Biểu Tượng Một Dòng Họ - Chương 08 - Phần 1

VIII

 

Ông Bá đi Hải Phòng để thị sát hoạt động của đại lý thuốc giang mai. Trời đang xuân, nhưng cái lạnh thấu xương làm thâm tím cảnh vật, đang hợp sức với nạn đói khiến tốc độ giết người tăng vọt. Lúa đang thì con gái, màu xanh mơn mởn hứa hẹn một vụ bội thu. Chừng hai tháng nữa thôi là có lúa sớm ăn. Nhưng dân nghèo không đủ sức chờ. Ở hai bên vệ đường, xác đàn ông đàn bà gầy teo, xám ngoét, trong đủ tư thế: nghiêng, ngửa, sấp, còng queo, chồng vắt ngang qua thân vợ, mẹ choàng cả hai tay ôm lấy mấy đứa con đổ xiêu tựa vào gốc đa. Từng đợt gió mùa rú lên man rợ hất tung những manh áo vá chằng đụp, phơi ra nào xương sườn, bụng lép, nào vú vê, đùi vế nhăn nheo, khô đét. Còn rùng rợn hơn khi nhìn thấy nhiều xác trẻ con đã thối rữa, bốc mùi. Xác nào chưa tới mức ấy thì bị kiến bu đầy mồm, đầy mắt. Có dăm bảy người uể oải, ì ạch khiêng xác quẳng lên xe bò, mỗi xe chừng gần chục xác được xếp như gỗ cây. Họ lặc lè kéo, oằn người đẩy xe ra mấy cái huyệt đào sẵn, nông choèn choèn ở ngay cạnh đường cái quan, nghiêng xe để xác rơi xuống, rồi lấp đất qua quéo. Họ kể rằng chính quyền sở tại khoán chôn một trăm xác thì được lĩnh ba bát cơm với muối trắng, họ chỉ dám ăn hai, còn bát cuối ngày đùm về cho vợ con.

Chiếc xe nhà gọng đồng óng ánh vàng được lót lòng bằng vải phin trắng nõn, do anh Tanh – tách kéo, đang bon bon lướt thì ông Bá gọi giật:

- Cuộc này, đến quán Trữ rồi, nghỉ chân làm bát bún riêu lót dạ.

- Vâng. Nghỉ lấy lại sức để lên dốc cầu.

Đang lục túi xách tìm khăn lau mặt, ông thấy một cánh tay vừa xanh lét, mốc mác vửa khẳng khiu chìa trước mặt. Ông ngẩng lên: Một người đàn bà tóc xõa, mắt trũng sâu, hai gò má nhô hẳn lên càng làm cho hố mắt sâu thêm, ẵm một đứa bé trông không khác bộ xương là mấy, thều thào không ra tiếng, ông đoán là lời cầu xin một chút từ tâm. Ông lần túi tìm hào lẻ. Vừa lúc chủ quán bê bún ra đặt bên chõng. Người đàn bà thoắt cái vồ lấy bát bún, húp lấy húp để như không biết bỏng mồm, trong khi từ tứ phía giáng xuống một trận mưa đòn gồm đấm, đá, thoi, tát, đạp từ người chủ hàng cao to vạm vỡ. Ông Bá phải ra tay can. Đến lúc bát bún chỉ còn dăm ba sợi, người đàn bà còn mê muội vét nốt nhét vào mồm đứa con, rồi đứng trơ ra, mắt dại hẳn. Có lẽ đến lúc này cái đau mới ngấm. Ông chủ mặt vẫn còn hầm hầm, toan đánh thêm vài nhát nữa, thì ông Bá phải nhanh chân nhảy vào án ngữ:

- Thôi, tha cho chị ta. Tôi trả tiền bát ấy.

