Chia Tay Tuổi Học Trò - Chương 11 - 12 - 13

11.ƯỚC MƠ NGỌT NGÀO

Sáng mai là Chủ nhật, và theo kế hoạch thì lớp 12A2 sẽ tập trung tại cổng trường lúc sáu giờ sáng để khởi hành đi Vũng Tàu. Đứa nào cũng háo hức cho chuyến đi đầu tiên - và cũng có thể là chuyến đi cuối cùng có đông đủ thành viên nhất. Nào là mua đồ ăn đem theo vì tụi nó dự định sẽ ghé resort, nào là chuẩn bị các trò chơi thi đua, và khoản quan trọng nhất mà mãi đến khuya tụi nó vẫn chưa chuẩn bị xong: đó là những bộ cánh tươm tất, nổi bật để diện trong ngày lịch sử trọng đại ấy.

Thầy Nguyên cuối cùng cũng thu xếp xong việc riêng để đi với lớp. Tối hôm đó thầy cũng chuẩn bị một số hoạt động trò chơi để có thể hỗ trợ tụi nó khi cần thiết.

Khoảng bảy giờ tối, Như An nhắn tin hỏi thầy:

- Mai thầy có đi với lớp không thầy?

- Có.

Có lẽ nó cũng là một trong ba đứa mà gia đình không cho đi. Vì vậy thầy Nguyên cũng không nói gì thêm. Nhưng đến lúc mười giờ thì lại có tin nhắn của nó:

- Mai thầy với em song ca bài Ước mơ ngọt ngào được không?

Tựa bài hát nghe thật xa lạ với thầy Nguyên, thầy chẳng biết nó thuộc thể loại nào. Có thể thầy đã từng nghe, nhưng không để ý cái tựa. Sau lần trò chuyện với Như An hôm trước, thầy đã liên hệ với cô Cẩm Ly để cô giúp giải thích và “làm việc tư tưởng” với phụ huynh về vấn đề học tập, và qua cô, thầy Nguyên biết được thêm rằng Như An là một cô bé mơ mộng, sống nội tâm và cũng có những lúc hơi kỳ lạ.

Cô Cẩm Ly tỏ ra đã rất quan tâm đến việc này:

- Em đã có lần xuống tận nhà Như An rồi. Ba mẹ em ấy không sống chung nhau nữa từ năm em học lớp mười. Giờ em ấy ở với mẹ.

- Nhưng anh nghe Như An nói mẹ và bà của em không muốn cho em học đại học vì sợ em hư khi lên thành phố, cô có thể giúp nói một tiếng trong buổi họp phụ huynh để cho họ hiểu ước muốn của em được không? - Thầy Nguyên nài nỉ.

- Anh không biết đâu, mẹ Như An thật sự không muốn em ấy học vì sợ tốn tiền. Còn ba của em ấy dầu không ở chung nhưng vẫn hứa sẽ cố gắng lo cho em đi học tới nơi tới chốn.

- Sức học của Như An cũng khá, có khả năng đậu đại học mà!

- Vì biết hoàn cảnh nhà em ấy, nên đầu năm em đã liên hệ giáo viên môn Lý dạy thêm cho em ấy miễn phí. Môn Hóa Như An đã học khá rồi, với lại em ấy không thi đại học môn Hóa. Vậy mà em ấy lại đóng tiền học thêm cả môn Hóa nữa. Em mới hỏi lý do thì em ấy bảo phần học phí này mình tự lo được. Em ấy đi học là để giúp bạn hiểu bài, chứ không phải học cho mình.

- Chuyện này thì anh mới được biết.

- Bởi vậy anh coi Như An có kỳ cục không? Em cũng không chắc em ấy sẽ thi đậu đại học nếu cứ tiếp tục không có chính kiến, cứ mơ mộng và làm chuyện bao đồng như thế.

Vì vậy thầy Nguyên chưa trả lời Như An ngay về đề nghị cùng hát song ca với nó. Thầy dò trên mạng thì biết được rằng bài hát Ước mơ ngọt ngào là một bài hát về mùa xuân, có nội dung hướng về một cái Tết sum họp, đoàn viên cho tất cả mọi người trong gia đình. Giai điệu cũng khá nhẹ nhàng, sâu lắng, làm nôn nao lòng người trong dịp năm mới sắp đến. Thế là thầy liền tập ngay bài hát đó để chuẩn bị cho ngày mai.

