Biểu Tượng Một Dòng Họ - Chương 15 - Phần 2
Ngay trưa hôm sau, anh Hân khuân về chục khẩu mút-cô-tông, 2 “đùi chó”(1). Anh bàn với anh Luyện lập đại đội dân quân, đội nhi đồng, hội phụ nữ và Ban bình dân học vụ. Ông Bá xung phong luyện võ Tầu cho dân quân. Đêm ngày sớm trưa, quân
________________________
(1) Súng lục.
của ông rỗi lúc nào là ông sẵn sàng luyện cho ngay. Dạo xưa ông mê học võ thế nào thì nay say truyền nghệ thế ấy. Không ít lần đang khám bệnh, thấy láo nháo tiếng quân ngoài cổng, ông liền cáo lỗi bệnh nhân:
- Tôi có việc khẩn, việc cách mệnh quan trọng. Phiền ông kể bệnh cho bà nhà tôi. Chốc nữa tôi quay lại.
Rồi vội vàng chạy ra sân đình. Mấy miếng độc “Song cước đồng phi”, “Kim ô đột nhỡn” đã dùng để hạ tướng cướp, ông cũng không tiếc, ngay cả miếng “Thiên lôi khai túc” hạ con trâu mộng đầu đàn, cũng không ngại đem ra truyền. Võ sư nào bí truyền món hiểm vì sợ trò phản thùng, kệ họ, ông chẳng bận tâm. Đây là việc luyện quân giữ làng giữ nước, nào phải chuyện cá nhân nhỏ nhặt. Ngoài tinh thần cúc cung phục vụ, ông còn hiến quân toàn bộ mã tấu, côn, trường nỏ sẵn có, đặt thợ rèn thêm binh khí hoàn chỉnh vũ trang. Lại còn hứng chí may binh phục vệ quốc đoàn nữa. Mấy bà Bá thấy chướng quá, phí của quá, ruột xót như bào, nhưng chẳng ai dám can. Một khi máu ông ấy bốc lên rồi thì có trời cũng không can nổi. Cứ mặc kệ ông ấy, đến khi không thích nữa là tự thội. Ấy là các bà chưa biết anh Hân mới thanh toán với ông khoản 12 cây súng, mất đứt hơn vạn bạc, nên ruột các bà chưa bị dứt ra từng khúc. Câu “hao công tốn của” quả không có sai một li cho bước đi còn rất non nớt của cách mạng ở quê hương ông.
- Nào, đồng chí Cuộc, xuống “chảo mã tấn” mẫu cho toàn đại đội. Đổi chân phải lên trước… thế, đúng rồi! Chân sau khuỵu vừa thôi, thấp quá như vậy bị mất thế đá. Còn tay?... Sai rồi, tay phải che lấy hạ bộ, tay kia không phải che trán thế, khác nào bịt mắt để kẻ thù dễ bề hạ gục mình.
Trong khi ông đang mải mê hướng dẫn quân xuống tấn, tập trung cao độ như một con chiên đang cầu kinh thì bà Bá cả chạy lại:
- Ông ơi, ngừng tí nào. Ông khách hỏi ăn kiêng những gì.
- Thịt gà, cá chép, ba ba, thịt trâu, thịt chó, lảng xa đàn bà – ông đáp mà không quay sang bà, vẫn dồn hết sự chú ý vào việc uốn nắn thế tấn cho Cuộc, như thể ông đang dặn Cuộc ăn kiêng như vậy. Tình huống khiến cả đại đội không thể giữ nổi kỉ luật hàng quân, cười rộ cả sân đình. Còn ông ngơ ngác, không hiểu lí do, liền quay xuống quân ngũ:
- Các đồng chí cười gì? Tập trung vào đây. “Chảo mã tấn” che mình rất kín, lại có thể bất ưng tung cú đá vào hạ bộ địch thủ.
Trong lúc ấy, bà cả nhẩm lại:
- Thịt gà, cá chép, ba ba… lảng xa cái gì nhỉ?
- Đàn bà. Hạ thấp đít xuống tí nữa.
- Phải gió nhà ông! “Đàn bà hạ thấp đít”. Sao giữa đường giữa chợ, lại nói năng bậy bạ thế?
