Biểu Tượng Một Dòng Họ - Chương 11

XI

Cả tháng nay, đám trai làng không thấy bóng thằng Trê trên sân đình, không ai biết lí do. Thằng Trê, cái tên nghe hơi lạ tai. Tên đúng là Trê do bố đặt cho. Khi sinh ra đã bị bẹt đầu, lại có hai mẩu thịt thừa dài cỡ đốt tay ở ngay dưới dái tai, làm bố nó nghĩ đến hai cái ngạnh của loài cá trê. Vừa lúc mẹ nó hỏi:

- Thế đằng ấy định đặt tên con là gì?

- Trê.

- Sao không đặt tên gì hay hay một tí, lại là Trê?

- Nó giống con cá trê.

Mẹ nó phì cười, vừa nựng con vừa mân mê hai cục thịt thừa:

- Con cá trê của bu hay ăn chóng nhớn nhá... ư... ư... thương con cá trê quá!

Lớn lên, nó bộc lộ tính cách cũng lạ như ngoại hình. Gàn gàn, ngang ngạnh ở nhà đã đành, còn cả ở ngoài làng nữa. Lại thêm nhăn nhở, cợt nhả với cả người lớn. Lúc 15 tuổi, trong buổi tế lễ của làng, có mấy vị áo thụng, mũ cánh chuồn quỳ trên chiếu, nhổm lên phục xuống rất cung kính, thằng Trê chen vào đứng ngay trước đầu các vị, quay đít vào hậu cung. Thằng mõ chạy vào bảo nó ra ngoài. Thằng Trê vênh mặt: “Đếch ra! Ừ, đếch ra đấy! Làm gì tao nào!” Hồi nó bé, người ta gọi “thằng Trê”, đến nay tuổi đã 25, chứng tật vẫn y nguyên, nên chữ “thằng” vẫn cứ đi liền với tên. Ngay cả trẻ con cũng gọi “thằng Trê”, như dạng tên kép Thanh Lâm, Thái Hà... Tuy vậy, thằng Trê lại là một nhân vật mà nếu người làng đi xa nhớ về quê khó mà quên được. Thằng Trê gắn với vụ ngồi đồng phụ hung thần ở nhà anh Thắc, thằng Trê đánh đáo lỗ luôn chấp hai đối thủ mà chẳng một lần thua, được suy tôn “thần đáo lỗ”, thằng Trê kiếm tút đạn mút-cô-tông chế thành súng lục bắn đạn nhồi diêm, nổ ngang súng thật và hạ được cả quạ, cả thằng Trê chạy thoăn thoắt trên cành đa như chạy dưới đất. Nay thằng Trê lại vừa bổ sung vào bản thành tích cá nhân của mình một vụ cũng không kém phần độc đáo. Vài ba hôm không thấy thằng Trê, đám trai làng nhắc hoài. Đến nay, gần một tháng, không thấy nó ra sân đình chơi đáo, đánh khăng - 25 tuổi vẫn khoái chơi với trẻ lên 9 lên 10 - họ phải kéo vào nhà xem đã xảy ra chuyện gì. Nó bảo do bị ngã đau chân. Nhưng dần dần, nguồn tin từ nhà ông Bá loan ra mới biết, nó bị ma chó Lu cắn què. Có nghĩa con Lu vệ sĩ của ông Bá đã hiện hồn về cắn thằng Trê đến què.

