Biểu Tượng Một Dòng Họ - Chương 09

IX

Đi trước là thằng bé chừng tám, chín tuổi, mặt mày khôi ngô, một tay cắp chiếu, tay kia dắt người đi sau bằng cái gậy tre. Người đi sau trạc ba mươi, quần trắng áo the đen, khăn xếp, tay phải cắp tráp, tay trái cầm đầu gậy, tập tễnh bước theo. Không cần thêm cặp kính đen cũng đủ rõ đây là người mù.

- Đến chợ rồi đây! - Người mù cất tiếng.

- Ơ, thế cậu trông thấy à?

- À không. Cậu nghe có tiếng nhiều người đang nói. Kiếm chỗ sành sạch một tí, rải chiếu ra cho cậu.

Thằng bé vừa trải chiếu vừa hỏi chuyện rôm rả:

- Hôm nọ con thấy môi và cằm cậu nhẵn thín cơ mà. Sao hôm nay râu nhiều thế?

- À, cậu mất ngủ vài đêm là râu đâm ra tua tủa.

- Nhưng sao nó mau dài thế? Họa râu cậu như kẹo mạch nha.

- Thôi, con hỏi cậu cái khác. Đừng để ý râu ria cậu làm gì.

- Con thấy lạ thì hỏi. Thế cậu đau đầu xong là thành mù ngay à?

- Ừ. Đốc tờ nói đấy là bệnh thiên đầu thống.

- Có lúc con thấy cậu lại nhìn được, như lúc nãy có cái rãnh to ngang đường mà cậu không bị thụt xuống.

- Bảo thôi đừng hỏi nữa. Sốt ruột lắm. Mày tò mò quá đấy.

Thầy bói ngồi ê cả đít đến tàn chợ mới có một ông đến. Nhưng lại không phải khách đến xin quẻ, ông cảm thông cảnh ế ẩm, đến nói dăm ba câu chuyện phiếm để an ủi:

- Chào thầy. Tôi cắt tóc ở đầu kia, thấy hết - đến giờ thấy vẫn chưa có ai mở hàng. Dân ở đây nghèo rớt mồng tơi, đói rạc, còn thiết gì xem với xét.

- Vâng, nghề tôi phải nhờ vào dân vượng mới có cơm ăn, dân suy là phải treo mép, có thể phải giải nghệ. Thánh hiền có độ trì cho để tâm minh, trí sáng, nhưng thiên cơ bất khả dịch. Thưa ông, tôi hỏi khí không phải: ông làm nghề trang điểm cho thiên hạ chắc dầy thâm niên?

- Dạ, nhờ giời cũng hơn chục năm rồi ạ. - Ông chợt thấy kính mến ông thầy qua khẩu khí và chữ nghĩa. Ai cũng gọi mình là “lão phó cạo”, riêng có ông thầy gọi mình là “người trang điểm cho thiên hạ” - Làng này, tổng này, có khi cả cái huyện này, có nhà ông kia là giàu nhất. Giàu có là hay sính lo đến tiền vận hậu vận, mới năng xem.

- Dạ, ông vừa nhắc đến ông..

- Ông Bá.

- Thế ạ!

- Chốc nữa tàn chợ, bảo thằng cháu dắt vào. Ông Bá mà xem ấy à, có mà hết lượt cả nhà, đến chiều chưa chắc đã xong. Cổng xây kia kìa, đi qua gốc đề một tí, thằng cháu thấy chưa?

Thầy bói thấy mến người trang điểm đầu tóc nọ, nên trò chuyện rất cởi mở, sôi nổi, hỏi rất kĩ về gia cảnh ông Bá. Người trang điểm cũng hay chuyện, đó là tính cách điển hình của các phó cạo. Nghề nghiệp đã làm thay đổi và ấn định bản tính cho phó cạo, vì dần dà tự nhận ra háu chuyện thu hút được đông khách hơn. Cũng như khi các cụ ta dặn lại con cháu: “Lái tàu, lái lợn, lái xe, trong ba thằng ấy, chớ nghe thằng nào” là nói đến bản chất bị biến đổi qua hành nghề, vì dối trá với khách cũng chẳng thấy hề hấn gì, lại nhiều lợi hơn nói thật. Ông phó đang kể tỉ mỉ những gì thầy bói hỏi, bỗng dừng phắt:

- A, kia rồi! Phòng năm của ông Bá đang mua cá ở đằng kia. Dạ thưa bà Thư! - Ông gọi to.

