Biểu Tượng Một Dòng Họ - Chương 07 - Phần 1

VII

 

Niềm kiêu hãnh lớn của trang viên họ Đào là cụ Hội, sau hơn 50 năm phấn đầu bằng tài trí tuyệt vời và nghị lực vững vàng, cụ đã đạt được một số thành tựu lớn: tậu được 80 mẫu ruộng mà một nửa là nhất đẳng điền và những chức sắc cao quý như chánh tổng, chánh hội. Cụ có cả thảy 11 người con: 3 nam tử thì trưởng nam là ông Bá với công danh thành đạt, ông Giáo có Tây học cao, là quan đốc cảu Trường Kỹ nghệ Nam Định, các nữ lưu đều được làm con cái nhà danh giá, riêng ông tổng Vích vì tạng người yếu đuối nên được cha mua cho chức chánh tổng.

Trang viên rộng tới 3 mẫu, gồm hai dãy nhà ngói năm gian xếp đọi: dãy sau là từ đường, dãy trước là nhà tế, thường là dùng đón tiếp quan khách, trong ngày chạp tổ hàng năm là nơi diễn ra lễ tế. Đứng trên thềm cao của nhà tế hướng ra phía trước là sân gạch mênh mông như một bãi bóng. Cuối sân gạch là dãy tường hoa, trên có đắp nổi các nhân vật của truyện “Nhị thập Tứ hiếu”. Khu vườn quả bên kia tường hoa gồm các loại cam, hồng ta, hồng xiêm, nhãn, vải, bưởi… Viền quanh vườn là các loại hoa đa sắc hương, khó đếm xuể. Hai bên là hai dãy nhà năm gian: nhà ngang, nhà khách. Toàn bộ nhà, sân, vườn và tường hoa tạo cảm giác vừa kín đáo, vuông vức, vừa thoáng đãng, gọn gàng. Ý tưởng của quần thể kiến trúc do chính cụ Hội nung nấu, ấp ủ qua năm tháng. Nếu đứng từ một đỉnh cao ngoài trang viên nhìn xuống có thể thấy rất rõ một chữ NHÂN (Hán tự) cách điệu, ý nghĩa của nó chính là khát vọng thông điệp gửi cho muôn đời con cháu.

Đến đời mình, ông Bá cho xây cổng chính, ô tô qua được dễ dàng, trên mặt tiền có đắp nổi một cây đào trĩu quả làm biểu tượng của dòng họ, gốc đào có hai chữ hán Giang Mai. Công trình thứ hai là cách tân tường hoa với nhiều sự tích đậm đã ý nghĩa giáo dục và thẩm mỹ. Sau đến một cái chuồng hai tầng dưới cho gà và hai tầng trên cho chim. Rồi cầu ao cao to như cái đập nước, bếp vừa cao vừa rộng, một gia đình sống vừa. Nổi bật nhất là tháp đèn, cao ngang tầm ngọn đa, thắp sáng đều đặn đêm đêm, kể cả khi trời mưa gió.

Nằm kề vườn cây là dải ao còn rộng hơn sân trước, những hôm trở trời, cá nổi đầy mặt nước, trẻ con có thể bắt bằng tay không.

Ý đồ vĩnh cửu được thể hiện ở ngay khâu chọn vật liệu xây từ đường và nhà tế. Gạch ngói được mua chọn từng viên từ tận Bát Tràng toàn màu gan gà, gõ kêu lanh canh như gõ vào chậu sứ và chỉ thửa gỗ lim phần lõi.

Nội thất từ đường, trên các cột đều gắn câu đối hình lòng máng sơn son thiếp vàng hoặc khắc hoa văn. Mọi xà ngang xà dọc, kể cả các hòn đá tảng cũng được chạm trổ rồng bay phượng múa, rồng cuốn nghê chầu. Dăm bảy bức hoành phi, đại tự to gần bằng mặt chiếu treo sát mái. Những bức trướng bằng nhiễu Tam Giang được trình bày bằng chữ nho, chữ viết tay mà đều tăm tắp như chữ in. Ngày giỗ, mấy chum khánh đồng chốc chốc lại đua nhau khua, khiến lòng con cháu càng thêm rộn rã. Bát hương chính bằng sứ miệng to gần bằng cái mâm, cao có dễ đến ngang đầu thằng Hoan. Đỉnh, lư, hạc, đài rượu, cây nêu, ngai và bài vị đều bằng đồng, đến kỳ đánh bóng ông Bá phải cắt năm gia nhân làm từ sáng đến tối. Bước vào đây, ta bị choán ngợp ngay từ giây phút đầu khi ngước nhìn lên đồ thờ sáng choang phản chiếu ánh nến, tóe ra hàng nghìn tia sáng nhỏ, tất cả chìm mờ trong khói hương hư ảo… khiến ta phải lạnh lưng bởi cảm giác uy nghi, nghiêm trang và linh thiêng bao trùm.

