Én Liệng Truông Mây - Hồi 13 - Phần 2

Từ lâu Trần Đại Chí đã rất muốn giết Võ Trụ để Hoàng Kim Môn của hắn có thể kiếm ăn trong vụ khai thác vàng này. Nhưng hắn sợ có Vô Danh thiền sư ở kế bên làm hỏng việc nên bèn nhờ Trương Phúc Loan tìm cách triệu thiền sư về Phú Xuân để ở nhà hắn tiện ra tay. Không ngờ, lực lượng trợ thủ của Diệp Sanh Ký đưa sang có một người rất sành về chất độc, hắn liền thay đổi ý định, quyết giết luôn Vô Danh thiền sư để khỏi lo hậu hoạn về sau. Do đó, trong bình trà Thiết Quan Âm lúc nãy hắn đã bỏ vào một loại độc dược không mùi không vị, lại chậm phát tán. Loại độc dược này có tên “Tam Nhật Đoạn Trường tán”, uống vào sau ba ngày thì độc sẽ bộc phát, phá nát ruột gan dẫn đến tử vong, vô phương cứu chữa.

Phúc Loan nhìn Đại Chí hỏi:

- Ngươi có chắc là loại thuốc này hiệu nghiệm như đã nói không?

- Xin ngài ngoại tả an tâm. Hạ dân xin lấy tính mạng mình bảo đảm.

- Tốt! Vậy hãy làm cho gọn gàng. Việc xong ta sẽ cho ngươi thế chỗ của Võ Trụ, rồi ráng mà coi sóc tốt mỏ vàng đó cho ta.

Đại Chí cười nịnh:

- Ngài ngoại tả cứ an mười cái tâm. Chuyện mỏ vàng, gia đình hạ nhân đã có kinh nghiệm đến bốn năm đời nay rồi. Vài tháng nữa thôi, vàng sẽ chảy đầy túi ngài ngoại tả cho mà coi. Hạ nhân xin cáo từ.

- Ừ, cứ lo cho tốt đi, ngươi không mất phần đâu. Nhưng mà mọi việc phải kín đáo và thận trọng. Thôi đi đi!

Trần Đại Chí cúi đầu chào lần nữa rồi đi thụt lui ra gần cửa mới quay người lại đi nhanh ra sau nhà. Hắn lên ngựa phi nước đại ra bến sông để sang đò về thẳng Bồng Sơn.

***

Cuối tháng bảy năm đó, một cái tin chấn động khắp Đàng Trong được mọi người xôn xao bàn tán không ngớt. Đó là hai vụ đại huyết án rùng rợn xảy ra cùng một đêm trong cảnh mưa gió bão bùng, một ở núi Bích Khê, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn; một ở Liên Trì, xã Liên Chiểu, huyện Mộ Hoa, phủ Quảng Ngãi. Cả hai gia đình Võ Trụ ở Bích Khê và Trần Nguyên Hào ở Liên Trì đều bị những kẻ lạ mặt sát hại không còn một ai sống sót. Tổng cộng số người bị giết lên đến hơn ba mươi nhân mạng nhưng tất cả lại bị đốt thành than cùng với gia trang.

Ở Phú Xuân, người biết hung tin trước tiên là Trần Đại Bằng. Nhờ có phi vũ truyền thư nên chỉ một hôm sau vụ thảm sát, ông đã nhận được tin gởi ra. Đại Bằng vội vàng cùng Kim Hùng đi tìm Đoàn Phong báo tin. Đoàn Phong nghe tin giật mình kinh hoảng, vội tìm Ngô Mãnh cùng báo cho Tôn Thất Dục hay. Sau đó, cả bốn người tức tốc dùng bốn con tuấn mã đi suốt ngày đêm tới thăm hiện trường. Trưa hôm sau, họ vào đến Liên Trì. Toàn bộ nông trang bị thiêu rụi, viên tuần sát ở huyện Mộ Hoa và viên trương thừa của xã Liên Chiểu đang có mặt ở hiện trường để lấy tang chứng và làm báo cáo lên thượng cấp. Đoàn Phong đến gặp họ, viên trương thừa báo:

- Thưa ngài hộ vệ, theo lời bàn tán của dân chúng quanh đây thì chuyện xảy ra đúng vào lúc cơn mưa lớn, sấm sét đầy trời nên không một ai hay biết gì cả. Dưới đống tro tàn kia hạ chức đếm được có tất cả hai mươi ba xác chết bị thiêu, không còn nhận diện ra được ai là ai nữa.

Đoàn Phong hỏi:

- Thật chẳng một ai hay biết gì sao?

- Dạ, hạ chức có hỏi nhưng không một ai chịu nhận là có chứng kiến cảnh thảm sát đó.

Đại Bằng chen vào:

- Thế lời đồn có người nhìn thấy hai con ngựa chạy thoát về hướng núi Long Cốt kia từ đâu mà ra?

Viên Tuần sát đáp:

- Theo hạ chức nghĩ đã có người chứng kiến, nhưng vì họ sợ liên lụy nên không dám nhận.

Đoàn Phong cùng mọi người xem xét tỉ mỉ các nơi, coi lại các xác chết nhưng ngoài việc đoán ra là xác con nít, phụ nữ và đàn ông thì không còn nhận rõ ai là ai nữa. Quanh hiện trường cũng chẳng để lại dấu vết gì sau một đêm mưa to gió lớn. Ngay cả những món binh khí tìm thấy trong đống tro tàn cũng khó có thể nhận ra hình dạng ban đầu của chúng. Dường như đã có thêm vật dẫn lửa để đám cháy bùng phát mạnh hơn. Bọn hung thủ làm việc thật sạch sẽ, gọn gàng, chứng tỏ âm mưu này đã được chuẩn bị chu đáo, trù tính kỹ càng mọi mặt từ lâu.

Đoàn Phong nói với viên tuần sát và viên trương thừa:

- Nhờ hai vị tiếp tục thu thập tất cả chứng cứ, càng nhiều càng tốt. Cho người khoanh vùng và giữ nguyên hiện trường, canh giữ không cho ai được vào đây. Chúng tôi còn phải vào Bích Khê ngay hôm nay để xem tình hình vụ án trong đó thế nào. Việc mai táng xin chờ chúng tôi trở lại rồi cùng nhau thực hiện.

Viên tuần sát nói:

- Xin ngài hộ vệ an tâm, hạ chức sẽ lo chu đáo việc này.

Bốn người lại tiếp tục phóng ngựa lên đường. Khi ngang qua Bồng Sơn, Ngô Mãnh lên tiếng, giọng tức giận:

- Trong vụ này, tôi tin chắc tên Trần Đại Chí là kẻ chủ mưu chứ không ai khác. Chúng ta ghé lại bắt hắn trước rồi tìm chứng cứ sau.

Đoàn Phong ngăn:

- Dù cho đó là sự thật nhưng chúng ta không có chứng cứ rõ ràng thì làm sao buộc tội hắn? Chi bằng cứ để từ hắn, ta lần ra những kẻ đứng phía sau, trong vụ này hắn dù sao cũng chỉ là con chốt mà thôi.

Đại Bằng tán thành:

- Phong huynh nói đúng. Dù biết Đại Chí và Diệp Sanh Ký có dính líu đến vụ án Ô Long đao của Trần gia nhưng chúng ta chẳng có chứng cứ gì. Thêm vào đó vụ án nhà Võ Trụ, ai là kẻ chủ mưu phía sau, ai là người trực tiếp hành sự thì hãy còn là vấn đề cần phải tìm hiểu.

Kim Hùng chợt lên tiếng:

- Có khi nào bọn Dương Tử Tam Kiếm vì mối thù Võ Trụ chặt đứt cánh tay mà ra tay thảm sát cả nhà anh ấy không?

