Biểu Tượng Một Dòng Họ - Chương 14 - Phần 1

XIV

 

Ngày hôm sau vụ xét xử, được bà Bá cả mách nước, Dịp và Mận lên xin ông Bá mở lượng từ bi. Hai người khoanh tay đứng cạnh nhau, cúi đầu. Khiếu mồm miệng tôm tép của tay Dịp để đâu mà cứ lí nha lí nhí:

- Thưa ông, chúng con lên xin ông tha tội. Tình thực chúng con mới nói với nhau mấy câu, chưa có làm gì xấu xa ạ.

Dịp hích nhẹ cùi tay sang Mận để đánh hiệu giục tiếp lời. Cô này còn lí nhí hơn:

- Thưa ông, con lạy ông, con bắt anh này vào thùng trấu nói chuyện, là vì con xấu hổ, sợ người khác nhìn thấy, chứ không phải vào đấy để... đâu ạ.

Ông Bá phải nén cười:

- Nam nữ phải thụ thụ bất thân. Gần nhau cũng phải kị. Đến nước vào thùng trấu với nhau, chúng mày có biện bạch gì cũng không ai nghe được. Nhưng thôi, chúng mày biết lỗi rồi là được. Tao không cấm chúng mày thành gia thất, chỉ cấm cái thói lăng nhăng, dẫn đến hỏng người, tai tiếng.

Hai đứa tay vẫn khoanh, cùng cúi rạp, gần như đồng thanh:

- Con xin đội ơn ông cả đời.

Mấy ngày sau là đám cưới. Ông Bá cấp tiền gạo cho nhà Dịp làm cỗ mời họ mạc. Khi mọi người đang hoan hỉ nâng lên đặt xuống thì ở ngoài cổng, bọn trẻ ranh được thằng Trê luyện vè từ hôm qua, đồng thanh đọc vanh vách:

- Ve vẻ vè ve. Cái vè thùng trấu. Anh thì đã ngấu. Chị lại máu dê. Mới có cái ve. Cái vè thùng trấu. Rõ là cái máu. Máu của cụ dê. Anh tỉ chị tê...

Bài vè inh ỏi, kéo dài đến hết, lại tự động quay lại từ đầu, khiến chén rượu trong nhà giảm mất phần nào vị nồng thơm, song chủ yếu là nọc của cô dâu và chú rể bị chạm mạnh. Không có cách nào đuổi được “ban đồng ca” ấy. Chúng đứng tận đường cái mà hát, chứ có vào nhà ai đâu. Nhưng cứ để chúng ca kéo dài vô tận thế thì không ổn rồi. Thế là Lông-mũi phải ngậm bồ hòn làm ngọt, ra mời các “vị khách” vào. Ngồi xúm lại cho vui cũng mất đứt một mâm, và mâm trưởng ắt phải là thằng Trê, người nghĩ ra cách đưa được bọn trẻ vào dự tiệc. Đây cũng là cách ăn xin độc đáo không kém gì so với con điên chuyên xin ăn bằng những bài chửi tùm lum thay vì van nài lòng hảo tâm, từ thiện. Như vậy, cách thằng Trê xem ra có “văn hóa” hơn tí chút.

Và hai tháng sau là lễ vu quy của Loan. Hôn lễ cũng là một sự kiện đặc biệt mà người giàu óc tưởng tượng cũng khó có thể hình dung. Hai mươi xe hơi màu xanh dương cùng một hãng Renault. Riêng cái dành cho cô dâu chú rể màu trắng. Hôm trước ngày xin dâu, có tới mấy trăm phu sửa phẳng lì con đường từ Quán Rẽ dẫn tới trang viên. Riêng đoạn cuối từ đình có 300 chậu hoa viôlét đặt trên đôn sứ. Hai xe vận tải chuyển số chậu hoa từ Hải Phòng suốt từ sáng đến chiều muộn mới xong.