Ngoài nhà tế, sự trang hoàng có phần giống từ đường ở vài chục đôi câu đối, còn đồ đạc thì mang đậm sắc tân kỳ. Hai sập gụ chân quì, bốn thành có khắc các sự tích: Công chúa Tiên Dung gặp Chử Đồng Tử, trận Xích Bích v.v… Bàn ghế bằng gỗ gụ được khảm xà cừ những điển tích, huyền thoại. Trang trọng trong khung kính là sắc phong Cửu phẩm bá hộ của vua Bảo Đại. Đối diện với chiếu chỉ đó là cái đồng hồ đàn Ô Đô, cứ 15 phút lại đóng lên một đoạn nhạc nghe nói là đập nguyên si bản nhạc trong đồng hồ Ăng – lê Big Ben, mà kim giờ của nó có lẽ bằng cái mái chèo thuyền đại và kim phút không ngắn hơn con sào… Sự bài trí ấy, người dân quê lần đầu được thấy, sẽ không tránh khỏi ngỡ ngàng và ngẩn ngơ, còn nếu chỉ được nghe tả thì phản ứng tức thì là: “Thôi, đừng có nói phét!”

Đào trang viên không cần đến một lời ca ngợi, vì bản thân đầy ắp niềm vinh quang và tự gánh nổi niềm tin lớn cho cả họ nội cũng như ngoại. Nó là trung tâm thu hút mọi thành viên hướng về.

 

*

*       *

 

Ông Bá phần nào bị chi phối bởi tư chất nghệ sỹ, quyết định mở hội nội bộ cho cả hai bên họ. Chất nghệ sỹ trong ông đặc biệt biểu lộ qua khả năng cảm thụ âm thanh. Niềm đam mê hát ả đào là một minh chứng. Song dạng ấy thế gian đã nhiều, còn thứ thưởng thức giọng gù của chim câu và giọng ca của các chàng gà trống trong xóm thì chỉ có mỗi mình ông. Không như các loài chim khác thường đậu trên cây, chim câu chỉ đậu trên mái nhà, trên mặt tường hoa, hoặc trên các gờ của tháp thiên đăng, nơi giọng gù của các cậu chim để ve các cô mái. Tiếng gù bao giờ cũng đi kèm động tác cúi xuống ngẩng lên cùng nhịp. Cô nào ưng thì cũng gật gù đồng điệu để đáp lại. Thế là các cậu biết ngay chỉ cần dấn thêm một bước nữa là dứt điểm bằng động tác lăng xăng chạy trước vòng sau dể làm duyên. Sau vài vòng lượn kiểu ấy là cuộc giao phối. Cử chỉ giao duyên rất độc đáo và cũng rất đặc thù của loài chim gây cho ông niềm hứng khởi mãnh liệt ngay từ lần đầu quan sát thấy, nhanh chóng khiến ông thành mê mẩn. Những ngày sau, ông có thể đứng hàng giờ trên sân gạch hầm hập nóng để thưởng ngoạn vẻ đáng yêu của chúng mà không thấy chán, không thấy mệt. Song cái gây cho niềm cảm xúc đến lịm người vẫn là tiếng gù. Ông bảo bà Thư: Tiếng gù là lời nói, như lời tỏ tình của chàng trai. Con trống thổ lộ: “Anh yêu em như đứng đi trên lửa, nằm ngồi trong sương. Nếu hợp duyên số, chúng mình thành đôi nhé, sống trọn đời với nhau…”, ý tưởng lãng mạn ông gán cho chúng không ngoa vì chim câu kết đôi trọn cuộc đời. Không may một trong hai ngộ nạn, con còn lại sống đơn độc đến già, đến chết. Đàn chim của ông đông khoảng hai trăm con, trong đó có tới năm chục con đực có bạn đời. Tiếng gù và cách gù của chúng luôn là niềm cảm hứng dạt dào trong ông. Thưởng thức chim cả giọng lẫn điệu mới thật đã đời. Với cái ô trên đầu, ông đứng trên sân gạch xem chim, chỉ khi không chịu nổi cái nóng gay gắt ông mới chịu vào nhà thưởng thức. Bằng cảm quan nghệ sỹ, ông có thể phân biệt rành rọt cái hồn của từng giọng. Con bạch phớt hồng gù giật cục, cu cậu háu ăn quá mà, lại tán theo kiểu dùi đục chấm mắm cáy. Con hoa mơ cao kều giọng ríu lưỡi, xúc động quá sinh mất bình tĩnh, không thốt được rành rẽ lời yêu. Giọng kéo thành từng hồi dứt khoát, cách quãng đều đặn là của con ức tía. Còn con rậm lông chân hễ gù là rên dài ở cuối hồi, là khi men tình ngấm đến giọng rồi. Còn cu mắt đỏ là chúa gù day, cái tang day này hẳn do tán đi tán lại mà cô em chưa đoái hoài.

