Biểu Tượng Một Dòng Họ - Chương 07 - Phần 2

Bọn trẻ trâu không đủ kiên nhẫn đứng ngoài hiên “xưởng” nhòm vào. Mấy đứa thừa cơ không ai để ý, đánh bạo tót vào, đứa xoa xoa lên cái dái to bằng cái nia, đứa khác ghé sát miệng sáo,phồng mồm trợn mắt thổi thật lực, rồi chê: “Sáo đếch kêu!”

Cách nay hai hôm là buổi khánh thành diều, ông Bá khao thợ một bữa rượu, kèm theo hai con mộc tồn làm đồ nhắm, ở ngay cái lán diều. Khi các thợ đang nâng lên đặt xuống, mặt mày đỏ gay, ai cũng tranh khua môi múa mép, khen con diều đỏ thơm nức mùi vỏ chang, nằm chờ ngày được gió, thì quyền Sứ đi ngang qua, chai rượu còn non nửa trên tay, ngất ngưởng, liêu xiêu. Anh quyền dừng chân ở cửa lán, chõ vào:

- Mấy anh em vui vẻ nhỉ. Này, anh mày xin cứ… cứ… cứ thật lòng mà nói: Diều với én là đồ chơi của nhãi ranh. Đây già mà ham diều, khác nào các cụ ta vẫn chửi “già còn chơi trống bỏi”. Trông còn ra cái củ b. gì nữa. Hì, hì, hì…!

Lông – mũi thấy thời cơ đục nước béo cò đã xuất hiện liền gọi:

- Mời anh quyền vào xem cái “trống bỏi” chúng em mới hoàn thành này, rồi tợp với chúng em vài hụm, hẵng đi. Vội gì. Đời người phỏng được mấy gang.

- Ừ thì vào! Tợp thì tợp!

- Anh quyền bảo cái này “trống bỏi” là sao hử? Nhờ ông anh cắt nghĩa giùm một câu. Chúng em người trần mắt thịt.

- À, nếu chú mày đã biết đến anh đây, thì anh đây cũng ch…iều – Anh quyền bất thần xướng điệu trống quân, giọng vừa rè vừa the thé, lại pha giọng rượu, thành một thứ âm thanh vừa tức cười vừa kệch cỡm đến chối tai – Chơi trống bỏi (này) là trống (mà) trẻ con. Khác nào (này) mân chũm (mà) cau non, tay già. Thùng thình thùng thình…

Cả lán cười phá lên, rồi tranh nhau chuốc rượu, Dịp không quên bưng ra cả một đĩa nhựa mận. Cao hứng, Sứ trổ tiếp vở say:

- Các cú… chú mà… ỳ tiểu… tửu nhập, ngôn xú… uất. Anh mày đây lại khác: tửu nhập ngôn ca. Tao vừa ca bài “mân mê cái chũm cau non” xong. Thế cái sáo kia muốn ca cũng phải cho nó tửu nhập – Sứ lảo đảo lại gần, dốc hết chai rượu dở vào miệng sáo, nhưng chảy xuống đất nhiều hơn vào trong – Thế thế thế, tửu nhập rồi, đếch ca à? Đ. mẹ sáo xịt! Mai thả thi hả? Thua đầu nước! Không thua tao làm chó ăn cứt cho chúng mày…

Lời đến đấy thì giọng đuối hẳn, tiếng “mày” như nói thầm và tấm thân anh quyền sụp xuống nền lán. Lông – mũi chẳng buồn nâng lên, nhẩm ý chốc nữa bẩm với ông Bá: “Thằng Sứ bảo ông chơi diều là chơi trống bỏi, như ông già sờ vú gái tơ. Con ghét mặt, tống đẫy rượu, nó đổ, giờ còn nằm ở lán diều. Cho nó chết, thằng ăn cháo đái bát! Con xin ông mấy đồng mua cái khăn xếp, mai đội cho hội nhà thêm long trọng!”

Hội được khai mạc tối qua. Buổi sáng ông cho mõ rao: Người làng ai muốn bán hàng cho hội được phép dựng sạp từ cổng trang viên ra đến sân đình. Sau đó ông cho người mời các chức dịch từ tiên chỉ đến các ông lý đến dự. Một dải nhiễu đỏ dài cả chục thước, rộng cả khổ vải, trên dán dòng chữ nho đen: “Đào tộc chi hội” căng suốt tường rào nhà anh Hân, đối diện cổng trang viên. Trong trang viên, đèn măng xông, đèn đất sáng như ban ngày từ cổng đến sân sau, từ trong từ đường ra nhà tế. Ngọn thiên đăng được thắp sớm hơn mọi ngày, trong kỳ hội, ông Bá đổi sang màu xanh lá mạ.

