Biểu Tượng Một Dòng Họ - Chương 07 - Phần 4

Tân không nghe thấy lời mời ấy vì giọng nói của nàng đã hút hết hồn chàng rồi còn đâu! Sáng nay, hồn chàng cũng bị mê, nhưng là do nhan sắc của nàng, đến nỗi không kịp nhận ra cái chất giọng quả là hiếm có trên đời. Nghe nàng nói, cảm giác lúc đầu ngạc nhiên sau chuyển sang ngỡ ngàng đến thích thú khiến chàng ngẩn người ra. Chàng nhìn nàng bằng khóe mắt đắm đuối:

- Cô Loan tha lỗi cho tôi câu nói này.

- Dạ có điều gì mà anh phải rào đón thế? Em sốt ruột chờ nghe.

- Giá gánh hát của chúng tôi có được chất giọng của cô Loan thì hẳn sẽ nhanh chóng nổi danh.

- Gớm, anh cứ khen em quá lời. Chưa ai khen giọng em bao giờ. Mời anh dùng nước. Chính tay em pha, không để cho gia nhân làm.

- Cảm ơn cô Loan nhiều lắm. Chúng tôi cố diễn hay để đáp lại. Còn riêng tôi muốn tặng riêng cô Loan một điệu hát trước khi cống hiến cho cả họ Đào. Mong cô đừng từ chối.

- Dạ em đâu dám từ chối lòng tốt của anh Tân.

Kép Tân khi ngỏ ý đó chỉ lo bị nàng từ chối. Sự nhận lời của nàng khiến chàng phấn khích tột độ. Thế là chàng đã xích lại gần nàng một khoảng đáng kể rồi. Sau vài khúc nhạc dạo trên ghi ta, lời ca vọng cổ do chàng ứng tác cất lên:

Ta đã rong ruổi trên các nẻo đường ca hát

Từ miền biển sóng cồn đến miền lúa xanh bát ngát

Ta mỏi mắt kiềm tìm một thiếu nữ ý trung nhân

Mười năm trôi, chẳng mỏi mệt cánh chim

Mười năm đi với bóng mình còm cõi

Người anh tìm sao vẫn ẩn mình trong bóng tối

Hay phận anh phải lẻ bóng tới tuổi già?

Đến mai này, anh tìm được người anh vẫn ước mơ

Thuyền tình anh trời đã cho cập bến…

Hình như đây là lời than thở của một chàng trai bất hạnh, nhờ Loan giải tỏa khiến nàng không khỏi bối rối.

Chàng dừng ca và buông tay đàn, chờ đợi.

- Anh Tân hát hay lắm – Lời được thốt từ khóe miệng ẩn chứa nét kiêu sa, giờ nghe như hơi run rẩy, ngập ngừng.

Nàng nói rồi cúi đầu, tay mân mê cái nẹp áo cánh lụa màu mỡ gà càng tôn nước da trắng mịn. Cử chỉ ấy khiến chàng khẳng định điều đọc được nơi đáy mắt người thính giả độc nhất này: Ngọn lửa tình đang rực cháy.

Loan và Phượng được anh Chiểu khai trí đến nay đã năm năm. Anh vẫn khen hai em sáng dạ, kẻ tám lạng người nửa cân. Song về niềm say mê thì cô chị tỏ ra trội hẳn. Ngoài giờ học, Loan say mê sưu tầm sách, mê mẩn đọc. Cô thuộc lòng Chinh phụ ngâm và Truyện Kiều, cảm thấy giữa mình và nàng Kiều có những nét đồng điệu. Một thiếu nữ có khả năng cảm thụ văn học như vậy hẳn không gặp mấy khó khăn trong việc cảm nhận những gì ẩn chứa trong lời kép Tân ca. Từ nãy, nàng vẫn mân mê cái nẹp áo, đôi má nóng bừng và dậy hồng, một màu hồng thật lạ chưa ai thấy bao giờ, không phải do tiết thu, cũng chẳng phải do e thẹn, đó là hệ quả của một tình cảm lạ lần đầu xâm chiếm con tim nàng.

