Én Liệng Truông Mây - Hồi 06 - Phần 3

Bọn trẻ đồng loạt đứng lên theo sau anh cả và người sư tỷ mới. Mặc dù biết cha mình đã mất mười ba năm trước nhưng khi đứng bên mộ, Bạch Mai vẫn không thể nào dằn được cơn xúc động. Nàng òa khóc rồi quị xuống, phục lên mộ cha nức nở. Bọn trẻ cũng đồng loạt quì theo nàng, có đứa cũng nức nở theo. Hiền Nhi và Việt Nhi lo bày hương án trước hai ngôi mộ để sư tỷ làm lễ tế mộ.

Bạch Mai ôm mộ cha khóc hồi lâu rồi đứng lên bước đến mộ của sư phụ, quì xuống mà nức nở thêm lần nữa. Lần này cả đám trẻ cùng khóc theo. Lúc còn sống, Công Tôn Vũ dạy dỗ và thương yêu bọn chúng hết mực, do đó mỗi lần đến ngày giỗ của ông, bọn chúng đều quì trước mộ khóc than. Hôm nay, tiếng khóc của người sư tỷ đã khơi dậy mối thương tâm trong lòng khiến chúng không kiềm được nước mắt. Hồng Liệt để cho bọn họ nguôi cơn rồi mới lên tiếng:

- Sư tỷ hãy bớt nỗi đau thương. Người chết là hết. Giờ sư tỷ đã tìm được mộ người, đó không phải là điều vui mừng sao? Các em cũng nín đi.

Bọn trẻ nghe Hồng Liệt nói, cả bọn quệt nước mắt, thôi nức nở. Hiền Nhi bước đến đỡ Bạch Mai đứng lên:

- Sư tỷ đừng buồn nữa. Chúng ta lễ bái rồi về trại nghỉ, trời nắng nóng quá coi chừng sẽ bệnh đó. Chiều tối chúng ta sẽ trở lại thắp hương lần nữa.

Bạch Mai sụt sùi lạy trước hai ngôi mộ xong cả bọn kéo nhau trở về trại. Đám trẻ chia nhau phận sự, chỉ lát sau trong phòng lớn đã bày lên một bữa ăn thịnh soạn gồm đủ các món rau quả trồng trong trại và nhiều loại cá chúng bắt ở sông Hàn. Bọn con gái xúm nhau săn sóc sư tỷ khiến Bạch Mai vui lắm. Nàng bỗng thấy thương bọn trẻ mồ côi này vô cùng, nàng ước gì mình có thể ở lại trại để sống chung với bọn chúng. Bữa cơm nhà quê nhưng ngon miệng. Bọn trẻ cứ cố ép nàng ăn khiến nàng phải buột miệng mắng yêu:

- Các em ép chị ăn nhiều thế này, vài bữa là chị sẽ mập ú lên đó.

Bé Út bỗng reo lên:

- Sư tỷ sợ mập ra rồi xấu đi bị anh cả chê phải không? Nhưng mà bọn em không chê sư tỷ đâu.

Bạch Mai đỏ mặt liếc sang Hồng Liệt. Hồng Liệt cũng bối rối nạt ngang:

- Út có im đi không! Từ nay không được ăn nói bậy bạ nữa.

Bé Út nghe la, nó rụt cổ lại thè lưỡi ra làm bộ sợ hãi khiến Bạch Mai phải phì cười. Sống giữa cái gia đình khổng lồ của lũ trẻ mồ côi nheo nhóc này làm nàng thấy thật hạnh phúc. Tảng sáng hôm sau, Bạch Mai hỏi Hồng Liệt:

- Trại mình có ngựa không?

Hồng Liệt đáp:

- Có năm con. Bọn trẻ đứa nào cũng phải tập cưỡi ngựa cả. Sư tỷ định làm gì?

