Biểu Tượng Một Dòng Họ - Chương 12
XII
Cả 5 bà đều được ông yêu quý, mỗi người theo một lẽ riêng. Bà cả, ngoài địa vị chính thất, đã gắn bó với ông trên 3 chục năm trời tạo cơ nghiệp, chia sẻ cùng chồng mọi lo lắng, vui buồn. Trong xử sự, bà biết khuyên can, phê phán chồng đến đâu, biết rút lui ý kiến ở thời điểm thích hợp, nên được ông rất nể trọng. Song trên hết, bà không tỏ ra ghen ghét, tị hiềm với các bà sau. Ngay cả thú nhà tơ của chồng, bà cũng không khó chịu, can thiệp, hay chê bai, mà chỉ từ tốn khuyên: “Làm gì thì làm, chứ đừng đem bệnh về đổ cho vợ. Chỉ nên nghe hát cho thỏa cơn nghiền, còn cái nghiền kia thì xin ông chớ dính vào. Muốn của lạ, ông cứ bảo, tôi cưới cho vài đứa, dăm bảy đứa cũng chẳng ngại. Giải nghiền ở nhà được tha hồ vùng vẫy, không mất tiền, không sợ bệnh.” Bà không nói đùa, bốn bà sau đều do bà tự ưng thuận, ông chẳng mất một lời nói khéo hoặc nằn nì. Bà Thư về làm vợ bé ông vào thời kì bà cả đã già còn dễ hiểu, còn các bà kia được về hầu hạ ông vào lúc bà đang độ xuân thì. Điều đó càng làm ông hết sức cảm phục bà. Song trên hết, bà đã sinh hạ cho ông một trưởng nam, người nối dõi, và con bà lại cho ông một thằng cháu đích tôn, ngay từ khi còn thò lò mũi xanh đã lộ rõ tư chất thiên tài.
Bà hai cũng giống bà cả cho ra đời một thần đồng, đặc biệt nó mang dòng máu Tây. Đây là lí do ông tâm đắc nhất, tự hào nhất, cũng quý báu nhất, nó thơm lây sang anh Hân và mẹ anh. Bà cũng là người lo toan mọi việc nội trang, tự nguyện gánh vác cùng bà cả những việc cắt đặt đồng áng, đôi khi thay chồng lo việc hiếu hỉ, cúng giỗ nội ngoại tộc.
Riêng bà ba, tuy không sinh được nam tử, song hai ái nữ lại là niềm tự hào lớn hơn nhiều mà hai bà trước rất ao ước. Dù hai đứa cháu nội có bộc lộ thiên tư, song mọi kì vọng, mơ ước và niềm kiêu hãnh về chúng chỉ trở thành hiện thực trong tương lai, còn với hai cô Loan, Phượng thì niềm kiêu hãnh của bà đang hiển thị, dĩ nhiên cũng thơm lây sang cả nhà. Nhiều nhà quyền quý, giàu sang xin làm thông gia. Người ta bảo hai nàng là hai bản sao từ bà cả về nhan sắc, giọng nói lẫn đức hạnh. Sự nhận xét ấy gây cho bà cảm giác kiêu sa ngầm, cũng tạo cho bà một vị thế được nể trọng. Cùng là phái nữ, nhưng chưa bao giờ bà thấy chán ngắm con. Những cách ví von, nào là “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”, “chim sa cá lặn”, nào “mặt hoa da phấn”... bà đều thấy đúng. Đôi lúc bà cười thầm: may mà chúng nó giống mình, chứ giống ông ấy thì bị vổ. Con gái vổ thì còn thằng nào dòm ngó cho.
Bà tư thiệt thòi hơn cả vì bị vô sinh. Tuy không được xinh đẹp như bà ba, song bà tư rất ưa nhìn, lại có duyên thầm và cách nói năng nhẹ nhàng, từ tốn. Ông Bá xiêu lòng vì những nét ấy. Thấy chồng có vẻ mê, một tuần sau, bà cưới bà tư về cho ông. Toàn bộ tuổi thanh xuân của bà hiến dâng cho ông, giờ đây đang bước sang lứa “gái già”, vẫn không một mụn con, làm ông Bá thương đến héo cả gan ruột.