Đến cuối ngày, sau khi Loan bưng mâm cỗ lên nhà khách mời các đào kép, lúc lui gót khỏi cửa, một bàn tay từ sau cánh cửa dúi vào tay nàng một mẩu giấy. Linh cảm mách bảo mẩu giấy từ bàn tay ai, nên nàng nắm chặt lấy mà không cần nhìn. Vội quay lại buồng riêng, hồi hộp tưởng vỡ toang lồng ngực do tim đập quá mạnh, nàng mở ra đọc:

“Mong em cho anh thổ lộ nỗi lòng. Tối nay khi vở diễn mở màn, anh đợi em ở sau từ đường.”

Lúc này, trong buồng riêng, cửa khép chặt, ngọn đèn vặn nhỏ chỉ còn bằng hạt đậu xanh. Ông Bá nghiến răng, dằn giọng:

- Mày là đứa con gái đầu tiên của dòng họ này bôi nhọ gia phong. Nuôi dạy mày mười tám năm ròng rã, hy vọng được mát mặt. Nào ngờ mày bôi gio trát trấu vào mặt tao, vào mặt cả họ. Tao phải tuốt xác mày! Nằm sấp xuống!

- Thưa thầy, con xin thề chưa làm gì quá. Mong thầy tin con.

- Dấm dúi trong bóng tối, tình tự vụng trộm, giẫm đạp lên nề nếp gia phong. Ngữ con gái ấy là hỏng hẳn rồi. Lại dám lộng ngôn bào chữa! Này “thề” này! Này “chưa làm quá” này!

Hai nhát dùi trống vụt liên tiếp xuống mông cô gái rượu dịu dàng, nhạy cảm, trong trắng như thiên thần, vẫn được ông thầm khen hiếu thảo, nết na. Loan nghiến răng chịu đau, sợ kêu khóc ngoài kia nghe thấy. Ông toan đánh tiếp, nhưng dùi vừa giơ lên đã rớt xuống đất, như bàn tay không đủ sức nắm nữa, ngồi thừ ra rồi thở hắt ra từng hơi. Lòng ông đau như bị trúng tên: đau vì nhục, vì con mình u mê sa vào trọng tội và hơn hết là cái đau của đòn mình giáng xuống đứa con mà trước đó ông chưa lần nào xử nặng, dù chỉ bằng lời.

Mấm từ nãy đứng ngoài cửa sổ theo dõi mọi diễn biến. Anh xuống bếp xem “thằng kép tù binh” bây giờ ra sao. Vừa thấy anh, kép Tân hỏi cuống cả lên:

- Anh ơi, anh có biết cô Loan ra sao rồi, làm ơn nói cho tôi hay với. Tôi không quên ơn anh, đây anh cầm chút đỉnh uống rượu.

- Cô bị ông Bá đánh đau lắm.

- Ông đánh bằng gì?

- Dùi trống.

- Ối giời! Người mảnh mai thế mà bị đòn dùi trống thì còn gì là xương thịt! Khổ thân cô. Tại tôi hết. Tôi hẹn cô ấy. Cô ấy nể tôi mà tới đó thôi. Cô bị đòn oan. Ước gì tôi chịu thay cô.

Trên sân khấu, vở diễn sắp đến lúc chúa Trịnh Giang ra, do kép Tân sắm vai. Ông Ba Thuấn tìm cuống lên, hết buồng trò đến chỗ khán giả mà vẫn không thấy liền hỏi anh Ích:

- Anh nhìn thấy kép Tân của tôi đâu không? Đến lúc vào vai rồi mà biệt tăm, có chết tôi không!

Anh Ích cho ông biết vụ việc vừa rồi. Ông bị sốc nặng, kêu được mấy tiếng “trời đất!” rồi há mồm đứng đờ ra. Đến lúc đưa mắt sang phía khán giả đang nhốn nháo thì ông lấy lại được bình tĩnh và chạy vội đi tìm ông Bá:

- Dạ thưa ông, tôi vừa nghe nói kép Tân đã vi phạm nội quy nhà ta. Nếu cần phải xét xử, xin ông cho lui lại sau buổi diễn. Còn bây giờ, xin ông lệnh cho gia nhân tạm tha cho anh về diễn, kẻo khán giả đang la dữ quá.