- Hôm nay, tôi sẽ cùng Hiền Nhi đi mua sắm một ít vật dụng cho lũ trẻ. Trước khi bốc mộ cũng nên làm một bàn cúng lớn cho cha và sư phụ. Có chợ nào lớn quanh khu vực này không?

Hiền Nhi có mặt ở đó đáp thay:

- Có hai chợ lớn ở đây. Chợ Hải Châu hay còn gọi là chợ Hàn ở gần đây chừng ba dặm, còn chợ Cẩm Lệ ở ngã ba sông lớn thì xa hơn, độ mười hai dặm nhưng nhiều hàng hóa hơn.

Bạch Mai nói:

- Hai chị em mình cứ đi hết hai chợ xem có những gì.

Hai chị em lấy ngựa đi ngược bờ sông để đến chợ Hàn trước. Bạch Mai quan sát thấy Hiền Nhi là một cô gái có khuôn mặt vừa xinh đẹp vừa phúc hậu, còn tính tình thì hiền ngoan, lại thương yêu, chăm sóc mấy đứa nhỏ trong trại như em ruột của nàng vậy. Bạch Mai nhìn nàng khen:

- Em đẹp lắm Hiền Nhi, lại rất ngoan nữa. Mai này chàng trai nào có phước lắm mới lấy được em. À, các em có lẽ chỉ quanh quẩn trong khu trại, ít ra bên ngoài phải không?

Hiền Nhi nghe khen hổ thẹn cúi đầu:

- Chị đừng nhạo em. Chị mới thật là đẹp như tiên nga. Bọn em ít ra ngoài lắm, chỉ khi nào phải mua những vật dụng cần thiết thì em hay Việt Nhi mới có dịp đi ra chợ, còn thì bọn em chỉ sinh hoạt trong trại mà thôi.

- Em là người Đàng Ngoài à? Nghe giọng không giống trong này.

Hai mắt Hiền Nhi bỗng đỏ hoe, nàng mở đầu câu trả lời bằng một tiếng “dạ” cố hữu. Có lẽ cuộc sống ăn mày ngay từ lúc còn nhỏ đã tạo cho nàng một mặc cảm tự ti, mà cũng có thể vì nàng là một cô gái rất thuần phác:

- Dạ. Gia đình em chạy trốn từ Nghệ An vào đây, được hai năm thì bố mẹ em bị bệnh qua đời, lúc đó em chỉ mới bảy tuổi.

- Rồi anh cả đưa em về đây?

- Dạ, lúc ấy em là đứa bé ăn mày ở chợ Cẩm Lệ. Đa số bọn em đều là những đứa trẻ theo gia đình từ Đàng Ngoài chạy vào Nam.

- Trại chỉ trồng những loại thực phẩm đủ để nuôi sống các em, rồi tiền bạc đâu mà các em chi dùng?

- Dạ, tất cả đều do anh cả lo liệu. Mấy năm sau này, anh cả thường đi ăn trộm của mấy nhà giàu có hoặc của bọn tham quan rồi đem chia cho người nghèo và những người ăn mày khắp nơi. Mỗi lần như vậy, anh cả thường để dành lại một ít mang về giao cho em giữ để chi dùng trong trại. Dù vậy, anh cả vẫn luôn dặn dò chúng em phải sống thật tiết kiệm vì ngoài kia còn rất nhiều người đói khổ không có miếng ăn.

Bạch Mai thở dài:

- Lúc ở trong Nam chị cứ thắc mắc tại sao lại có nhiều người di tản từ ngoài này vào trong đó lập nghiệp. Giờ ra ngoài này chị mới thấy ở đây đất đai chật hẹp lại cằn cỗi nữa làm sao có đủ lương thực cung cấp, hèn chi mới nghèo đói như vậy. Em biết không, trong miền Nam đồng ruộng mênh mông, đất đai bạt ngàn lại rất màu mỡ nhưng không có người canh tác. Để chị xem, có lẽ chị sẽ đề nghị với anh cả đưa bọn em vào trong Nam sinh sống. Ở trong đó, bọn em sẽ khỏi phải lo cái ăn, cái mặc. Này, em không cần phải mỗi câu mỗi dạ với chị như vậy đâu.

