Biểu Tượng Một Dòng Họ - Chương 15 - Phần 1

XV

Ngoài thằng Trê, làng Mây còn ba nhân vật nữa cũng không bao giờ ra khỏi trí nhớ người dân: Con điên, thằng gầy và anh Luyện cụt.

Gần 5 chục tuổi đầu, tóc đã pha sương, vẫn bị người ta gọi là “con”, kể cả những đứa tóc để chỏm. Cái nguyên nhân làm nó thành điên, người ta quên rồi, nhưng tính cách của nó thì không chỉ người làng Mây biết và rất nhớ. Phát điên từ tuổi dậy thì, quần áo bố mẹ may cho không chịu mặc, thay vào là cóp nhặt quần áo từ các quan tài cải mả, kiếm được bao nhiêu mặc vào hết, như thể sợ ai ăn cắp mất. Nhà cửa đàng hoàng không ở, ra ở gốc đa quán Me. Cứ thấy trẻ con đi qua “nhà” nó là nó bốc dậy đuổi kì cùng, bắt được đứa nào là cào đến toạc mặt mới buông tha. Một lần thằng Bỉnh vào nhà cô Ám chơi, lúc về không may bị nó tóm được, do nó nấp kín sau bụi dứa dại, bất thần xồ ra. Lúc ấy không có người lớn nào đi qua để thằng bé kêu cứu. Nó tự thấy muốn thoát thân, chỉ còn mỗi cách đánh lại thật lực. Con điên cao to hơn mình rất nhiều, thằng Bỉnh quyết đánh võ mồm – không phải khua môi múa mép để trấn áp tinh thần như vẫn được hiểu, mà là cắn. Con điên vừa đưa tay lên toan cào má thì bị nó ngoạm trúng, gồng hàm nghiến chặt như hai gọng kìm. Hẳn con điên quá đau, nó vừa rú lên vừa rụt tay lại, có lẽ nó không ngờ nên không tránh kịp. Máu nhỏ tong tong, nó tháo chạy, như thể sợ thằng nhóc đuổi bắt lại, trông xa nó như đụn giẻ khổng lồ di động. Bỉnh đã hoàn hồn, đứng nhìn địch thủ về đến “nhà”, tay này vẫn ôm tay kia và miệng lầm bầm những câu gì có lẽ chỉ nó mới hiểu. Bỉnh ta liếm môi thấy mằn mặn, nhổ bọt xem là cái gì. Máu! Nó kéo vạt áo lau đi lau lại cho kì hết, nghĩ bụng tí nữa rẽ xuống giếng đình rửa sạch, không thì bị cái máu ấy lây sang, mình cũng bị điên mất. Nó điềm nhiên đi qua cây đa, trước con mắt lấm lét của kẻ bại trận.

Chợ Mây họp bao nhiêu phiên một tháng, nó đều có mặt từ rất sớm. Tay lúc nào cũng thủ cái bát mẻ, chìa vào hàng ăn nào là được cho ngay. Bánh đúc, bánh đa, bún riêu, bánh dầy, bánh hú… chợ có bao nhiêu món, nó đều được xơi đủ, đã khẩu. Người ta cho nó, không phải do lời cầu xin khéo, thương hại mà là do sợ nó. Sợ nó ám bên mình với bộ quần áo rách bươm, mầu xin xỉn, lòa xòa lòng thòng tới cả chục lớp, mùi gây gây thum thủm gây ớn rợn, nhất là lúc khách đang ăn. Và sợ nó chửi, khách bị dơ mặt, còn bỏ ăn chạy lấy người được, chứ chủ hàng cứ phải ngồi ngay mặt ra nghe cho kì hết bài. Thành thử cả chợ thua nó, thậm chí cả làng. Duy có thằng Bỉnh đã một lần thắng. Từ ấy, Bỉnh ta qua quán Me, không bị đè nặng bởi cảm giác nơm nớp hoặc hốt hoảng nữa, cũng không còn phải len lét rình cơ hội ít nguy hiểm hơn để vụt một cái phi qua “nhà” nó, mà ung dung qua ngay trước mặt nó còn nó hết nhìn thằng Bỉnh lại cúi xem ngón tay sẹo và lầm rầm cái ngôn ngữ riêng. Hàng ăn nào ế thì than vãn và đổ cho con điên “mở hàng”. Ai chạy hàng lại khen: “Vía con điên thế mà mát đáo để. Nửa phiên chợ, hàng đã hết veo!” Chợ Mây và con điên là hai thực thể gắn với nhau như hình với bóng. Thảng hoặc, nó không may bị hu hi váng vất bỏ “họp” chợ một phiên, kẻ chợ tuy không ai nói ra, thấy thiêu thiếu cái gì.