Lát sau, kép Tân bước ra sân khấu, vẻ mặt vừa khổ não vừa hoảng loạn, tay nắm chặt cái dùi trống cỡ nhỉnh hơn đẵn mía. Sau vài giây, anh trấn tĩnh lại được. Nhạc sau cánh gà đang dạo chờ giọng ca. Ông Ba Thuấn nép sau cánh gà giơ quạt lên ra hiệu cho anh vứt dùi đi và lấy quạt làm đạo cụ. Không thấy anh làm theo, ông buộc lòng bước hẳn ra, dúi quạt cho anh và giằng lấy dùi, nhưng anh gạt đi và đẩy ông ngược trở lại hậu trường. Khán giả cười ồ về vụ giằng co ấy, không hiểu sao lại có cảnh chẳng ăn nhập gì với tình tiết của vở - chúa than thân, tự trách mình quay lại chốn xưa quá muộn, nên để chết oan tình nhân.

Kép Tân cất lời ca:

Trời hỡi! Trời đã thương đôi con, cho gặp nhau để tác thành duyên phận, sao nỡ bày cảnh trái ngang? Kẻ bị cùm kẹp giam cầm nơi ngục tối, kẻ bị khảo tra như phạm tội phản quốc buôn dân…

Mới nghe có thế, ông Ba Thuấn sửng sốt. Ôi thằng này phát dại hay sao mà phun ra cái lời ca quái gở ấy! Vừa bị kích động quá mạnh, có thể nó phát dại thật! Vẫn nép sau cánh gà, ông giậm chân mấy cái cho Tân quay lại để ông ra hiệu là lời ca bị lạc rồi. Nhưng chàng vẫn ôm ngực, ngửa mặt than tiếp:

Nhưng đôi con nào có phạm tội tình chi! Yêu thương nhau, hỏi sao là người mắc tội?

Yêu thương mà là tội thì trời hỡi, đem cả thế gian này ra xử ngay đi.

Đau lắm hỡi em, dưới đòn tra độc ác? Để anh chia đòn tra khảo cùng em…

Tân vụt thật lực mấy dùi vào bàn tay trái, vẻ mặt vẫn thản nhiên, ca tiếp:

Đòn sẻ sang anh một ít rồi. Em có bớt đau không?

Ôi tấm thân tơ liễu, ngọc ngà, hỏi chịu sao những nhát dùi thù hận?

Chàng vung dùi tới tấp vụt xuống chân, lên vai:

Ha ha ha, anh hứng hết cho em rồi. Nín đi em, lau nước mắt nào, hỡi nạn nhân oan trái!

Lời ca đến đây thành buông thả tự do, chẳng còn vần điệu, hệt như đoạn độc thoại bằng văn xuôi, khiến dàn nhạc mất hết phương hướng, phải đệm áng chừng.

Cứ tấm thân ta đây mà gieo đòn tra tấn, vì tất cả tội lỗi một mình ra gây nên…

Bốp! Bốp! Bốp! – một chuỗi dùi giáng tới tấp lên đầu, lên má. Dưới ánh măng xông, những vết bầm tím, rớm máu hiện rõ trên mặt và mu bàn tay chàng. Ông Ba Thuấn phải quát lên: “Tân! Tân! Đừng làm thế! Mày điên rồi!” Ông hiểu lầm rồi. Chàng nào có điên mà cố ý tạo ra cái xen lạc lõng đó. Nói lạc lõng là đứng ở góc độ của vở diễn. Còn ở góc độ bi kịch mà chàng đang là nạn nhân thì tình tiết đó hoàn toàn lô gích. Qua đó, chàng vừa tự chứng tỏ tình yêu của mình là chân chính, là xả thân và đáng trân trọng, cũng xem như một thứ vũ khí chống lại cái hình phạt vô lý do cha nàng áp đặt.

Khán giả có một số tưởng kép đóng vai nhà chúa phát điên thật nên mới đánh mình mạnh như thế, chứ nếu diễn thì chỉ đánh vờ thôi. Riêng ông Bá đang thực sự kinh ngạc. Sao thằng này chịu được những nhát quật thẳng cánh lên tấm thân thư sinh ấy?

