Biểu Tượng Một Dòng Họ - Chương 05 - Phần 2

Thằng Hoan đã sống được hơn một năm ở trang viên này, giờ đã gần 5 tuổi. Được vú Tàm hết lòng dạy dỗ chăm bẵm, nên cả thể chất lẫn tâm hồn nó đều phát triển rất tốt. Với trí thông minh bẩm sinh, như ông nó vẫn ca ngợi “vượt cả Tây gốc”, chỉ sau chừng dăm sáu tháng gì đó, và chỉ nhờ dạy bằng ra hiệu và truyền khẩu, cộng với tài học mót của bản thân, nó đã nói thạo tiếng ta, xét về cấu trúc và số lượng từ, chỉ còn chút nhược điểm là giọng lơ lớ thôi. Chơi với anh Bỉnh, khi bị anh lấn át, thay cho “Cochon” trước đây, giờ nó rủa:

- Đồ khốn nạn, ăn củ c. ông đây này!

Sau đó, nhằm lúc ông không bận gì, nó đem chuyện mách lại. Thấy thái độ của ông không tỏ ra bênh vực, nó xoay sang mách chuyện khác. Như sáng nay hai đứa bàn nhau trèo cây duối phía bờ ao xem có tổ chích chòe trên đấy không, thằng Hoan lại ton hót thành: “Anh Bỉnh dẫn cháu ra chơi ở bờ ao, suýt ngã xuống nước!” Thật ra cây duối còn cách bờ ao đến 5 chục bước chân. Thế là ông gọi ngay Bỉnh lên đe, mắng cho một trận. Nó vẫn thắng anh Bỉnh bằng cách tinh ma ấy.

Anh Bỉnh hơn em 2 tuổi, song trí thông minh thì có lẽ kẻ tám lạng người nửa cân, nên tuy hay tranh chấp cãi vã vẫn khoái chơi với nhau hơn với người khác. Đã “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” rồi chỉ có bện lấy nhau thôi. Tuy vậy tính cách đứa này lại khác hẳn đứa kia. Thằng Bỉnh luôn rình cơ hội để trổ tài và hay nghĩ ra những trò oái ăm. Một hôm, sau khi được thưởng 1 đông về tài đọc bức trướng, nó đem đặt ngay trên đường, rồi nấp sau gốc đề. Chú Lông-mũi về qua phát hiện được, cúi nhặt, mừng rơn. Vừa lúc nó chạy tới:

- Ơ, tiền cháu đánh rơi!

Bị mừng hụt, chú ta vừa tức vừa bị nỡm, vừa buồn cười về trò tinh ma của nó.

Chiều hôm ấy, có tới cả chục người bị hố với nó. Đến lượt thằng Nhuệ ở xóm “Củng” nhặt được, nhất định không chịu trả thằng Bỉnh, bảo rằng đây là của người khác, vì lúc ấy không có nó đi trên đường. Thế là cãi nhau to. Thằng Nhuệ sấn vào toan thoi một quả. Thằng Bỉnh lùi lại, nghĩ nhanh: Mình bé hơn, không chơi nhau tay vo được, liếc sang bên thấy ông Giám chống gậy đứng gần nó. Nó giật phắt gậy của ông, vụt tới tấp người thằng Nhuệ. Thằng Nhuệ đánh liều đứng trụ đỡ đòn, rồi đoạt được gậy. Nguy rồi! Phen mày nó vụt mình chết mất. Nó giơ hai tay lên:

- Thôi, đình chiến để đàm phán.

Vốn rất hay hóng chuyện của người lớn, nó nhập tâm được rất nhiều từ lạ như: đình chiến, đàm phán, tổ quốc, nô lệ… qua những lần thầy và chú nó đàm đạo thời cuộc về khách.

Ông Giám cười phì trước kiểu thoát thân cực kỳ nhanh trí của một thằng “mới nứt mắt”, nếu ở vào địa vị nó có lẽ ông cũng bó tay thôi.

- Thôi, đình chiến đàm phán là đúng đấy. Trả gậy cho ông nào. Đúng là khẩu khí của con cháu họ Đào!