Đoàn Phong đáp:

- Cũng có thể, nhưng lý do đó không được xác đáng lắm.

- Vì sao?

- Thứ nhất, theo lẽ bọn Tam Kiếm phải có mặt ở Trần gia để dùng Ỷ Thiên trường kiếm đối đầu với Ô Long đao. Thứ hai, vì một cánh tay mà thảm sát toàn gia Võ Trụ thì có hơi quá đáng, dù bọn đó thật sự có khát máu đến đâu đi nữa cũng không thể làm việc này để người khác chú ý.

- Theo Phong huynh thì nguyên nhân do đâu?

- Chỉ có thể là vì mỏ vàng Kim Sơn mà Võ Trụ huynh đang làm tổng quản ở đó.

Đại Bằng lại tán thành ý kiến của Đoàn Phong nên gật gù:

- Đúng vậy, tôi cũng đã nghĩ đến điều này. Phong huynh có biết gì nhiều về mỏ vàng này không?

- Theo lời Tôn Thất Dục thúc thúc nói thì trữ lượng mỏ vàng rất lớn, dưới sự quản lý chặt chẽ của Võ Trụ huynh, chỉ trong vòng một năm mà lượng vàng nộp về quốc khố rất nhiều. Chính điều này đã mang lại tai họa cho Võ Trụ.

Ngô Mãnh hỏi:

- Vì sao?

- Vì với một món ăn béo bở như vàng mà bọn tham quan lại bị Võ Trụ bịt miệng bằng những chứng từ rõ ràng gởi đến bộ Công, bộ Hình và Võ vương hàng tháng, chúng không ăn được nên phải tìm cách triệt hạ người bịt miệng chúng.

Kim Hùng nghe Đoàn Phong phân tích thì máu nóng nổi lên đùng đùng:

- Chỉ vì mất ăn một chút vàng mà chúng lại ra tay giết hại mấy mươi mạng người à? Bọn ác nhân này đáng bằm thây ra trăm mảnh!

Đoàn Phong nói:

- Đúng vậy! Nhưng không phải một chút vàng đâu. Chúng nhẫn tâm giết nhiều người như vậy chứng tỏ số lượng vàng rất lớn. Nhưng ai là kẻ có thể thu được lượng vàng lớn ấy nếu người quản lý mỏ Kim Sơn là tay chân của họ?

Đại Bằng nói ngay:

- Chỉ có đại quan với thế lực lớn trong triều mới đủ điều kiện làm được điều này.

Ngô Mãnh la lớn:

- Vậy thì kẻ đó không ai khác ngoài Trương Phúc Loan ra!

Đoàn Phong vội chặn miệng Ngô Mãnh lại:

- Đừng la lớn! Nếu để lộ ra mình đang nghi ngờ và theo dõi họ thì họ sẽ dùng uy quyền mà tiên hạ thủ vi cường, bịt luôn bốn cái miệng nhỏ của bọn mình ngay. Chưa biết chừng còn liên lụy đến Dục thúc và nhiều người khác nữa.

Ngô Mãnh tức tối hỏi:

- Vậy phải làm sao?

- Người chết cũng đã chết rồi. Quân tử trả thù mười năm chưa muộn. Chúng ta phải nhẫn nại và khéo léo để tìm cho ra thủ phạm. Quân cờ chủ chốt là Trần Đại Chí. Từ hắn, ta có thể lần ra manh mối để tìm đáp án cuối cùng. Tuyệt đối không nên lỗ mãng hành sự mà hư chuyện.

Đại Bằng hỏi:

- Như vậy cả hai vụ án này Đại Chí đều có liên quan đến hay sao?