Trang viên có nuôi một đàn ngỗng sư tử chừng hai mươi con, ngày nào cũng thấy chúng tha thẩn kiếm cỏ trên sân đình, do Vầu chăn. Tối, chúng về chuồng xây trên mảnh đất trống, nơi năm ngoái chính quân của Sình dính đạn ghém, quá nửa quân số kéo nhau về chầu tổ. Thằng Trê rắp tâm làm một cú đột nhập đêm, kiếm vài con ngỗng chén dần, hoặc đem xuống chợ Mõ bán. Khó nhất là qua mặt được đàn chó. Cả mấy chục con, không con này thì con kia cũng thấy, nhất là đêm, ma còn bị nó trông thấy nữa là người. À, nghĩ ra rồi! Dần dà làm quen với chúng mày. Thế là ngày nào nó cũng vào xin nước mưa uống ở “bể làm phúc” ở chân cây hương, có ngày tới dăm lần. Quả nhiên đàn chó thành quen, xúm lại vẫy đuôi mừng. Riêng con Lu cũng không hề sủa, chỉ gừ gừ. Thằng Trê hạ quyết tâm loại con Lu, cách êm re là đánh bả. Về lĩnh vực này, nó là bậc thầy. Cái Mận kể con Lu thường được ăn chim quay hoặc gà luộc, thỉnh thoảng mới ăn thịt lợn. Dùng thịt trộn bả chắc nó không ăn. Nó đơm lờ trộm ao nhà hội Phàm được mấy con trê sụ, đem nướng - nướng thôi, chứ ở nhà nó thì đào đâu ra mỡ để rán - rồi tẩm bả vào. Con Lu dù khôn đến mấy cũng chỉ là một con chó. Nên đã trúng bả vì ham ăn món lạ miệng. Ông Bá lần này thật sự cuống khi thấy con Lu đứng không nổi, miệng nôn ra dãi vàng, đại tiện ra nước nâu sẫm. Ông cho mời ông lang Giám đến cấp cứu, nhưng không hé được tia hi vọng nào. Ông Bá sai sắc sâm Cao Ly lấy nước cho nó uống. Song lực bất tòng tâm, vệ sĩ của ông trút hơi thở cuối cùng ngay trên tay ông sau mấy cái vẫy đuôi tuyệt vọng. Ông đặt nó xuống thềm nhà tế, ngồi xệp ngay cạnh, vuốt đi vuốt lại tấm thân mềm nhũn của nó. Ông lắc lắc đầu, mắt vẫn không rời nó. Ông đang khóc thầm, rồi nỗi đau không thể nén bật ra tiếng khóc khan. Lần thứ hai trong đời ông khóc, lần trước dành thương cha. Cả năm bà, con cái cháu chắt lớn bé và những gia nhân đang hiện diện đứng lặng quanh nó. Bà Thư bế quý tử Hoàng đứng ngay sau ông cũng khóc, thương chó một phần, cái chính là thương chồng đang bị tổn thương nặng nề. Loan và Phượng cũng nước mắt giàn giụa. Vẻ mặt ngẩn ngơ của mọi người còn lưu tới nhiều ngày sau. Ông Bá cho mời thầy lập đàn cúng vong. Ông đồ Nghiên nghe thấy trống phách, kinh kệ vọng sang, hỏi ra mới biết con Lu chết. Ông phán như một nhà hiền triết: “Thiên khuyển hồi thiên sào. Sinh kí tử quy(1)”. Con Quài nhớn phấn chấn nghĩ tới

_______________________________________

(1) Chó nhà trời về tổ nhà trời. Sống gửi thác về.

 

những trái cam sành đỏ mọng trong vườn nhà ông Bá. Còn hai thằng dạo trước khiêng xác tướng cướp có chung ý nghĩ: từ nay đi chợ không phải vòng qua miếu Nương để tránh nhà ông Bá nữa. Riêng thằng Trê thì nước chân răng tứa ra ngập miệng khi nghĩ đến món thịt ngỗng luộc chấm muối ớt.

Khi ông Bá rậm rịch lo lập đàn, bà cả rụt rè ngỏ ý:

- Dù có là chó gì, cũng chẳng nên ma chay như cho người. Nghe nó sai sái thế nào!

- Bà lạ thật! Là chó nhưng không chó nào sánh với nó được! Bà nhớ lại xem mũi dao của thằng Sình đang chí vào mạng sườn tôi. Thằng Hân thủ kiếm Nhật vẫn chưa biết làm gì cứu cha. Giả dụ nó vác kiếm xông ra cứu tôi, thì mới chỉ nhích chân thôi, thằng Sình đẩy nhẹ một phát là lưỡi dao ngập bụng tôi. Chồng bà bây giờ thành nắm xương tàn rồi. Vào thời khắc tính mạng như đã được định đoạt thì con Lu trong chớp mắt hạ liên tiếp hai tên. Nhờ nó, chồng bà bây giờ còn đứng đây. Từ người ngoài tới trong họ, kể cả con cháu nữa, chưa ai cứu mạng tôi. Duy có con Lu. Chẳng hay nó không đáng giá như người? Nên ma chay cho nó dù tốn kém mấy cũng đáng. Sống khôn chết thiêng, tôi tin chắc hồn nó sẽ giữ nhà cho mình. Chẳng phải vô cớ, người ta gọi nó là “thiên khuyển”. Nhân phán như thần linh, bà cố chiêm nghiệm lời tôi xem sao.