Còn bà bé, ngoài trẻ đẹp và gợi tình rất hợp với ông, còn được ông yêu quý có thể hơn các bà chị vì đã sinh hạ cho ông cậu út được thiên phú một thần năng kì lạ. Hẳn số phận của cậu Linh Hoàng sẽ không thể như những người thường. Chỉ có cậu là đứa con duy nhất nhìn được ánh hào quang từ cơ thể cha mình để có thể thấy trước sự hưng vong của gia tộc, cho thấy quan hệ phụ tử ấy không còn đơn thuần như vẫn thấy xưa nay nữa. Như thế, bà cũng đủ lí do kiêu hãnh hơn các bà chị.
Tuy vậy, nội tình cuộc sống của các bà Bá không phải lúc nào cũng trời yên biển lặng. Mới đây thôi, giữa hai bà trẻ nhất nổ ra một cuộc chạm trán nảy lửa.
“Khu các bà” là dãy nhà bốn gian ở sân sau, được xây cách đây chưa lâu, dành cho mỗi bà một gian. Riêng bà cả được quyền tối ưu ở với ông tại một phòng biệt lập trên nhà tế suốt từ ngày về làm bạn với ông đến nay. Ai cũng gọi dãy nhà bằng cái tên quen thuộc. Riêng Dịp thì không, tự đặt cho nó cái tên khác rất mĩ miều: “khu cung phi”, cốt để nịnh bợ ông chủ. Bà bé ở gian cuối, kề sát gian bà tư. Từ ngày ông Bá có bà bé, gần như quên cái cửa thứ ba mà trước đó không đêm nào không đến tạm trú. Thời gian đầu bà thấy cảm thông. Vợ mới, lại trẻ, ông ấy làm sao nỡ để người ta ngủ một mình. Nhưng rồi nhiều tháng trôi đi, bà vẫn một mình một bóng, nhiều đêm từ phòng ba vọng ra tiếng thở dài ảo não. Rồi sự nén chịu trong bà biến dần thành nhẫn nhục. Tuy vậy, sự nhẫn nhục cũng có vạch dừng, phải bùng nổ cho tâm lý được giải tỏa. Nhưng không thể lộ vẻ bực bội với chồng, dù là nhỏ. Với chồng, bà tư trước nay vẫn một bề nghe theo. Vậy quả bom này chỉ có một định hướng là bà Thư. Nhưng nếu cho nổ trong tầm quan sát của ông, tất bị ông trừng phạt, ít nhất là mắng mỏ. Phải chờ dịp thích hợp mới có thể ra tay.
Giác quan của Dịp có thể sánh với loài cáo. Sau vài tháng quan sát, nó thầm đoán chắc: trong lòng bà tư có một mối hận vì bị bỏ rơi và máu sư tử Hà Đông đang sôi sùng sục. Dịp may để trả thù bà Thư đây rồi! Sau ngày hội dạo xưa, bà Thư nghe được tay Lông-mũi buôn chỗ ngồi xem ca kịch, liền mách ông Bá. Ngẫu nhiên nó nghe được lúc đi ngang qua:
- Anh không trị cho nó một mẻ, lần sau quen thói nó còn làm ô danh anh gấp vạn.
Lông-mũi thầm nhủ: “Nhà bà này mỏng môi thật. Bận đếch gì đến bà mà phải tâu hót! Thế nào cũng có phen trả nợ sòng phẳng. Đợi đấy!” Một sáng, Lông-mũi thấy bà Thư xuống sân sau, sau khi phơi quần trên dây phơi ở sân trước. Nó nhìn quanh không thấy ai, liền vớ cái nạng gẩy rơm đẩy vội cái quần ra giữa dây cho chính diện gian giữa từ đường bên này và cây hương bên kia, rồi xuống gọi bà tư lên:
- Bà nhìn cái quần của bà Thư phơi kìa. Đẹp mắt nhỉ! Các bà là nền chị cũng chẳng dám chiềng đũng quần trước mặt tổ tiên. Hay đây cậy trẻ thì được quyền phạm thượng, lăng loàn?