Đại đội lại được một phen cười ra nước mắt.
- Cái gì? Bà vừa nói tôi nói bậy? Đàn bà… À, nhớ rồi, là tôi bảo đồng chí Cuộc hạ đít xuống cho đúng thế tấn – rồi quay lại quân sĩ của mình – trật tự! Các đồng chí luyện võ mà chốc lại cười nhát lại cợt thì sao lĩnh được hết cái tinh túy ẩn sâu trong từng miếng đánh.
Đấy là dân quân. Còn nhi đồng? Sau khi nghe chú Hân nói ý định lập đội nhi đồng, thằng Bỉnh chạy vội sang gào thằng Minh con anh Luyện. Hai đứa bàn nhau gì, chẳng ai nghe được. Chỉ biết sau đó chúng mất hút, không về ăn cả bữa trưa lẫn bữa chiều. Chị Chiểu, chị Luyện tìm con hoáng cả làng. Mãi đến gần nửa đêm, vào gọi cổng thằng Thạo, thằng Phột, mới biết hai thằng nhãi họ Đào này từ sáng đến giờ đi khắp làng rủ bạn lập đội nhi đồng để tập võ. Về đến cửa đình, chị Chiểu nói như hết hơi:
- Chị Luyện ơi, ngồi nghỉ tí đi. Em mỏi muốn rụng cả chân rồi. Con với cái! May cho em chỉ có một thằng ôn này. Thằng Bỉnh cũng bừa bãi như thằng anh thì em đến cắn lưỡi tự vẫn mất thôi.
- Xong đận này, thằng Luyện con còn bạt mạng, bán giời không văn tự nữa thì tao không cắn lưỡi cũng phải thắt cổ. Thế mà ai cũng chúc nhau đẻ nhiều con trai, chậm đẻ con trai là cuống lên đi cầu tự đền nọ phủ kia.
- Không biết hai thằng đêm nay có về nhà hay ngủ đợ nhà ai? Bị muỗi khiêng thôi!
- Ối giời!...
Sáng hôm sau, hai thằng mới về, nhưng không về nhà mà về sân đình, cùng cả trăm thằng bạn. Hai thằng đứng trên thềm đình với tư cách chỉ huy. Bạn bè làm quân đứng thành hàng ngang, hàng dọc thẳng tắp. Sau đó là tập nghiêm, nghỉ, bước đều, tập hợp, giải tán, y hệt dân quân. Mấy hôm sau, đứa nào cũng đòi bằng được thầy đẽo cho một khẩu súng gỗ, đem phết nhọ nồi, trông xa bị nhầm súng thật. Hai chỉ huy cũng có “đùi chó” gỗ cài cạp quần phía bụng, coi vẻ cũng oách ra phết. Ai có súng gỗ thấy mình hãnh diện hơn hẳn người phải dùng gậy thay súng để tập “vác súng lên vai… vác!” và “hạ súng xuống… hạ!” Rồi chuyển sang tập đứng bắn, quì, nằm bắn, ôm súng lăn lê bò toài, đâm lê khi đánh giáp lá cà. Quả là thiếu nhi không chịu thua trai tráng nửa bước nếu có thì chỉ ở môn võ Tầu thôi, chứ côn trường, mã tấu gỗ cũng đã được nếm kĩ rồi.
Thằng Minh, thằng Bỉnh đang tập mẫu “côn kháng trường” cho cả đội nhi đồng học theo. Thằng Bỉnh thủ côn gạt trường chưa đủ lực để mũi trường văng sang một bên, đã lao vào, bị thằng Minh nẩy mũi trường xiên trúng đùi trái. Tuy mũi trường không tra sắt nhọn, chỉ là đầu tre đẽo nhọn, vết đâm cũng đủ làm lòi mỡ và trào máu. Người thủ côn khuỵu xuống. Trường thủ hồn xiêu phách lạc, buông trường chạy bán sống bán chết về nhà, rúc vào xó kho thuốc lào của bà để trốn. Ông Bá được báo bằng câu không cụ thể: “Thằng Bỉnh bị trường đâm, đang nằm ở sân đình”, tưởng cháu bị tử thương, lao tới. Nhưng chỉ thấy cháu bị thương nhẹ, liền sai anh Hân băng bó. Ai cũng đoán ông sẽ truy bắt ngay thằng Minh để trị tội. Họ đã lầm. Ông đứng xem anh Hân băng bó và bà cả lau đất bám đầy má cháu, vừa cười vừa răn cháu đích tôn:
- Võ kém nên mới bị dính đòn địch thủ. Thôi chấp nhận vết thương lần này để lần sau mới thắng được địch. Vậy đấy, cháu ạ, khổ luyện như ông dạo xưa ấy, mới móc được mắt cướp, đạp gẫy xương sườn nó. Sau này cứ nhìn xuống vết sẹo ở đùi, cháu lại được nhắc nhở bài học quí lần này, không trường nào có thể dạy cho đâu!