Song, hơn tất cả, gây được ấn tượng vừa sâu sắc vừa mãnh liệt là pháo. Đám cưới ở thôn quê nổ vài phong pháo là đã hiện tượng đặc biệt rồi. Đám này, chỉ ước non non thôi, đã nổ tới cả mấy triệu quả. Trước nay, ai bạo gan mới dám cầm bánh pháo nổ giơ ra xa người, còn ai nhát thì treo lên, châm ngòi rồi lui vội. Như thế, xác pháo rơi ngay nơi pháo nổ. Đám này pháo “tự hành” - theo cách gọi của ông đồ Nghiên - nghĩa là pháo vừa nổ vừa di chuyển và xác pháo rải đều từ điểm xuất phát tới nơi dừng, đoạn đường ngót ba cây số từ Quán Rẽ. Một ô tô pháo dẫn đầu, một cái nữa đi cuối cùng. Pháo được cuộn quanh hai con rulô đường kính tới mét rưỡi. Con lô gắn trên mui xe, ngồi cạnh có một chàng mặc lụa đỏ, lưng và đầu thắt khăn vàng, khiến con lô nhả băng từ từ ra phía đuôi xe. Đấy là xe chở pháo đỏ, đỏ thực sự như màu hoa gạo. Xe kia chở pháo hoa, tức thân pháo được cuộn bằng giấy hoa, xác tung ra muôn màu rơi lả tả như một trận mưa hoa, trông còn ngoạn mục hơn cả đêm pháo hoa, bởi đấy là trận mưa hoa di động liên tục. Trước nay, thưởng thức pháo, người ta chỉ thiên về nổ to và đanh, còn khoảng cách giữa tiếng nọ với tiếng kia dài ngắn bao nhiêu thì ít ai để ý. Đây nhờ kĩ thuật làm ngòi siêu hạng nên nổ nhanh và đều, lượng quả nổ có thể gấp đôi pháo thường trong cùng một thời gian, khiến người nghe bị rơi ngay vào cảm giác phấn khích và bị cuốn hút mê mẩn, đến mức các âm khác như chó sủa, chim kêu... tự động biến khỏi tầm thính giác. Xe đầu giữ trọng trách tung ra cơn mưa đỏ rải suốt đoạn đường nó qua. Xe kia là trận mưa đa sắc. Người lớn tận hưởng âm thanh mê hồn và sắc màu kì ảo. Trẻ con để ý đến điều ấy ít hơn là đuổi theo xe để lượm pháo xịt. Trước đó vào những lần làng tế thần, có đốt pháo, chỉ một băng pháo dạ ngắn vài gang. Trẻ con bới đi tìm lại đống xác, chỉ được hơn chục quả xịt là nhiều. Dỡ ra lấy thuốc, dí hương vào cũng được một tí khoái mắt, mỗi quả một ánh chớp xanh, làm giật mình cả lũ. Còn từ hai xe pháo này, có tới cả trăm đứa rượt theo và mỗi đứa bỏ rẻ cũng được một bụng áo quả xịt. Phen này sẽ chớp sáng cả làng nhờ thuốc pháo, mươi hôm sau chắc gì đã hết.

Tiết mục pháo độc đáo nhường ấy, chẳng ai nghĩ lại nảy sinh từ ý tưởng ngẫu nhiên, mà hẳn được nhào nặn như một công trình nghệ thuật công phu. Như vậy, kép Tân là người đầu tiên được nghĩ tới. Rõ ràng đây là một màn trình diễn pháo mà mỗi tiếng nổ đều được thai nghén bằng chất liệu nghệ thuật. Vâng, pháo đỏ - pháo đỏ rượu hồng - biểu tượng của hôn lễ truyền thống. Pháo hoa - nét thẩm mĩ của hôn lễ tân thời. Hai hình tượng cùng lúc phô diễn trên suốt đoạn đường như một sự song hành hòa hợp của cổ kim, song dường như nét cổ vẫn được đặt nặng hơn trong con mắt của khán giả làng Mây khi thấy pháo đỏ ở vị trí dẫn đầu đoàn xe. Rồi đến xe hoa. Ở mũi xe là hai bông hồng lớn kết bằng vải xa tanh một trắng, một hồng. Rải rác trên mui là những bông hoa nhỏ đủ màu nằm chen giữa lác đác lá xanh. Đây cũng là một tác phẩm thực sự, không thể từ bàn tay thông thường, nếu chưa muốn nói là một nghệ nhân bậc thầy. Không ai nói đấy là hoa giả. Nhiều người lo xe xóc, làm rụng mất cánh. Người khác lại thắc mắc: “Không biết giống hồng gì mà bông to đến thế? Khi ra hoa chắc phải được chống nạng!”