Bà tư chẳng kịp đưa ra câu bình luận, vội chạy đi tìm ông Bá. Ông đang thăm em gái, tức bà Úc bị đau dạ dày nặng. Bà tư vừa thở vừa gọi, giọng đứt quãng:
- Ông Bá, xin ông về ngay mà nhìn nó trát đít vào mặt tổ tiên nhà mình kia kìa. Chiều cho lắm vào!
Nhìn cái quần thâm trên dây vẫn còn đang tong tong nhỏ nước xuống sân, ông tím bầm mặt:
- Bà Thư, lên ngay tôi bảo... Bà nhìn lại xem cái quần của bà kìa! Nhà hết chỗ phơi quần rồi chắc? Muốn sống đem ngay ra chỗ khác. Từ nay tôi cấm ngặt bà động vào cái dây phơi này. Lề thói nhà này không được phơi phóng kiểu ấy. Bà cứ liệu cái thần hồn. - Về khoản tôn kính gia tiên, ông Bá cực kì nghiêm khắc và chưa hề xao lãng giáo dục mọi người gìn giữ.
Hôm sau là ngày thanh minh, ông Bá cùng hai con trai và Dịp đi tảo mộ. Thừa dịp, bà Thư đứng giữa sân sau, nói đổng:
- Sống cạnh cái quân xanh vỏ đỏ lòng, ném đá giấu tay, không chừng có ngày chết oan với nó. Mà mình có làm gì gây thù chuốc oán với nó đâu.
Bà tư bị chạm nọc. Cơn ghen ngút trời bấy lâu như than ngún đỏ trong đống rơm khô, giờ bị gió lùa, ngọn lửa đã bùng lên:
- Á à, con này vô lễ với tổ tiên, còn già họng à! Tao phải khấn hồn các cụ về bóp cổ mày chết hộc máu xáu tiết ra.
Bình thường, bà tư vẫn được trọng nể bởi lời ăn tiếng nói từ tốn, nhẹ nhàng, ý nhị, thân tình. Nhưng vào lúc này, phong cách ấy biến đâu mất rồi, thay bởi một giọng khác hẳn: đanh, sắc và chứa đầy căm giận. Đàn bà lúc bị cơn ghen ngự trị, thế nào cũng đứng ở một trong hai cực tâm lý. Như bà đây ở cực nóng. Người khác có thể ở cực lạnh: không hé răng, vẻ mặt phẳng lặng như một tảng băng.
- Các cụ đại lượng chứ không hèn như mày đâu. Mày đùn cái quần ra giữa dây rồi vu oan cho tao. Đồ rắn độc! Hèn gì mà cô quả mãi!
Đời tư của bà đã bị chạm vào nơi xót xa nhất. Lúc nãy căm giận do ghen tuông, giờ cộng thêm nỗi đau, thành mối thù hận, tức cái đống rơm đang cháy vừa có một thùng dầu tưới vào. Bà tư không thể nén ngồi trong buồng nữa rồi, lao ra như một mũi tên rời khỏi nỏ về phía bà Thư, tay vừa túm được tóc đối thủ thì phải buông ra ngay, vì nghe thấy:
- Loạn rồi à! - Ông Bá quát như Trương Phi. - Nào, thích giết nhau, tôi cho giết. Dịp, vào bếp lấy cho mỗi người con dao phay để họ chém nhau.
Hai bà bỗng im thin thít, như trong cổ có cái phanh tự động, rồi ai biết phận nấy, vào buồng mình ngồi...
- Không còn ra thể thống gì nữa. Toàn các bà Bá, chứ đâu phải hàng tôm hàng cá! - Ông giậm chân đánh huỵch rồi bỏ lên nhà tế. - Ba bà chị làm bù nhìn cả à, để hai người kia đấu khẩu, suýt đánh nhau?