Sáng hôm đó khi đến chỗ hẹn, thầy thấy Hải và Huyền Trân đã có mặt. Hai đứa cùng diện đồ đôi màu xanh da trời. Vậy là nhà Hải đã cho phép nó đi với lớp khi có thầy cô đi cùng. Tất cả lên xe vừa chưa ấm chỗ thì Băng Tâm đã chạy lòng vòng bán tờ dò lô-tô với giá một ngàn đồng một tấm. Thầy Nguyên rất không thích mấy chuyện liên quan đến bài bạc ăn tiền, nên thầy ra góc sau ngồi để cho tụi nó chơi vui vẻ. Nhưng vì một lý do nào đó không rõ mà trò lô-tô đã không diễn ra, đến cả lúc về cũng không chơi được nên khi sắp đến nhà Băng Tâm đành trả lại tiền đã thu của những người mua lúc sáng.

Thay vào đó, chúng bắt đầu những tiết mục văn nghệ và trò chơi sinh hoạt. Không khí trên xe thật vui, thật hào hứng dù chỉ có một cái mi-cro phát qua loa cầm tay và một cây ghi-ta thùng tiếng được, tiếng mất. Thầy Nguyên cũng đã bước lên “sân khấu” và gọi Như An lên cùng hát bài Ước mơ ngọt ngào tặng cả lớp: “Mùa xuân đến, xinh tươi trời mây, nhà nhà đều sum vầy. Đào tươi thắm, mai vàng khoe sắc đón xuân. Nụ cười tươi thiết tha, niềm vui trong ánh mắt. Một mùa xuân ấm êm gia đình, gió đưa xa lời hát…” Không ai bảo ai, mỗi người đều chạnh lòng trong bầu không khí xuân lãng mạn và mơ về một cái Tết đoàn viên, một cái Tết có đầy đủ cha, mẹ, anh chị em dù trong những ngày qua phải đi xa, bôn ba vì cuộc sống mà không thể ở được bên nhau. Nhất là Như An, ước mơ ngọt ngào và đơn giản với tất cả mọi người nhưng sao năm nay thật xa xỉ và xa vời đối với nó quá...

Chưa đến tám giờ sáng thì tất cả đã đến nơi. Resort nơi lớp sinh hoạt nằm bên một bãi biển vắng vẻ với hàng cây dương xanh mướt và những cái chòi lá màu nâu sẫm dưới ánh mặt trời dịu nhẹ trong những ngày giáp Tết. Nhìn ra phía xa là những hòn đá to chất chồng lên nhau bị những con sóng to vỗ mạnh vào làm bọt nước bắn lên tung tóe. Phía bên trái là bãi cát phẳng lặng với những chiếc dù sặc sỡ bên cạnh mấy cái xích đu làm bằng lốp xe cũ được sơn đủ màu không kém.

Có lẽ vì cận Tết nên cũng ít người đi du lịch, vì thế lớp chọn được những chòi đẹp nhất, có khoảng trống để sinh hoạt và vui chơi. Sau khi thu xếp đồ đạc, tất cả cùng ăn sáng bằng bánh mì và chả lụa mang theo. Xong xuôi, tất cả phải thay đồ thể dục đã chuẩn bị sẵn, theo như lời dặn của cô Cẩm Ly trước lúc ra đi, để tiến ra bãi biển tham gia các trò chơi vận động.

Hùng và Hải tổ chức cho bốn tổ thi đua trò chơi. Trò thứ nhất là bịt mắt bắt bướm. Bốn bạn nam của bốn tổ sẽ đứng ở những chỗ cố định, và được dán những con bướm bằng giấy lên nhiều vị trí trên người. Mỗi tổ cử ra một bạn nữ bị bịt mắt bằng khăn và phải di chuyển từ xa đến mục tiêu của tổ mình và bắt hết những con bướm đã được dán. Tất cả thành viên còn lại chỉ được dùng lời nói để hướng dẫn người chơi của tổ mình. Không biết tổ của Cẩm Hằng hướng dẫn thể nào mà bạn nữ đi ra hướng biển, trong khi bạn nam thì đứng ở phía trong này. Gió thổi mạnh cũng làm cho trò chơi thêm phần hấp dẫn. Những tiếng cười, những tiếng la, tất cả đã làm cho những lo âu, mệt mỏi, buồn phiền như những chú bướm bằng giấy màu tím đều bị thổi bay đến một nơi chân trời góc biển nào đó mà không ai có thể tìm lại được.