Chị Luyện nghe bà Úc báo tin, cũng chung chung: “Con mày đâm gục thằng Bỉnh ngoài đình kia”, vội chạy thục mạng tới để tham gia cứu cháu. Điều chị cầm chắc là ông cậu phải gầm lên, ít nhất: “Mày không dạy được con à!... Nó giết người đây này!”, rồi sai người tróc nã con chị về trị đòn. Giờ những gì chị thấy lại ngược 180 độ. Lạ nhất là không đả động đến thủ phạm gây đổ máu. Chị nghe hết, rồi cứ đứng ngây ra nhìn cậu. Thế là thế nào nhỉ? Chẳng hiểu tâm tính ông cậu thay đổi ra sao nữa! Việc đáng xử thế này, lại xoay sang cách làm ngược lại hoàn toàn. Nhưng… hình như cũng không có gì mới lạ thì phải. Ông ấy vẫn thất thường mà! Việc chặt cây khế ngọt, kiểu ăn gỏi cá riếc và gần đây là tập võ Tầu, chẳng là bằng chứng hay sao! Một câu nói như mắng gọi chị về thực tại:
- Không đi tìm nó, còn đứng thuỗn mặt chó ỉa mãi à? Hẳn nó trốn ở đâu đấy. Hôm nào thằng Bỉnh lành chân, tao lại cho hai thằng luyện nữa. Bảo nó thế cho nó đỡ sợ.
Chị Luyện nghe câu cuối ấy, nhếch mép nửa cười nửa mếu…
Còn bà Bá cả, đang lau nước mắt cho cháu, nghe vậy liền đứng phắt dậy, giọng sắc như dao:
- Thôi, ông im đi cho tôi nhờ. Nó đâm lòi mỡ thằng bé, máu me lai láng thế này, ông chưa thấy hả à? Còn đợi lần sau, để nó đâm lòi ruột ông mới hả phải không? Toàn bầy ra những trò nguy hiểm chết người, lại lôi kéo cả những đứa chửa ráo máu đầu. Chuyện thất đức đấy, ông đừng có tưởng! Ông mà không thôi cái trò điên này, tôi đưa nó về bên ngoại. Để nó ở đây với ông, không biết nó chết oan ngày nào!
Đây là lần đầu trong cuộc đời làm vợ, bà nổi xung với chồng, sau hơn ba chục năm chỉ biết cư xử mềm mỏng, nhún nhường và một bề răm rắp nghe theo. Trước kia, chẳng ai nghĩ một lúc nào đó bà sinh nóng nảy, to tiếng với ai. Thế mà giờ lại bột phát một phản kháng quyết liệt đến vậy. Ở đàn bà, tình cảm máu mủ mang đầy chất huyền bí. Nếu thấy nó bị ai đó cướp đi, hoặc mới chỉ bị đe dọa cướp đi, họ sẵn sàng đương đầu bảo vệ bằng lòng quả cảm phi thường, có khi hơn cả bảo vệ cho chính mình, thậm chí liều thân.
Còn ông lại cho rằng sự biểu lộ ấy của mình như một cách giáo dục cháu. Vết thương có đau thật, song chỉ nặng hơn đứt tay một chút. Quan điểm của ông: đề cao việc tự rèn luyện của trẻ và dù ở tình huống nào cũng không được phép đứng nhìn chúng thoái chí. Ông đã có cách đảm bảo an toàn cho cháu rồi, chưa cho bà biết đấy thôi.