- Gì thế ông phó?

- Đây có thầy bói. Nhà ta có muốn xin vài quẻ thì thỉnh thầy vào giúp cho. - Quay sang nói nhỏ, cười ranh mãnh với thầy - Chắc bà Bá mua cá diếc cá răm về làm gỏi cho chồng ăn. Đại bổ thận mà!

Bà Thư trả tiền cá xong, rảo bước lại:

- Thế thì may thật. Mời thầy vào nhà tôi xơi nước rồi bấm cho chúng tôi vài quẻ. Mấy năm trước có ông thầy Tàu cũng bấm, hay đáo để. Nào, mời thầy.

Ông Bá đang đi Hải Phòng, có lẽ là đến quán Bà Mau. Sau đợt đương đầu với vô vàn gian nan và nguy hiểm, cũng nên dành vài ngày nghỉ xả hơi để lấy lại sự êm ả và tưới mát cho tâm hồn. Cũng như trước đây, sau những lần được triều đình ban thưởng Cửu phẩm bá hộ, con trai đỗ đạt, tìm ra cách điều chế thuốc kim la... ông đều ra đấy thưởng thức giọng hoàng anh, bạch yến.

Các quẻ thầy gieo đều hiển ứng vào cung số. Các bà Bá không ai thốt lời, nhưng đều thầm phục sát đất lời thầy phán. Bà Thư không thể giấu giếm:

- Thầy phán y như thầy Tàu năm ngoái.

- Thưa bà, tôi muốn nói vài lời về quý tử của bà, nhưng quanh đây tử khí nhiễm dày đặc, đến nỗi cứ lúc tâm trí tôi lóe rạng để có thể phán ra lời thì bóng tối lại phủ lên. Chẳng lẽ mấy ngày trước ở đây lại có...

- Dạ thưa thầy đúng thế. - Bà cả xác nhận. - Đảng cướp bị diệt gần hết tại trang viên này.

- À ra vậy. Thảo nào! Thánh thì ứng quẻ rõ rệt, mà tôi thì không sao diễn giải được thành lời.

Bà ba hỏi:

- Vừa rồi thầy nói hơn năm qua tôi bị mây mù phủ kín, nôm na là buồn nẫu ruột, phải không ạ? Xin thầy nói do nguồn cơn nào ạ?

- Chỉ có một nguồn cơn. Ái nữ đang đắm chìm trong u uất vì tình duyên ngang trái, đã hơn một năm rồi.

- Tôi phải làm gì để cứu nó?

- Thưa bà, tôi chỉ nói được những điều thánh hiền ứng quẻ. Ngay phận riêng của tôi cũng không tự định đoạt được, nói gì đến mách nước cho ai.

Bà ba vội gọi:

- Phượng! Xuống gọi chị lên cho thầy xem. - Bà bước theo con, thì thầm - Bảo nó thầy đoán không sai chuyện nào trong nhà mình.

Loan uể oải bước lên thềm, rồi gần như lê bước vào ghế ngồi đối diện với thầy, quên cả lời chào khách. Cặp mắt nàng đờ đẫn, vô hồn, tóc rối bời phủ lơ thơ qua mặt, quần áo nhàu nát. Dung nhan Thúy Kiều của trang viên giờ đây đã tàn phai gần hết rồi. Gần năm qua, người ta không thấy nàng ra khỏi nhà, sống lầm lũi, ủ dột, đi lại lờ đờ như một pho tượng biết di động, nếu ai để ý thấy nàng đang sống với nhiều tiếng thở dài hơn là lời ăn tiếng nói.

- Cháu nó đã lên rồi đấy ạ. Nhờ thầy xem đường nhân duyên, gia thất cho cháu.

Ông thầy lẩm nhẩm, bấm quẻ, thỉnh thoảng lại gật gù, tay vẫn vân vê sợi râu dài ngang ngực, rồi đưa tay lên khoanh trước ngực, ngồi im phăng phắc rất lâu. Loan cảm thấy sự bất thường nơi ông thầy, liền rụt rè:

- Dạ thưa...