Tiếp tục là những trò chơi tập thể như đập bong bóng, đua thuyền... “Tuổi thơ bên nhau cho ta vô tư với bao mơ mộng, biết bao tháng ngày bạn kề bên sớt chia.” Tuổi thơ thần tiên cho mỗi chúng ta bao nhiêu kỷ niệm yêu thương dầu buồn, dầu vui. Cho dù sau này khi đã rời xa nó, chúng ta cũng không thể nào quên được những giấc mơ hồn nhiên, những hy vọng mà chúng ta đã thả bay lên trời. Chỉ tiếc một điều, tuổi thần tiên là một nơi chốn duy nhất mà một khi đã rời đi, chúng ta không bao giờ có thể trở về đó được nữa.

Khi ra về cả lớp cùng tham quan Bạch Dinh, một công trình kiến trúc của toàn quyền Pháp cách đây gần một trăm năm, thì có sự cố xảy ra.

- Tất cả tập trung chụp chung nhau một tấm hình nào! - Cô Cẩm Ly gọi.

Chụp xong một kiểu, mọi người đề nghị đổi kiểu khác.

Đang ở tư thế ngồi của một cầu thủ bóng đá, thầy Nguyên tung hai chân duỗi ra phía trước. Một cảnh tượng vô cùng nghệ thuật đã diễn ra trước mắt mọi người: chiếc giày vẫn còn trong chân thầy Nguyên, nhưng cái đế giày thì cất cánh bay theo một vòng cầu rồi từ từ hạ xuống đất. Mọi con mắt đổ dồn về phía thầy, những lời bình phẩm, rồi điện thoại chụp hình lia lịa làm thầy có cảm giác vô cùng xấu hổ như một lần các khán giả hô to “xuống đi, xuống đi!” lúc thầy quên hết lời hát khi đang trình diễn văn nghệ trong một đêm cắm trại.

Sau phút bàng hoàng, thầy Nguyên cúi xuống lột luôn hai chiếc giày và chỉ mang vớ đi về cho đến chợ Bà Rịa. Nhờ hành động này mà sau đó tấm ảnh thầy mang vớ đi xuống núi đã được cô Cẩm Ly nhận xét là ảnh của “người đàn ông tự tin nhất năm.”

Khi ghé chợ Bà Rịa, thầy Nguyên vào siêu thị để mua đôi dép. Lần này thì sự cố xảy ra với tụi học trò.

Trước chợ Bà Rịa có những người bán một loại trái cây lạ rất ư là bắt mắt: màu xanh óng, quả to tròn, bóng bẩy, ăn có vị ngọt ngọt chua chua rất hấp dẫn. Người bán cho biết đó là “táo ổi”, đặc sản của vùng Bà Rịa này. Những người có đi du lịch nhiều thì chắc phải biết rằng đây không chỉ là “đặc sản” của Bà Rịa mà còn là của Đà Lạt, Nha Trang và một số điểm du lịch khác.

Sau khi được cho ăn thử thì tụi nó cả trai lẫn gái đều tranh nhau để mua “táo ổi” về làm quà cho gia đình. Với giá hai mươi lăm ngàn một ký thì quả là không đắt cho loại quả mà đến gần mười tám tuổi chúng mới có dịp nếm thử này, nên chẳng đứa nào tiếc tiền cả. Cẩm Hằng cũng cố chen vào mua cho được hai ký.

Lúc thầy Nguyên quay lại thì thấy Cẩm Hằng vừa cân xong bịch “táo ổi”. Thực ra đây là ổi, chứ không phải là táo. Ổi được bào vỏ, ngâm phẩm màu cho bắt mắt, ngâm hàn the cho giòn, và ngâm đường hóa học cho ngọt thêm. Vì phải trải qua nhiều công đoạn chế biến như thế nên từ một ký ổi chưa đến mười ngàn đồng, nó biến thành “táo ổi”với giá đắt hơn gấp đôi. Nhìn tụi nó háo hức, thầy Nguyên mới thấy thông cảm cho nàng Bạch Tuyết trong câu chuyện cổ tích xưa kia đã không ngại ngần cắn lấy quả táo độc nửa đỏ nửa xanh.