Bà cảm thấy đúng cả, tự trách mình cạn nghĩ. Duy chỉ không hiểu chỉ cần đựng cái bùa mà ông dùng cả cái vại đang đựng thuốc lào:

- Ông dỡ thuốc ra, thuốc mốc hết thì sao? Tôi tìm cho ông cái hũ đại vẫn đựng mắm cáy nhá. Rửa sạch đi là được chứ gì.

- Không được!

Bà biết không thể trái ý chồng, nhất là trong các việc hệ trọng. Ông ấy làm gì cũng lẳng lặng, có bàn bạc gì đâu. Như cái bồn trên sân dạo ấy. Thôi, mặc kệ cho êm chuyện. Những lúc như thế này, đàn bà nói lắm là tối kị.

Xác con Lu được đặt trong quan tài, vừa vặn thân hình nó, có vải liệm phin trắng hẳn hoi. Thầy cúng hành lễ hạ huyệt đúng nghi thức như cho người, trước sự chứng kiến của toàn thể thành viên gia đình và các gia nhân. Cũng có một số người làng đến xem “đám ma chó”. Những ai hiểu rõ mối quan hệ sinh tử giữa chủ và vật, thì coi lễ tang này là hợp tình, chấp nhận được. Riêng hội Phàm nói đổng: “Mẹ kiếp! Người chết thì bó chiếu rồi hất xuống lỗ. Giờ chó chết lại ma chay linh đình. Người ta bảo chó chết là hết chuyện. Đây chó chết lại lắm chuyện. Thời thế đảo lộn hết cả rồi. Nhân tình hay chó tình thế thái, hở các cụ?” Đang lúc đào huyệt, quyền Sứ rẽ đám đông, đến thẳng chỗ ông Bá, giọng mếu xệch:

- Con nghe tin con Lu chết. Con đến chia buồn với ông. Con chó đến là lạ, không biết ăn cứt, quý thật!...

Ông Bá không nói gì, thừa biết nó muốn gì qua cái chữ “chia buồn” ấy. Việc phải làm ngay để tránh cho lễ cúng vong khỏi bị ngăn trở là sai anh Miên vào lấy chai rượu dúi vào tay hắn. Quả nhiên, con ma men chào ông Bá và mọi người rồi chuồn thẳng.

Ra khỏi cổng, Sứ gặp ông Giáo. Nhận được dây thép do anh Hân đánh, ông về ngay. Sứ mừng rơn trước cơ hội vàng. Tưởng đến đám ma bị xúi, hóa ra lại may.

- Con lạy ông Giáo. Con vừa vào viếng con Lu của ông. Khổ thân nó ăn phải bả. - Sứ chìa tay. - Ông làm ơn sinh phúc cho con tí lộc lấy may. Lộc của ông cho một, lãi không thành mười, con xin làm chó ăn cứt cho ông. - Một đồng lộc đã nằm gọn trong tay Sứ, tương đương mười cút rượu lậu.

Ông Giáo mắt đỏ hoe vào ngồi cạnh quan tài, đốt 3 nén nhang cắm vào bát, rồi xoa đi vuốt lại lên nắp ván thiên, như vẫn xoa lên lưng con Lu lúc nó còn sống... Bát nhang bỗng bùng lửa ngùn ngụt. Cả trăm người trố mắt kinh ngạc, rồi thì thầm với nhau: “Con chó thiêng thật. Thấy chủ về là bốc bát nhang mừng ngay.”