- Loan! - Bà ba ngăn chặn.

- Cô ơi, tử khí ám đầy tâm trí làm lời tôi nghẹn lại, hay vì cớ gì nữa khó mà nói ra được... Cô ơi, cô ơi... - Ông lại ngồi im, khiến cả nhà đưa mắt nhìn nhau - Người cô nặng lòng yêu thương hiện đang ở xa nhưng lại rất gần cô. Từ buổi hẹn ước, anh ta cũng đắm chìm trong đau đớn vì cõi lòng tan nát. Thế lực ngăn cản thì cao như núi. Nhưng... theo quẻ được thánh ứng thì rốt cuộc tình duyên giữa hai người sẽ thành. Số mệnh mà. Không ai tránh được số. Con người chữa được bệnh chứ không chữa được mệnh. Cô nên vững tin, trút bỏ sầu muộn. Tôi được biết họ Đào có một bà tổ thác oan vì tình, có đền thờ ở Đồ Sơn cho đệ tử thập phương đến lễ bái. Cô nên đến kêu cầu bà.

- Thưa bà tổ của cháu tên là...

- Đào Thị Hương, tức Đế Bà, danh nghĩa là một phi tần của chúa Trịnh Giang. Nỗi oan của bà gây động tâm cho bất cứ ai. Tôi tin khi nghe cháu hậu duệ cầu xin, ắt bà động lòng thương trước mối tình chân chính của cô và linh ứng cho cô những việc cần làm. May ra...

Loan nghe giọng thầy, cảm thấy lòng mình mỗi lúc một mát rượi, như căn phòng nực nội được cơn mưa phả vào, lại như có ánh đèn rọi vào nơi sâu kín làm thức dậy một âm thanh nàng từng được nghe. Lạ nhỉ, sao có một giọng trong trẻo, tha thiết và đằm thắm như vậy! Và nàng, lúc nãy vì nể mẹ mà lên đây, giờ lại muốn ngồi đây để nghe thầy phán mãi, chẳng cần biết lời đúng hay sai. Thấy thầy ngừng nói, nàng khơi gợi:

- Thầy làm ơn kể sơ nỗi oan ức của bà tổ họ cháu.

- Bà tổ họ Đào nhan sắc đổ quán xiêu đình, nhưng lại sinh ra trong một gia đình bần ngư. Khi sinh ra, thân thể bà đã tỏa một mùi thơm thoang thoảng. Vậy nên thân phụ mới cho con cái tên Hương. Bà thật không khác gì nhành bạch lan nở giữa một góc rừng cằn cỗi. Trong một chuyến tuần thú vào đầu xuân qua tổng Đồ Sơn, bấy giờ thuộc phủ Kiến Thụy, chúa Trịnh Giang nghe từ dưới đồng cỏ um tùm giọng cò lả của một cô gái. Trịnh Giang ngoài bản tính đa tình và háo sắc, còn biết cảm thụ nghệ thuật xướng ca.

Cảnh xuân vắng vẻ, chỉ có cỏ lác và bãi bồi. Tiết xuân còn vương lạnh của mùa đông. Giọng cò lả như có phép thần, khiến chúa đứng sững lại, lòng xốn xang và người nóng bừng, ngỡ trời vừa đổi ấm núi sông.

Tay cầm bán nguyệt xênh xang

Trăm ngàn thảo mộc lai hàng tay ta...

Nhà chúa lặng người để vừa cảm thụ hết chất giọng trong trẻo, đằm thắm và đầy sức lay động, vừa để nhận thức ý nghĩa sâu sắc ẩn sau lời ca, song không được như ý, vì gió biển cứ từng hồi lộng thổi. Ông cho cận thần gọi người hát lên, rồi quây trướng ngay trên bãi cỏ, một mình ngồi nghe cô hát tiếp. Cô gái ấy chính là Hương, bà tổ của họ Đào. Chất nghệ thuật gọi men tình và men tình khơi sâu cơn nồng say giọng hát, dẫn tới ép liễu nài hoa. Chúa hứa sau kì tuần thú đó, tới trung hạ sẽ quay lại đón nàng về Thăng Long, rồi sẽ phong nàng tước phi tần. Buổi chiều ái ân để lại trong nàng giọt máu của chúa, đấy cũng là cái họa dẫn nàng đến thác oan. Do mải nhiều chuyện khác, nhà chúa quên khuấy lời hứa. Trịnh Giang đáng trách, đáng nguyền rủa quá, phải không cô Loan? Nếu ở địa vị ông ấy, tôi không thể quên lời, hoặc cho nàng đi cùng chuyến có hơn không. Cô Loan có tin lời tôi không?