Con cháu của 11 chi háo hức chờ đón ngày này từ mấy tháng trước. Ai cũng xúng xính bộ cánh, trước đó chỉ được lên khung vẻn vẹn trong ba ngày tết. Đoạn đường trên trăm thước, hai bên san sát các sạp hàng ăn uống. Có bún riêu cua, bánh rán, bánh chưng… thuộc quà dân dã. Còn có những món mà dân quê mùa cho là sang: gà luộc lá chanh, thịt trâu tái chấm mắm tôm loãng ăn kèm rau thơm và đặc biệt là mộc tồn. Riêng món phở nước thịt trâu được coi là món tỉnh thành. Ở sân đình có mấy sạp tổ tôm và xóc đĩa, là một trong những khoảnh hết sức sôi động và hứng khởi không chỉ đối với các con bạc, người đông thâu đêm suốt sáng.

Tuy là hội họ, nhưng quy mô gấp bội hội làng, nên dân các làng bên trảy về còn đông hơn dân sở tại.

Lúc này, trong nhà tế, cô đầu Bạch Vân đẹp nhất và ca hay nhất quán Bà Mau được đón về, đang ca “Hường hường tuyết tuyết, nhớ ngày nào chẳng biết cái chi chi…” Các thầy lý, thầy chánh ai nghiền thì quá bộ xuống nhà khách “xơi nước”, ai không khoái lơ mơ đi mây về gió thì cứ tự nhiên ngồi cầm trống chầu cho ả Vân reo phách, ngâm ca.

Ông Bá đáo qua hai dãy sạp vừa để quan sát cảnh quan ngoạn mục đến đâu, vừa nhấm nháp khoái cảm của niềm kiêu hãnh đầy ắp trong lòng. Khi ấy quyền Sứ đang đối ẩm với hội Phàm, đúng ra hội Phàm đãi Sứ trong sạp nhậu của vợ chồng nhà Mịch. Thấy ông cùng Dịp ra khỏi cổng, Phàm chí ngón chân vào chân Sứ, ra hiệu cho Sứ châm ngòi. Sứ như được học thuộc trước, liền hỏi Phàm:

- Tôi đố ông nhá. Con gì có sừng, có râu cằm, chỉ to bằng con nghé sữa, sáng được thả khỏi chuồng, không chạy đi, lại án ngữ cửa chuồng, bắt các bạn gái trả lộ phí xong mới được qua. Là con gì?

- Con lợn.

- Có ai thả lợn đâu?

- Gà trống.

- Vừa rồi cạn nghĩ, giờ nghĩ cạn. Gà trống lại có sừng, có râu?

- Khó nhỉ! Con bê có sừng, nhỏ bằng con nghé.

- Nó đâu có bắt các nàng nộp… lộ phí.

- Con mèo cũng không đúng. Chó, trâu, vịt, chuột, chim đều không phải. Vậy là con gì?

- Dê!

- À… thế mà không nghĩ ra. Nhưng dê non hay dê già?

- Dê già mới có râu. Người đời vẫn gọi dê già là dê…

- Cụ! Chết thật! Dê được gọi bằng cụ thì là người rồi. “Cụ dê” là ai nhỉ?

- Chắc cụ dê này phải lắm vợ, đúng không?

- Về nghĩ đêm nay, mai giải đố. Giờ tao truyền khẩu cho mày câu chuyện cổ tích, thỉnh thoảng kể chơi cho “vui tai mình, kinh tai người” – Phàm ghé tai Sứ thì thầm đến đâu, Sứ tâm niệm nhẩm theo đến đấy, rồi gật gật cười lộ vẻ rất đắc ý.

- Mỗi lần kể, tao chi cho chú 2 hào.

- Ông anh ứng trước cho em vài cút trước để thông giọng.

- Cái ngữ chú không khá được. Bóc ngắn cắn dài. Ấy là có tí bóc, đằng này chưa bóc đã cắn. Thôi được, tạm ứng 6 hào.

