án sát sứ chợt buông tiếng thở dài, vẻ mặt đăm chiêu hồi tưởng lại chuyện năm xưa.

- Vụ oan án và cái chết của Định Sách hầu đã làm cho ta bứt rứt đến tận giờ. Tiếc rằng lúc ấy bè lũ của Nguyễn Phúc Vĩnh quá đông lại khôn khéo buông lời dèm tấu che mắt Chúa Ninh nên khiến người bị nhầm lẫn mà lệnh cho ta tạm giam Định Sách hầu ở đây để thẩm tra lại. Bọn gian thần còn cố tình trì hoãn việc tra xét mới khiến Định Sách hầu vì uất ức thổ huyết mà chết.

Bạch Mai mắt rươm rướm lệ hỏi:

- Nghe nói cùng đi theo Định bá phụ đến dinh Quảng Nam còn có hai người cận tướng trung thành của người nữa. Không biết giờ họ ở đâu, thưa ngài án sát?

Án sát sứ thở dài lần nữa than:

- Họ đúng là những cận vệ trung thành. Nghe người gác ngục kể lại, lúc Định Sách hầu thổ huyết qua đời, họ khóc lóc thảm thiết rồi cả hai cùng nhắc lại lời hứa với Trần Thượng Công là sẽ bảo vệ cho Định Sách hầu, nếu có điều bất trắc họ nguyện lấy cái chết để chuộc tội. Do đó, họ cùng nhau đập đầu vào vách ngục chết theo Định Sách hầu để giữ tròn lời hứa với Thượng Công.

Bạch Mai sụt sùi:

- Thảo nào ở Gia Định không còn biết tin tức gì của họ. Cả ba người sau khi chết rồi được an táng ở đâu?

- Lúc họ mất, vì còn là tội phạm đang bị giam nên lẽ ra xác phải chôn trong nghĩa địa chung của tù nhân, nhưng ta thấy dòng họ Trần của Định Sách hầu là bậc công thần khai quốc nên đã đưa sang an táng trong nghĩa trang của quân đội. Sau mọi việc sáng tỏ, Chúa Ninh truy tặng chức đô đốc nên mộ của người được xây dựng lại theo qui cách của công hầu.

Bạch Mai lộ vẻ mừng rỡ:

- Tiện nữ xin thay mặt Trần gia cảm ơn ngài án sát sứ. Cháu ra đây là theo lệnh của bá mẫu và anh Đại Lực để xin bốc mộ bá phụ và mang di cốt người về Hà Tiên cải táng. Mong ngài giúp chu toàn ý nguyện cho.

- Cô nương đúng là một hiếu nữ, một mình vượt ngàn dặm tìm lại mồ mả người thân, việc này ta lẽ nào lại không vui vẻ chu toàn. Hôm nay ta có chút thời gian, cô có muốn ta đưa cô đi thăm mộ bây giờ không? Ta cũng muốn lạy vài lạy cuối cùng trước mồ của những người trung liệt.

- Dạ muốn chứ! Nếu được ngài đích thân đưa đi thì còn vinh hạnh nào hơn. Như thế chắc linh hồn của bá phụ và hai nghĩa sĩ cũng được an ủi rất nhiều.

Họ cưỡi ngựa đến nghĩa trang quân đội ở một khu rừng nằm trên bờ nam của sông Kẻ Thế (sau sông này bị lấp, vua Minh Mạng cho đào lại thành sông Vĩnh Điền), cách dinh độ năm dặm về phía tây bắc. Mười ba năm không người coi sóc, ba ngôi mộ của đô đốc Định Sách hầu Trần Đại Định và hai cận tướng um tùm cỏ mọc, nhiều nơi vách mộ bị bể nát, rêu phủ đã biến thành màu đen. Bốn người bày hương án, đứng nghiêm trang im lìm trước mộ, lòng ai cũng dấy lên một mối thương tâm cho một nhà khai quốc công thần mà con cháu lại phải chết oan ức trong nấm mộ hoang phế giữa rừng sâu. Cùng nhau lạy người quá cố xong, viên án sát sứ hỏi:

- Bạch Mai cô nương định bao giờ thì tiến hành bốc mộ?

Bạch Mai lau nước mắt đáp:

- Dạ ngay hôm nay ạ. Nhưng cháu phải trở lại phố chợ mua mấy hòm đựng tro cốt và tìm vài phu bốc mộ.

Ngô Mãnh nói:

- Đâu cần đến phu bốc mộ, tôi sẽ giúp Bạch Mai cô nương việc này.