Sau loạt đòn ra liên tiếp lên ngực, cổ, đầu, mặt… kép Tân buông dùi, đổ sập thân mình xuống sàn diễn. Ông Bá gõ vào tang “cắc cắc” một hồi dài rồi vứt dùi bỏ ra ngoài. Ông Ba Thuấn cùng tất cả đào kép từ buồng trò ùa ra đỡ lấy Tân. Vào giây phút bi kịch lên đến cao trào, từ giữa đông nghịt khán giả còn đang bị đè nặng bởi nỗi hãi hùng và vẫn còn ngơ ngác dưới kia, bỗng nấc lên tiếng khóc của một cô gái, những giây phút đầu còn tắc nghẹn nơi cổ, sau òa ra rồi réo lên từng hồi. Đó là tiếng khóc của Loan. Ông Bá vừa ra khỏi đám đông vẫn nghe thấy đủ rõ tiếng khóc là của ai. Con gái ông đã bỏ qua những định kiến để sống chết với một chàng trai, người vừa hành động như tự sát để giãi bày lòng son sắt với con ông. Ông nhận rõ nếu phủ định họ, thì ít nhất kẻ ngoại lai kia sẽ phẫn thân, còn con ông cũng tan nát cõi lòng nhưng nếu chấp nhận thì… gia phong sẽ ra sao? Liệu có trượt dài trên con dốc dẫn đến tình trạng băng hoại hoàn toàn? Danh dự của nhà ta còn giữ được nguyên vẹn hay bị mai một? Và con Phượng có theo vết chị trong duyên phận sau này? Trên ghế dành cho quan khách, các bà Bá cũng đang bị chi phối bởi tâm lý chung của đông đảo khán giả, thấy chồng ném dùi xuống đất với vẻ giận dữ, sinh lo nên đều để mắt đến ông.

Sau tiếng khóc của Loan, các bà thấy ông bước lảo đảo về nhà ngang, liền bấm nhau theo sát. Phượng vẫn ngồi cạnh chị từ nãy. Nàng không hiểu được nguyên nhân đích thực tiếng khóc thảm thiết của chị.

- Kìa chị Loan, sao lại khóc? Mặc kệ “người ta”, bận gì đến mình. Nín đi chị, kẻo người ta cười cho. Xung quanh có ai khóc đâu nào. Em cũng chẳng hiểu được ông Tân ấy có hóa rồ hóa dại không mà đang diễn lại quay sang đánh mình như thế. Thôi, chẳng xem xét gì nữa! Em đưa chị vào nhà khách nghỉ.

Vừa lúc anh Chiểu và anh Hân len tới, kịp đỡ em gái đứng lên, rồi cùng Phượng dẫn Loan ra khỏi đám đông.

Anh Chiểu quay ra tìm Dịp. Phàm có chuyện bất thường trong trang viên, Dịp đều biết ngọn nguồn. Rồi anh vẫy anh Hân cùng xuống gặp cha.

- Thưa thầy, con đã rõ chuyện xảy ra. Lúc này, con mong thầy bình tĩnh, tỉnh táo để xử sự sao cho nhà mình khỏi mang tiếng.

Ông Giáo bước vào, tiếp ngay lời anh Chiểu:

- Mọi chuyện phải gác lại hết. Khán giả đang đoán gìa đoán non con Loan quá sợ cảnh sân khấu hay thương tình nhân mà khóc. Tính kế gì ngay để đánh tan nghi hoặc.

Ông Bá đang nằm sõng sượt, nghe vậy bỗng nhỏm dậy như bị ong đốt:

- Tôi nghĩ ra rồi. Chỉ có thằng Dịp làm được việc này. Cứ mớm cho nó lên sân khấu nhận lỗi với khán giả nguyên cớ thằng kép Tân bị điên, trước lúc mở màn đã đánh con Loan, lúc vào vai lại đánh chính mình, làm con Loan quá kinh hãi mà khóc. Sau này nếu ai xì xào to nhỏ, thằng Dịp phải ra làm nhân chứng. Thế là vết hoen được tẩy. Chuyện độc thành lành.

- Rồi sau đó? – ông Giáo đắn đo.

- Đuổi cổ ngay cả gánh ra khỏi nhà.