Thầy Nguyên nói nhỏ cho tụi nó biết sự thật, và Cẩm Hằng lật đật chạy lại chỗ người bán ổi ngâm - lúc đó vẫn còn Băng Tâm và một số bạn khác đang lựa ổi. Chẳng biết nó nói gì, làm gì mà lúc sau quay lại xe, bịch “táo ổi”trên tay nó đã không còn.

Về đến trường, lúc xuống xe thầy Nguyên mới nói đùa với nó:

- Em cho thầy xin một trái “táo ổi”với.

- Em trả lại hết rồi ạ! Cẩm Hằng trả lời.

Thật không thể tin được! Có ai mua đồ mà trả lại được bao giờ, huống gì là mua “táo ổi”. Người ta bán được người ta mừng muốn chết, ai lại thu về và trả lại tiền một cách dễ dàng như vậy? Chắc là nó bán lại cho Băng Tâm, vì nó sợ ăn “táo ổi”vào sẽ không thể cao lên được nữa.

Vậy mà hôm sau Cẩm Hằng lại còn trêu chọc Băng Tâm trên Facebook. Chia sẻ một trang báo mạng có bài cảnh giác về loại ổi ngâm hóa chất này, nó còm-men bên dưới:

- Bạn Băng Tâm mua được mấy kí dzạ?

Đến nước này thì thầy Nguyên thấy nó cũng lém lỉnh y hệt như Minh Hằng. Và thầy bắt đầu có một quyết định.

12. NHỮNG TIN NHẮN CÔ ĐƠN

Kể từ hôm đó, thầy Nguyên quyết định sẽ chọn Cẩm Hằng làm người thể hiện ca khúc mà thầy mới sáng tác. Việc thầy chọn nó ngoài vấn đề chuyên môn ra thì còn một lý do khác hoàn toàn thiên về cảm xúc: Cẩm Hằng đã làm sống lại trong Nguyên một hình bóng mà đã từ lâu thầy tưởng như đã bị chôn chặt tận đáy lòng.

Sáng mồng một Tết, Nguyên dậy sớm để vào Facebook để gửi lời chúc Tết cho bạn bè trước khi cùng gia đình đi thăm nội ngoại. Có lẽ đêm qua ai cũng đón giao thừa khá kỹ nên đến sáu giờ sáng mà vẫn chưa thấy một ai online, ngoại trừ nick của Cẩm Hằng vẫn lóe lên một màu xanh đầy hy vọng.

- Chào buổi sáng! - Thầy Nguyên mở lời với tâm trạng đầy phấn khởi. Thầy vừa viết xong một bài thơ chúc xuân và đăng lên tường nhà để gửi gắm những lời chúc hạnh phúc và bình an đến cho mọi người.

Không có dấu hiệu gì từ phía Cẩm Hằng. Thầy Nguyên nhớ lại lần trước, có một lúc thầy quyết định từ giã Facebook cũng là vì nó không muốn trò chuyện với thầy nữa. Những lúc gần đây thầy có linh cảm rằng Cẩm Hằng tránh không trò chuyện với mình. Dường như nó cảm nhận ra sự thay đổi trong cách cư xử từ phía thầy thì phải. Thật ra kể từ hôm sinh nhật, thầy đã bắt đầu chú ý đến Cẩm Hằng hơn, tìm hiểu về nó nhiều hơn, và quan tâm đến việc học của nó hơn. Tuy rằng Cẩm Hằng gợi cho thầy nhớ lại một người đặc biệt trong quá khứ, nhưng thầy rất nghiêm túc và rõ ràng: thầy quan tâm nó như quan tâm đến một đứa học trò, một người em, một người cháu của thầy - mặc dầu có phần ưu ái hơn những đứa học trò khác. Suy cho cùng, không thể bắt người giáo viên đối xử với mọi học trò đều như nhau.

Thầy Nguyên cảm thấy rất buồn vì sau hơn ba mươi phút, vẫn chưa nhận được hồi âm. Cẩm Hằng đã tắt máy và cũng không thèm trả lời, chứ đừng nói đến việc chúc thầy một câu xã giao như một số học sinh khác đã làm ngay từ khi bắt đầu ngày mới. Một lần nữa thầy tự hứa với lòng rằng sẽ không bao giờ nhắn tin cho nó trước nữa, bất cứ vì lý do gì, bởi vì thầy đã từng đọc ở đâu đó một lời khuyên: “Nếu bạn nhắn tin cho một người nhưng người đó không trả lời, hoặc rất lâu sau mới có hồi đáp thì hãy biết rằng người ấy không thích trò chuyện với bạn hoặc không xem bạn là quan trọng.”