Còn thằng gầy 61 tuổi, cái tên được đặt theo cơ thể gầy đét của nó, giống con điên như đúc ở “tài” nhớ ngày chợ họp và cái bát mẻ chìa ra hết hàng này đến hàng khác, song khác hoàn toàn là nếu xin không được thì cũng chẳng chửi bới ai. Thực ra nó muốn cũng không sao chửi được, vì mồm lúc nào cũng méo xệch, không thể ngậm lại và nước dãi rỏ xuống suốt ngày đêm, khiến quần áo lúc nào cũng ướt, chỗ nào khô thì cứng cộp như được hồ nước cháo. Tay trái co quắp ngang ngực và run như cầy sấy. May mà tay kia không sao để có thể dùng kiếm ăn. Nó được bố thí từ tình thương, nên không phiên chợ nào được lửng dạ. Xem ra hành khất ôn hòa hiệu quả kém rất nhiều so với gây gổ.

Riêng anh Luyện đi vào ký ức dân làng nhờ vào tài ba của mình. Anh tuy học vấn còn đứng ở rất xa so với anh mình, lại được người làng Mây bái phục sát đất hơn anh Quyên rất nhiều, vì tài của anh thể hiện ngay trước mắt họ hàng ngày. Luyện cụt – như người ta vẫn gọi anh, do anh chỉ còn một chân, chân kia phải cưa tới sát bẹn, vì vết thương nhiễm trùng nặng thành sâu quảng. Thân thể như thế xem như chỉ còn ba phần tư. Tuy vậy, bộ óc như được phát triển gấp bội bù cho phần mất mát. Người đủ hai chân phải lên xe bằng cách đặt chân trái lên pê-đan, chân kia đẩy dăm ba bước lấy đà rồi mới vắt chân qua để có thể ngồi lên. Anh Luyện khởi động bằng cách đứng cạnh xe rồi nhẩy đánh tách lên đúng yên ngay. Một chân trái guồng từ nhà ra Hải Phòng, có lần lên tận Hải Dương. Mấy lần anh định đạp đi Sài Gòn chơi, nhưng rủ mãi không được bạn đồng hành cho vui, đành thôi. Điều khiển xe đạp theo kiểu Luyện cụt có lẽ chỉ nên so với nghệ sĩ xiếc. Dân làng còn chưa ngớt lời khen tài anh thì một buổi chiều, người ta thấy anh cưỡi con tuấn mã phi như bay về làng. Anh dừng trước sân đình cho mọi người chiêm ngưỡng. Ông Bá cưỡi ngựa là chuyện dễ hiểu vì ông đủ chân. Luyện chỉ cần tự lên được yên ngựa đã là phi thường rồi.

- Các ông ơi, ra xem Luyện cụt cưỡi ngựa này!

- Chúng mày ơi, chú Luyện cụt cưỡi được ngựa mới tài chứ. Ra sân đình mà xem!

Đi làm về qua cửa đình, người hạ bừa, kẻ chống cuốc, trẻ mục đồng họ(1) trâu lại… chờ xem anh trổ tài. Quyền Sứ lách đám đông vào gần con ngựa, gí cái chai vào mồm nó:

- Nào khuyển mã chi tình, tợp với tao vài ngụm rồi phi tao xem tí. Thầy mày cụt mà phi được mới đáng xem, chứ xem ông 4 vợ rưỡi thì nhàm rồi. Chú Luyện nghe anh nói có lọt tai không?