Hồng Liệt nói thêm vào:

- Việc mua hòm tro cốt thì để tôi lo. Tiệm hòm Âm Phủ trong phố họ có bán sẵn. Tôi đi một lát là có ngay thôi.

Bạch Mai nói:

- Đằng nào cũng phải tiễn chân ngài án sát sứ về phủ, chúng ta cùng trở lại đó chuẩn bị mọi thứ là ổn nhất.

Án sát sứ nhìn nàng mỉm cười:

- Trần tiểu thư chu đáo và khôn khéo lắm.

Bạch Mai bẽn lẽn:

- Dạ có gì đâu ạ.

Họ tiễn chân án sát sứ trở lại phủ rồi cùng nhau đi mua sắm vật dụng. Hồng Liệt không biết đã tìm đâu ra ba tên ăn mày rồi cùng nhau trở lại nghĩa trang. Ngô Mãnh, Hồng Liệt và ba tên ăn mày hì hục đào xới dưới ánh nắng gay gắt của mùa hè xứ Quảng, phải mất hơn hai canh giờ thì cả ba ngôi mộ mới bốc xong. Mười ba năm, thân xác chỉ còn lại nắm xương tàn. Họ thu nhặt rồi cẩn thận bỏ vào ba cái quan tài nhỏ được đóng thật khéo giống như ba hộp đựng nữ trang. Bạch Mai đứng ngẩn ngơ nhìn ba hộp cốt, mắt long lanh ngấn lệ, sụt sùi khôn xiết cảm thương. Nàng rút đoản kiếm viết nhanh tên của từng người bằng chữ Hán vào mặt chiếc hộp. Nét bút linh hoạt và sắc nét vô cùng. Họ trở về đến khách sạn thì trời đã chiều muộn. Hồng Liệt hỏi:

- Chúng ta nghỉ lại đây một đêm nữa rồi mai ra bến Hàn hay sư tỷ muốn đi ngay bây giờ?

Bạch Mai đáp:

- Mọi người cũng mệt rồi, chúng ta nghỉ ở đây, mai ra bến Hàn cũng được.

Hồng Liệt đưa cho ba tên ăn mày một số bạc khá nặng, tả lại hình dáng của bọn Dương Tử Tam Kiếm xong dặn:

- Các em xuống Hội An, liên lạc với anh em ở đó tìm cho ra dấu vết ba tên này cho anh nhé. Nhớ chia số tiền này cho bọn họ với, vài hôm nữa anh sẽ vào tìm các em.

Ba tên ăn mày đồng thanh “dạ” một tiếng, cúi chào ba người rồi chạy mất dạng phía cuối phố. Mọi người lên phòng tắm rửa, thay y phục xong, Hồng Liệt đề nghị đi dạo cảnh thủ phủ dinh Quảng Nam ban đêm. Dinh Quảng Nam vốn là ngôi thành cổ của người Chiêm trước kia, thuộc địa phận xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên (nay là thị trấn Vĩnh Điền, huyện Điện Phước, Quảng Nam). Thành có từ lâu đời lại là thủ phủ hành chánh nên phố xá san sát, dân cư đông đúc, việc mua bán phát đạt. Dinh lại cách phố Hội An không xa nên các cửa hàng kinh doanh ở đây bán không thiếu một mặt hàng nào. Dạo chơi khắp phủ xong, Hồng Liệt đưa mọi người đến một quán ăn bình dân bên bờ sông Bao Nghĩa, một nhánh nhỏ của sông Kẻ Thế. Người chủ quán lớn tuổi thấy Hồng Liệt bước vào liền mừng rỡ la lên:

- Kìa, cậu Hồng Liệt! Bấy lâu nay đi đâu mà không thấy ghé lại đây ăn khoai chà khô vậy? Hai người bạn của cậu đấy à? Chà, anh bạn trẻ này đúng là mỹ nam tử à nha. Ngồi đi, đãi bạn gì nào?

Ông ta vừa tuôn một hơi dài vừa chạy lại dọn nhanh một chiếc bàn cạnh bờ sông cho ba người. Hồng Liệt cười tươi đáp:

- Chào chú Tám, hổm rày cháu có chút việc phải vào Quy Nhơn. Cháu muốn giới thiệu với hai người bạn món khoai lang chà khô đặc biệt của chú nên đưa họ đến đây. Chú làm cho ba phần nhỏ đi. Thêm một đĩa mít trộn và hai con cá lóc nướng. Cho cháu một chai Hồng Đào thượng hạng luôn.