- Tôi đang sấy thuốc, nghe thấy chí chóe ở sân sau, định chạy xuống thì ông về kịp. - Bà cả phân trần.
- Bà bảo họ từ nay có gì khúc mắc, phải đợi tôi về, không được phép loạn ngôn như thế. Lần sau còn như thế thì đừng trách!
- Chiều chuộng, nựng nọt lắm vào! - Bà mỉm cười lầm bầm, nhưng vẫn đủ cho ông nghe hết.
- Ai chiều! Ai nựng! Dù có được chiều, cũng không được lăng loàn. Đó là phép tắc, gia phong.
Bà mỉm cười, như nói cho chính mình:
- Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về. Để đến giờ lung tung xòe mới dạy, còn trách ai! Thôi, để họ đấy cho tôi. Ông đi rửa chân tay rồi vào khấn các cụ. Ngày thanh minh mà ầm ĩ cả nhà cửa.
Lúc này, ở nơi vừa xảy ra khẩu chiến, nhìn thấy Dịp đi qua cửa, bà Thư lên tiếng:
- Này anh Dịp, anh lấy bao nhiêu, tôi trả.
- Thưa bà, cháu có đòi tiền gì đâu ạ.
- Tiền công anh chạy bộ đi tâu bẩm với ông Bá.
- À, cháu hiểu rồi. Bà muốn mắng cháu việc cháu vừa gọi ông về chứ gì? Nếu bà không hiểu cho, cháu cũng đành chịu. Lần trước thấy ông tổng Vích quảng cáo hộ hội Phàm, không mách ông nhà, cháu bị ông chửi thậm tệ. Chuyện vừa rồi, không may cháu lại ở đấy, biết mà ỉm đi, sau này ông đuổi cháu khỏi nhà mất. Từ bận ấy, cháu chả dại nữa.
- Nhờ tâu bẩm, anh mới sống được. Việc tôi và bà tư cãi nhau cũng nhờ anh tâu bẩm, nên ông Bá mới biết, thế nên tôi phải trả công anh.
Đêm hôm ấy, không tin chồng vào với mình như mọi đêm, nên cơm nước xong bà Thư cài then cửa rồi lên giường đắp chăn. Bà nằm mãi không ngủ được, nghĩ ngợi miên man. Vẫn còn tức “cái con bên cạnh”, song lại ân hận làm chồng bực mình. Đối với anh ấy, lỗi này là to lắm, có lẽ phải rất lâu anh ấy mới tha thứ cho. Bà đang tính đến việc sáng mai chủ động gặp chồng để xin lỗi, nói rõ để anh ấy biết chắc hẳn có ai đẩy chiếc quần ra chỗ ấy. Bà tự so với “con bên cạnh” thì tuy có hơn, song không trội hẳn. Nếu mình để anh ấy ghét bỏ thì thế nào nó cũng kéo anh ấy về với nó ngay, mình thành đứa chầu rìa. Bà kéo chăn lên cổ, toan làm một giấc đến sáng cho khỏe lại, thì... có tiếng chân từ sân bước lại sát cửa. Làm gì bà chẳng biết tiếng chân ai! Bà hất chăn, ngồi dậy, cởi áo cánh, tháo dải yếm cho yếm trễ xuống, rồi châm đèn. Bà rút then cửa rồi ngồi vào giường, co ro. Ông Bá đẩy nhẹ cửa, bước vào:
- Lạnh lắm, ngồi trần thế ốm thì sao!
- Đây đếch thích sống nữa, đây đang cần người ta giết đi, giết ngay đi! Không khiến ai hỏi han gì đâu.
Ở gian bên cạnh, có một cái tai áp sát tường ngăn, nên thu thanh không sót câu nào. Ông Bá kéo chăn trùm lên đôi vai trần. Chăn bị hất tung xuống:
- Cứ để đây chết rét đi cho người ta thỏa lòng!