Ngay sau đó, gánh hát lặng lẽ rời trang viên, do anh Ích dẫn qua cổng sau. Kép Tân được một đồng nghiệp cõng như một bệnh nhân nặng. Chàng phải nhiều lần cắn răng nín đau mỗi lần bạn mình bước hụt xuống chỗ trũng. Tuy vậy, hình ảnh một thiếu nữ, theo con mắt của chàng thì đẹp như tiên sa vẫn lãng đãng lúc xa lúc gần trên đoạn đường về mà chàng cảm giác như đang đi vào một miền lạnh buốt giá băng, đầy mưa gào gió hú và phía trên là bầu không khí tuyệt vọng, thê lương bao trùm. Cả gánh lầm lũi đi trong ánh bàng bạc của đêm thu, cùng một tâm trạng bẽ bàng, hổ thẹn. Khi đến được trọng vọng bao nhiêu thì lúc về âm thầm, chua chát và cay cú bấy nhiêu, chẳng khác đang phải thi hành lệnh trục xuất, mà nguyên nhân từ kép Tân. Có người thầm trách chàng, song hầu hết cảm thông. Việc chàng đem lòng yêu một tiểu thư thì chẳng có gì sai trái, chỉ vụng trong cách tiến hành. Bỗng đường đi và cảnh vật xung quanh bừng sáng. Mọi người nhìn lên: Đèn giời! Hai lăm chiếc đủ kích cỡ, đa dạng màu sắc và kiểu dáng đang bay thành đàn giữa trời. Nhưng liệu có ai còn cảm hứng để thưởng thức? Duy có đám hội thì đang phấn khích tột độ như được chiêm ngưỡng một kỳ quan nơi tiên giới, hay do một đấng tối linh nào đó hóa phép ra.

Chúng được phóng lên từ gò Mu và được tính toán chính xác bay theo hướng gió đông ngang qua trang viên. Tiếng reo hò bỗng vỡ tung ra khu ánh sáng quyến rũ từ trời cao được người ta cùng lúc phát hiện. Khi cái cuối cùng của dàn đèn bay qua, ông tổng Đông ra lệnh khai hỏa tháp pháo. Tháp được dựng ngay trước cửa cây hương, gồm nhiều tầng pháo khác nhau. Tầng thấp nhất là pháo tép cuộn hình xoáy ốc. Tràng tép nổ hết, bén sang tràng dạ… Sau pháo dạ đến pháo hoa cải, lửa tung tóe màu cánh sen rực rỡ, sáng lóe cả trang viên. Tiếp đến một trăm con hỏa long, tức pháo thăng thiên, đồng loạt vút lên theo hình phễu, bay hết tầm, mỗi con kết thúc bằng một tiếng nổ. Rất nhịp nhàng, con lệnh kịp thời phát nổ để tổng kết. Con này to bằng đúng cái thùng tôn và dài gấp đôi. Tiếng nổ to ngang tiếng sét, làm mọi người nhớ đến tiếng nổ của quả bom ở đồng Rụt dạo trước, do tàu bay Mỹ bị Nhật bắn trọng thương, phải trút bớt cho nhẹ thân để dễ tháo chạy. Quả lệnh nổ, gây gió phần phật như bão, đồng thời tung ra những chùm lửa đủ màu, gọi là pháo hoa. Thật sướng con mắt. Bỏ 5, 10 đồng mua chỗ cũng đáng đồng tiền.

Sau khi cống hiến xong tài nghệ, tháp pháo vẫn còn đứng mờ ảo trong khói, thân bắt khói đen sạm, đúng hơn lúc này nó chỉ còn là một cây tre vô tri. Nhưng mọi người vẫn hút mắt vào như trước khi nó phát nổ. Ấy là dư vị của cảm khoái còn đầy ắp trong mỗi người.

Cả hội đắm mình trong cảm giác đê mê, trừ hai người trong nhà ngang và nhà khách: ông Bá và ái nữ của mình. Ánh lửa từ tháp pháo len qua khe cửa, đủ soi rõ ông ngồi trên ghế, tay khoanh trước ngực, chân bắt chữ ngũ, im lìm như một pho tượng; còn ái nữ ngồi bó gối trên giường, đầu gục trên đôi tay. Cả hai chốc chốc lại buông tiếng thở dài não lòng… Đều đang trong tâm trạng buồn đau, song lại khác hẳn nhau về nguyên do.

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3