Và bây giờ là đường hoa, đoàn xe từ từ lăn bánh vào. Ông Bá đưa ra ý tưởng để anh Hân thực hiện: tạo cho được một đoạn đường hoa từ cửa đình tới cổng trang viên đủ cho đoàn xe rước dâu gồm hai mươi cái đậu. Hai mươi? Liệu nhà trai chỉ ngẫu nhiên huy động xe ở con số ấy, hay chủ ý để nhà gái, đặc biệt là cô dâu được một điều thích thú bất ngờ? Vậy là anh Hân phải đo chiều dài mỗi xe và thống nhất trước với nhà trai cự li giữa các xe, làm căn cứ để trang trí đường. Hai lô pháo tiếp tục nhả băng và tiếng nổ vẫn không ngưng rền, dù đoàn xe đã dừng tạm. Sau dăm bảy phút chỉnh trang lại y phục và lễ vật, đoàn xe rời đường hoa cắn đuôi nhau trôi vào sân, cũng là lúc pháo của nhà gái lên tiếng. Băng pháo được quấn theo hình xoáy ốc quanh cây cau chỉ cao hơn tầm với một chút, cũng được chôn trước cây hương, nơi tháp hội họ Đào năm trước đã có sức cuốn hút đến mê hồn qua một nửa giờ trình diễn. Còn băng pháo đó hôm nay may lắm nổ được 5 phút, như thế, người ta sẽ cảm thấy đuối nước. Một số người tự an ủi bằng cách chỉ lên ngọn cau có cột một quả pháo đường kính cỡ cái cối giò, dài gần sải tay:

- Quả lệnh kia kéo lại được phần nào. Không may bị xịt là dơ mặt cả họ.

- Không xịt được. Đâu những 6-7 ngòi, không thể xịt tất.

- Cứ cho là nổ đi. Một tiếng nổ dù to đến ù tai cũng không sáng nước lên được.

- Rầm!...

Quả lệnh nổ như để giải thích và đánh tan mối lo của các vị ấy. Người thiết kế và chế tạo không nhằm cường độ tiếng nổ, chủ yếu tạo luồng khí đủ mạnh để phóng một lượng chừng vài thúng mẩu giấy trang kim được nén chặt trong ruột quả lệnh. Và ý đồ nghệ thuật độc đáo ấy giờ biến thành hiện thực rồi. Hàng nghìn con mắt rời khỏi đoàn xe đang vào đến giữa sân, hướng hết lên trời - một trận mưa vàng từ độ cao chừng hai chục mét buông trùm lên không gian nơi mọi con tim của hai họ đang đập những nhịp đồng hoan. Muôn mẩu giấy óng ánh vàng bay loang loáng, rơi thẳng, lao xiên, quay tròn, lại có những mớ bị gió quạt thốc ngược lên cao và rất rất nhiều mẩu bị hút qua cửa xe, vào rắc trên mái tóc, trang phục, làm cho họ trai đã lộng lẫy, lại được tô điểm thêm một nét thẩm mĩ tự nhiên.

Vị lúc nãy quá lo xa, giờ mặt mày hớn hở như vớ được của, bằng vẻ mặt và giọng dứt khoát và tay liên tục chỉ lên không trung , nơi đang hiện diện cơn mưa vàng rực cả bầu trời:

- Tôi đánh cược với các ông 10 ăn 1 đây: trận mưa ra vàng này là ăn đứt họ rồi - Ông kiễng lên tóm được mấy “hạt mưa” rồi ngửa tay cho ông bạn nhìn - Này, coi kĩ xem có đích thị vàng 10 không?