- Bác Quyền – anh Luyện phản ứng ngay – bác vừa nói gì đấy? Bác xỏ xiên ai đấy? Đừng có mượn rượu nói nhảm!

- À, anh hơi quá chén. Bỏ qua cho anh nhá. Anh lấy lại câu nói lỡ vừa rồi. Nhá?

- Thôi được.

- Anh xin hỏi chú: Thế chú tập cưỡi ngựa từ bao giờ vậy?

- Chả phải tập tành! Em mua xong là nhảy lên cưỡi luôn.

- Thế phải nhờ người kiệu lên yên?

- Không. Đây, em cưỡi để bác và các anh em xem nhá – Vừa nói xong chữ “nhá” thí tách một cái anh đã nhún người nhảy lên đứng vào bàn đạp, còn nhẹ nhàng hơn ta nhảy qua cái rãnh. Thế là đã chễm chệ trên yên. Sau khi ba-toong cài chặt vào yên, cương quất xuống vai ngựa đen đét, con tuấn mã chồm lên, lao về phía trước.

__________________________________

(1) Gọi trâu đứng lại.

 

- Pù… pù… pù!... – Anh kêu lên khích lệ nó. Và nó sải thân phi những bước dài nhịp nhàng, trông thật thuần thục một con ngựa nòi. Hình như nó cũng hãnh diện như người cưỡi trên lưng mình. Sân đình bỗng vang dội tiếng reo, làm người ta liên tưởng đến không khí của hội họ Đào ngày trước, khi hơn 2 chục cái đèn giời đủ mầu sánh vai nhau bay ngang qua trang viên. Con tuấn mã dừng phi, sau hơn chục vòng sân biểu diễn, nhìn mọi người xúm lại, chớp chớp đôi mắt nâu và rung bờm bình thản như vừa từ chuồng bước ra. Ông tổng Vích thấy cháu mình cứ ngồi mãi trên lưng ngựa, tưởng anh không xuống được, vội nhắc: “Sao không đứa nào vào đỡ anh ấy xuống nhỉ?” Lời ông chưa dứt thì lại tách một cái, Luyện cụt đã nhẩy xuống đất, cũng nhẹ tênh như lúc lên. Ông đồ Nghiên lúc ấy cũng là một khán giả, thán phục bằng cử chỉ vừa lắc đầu vừa rướn mi lên cho mắt to hẳn ra: “Cái họ Đào này toàn những vị kì lạ! Y như họ từ trong truyện cổ tích bước ra!”

Ít lâu sau, anh lập trại gà tây, đầu gà lên tới trên 300. Một con nặng bằng 4, 5 con gà giò ta, lông đen kít, đầu và cổ đều trọc, mào nhẽo như nắm ruột non mầu vừa đỏ vừa tím trễ xuống dưới hầu, lủng lẳng. Trông mã ấy đã đủ rợn người nên chẳng ma nào mua để ăn thịt, mua về làm cỗ cúng lại càng không. Vậy anh nuôi loại ấy để làm cảnh hay bán cho tầng lớp nào? Ông Bá hỏi anh điều ấy, được anh đáp:

- Thưa cậu, bán cho bọn Tây ăn vào dịp Vanh xanh no en(1).

_______________________________________

(1) Vingt cinq Noel: Lễ giáng sinh (25 tháng 12).

- Vanh xanh… en là cái gì?

- Nghe đâu là ngày Chúa bên đạo chui ra khỏi bụng mẹ, ngày này vui nhất trong năm của bọn Tây.

- Nuôi cả năm, bán có một lần?