Từ nãy, ông Bá ghe sạp tổ tôm, vờ chầu rìa để theo dõi cuộc hội kiến không sót một câu, trừ những gì rỉ tai. Những gì nghe thấy không làm ông mảy may nao núng, chỉ ngứa tai và bực mình cái thằng Sứ cơ hội và vô liêm sỉ. Nó bỏ đọc “thơ” bậy chuyển sang kể chuyện đời xỏ xiên là vẫn nhằm vào cái hầu bao của mình. Phải nghĩ cách khác trị thằng này, không thì nó được đằng chân lân đằng đầu, để quá mù ra mưa thì hết sách. Trên đường quay lại trang viên để thưởng thức giọng ả đào, ông có vài phút tự luận, nhân hai thằng vừa nói cạnh ông là “dê cụ”. Dê hay cừu đều do trời sinh ra, cừu có tính cừu, dê có tính dê, chim câu đực gù chim mái, gà trống sã cánh lượn quanh để ve gà mái… thế mới đích thực là đời, đều do trời bày đặt, ban phát cho loài này, lại hạn chế giống kia. Không ai được hoàn toàn như ý. Như ta, trời cho ta máu cường dâm thì cũng ban luôn đa thê kèm theo để cân bằng, đấy mới là lẽ tự nhiên. Khối kẻ chỉ một vợ vẫn không lo tròn nghĩa vụ thằng đàn ông, để vợ phải ngoại tình, tức họ bị trời phạt. Ngược lại có người bát tuần vẫn phải kiếm thêm bạn đời, là ông được trời ban thưởng hậu, hơn người ở khoản ấy.

Mới sáng rõ mặt người, mười một cái cối xay vừa được phó cối đóng xong chiều qua, bày thành bốn hàng ngay ngắn, cạnh mỗi chiếc là một thúng thóc chiêm bầu. Mỗi cô gái đại diện cho một chi bốc thăm chọn cối, sau đó cả mười một cối cùng lúc vận hành theo cờ hiệu của giám khảo. Sân trước trang viên cất lên tiếng cối ù ù như sấm rền, ở mãi Đông Sông cũng nghe thấy.

Cùng lúc diễn ra trận đấu cất vó dưới ao. Mười một vó rải đều xung quanh ao, mỗi vó có hai đô lực điền thay nhau cất. Ngay cạnh đô cất có cắm một bu chứa cá. Đô này cất thì đô kia bắt cá vào bu. Chi ông bà Thụy có sáng kiến bắt cá bằng vợt nên chẳng mấy chốc cá đã lưng bu. Giữa ao có năm mủng dập dềnh liên tiếp đuổi cá ra tứ phía cho các đô cất. Người xem đông nghịt quanh bờ, hò reo không ngớt. Khán giả chen lấn, xô đẩy khiến mấy cô bị nhào xuống nước kêu oai oái. Trẻ con được công kênh trên cổ mới xem được. Trong nháy mắt, ao bỗng ngầu đục, sóng nổi tứ phía không theo làn hướng nào, vỗ ì oạp vào những đoạn bờ hoắm sâu. Anh Luyện được ban giám khảo giao cho đốc trống ngũ liên. Từ nãy, bị không khí sôi động chi phối, anh quên gõ để xem thi. Ông Bá phải giục: “Ơ kìa, anh Luyện khua tới đi, đều tay vào. Trống không nhờ lúc này để kêu thì còn lúc nào!”

Đô của chi ông Bá và chi bà tổng Đông đồng cất. Hai đô to bè bè, bắp thịt nổi từng múi rất thách thức. Khỏe như voi vậy, nên cất nhẹ tênh như ta cất cái lồng bàn khỏi mâm. Cá mè vào đến lưng chừng vó, con nào con ấy bề ngang đẫy gang, nhiều con không kịp tung mình vọt qua miệng vó, trắng lốp cả một phần ao. Khán giả đồng loạt reo hò ầm ầm. Cổ động viên vừa giậm chân vừa giục luôn miệng:

- Mạnh lên! Mạnh lên! Không nó nhẩy sạch bây giờ!