- Ấy, sao em lại nói thế?
- Nói thế là nói thế nào? Đây làm loạn, đây là mụ hàng tôm hàng cá! Sang bên kia nói với nó đi. Nó là người nhu mì, là con nhà danh giá. Hu hu hu.
Bà Thư tu lên khóc. Bên kia bà tư lẩm bẩm:
- Con cáo cái gớm thật! Vờ vịt không khác đào sắm vai tí nào! Ông này không sớm tỉnh ngộ, có ngày chết oan chết uổng với nó thôi!
Ông Bá ôm chầm lấy vợ, áp mặt vào hít hết quả đào này đến quả đào kia, trong khi bà “hết sức” gỡ khỏi ông bằng đôi cánh tay mềm như sứa, nên bị ông ngả xuống giường. Ông muốn “đền”, nhưng vừa chạm tay vào cạp quần vợ thì bị giằng ra, bà quay ngoắt vào phía trong. Ông cho rằng vợ chưa hết cơn giận, vợ trẻ thường vẫn làm mình làm mẩy mà.
- Thôi để mai anh mắng nó.
Ông nói thế chỉ nhằm mục tiêu làm lành, ngược hẳn với ý đồ trước lúc vào đây, đó là phải răn dạy vợ bé một số điều. Nhưng sao tình hình lại đổi ngược như thế? Không hiểu sao bên Tây họ lại gọi đàn bà là phái yếu? Chứ ở Việt Nam này hình như không phải vậy. Trong lịch sử không xa lắm, một tay người đàn bà họ Đặng, mảnh mai như trăm nghìn cô gái khác, không một chút quyền binh được chính thức trao vào, đã làm rệu rã ngai vàng của chúa Trịnh, khuấy đảo lộn tùng phèo cả một tổng thể phủ chúa triều thần, gây ra một bi kịch động trời, các đời sau đọc lại đều phải lắc đầu lè lưỡi. Người đàn bà ấy, ai dám xếp phải yếu! Thời nay thì sao? Không cần xem xét đâu xa, ở ngay trang viên này cũng có thể tìm được, sáng nay ông Bá phừng phừng giận dữ, không biểu lộ một chút khoan nhượng với lỗi lầm của hai bà vợ; ngay trước lúc vào đây, cơn giận vẫn chưa nguôi hẳn. Vậy mà không thấy ông răn dạy được điều gì, lại phải làm lành bằng một câu rất xa lạ với tính cách của ông: “Để mai anh mắng nó.” Có nghĩa việc chổng đít quần đàn bà vào mặt tổ tiên là đúng và bà tư gọi ông về nhìn cái quần phơi nghịch mắt kia là sai. Nào phải cần đến đao to búa lớn, chỉ một động tác nhẹ nhàng thả yếm trễ xuống, đã hạ được một người đàn ông “dũng như hổ, chí như thép” - danh hiệu do ông đồ Nghiên tặng - dẫn đến lời đổi trắng thay đen nọ. Người đàn bà này cũng chẳng thể đem xếp vào phái yếu!
Còn bà tư khi nghe chồng hứa sẽ mắng mình, thì cơn uất đùn lên tận cổ, không còn nghe được gì nữa, tai ù đặc và mắt nổ đom đóm. Bà nhắm mắt lại, hít một hơi dài rồi lẩm bẩm: “Ăn phải bùa mê thuốc lú của nó rồi!” Lúc mở mắt ra, cái bát nước chè lọt ngay vào mắt, bà vớ lấy rồi ném thật lực xuống nền nhà. Ông Bá nghe thấy, giật nảy mình. Tính nhạy cảm giúp ông nhận định được tiếng vỡ ấy nói lên điều gì. Ông cảm nhận đê vừa bị vỡ, dù chỉ một đoạn nhỏ, nếu không kịp hàn khẩu, nạn lụt ắt không tránh khỏi. Đàn bà quá ghen ắt sinh liều, người liều không còn biết sợ nữa. Ông quyết định phải sang ngay phòng bên, nếu để đến đêm mai, sẽ khó tránh được hậu họa. Ông ghé tai vợ bé:
- Thôi, bây giờ em mệt. Anh để dành cho em; giờ để anh sang bên kia xem sao, không thì hỏng bét cả. Đêm mai, anh sẽ đền gấp đôi. Bằng lòng nhá.