Loan hơi ngạc nhiên, thấy thầy bói xen vào những câu chẳng ăn nhập gì với câu chuyện. Nàng cố ý không trả lời để ông thầy đi tiếp câu chuyện tình có những nét nàng cảm thấy đồng điệu, và cũng để nghe một giọng nói trữ tình.

- ... Hồi kinh tới cả tháng, khi nghe các ca nương trong phủ hát, Trịnh Giang mới sực nhớ tới nàng, tức tốc rời kinh đi Đồ Sơn. Trong khi đó, nàng mỏi mắt, nát lòng ngóng chờ tình quân, ấu chúa ngày một lớn thêm, không thể giấu giếm được nữa. Nàng bị tra hỏi bằng hăm dọa, cực hình, đã nói thật. Nhưng người ta đâu có tin. Các chức dịch uất ức vì sự vi phạm lệ làng thì ít, cái chính là hậm hực không chiếm được nàng. Cuối cùng họ xử dìm sống nàng, chữ viết trong hương ước là “trầm hà”. Trịnh Giang quay lại chốn cũ thì thảm cảnh đã xảy ra từ hai hôm trước.

Nặng mối tiếc thương và ân hận trong lòng, Trịnh Giang quỳ trên bờ biển khấn cầu xin oan hồn nàng mở lượng từ bi mà tha tội cho. Khấn xong, chúa còn đang cúi nhìn những con sóng lừng ầm ầm lao vào vách đá như phẫn thân thì nghe có tiếng kêu từ một con thuyền gần đấy: “Xác nổi lên kìa!” Ông lệnh vớt vào: nàng Hương của ông thật rồi! Ông than khóc cạnh thi thể nàng rất lâu, rồi cho thợ may xiêm y kiểu phi tần cho nàng, sau đó cho mai táng nàng ngay dưới chân ông đứng. Cũng tại đấy, ít hôm sau theo lệnh ông, một ngôi đền thờ được khẩn dựng. Ông đích thân ghi lên bia mộ: “Đế Bà ngàn thu yên nghỉ.”

- Thưa thầy, năm ngoái, thầy cháu mời gánh hát tới nhà, họ cũng diễn tích này, nhưng buổi diễn bị đứt quãng... - Giọng nàng bị lạc hẳn rồi tắt lịm.

Cũng không thấy ông thầy kể tiếp, mặt bỗng sa sầm, tái mét và môi giật giật. Ông đứng lên:

- Thôi, tôi xin cáo từ.

Không hiểu có phải tử khí ám quá mà ông không thể nói thêm không, hay vì... Loan cầm 100 đồng quẻ trên đĩa trầu cau, đưa:

- Dạ, đây là tiền bu cháu đặt quẻ, ông cầm cho ạ.

Thầy bói đưa tay quờ quạng, rồi nắm gọn bàn tay Loan. Không thấy thầy buông ra, Loan phải gỡ tay lấy chỗ đặt tiền vào. Nhưng ông đẩy tay Loan:

- Thưa các bà, các cô, tôi bị tử khí ám suốt, nên lời không được linh lắm. Thế nào tôi cũng có dịp quay lại hầu quý quyến, khi ấy tôi nhận mới cảm thấy xứng đáng. Tôi xin tạm gửi lại ạ.

Ông được thằng cháu dắt ra khỏi trang viên, bỗng buông gậy, bước xăm xăm vượt lên trước cháu mình, vẻ mặt nửa hân hoan nửa đượm buồn, vừa rạng rỡ lại vừa u uất. Thằng cháu, mặt ngớ ra, đứng sững lại hỏi:

- Cậu ơi, cậu khỏi mù rồi à?

- Ừ, khỏi! Mù nhanh thì sáng lại cũng phải nhanh thôi.

- Ơ!