Kinh kệ một ngày, đến nửa đêm thì xong, nhằm cho vong linh vệ sĩ chó được tiêu sinh tịnh độ. Tượng nó được thuê thợ đá Thanh Hóa tạc, mất đứt ngàn đồng Đông Dương. Chó đá ở các đền chùa chỉ có bán thân, bằng đá thường. Chó Lu tạc từ cẩm thạch, dáng chồm đớp ngang tầm “bộ tam sự”. Còn bùa, thầy đã ném xuống cái vại, chỉ còn gắn nắp lên nữa là xong. Đến giờ Tí, các thầy ra về, ở trang viên không còn ai thức, trừ ông Bá. Trong lúc hương khói còn nghi ngút và cỗ bàn còn y nguyên trên bàn, ông một mình hì hục, khệ nệ bê thứ gì hồi lâu trong bóng đêm. Sang giờ Sửu, tự tay ông đậy nắp vại, nhào xi măng cát chít khe hở, đổ một chậu đầy xi măng lên nắp, rồi lấp đất. Ngày mai thợ nề đến xây bệ và gắn tượng con Lu lên, sau đó xây vòm mái che cho tượng lẫn bát hương. Thế là hoàn tất khu lăng “chó đá canh nhà”.

Nhưng đâu phải là hồi chót về con Lu. Ông Bá còn thản nhiên cho bà cả biết:

- Dù có đăng đàn cả tháng, hay cất lăng uy nghi như cung điện cho nó, vẫn không sao biểu lộ hết niềm tri ân... Nên tôi định nhập tộc cho nó.

- Nhập tộc là cái gì cơ?

- Là cho nó mang họ Đào. Chứ sao nỡ để nó đứng ngoài, một khi nó đã sinh tử với họ Đào mình! Đào Lu phải được ghi vào gia phả, như vậy vong linh nó mới không bị tủi, và mới hợp lẽ đời. Bà ngại đem con chó sánh ngang hàng các bậc cha chú hả? Thế bà quên thằng Dợt, họ Đào đấy, nhưng nó bôi nhọ cả họ bằng vụ hiếp dâm loạn luân. Cả họ nhơ nhuốc vì nó, chưa ai nói ra lời, nhưng thực sự đã từ nó hẳn. Thế thì nó làm sao đứng cạnh con Lu được! Nếu cho bà chọn giữa Đào Lu và Đào Dợt thì bà chọn ai?

- Nhưng từ xưa làm gì có chó mang họ này họ kia đâu.

- Ừ thì xưa nay quả là như thế. Nhưng đến thời nay lại cho thấy lần đầu một con chó ít chó nào sánh kịp. Người có công thì được vinh danh. Còn một con chó có công lớn, lại bị đời nhìn bằng con mắt khinh miệt như vẫn nghe rủa nhau: “Dốt như bò, ngu như chó”. Bà không thấy bất công à?

- Ối giời! Ông chỉ được cái lí sự là tài! Cả tổng này, huyện này không ai địch được ông cái khoản ấy!

Tưởng chuyện chỉ đến đấy là sang hồi khác. Nhưng ông Bá dấn thêm một nhịp nữa, dẫn đến cái đoạn kết như chủ định. Vào dịp chạp tổ cuối năm ấy, ông thăm dò các bà chị, ông em và các bếp khác về ý đồ nhập tộc cho con Lu. Bà Ba Lợi hỏi luôn, chẳng cần cân nhắc:

- Thế ông đặt cho nó vào chi nào, ngành nào? Nó bằng vai với ai trong họ, hay em, chị ông?

Bà Bá Thụy tiếp ngay:

- Ừ, cho là nó có công to với họ Đào, cứu mệnh ông, cứu cái cơ nghiệp của cụ Hội để lại khỏi tay thằng tướng cướp. Đền công nó, ông đã tạc tượng, xây lăng thờ, được nhiều người khen, cũng không phải không có nhời chê. Nhưng thôi, miệng thế gian biết thế nào để rành rẽ hay dở. Bây giờ tôi không biết gọi con chó Lu là cháu, là em hay là anh? Gọi “cháu”, tức nó là anh em với anh Chiểu, chị Loan. Gọi là “em”, tức nó bằng vai với tôi, với bà Ba Lợi, bà Quỳnh, ông Giáo. Em Lu ơi... Em chết mất rồi, làm sao thưa được!