Hai đô phấn khích, cùng ghìm mạnh đốc sào, đó là động tác quyết định cất hẳn vó lên khỏi mặt nước, thì… lạ chưa kìa: Cá không cánh biến mất và hai đô giương mãi vó không lên trời, vừa ngạc nhiên vừa tiếc ngẩn mặt. Lát sau mới hay cá nhiều quá phá toang cả lưới. Cổ động viên chết lặng một lúc, rồi quay sang xuýt xoa tiếc rẻ:

- Thế có chết tổ người ta không cơ chứ! Mẻ vó ấy bỏ rẻ cũng được ba chục con mè.

- Giời ơi, đi thi mà đem vó cũ thì rõ là trần gian này có một.

Đô bị rách vó liền thanh minh:

- Không phải vó cũ đâu. Vó gai cỡ bốn đấy, chứ phải đâu loại mèng. Cá vừa to vừa vào quá nhiều. Có mà lưới thép cũng phải bục.

Ngay từ lúc chưa khai cuộc, Lông – mũi đã dọn ra trên bậc cầu ao cái đôn sứ, trên có cút rượu thuốc, nắm lộc sắn, nhúm muối, lát giềng, việc đã thành lệ trước các lần đánh vó, nhắc xuống cho các đô:

- Ai vớ được riếc răm, đưa ngay lên cho ông Bá ăn gỏi.

Ông rất khoái món “ăn sống nuốt tươi” này. Theo y thư thì bổ thận tráng dương, có lợi cho dương khí, thuốc bổ cực hiệu nghiệm, lại cực rẻ, chớ nên xem thường… là lời khuyên ông vẫn hay nhắc đám đàn ông.

Ông bảo anh Chiểu chạy lên bảo mẹ mở khóa kho lấy liền mấy cái vó mới cho cuộc thi. Còn chi bà tổng Đông lúng túng mãi mới vá xong miếng vó rách. Hai chi bị thủng vó xuống đấu tiếp được vài nhát cất nữa thì cuộc thi đã mãn. Không chi nào lường được tình huống rách vó, nên chi nào vó nguyên lành là ăn may thôi.

Dịp khum hai bàn tay làm loa hỏi lại các đô:

- Sao không thấy ai cho ông Bá con riếc răm nào, hả?

Đô ông bá Thụy vọng lên:

- Ông anh cứ yên trí. Nhìn mấy bộ lông mũi chiếu mệnh của ông anh là em phải nhớ rồi. Mải cất quá không đem lên được, ở cả trong bu này lẫn với cá mè rồi, tí nữa em lựa ra, những mấy con cơ.

Vừa lúc ấy ông Luyện chuyển tùng tùng ngũ liên sang một hồi cắc cắc cắc, chấm dứt cuộc đấu vó ngoạn mục.

Dịp với tay xuống đón hai chú riếc răm do đô ông bá Thụy đưa lên, trao cho ông Bá. Ông cầm con nhỏ hơn để vừa lọt miệng, cuộn lộc sắn cùng với muối, giềng. Tu xong hớp rượu “kích hoa”, ông đẩy miếng gỏi vào miệng, nhai ngon lành y như xơi chim câu rô-ti vậy. Mấy trăm con mắt tròn xoe theo dõi, tưởng như được xem tiết mục nuốt cua bể của gánh xiếc Tạ Duy Hiển ở đình làng tháng trước. Khi con riếc trôi hẳn qua cổ, ông đệm thêm một tợp “kích hoa” xúc miệng.

- Ông dùng nốt con này – Dịp thưa.

- Tao thôi, con ấy phần mày.

- Con đội ơn ông. Ông thí cho con chỗ rượu sót này nhá.

- Ừ, nốc cả đi.

Phưỡn đứng gần đấy phán sang:

- Nguyên cái máu tí tởn của mày chưa đủ à mà còn tọng thêm rượu “kích hoa” với gỏi riếc răm. Cứ liệu cái thần hồn. Đến tối xem hát cải lương mày phải đứng xa con gái ra nhá.

Ông lý Chinh được mời làm trưởng ban giám khảo cùng với bốn ủy viên theo dõi bốn môn thi. Riêng môn cất vó, chi ông bá Thụy vô địch, giải mười con mè đại bề ngang đẫy gang, chi ông lý Úc giải nhì tám con. Các đô khác mỗi người hai con làm tặng phẩm. Số cá còn lại lập tức được phóng thích.