Ông lẩm bẩm rồi bước đi. Thằng Bỉnh bước theo, tới cổng trang viên thì rẽ vào, không quên ngoái lại xem thằng Nhuệ thế nào.

Đấy là tính cách thằng Bỉnh. Còn thằng Hoan ngược lại, tức thiên tư của nó lặn, không khoái trổ tài. Vú Tàm không bao giờ quên hôm ấy mới sáng ra, thoắt cái nó chạy vụt ra bờ ao. Vú sợ hết hồn, rượt theo, nhưng không kịp. Nó đã ra tới bờ ao, gọi với:

- Vú ra đây con bảo cái này!

- Cái gì? Cẩn thận, lăn xuống ao là toi mạng đấy.

- Vú xuống đứng cầu ao hộ con một tí nhé.

Trước đây, nó đòi hỏi điều gì, vú cũng chiều. Đang trưa hè đổ lửa, nó đòi con chuồn chuồn ớt, vú không quản ngại, ra vườn tìm, nhưng chỉ bắt được một con chuồn chuồn kim. Nó không nghe. Vú lại phải ra bờ ao tìm. Chuồn ớt thường đậu ngọn cọc hoặc lá bèo tây trên mặt ao, là giống khôn nhất trong họ hàng nhà nó. Cả tiếng đồng hồ lội ao, vẫn không bắt được con nào. Nó khóc dàn dụa nước mắt. Thương nó quá, nhưng lại không biết dỗ dành cách nào, vú cũng khóc theo và bế nó lên nhà trên, trình ông. Ông khuyên vú chiều nó có mức độ thôi.

- Thế giả dụ nó nghe nói gan trời ngon, nó đòi ăn thì mày kiếm đâu ra? Dẫn giải cho nó. Nó tinh khôn hiểu ngay thôi mà. Hoan, cháu ông nín ngay, nghe ông bảo này. Bắt chuồn chuồn ớt phải lội ao, nó thấy động nước là bay mất ngay. Ông bảo chú Dịp làm cái cần dính chuồn chuồn thì mới bắt được. Chơi tạm chuồn kim hay chuồn ngô nhá.

- Chuồn ớt đẹp. Cháu thích chơi con đẹp.

- Ông cũng thích chơi đẹp. Đợi chú Dịp, cháu nhé. Thế nào ông cũng kiếm cho cháu nhiều con ớt, tha hồ mà chơi…

Lần này cũng vậy, vú xuống đứng cầu ao ngay. Nó ra ngồi ở bờ đối diện với vú.

- Vú ngẩng mặt để con nhìn… Thế, đúng rồi. Cứ đứng yên như thế.

Rồi nó nhúng chân xuống nước, ngắm mặt vú rồi đảo mắt nhìn mặt nước dưới cầu ao. Bỗng nó phá lên cười khanh khách, khiến vú đang vui phải sững lại xem nó cười cái gì. Chẳng có gì khác ngoài hai người với cái cầu ao và mặt nước. Nó dìm mạnh chân xuống nước rồi nhấc lên, đợi cho nước hồ yên trở lại, nó khẽ khọt đặt nhẹ gót xuống. Sau mỗi lần như vậy, nó đều cười như ở gầm cầu có ai đang đùa với nó. Hành vi ấy làm vú phát hoảng:

- Hoan, con làm sao thế? Con cười gì mà như thằng điên thế? Giời ơi, hình như con tôi làm sao rồi ấy…

- Ông ơi, cháu nó như bị ma làm.

Vú kể lại đầu đuôi, ông cũng hơi lo, muốn xác minh:

- Hoan, ra cầu ao chơi lại đi.

- Vâng - nó sướng rơn, chạy trước.