Không có câu nói ấy, trận mưa đòn thứ hai dội xuống, hẳn người đàn bà kia không thoát được kết cục xuống mồ cùng bát bún riêu. Ông nhìn rõ mặt chị ta bết máu, một mớ tóc rụng ra còn phủ trên vai đứa con từ nãy vẫn khóc than, nói cho đúng nó kêu bằng một giọng khàn khàn vì sợ đòn và thương mẹ. Nếu được một bát ăn đàng hoàng chắc chị ta cũng sẻ cho con một nửa. Ông gọi Cuộc vào ăn và gọi thêm cho mẹ con chị ta một bát. Kia, mình đoán có sai đâu, chị ấy không ăn, bón cả bát cho con. Khổ, có bát bún riêu thôi, nào phải yến tiệc, nào phải thuốc trường sinh bất tử, mà thành chuyện đổ máu! Trời đất ơi, tục ngữ nói: “Đói ăn vụng, túng làm càn”, bây giờ dân mình tự sửa lời cha ông thành: “đói ăn cướp…” rồi! Cơ giời vận nước đã đến bước điêu linh rồi sao? Ở quán Trữ, dân đến nước này, ít ngày nữa dân làng Mây sẽ không tránh được đồng cảnh ngộ.

- Cuộc à, mày ăn khỏe, thêm mấy bát nữa đi. Xong, quay về thôi.

- Ơ, thưa ông sao lại…?

- Tao không muốn đi nữa.

Tanh – tách thấy rất khó hiểu. Ai đời, chạy bao nhiêu đường đất, bở hơi tai, còn mấy bước nữa là tới nơi thì bắt quay về! Tính khí thất thường kiểu này của ông chủ cả trang viên không ai lạ gì, và chẳng ai dám trái lệnh. Chỉ tiếc không được chạy xe ban ngày mấy vòng ngắm phố cho đã con mắt. Lần trước đi bắt Tây con vào lúc tối, loáng một cái đã phải rút về! Anh miễn cưỡng quay càng xe rồi bước những bước uể oải. Ông chủ đoán ra tâm trạng cụt hứng của tớ, liền nuôi hy vọng:

- Tao bất chợt nghĩ ra việc khẩn. Về nhà, công việc xong xuôi, tao với mày lại đi Hải Phòng, lòng ung dung thư thái mới khoái.

Ông bỏ dở hành trình vì vừa phác ra một phương án cứu dân, cứu họ và cái trang viên thiêng liêng ở nhà, còn khẩn cấp trăm lần hơn việc thị sát đại lý thuốc vào lúc này. Theo ông biết, phần lớn dân làng Mây đã phải ăn củ chuối và rau rệu cầm hơi chờ lúa sớm, một số khá hơn thì ăn cháo loãng. Nhà còn cơm ăn may lắm có hơn một chục. Rõ ràng chẳng còn bao lâu, làng Mây sẽ lâm vào cơn đói sâu, người phải ăn rau rõ ràng đang tiến nhanh đến cái chết, số này thuộc họ nội ngoại có tới ngót năm chục.

Ông không về thẳng nhà mà tạt vào nhà ông lý Chinh, thăm dò suy nghĩ của vị chức dịch cao nhất làng. Ông lý chỉ tỏ lòng thương xót, mà tuyệt nhiên không đưa ra kế hoạch nào cứu dân. Ông Bá hơi khó chịu:

- Thế ông không nghĩ nếu dân chết đói hết, ông sẽ cai trị ai à? Chẳng lẽ, chỉ làm lý trưởng cho tôi, cho ông tổng Vối, hội Phàm… sao? Ấy là tôi chưa nói tới cái đoạn trước khi chết, họ nổi lên cướp bóc, giết người lấy thịt ăn, như bên Hải Dương đấy, ông chưa nghe nói à?

Tuy ông lý đã mãn kỳ chánh tổng, nhưng uy tín còn lớn lắm, bởi lẽ khi đương chức, ông luôn tỏ rõ đức liêm chính dốc lòng làm lợi cho dân, lại được triều đình Bảo Đại hạ chiếu phong Cửu phẩm bá hộ và còn được các quan tri phủ, tri huyện vẫn lui tới thăm thường xuyên. Nên ý kiến của ông vẫn còn nhiều sức nặng, chức dịch trong làng, trong tổng cứ phải lắng nghe nghiêm chỉnh.