- Thôi, tôi xin bà. Máu chảy ruột mềm, ruột bà mềm, ruột tôi cứng sao được. Có điều, để ruột mềm quá làm nhụt chí con trẻ. Nhụt chí lúc này hẳn là khởi sự cho nhụt chí tiến thân sau này của cháu – quay sang đám thiếu nhi xúm quanh vòng trong vòng ngoài – Nhân danh tổng chỉ huy lực lượng dân quân, tôi hạ lệnh: Từ nay khi luyện côn trường, tuyệt đối không ai dùng trường nhọn. Hạ lệnh chặt bỏ đầu nhọn, bọc giẻ vào cho êm. Rõ chưa?
- Rõ! – Đội quân đáp rền vang, dội mãi đến đồng Triều, thợ đang cấy cũng nghe thấy. Ông không giấu được cái cười mỉm.
Ông quay sang bà:
- Thế đã an toàn chưa, bà? Chưa chi đã rối tinh rối mù lên! Tướng ra trận cho vợ đi theo là cầm chắc đại bại.
Bà vừa cười thầm vừa lườm ông một cái rõ dài, rồi ghé lưng cõng cháu về nhà.
- Từ nay, khôn hồn đừng tập võ tập vẽ gì sất nhá!
Có mỗi câu ấy, bà dặn đi dặn lại tới chục lần trên một đoạn đường ngắn chừng 5 – 6 chục bước chân.
Đấy chỉ là một phần không khí sôi động được dấy lên do nguồn nhiệt cách mạng tràn tới.
Không bao lâu, bầu không khí ấy trở thành sôi sục, sau khi nghe tin tại nhà hát lớn Hải Phòng, quân ta và quân Tây quần nhau một trận tử chiến. Nhân mạng của cả hai bên bị tổn thất nặng nề. Lòng dũng cảm của bộ đội có thừa, nhưng vũ khí thì quá ít, lại không hiện đại bằng giặc. Nên nhà hát bị thất thủ. Thế là ai cũng nơm nớp vào một ngày không xa quân Pháp sẽ tràn tới đây. Khi ấy cũng sẽ nổ ra một trận tử chiến giữa dân quân và giặc mũi lõ. Trước đây, Tây đoan(1) về làng, bắt rượu lậu, khám xét, hiếp đàn bà con gái dễ dàng như nâng bát nước lên uống, tự nhiên như trời mưa hết cơn là nắng vậy. Còn bây giờ thì đừng có hòng! Một đại đội dân quân với 12 cây súng, mã tấu, trường côn, tên nỏ thừa dùng, võ nghệ đủ để đánh giáp lá cà; phụ nữ, phụ lão sẵn sàng tiếp ứng; thóc lúa cót to bồ nhỏ có thể làm yên bụng các chiến sĩ. Cả làng rùng rùng khí thế, thể hiện qua các hoạt động chuẩn bị ứng chiến và trong lòng thì rộn rực và nóng bỏng.
_______________________________
(1) Tây thu thuế.
Không biết ai lên tỉnh kiếm được hai bản nhạc “Tiến quân ca” và “Chiến sĩ ca”. Nhưng chẳng ai biết giai điệu. Chỉ đọc được mà không hát nên câu, thật tức như bị bò đá. Ông Nghiên chợt nhớ ra ông cai Hiểu, “nghe nói trước kia từng thổi kèn đồng cho đội mu-dích nhà binh. Cứ thử mang đến nhờ. Làm gì ông ấy chả hát được.” Ông cai xem đi ngắm lại cả một đêm. Hôm sau, ông ra dạy đội dân quân. Không hiểu trình độ nhạc nhà binh đến đâu, mà khi nghe đại đội hát, anh Luyện cứ lắc đầu: Nghe như bên Văn Khê họ cầu kinh ở nhà thờ. Ngoài tỉnh họ hát bài này nghe hùng tráng lắm cơ.
Anh Hân thở dài:
- Y như một lũ kêu đường. Điệu này có lẽ phải đổi tên bài thành “Kêu đường ca”. Nghe đội nhi đồng phố Belgique Hải Phòng hát, tôi thấy bốc máu muốn vớ súng xông ra sa trường ngay.