Trên sân, xe đậu thành 4 hàng vuông vức, song song và áp sát tường hoa, hàng nào hàng ấy thẳng tắp, đội hình được các tài xế thể hiện đúng như sơ đồ do anh Hân trao cho nhà trai. Để miêu tả những tình tiết của hôn nhân vừa diễn ra, không biết dùng từ nào cho đắc địa? Có lẽ phải dùng lại từ “ngoạn mục”, hoặc nếu cảm thấy hơi đuối thì có thể thêm chữ “siêu” - siêu ngoạn mục!

Đến lúc chú rể và phù rể ra khỏi xe và tiếp sau họ trai xuống xe tiến vào nhà tế... Trời ơi, một rừng máy ảnh xuất hiện. Các phó nháy xăng xái chạy tới chạy lui, kiếm vị trí thích hợp để chớp được những pô đắc ý. Nhưng không máy nào được bấm cả, vì ánh sáng bị nhiễm khói dày đặc. Thật may, gió từ mặt ao đột nhiên nổi, ùa qua sân sau lên sân trước, xua quang trong nháy mắt. Và cụm mây xám án ngữ mặt trời từ sáng, tản ra, có lẽ cũng nhờ gió đẩy đi, cho ánh nắng trong vắt như pha lê dội xuống. Mọi người không ai bảo ai cùng ngẩng nhìn trời với nụ cười mãn nguyện. Cũng là lúc các phó nháy đua nhau bấm máy rào rào. Ông Nghiên khách mời cũng mỉm cười, ngước lên cao, gật gù: “Quả là trời của họ Đào, như lần đấu diều, trời là của họ.” Và đối với các phó nháy vào lúc này, trời cũng là của họ nữa.

Chú rể, con một nhà tư bản có hạng, thừa khả năng com-măng(1) những bộ com-lê đắt nhất nước Pháp để trang sức cho mình, lại thấy chàng trong lễ phục cổ truyền: áo dài gấm màu tím Huế, khăn xếp đỏ, giày Gia Định đen nhánh, hẳn đó là thông điệp chàng gửi tới họ gái: anh vẫn là người của cội nguồn Việt Nam và ngoại lai không đủ sức lôi kéo anh từ bỏ bản chất. Chàng đang đứng cạnh cô dâu trong trang phục vàng chanh, màu ngày xưa hoàng hậu Nam Phương đã chọn trong lễ vu quy của mình, chỉ có khăn là màu khác, đồng màu với áo chồng. Trong trang phục ấy, Loan sinh động, rạng rỡ và lộng lẫy hẳn lên, song vẫn không làm mờ đi nét thùy mị, hiền thục và lặng thầm bẩm sinh. Vẻ kiều diễm và nét đẹp kín đáo hài hòa một cách tuyệt diệu, tạo nên sức quyến rũ đến mê hồn. Nó được chắt góp từ đôi mắt đắm đuối, từ hàm răng đều đặn, óng ả ẩn sau làn môi ươn ướt đỏ, từ đôi má hây hây dậy hồng, có lẽ đang bừng bừng hơi ấm, từ vầng trán thông minh và cái cổ kiêu ba ngấn. Người thiếu nữ kia hẳn không đấng mày râu nào được gặp mà con tim lại không rung động đến tận cùng. Nhưng hầu hết những ai đang có mặt trong hôn lễ sinh lo xa: rồi đây, thời gian trôi cùng với những lo toan của nhà chồng, với mang nặng đẻ đau và nuôi dạy con cái... cái nhan sắc trời ban tặng kia hẳn không tránh được tàn phai. Nghĩa là người ta sẽ không còn được rạo rực, xuýt xoa nữa, khi gặp lại nàng. Ôi, thật là quá bất công, sao ông trời lại làm ngơ để bụi thời gian phủ lên “một tòa thiên nhiên” thế? Đành rằng nhan sắc của nàng chỉ thuộc về một người, song nhu cầu chiêm ngưỡng vẻ đẹp thì không của riêng ai. Nên người ta không thể không se lòng khi hình dung ra cái “tòa thiên nhiên” kia không còn là hình ảnh của sự chiêm ngưỡng nữa. Nên mới đẻ ra một tâm trạng chung: vừa muốn nàng sang ngang, vừa muốn nàng ở lại mãi nơi này, hai niềm mong ước đối lập nhau không thể tự dung hòa.