- Thưa ông, rõ là lực bất tòng tâm rồi ạ.

- Lực không từ trên trời rơi xuống. Lực gì cũng do người ta tạo nên, không được nhiều thì được ít. Nếu không cứu được cả làng thì cố cứu được một góc chứ.

 

 

- Xin lãnh ý ông ạ. Tôi sẽ thân chinh đi quyên giáo. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Bây giờ quyên được vài lẻ(1) thóc cũng quý.

_______________________________

(1) Lẻ = 1/10 của đấu (đơn vị đong cổ).

 

- Đúng. Nhà vua có lần nói: “Trẫm suy cho cùng chỉ là công bộc của muôn dân”. Đến lượt ông đấy. Vào lúc tình hình dân nguy cấp thế này, ta mới có cơ hội chứng tỏ mình có phải là công bộc không. Còn như khi yên bình thì ai cũng như ai. Ông cho mõ rao. Một là, từ một ống thóc cúng vào quỹ cứu đói cũng được ghi sổ công đức, hai là, ai cho vay một ống được ghi sổ, đến mùa, hội đồng kì mục chịu trách nhiệm hoàn trả, ba là, tôi sẽ phát chẩn mỗi sáng một thúng cơm cho những người phải ăn rau rệu, củ chuối, cho đến ngày có lúa sớm. Ông vừa đi quyên giáo vừa lập danh sách những người ở diện trên. Phải nói thật mới được nhận cơm trẩn. Ai vờ đói nhận cơm trẩn, nếu sau này dù bị đói thật vẫn bị gạt ra.

Đó là cách thương người của ông Bá, lòng thương phải đến thẳng, đến đúng nạn nhân, có trọng điểm và có hiệu quả thực sự, không bao giờ là dòng chảy đơn độc, mà tự lãnh vai trò chủ đạo để thu hút các mạch khác hợp quần, do vậy hiệu quả thường đạt rất cao. Người ta vừa hiểu lại vừa không hiểu lý do ông cho đốn đi cây khế phía đầu hồi từ đường. Nghe đâu nó được cụ Hội trồng từ hồi cụ còn là một cậu bé, đến nay gần được trăm tuổi, nên tuy chỉ bằng một vòng ôm của người lớn lại cao xấp xỉ ngọn đề. Vị quả ngọt như ướp đường phèn, còn hương thì cũng là hương khế đặc trưng nhưng khi ăn ai cũng phân biệt được ngay với các dòng khế khác, người ta chỉ cảm nhận được chứ không diễn tả nổi nó khác ở chỗ nào. Rất lạ là nó ra quả quanh năm, vào đúng mùa ước tới cả nghìn treo vàng rực một khoảng trời, quả nào quả ấy dài đẫy gang. Ông vẫn cho hái đem biếu các quan trên hoặc cho họ hàng. Con cháu từ già đến trẻ không ai không được hưởng lộc ấy do cụ Hội để lại. Người ngoài chưa được cái may nếm thử, qua lại, ngửa mặt ngắm cây khế sai bện quả, cũng đủ mê mắt rồi. Khách bệnh đôi khi cũng được ông cho vài quả làm quà. Vì thế, hương vị của nó lan xa đến tận Vinh, Huế miền trung. Bên cạnh thiên đăng, cây khế cũng là biểu tượng của trang viên. Vậy mà ông quyết định chặt béng nó đi. Cả họ chưng hửng. Người ngoài cho rằng ông đã già, sinh lẩm cẩm. Còn ông, có mỗi lý do duy nhất: Sợ có người chết oan vì nó. Số là ngày nào cũng có rất nhiều kẻ hái trộm khế. Ngay khế chua chúng còn muốn vặt trộm nữa là khế đại, ngọt lừ, thơm lừng thì máu ăn trộm được hâm nóng gấp bội. Không phải chỉ có trẻ con, choai choai như thằng Trê, cu Múp, đến con gái như cái Quài Nhớn, Quài Con cũng hái trộm. Chui vào vườn thì không thể, mà có vào được cũng khó leo lên vì thân cây tròn lại nhẵn thín. Chỉ thằng Trê mới có kỹ thuật leo. Dạo ấy nó bị chó phát hiện, không còn đường nào trốn thoát. Bọn chó gần hai chục con quây chặt gốc khế, nghểnh mõm lên chờ nó xuống để xúm vào xâu xé. Sắp nhá nhem tối rồi, nó đành chọn cách tự thú, kêu ầm lên: “Cháu lạy ông Bá, cháu trót dại. Ông tha cho cháu với. Ông cho ai ra đe chó để cháu tụt xuống. Lần sau cháu không dám thế nữa. Cháu cắn rơm cắn cỏ lạy ông!” Rút kinh nghiệm, từ lần sau thằng Trê leo phốc lên cây đề, rồi lân cành ra cây khế. Thế là ổn, cứ việc vặt, ấn đầy vào bụng áo rồi lân vào, tụt xuống. Ngày vài lần cũng đủ đổi được bát bún riêu, hoặc rủng rỉnh dăm ba hào chơi đáo lỗ.