- Dạ, cảm ơn chị. Có lẽ em đã quen miệng rồi. Nhưng bọn em đâu có thể bỏ anh cả ở lại một mình được.

- Thì chị sẽ đề nghị anh cả đi luôn.

- Chúng ta bỏ khu trại này à?

- Giao lại cho ai đó. Vào Nam mình xây dựng lại trang trại khác lớn hơn, sung túc hơn, em lo gì.

- Nhưng em vẫn thấy không đành xa nơi này.

- Đó là bản tính cố hữu của người dân Việt. Ở đâu thì chỉ muốn ở yên đó dù đói khổ thế nào. Nhưng bố mẹ em cũng đã chẳng bỏ quê tìm vào đây còn gì? Phải có tinh thần khai phá mới tiến lên được em ạ.

- Nhưng bọn em ở đây cũng đâu có đói khổ gì.

- Đó là nhờ anh cả đi ăn trộm của người khác đem về nuôi các em. Tuy việc ăn trộm của cải của bọn tham quan trọc phú chia nhà nghèo là một hành động cũng không phải xấu, nhưng các em định để anh cả phải làm ăn trộm suốt đời sao?

Hiền Nhi ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp:

- Em không biết. Mọi việc do anh cả quyết định.

Bạch Mai đổi đề tài câu chuyện:

- Hiền Nhi biết may vá không?

- Dạ biết. Quần áo mấy em trong trại đều do em và Thảo Nhi may cả đấy.

- Giỏi lắm! Hôm nay chúng ta sẽ mua thật nhiều vải để may cho các em mỗi đứa vài ba bộ.

Xế chiều hai chị em trở về với rất nhiều vải vóc và những vật dụng cần thiết cho sinh hoạt của bọn trẻ hàng ngày. Mấy đứa nhỏ từ lâu sống trong nghèo khó, hôm nay được sư tỷ mua cho đủ thứ đồ, đứa nào cũng mừng rỡ cảm ơn sư tỷ rối rít. Bạch Mai nhìn những khuôn mặt rạng rỡ niềm vui đó chợt thấy ấm lòng. Nàng bỗng cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm lo cho những đứa trẻ côi cút này. Nàng bàn với Hồng Liệt:

- Tôi định ngày mai làm một bữa cúng lớn rồi bốc mộ của gia phụ và...

Hồng Liệt nói ngay:

- Sư phụ mới mất, thân xác còn nguyên, cứ để người nằm ở đây. Đệ muốn chăm sóc phần mộ cho người.

- Như vậy cũng được. Anh có cùng vào Giản Phố Châu với tôi không?

- Theo dự tính của bọn đệ là như vậy.

- Đúng rồi, anh nên vào trong đó xem qua tình hình. Đất đai miền Nam bao la, bát ngát, còn bỏ hoang nhiều lắm vì không có người khai thác. Số điền sản của Thượng Công tổ phụ nhà tôi sau khi bá mẫu và anh Đại Lực bỏ về Hà Tiên để lại rất nhiều, anh em chúng tôi không quản lý được hết. Tôi có ý định mang lũ trẻ này vào trong đó để cho chúng có thể kiến cơ lập nghiệp, phát triển bản thân chúng sau này.

- Đem một lũ trẻ nít vào nơi xứ lạ để mưu sinh không phải là chuyện đơn giản đâu. Sư tỷ cứ nhìn xem, bọn đệ phải mất gần mười năm trời mới có được chút thành tựu cỏn con thế này đó.

- Nhưng điều kiện ở trong đó dễ dàng hơn ngoài này nhiều lắm. Đất đai có sẵn, việc kinh doanh của anh em tôi cũng đang cần thêm nhân sự, mang bọn trẻ vào, mất chút thời gian đầu để tổ chức chúng vào lại nề nếp thôi. Mọi việc sau này sẽ tốt đẹp về lâu về dài hơn cho cả hai bên.