Ông đứng cạnh xem “ma làm” nó ra sao. Nhìn cháu cười mấy lần, ông thầm xác định được ngay: Không phải do ma làm! Người bị ma làm cái hồn bị ma khống chế, nên tiếng cười cũng chứa bệnh hoạn, nghĩa là tiếng cười không toát lên niềm sảng khoái, thậm chí đau buồn, hoảng hoạn. Còn cháu ông đang cười bằng trọn niềm vui vọt trào từ một trái tim hồn nhiên và đầy sinh lực, tiếng cười của một người vô bệnh tật. Vậy cái gì ở dưới nước gầm cầu ao làm nó cười đến phát ho phát hen như thê? Đến lúc nó vừa cười ré lên vừa chỉ xuống nước, thì ông đã hiểu: Khi nước sóng sánh, bóng của vú Tàm biến thành ngoằn ngoèo, lắc lư, nhún nhảy, khi dài ngoẵng, khi lùn tịt và to bè bè, nhất là khuôn mặt: mũi hếch, mắt trợn, mồm méo. Đến ông cũng không nhịn được cười. Chơi kiểu ấy cũng ranh ma không kém anh Bỉnh, chỉ khác nó lẳng lặng tận hưởng niềm thú vị mà không để ai biết.

Một lần khác, mới rạng đông, vú bế nó đi giải ở ngoài sân. Xong, nó không chịu để vú bế vào, ngồi lì ở ngưỡng cửa, nhìn lên trời phía đồng Triều. Vú ngồi cạnh, xem nó quan sát cái gì ở trên ấy, lúc sau thấy nó vẫn mở mắt thao láo, môi lắp bắp, giơ tay chém mạnh vào không khí.

- Ối giời ơi, lần này đúng là con tôi bị ma làm rồi! – Vú bế thốc nó, chạy như bị ma đuổi, lên thưa ông Bá.

- Hoan, ông hỏi nhá: Cháu nhìn thấy gì ở chân trời?

Nó không trả lời. Trông mắt nó, ông biết nó còn đang tơ tưởng đến cái gì hấp dẫn lắm.

- Cho ông xem chung với nhá.

Nó chẳng để ý có ông ở cạnh, chẳng nghe ông hỏi gì, vẫn nhìn trời đăm đăm, trên khuôn mặt lộ rất rõ vẻ hứng khởi như đang chứng kiến một đoạn kịch ở cao trào. Ông nhìn theo cùng hướng cháu nhưng chẳng thấy gì hấp dẫn, ngoài những đụn mây đen và màu đỏ da trời. Nhưng cháu ông lại cứ dán mắt vào, như đang xem tuồn hay vậy. Bỗng nó hơi nhỏm dậy, lộ vẻ lo lắng và mắt vẫn đóng đinh trên phía trời đông. Sau mấy phút trôi đi, giờ khuôn mặt nó thành méo mó rất thảm hại, môi run run. Biểu hiện thất thường ấy của nó khiến ông không thể điềm tĩnh được, đúng hơn ông đang cuống: Có lẽ nào nó thành người như bà Quỳnh?

Thằng Hoan đã rời ông, vào nhà, đem theo vẻ mặt thẫn thờ, nuối tiếc, thương xót. Vú Tàm lập cập bám theo trong nỗi kinh hoàng đè nặng. Sao có thể chỉ trông chớp nhoáng cháu ông thành đứa ngây dại thế này? Giời ơi, sao giời ác độc thế! Thằng bé tinh khôn như thần, đẹp như hoa. Khổ thân con tôi! Vú thầm kêu rồi ghé sát mặt Hoan: “Con đừng như thế, vú đau lòng lắm, vú thương con đứt ruột đây này!”

- Công chúa bị thiêu thành than rồi!

Vú sửng sốt, quay sang ông chờ nhận định. Ông lại gần cháu, day giọng:

- Công chúa nào? Ai thiêu? Cháu ơi, tai họa rồi!

- Ông ạ, hay đúng cháu bị ma làm? – vú thắc mắc, mặt biến sắc.

- Ma là thế nào! Bố ma cũng chẳng dám qua cổng nhà bà Quỳnh.

- Cháu ơi, nói cho ông biết đứa nào cho cháu ăn uống thứ gì bậy bạ không? Hay chúng bỏ bùa mê thuốc lú cho cháu rồi?