_______________________

(1) Đặt hàng.

Sau lễ tơ hồng là lễ sống ở nhà tế. Hai con quỳ trên tấm thảm đỏ, lễ các phụ mẫu. Năm thân mẫu ngồi trên ghế gụ trơn trong trang phục áo thụng gấm xanh, vấn khăn nhung đen. Riêng thân phụ ngồi trên ghế khảm trai, trong trang phục áo gấm đỏ và khăn xếp quen thuộc. Khi Loan cùng Tân phục xuống lễ, người ta thấy bà Bá ba tuy cố giữ vẻ bình tĩnh, vẫn không giấu được cái miệng méo xệch đi và khóe mắt có lệ dào ra, là lúc bà thấy rõ con bà sắp thuộc hẳn nhà người khác, lòng bà đang tràn ngập hạnh phúc nảy sinh từ hạnh phúc của con, lại thắt lòng vì đứa con vàng ngọc sắp tuột hẳn khỏi tay mình.

Vừa hân hoan vừa buồn tủi, vừa đắc ý vừa hẫng hụt, thứ tình cảm mâu thuẫn ấy cũng là tâm trạng chung của bất cứ bà mẹ nào trong giây phút tiễn biệt con về nhà chồng.

Lễ vu qui gợi nhớ đến các đại nghi lễ khác như tang lễ, lễ khao, lễ kị v.v... đều uy nghi, trang trọng và tôn nghiêm đến lạnh người. Tạo dựng nên những đại sự tầm cỡ ấy, ông Bá tuy nhọc lòng, hao sức, lại rất tốn kém, vẫn luôn ham mê, như một thợ săn bao giờ cũng lấy việc dấn thân vào rừng sâu làm lẽ sống, nhưng mục tiêu mãn nguyện lại không ở ngay con thú săn được, mà là một thứ gì cao quý hơn ẩn kín đằng sau. Nói một cách dễ hiểu, cả đời ông chưa hề nản trong việc tìm kiếm niềm kiêu hãnh cho bản thân và cả dòng họ. Con cháu và những thành viên mang họ Đào đều đắc ý và dốc lòng ủng hộ, vì họ được hãnh diện, ít ra là thơm lây. Còn các bà Bá, nhất là bà cả, cũng có cảm giác ấy, xong lại thấy ngốt người, bởi sau mỗi sự kiện, hầu bao của trang viên lại lép đi một chút. Bà bàn dùn:

- Cần dăm bảy chậu hoa đặt trên thềm nhà tế là đủ. Cần gì phải 300 chậu!

Không giải thích ngay như những lần trước, ông nghĩ cách sao chỉ mất ít lời, lại có thể làm bà nhanh chóng thông suốt, vì việc này tốn kém gấp bội so với đám anh Hân, lại có vẻ không thiết thực:

- Nhà thằng Tân là tư bản nhất nhì Hải Phòng. Bản thân nó hiểu biết, giao du rộng, lại đa tài. Con gái tân thời lại không tranh nhau theo không nó ấy à! Thế mà cứ đích chốt vào con gái nhà mình, con gái quê mùa, lại bị sóng gió, chứ có êm ả cho cam, cho thấy thằng Tân và cả nhà nó đánh giá con mình như một viên ngọc. Mình phải đáp lễ cho tương xứng, cũng là giữ và tôn giá trị cho con Loan, về làm dâu nhà người ta mới có thế. Cũng là dịp tôn vinh uy danh họ Đào ta. Có phí đi đâu tí nào.