Dân làng Mây đoán già đoán non:

- Lần trước tôi bảo ông ấy lẩm cẩm. Nhưng phải nói là lẫn mới đúng.

- Cũng có khi cây khế có ma mới phải chặt đi.

- Ma ở thế nào được. Bà Quỳnh vứt cho chó ăn à? Ma đi qua cổng đã vãi đái rồi.

- Chặt đi cũng phải. Ngộ nhỡ thằng nào sẩy chân, bỏ rẻ cũng dập xương.

Bà Ba Lợi ca cẩm câu này mãi:

- Cứ chặt cành đề là hết chỗ trẻ con lân sang. Làm gì đến nỗi phải chặt cả cây khế. Mà đây là cây của cụ Hội để lại, có phải tay ông ấy trồng nên đâu mà tự tiện thế!

Bà Úc thì thực tế hơn:

- Ối giời ơi! Cây đề là nhà của con yêu tinh thần nữ. Đêm ba mươi tết vừa rồi, chính mắt tôi thấy nó hiện ra, vừa hát vừa chuyền cành. Chặt nhà của nó, không bị nó trêu cho phát ốm lên thì tôi đi bằng đầu!

Dù thế nào, cây khế cũng đã bị hạ. Việc đó cũng bộc lộ tính cách độc đáo của lòng nhân đạo trong ông Bá khác hẳn lòng nhân đạo của người em là ông Giáo chỉ bộc lộ đơn thuần ở việc cho người để làm phúc. Đã thành lệ, kỳ nghỉ hè hàng năm là thời gian ông ban phúc cho mọi người nghèo trong làng, ai nghéo khó, chìa tay xin đều được ông cho tiền. Già nửa tháng lương được dành cho việc này mỗi kỳ hè. Lương hiệu trưởng Trường Kỹ nghệ một vạn đồng Đông Dương, tương đương bốn trăm suất ăn trung bình mỗi tháng của dân quê. Mỗi người thường được cho 1 đồng. Khoảng năm nghìn người được ban phúc mỗi năm, cơn mưa từ thiện như vậy tưới được khắp làng. Ông Bá góp ý với em:

- Chú cho tiền như thế, phần đông đem ăn quà, chơi xóc đĩa hoặc nhá cơm đen. Nghèo vẫn hoàn nghèo. Chi bằng gộp lại, có lẽ đến bốn năm vạn rồi, đem tậu cũng được khá ruộng, cho họ cấy rẽ. hàng năm thu thóc, đem phát cho họ, anh chắc giá trị gấp nhiều lần 1 đồng họ nhận của chú, mà họ được ăn vào mồm, lại được có công ăn việc làm ra tấm ra miếng. Khi đến nhận thóc, họ nhớ đến lòng nhân từ bác ái của chú. Họ đem tiền chú cho đi đánh xóc đĩa, nhá cơm đen như thế chu vô tình làm hư họ. Sau này tuổi già, không đủ tiền cho nữa thì chú có thóc để cho. Làm phúc kiểu ấy sẽ bền hơn!