Ông hít vội vào chỗ nhạy cảm nhất, rồi rời phòng bốn. Phòng ba cửa hé. Ông nhẹ bước vào, nằm sát vợ, thì thào:
- Anh để em vò võ lâu lắm rồi! Anh vô tâm quá. Thôi quay lại đằng này để anh bù, anh đền thật nhiều nhá. Ứ ư,... ứ ư...
Bên kia, đến lượt bà Thư áp tai vào tường, nhưng không nghe được gì, dù thính giác đã căng đến mức tối đa, do giọng ông nhỏ quá. Nói càng nhỏ độ an toàn càng cao. Kinh nghiệm vừa rút được mà.
Ông “đền” bà tư lâu cả tiếng đồng hồ. Bên này, bà Thư chỉ nghe được tiếng thở dốc, tiếng “ứ ự” và xuýt xoa, rên rỉ. Nắng hạn lâu ngày, giờ được mưa rào mà. Phen này đồng trên ruộng dưới tha hồ nước nôi bì bõm nhá!
Trong lúc ông đang mê mẩn “đền” thì... “choang”, lại tiếng bát từ phòng bên dội sang. Hừ, lại một khúc đê nữa bị vỡ. Vừa hàn xong khúc này thì khúc kia lại hỏng. Cứ thế này thì đến phải thắt cổ tự vẫn vì các bà. Thôi, muốn giữ thân nguyên lành, không gì thượng sách hơn lên nhà tế ngủ với bà cả, ít nhất vào lúc này. Và ông thì thào vào tai vợ:
- Để hôm khác nhá. Anh để dành cho. Giờ anh lên nhà tế đây, để hai em được ngủ yên.
Lúc nãy ở bên kia cũng nói “anh để dành cho”. Chỉ có bằng ấy thôi, làm sao cùng một lúc dành được cả cho em này lẫn em kia. Đúng là hứa hão rồi. Nhưng không sao, chỉ là lời hứa tình thế thôi, khó có thể hứa khác để cả bên đông lẫn bên tây an tâm tuyệt đối rằng: sắp tới đây, cuộc ái ân mê cuồng sẽ là của mình trọn vẹn, và ông cũng yên tâm không còn cái bát hoặc thứ khác bị giáng xuống nền nhà nữa. Thế là phải bỏ dở cuộc chăn gối, dù đang ở độ cuồng dại. Tuy vậy, ông cũng không quên hít vào chỗ gợi cảm nhất, rồi mới rời phòng ba, chẳng phải cho cân bằng với lúc nãy rời phòng bốn, mà có thể gọi đó là chứng tật của ông: cà cuống chết đến đít vẫn còn cay. Không đa thê thì không đủ chỗ giải nghiền, mà dính vào thì phiền thế đấy! Khổ thân ông ở cái tuổi lục tuần. Cũng thương cho hai cái bát phải vỡ oan. Tuy vậy, sự tan thây của chúng đã đạt hiệu quả không nhỏ: thay được cho tiếng thét phẫn uất của các bà vào khoảnh khắc đích đáng, làm tình thế xoay chuyển đúng như ý riêng của mỗi bà...
Ông khẽ khọt vào giường, tránh đánh thức bà cả. Bà chưa ngủ, hỏi trêu:
- Hôm nay hàng ế hay sao mà về thế?
Ông buông tiếng thở dài như để đáp. Bà trêu tiếp:
- Dễ thường hôm nay có bão.
Ông ngao ngán một tiếng thở dài nữa, rồi nói, nửa như với vợ, nửa với vu vơ:
- Ôi dào! Bão vừa đến xong. Tạnh rồi. Giờ đang chờ mưa đền cây.