- Uy danh dòng họ thì cả bàn dân thiên hạ còn ai không biết!

- Bà ơi, trên đời mua được nhiều cái, chứ cái danh đích thực thì đố ai mua được. Uy danh họ mình lừng lẫy như thế này phải nhờ cha ông dốc lòng tạo dựng, bồi đắp. Đến đời mình, không ai dám làm nhỏ mình lại. Các con học hành thành đạt, chơi toàn cỡ quan lại, hoặc những người có vai vế, cả Tây cũng coi là thường. Uy danh mình càng được tôn, chúng nó càng phải gắng sức để “con hơn cha”... Thằng Chiểu, thằng Hân theo gương ta, thằng Bỉnh, thằng Hoan phải gắng sức hơn để vượt lên cha chú. Cứ như thế, đời sau trèo lên ngôi bậc cao hơn đời trước. Thằng Chiểu được Tây tuyển thẳng vào Sở dây thép(1). Giờ thằng Hân là trưởng ban tình báo Hải - Kiến. Đời con chúng nó dứt khoát leo đến Phủ khâm sai, vào được triều đình. Muốn vậy, khi giời còn đang cho mình tuổi thọ, mạnh chân khỏe tay thì không được phép dừng lại, không được đắn đo công lao, tiền của.

________________________________

(1) Sở bưu điện.

 

Bà im lặng, đó là thói quen riêng để biểu lộ sự đồng tình.

Đã chớm giờ Mùi, giờ rước dâu. Các nghi thức đã hoàn tất, trong đó có việc trao của hồi môn cho con. Năm thân mẫu, mỗi vị tặng con một món nữ trang: dây chuyền, kiềng hoặc xuyến. Riêng phụ thân trao một hộp bọc nhung đỏ chứa 10 lạng vàng lá, trĩu tay cô dâu, Loan phải gắng mới đỡ nổi.

Cửa xe dâu đã mở chờ. Nhưng Loan còn bịn rịn, dùng dằng bên các phụ mẫu. Bà Bá ba đã được dặn trước đừng để lệ rơi vào lúc tiễn con, vì độc lắm. Nhưng bà biết mình không thể, nên đã thủ sẵn cái khăn tay, giờ đang thấm lấy thấm để lên mắt. Nhưng cái miệng cứ méo xệch đi thế kia thì sao giấu nổi tiếng khóc ngấm khóc ngầm. Ông Bá dù cứng cỏi, cũng đang đeo vẻ mặt thẫn thờ. Từ nay, gặp lúc bốc cơn thịnh nộ hay thảng hoặc phải bực dọc do chuyện đời gai góc, ông sẽ không được trấn an, giải tỏa bởi chất giọng êm ái của con gái nữa.

Giữa lúc không một ánh mắt nào không hướng vào cặp uyên ương tuyệt thế ấy thì quyền Sứ xuất hiện, bước lại gần, trong trang phục nghi lễ quần trắng, áo the đen và khăn xếp - chẳng lẽ uống dè nước Lưu Linh lấy tiền sắm bộ này? - tay xách lồng trong có con chích chòe đang nhảy loạn như muốn phá lồng. Bước chân anh đĩnh đạc, ngay ngắn và tự tin, cái dáng cho thấy từ sáng chưa có cút nào vào bụng. Đó là điều ngạc nhiên nhất, vì dân làng Mây, kể cả đám trẻ con, không ai không mang ý niệm “đã là Sứ thì phải say mềm không có lúc tỉnh”. Sứ nói cũng nghiêm chỉnh như dáng đi:

- Tiện anh có nuôi chú chim, đem mừng cô chú. Chúc cô chú bách niên giai lão, phúc, lộc, thọ.

- Vợ chồng em cảm ơn anh. - Nàng đỡ tặng phẩm rồi trao cho chồng, cảm thấy một cái gì hơi bất thường, song thấy Sứ tỏ ra nghiêm túc, nên không thể không nhận.