Ông Tám chủ quán cười vui vẻ:

- Được, được. Để tôi làm đặc biệt cho cậu đãi bạn nhé. Ở xa tới à? Bảo đảm ăn rồi sẽ nhớ xứ Quảng này mãi mãi.

Hồng Liệt nói với hai người:

- Tôi vốn là kẻ nghèo khó nên thường tìm ăn những món thật rẻ tiền thôi. Hai người ăn món khoai lang chà khô này thử xem. Đặc sản không đâu có ngoài xứ Quảng này đó.

Ngô Mãnh nói:

- Tôi cũng có nghe danh món ăn này nhưng chưa có dịp thưởng thức.

Bạch Mai tiếp lời:

- Thật ra đâu phải sơn hào hải vị mới là món ngon. Đôi khi những món hết sức bình dân nhưng lại làm cho ta khoái khẩu và nhớ mãi không quên.

Một lúc sau đã thấy ông chủ quán đem ra ba đĩa khoai lang chà còn nóng hổi, mùi thơm bốc lên nực mũi. Bạch Mai dùng muỗng múc một miếng, ăn xong nàng gật gù khen:

- Ngon thật! Vừa thơm vừa bùi lại vừa ngọt. Hương vị thật lạ, đúng là sẽ rất khó quên đấy.

Ngô Mãnh cũng lên tiếng:

- Đúng là đặc sản của xứ Quảng.

Lát sau, ông Tám lại mang ra món mít trộn, cá lóc nướng cùng chai rượu Hồng Đào. Ông hỏi:

- Thế nào? Cậu công tử đẹp trai này chắc là con nhà giàu có nên chưa bao giờ ăn những món dân dã thế này phải không? Có ngon miệng không?

Bạch Mai cười tươi đáp:

- Dạ, thật đúng là ngon ngoài sự tưởng tượng của cháu. Lần sau có trở lại Quảng Nam thế nào cháu cũng phải ghé quán của chú Tám để thưởng thức món này.

Ông Tám cười hề hề:

- Tôi đã nói mà. Không đâu trên đất nước mình có được món thế này đâu. Nhưng chưa hết, cứ thưởng thức hai món kia nữa đi. Ăn cá lóc nướng mà uống rượu Hồng Đào xứ Quảng mới thật là khoái lạc trên đời.

Rồi ông cất giọng ngâm nga:

Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm

Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say.

Bạch Mai bỏ đũa xuống vỗ tay tán thưởng.

- Chú Tám thật là lãng mạn! Đâu, để cháu thưởng thức thứ rượu Hồng Đào của chú xem nào.

Hồng Liệt mở chai rượu rót vào ly cho ba người. Rượu màu hồng trong vắt, tỏa mùi thơm thoang thoảng dễ chịu. Hồng Liệt nói:

- Sư huynh uống thử xem nào, có giống Nữ Nhi Hồng của Thiệu Hưng, Trung Quốc hay không?

Bạch Mai hai má ửng đỏ mỉm cười nói nhỏ:

- Tôi chưa xuất giá làm sao biết Nữ Nhi Hồng mùi vị thế nào?

Hồng Liệt vội nói:

- Ô! Đệ đâu có ý đó. Bộ sư huynh hồi giờ chưa uống thật hay sao? Thật ra Nữ Nhi Hồng cũng dùng để uống mừng ngày đến tuổi trưởng thành làm lễ cài trâm, chứ đâu phải chỉ mừng riêng ngày các cô xuất giá không thôi.

- Họ Trần chúng tôi sang Đại Việt khá lâu, Thượng Công nội bá tổ muốn hòa nhập vào văn hóa Việt nên đã bỏ đi nhiều tục lệ, thói quen ở quê nhà. Vả lại lúc tôi trưởng thành, cả họ đang trong cơn nguy biến nên các lễ tiết đó tôi chưa từng trải qua.

Vừa nói, nàng uống một hớp rượu Hồng Đào rồi khen:

- Ngon, vừa đưa lên miệng thì mùi thơm của rượu đã làm ta muốn uống liền. Vị rượu ngọt mà nồng, hương rượu thơm lâu. Nhưng tôi e rằng sẽ rất dễ say đấy. Ngô huynh có đồng ý với tôi không?

Ngô Mãnh cười:

- Nhận xét rất đúng, chẳng khác những đấng mày râu sành rượu.

Bạch Mai tủm tỉm cười:

- Anh định cười tôi sành uống rượu giống các ông đấy à?