- Ơ với ở cái gì! Mù tạm một ngày thôi, thằng cháu khờ ơi!

Vâng, thầy mù tạm, vì người này đâu phải thầy bói, đúng hơn là sắm vai thầy bói. Đó là kép Tân, năm ngoái đã có dịp hiện diện ở trang viên này.

Mối hận tình của chàng kể từ hôm ấy vẫn không nguôi sôi sục, khẩn thiết đòi sự giải tỏa. Rất nhiều đêm thao thức trong suy tư, không ít chiều bức bối trong nghiền ngẫm, nhưng tâm trí thì vẫn bế tắc. Quẫn chí, một lần chàng đâm liều, bỏ việc diễn, đến làng Mây, định lảng vảng ngoài trang viên, biết đâu vận may gặp được người thương. Cả buổi chiều quanh đi quẩn lại, mãi tới chiều muộn mới thấy bóng nàng xuất hiện ở nhà ngang. Chàng toan bước qua cổng, dấn tới đầu sân cho chó sủa sẽ làm nàng quay ra và trông thấy chàng. Chắc nàng chẳng dám chạy ngay ra đón mình, nhưng sau đó sẽ tìm được cách. Nhưng thoắt cái nàng biến vào, khiến bước chân chàng khựng lại. Em ơi, số anh sao hẩm hiu thế! Nào em biết được anh đã cháy lòng đợi em ở cổng này! Chỉ được thoáng thấy bóng hình em trong chưa đầy một phút thôi ư? Trời hỡi, sao nỡ khắt khe, bất công với tôi đến thế. Người thương ơi, em ở đó chỉ cách anh chục bước chân mà thành con đường vạn dặm. Dù có như thế, nhưng nếu không có ngọn núi kia án ngữ thì ngay lúc này anh đã có mặt bên em, để nói với em một câu, rồi có thể lui gót ngay: “Anh vẫn chờ em!” để em vững tin. Bỗng vẻ mặt chàng trở nên phấn chấn hẳn lên, ấy là vừa xuất hiện trong chàng giả định và cũng là một hi vọng: “Rất có thể nàng sắp đi đâu, ắt sẽ qua cổng”. Khổ thân cho chàng, người có con tim yêu nồng đượm, mãnh liệt và có phần mê muội: vào lúc trời nhá nhem tối thế này, niềm hi vọng ấy đối với một cô gái khuê các thì khác nào là một ảo vọng. Chàng nép vào sau tường, ngó vào khoảng trống nhà ngang chờ đợi... Đến lúc đàn chó phát hiện ra người lạ, xồ tới như phát rồ và có một gia nhân lực lưỡng chạy huỳnh huỵch theo, đe chúng, chàng mới chợt nhận ra mình đang dấn thân vào vòng nguy hiểm. Thời điểm này, nếu bị bắt, hẳn ông Bá sẽ không để mình ra khỏi trang viên nhẹ nhàng như lần trước. Chàng giật mình và ra khỏi làng Mây, cũng vội vàng như lúc đến. Cuộc mạo hiểm chỉ đem lại kết quả chừng một phút nhìn thấy người thương, không những không giải tỏa dù chỉ một phần nhỏ nỗi khao khát đến se lòng một cuộc hội ngộ, mà còn thổi bùng ngọn lửa tình, khơi sâu thêm nỗi cồn cào, da diết.

Đến ngã năm Kiến An, thấy một bà dắt mấy đứa con đi ăn xin, tiện có mấy chiếc bánh Tây mang theo ăn đường, chàng đem cho họ hết. Bà mẹ hỏi:

- Ông ơi, tôi không còn gì cho chúng ăn. Ăn xin chẳng có ai cho. Từ sáng đến giờ mới được ông làm phúc.

Chàng chợt nhớ một lần chị ruột tâm sự muốn kiếm một thằng bé làm con nuôi. Bà chị vô sinh, nay đã tứ tuần. Chàng quyết định:

- Tôi muốn nhận một đứa cho chị tôi nuôi. Thằng bé này, gọi nó là gì?

- Cu tí nhớn.

Về nhà, bà chị cải tên nó thành Dậu, kỉ niệm năm đói Ất Dậu.