Cả họ không sao nín được, vỡ cười, tưởng như không cách gì hãm lại. Ông Bá không bị cuốn vào trận cười, vẫn bị lây chút ít trên khóe miệng:

- Không, tôi không có ý định xếp con Lu bằng vai hay thấp vai với ai. Tôi chỉ muốn cho nó cái họ Đào, để nói với đời là: Dù là con vật, khi có công lớn thì vẫn được cả dòng họ ghi nhớ. Nếu không, nó chỉ là một con vật hoang trên đường đời như mọi con vật khác. Như thế, họ Đào quả là quá bạc. Tôi đã nhờ pháp sư, chốc nữa dâng sớ kêu các bậc gia tiên chấp thuận ý nguyện ấy.

Và lúc hai đồng chinh từ tay pháp sư gieo xuống đĩa(1) nảy lên mấy tiếng keng keng, ông Bá đã đứng ngay sau lưng thầy pháp từ lúc nào, vái liên tiếp lên bàn thờ, mắt nhắm tâm niệm:

- Nam mô a di đà Phật, con nam mô a di đà Phật. Con tấu lạy các bậc Cao cao tổ khảo, Cao cao tổ tỉ, Cao tằng tổ khảo, Cao tằng tổ tỉ, Cô di dĩ muội, thúc bá đệ huynh linh ứng chấp thuận nguyện vọng của cả gia tộc.

Và khi hai đồng chinh nằm im giữa lòng đĩa, ông hồi hộp hé mi từ từ rồi reo lên khe khẽ:

- A di đà Phật, con kính lạy các chư vị tiên tổ mớ bái đã thấu đáo và chấp thuận lời kêu cầu của con cháu...

Rồi ông long trọng dùng cả hai bàn tay đỡ lấy đĩa từ tay pháp sư, mang đến trước từng chị em đang lo chỉnh đốn xiêm y để kịp vào nhập lễ:

- Đây, các cô chú xem, xưa nay tôi đã kêu xin các ngài việc gì là đắc ý ngay, chưa bây giờ phải khẩn khoản đến lần thứ nhì. Quả là âm dương vẫn giao hòa!

___________________________________

(1) Động tác gọi là “xin âm dương”. Nếu có một đồng sấp và một đồng ngửa có nghĩa được chấp thuận.

 

 Và chỉ khi mục sở thị hai đồng chinh sấp ngửa, các bà mới được giải tỏa phần lớn nỗi ấm ức. Tuy vậy, bà út Quản Phòng vẫn bật ra:

- Từ cổ chí kim, người là người, chó là chó, chả ai chung chạ với chó cả: ăn uống, ngủ nghê, rồi nhiều chuyện khác nữa... Người ta tối kị loài này. Chẳng thế, đầu tháng ai ăn phải thịt chó là bị xúi lên xúi xuống, mãi không ngóc được đầu lên. Giờ tôi lại có họ với chó. Hay gớm nhỉ! Có nhẽ từ mai cả nhà tôi phải ăn ngủ chung với chó cũng nên.

Bà nói qua môi cười, đôi ba lần bật thành tiếng, thì có vẻ bà chỉ nói đùa. Nhưng có lẽ không hẳn vậy, còn gói ghém một sự giễu cợt chua cay nữa. Tình thực, nếu không nhờ vào kết quả xin âm dương thì ông Bá khó lòng thuyết phục nổi 11 chị em ruột, nói chi đến các chi ngàng khác, dù sự việc đặt ra mang ý nghĩa nhân văn cao cả đến mấy.