Ngô Mãnh đỏ mặt vội phân bua:

- Không phải thế. Tôi vụng nói. Tôi chỉ muốn khen cảm nhận nhạy bén của Bạch huynh mà thôi.

- Tôi chỉ đùa thôi. Loại rượu này hơi nhẹ, chắc không hợp với khẩu vị của Ngô huynh phải không?

- Ơ, không. Tôi thấy rất ngon.

Hồng Liệt chen vào:

- Đừng tưởng thế mà lầm. Rượu Hồng Đào khi đã thấm thì có là bậc Tửu Thần cũng phải lật đấy.

Họ uống rượu ngắm trăng lên trên sông và tận hưởng ngọn gió mang hơi nước từ dưới sông thổi vào mát lạnh, xua tan cái nóng nực khó chịu của một đêm cuối hạ vùng nhiệt đới. Mãi đến khi mảnh trăng non khuất bóng núi, họ mới về lại khách sạn. Hôm sau, Ngô Mãnh chia tay hai người lên đường vào lại Quy Nhơn, Hồng Liệt và Bạch Mai về cửa Hàn. Bạch Mai nóng lòng nhìn mộ cha và sư phụ nên sau khi nói lời cảm ơn và từ biệt với Ngô Mãnh, nàng ra roi giục con bạch mã phóng nhanh chẳng khác nào cơn gió lốc. Hồng Liệt vội vẫy tay chào Ngô Mãnh lần cuối rồi cũng phóng ngựa đuổi theo. Ngô Mãnh ngồi trên lưng con Thanh Tông, ngó theo bóng họ hút trong làn gió bụi mà lòng bỗng dâng lên một cảm xúc luyến lưu kỳ lạ. Tự dưng chàng buông một tiếng thở dài rồi quay ngựa, ra roi phóng nhanh về hướng bến sông Thu Bồn.

Từ dinh Quảng Nam về đến cửa Hàn ước chừng hơn bốn mươi dặm, hai con thiên lý mã chỉ tốn chưa tới hai canh giờ đã đến nơi. Ngôi mộ nằm cạnh mé rừng, mười mấy năm nay Hồng Liệt đã tụ tập một số ăn mày cải tạo khu đất ven bìa rừng thành một vùng nương rẫy rộng lớn trồng đủ mọi thứ, đặc biệt là giống khoai lang xứ Quảng. Hai người dừng ngựa trước trại rồi nhảy xuống. Bọn trẻ thấy anh cả trở về đều mừng rỡ chạy ra tiếp đón. Chúng chào Bạch Mai rồi đưa mắt nhìn chăm chú vào chàng trai nhỏ nhắn xinh đẹp này. Bạch Mai thấy họ cứ nhìn mình chằm chằm thì hai má đỏ ửng lên. Hồng Liệt vội giới thiệu:

- Giới thiệu với các em, đây là sư tỷ của chúng ta. Người vừa từ Gia Định ra đây để tìm mộ của cha và sư phụ. Các em chào sư tỷ đi.

Bọn ăn mày hơi ngạc nhiên nhưng cũng đồng thanh nói lớn:

- Chúng em xin chào sư tỷ!

Bạch Mai nở nụ cười chào lại rồi đưa tay gỡ chiếc khăn cột trên đầu ra. Mái tóc đen tuyền lại được dịp buông xuống trên khuôn mặt kiều diễm. Bọn trẻ không hẹn mà cùng nhau trầm trồ:

- Sư tỷ đẹp quá! Bọn mình đã có một vị sư tỷ xinh đẹp nhất trên thế gian này.

Bạch Mai nhìn bọn chúng cười đáp lễ:

- Sư tỷ chào các em. Tất cả khỏe không? Từ nay chúng ta là chị em nhé?

Bọn nhỏ mừng rỡ đồng thanh reo lên:

- Từ nay chúng ta là chị em!

Bọn chúng là những đứa trẻ ăn mày mồ côi, có cả trai lẫn gái, được Hồng Liệt đem về đây sống cùng, chúng coi nhau như anh em một nhà, đứa lớn nhất chừng mười bảy tuổi, đứa nhỏ nhất mới lên mười. Cả trại có hai mươi đứa, mười lăm trai và năm gái, căn cứ vào tuổi mà xếp thứ tự anh chị em. Hồng Liệt nói:

- Chúng ta vào trong trại nói chuyện để sư tỷ ngồi nghỉ chân một lát chứ?