Chiều hôm đó thầy mở điện thoại ra để tải một bài nhạc thì nhận được tin nhắn muộn màng của nó:

- Thầy năm mới ạ!

- Ừm!

- Thầy đi đâu chơi chưa thầy?

- Đi thăm bà con thôi, còn em?

- Dạ đi với gia đình ạ.

Cẩm Hằng chia sẻ lên tường nhà những tấm hình mà nó vừa chụp trong chuyến du lịch ngày hôm đó. Thầy Nguyên vào xem và nhận xét qua tin nhắn:

- Hình đẹp!

Cẩm Hằng làm biểu tượng nhăn mặt. Cái kiểu ta không thích được thầy khen đó mà:

- Thấy ghê thầy ơi!

Thầy Nguyên lại một lần nữa vào xem lại từng bức ảnh. Chọn một tấm ưng ý nhất, thầy nhấn nút like vào đó, rồi tiếp tục tải nhạc.

Một lúc sau quay lại, những tấm hình vừa đưa lên của Cẩm Hằng đã được nó gỡ xuống hết. Thầy Nguyên chắc chắn rằng không phải vì hình xấu, nhưng lý do chính xác thì chỉ có người trong cuộc mới biết mà thôi.

Tuy nhiên, thầy Nguyên biết mình sẽ không dừng bước trong việc chinh phục cô ca sĩ cho bài hát của mình, mặc dầu thầy cũng không chắc giọng của Cẩm Hằng có phù hợp với bài hát hay không nữa.

Lúc này học sinh đứa nào cũng tỏ ra khá bận rộn với việc học vì kể từ sau Tết nhà trường đã cho khối mười hai đăng ký học ôn thêm môn mà mình chọn để thi quốc gia, ngoài ba môn bắt buộc như đã thông báo. Đã đến kỳ thi giữa học kỳ hai, và sáng thứ Bảy là giờ thi môn Toán.

Tối hôm đó, thầy Nguyên một lần nữa vi phạm lời tự hứa của mình khi chủ động gửi tin nhắn cho Cẩm Hằng:

- Cẩm Hằng sáng làm bài thế nào rồi em?

Vẫn là sự im lặng đến đáng sợ. Thầy Nguyên cảm thấy bị tổn thương hơn bao giờ hết. Càng nghĩ thầy càng thấy mình thật là mất mặt. Người ta thường nói: “quá tam ba bận.” Mọi việc đều có giới hạn của nó. Thu hết ý chí và sức lực còn lại, thầy vào phần cài đặt và điền tên tài khoản của Cẩm Hằng vào danh sách tắt chat để nó và thầy không bao giờ còn có thể trò chuyện trực tiếp với nhau được nữa - một điều mà thầy chưa từng làm với bất cứ một ai kể từ ngày bắt đầu chơi Facebook.

13. SỰ LỰA CHỌN SỐ HAI

Nhưng có một điều thầy Nguyên vẫn tiếp tục muốn thử, đó là thuyết phục Cẩm Hằng thu âm bài hát mới để thầy làm một video clip tặng cho lớp 12A2 nhân ngày tụi nó ra trường. Vì không thể trò chuyện qua Facebook với Cẩm Hằng, nên cách duy nhất giờ đây mà thầy có thể dùng là nói chuyện với nó ngoài đời thực.

Nói chuyện với Cẩm Hằng trên mạng còn dễ, vì dầu cho không nhận được câu trả lời thì thầy vẫn có thể nói lên được điều mình muốn nói. Còn ở bên ngoài, thật khó mà hẹn gặp riêng được nó để nói chuyện. Những lúc giải lao thì nó cứ ngồi trong lớp không khi nào ra ngoài, còn lúc hết giờ thì thầy vừa xuống tới phòng giáo viên cất đồ dùng rồi quay ra cổng thì nó đã biến mất không thấy tăm hơi. Thầy Nguyên không thể nói chuyện với nó trước mặt nhiều người, vì thầy muốn giữ bí mật cho giọng hát đặc biệt mà thầy đã phát hiện, và cũng muốn tạo bất ngờ cho lớp về bài hát sẽ được tung ra vào dịp tụi nó tổng kết năm học.