Nhưng ông em lại không muốn việc từ thiện trở thành phức tạp. Đơn giản là: Khi có thì cho, có nhiều cho nhiều, có ít cho ít, sau này không có thì ngừng cho. Ai nghèo, xin thì cho, ai không xin thì không cho. Mỗi năm về quê làm phúc một lần, được gặp gỡ, trò chuyện, khuyên nhủ dân làng dăm ba câu, để giữ được cái tình bao giờ cũng ấm áp. Thế cũng có cái hay riêng. Vậy nên, trong lòng dân, hình ảnh ông lúc nào cũng vừa cao vời, vừa bình dân, vừa đằm thắm của một người đời lại có trái tim từ bi của đức Phật. Ông có một thiệt thòi lớn là bị vô sinh, đành chấp nhận nuôi cháu để nối dõi.

Vào một ngày hè, dân làng Mây tề tựu ở mặt đường từ quán Bế đến đầu đình để đón ông Giáo. Ai nói cho họ biết thời gian ông về? Không ai cả. Vì ngay cả ông Bá cũng không biết. Trước nay vẫn thế, ông không ấn định và không báo trước ngày trở về. Vậy tại sao họ lại biết? Những năm ông còn làm hiệu trưởng ở Hải Phòng, bảo rằng vì ở gần quê nên người ta có thể thính tai. Bây giờ ở mãi thành Nam xa lắc thì thật kỳ lạ, như thể giữa họ và ông có thần giao cách cảm. Lại có hiện tượng con Lu bạch khuyển, ông nuôi khi còn ở Hải Phòng, trước khi chuyển đi Nam Định ông đem nó về gửi ông Bá nuôi hộ, từ tờ mờ sáng, con Lu chốc chốc lại chạy ra cổng, ngánh về hướng đình. Bất cứ con chó nào, dù tinh khôn mấy, giả dụ được ai bảo: “Chủ mày sắp về với mày đấy” thì cũng không thể hiểu. Vậy sao con Lu tự biết? Nó ngửi thấy mùi chủ từ khoảng cách rất xa? Hay con Lu là chó thần, chó trời? Mọi người ở trang viên hồi đầu cứ đoán đi đoán lại nát cả lời mà vẫn mù tịt, sau quen dần, chấp nhận sự lạ như một khả năng tự nhiên của con chó. Dù thế nào, con Lu vẫn là một con chó đặc biệt. Thường đến bữa, cái Mận đổ một vạt cơm xuống đất. Hàng chục con chó lớn bé bu lại tranh nhau ăn. Con Lu đứng ngoài nhìn, chờ xuất cơm cho riêng nó trong đĩa. Cái Mận thử không đổ cơm cho nó hai bữa liền thế mà không thấy nó sấn vào ăn chung. Ăn một mình, nằm một chỗ, cả gầm gừ cũng không cùng với các con khác. Không bao giờ thấy nó đùa bỡn với bất cứ con chó nào. Nó là chó đực nhưng không hề đi tơ. Bằng chứng là không một chó con nào được đẻ ra giống màu lông nó, cũng có con cái ưng nó, mon men lại gần làm duyên, liền bị nó đè ra cắn máu me bê bết. Cái Mận cho nó ăn hàng ngày mà vẫn chưa dám một lần chạm vào nó, chỉ mới lại gần chỗ nó nằm đã bị nhe răng gầm gừ. Những ngày ông Giáo nghỉ hè, nó không lúc nào rời ông nửa bước. Lúc ông ngủ, nó nằm gầm giường. Lúc ông đi đại tiện, nó đứng chờ ngoài cửa nhà vệ sinh.

- Chó mà lại biết đích xác ngày chủ về, hẳn không phải chó trần mà là thiên khuyển!