- Thôi được, để đệ vào trong ấy xem thử thế nào rồi hẵng quyết định.

Sáng sớm hôm sau, Bạch Mai cùng Hiền Nhi lại đi chợ mua sắm đồ cúng trước khi làm lễ bốc mộ cho cha. Nàng muốn nhân dịp này đãi bọn trẻ một bữa ăn thịnh soạn nên đã mua rất nhiều hoa quả và thịt cá đủ loại. Lúc họ vừa ra đến đường lớn để trở về thì bỗng thấy một con Ô Truy chở một chàng trai đang từ phía xa phóng nhanh đến. Hiền Nhi nhìn thấy chàng trai liền mừng rỡ reo lên:

- Kìa anh hai, anh đến thăm bọn em hả? Sư tỷ, đây là anh hai của bọn em. Anh Trương Văn Hiến, anh cả thường gọi là đồ gàn đấy. Ơ, hai người biết nhau à?

Bạch Mai mỉm cười:

- Chị và Trương huynh có gặp nhau ở Phù Ly rồi.

Hiền Nhi nhoẻn miệng:

- Ra là thế!

Văn Hiến vui vẻ hỏi:

- Em thế nào Hiền Nhi? Đã đọc hết cuốn sách anh đưa lần trước chưa?

Hiền Nhi gật đầu:

- Đã mấy tháng rồi mà. Em đọc có hơn trăm lần rồi đó, muốn rách cả gáy sách luôn. Cuốn ấy em thuộc lòng cả rồi, lần này không biết anh hai có mang cuốn gì cho em không?

- Có, lát nữa về anh đưa cho. Hai người đi mua đồ cúng à? Đã tìm ra được mộ của Định Sách hầu chưa, Bạch tiểu thư?

Bạch Mai đáp:

- Tìm được rồi. Đã bốc xong mộ của ba người. Hôm nay, tôi tính trước khi bốc mộ gia phụ sẽ làm một mâm cúng lớn cho người và sư phụ.

- Xin chúc mừng Bạch tiểu thư. Trời quả là không phụ lòng người. Ngô Mãnh cũng ở đây chứ?

- Cảm ơn Trương huynh. Xong việc, Ngô huynh đã trở vào Quy Nhơn rồi. Tôi thật tình không biết phải cảm ơn các huynh bằng cách nào đây?

- Bạch tiểu thư không nên bận tâm đến những chuyện ấy. Rồi sẽ có ngày chúng tôi nhờ đến sự giúp đỡ của tiểu thư thôi mà.

Họ về đến trại, tất cả bọn trẻ đều chạy ra mừng đón anh hai trở lại thăm. Do Văn Hiến mới quen với Hồng Liệt sau này, lại thỉnh thoảng ghé thăm nên bọn trẻ gọi Văn Hiến là anh hai, vị thứ sau anh cả. Còn với Hiền Nhi, chúng vẫn giữ nguyên cách gọi cũ là chị hai do đã quen từ lâu. Mỗi lần ghé thăm, Văn Hiến thường mang theo những sách vở cũ của mình đến để cho bọn trẻ lấy đó mà học thêm cái chữ.

Đến trưa, mọi thứ dưới sự hướng dẫn của Bạch Mai đã được chuẩn bị xong. Bọn trẻ mang thức ăn ra mộ bày biện. Quì lạy trước mộ cha và sư phụ, Bạch Mai một lần nữa động mối thương tâm mà khóc òa. Bọn trẻ quì phía sau cũng sụt sịt khóc theo. Cúng xong, trong khi mấy đứa nhỏ đem đồ cúng vào thì những đứa lớn hơn lo việc bốc mộ. Nàng đem cốt cha đựng trong chiếc hòm nhỏ rồi khắc tên lên nắp hòm. Bữa cúng hôm đó thực là bữa ăn thịnh soạn nhất trong đời của hai mươi đứa trẻ. Chúng vừa ăn ngấu nghiến vừa nức nở khen ngon và cảm ơn sư tỷ không ngớt lời. Nhìn tình cảnh này, nàng chợt thấy nghèn nghẹn rồi rưng rưng nước mắt. Bé Út ngồi kế bên nàng hỏi:

- Sao chị không ăn đi? Đồ ăn ngon quá chừng!