Quay lại cuộc đấu xay lúa. Phải xay thẳng một lèo hết thúng thóc, đấu thủ dừng giữa chừng sẽ bị loại, ai xong trước là vô địch. Cối nào cối ấy quay tít mù như chong chóng được gió. Các mợ, các chị và các cháu, đủ mặt các thế hệ trong cùng một cuộc đấu. Loại hình này dành riêng cho phái nữ, không đòi hỏi các kỹ thuật như thi diều, ăn nhau là có dư sức và dai sức. Quan sát lượng thóc còn trong thúng, có thể dự đoán giải nhất thuộc về chị Thạnh chi bà quản Phòng và nhì là vợ hai anh Hân, chị Mười. Phần thưởng cho hai giải là lụa Tô Châu may áo, giải nhất thêm khăn vuông len. Còn mỗi nữ đô khác được tặng năm ống gạo nếp cái.

*

*        *

Bây giờ là cuộc đấu diều, bộ môn thu hút và gây háo hức cho cả nam phụ lão ấu, không chỉ họ Đào làng Mây mà cả các xã lân cận. Người đến xem rợp cánh đồng. May mà các ruộng vẫn đang kỳ phơi ải, không thì ngần ấy đôi chân dẫm đạp đủ đi tong cả vụ thu hoạch. Sáng nay trời đứng gió và âm u, ai cũng thấy lo. Qua ngọ, trời bỗng nổi nam dọc. “Đúng là trời của họ Đào!” Đó là lời phán của ông Nghiên, ngay lúc ông nghe thấy lá chuối ngoài vườn vỗ phành phạch trở lại.

Diều các chi rất phong phú về kiểu dáng và mầu sắc. Chi bà Bê, diều cốc do chính tay chồng bà làm, vốn có máu thả diều hăng hơn nhiều so với máu nhâm nhi. Diều có sải cánh không dài, trông hệt một cô gái, phần đuôi uốn lượn như xiêm trước gió. Các chi khác cũng có những vẻ độc đáo riêng, như chi của bà lý Thảo, do anh con trai đích thân thiết kế kiểu dáng và thực hiện. Đó là diều quạ . Nhìn lên, ai cũng thấy con quạ trên không ngửa mỏ kêu. Sáo anh không “bô bô”, “bi bi” hoặc “oa oa” mà “quà quà” mới nghe sẽ lầm là tiếng quạ thật. Nên điều anh đoạt giải nhì là rất xứng đáng.

Diều ì của ông Bá tuy không hấp dẫn về mầu sắc, kiểu dáng và âm thanh, song về mức độ hoành tráng thì chỉ cần nhìn qua ban giám khảo sẽ không ngần ngại chấm giải nhất. Bây giờ chỉ còn chờ lúc thăng thiên xem sự ngự trị của nó trên chín tầng mây ra sao. Các diều khác chỉ cần một đến năm người đỡ bụng khi đâm(1). Con diều ì này, làm gì có ai đủ cao để đỡ bụng nó, nếu có thì phải cao trên hai mét và phải huy động động tới dăm chục người mới đỡ nổi. Thế nên phải đâm theo cách hoàn toàn khác lần đầu được nghĩ ra và ứng dụng cũng là lần đầu: Dựng một dàn bằng khung tre cao ngang ngọn cau, đủ vững để giữ cho con diều không bị nhào. Sau đó dỡ lán để có thể lấy diều ra rồi đưa lên ngọn dàn và được cột vào chốt an toàn. Khi diều no gió, chốt được giật mở ra, diều được giải phóng, khi ấy gió tự động nâng bổng diều lên. Sự cân bằng lèo, cân bằng trọng lượng giữa hai cánh phải được tính toán hết sức chính xác trước khi đưa lên dàn. Chỉ một sơ xuất rất nhỏ, diều sẽ rơi, như một ngôi nhà đổ vậy, khung gẫy và giấy phất bị rách nát là hiển nhiên. Vậy nên ai được giao làm động tác rút chốt chính là người mang trong lòng nỗi hồi hộp của mọi thành viên chi ông Bá, và của mọi khán giả đang cầu mong cho cái khoảnh khắc chờ đợi sẽ thăng hoa. Ông Bá tuy là người rất thực tế cũng không kém phần mê tín, nên chọn giao việc ấy cho anh Mấm, người vẫn được khen thật thà như đếm, lại trai tơ và có thể tin anh chưa một lần dính mùi đời uế tạp.

__________________________________________

(1) Đẩy diều bay lên khi có đủ gió tác động lên thân diều.