- Ông ơi hay tại con kể chuyện công chúa Mỵ Châu làm nó ngẫn ngờ?

- Hoan ơi, ông hỏi nhá! Công chúa bị nó thiêu như thế nào, kể ông nghe với!

- Công chúa đang ngủ say trên nhà cao. Nó đốt là bên dưới. Công chúa ngủ say không biết. Lửa bén, thiêu cô thành than, cái nhà cũng thành than, tung ra xung quanh.

- Cô bị thiêu ở đâu?

Nó hăm hở quay lại cửa, chỉ về hướng đông:

- Đằng kia kìa. Lò vẫn còn đỏ đấy.

Ông nhìn theo tay cháu chỉ. Phương đông vẫn thê: Đỏ rực trên nền đỏ ấy, rải rác nhiều mảng mây đen. Cứ xem cái vẻ tự tin khi nó chạy lại ngưỡng cửa để chỉ cho ông thấy chỗ mà theo nó vừa xảy ra một bi kịch, cũng đủ rõ nó không phải là một đứa dại, mất trí hoặc điên. Phải, cháu ông có sao đâu, tinh thần đang ở trạng thái minh mẫn và rất bền vững, như vẫn thế từ khi nó sống ở đây. Nếu được giao du với giới trí thức, hoặc ít ra có thể đọc nhiều sách, ông khắc hiểu ngay từ đầu: Cháu ông đã bộc lộ thiên tư của một nghệ sĩ lớn, đúng hơn của một thần đồng. Do vậy, đáng lẽ được đắm mình trong niềm hạnh phúc lớn, ông lại bị đè nặng bởi một nỗi kinh hoàng. Tội nghiệp cho ông!

Trái tim của các nghệ sĩ lớn biết đau cái đau của thế sự, biết thương đến tận cùng nỗi bất hạnh của nhân gian, sinh ngẩn ngơ trước một bông hoa bị mưa gió dập vùi. Ấy là lúc hồn hoa đã nhập hẳn vào họ, mọi cảm giác của họ là cảm giác của hoa... Dấu hiệu của thiên tài ít bộc lộ ngay từ thuở thơ ấu. Trong trái tim thằng Hoan có hình ảnh một nàng công chúa Mỵ Châu cực kỳ xinh đẹp, thùy mị, hiếu thảo. Khi thấy đụn mây có hình y hệt Mỵ Châu của riêng nó, thì trí tưởng tượng và tình cảm của nó vụt thăng hoa: Có nàng Mỵ Châu thật đang nằm ngủ, và màu đỏ là lửa hồng đang thiêu đốt nàng. Lòng nó đau nhói vì thương xót, khiến vẻ mặt nó, như ông nó đã thấy, diễn biến qua những trạng thái khác nhau. Thế đấy, trong tâm hồn của nghệ sĩ lớn, dù còn ở tuổi ấu thơ, ranh giới giữa thực tế và tưởng tượng chỉ hết sức mong manh, khó có thể chỉ ra đâu là thực tế, đâu là tưởng tượng. Không hiểu đặc tính này thì có lẽ ông còn gặp phải trường hợp đau lòng hay kinh hãi tương tự, khi dấu hiệu thiên tài của cháu ông có dịp tỏa sáng.

 

*

*             *

Hai anh em Bỉnh, Hoan lên giường đã lâu, nhưng vẫn chưa ngủ. Bốn cái tai dỏng lên, hướng cả sang phía nhà chú Thắc, không bỏ sót âm thanh nào của trống, cheng và lời tụng niệm, quát thét của thầy Koóng. Chúng đang nghĩ đến “con hung thần” sắp bị thầy bắt để cứu sống chú Thắc. Bế thằng Hoan lên giường xong, vú Tàm ê a ru một hồi, như một thói quen cố hữu, dù biết nó lớn rồi, chẳng cần lời ru cũng ngủ được. Thấy nó nằm im, vú tưởng nó đã ngủ, cũng thiu thiu theo.

- Con sang bên chú Thắc nhá.

- Thằng ranh này! Tưởng ngủ say rồi! Sang làm gì, bên ấy có hung thần đấy.