Đoàn Phong đáp:

- Tôi tin là như vậy. Bởi vì hai vụ án xảy ra cùng một lúc ở hai nơi cách xa nhau. Nếu họ không tập trung ở một nơi rồi cùng xuất phát thì không thể lợi dụng đúng thời điểm đêm mưa gió mà ra tay một lúc được. Nơi tập trung và xuất phát đó phải ở Bồng Sơn này mới thích hợp.

- Như vậy bọn Diệp Sanh Ký và Trương Phúc Loan có liên quan với nhau à?

- Có thể có mà cũng có thể không. Nếu có thì cũng do tên Đại Chí đứng giữa làm mắt xích liên lạc. Bảo đao và vàng là thứ mà những người kinh doanh như Diệp Sanh Ký đều ham muốn.

Đại Bằng nói:

- Sau vụ này tôi phải vào Giản Phố xem tình hình trong đó thế nào, nhân tiện giúp cho Văn Hiến và Hồng Liệt một tay.

Kim Hùng chen vào:

- Đệ cũng muốn đi!

Đại Bằng cản:

- Chú phải ở lại để tiếp tục mở rộng tầm hoạt động của Hành Khất bang và giúp Phong huynh một tay ở ngoài này. Anh vào trong đó sẽ liên lạc ra, nếu cần sẽ gửi tin cho mấy người vào cũng chưa muộn.

- Bọn trẻ ở chỗ Hồng Liệt cũng nóng ruột về tin tức của hắn và tam đệ, chúng muốn vào trong đó một chuyến. Anh có đi nên cho chúng theo một thể.

- Cũng được. Chú đưa tin cho chúng biết, trong bọn chúng ai muốn đi thì bảo vào Liên Trì gặp chúng ta. Vào Bích Khê xong, anh phải liên lạc với chú Hữu Dụng xem chừng nào họ có chuyến vào Giản Phố.

Bốn người đến trại ngựa của Võ Trụ, tình hình cũng giống như ở Trần gia. Tất cả không còn gì ngoài một đống tro tàn với gần mười lăm bộ hài cốt. Chính quyền địa phương đã cho người khoanh vùng khu trang trại và canh gác không cho ai vào. Vì đây là vụ đại huyết án nên địa phương không thể tự mình giải quyết mà phải chờ người của Hình bộ. Đoàn Phong xem xét tỉ mỉ xong thở phào nhẹ nhõm nói:

- Không thấy xác con nít, lại chỉ có một xác phụ nữ, nghe người quanh đây nói thì xác phụ nữ này có thể là chị dâu của vợ Võ Trụ huynh. Như vậy lời đồn có một con bạch mã chở một người đàn bà và một đứa trẻ chạy thoát trong đêm thảm sát là đúng. Võ Trụ huynh dù gì vẫn còn có người nối dõi. Trời Phật hãy còn thương họ Võ nên lưu lại kẻ kế thừa. Tạ ơn Phật tổ từ bi. Mối huyết thù này chắc chắn sẽ được thanh toán sòng phẳng sau này.

Đại Bằng hỏi:

- Vì đâu mà Phong huynh khẳng định như vậy?

- Tôi đã thấy qua đứa con trai của Võ Trụ. Nó như một pho tượng thần hộ pháp canh giữ ở đền chùa. Đứa trẻ như nó, lại mang thêm mối huyết hải thâm thù thì trên đời này không còn ai có thể cản ngăn được. Bọn hung thủ chắc chắn sẽ phải trả một cái giá rất đắt mai này. Dù cho kẻ đó là ai.

Kim Hùng nói:

- Được vậy thì thật tốt. Tên nó là gì?

- Võ Văn Doan.

Bốn người đang nói chuyện thì có hai con ngựa chở một già một trẻ từ trên quan lộ phóng như bay đến. Đại Bằng nhận ra người trẻ là Đỗ Trọng, còn người già chàng đoán chừng là Hữu Dụng. Đại Bằng lên tiếng:

- A, Đỗ Trọng huynh! Chúng ta gặp lại nhau rồi. Vị này có phải là chú Hữu Dụng không?