Đó là lời ông đồ Nghiên. Và nhiều người cũng tin như vậy. Đôi khi chẳng còn gì để làm, không còn điều phải lo lắng, anh Chiểu nêu lại điều bí ẩn về con Lu:

- Làm sao nó biết được, trong khi chúng ta không có cảm nhận nào?

- May ra trời mới có thể…

Tất cả những điều khó lý giải ấy tồn tại tự nhiên theo dòng thời gian. Cái thực và ảo, lạ và quen, thần bí và thường tình, trần thế và thần tiên, khả tín và bất khả tín… cứ đan xen, hòa quyện nhau để tạo thành một thực thể hết sức hoàn hảo ngoài ý tưởng của mọi người, mà nếu không có nó, cái trang viên này đã không thể tồn tại, hoặc nếu tồn tại thì ở một dạng khác kém vinh quang hơn nhiều.

 

*

*        *

 

Rời nhà ông lý Chinh, ông Bá về thẳng nhà. Từ lúc này là thời gian ông dành riêng cho việc bảo vệ trang viên. Việc trang viên bị cướp chỉ còn là thời gian. Có thể dân làng Mây không nỡ làm việc này, nhưng đảng cướp của thằng Sình rỗ ở làng Đông rất đáng lo ngại. Nhà mình rõ ràng là mồi ngon của thú đói. Ở các làng khác trong vùng không có mồi nào béo bở bằng. Cứ suy từ việc chịu đòn xăng – tan túi bụi để đổi lấy bát bún riêu thì biết việc cướp trang viên của nhà ta sẽ quyết tử tới mức nào. Tuy nhiên, nếu tránh được cuộc huyết chiến vẫn hơn. Muốn thế phải có một lực lượng cực mạnh để răn đe làm đối phương phải nản lòng. Ngay chiều hôm ấy, ông thành lập đội vệ binh với quân số năm chục gồm phần lớn là các cháu xa gần trong họ. Theo nhận định của ông, thành phần ấy rất ít khả năng phản loạn, còn có cái lợi lớn hơn là chống đói cho nhiều chi.

Quân sĩ của đội vệ binh đang đứng thành hàng trên sân, nghiêm trang chờ ông từ nhà tế bước ra. Ông không nói những lời rườm rà vô hiệu:

- Hai đụn thóc ở sân sau mà chúng mày vẫn thấy, không phải để cho bọn cướp! Mà để cho nhà tao và chúng mày ăn trong kỳ đói này. Muốn sống qua lúc này thì phải cùng nhau giữ lấy. Muốn chết đói cả lũ thì cứ khoanh tay để chúng nó kéo nhau vào xúc đi. Nào, trước khi ra sân đình tập luyện, chúng mày hãy nhìn lại lần nữa hai ngọn đụn thóc nhô khỏi nóc nhà ngang. Sống ở đấy mà chết cũng ở đấy.

Nào cần tới ngôn từ văn hoa, chỉ bằng mấy lời ngắn gọn và cực kỳ ấn tượng ấy, ông đã thực sự nấu sôi máu của các gia nhân. Ai cũng cảm thấy nóng ran lên và đôi tay muốn ngay tức thì vung mã tấu(1) lên băm vằm bọn cướp…

Trên sân đình, sáng nào đội vệ binh cũng luyện tập trong một không khí thực sự căng thẳng, dưới sự giám sát và huấn luyện của chính ông Bá, một ông già quắc thước, không to béo nhưng da thịt săn chắc do luyện võ Tầu và ngâm mình trong thuốc bắc, trên vai quàng khẩu calip đui(2) và đạn ghém. Thỉnh thoảng ông cưỡi bạch mã vừa phi nước đại vừa bắn vào hình nộm cắm giữa sân đình. Hồi còn tại chức, nhiều lần được cùng đi săn với các quan trên, ông được tặng danh hiệu “thần xạ” với thành tích không đến hai phát đạn zéro(3) đủ hạ gục một hổ. Giờ đây có khác trước ở chỗ vừa phi ngựa vừa bắn, nhưng cũng nhất phát nhất trúng.