- Chúng nó thiếu thứ này khác nào ngày tết ta thiếu bánh chưng, thịt đông. Mà bên mình chưa có ai nuôi. Thành thử chỉ cần bán cho một đại lí, họ đem bán tận Hà Nội, Sài Gòn. Giá không thể rẻ, hơn chục lần gà ta. Đại lí ăn của con 100 kí bằng 1.000 kí gà ta, gọn nhẹ quá. Bán một lần xong tay. Nghỉ nửa năm rồi nuôi lại.

- Anh ăn thử rồi hả? Thấy thế nào?

- Nấu theo kiểu Tây thì thịt không còn chỗ chê: rô-ti bơ, sốt vang – vang là vang thật mới đúng kiểu nấu của Tây. Đầu bếp ta ít ai biết nấu cách đó.

Người làng Mây chẳng hiểu được việc nuôi gà tây của anh chứa đựng những điều vừa xa lạ vừa khó hiểu ấy. Thỉnh thoảng rỗi rãi, họ dừng chân xem lũ gà đen như quạ, dựng ngược đuôi, xòe ra như cái quạt và rên lên những âm thanh như dê hí, cũng thấy là lạ và hay đáo để. Nghe kháo mãi về cái trại gà, quyền Sứ như nhiều người khác, không kìm được tính tò mò, cũng lần đến. Vừa lúc gặp hội Phàm ngang qua, Sứ hỏi:

- Ông xơi thứ kê đen bao giờ chưa?

- Có, vài lần rồi, nhưng là kê ta. Gà đen bọn Sài Gòn kêu gà ác, thịt đen như lông, bổ ngang thuốc bắc.

- Thế kê tây đen bổ như thuốc gì? Bằng thuốc kim la của ông không?

- Bố ai biết!

- Liệu đưa cay được với thứ này không? – Sứ chìa cái chai quen thuộc.

- Gì mà chả đưa cay được! Đến chuột luộc, châu chấu rang, vài quả sung cũng tốt nữa là.

- Thế hử, hôm nào ngứa tay, tôi cuỗm một chú về luộc. Rồi cho nó cục tác vài cái lá chanh. Không biết lá chanh có hợp với tang này? Hôm nào vồ được, tôi đến mời ông – ghé tai Phàm – ăn kê tây, bàn chuyện mới chơi lão dê cụ. Hí hí hí!

- Ông cuỗm cách gì? – Phàm hỏi để giỡn Sứ.

- Khó đ. gì! Gà chạy chậm như vịt bầu thế kia, bắt dễ như bắt mèo. Trông này: đến gần, tóm cổ, vặn tỏi, xong! – Sứ chìa cái cổ chai, làm động tác vặn cổ, rồi lại cười như dê.

- Rồi xách về?

- Ném vào bụi rậm, đến tối ra lấy.

- Thần tình nhỉ!

- Chứ sao! Tửu nhập tâm, Sứ thành Gia Cát.

- Nhập tâm lắm “Gia Cát” như cẩu cuồng tại thị.

- A ha, ông anh tôi ứng đối xỏ xiên như trạng. Xin bái phục. Giờ đệ tử tôi nhờ ông anh cắt nghĩa tại sao cái gì ở bên Tây cũng to hơn bên ta: người to, gà to, táo to?

- Tại giống hết.

- Xác nó to thì ngọc hành chắc cũng to? – “Gia Cát” mủm mỉm.

- Hẳn!

- Bên ta có nhiều thằng “xấu dây tốt củ” thì sao? Tây “tốt dây” chắc gì “tốt củ”?

- Hiếm lắm. Phần đông “tốt dây” thì “tốt củ”.

- Thế cái “số ta” của bà đầm chắc cũng không bé?

- Bé nhất cũng phải ướm vừa cái lá vông dại.

- Còn cái to nhất?

- Mặt “Gia Cát” úp vào vừa khít khìn khịt - vừa nói Phàm vừa chỉ vào mặt Sứ.

Hai người phá lên cười sằng sặc hồi lâu vẫn không dừng được, dẫn đến đau quặn thành bụng, phải ngồi xổm xuống ôm bụng, mà cơn cười vẫn không sao kiểm soát được. Phải một lúc sau, vì mệt bã nên cơn tự tắt. Nhưng họ vẫn chưa đứng lên được, vì mệt lử.