Đứa bé “dắt” kép Tân thầy bói vào chợ Mây lúc nãy, chính là thằng Dậu. Dậu yêu cậu hết mực vì cậu vui tính ngày ngày lại còn dạy chữ cho nó.

- Cậu giả vờ mù tài thật. Con cũng tưởng cậu mù thật, cứ thương.

- Cậu lên diễn kịch trên sân khấu, còn phải biết vờ nhiều thức khác nữa. Vờ làm vua, vờ làm kẻ cướp đường chẳng hạn.

- Thích nhỉ, hôm nào cậu dạy con cách vờ nhá.

- Phải có khiếu thì vờ mới như thật. Không có khiếu bị người khác biết ngay là vờ.

- Còn râu ria cậu mọc nhanh thì con chịu không hiểu được.

- Nhìn cậu này! - Tân bóc râu giả ra, làm thằng cháu trố mắt rồi reo ầm cả đường. Thằng Dậu tò mò, hỏi tiếp:

- Từ hôm ở với cậu, con thấy vô khối cái lạ. Thế sao cậu lại phải vờ làm thầy bói?

- À, thế mới dễ vào nhà ông Bá.

- Thế đoán xong sao lại không lấy tiền?

- Vào đấy không nhằm kiếm tiền, mà để gặp một người, cái cô xem cuối cùng ấy.

- Cô Loan, con còn nhớ. Cậu quen cô ấy à?

- Ừ, quen thân.

- Sao hai người nói chuyện chẳng thấy thân tí gì?

- À, cô ấy không nhận ra cậu mày.

- Cậu toàn nói những chuyện con không sao hiểu nổi. Muốn gặp bạn thân lại cải làm thầy bói để người ta không nhận ra mình?

- Chuyện dài dằng dặc, không thể kể hết ngay bây giờ. Mà chuyện lại rắc rối, có kể con cũng không thể hiểu. Phải lớn thêm dăm tuổi nữa mới hiểu.

- Con mà như cậu, con ăn vận như lúc ở nhà mình ấy, không kính, không râu ria, mặc quần áo Tây, đến cổng gọi: “Cô Loan ơi”. Thế là cô ấy chạy ra: “Chào anh Tân”. Rồi cậu vào, vừa uống nước vừa nói chuyện với cô ấy. Thế có vui không?

- Á à... thằng cháu cậu có tài tưởng tượng đấy. Cậu khen, cho điểm mười. - Vẻ mặt chàng bỗng chuyển buồn, tư lự. - Chẹp chẹp! Không thể làm như con nói được, mới khổ tâm chứ. Nhưng rồi có một ngày cậu làm được như thế.

- Thế việc cậu phải làm thầy bói, vào nhà ông Bá, có như việc diễn kịch của cậu không?

- Giống hệt. Có khác là diễn kịch để cho người xem, còn đây là diễn cho mình.

- Thế thỉnh thoảng người ta lại phải diễn kịch không ở trên sân khấu à?

- Ừ, buộc phải diễn thôi. Thằng này hỏi gì thì hỏi đến cùng. Hỏi nhiều sẽ được biết nhiều, cũng hay đấy. Biết quá ít thì khổ vì ngu dốt. Nhưng biết quá nhiều có khi là điều bất hạnh. Bất hạnh tức là khổ.

- Thế thì con thích bất hạnh, thích biết rõ thật nhiều. Từ ngày làm cháu nuôi của cậu, con biết đến cả kho điều lạ, mà trước kia ở với bu con, con mù tịt. Như thế sao gọi là bất hạnh? Con chẳng hiểu!

- Làm cho con hiểu điều này không dễ đâu!

- Hay là cậu sợ con bất hạnh mà không dám nói?

Kép Tân đứng sững lại và cúi nhìn chằm chặp thằng cháu để tìm ra nguyên nhân khiến nó có được những lập luận rất ngây thơ, nhưng lại có sức thuyết phục như vậy. Chàng không muốn, đúng ra là không thể thỏa mãn thằng cháu, chỉ cười, cả cười một hồi, như một hành vi biểu lộ niềm vui sướng, vừa để thừa nhận sự bất lực. Còn thằng cháu, lần nữa thấy thêm một điều lạ từ cậu mình: “Quái nhỉ, có gì hay ho lắm đâu mà cậu cười to và lâu thế?”.

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3