Ông Bá cũng thấy Sứ ta lạ, nhưng chưa gọi được là gì. Tuy vậy sự có mặt của anh ta ở bất cứ đâu - theo kinh nghiệm của riêng ông - đều nhằm gây rối, hoặc nếu không thì cũng nhằm ý đồ vòi tiền. Việc tặng chim tuy mang vẻ ôn hòa, đứng đắn, vẫn không thể coi là cử chỉ thiện chí. Ông quay lại thì thầm với ông tổng Vích:

- Chú kéo khéo nó ra một chỗ, ấn cho mấy chai, rồi điệu nhẹ nó ra khỏi cổng.

Ở nhà ngang, khi được “tặng” hai chai, Sứ “lịch sự” từ chối:

- Dạ thưa ông tổng, con đem quà tặng em Loan nhà ta, chứ đâu phải đổi chác ạ!

- Chẳng ai nghĩ thế, anh cứ nghĩ xa. Bất kể ai có quà mừng cho việc vui đều được trọng vọng. Đây là quà tặng lại anh. Khi khác rảnh, tôi nói chuyện thêm nhá. Hay anh cho là nhỏ quá. Thôi được, anh đợi tôi một tí.

Ông tổng Vích quay lại với hai chai nữa:

- Anh mang về nhâm nhi ngay đi. Ai lại để Sứ tỉnh như sáo thế này. Hôm nay trời đi vắng hay sao ấy nhỉ?

Hẳn ông tổng đã xơi cơm đen no nê, nên lời lẽ lưu loát, khôn khéo và hài hước ghê, chả bù những khi đói, chỉ thấy ngáp vặt, nuốt khan và cáu bẳn tùm lum. Các con nghiện khi đã ngấm đủ khói, mưu kế họ bàn ra có thể ngang tầm Gia Cát.

- Cảm ơn ông. - Chẳng đợi được đến lúc về nhà như ông tổng dặn, Sứ mở luôn nút một chai và dốc ngược vào mồm, cái chai sau một loáng sủi bong bóng ùng ục chỉ còn một nửa.

Ông tổng gọi Tanh-tách:

- Anh Cuộc đỡ anh ấy đi ra cổng sau, này... - Và ông nháy mắt anh một cái, ý dặn quản chặt không cho Sứ quay lại.

Sứ, với hai chai cắp nách, hai chai trên tay, ra khỏi trang viên, bước đi không còn ngay ngắn như lúc vào, bên cạnh có Cuộc xốc nách áp giải.

Trên sân trước, pháo lại nổ rền, cùng khởi âm với hai mươi ô tô. Đoàn xe từ từ ra khỏi trang viên, đội hình vẫn y nguyên như khi tiến vào. Đại diện họ gái lên mười xe đưa dâu đi Hải Phòng. Ngoài cổng, bọn trẻ đã trực sẵn để lao vào một cuộc nhặt pháo xịt thứ hai, có lẽ sẽ không còn lần nào nô nức đến thế ở làng Mây nữa.

Hội Phàm đứng đợi ở ngoài cổng trước cho đến lúc mãn cuộc rước dâu, hậm hực, thắc mắc, toan bỏ về thì thấy Sứ lù lù từ hướng gốc đề, liêu xiêu cày xới lớp xác pháo dày cộm. Phàm chạy lại:

- Đông quá, tao nghển xem chú mày làm ăn thế nào, vẫn không sao thấy được.

- Đ.mẹ, ra ngõ gặp gái, xúi bỏ tổ! Bốn chai không đủ cái đuôi con chích chòe!

- Thì chú mày đã lĩnh trước 1 đồng rưỡi của anh. Xuất trên tay chú là lộc.

- Ừ, lộc, đúng rồi! Đã là lộc thì bất khả hưởng tận tận tận. Có có có phải không ôông anh? Phải hả? Thế thì tu vài ngụm lấy may, này. - Sứ chìa chai dở cho Phàm.