- Con thích xem hung thần.

Ở giường bên cạnh thằng Bỉnh chõ sang:

- Cháu cũng thích xem, vú dẫn chúng cháu sang đi.

- Không. Tao sợ ông mắng...

Rồi vú thiếp đi.

Thính giác bị những âm thanh bên kia hàng rào hút sang, thằng Bỉnh thấy nôn nao cả ruột gan, ngứa ngáy cái chân, liền tụt xuống đất, bò nhẹ ra chỗ giường thằng em, lần tay lên giật tay em mấy cái. Tối mò như hũ nút, nhưng em nó cũng biết ngay ai vừa giật nó, liền tụt xuống, cũng khẽ khọt không kém ông anh. Hai thằng bò lồm cồm như mèo đang bám theo chuột, ra sân, rồi đứng dậy, nhẹ gót ra vườn.

- Em sợ lắm, anh Bỉnh ơi. Nhỡ gặp hung thần bị nó bóp cổ chết.

- Nhà mình có bà Quỳnh, hung thần không dám vào.

- Ai bảo? Chỉ được cái nói phét!

- Chú Dịp -  lông – mũi bảo.

- Sao nó sợ bà?

- Bà có thần năng.

- Thần năng là gì?

- Tao chịu.

Thằng Bỉnh lò dò dẫn đường. Thằng em túm áo anh lần theo. Có một chỗ rào hở, hai thằng lách qua. Chúng nhanh chân chen qua đám người đứng đông nghịt trên sân, vào sát chỗ thầy Koóng. Thằng Trê lắc lư cái đầu mấy cái rồi toàn thân đảo tròn, như đít nó bị cắm chặt xuống đất và đầu thì bị một bàn tay vô hình quay tròn liên tục. Thầy phù thủy đứng án ngữ ngay trước mặt con đồng, luôn miệng hô hét ầm ầm, kết hợp bắt quyết lia lịa, hết ngón nọ đến ngón kia. Bỗng con đồng dừng đảo người, giật khăn phủ mặt xuống, mắt trợn trừng, mồm chẩu ra phun phì phì như ống khói tàu hỏa, rồi mở lồng tóm đầu con gà lôi ra. Con gà vỗ cánh phành phạch trên tay nó. Tay kia nó ghì chặt cánh gà và ghé răng cắn một phát đứt đôi cổ con gà, máu vọt tới tận ngực thầy Koóng cũng không làm thầy lơi lỏng tay quyết, đề phòng hung thần đột ngột phản kích lại. Lúc này con hung thần đã moi được gan gà và ăn ngốn ngấu, máu me ngoen ngoét cả mặt. Thầy rút roi dâu trên đàn thờ xuống nhúng vào nồi nước giải, rồi vụt tới tấp xuống con hung thần. Nó vẫn thản nhiên ăn. Các bà, các cô sợ xanh mắt, mặt nhợt đi, có bà định há miệng nói gì nhưng không sao thành tiếng. Nhiều cô lấy tay bưng mắt, không đủ can đảm xem thêm. Vậy mà hai anh em thằng Bỉnh, Hoan vẫn chốt nguyên chỗ để xem đến cùng. Chúng cũng sợ, cũng ghê người, song tính hiếu kỳ đã lấn át.

Con hung thần vẫn điềm nhiên nhai gà sống rau ráu, có nghĩa các bùa phép thầy trổ ra không khuất phục nổi nó. Thầy với cái phù trên đĩa đặt trên bàn thờ xuống, đặt trước mặt con trùng, rồi lấy chày giã thật lực lên, miệng vẫn la hét om sòm những câu thần chú. Ba nhát, thấy con trùng buông con gà xuống. Thêm ba nhát nữa, con trùng bỗng lăn quay xuống đất, kêu ằng ặc. thầy Koóng buông chày, đứng lên cười vang sảng khoái, không rời mắt con trùng đang nằm bất động, thở hồng hộc như con trâu bị chọc tiết. Như thế, con trùng đã bị thầy vô hiệu hóa. Chú Thắc sẽ bình phục.