Rồi ông phì cười, khiến bà chẳng hiểu mô tê gì cả. Nhưng khi thấy ông không thôi cười, bà đâm hoảng. Hồi xưa, ông ấy đã có lần như phát dại, khi nhìn thấy kết quả phương thuốc. Tưởng chỉ có một lần ấy, cái lần làm mình hết cả hồn vía. Giờ lại đến đoạn lẩm bẩm “bão đến xong”, “mưa đền cây”, có khác nào người mất trí! Không khéo ông em xéo phải vết chân bà chị cũng nên. Bà nhổm dậy, nhìn ông vẻ vừa thương xót vừa hoảng hốt:
- Ông làm sao mà cứ cười mãi vậy? Ông làm tôi hãi run cả người đây này. Tôi xin ông, đừng bắt chước chị Quỳnh, ông nhá. Vợ con đang trông cậy vào ông.
- Ôi dào! Sao nói lắm thế! Tôi có sao đâu!
- Không làm sao thì sao lại ăn nói lẩn thẩn thế? Lại cười sằng sặc mãi?
- Lẩn thẩn cái gì?
- Ông cười một mình, nói “bão” với “mưa” vào lúc trời yên thế này, lại không lẩn thẩn?
- À, tôi nhớ rồi. Bão có đến, nhưng yên rồi! Vẫn chưa có mưa đền cây. Cùng lúc, khó mà mưa khắp được. Khổ thế đấy!
- Ối giời ơi, ông điên thật rồi. Nhà tôi hết phúc rồi hay sao thế này? Giời cao đất dày ơi!
Ông không kịp nghe đủ lời kêu than, rền rĩ ấy, đã rơi tõm ngay vào giấc ngủ sâu. Căng thẳng từ trưa đến giờ đến bã người rồi còn gì! Bà nghe tiếng ông ngáy vang như xẻ gỗ, thấy vơi phần nào nỗi kinh hãi, nhưng vẫn chưa yên tâm hẳn để có thể ngủ cùng chồng. Bà vặn to đèn để được nhìn ông cho rõ.
- Ừ, ngủ thật rồi đây. - Bà lẩm bẩm với chính mình, lại như nói với người đang ngáy, trông hồn nhiên như một đứa trẻ. Gần trọn cuộc đời làm vợ, đến giờ bà mới phát hiện ra nét đáng yêu ấy của chồng. Thời son trẻ, mỗi phút mỗi giây đều dành cho yêu đương nồng cháy, làm sao còn lúc ngồi lặng ngắm chồng như thế này. Cho đến giờ, tình yêu nhường chỗ cho một thứ tình cảm khác mà bà đang tận hưởng. Không gian tĩnh lặng và thời gian gợi cảm đang gọi về những kỉ niệm giữa hai người: những đêm ái ân vụng về, những chiều đắng miệng nuốt cơm không qua cổ vì mối đe dọa ngoại lai, những đêm trăng nát đầu tính chuyện làm ăn, những lần thót tim vì tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc... Những hình ảnh sắc nét, ngồn ngộn, ngổn ngang và lấp lánh từ quá khứ ào ạt chảy về, hòa trộn nhau, tạo nên một thứ tình cảm hết sức đặc biệt: vừa cảm thông vừa cố chấp, vừa bồng bột vừa sâu lắng, vừa mừng vừa tủi, vừa giận vừa thương, vừa da diết vừa êm dịu, vừa bồn chồn vừa thư thái. Và trước khi bà ngả lưng xuống cạnh người bạn đời đáng kính trọng này, một cảm giác lạ trào dâng trong lòng, rồi thoắt cái choán ngợp toàn thân. Thực chất cảm giác đó chỉ là một dạng tình yêu thôi, nhưng là tình yêu ở dạng và chất khác thời trẻ, chưa có từ thích hợp để gọi tên, có lẽ tạm dùng chữ “tình già” chăng?