Đỗ Trọng và Hữu Dụng nhảy xuống ngựa. Đỗ Trọng đáp:

- Vâng, đây là chú Hữu Dụng. Còn đây là anh Đại Bằng, anh cả của Trương huynh.

Đại Bằng giới thiệu mọi người với nhau. Đỗ Trọng nói:

- Chú Dụng nghe hung tin của hai vụ án liền cùng tôi ra đây xem sự thể thế nào để vào Giản Phố nói lại cho Trương huynh và Đinh huynh hay, không ngờ gặp được các vị ở đây.

Đại Bằng mừng rỡ nói:

- Cháu đang có ý định xuống đầm Hải Hạc hỏi thăm chú xem khi nào thuyền vào lại Giản Phố. Cháu định quá giang vào trong đó một chuyến.

Hữu Dụng vui vẻ nói:

- Vừa hay, hai hôm nữa chúng tôi sẽ rời bến. Bằng huynh thu xếp xong mọi việc rồi chúng ta cùng đi.

- Cảm ơn chú trước. Cháu sẽ có mặt ở dưới đó đúng hẹn.

- Có tìm ra được ai là hung thủ chưa?

Đoàn Phong buồn bã đáp:

- Dạ chưa. Bọn chúng làm việc rất chu đáo, cả hai nơi đều không để lại một vết tích gì ngoài một đống tro tàn thế này đây. Cơn mưa lớn đêm đó đã giúp chúng xóa sạch mọi dấu vết.

Đỗ Trọng hỏi:

- Không có một nghi vấn nào sao?

- Có thì cũng có, nhưng chưa thể khẳng định được điều gì. Phải có thời gian tìm hiểu thêm.

Ngô Mãnh hỏi:

- Bây giờ chúng ta phải làm gì?

- Chúng ta ghé lại huyện Phù Ly để tổng kết biên bản vụ án. Sáng mai làm lễ an táng cho gia đình Võ Trụ, sau đó trở lại Liên Trì an táng cho Trần gia.

Đại Bằng như sực nhớ điều gì nên liền hỏi:

- Còn sư phụ của Võ Trụ huynh trên núi đâu? Ông ta có bị giết trong đêm đó không?

Đoàn Phong giật nảy mình:

- Đúng rồi! Sao tôi lại có thể quên thiền sư được nhỉ? Hôm rằm tháng bảy tôi và Dục thúc có gặp thiền sư ở chùa Thiên Mụ chuẩn bị đại lễ Vu Lan. Sau lễ, nghe nói thiền sư trở về Bích Khê ngay mà. Lẽ ra thiền sư phải có mặt ở đây trong đêm xảy ra vụ thảm sát mới đúng chứ. Không lẽ ngài cũng bị sát hại rồi ư?

- Thiền sư xưa kia là tay kiếm tuyệt, nổi danh đệ nhất kiếm thủ. Lẽ nào lại bị hại dễ dàng như thế? Chúng ta lên núi xem sao?

- Đúng! Chúng ta cùng đi xem sao.

Sáu người bèn phóng ngựa lên núi. Vào đến am của Vô Danh thiền sư thì thấy mọi vật đều bị phá nát nhưng không phải do có cuộc đánh nhau mà là do bàn tay con người đập phá. Đoàn Phong thở dài nói:

- Ở đây không có dấu tích của sự xô xát. Vậy là bọn hung thủ sau khi giết cả nhà Võ Trụ mới kéo lên phá nát chỗ này. Không biết thiền sư đã ở đâu, làm gì trong đêm xảy ra huyết án? Một người như ông ta làm sao có thể bị giết dễ dàng như thế được. Mà nếu không bị giết thì vì lý do gì lại không thấy xuất hiện ở đây?

Đại Bằng nói:

- Như vậy chỉ có hai cách giải thích. Một là thiền sư đã bị hại trên đường từ Phú Xuân trở về Bích Khê. Hai là ông ấy cũng bị giết trong đêm đó cùng với Võ gia.