Ngày kỷ niệm thành lập Đoàn đã đến và học sinh khối 12 đang tất bật chuẩn bị hồ sơ để đăng ký vào những ngôi trường mà chúng yêu thích. Vậy mà kế hoạch phát hành bài hát mới của thầy Nguyên vẫn chưa hoàn tất. Thầy đã ghi nhạc và lời ra bản nhạc sheet, cũng đã tạo ra phần nhạc nền và thu âm giọng nam bằng chính giọng của thầy. Dĩ nhiên nó không được hay, nhưng khi nghe lại thầy thấy cũng tạm được vì những học sinh nam lớp 12A2 nếu hát cũng chẳng hơn chút nào. Chỉ còn thiếu phần giọng nữ mà thầy xem Cẩm Hằng là lựa chọn đầu tiên thì vẫn chưa được xúc tiến.

Ngày đầu tháng tư, thầy Nguyên gặp may vì hôm nay khi trên đường về nhà thì thấy Cẩm Hằng đang loay hoay với chiếc xe đạp đang bị tuột xích. Mặt đường nóng như đổ lửa và xung quanh nó chẳng có một ai vì tụi học sinh đã vội vàng về nhà để ăn cơm, nghỉ ngơi để chiều lại tiếp tục học những giờ trái buổi. Thầy Nguyên dừng xe lại và khi thầy còn chưa kịp phản ứng thì Cẩm Hằng đã nhanh nhảu:

- Thầy gắn giùm em đi ạ.

Một lời nói dịu dàng có thể làm xóa tan đi bao giận hờn chất chứa. Chỉ bằng một động tác nhanh gọn, thầy Nguyên đã làm cho bánh răng quay trở lại bình thường.

- Em cảm ơn thầy rất nhiều.

Cẩm Hằng đeo khẩu trang vào, mặc chiếc áo khoác màu vàng chanh quen thuộc, rồi định lên xe ra về thì thầy Nguyên gọi giật lại:

- Cẩm Hằng ơi, chiều nay sau giờ học cho thầy gặp một tí nha!

Nói chuyện trực tiếp là cách giao tiếp ít gây ra hiểu lầm hơn là giao tiếp trên mạng Internet. Hễ đồng ý hoặc không đồng ý thì cũng phải trả lời ngay, chứ không thể im lặng như thể không nhận được tin - thầy Nguyên vẫn còn cay vì những lần Cẩm Hằng làm lơ những tin nhắn hỏi thăm mà thầy gửi nó lúc trước.

Cẩm Hằng nhăn mặt tỏ ra khó chịu, dường như nó không hài lòng:

- Có gì thì thầy nói tại đây luôn đi ạ!

- Chuyện là thầy muốn nhờ em một việc, cũng hơi dài dòng đó. Mà bây giờ trưa nắng, thôi em về để chiều còn đi học tăng giờ nữa! - Thầy Nguyên cố gắng phân trần.

- Vậy sau tiết cuối em ở lại chờ thầy trên lớp.

Cẩm Hằng đạp xe đi rồi mà Nguyên còn vẫn không tin được rằng có thể dễ dàng hẹn nói chuyện với nó như vậy. Chiều hôm đó không có giờ dạy, nhưng thầy cũng vào trường với mục đích nói chuyện với Cẩm Hằng về việc bài hát. Trống vừa báo hết giờ thì thầy vội lên trên phòng học của lớp 12A2. Thầy đứng bên lan can trước cửa lớp chờ từng học sinh bước ra, nhưng chẳng thấy bóng dáng của Cẩm Hằng ở đâu hết. Khi học sinh cuối cùng ra khỏi lớp, thầy Nguyên bước vào nhìn lên góc bảng thì thấy như sau:

Lớp 12A2. Sĩ số 43. Nữ 31. Vắng 1: Cẩm Hằng (P)

Hôm nay là ngày cá tháng tư. Vào ngày này mọi người trên thế giới có thể nói dối, nói khoác với nhau mà không sợ ai đó giận. Người ta cho rằng ngày này bắt nguồn từ việc Henry IV, vua nước Pháp đã gửi thư cho một cô gái mười sáu tuổi, không rõ tên, bí mật hẹn hò trong một lâu đài. Khi Henry đến nơi hẹn, đã ngạc nhiên khi người chào đón ông lại là hoàng hậu Marie de Medici, vợ ông còn khiêm tốn cảm ơn ông vì ông đã theo lời mời của bà để đến dự dạ vũ vui nhộn.