Nàng vuốt tóc nó:

- Út ăn đi. Chị thích nhìn các em ăn hơn.

Nó quay sang Hồng Liệt phụng phịu:

- Anh cả nói sư tỷ ăn đi!

Hồng Liệt mỉm cười:

- Út lo ăn đi. Sư tỷ cũng ăn đi cho bọn chúng vui.

Bạch Mai đưa tay nhéo má bé Út:

- Thôi được, chị ăn đây!

Buổi tối, trong lúc mọi người đang coi lũ nhỏ tập bài kiếm Bạch Mai truyền dạy, Văn Hiến một mình ngồi ngắm trăng ở khu vườn sau trại. Mỗi lần đến thăm nơi này, chàng lại nhớ đến những ngày tháng tuổi thơ long đong cơ cực của mình ở quê nhà. Đó là một ngôi làng nhỏ tên Dũng Quyết ven bờ sông Lam, cách không xa cửa Hội ở tận ngoài Nghệ An. Thân phụ chàng là một nhà nho lỡ vận về quê làm một ông đồ nghèo gõ đầu trẻ. Thân mẫu chàng là một phụ nữ chân chất miền quê, quanh năm bận bịu công việc đồng áng. Năm chàng tám tuổi, dịch bệnh lan tràn, mẹ chàng không may mắc bệnh qua đời. Sau đó cả Đàng Ngoài lâm cảnh nghèo đói và loạn lạc dưới sự cai trị xa xỉ và vô đạo của hai chúa Trịnh Cương, Trịnh Doanh. Dân trong vùng nghèo không có tiền đi học, cha chàng đã quyết định bỏ làng chạy vào Phong Điền nương nhờ người anh chú bác là cha của quan nội hữu Trương Văn Hạnh bây giờ. Được người anh giúp cho một mảnh đất khá lớn bên bờ sông Bồ, cha chàng dựng một ngôi nhà nhỏ làm nơi trú thân và tiếp tục mở lớp dạy học. Chàng hàng ngày ngoài việc học thì chỉ biết lặn hụp trên dòng sông Bồ bắt cá phụ vào bữa ăn. Hai năm sau, cha chàng lại không may lâm bệnh nặng qua đời. Chàng trở thành đứa trẻ mồ côi.

Duyên may đưa đẩy, chàng gặp được một vị “Phong trần nho hiệp tứ hải vân du” khi ông có dịp ghé chùa Hà Trung ở hạ bạn sông Hương. Ông nhận chàng làm học trò và dạy võ cho. Thấy chàng có căn cơ và trí tuệ, ông đã ở lại Phú Xuân bảy năm để dạy đủ thập bát ban võ nghệ cho chàng. Sau ông rời Phú Xuân, tiếp tục vân du đến nay đã gần tám năm mà chàng vẫn chưa có cơ may gặp lại. Từ khi sư phụ ra đi, chàng nối nghiệp cha mở lớp dạy học trò độ nhật. Tài nghệ của chàng không lâu đã được mọi người ở Phong Điền biết đến. Họ tự đưa tên tuổi của chàng vào nhóm Phong Điền Tam Hữu, cũng nhờ vậy mà chàng gặp Trần Đại Bằng và Trần Kim Hùng rồi kết làm huynh đệ chi giao. Thỉnh thoảng chàng lại đóng cửa lớp học để ngao du thiên hạ và tình cờ quen với Đinh Hồng Liệt. Từ đó, thỉnh thoảng chàng mang sách vào dạy cho bọn trẻ ở đây.