- Nếu như vậy bọn hung thủ phải có tay đại kiếm thủ và rất có thể hắn đến từ Trung Quốc.

- Đúng vậy! Tôi đã thấy thân thủ của Võ Trụ huynh trong cuộc đấu với hai anh em họ Tư Đồ. Kiếm pháp của Võ huynh đáng liệt vào hàng tuyệt đỉnh cao thủ. Điều này cho thấy Vô Danh thiền sư còn cao siêu đến bậc nào. Chúng ta phải cẩn thận mới được.

Ngô Mãnh nổi máu anh hùng xen vào:

- Càng hay! Tôi thật sự muốn gặp một đối thủ như vậy.

Đoàn Phong nói:

- Thôi, mọi việc rồi từ từ cũng sẽ sáng tỏ. Chúng ta lên Phù Ly nghỉ ngơi ở đó đêm nay. Mai lo cho xong việc an táng của hai gia đình họ.

Sáng hôm sau, với sự trợ giúp của địa phương, ngôi mộ của Võ gia đã được lập lên ngay tại trang trại dưới chân núi Bích Khê. Dân chúng trong vùng nhớ đến ơn đức của họ Võ nên đến dự rất đông, họ than khóc như chính người thân trong gia đình họ vừa mất vậy. Bọn Đoàn Phong sáu người cũng không cầm được nước mắt khi lạy trước mộ người bạn tốt, đầy nghĩa khí của mình. Họ dùng rượu rưới xuống đất trước mộ, không ai nói lời nào nhưng trong thâm tâm, họ đã thề sẽ tìm cho ra những tên hung thủ khát máu để trả thù cho bạn. Việc xong, cả sáu người lại phóng ngựa trở lại Liên Trì để an táng cho Trần gia. Mộ lập xong, nhân dân quanh vùng đều đến tế mộ, họ khóc thương cho Trần gia bao đời nhân đức nay phải chịu nạn diệt gia vô cùng thảm thương. Vừa hay, Hiền Nhi cũng từ cửa Hàn vào Liên Trì đúng lúc mọi người đang cúng tế trước mộ phần. Đêm xuống, người dân và viên chức địa phương trở về hết chỉ còn lại bọn người của Đoàn Phong. Hữu Dụng nói:

- Chúng tôi phải trở về Quy Nhơn để thu xếp cho chuyến đi ngày mốt. Bằng huynh chuẩn bị để tối mai có mặt ở đó thì được rồi. Giờ xin cáo từ.

Đại Bằng nói:

- Cảm ơn chú và Đỗ huynh. Chúng cháu sẽ có mặt ở Quy Nhơn tối mai.

Hữu Dụng cùng Đỗ Trọng lên ngựa về Quy Nhơn. Còn lại năm người bọn Đoàn Phong ngồi trước mộ uống rượu. Ánh trăng già hắt ánh sáng nhàn nhạt soi xuống hồ sen, gió nhẹ đưa hương sen thơm ngát lan tỏa khắp vùng. Đêm ở đây thật u tịch, có ai ngờ mấy hôm trước nơi đây lại xảy ra cuộc thảm sát máu lệ rơi đầy, biến cảnh non bồng thành nơi mộ địa. Đại Bằng mắt rướm lệ nâng chung rượu lên uống cạn rồi cất tiếng ngâm:

Hồi vấn cố tri thiên lý mưu

Bàng hoàng tặc loạn một thiên vưu

Phương liên thẩm thẩm Liên Trì hận

Thanh thảo thê thê Long Cốt cừu

Phủ khốc hàn tinh xuy vạn ảnh

Ngưỡng hào oán khí phún thiên ưu

Phiêu phiêu ma ảnh uất triêm lệ

Túy thệ truy thù tế vĩ lưu.