Bà Tư vừa ngáp vừa nói:

- Gù giật, gù day, gù ríu… còn gù gì nữa? Toàn một phường đi tán gái! Hay lắm đấy mà cứ khen lấy khen để! Đã có con nào gù rên rỉ, xuýt xoa, gù rú chưa? – bà cười tình, chờ lời đú đởn của chồng.

- Có một con già.

- Chắc con này biết ăn gỏi riếc răm (1)?
____________________________________________________________________

(1) Cá riếc nhỏ chỉ bằng chiếc lá nhài, rất bổ thận tráng dương. Ông Bá rất khoái món gỏi này.

 

- Hà hà hà… - ông cười thay cho lời tự khen và khen vợ tạo tình huống như ý đồ.

Ấy là thú thưởng chim. Đám gia nhân không ai dám đưa ra lời bình khi thấy ông đày giời xem chim giao duyên, ân ái. Đến thú thưởng gà, nếu chúng có lần dậy sướm bắt gặp thì có lẽ phải gán ông danh hiệu “lão dở người” hoặc nặng hơn “chị nào em ấy”. Vì thời điểm thưởng gà chỉ vào nửa đêm về sáng, nên chỉ có mỗi bà Bá cả hoặc bà bé chứng kiến thôi. Tuy vậy hai bà cũng không thấy lạ lắm, bởi kiểu chơi ngược đời tương tự được thấy ở ông nhiều rồi. Ai đời, cứ đêm nào thức sớm là xách ghế ra sân ngồi im lìm như một cái bóng. Rồi sau ít phút, vểnh tai nghe các giọng gáy từ ba bề bốn bên. Ông lẩm bẩm độc thoại:

- Hừ, khản giọng rồi! Nghe khê nặc.

- Ngân dài gớm nhỉ!

Rồi ông vào đánh thức bà cả, kéo bà ra ngồi nghe cùng.

- Gượm đã! Để tôi bê cái ghế. Nghe gà gáy hay hớm gì!

- Bà để tai đi. Con đang ca là con to nhà ông Lãm. Đấy, con bé trả lời ngay sốt sột. Con này đoản giọng nhưng thanh hơn con anh... Bà nghe thấy chưa, con nhà Chắt Hợi, hồi nọ nó lạc sang chuồng nhà mình ấy, ca ồ ồ như chửi bố thiên hạ, chối tai nhỉ?... Đây đây… nhà Thắc đã tức tiếng gáy rồi! Bà thấy chưa: The thé như giọng ho lao. Thế mà đòi ca để dụ gái!

- Gớm! Mấy con gà thôi chứ là cái gì mà sao cứ gán cho chúng nó cái tội trai gái, đĩ bợm! Rõ, suy bụng ta ra bụng… gà!

Câu nói không có ý chê, chỉ hàm ý trêu ông. Có lẽ tâm trí đang được không gian thanh khiết và sớm mai tĩnh lặng kích thích, nên bà có được một câu nói hài hước, theo ông thì đắt nhất từ trước tới giờ và cũng hết sức ăn ý với ông, khiến ông không thể không phì cười sảng khoái, rồi ông gục đầu vào vai bà mà cười rũ. Nếu ban ngày ban mặt, bà đã gỡ nhẹ ông ra. Nhưng lúc này bà cứ để yên thế.

- Cười trừ bữa hay sao mà cứ nấc lên mãi thế? Không nín mà nghe gà gọi gái nữa à? Ngồi thẳng lên không thì đứa nào dậy sớm trông thấy, dơ mặt ông bà già ra đấy!

- Ôi giời! – ông được bà đỡ dậy – Bây giờ bà Ba Lợi mới lên tiếng. Chậm mồm quá. Không hiểu thứ nam Luyện của bà chị mình luyện kiểu nào mà hễ trưng giọng là cả hai con đều song ca? Cứ như nói: “Các nàng ơi, chúng anh đây bao giờ cũng khát khao được gặp các nàng!” Đúng là cầm chi nhân, thần thật!