 *

*       *

Hình ảnh những cuộc tán phét, những ván đáo lỗ, trận khăng,... chiều nào cũng thôi thúc thằng Trê, làm lòng nó bồn chồn. Mãi tới chiều nay, nó mới cố bò dậy, nhờ cái chân đã đỡ. Dựa vào cái gậy tre, nó tập tễnh ra sân đình. Không tham gia chơi được thì tán phét hoặc trêu chọc mấy thằng oắt con cũng nguôi phần nào nỗi cô đơn do nằm khàn xó nhà mãi. Đám trai đòi nó kể vụ bị hồn chó Lu đớp. Đến giờ thì vụ trộm ngỗng đã tóe loe rồi, đem kể lại cũng chẳng làm xấu hổ thêm. Nó lấm lét liếc nhìn cổng nhà ông Bá như để xem con Lu có hiện hồn ở đó không, rồi mới vào chuyện.

Nó dùng dọc khoai nước phơi nắng một lúc cho mềm khua vào bọn ngỗng. Chúng ngỡ rắn - ngỗng là chúa sợ rắn - nên khiếp đảm đến nỗi cả đàn không con nào kêu được một tiếng. Ban đêm, nếu bị ai động vào, chúng liền hét toáng lên, cả làng có thể nghe rõ. Nhờ mấy con rắn giả, nó tóm gọn hai con vào bao tải trong nháy mắt. Nó rút khỏi trang viên cũng bằng đường vào. Lúc trèo cổng vào thì êm ru, còn được mấy con chó xán lại ngoáy đuôi chào mừng. Lúc ra, vừa mới đu lên mặt tường, nó nghe phía dưới có tiếng chó hộc, rồi tiếng chó xồ tới đớp một phát vào gót. Quá đau, nó không tài nào gắng được nữa, buông mình rơi phịch xuống, trẹo cả xương bánh chè. Nó đành chịu nằm bẹp tại chân cổng, đến sáng thì bị phát hiện, do hai con ngỗng trong bao cứ đạp phành phạch. Anh Bạch-tạng bắt được, xốc nách nó giải lên ông Bá. Nó lạy ông như tế sao, như thể càng nhiều cái lạy thì càng sớm được tha:

- Con cắn rơm cắn cỏ lạy ông. Nhà con đói, con đâm liều. Con ngu, con dại quá. Con xin ông tha tội.

- Lần trước - ông cười khẩy - tao tha cho mày việc trộm khế. Giờ lại tha cho mày việc trộm ngỗng; mai kia có lẽ tha cho mày việc trộm ngựa chăng?

- Con thề lần này là lần cuối. Lần sau, ông mà bắt được, ông cứ giết con ạ.

- Lại còn lần sau! Nếu lần sau không tóm được mày thì tao chịu mất của. Thế... chỉ còn vài gang nữa là ung dung vác ngỗng về cắt tiết, sao lại nằm mọp ở đấy?

- Thưa ông, tại con Lu nhà ông thiêng quá ạ.

Ông Bá không muốn hành tội một thằng cùng đinh vừa gàn dở, vừa coi trời bằng vung như nó. Vả lại ông muốn đạt mục đích cao hơn: thằng Trê sẽ kể toáng cho cả làng biết hồn con Lu có khả năng bắt giữ bất cứ tên trộm nào. Và điều đó đã thành hiện thực: cả làng tin như một lời thánh sống, còn viện dẫn cây móng rồng ở ngay sau mả chó Lu bỗng xanh um lên. Phàm cây cối mà đột ngột xanh bội lên khi không được tưới bón là đã có ma thiêng đến ngụ. Cây khế ngọt của cụ Hội, cây đề và cây đa làng, cây me ở quán Me đều được xếp loại này, như thể ma đã phù phép cho cây để mình được che mát.

Từ ấy, tối nào ông Bá cũng mang cơm thịt đặt ngang chân nó, thắp hương, rồi gọi: “Lu, về ăn cơm!” Ông còn nuôi dạy vài con chó nữa, nhưng chẳng con nào như ý. Con thì chưa tập đã đòi ăn. Con thì chỉ mải nghênh chó cái. Có con Vện làm được vài bài tập, nhưng sau mấy hôm đã quên sạch, ông phải dạy lại. Tang này dễ phải luyện cả đời may ra nó mới thành “tài”. Nghiệm thấy con Lu vẫn là con khác thường: dạy gì biết nấy, thực hành hoàn hảo, lại tuyệt đối trung thành. Ông Nghiên cho nó danh hiệu “thiên khuyển” quả là không ngoa chút nào!