Văn Hiến đang ngồi ngắm trăng hồi tưởng chuyện xưa thì Hiền Nhi từ trong trại bước ra, đến ngồi cạnh chàng.

- Anh hai đang nhớ lại chuyện xưa phải không?

Văn Hiến quay sang nhìn nàng mỉm cười:

- Sao Hiền Nhi biết?

- Thì lần nào ghé thăm bọn em, anh cũng đều tâm sự chuyện lúc anh còn nhỏ ở quê nhà mà. Chuyện anh lang thang ở miền đất mới Phú Xuân ấy.

- Ừ, nhìn các em, nghĩ lại cuộc đời của anh lúc nhỏ, anh càng thấy thương bọn em hơn. Anh không ngờ gặp được em, là người cùng làng với mình. Em có thấy là thế gian này thật bé nhỏ không?

- Vâng. Em thật vui mừng biết bao khi chúng ta là người cùng quê. Người ta nói tha hương ngộ cố tri thật là đúng. Em bây giờ như đang sống trong một gia đình chung, có anh em, có người cùng quê quán. Em thấy mình đúng là người vô cùng hạnh phúc.

Văn Hiến chợt nhận ra Hiền Nhi sau một thời gian ngắn không gặp nay đã trưởng thành lên rất nhiều. Dưới ánh trăng trông khuôn mặt nàng thật xinh đẹp và phúc hậu. Nghe Hiền Nhi nói, chàng đồng cảm với niềm hạnh phúc của nàng. Một cô bé mồ côi ăn mày ngoài chợ bây giờ được sống với gần hai mươi đứa em ngoan ngoãn cùng người anh cả tốt bụng, hỏi sao nàng không vui sướng, dù đó chỉ là niềm hạnh phúc thật đơn sơ và khiêm tốn. Chàng hỏi:

- Đọc tập thơ anh đưa lần trước, em thích bài nào nhất?

- Em thích nhất bài “Thu Dạ Hoài Cảm” của Chu Thục Chân. Hoàn cảnh của người thiếu nữ ấy thật đáng thương. Một người tài hoa như thế lại bị cha ép gả cho một gã lái buôn đến uất ức mà chết. Thế gian sao có lắm chuyện thương tâm nghịch ý người!

- Lần này anh mang cuốn Đại Học đến, em học rồi dạy cho bọn nhỏ nhé.

- Tứ thư là sách khó, không biết em có tự học nổi một mình không đây?

- Em thông minh như vậy chắc không vấn đề gì. Nhưng anh sẽ ghé thăm bọn em thường xuyên hơn, chỗ nào không hiểu anh sẽ hướng dẫn cho.

Lúc ấy Hồng Liệt và Bạch Mai từ trong trại bước ra. Hồng Liệt hỏi:

- Tên đồ gàn lần này mang sách gì đến mà khó như vậy?

Hiền Nhi mỉm cười:

- Anh hai bắt em phải học sách Đại Học rồi dạy lại cho mấy em. Anh cả coi, chắc cái đầu của em sẽ vỡ ra mất.

Bạch Mai nói:

- Chị tin là em sẽ làm được. Đừng lo.

- Cảm ơn chị. Thôi thì em phải ráng nặn óc mình ra vậy.

Hồng Liệt nhìn Văn Hiến hỏi:

- Sư tỷ định đem bọn trẻ vào Gia Định để bọn chúng có tương lai hơn, đồ gàn ngươi nghĩ sao?

Văn Hiến đáp:

- Được như vậy thì tốt quá còn gì. Gia Định là miền đất trù phú nhưng lại thiếu người khai thác. Trần gia hẳn là ruộng đất có thừa, phải không Bạch tiểu thư?

- Vâng. Những tài sản của Trần Thượng Công để lại nhiều lắm mà anh em muội lại ít người, còn phải lo việc buôn bán của Thần Quyền Môn nữa nên không trông coi được hết. Các em vào đó sẽ giúp được bọn muội nhiều điều lắm.