Hôm qua phân đội trường(4) và côn(5) luyện cách sử dụng binh khí. Trường thủ nắm đốc trường, chí mạnh ngọn xuống đất rồi đột ngột thả lực, ngọn sẽ nảy khỏi mặt đất,

_______________________________________

(1) Một loại dao lưỡi cong dùng chém và đâm đều được.

(2) Calibre douze: Cỡ nòng 12 mm.

(3) Viên đạn chì to nhất so với các viên cỡ khác, dùng săn thú to.

(4) Cây sào dài có bịt sắt nhọn ở ngọn.

(5) Gậy dài trên dưới 1m.

 

 

khi ngọn lên đến độ cao thích hợp, trường thủ dốc toàn lực xiên thẳng ngọn vào đối phương. Côn thủ muốn kháng cự phải gạt được mũi trường và áp vào tiếp cận. Để tránh thương tích trong lúc tập, mũi sắt được tháo ra và thay bằng búi giẻ. Tuy vậy cũng có côn thủ không gạt được trường bị đâm đau đến toát mồ hôi, phải để rớt côn, ngồi ôm bụng. Ông kết thúc buổi tập:

- Các trường thủ đánh đẹp lắm. Nhất hạng hôm nay có thằng Toanh, thằng Mỡi. Nào, bây giờ tao đóng giả tên cướp, thằng Toanh nảy trường lên.

Khi mũi trường vừa nảy lên tầm ngang lưng, Toanh chưa kịp xỉa thì ông đã gạt phăng ra rồi sấn vào một đoạn rồi đứng lại hỏi:

- Thế mày không làm gì, đứng như phỗng thế, chịu để tao dấn mấy bước nữa là vừa tầm đưa mày về chầu Diêm Vương? Làm gì? Hừ, cấm khẩu rồi! Những thằng kia, vào địa vị thằng Toanh thì làm gì? Cũng cấm khẩu cả lũ! Thế là chết mẹ chúng mày rồi! Dỏng tai lên này. Nếu đằng sau còn đất thì phải lùi lại để ngọn trường xỉa được. Nếu hết đất lùi thì sao? Lại cấm khẩu! Thế này mà vào trận, chúng mày chết đầu nước! Rẽ sang một bên, bên nào cũng được và thu đốc lại một đoạn, cũng là để ngọn trường có thể xỉa. Khổ thật, làm đầy tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại!

- Bủm!

Cả phân đội không ai nín được, vỡ lên cười vì phát rắm của Bạch – tạng, trong lúc mặt anh này đỏ bừng vì xấu hổ. Ông Bá nghiêm sắc mặt quay sang È:

- Tao đang nhận xét buổi tập, mày không nghe lại đánh rắm là sao?

- Dạ thưa ông con không chủ bụng, cố nhịn mà không được. Con xin ông tha tội cho.

- Bủm!

- Tiên sư thằng khốn này! Mày vừa nói xin lỗi vừa phun ra! Thằng này đểu cáng. Ông dần cho mày một trận để mày biết thế nào là…

Ông giật cái côn trên tay anh Mấm, bước lại gần È thì…

- Bủm! Bủm! Bủm!

- Ô, cái thằng trời đánh thánh vật này! – ông toan phang È một côn thì Lông – mũi giữ ông lại:

- Ông ơi, con xin ông. Anh È bị thằng Bỉnh chơi khăm cho hút khói lá thị đấy ạ. Anh ấy không dám hỗn láo đâu. Ông có đánh thì cứ thằng Bỉnh mà đánh. Nó đang nấp sau cây đề kia kìa. Hôm qua chính mắt con nom thấy nó sang ông quyền Phác xin lá thị về thái phơi. Sáng nay nó đem trộn vào thuốc lào rồi nhăn nhở đem cho chú È. Làm sao anh ấy biết trò chơi khăm của nó!

- Bủm!

Vị chỉ huy cũng phải phì cười cùng các vệ binh, rồi nhìn ra gốc đề, trỏ trỏ tay:

- Thằng nhãi kia! Rồi tao hỏi tội mày!