Trại có ba gian, mái tranh vách lá. Gian ở giữa làm nơi tụ họp chung, cũng là nơi ăn uống, luyện võ. Phía sau có căn phòng nhỏ dành cho anh cả Hồng Liệt. Gian bên phải lớn hơn chia ra nhiều phòng dành cho bọn con trai, gian bên trái nhỏ hơn dành cho con gái. Bọn con gái ngồi vây quanh Bạch Mai. Hiền Nhi, cô bé lớn nhất bọn năm nay gần mười bảy tuổi, cầm tay Bạch Mai thân mật hỏi:

- Sư tỷ từ trong Gia Định ra à? Chị đi một mình à? Chị không sợ sao? Chị gan thật!

Bạch Mai vuốt tóc mấy đứa trẻ rồi đáp:

- Chị theo thuyền buôn ra đây để tìm mộ cha và sư phụ. Xong việc chị phải trở về Đại Phố Châu, đáng tiếc chị không thể ở lại với mấy em được.

Một đứa trong bọn nói:

- Thật là tiếc! Bọn em ước gì chị ở lại luôn thì sướng biết mấy.

Bạch Mai nhìn nó cười:

- Chị phải về nhà. Nhưng thỉnh thoảng chị sẽ ra thăm các em.

Cả bọn đồng thanh nói:

- Chị hứa đó nhé! Chị phải ra thăm tụi em đấy!

Bạch Mai gật đầu:

- Chị hứa!

Con bé nhỏ nhất khoảng mười tuổi, da trắng trẻo dễ thương, đưa ngón út của nó ra nói:

- Chị móc ngoéo với Bạch Nhi đi!

Bạch Mai kéo nó vào lòng rồi cũng đưa ngón út ra ngoéo tay.

- Móc ngoéo. Chị nhất định sẽ ra thăm Bạch Nhi và các em!

Hồng Liệt khi đem bọn trẻ mồ côi về, đứa nào có họ tên thì giữ nguyên, những đứa không biết họ của mình thì lấy họ của sư phụ là Công Tôn rồi con trai, con gái gì cũng thêm chữ Nhi vào cuối. Vì vậy năm đứa con gái có tên là Hiền Nhi, Thảo Nhi, Hồng Nhi, Loan Nhi và Bạch Nhi. Bọn con trai thì là Việt Nhi, Hùng Nhi... chỉ khác nhau chữ lót. Nhưng bọn nhỏ lại thích gọi nhau bằng ngôi thứ. Hiền Nhi lớn nhất trong bọn nên chúng gọi là chị hai, đứa nhỏ nhất là Bạch Nhi thì được gọi là Út. Việt Nhi, đứa con trai lớn nhất bằng tuổi Hiền Nhi nhưng nhỏ tháng hơn gọi là anh ba. Chúng sống hòa thuận và thương yêu nhau như anh em ruột một nhà.

Lúc đầu, khi Hồng Liệt mới gặp Công Tôn Vũ, vì ông sợ bị quan quân truy bắt về tội giết người nên không cho Hồng Liệt tiết lộ hành tung của mình. Do đó Hồng Liệt đành một thân một mình tìm cách nuôi sư phụ. Năm năm sau, thấy mọi việc đã êm xuôi, Hồng Liệt võ công đã thạo, có thể đi cướp của nhà giàu chia cho bọn ăn mày, Công Tôn Vũ mới an lòng để Hồng Liệt dẫn bọn trẻ mồ côi về nuôi. Hiền Nhi và Việt Nhi là hai đứa trẻ được đưa về ở đây sớm nhất, lúc đó bọn chúng mới có chín, mười tuổi. Bốn năm sau đó thì trại đã có đến hai mươi đứa trẻ mồ côi như bây giờ. Bọn trẻ ban ngày lo việc canh tác khu rẫy, đêm về thì học chữ và luyện võ. Công Tôn Vũ vốn là người văn võ song toàn, nay lâm cảnh mù lòa may có đám trẻ nhỏ quây quần nên cũng vơi bớt phần nào sự phiền muộn. Ông đem hết sở học của mình truyền lại cho Hồng Liệt và đám trẻ. Bốn năm trước, ông bắt đầu lâm trọng bệnh, Hồng Liệt đã cố gắng tìm mọi phương thuốc chạy chữa nhưng không hiệu quả gì. Cuối cùng ông mất trong tiếng khóc than thảm thiết của đám đệ tử bé con. Mộ của ông được Hồng Liệt chôn cạnh bên ngôi mộ của Trần Đại Thành. Bạch Mai sau một lúc hàn huyên với bọn trẻ liền đứng lên nói:

- Chị phải ra thăm mộ của cha và sư phụ. Chúng ta cùng đi nhé?