- Lại chàng với nàng! – bà lườm ông một cái.

Tư chất nghệ sĩ chỉ là yếu tố nhỏ thúc đẩy ông đến quyết định mở hội. Nguyên nhân chủ yếu từ một số thành tựu, có thể xem như chiến tích. Niềm vui từ quí tử Hoàng ra đời tuy không bị xếp vào hàng chót, lại rất quan trọng. Chấp nhận lấy ông với số tuổi hơn mình 25, bà Thư thực sự gánh không ít thiệt thòi, mong đến cháy lòng, sau bốn năm mới sinh được con, theo cung tử vi nó là con độc. Giờ đây bà đã hội đủ mọi tiêu chuẩn làm thành viên bình đẳng trong họ. Hơn nữa, quý tử này được trời ban cho thiên năng, nhìn trước sự hưng suy của họ Đào qua thần khí phát xạ từ cơ thể cha. Rõ ràng nó cũng quan trọng không kém gì thằng Hoan, nên ông đón nhận sự ra đời của nó như một sự kiện trọng đại. Sau đến việc ức rồng táng mộ cụ Hội là niềm vui bao trùm mọi niềm vui. Sau sự kiện đó, ông Nghiên phán một câu như sấm truyền: “Giữa ức long thần, cốt cụ Hội ắt kết phát kim kê, tiếng gáy sẽ vang qua nhiều đời”. Dịp ngẫu nhiên nghe được lời “sấm”, liền ba chân bốn cẳng chạy về khoe lại ông Bá, như một câu chuyện làm quà để nịnh chủ. Ông Nghiên đã từng làm ông Bá kính phục qua vụ thái thuốc lào, nên lần này ông lẳng lặng chiêm nghiệm lời tiên tri.

Tất cả những gì hiển thị nơi đây quả ngược với câu “phúc bất trùng lai”, đang và sẽ khẳng định những thành tựu huy hoàng, trong đó việc nghiên cứu thành công phương thuốc chữa tiệt nọc căn bệnh nan y là nổi bật nhất.

*

*        *

Hôm nay là ngày ông Bá mở hội thi trong nội bộ dòng họ: Buổi sáng thi xay thóc và cất vó, chiều thả diều, tối thì đèn giời và có hát cải lương. Cách đây 10 ngày, ông Bá cho mời đại diện các chi (mỗi vị con cụ Hội được tính là một chi). Như vậy sẽ có 11 đấu thủ, phải do chính người của chi tham gia thi đấu, không được mời người ngoài thi hộ. Mỗi chi có thể dự thi một hoặc cả bốn môn. Riêng môn đèn giời thì chi nào cũng phải tham gia, cũng là môn mất nhiều công, của và tài nghệ hơn các môn kia. Chi ông Bá làm diều ì, tên như vậy là gọi theo tiếng sáo kêu “ì, ì, ì”, đêm ai thức giấc, nghe như có hổ gầm trên mây. Sáo to suýt soát cột nhà tế, dài đẫy sải tay. Hơn chục thợ có nghề được vời đến, đẵn hơn năm chục cây tre già cấc để làm khung và dây thả. Dây to gần bằng chiếc đũa, được nối nhau bằng kỹ thuật hoành (1).

Diều không làm trong nhà vì khi hoàn tất không thể khiêng lọt cổng. Phải dựng lán trên một khu ruộng lấy chỗ pha tre, lên khung và phất (2). Riêng độ lớn thì không chi nào địch nổi chi ông Bá. Họ chỉ còn hy vọng thắng điểm ở vẻ đẹp hoặc ở thế bay trên trời. Hôm nào “xưởng diều” cũng đông “khách” ghé tham quan, trầm trồ bình luận:

- Chỉ diều sáo đàn (3) tôi cầm dây cũng không nổi, nó lôi tôi đi xềnh xệch. Tang này ông Bá phải nhờ nửa làng ra cầm dây hộ.

- Chả biết!

- Diều này lên tới luồng nam thượng, không bị ướt mưa.

- Thế nó ở mãi trên mây xanh, đến ngày hỏng thì rơi à?

- Chắc là thế!

_________________________________________________________

(1) Kỹ thuật nối 2 đầu dây tre bằng quấn gai và phết nhựa quả cậy.

(2) Dán giấy bản cho kín khung diều.

(3) Một bộ gồm 5-7 cỡ sáo khác nhau.

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3