Hồng Liệt nhìn Hiền Nhi hỏi:

- Em nghĩ thế nào Hiền Nhi?

- Dạ, em thật sự quyến luyến không nỡ rời xa nơi này nhưng mọi việc tùy nơi anh cả quyết định.

Nàng nói xong kín đáo liếc nhìn sang Văn Hiến. Ánh mắt đó như nói lên rằng nàng còn quyến luyến cả chàng nữa. Hồng Liệt nói:

- Thôi cứ để bọn anh vào xem tình hình trong đó thế nào đã rồi hẵng quyết định sau.

Hiền Nhi lặng lẽ thở ra nhẹ nhõm:

- Dạ. Khi nào anh cả và sư tỷ khởi hành?

- Mai bọn anh vào Hội An rồi từ đó đi Gia Định luôn. Em và Việt Nhi ở nhà chăm sóc các em nhé.

Hiền Nhi ngạc nhiên hỏi:

- Ủa! Anh hai cũng đi Gia Định à?

Văn Hiến đáp:

- Bọn anh có tí việc cần phải làm ở trong đó.

Hiền Nhi cố nén tiếng thở dài:

- Các anh phải chóng về nhé. Đường xa lắm phải không chị? Mọi người phải cẩn thận.

Bạch Mai mỉm cười:

- Em an tâm. Người ta đi ra đi vào Gia Định như đi chợ vậy. Không có gì đâu.

Trưa hôm sau ba người từ giã bọn trẻ để đi Hội An. Bọn trẻ đứa nào cũng nước mắt ngắn dài luyến lưu người sư tỷ xinh đẹp như tiên này. Bé Út mếu máo:

- Sư tỷ đi rồi chừng nào trở ra đây thăm bọn em?

Bạch Mai lau nước mắt cho con bé rồi hôn má nó:

- Chị hứa sẽ ra thăm Út thường xuyên. Đừng khóc nữa. Út khóc, chị sẽ khóc theo đó.

Con bé quẹt nước mắt, sụt sịt:

- Chị nhớ lời hứa đó.

- Nhớ, chị nhất định sẽ nhớ.

Rồi nàng kéo tay Hiền Nhi trao cho một số vàng dặn:

- Em chăm sóc mấy đứa cho chị. Đừng bắt bọn trẻ tiết kiệm quá. Thỉnh thoảng chị sẽ mang tiền ra cho các em.

Hiền Nhi lau nước mắt:

- Em biết rồi. Em thay mặt các em cảm ơn chị.

- Không cần cảm ơn. Chăm sóc cho bọn trẻ nên người là được rồi. Chị thế nào cũng sẽ tìm cách đưa các em vào Nam.

Hồng Liệt dặn bọn trẻ:

- Anh có việc phải vào Nam một thời gian khá lâu. Hiền Nhi, Thảo Nhi và Việt Nhi ở nhà phải chăm sóc các em chu đáo. Còn các em phải nghe lời chị hai và anh ba biết chưa?

Bọn trẻ dạ ran. Việt Nhi hỏi:

- Anh cả định đi bao lâu?

- Chưa biết được. Có thể hai, ba tháng gì đó. Ở nhà nhớ nhắc các em luyện tập, đừng lơ là.

- Dạ, em nhớ.

Bé Út kéo tay Hồng Liệt:

- Anh cả lúc trở về nhớ dắt sư tỷ về theo nhé. Không Út sẽ giận anh cả đó.

- Ừ... Thôi bọn anh đi.

- Tạm biệt!

Hai con Bạch mã và con Ô Truy chầm chậm rời trang trại. Hiền Nhi dõi mắt nhìn theo lẩm bẩm một mình:

- Anh cả và sư tỷ thật xứng đôi. Cầu cho trời tác hợp hai người.

Rồi không biết nghĩ gì, nàng bỗng buông tiếng thở dài.