Thằng Bỉnh rời chỗ nấp:

- Ông ơi, chú Lông – mũi đổ oan cho cháu. Chính chú ấy trộn lá thị đấy, không phải cháu đâu. Ông đừng tin chú ấy.

- Mày còn cả vú lấp miệng em hả? Tao không lạ gì cái tinh quái của mày!...

Hôm nay là ngày luyện của phân đội mã tấu. Mười vệ binh khoác mười thanh mã tấu sáng loáng, lưỡi được mài sắc như nước, đứng thành hàng ngang thẳng tắp, trước mặt là hàng chục thân chuối hột chôn làm hình nộm cướp. Ông Bá vẫn đeo súng và băng đạn nặng trĩu vòng quanh eo, quần buộc chẽn gấu, đi giầy xăng – đá(1) đúng dáng của một vị chỉ huy tác chiến.

_________________________________

(1) Giầy nhà binh, đế có gắn nhiều mấu sắt.

 

- Giờ tao hỏi xem chúng mày còn nhớ lý thuyết không. Tình huống nào thì đánh bằng mã tấu? Thằng Khái trả lời đi.

- Thưa ông, lúc giáp lá cà.

- Mày đánh mã tấu thế nào? Bước lên. Coi như cây chuối trước mặt mày là tên cướp. Nào, làm đi.

Khái gỡ mã tấu khỏi vai và thoắt cái chém bổ thượng, lưỡi ngập tới hai gang tay, tiếp đó rút lưỡi ra và chém nhát thứ nhì chéo cánh sẽ, chuối đứt đôi, phần trên rơi bịch xuống.

- Thưa ông, một tên đã bị con lấy mất đầu!

- Tốt, đáng khen. Tao hỏi thêm. Giả thử mày bị hai tên dồn vào bụi rậm, lúc ấy mày dùng mã tấu thế nào?... Tịt ngòi rồi hả? Vừa mới huênh hoang xong cơ mà! Thằng nào biết, trả lời hộ nó?... Cũng tịt ngòi rồi! Mã tấu có phải dao phay đâu mà chỉ nghĩ đến chém, chém, chém. Thế cái mũi nhọn này để thờ bố chúng mày à?

Lúc này Khải mới nghĩ ra:

- À, con biết rồi. Đâm ạ.

- Gợi ý sát sàn sạt đến thế mà không nghĩ ra thì đầu mày họa chăng toàn bùn.

Khải cười hề hề, vừa xốc mũi dao vào cây chuối bên cạnh, đến nỗi ngập tới gần cán, xuýt nữa ngã nhào theo dao.

- Mày đâm như thế, khử được một đứa, đứa bên cạnh làm thịt mày dễ như bỡn. Chỉ cần đâm ngập nửa gang là đủ hạ rồi. Giờ tao hỏi thằng tuần(1) Duyên: Chém kiểu nào được sâu hơn, dễ đứt hơn?

_________________________________

(1) Trương tuần: lực lượng phòng vệ cấp xã thời Pháp thuộc.

 

- Thưa chém thật lực. Chém thật lực thì bố nó cũng phải đứt.

- Biết cách chém thì chỉ cần vừa tay thôi cũng ngang với chém thật lực. Có đứa nào biết không? Dỏng tai lên: vừa chém vừa kéo dao về phía mình, tức vừa chém vừa cắt. Bây giờ thực hành hai kiểu chém để so sánh. Nhát đầu theo kiểu của mày, chém!

- Phập!

- … Nhát thứ nhì theo kiểu của tao, chém!

- Phập!

- Thế nào, thấy khác nhau một trời một vực chưa?

- Vâng, đúng như ông dạy ạ - tuần Duyên vừa xác nhận vừa thắc mắc – Con chưa bao giờ thấy ông đâm chém, mà sao ông tinh thông việc đâm chém làm vậy?

- Có gì khó đâu. Thỉnh thoảng chặt tre, chặt thịt gà, mày cứ để ý vào là biết ngày chặt kiểu nào thì dễ đứt hơn. Từ đó đem suy ra cách chém cướp.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3