Tạm dịch:

Ta quay về hỏi cố tri về mưu ngàn dặm

Bàng hoàng thấy giặc loạn làm mất của quý trời đất

Sen thơm gãy chìm khắp gây nên hận Liên Trì

Cỏ xanh thảm thiết in mối thù núi Long Cốt

Cúi xuống khóc, những điểm hàn tinh thổi vạn ảnh

Ngửa lên la to oán khí phun ngàn mối ưu phiền

Ma ảnh bay bay đẫm lệ tức uất

Say thề đuổi giết quân thù tế dòng tộc lớn.

Giọng ngâm chứa chan niềm bi thương, uất hận. Đoàn Phong nói:

- Tuyệt tác! Bài thơ nghe thống hận tận tâm can.

Kim Hùng tiếp lời, giọng kiên quyết:

- Tôi thề sẽ tìm cho ra tên hung thủ chính đứng sau hai vụ án này, phanh thây hắn ra trăm ngàn mảnh để trả thù cho gần bốn mươi nhân mạng của Võ gia và Trần gia.

Hiền Nhi nghe xong bài thơ không cầm được nước mắt, nàng nức nở:

- Bài thơ này Bằng huynh nên đặt cho nó một cái tên chứ?

Đại Bằng nói:

- Đặt là Liên Trì - Long Cốt hận tạm vậy!

Ngô Mãnh gằn giọng:

- Hay lắm! Mối hận ở Liên Trì và núi Long Cốt này chúng ta không trả được thề không làm người!

Cả bốn người bưng bốn chung rượu vừa rót xuống đất vừa đồng thanh nói:

- Không trả được thù thề không làm người!!!

***

Trong khi ở dinh Quảng Nam xảy ra hai vụ huyết án kinh thiên động địa thì trên núi Bửu Long, Văn Hiến và Hồng Liệt đã khai thông được Sinh Tử Huyền Quan nên nội lực cả hai giờ đây sung mãn vô cùng. Một hôm, Phật Chiếu thiền sư ghé lên động và nói:

- Về nội, ngoại công phu hai con đều đã thành tựu mỹ mãn, riêng các Luân Xa không phải trong một sớm một chiều là có thể khai mở tất cả được. Đời các con còn dài, hãy thường xuyên tập luyện rồi theo thời gian nó sẽ bổ sung thêm nội khí cho cơ thể. Hôm nay ta bắt đầu truyền thụ quyền pháp và kiếm pháp cho các con. Cả hai con đều dùng kiếm cả phải không?

Hai người đồng thanh đáp:

- Dạ!

- Tốt! Quyền và kiếm pháp này do ta và nho hiệp đã tinh lọc ra từ tinh hoa của võ thuật Đại Việt và Trung Hoa rồi đúc kết lại mà thành. Đó là Long quyền, tức là quyền của Lạc Long Quân và Phụng kiếm, tức bài kiếm của người Việt nữ thuở xưa. Nói là Long quyền nhưng thực sự là Tiềm long phục hổ vì nó kết hợp sự uyển chuyển dẻo dai của rồng và sự mạnh bạo mau lẹ của hổ. Bộ pháp của bài quyền này dựa trên căn bản của Cửu cung bát quái mà thay đổi phương vị. Bài Phụng kiếm gồm một số chiêu thức của bài Việt nữ kiếm mà ngày xưa cô gái Việt đã giúp cho quân của Việt vương Câu Tiễn đánh bại Ngô vương Phù Sai còn lưu truyền lại. Nó kết hợp với tinh hoa kiếm pháp Đại Việt và Trung Hoa mà thành. Vì vậy, dù có tên là Phụng kiếm nhưng thế kiếm không quá uyển chuyển như chim phụng múa mà lại hàm chứa sát khí rất nặng bên trong. Tên gọi Phụng kiếm chỉ là cách để nhắc nhở chúng ta về người Việt nữ tài ba thuở xưa mà thôi.