Hiểu giật lấy bản nhạc, gân cổ bào chữa:
- Thì bản nhạc ghi thế nào, tôi dạy thế ấy. Đoàn (đếm thầm 4 nhịp 1, 2, 3, 4) quân (1, 2, 3) Việt (1, 2, 3) Minh (1, 2,) đi (1, 2, 3, 4, 5). Còn dạy thế nào nữa!
- Thế mới thành giọng kêu đường. Thôi được, tôi sẽ lên tỉnh mời đồng chí Châu đại đội trưởng, nhạc nào cũng hát được, đàn nào cũng đánh hay.
- Thì các ông cứ đi rước đại đội trưởng. Bụt chùa nhà có bao giờ thiêng! Khản cổ mấy hôm giời, toi công! Kén cá chọn canh, lắm chuyện! Ai dạy thì cũng đến phải: đoàn 1, 2, 3, 4 quân 1, 2, 3…
Ông Hiểu dỗi, bỏ về.
Rồi cuối cùng có người hát đúng điệu về dạy. Từ ấy, tiếng ca không lúc nào ngớt, trừ đêm khuya. “Thề phanh thây uống máu quân thù. Tiến mau ra sa trường…” Ngoài miệng ca và trong lòng hừng hực ngọn lửa chiến thắng. Rồi đến “Bao chiến sĩ anh hùng lạnh lùng vung gươm ra sa trường, quân xung phong, nước Nam đang chờ mong…” Trên sân đình, hát đồng ca trong hàng quân, trong đội nhi đồng. Ngoài đồng, vừa bước theo trâu vừa ngâm nga cho đỡ tẻ. Trên lưng trâu, mục đồng không bỏ phí cơ hội nghêu ngao:
- “Sống thác coi thường, mong xác…” tăng tăng tằng tặc tăng tắng tăng… đến câu gì, quên mất rồi. Bây giờ nhớ câu nào tao hát câu ấy. “Ngựa đi nơi xa, kìa nghe súng vang lên trời điệu kèn rộn ràng…”
- Ê, sai bét rồi! Đếch phải “ngựa đi” mà là “ngựa phi”; đếch phải “lên trời” mà là “bên trời” chứ.
- Mày sai thì có! “Ngựa đi”, “lên trời” lại!
- Được rồi, cược nhá! Chốc về hỏi chú Ích.
Khi người ta đã tâm đầu ý hợp thì chẳng cần ai động viên, lại càng không cần đến sự thúc giục hoặc ép buộc, việc cứ trôi chảy như gió thổi mây bay. Đúng là cả làng ca hát. Nơi khác “Tiến quân ca” chỉ được hát trước các buổi lễ, hoặc hội nghị quan trọng. Ở đây không theo quy định ấy: Trước khi tập quân sự, trước giờ học bình dân học vụ, thậm chí vào các sáng sớm trước lúc bắt tay vào việc, Tanh – tách gọi toàn thể gia nhân tụ tập trên sân sau, cùng nắm tay ngang tai chào lá quốc kì và hát đồng ca “Đoàn quân Việt Minh đi…” rồi mới vào việc. Thằng Hoan còn bé chưa được gia nhập đội nhi đồng cùng anh Bỉnh, Bính, nhưng vẫn đứng chầu rìa học hát ghẹ. Đang đêm, chị Chiểu nghe từ giường vú Tàm có tiếng thằng Hoan. Chị hỏi:
- Thằng bé còn thức à? Nó nói gì thế?
- Ngủ say tít thò lò từ lâu. Nó vừa nói mê… mê hát: “Bao chiến sĩ anh hùng”. Sốt ruột!
Chị Chiểu cũng phải phì cười.
Ông Nghiên ngồi ngoài sân cùng ấm chè Thái, tai vẫn để lọt lời ca cách mạng từ các nhà hàng xóm vọng sang. Ông nhấm nháp ý nghĩa thâm thúy và cái thần sắc ẩn sau lời ca. Trước khi vào nhà, ông lẩm bẩm: “Thề phanh thây uống máu quân thù…” Nếu cả làng đồng lòng ăn thề như vậy thì quân Phú Lang Sa tự đào huyệt chôn mình ngay giữa làng Mây này.