- Cười nhiều quá, tỉnh cả rượu! Không cái dại nào bằng cái dại này! - Sứ ca cẩm và tu, nước mắt vẫn còn nhoe nhoét trên má – Không còn một giọt nhá! Quan bác mở to mắt ra mà xem này! Kẻo lại bảo em là thằng nói phét. Thôi… Gia Cát về đây. Hôm nào cuỗm cuỗm được kê, Gia Cát gọi qua… qua… quan bác nhá.

Bóng ông “Gia Cát” liêu xiêu, ngật ngưỡng, mờ dần về phía “nhà” con điên.

Và trại gà đâu phải điểm dừng của “người cổ tích” Luyện cụt. Đúng thế, sau đó ít bữa, dân làng lại thấy con tuấn mã dạo trước, trên lưng nó, ngoài anh còn một người nữa ngồi sau ghì chặt cán cờ cao ngót cây sào, lá cờ chưa ai thấy bao giờ, cờ đỏ tươi, giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Ngựa dừng ở đầu ngõ nhà thằng mõ(1). Anh ra lệnh thông báo cho cả làng chiều mai ra sân đình mít tinh nghe Việt Minh diễn thuyết.

___________________________________________________________________

(1) Người giữ việc thông tin trong làng, đến các ngõ ngách, sau khi gõ một hồi ba tiếng mõ, rao lên những chủ trương của hội đồng kì mục hoặc của quan trên.

 

 

- Anh Luyện ơi, không có nhời của ông lí trưởng, em không dám rao đâu ạ.

- Không cần ông lí nữa. Từ nay Việt Minh đứng đầu cả làng rồi, trên cả ông lí nhà mày. Mày phải làm theo lệnh của Việt Minh. Nếu không tuân lệnh, mày sẽ bị phạt. Mày không thích bị phạt chứ gì!

- Thưa không ạ. Vâng em đi rao ngay đây.

“Việt Minh” là gì nhỉ? Tiếng “Việt Nam” vẫn nghe nói, giờ là “Việt Minh”, có giống nhau, có phải là một? Thôi, ra sân đình nghe họ nói gì là khắc biết. Thế là cả làng Mây, đến họp mít tinh. Lại tiếng lạ tai “mít tinh”, là cái quái gì? Sân đình đông nghịt, như chưa hề đông thế, kể cả trong kì hội làng hàng năm, trong đó có không ít người đứng tuổi quan tâm đến thời cuộc. Số khác do tính hiếu kì. Còn phần lớn đến xem cho đỡ buồn. Diễn giả là hai người hôm qua vác cờ về làng. Anh Luyện giới thiệu người kia là Nguyễn Chiến Thắng, đại diện tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Kiến An. Nghe diễn thuyết thấy toàn những chữ lạ, chưa hề nghe: đại diện tỉnh bộ Việt Minh – cả sáu chữ, không ai hiểu được một. Vậy mà nghe vẫn thấy hay hay, lại thấy có cái gì hãnh diện. Người của Việt Minh trên tỉnh về nói chuyện với mình cơ mà. Rồi hàng mớ chữ lạ nữa, may lắm ông đồ Nghiên cũng chỉ hiểu lõm bõm, mập mờ: tổ quốc, áp bức, giải phóng, chiến sĩ, chiến đấu, hi sinh… Cuối buổi diễn thuyết có tiết mục nắm tay giơ ngang tai chào nhau theo kiểu cách mạng. Lúc ra về, người ta chỉ nhớ được 3 điều:

- Từ nay ai cũng phải luyện quân sự để đánh nhau với Tây, nếu chúng quay lại.

- Không còn quan lại, hào lí nữa, thay vào là người của cách mạng gọi là Việt Minh.

- Anh Luyện cũng là người cũng Việt Minh.

Không rõ ở các nơi khác như thế nào, ở đây cách mạng tràn tới đơn giản và cụ thể như vậy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3