Ở nước Anh, người ta gọi những người bị lừa là thằng ngốc (fool), còn ở bên Scotland, người ta gọi nạn nhân bằng một danh từ có phần mỹ miều hơn: chim cúc cu (gowk). Chẳng biết Cẩm Hằng đang thích chí gọi thầy bằng mỹ từ gì, nhưng thầy Nguyên không nghĩ rằng ngày cá tháng tư này nên được áp dụng tại Việt Nam. Người Việt vốn dĩ thật thà, và không cần phải du nhập một ngày nói dối - dầu cho nó có vô hại đi chăng nữa.

Nhưng đến thứ Hai tuần sau, thầy Nguyên vào lớp vẫn không thấy Cẩm Hằng đi học. Thầy hỏi lớp trưởng Hải:

- Em có biết lý do bạn Cẩm Hằng nghỉ học không?

- Thưa thầy, trưa thứ Sáu bạn ấy bị sốt nặng và bác sĩ bảo phải cắt amidan. Bạn ấy vẫn đang nằm ở bệnh viện nên xin nghỉ học đến hết tuần này ạ.

Thầy Nguyên biết rằng sau khi cắt amidan, người bệnh cần kiêng nói chuyện to từ hai đến ba ngày, sau đó tập phát âm bằng cách nói nhẹ nhàng. Không biết bao giờ thì Cẩm Hằng mới có thể nói chuyện bình thường, chứ đừng nói đến việc tập hát và ghi âm ca khúc mà thầy muốn nhờ nó.

Trong lòng thầy Nguyên cảm thấy hối tiếc vì đã nghĩ xấu, nghi oan cho Cẩm Hằng rằng nó cố ý lừa gạt thầy, cho thầy leo cây. Vậy còn những lần nó không trả lời tin nhắn? Cũng có thể nó có một lý do riêng nào đó chứ chưa hẳn là tại nó xem thường thầy. Rõ ràng cả tháng qua thầy đã cấm chat tài khoản Facebook của nó, và với một người thông minh như Cẩm Hằng thì không khó để nó phát hiện ra điều này. Vậy mà nó vẫn cư xử với thầy bình thường, nó không hủy kết bạn với tài khoản của thầy. Có khả năng những lần nó nhăn nhó khó chịu là do đau đớn vì bệnh tật, chứ không phải là khó chịu vì những gì thầy làm cho nó.

Vậy là cuối cùng thì Cẩm Hằng cũng đã từ chối lời mời ghi âm giọng nữ trong video clip mới của thầy Nguyên, nhưng theo một kịch bản mà thầy không ngờ tới: nó chưa từng được nghe lời đề nghị đó. Đây là một điều đáng tiếc cho thầy Nguyên, nhưng cũng có thể là một sự may mắn cho thầy vì tránh được khả năng bị từ chối trực tiếp trong trường hợp thầy có cơ hội để nói lời đề nghị đó ra. Dầu sau thì Nguyên cũng phải nhanh chóng tìm cho được sự lựa chọn thứ hai cho giọng ca nữ, vì thời gian không còn nhiều nữa. Ngẫm lại đúng là đời thầy luôn phải gắn bó với sự lựa chọn thứ hai, và lần này, thầy tự nhủ rằng số hai chưa hẳn đã kém hơn số một.

Thầy Nguyên chợt nhớ có lần thầy nói với Như An về kế hoạch của bài hát. Như An vừa khoe với thầy Nguyên là nó ghi âm bài hát Tâm sự cùng người lạ rồi lưu lại trên Internet. Phải, Như An sẽ là sự lựa chọn tốt nhất trong những gì thầy có được bây giờ - thầy Nguyên chợt lóe lên niềm hy vọng. Một ca sĩ thể hiện bài hát chia tay này không những cần phải có giọng hát tốt, nhưng cũng cần phải có những cảm xúc thật sự và một chút gì đó “mơ mộng” để làm cho bài hát thấm sâu vào lòng thính giả - những học sinh cuối cấp đang chuẩn bị chia tay nhau, xa rời mái trường và bước vào cuộc sống.

Thầy nhất định sẽ mời được Như An.