Văn Hiến hỏi:

- Bài Việt nữ kiếm nghe nói đã thất truyền từ lâu rồi làm sao sư phụ và sư bá có được?

Phật Chiếu đáp:

- Có lẽ do anh linh của tổ tiên dòng Bách Việt phù hộ nên xui khiến sư phụ con trong một lần đi vào vùng núi Vũ Di ở Phúc Kiến đã gặp được một truyền nhân của Việt nữ kiếm tại một bộ lạc người Mân. Họ là hậu nhân của Vô Chư, vị Mân vương cuối cùng của nước Mân Việt thời nhà Hán. Tuy bài kiếm đã bị biến đổi nhiều qua hơn hai mươi thế kỷ nhưng bấy nhiêu thôi cũng là quá may mắn cho người Việt ta rồi.

Văn Hiến và Hồng Liệt lại mất thêm nửa tháng nữa để lĩnh hội tất cả những yếu quyết của Long quyền và Phụng kiếm. Trình độ võ công của hai người xấp xỉ nhau nên việc luyện tập rất mau chóng và đạt nhiều hiệu quả. Thiền sư Phật Chiếu sau khi quan sát kiểm tra lại việc học tập của hai người, ngài cho phép họ về chùa. Nhà sư dặn dò:

- Thành tựu của hai con thật vượt quá sự mong đợi của ta và nho hiệp. Bây giờ, hai con có thể xuống núi hành hiệp trượng nghĩa mà không lo gặp nhiều nguy hiểm, trở ngại nữa. Tuy nhiên núi này cao ắt có núi khác cao hơn, vả lại võ học mênh mông vô bờ bến nên hai con đừng bao giờ tự phụ vào võ công của mình, hãy luôn cố gắng luyện tập mọi lúc để tăng tiến hơn. Và điều quan trọng nhất là phải lấy hai chữ từ bi làm gốc, tình thương làm trọng. Dù là kẻ thù, nếu có thể tha được thì nên tha. Mong các con nhớ kỹ lời ta nói.

Cả hai đồng thanh đáp:

- Chúng con xin ghi nhớ lời dặn của sư bá!

Phật Chiếu gật đầu rồi vào trong mang ra hai thanh kiếm và hỏi:

- Hai con có từng nghe nói về một người tên Âu Dã Tử ở nước Việt xưa không?

Hồng Liệt đáp ngay:

- Dạ có! Âu Dã Tử nước Việt và Can Tương nước Ngô sống cùng thời với nhau, họ là hai là bậc thầy luyện kiếm trong thiên hạ tự cổ chí kim.

- Đúng! Còn gì nữa?

- Việt vương Doãn Thường biết Âu Dã Tử có tài luyện kiếm nên cho mời tới và nhờ rèn kiếm báu. Âu Dã Tử vâng lệnh đi khắp nước Việt để tìm kim loại quí, khi ngang qua vùng suối Long Tuyền ở Tần Khê, Chiết Giang thì thấy có ánh sáng kim loại tỏa lên trong trời đêm, ông biết nơi đây có kim loại quí nên đào xới và tìm được một khối sắt tốt. Ông luyện ra năm thanh kiếm báu cho Việt vương là Trảm Lư, Cự Khuyết, Thắng Tà, Ngư Trường và Thuần Quân. Sau, vua Việt đem thanh Trảm Lư tặng Ngô Phù Sai để tâng công. Nhưng khi Việt Câu Tiễn diệt được Ngô vương đã thu hồi lại thanh Trảm Lư và đem chôn theo mình lúc tạ thế. Vua nước Sở là Sở Chiêu vương nghe danh Âu Dã Tử bèn nhờ Phong Hồ Tử là bạn của Âu Dã Tử rước về rèn kiếm cho mình. Âu Dã Tử đã rèn cho vua Sở ba thanh Long Tuyền, Thái A và Công Bố. Tất cả đều là bảo kiếm trong thiên hạ.

- Còn Can Tương?