Biểu Tượng Một Dòng Họ - Chương 20

XX

Từ ngày Đội(1) về, làng Mây lần thứ hai sống bầu không khí sôi động, sau lần chuẩn bị đánh Pháp giữ làng cách đây 11 năm. Mới chỉ dự buổi mít tinh chào mừng Đội, ông Bá đã cảm nhận mình là đối tượng bị công kích. Đội chưa nêu đích danh ông, song có những câu, những chữ mà theo nhận thức của riêng ông, người ta không nhắm vào ai, ngoài ông. Cộng thêm trước đây khách bệnh kể, ông biết ở quê họ cải cách ruộng đất diễn ra ác liệt vượt quá sự hình dung như mỗi xã đều có ít nhất một án tử hình. Bằng sự suy đoán minh mẫn và linh cảm tinh nhạy, ông biết cái buổi mít tinh đón Đội ấy mới là màn đầu của tấn bi kịch mà nhân vật trung tâm là ông và toàn gia đình. Hơn thế, đang là năm hạn của ông. Ai qua tuổi 71 sẽ đạt được một “đại thọ”. Nhưng mộ thân phụ bị đào bới đến tận chân lăng như vậy thì cái ngưỡng 100 tuổi là tuột hẳn khỏi cung tử vi rồi. 71 là năm tận của mình đây! Còn việc gì hệ trọng thì phải khẩn cấp làm nốt đi, để lúc nằm xuống không còn phải hối tiếc nữa. Ông thấy chỉ còn một việc: viết di chúc. Nếu không loạn li, ông đã đủ trình độ viết ngay hồi ấy. May mà trong thời gian tản cư, nhờ có ít công việc phải làm, ông đã tiếp tục làm học trò thằng cháu đích tôn, nếu không, bây giờ thằng Bỉnh đã đi làm, ông làm sao còn cơ hội. Trước kì loạn ông định viết bằng chữ nôm, song nghĩ lại, khi vợ con muốn hiểu, lại phải nhờ người đọc, còn gì là di chúc nữa, vì có những điều không thể để người người biết.

Năm ngoái, thằng Bỉnh, học viên của Trường Công an Trung ương, nhờ được tham dự chỉnh huấn nên thấu triệt chính sách cải cách ruộng đất, đã cấp tốc về báo cho ông nội biết. Nhưng ông không hề nao núng:

- Đành rằng thế, nhưng tao tự xét không làm gì ác hại cho dân cho nước, mà ngược lại toàn việc ích nước lợi dân. Nhà mình giầu lên là nhờ bán thuốc, chứ ruộng cấy được là bao mà bảo tao bóc lột nông dân. Nhà mình đã mấy đời cưu mang dân nghèo, ai dám nói trắng thành đen! Ruộng đấy, chính phủ cần lấy chia cho nông dân, tao tự nguyện hiến đầu tiên.

__________________________________________________________

(1) Đội gồm một số người làm việc cải cách ruộng đất. Ai gọi tên đội viên thường gắn thêm chữ “đội”: Đội Xảo, Đội Trấn v.v…

 

Bỉnh vặn đèn thật to, gian buồng của ông bà bỗng sáng bừng. Tuy lập luận cứng cỏi và rất lô gích, ông vẫn không giấu được vẻ bối rối. Bỉnh đọc được điều đó từ đáy mắt ông mình. Bỉnh khuyên ông – tuy đã hết sức trấn tĩnh – vẫn để lộ giọng run run, đứt quãng:

- Lẽ phải thuộc về người có súng, ý cháu nói thuộc những ai đang nắm giữa quyền điều hành đất nước. Ông không thuộc loại người ấy, nên theo cháu, ông tạm lánh lên Hà Nội ở với ông Giáo, chờ tình hình cải thiện rồi hãy quay về.

Ông thở dài đánh sượt, nối ngay là tiếng thở ngao ngán của bà Thư, Bỉnh nghe mà thấy tim mình dừng hẳn mấy nhịp, vì nó toát ra hết tâm trạng não nề của hai con người không còn chút khả năng tự vệ trước một thế lực mạnh như dòng lũ quét.

- Bài nói về cải cách ruộng đất của ông Phạm Văn Đồng tao còn cất kĩ trong tủ kia. Ông nói địa chủ kháng chiến là như thế nào, những người thế nào là có công với nước, qua đó, tao tự thấy mình thuộc tầng lớp được ông bảo vệ. Hà cớ gì phải đi đâu! Nếu tao có bị hành thì là do người ta thi hành sai chính sách. Vả lại, mệnh tao tận rồi, có thăng thiên hay độn thổ cũng không sao thoát. Chết tại nơi chôn rau cắt rốn, về quần tụ với tổ tiên, hỏi còn gì sướng thân hơn! Đầy người bôn ba hải ngoại, về già chỉ có nguyện vọng thiêng liêng là được trăm tuổi tại quê hương. Tao chả tội gì phải đi đâu! Trên bảy chục năm sinh sống làm ăn ở cái làng Mây này, giờ lại đi chết nhờ nơi khác, gửi nắm xương tàn nơi đất khách, hỏi còn gì vô lí hơn. Tao chả dại! Tao không điên!

*

*       *

Quá nửa đêm, trời rét như dao cứa. Vú Tàm sau khi họp với các phần tử cốt cán về, không tài nào chợp mắt. Đợi chồng con ngủ say, chị lọ mọ lần sang cổng sau trang viên, rồi sờ tìm cái mấu tường đất để bám vào trèo lên. Mấy lần ngã uỵch xuống vì mấu gẫy, chị cố trèo lại. Rồi cuối cùng chị cũng tới được cửa buồng ông Bá để thông báo với ông một tin “tuyệt mật” như lời đội Xảo dặn. Với ông Bá, người chị coi như cha đẻ thì không có gì tuyệt mật khi nó là mối lo cho ông.

Vú Tàm được xếp vào lực lượng cốt cán cùng với nhiều người khác, đó là những nông dân xuất thân từ những gia đình không một tấc đất cắm dùi, bị địa chủ bóc lột thậm tệ. Trong các kì họp trước đội Xảo nhấn đi nhấn lại: Trong số các gia nhân của ông Bá thì vợ chồng vú Tàm bị bóc lột thậm tệ nhất. Lúc đầu, vú thấy đội Xảo nói không đúng, định mặc kệ, ai muốn nói sao thì nói, mình mũ ni che tai, nhưng không hiểu sao cuối cùng lại buột miệng:

- Đồng chí không ở trang viên không biết đâu. Chứ tôi được ông Bá…

- Đề nghị đồng chí Tàm sửa cách xưng hô. Đồng chí vi phạm mấy lần rồi? Tôi nhắc lần nữa để đồng chí nhớ này: “tên Quýnh”. Không được gọi nó bằng “ông”!  

- Vâng – Nhưng vú Tàm không nỡ, không chịu gọi theo đội Xảo, nghe ác khẩu lắm, bạc bẽo lắm, dù là nói sau lưng ông – Người ta không lấy của tôi cái gì, mà tôi có cái quái gì đâu để mà lấy, lại gây dựng cho tôi. Có sao nói vậy mới phải đạo làm người. Dựng đứng mọc ngược phải tội với quỉ thần hai vai.

- Đồng chí Tàm! Tôi yêu cầu đồng chí phát biểu cho có lập trường giai cấp. Đồng chí bênh tên Quýnh là mất lập trường, hóa ra các đồng chí khác tố(1) nó là tố sai cả à? Sau cuộc họp này, yêu cầu đồng chí ở lại gặp tôi để tôi quán triệt lại cho đồng chí một lần nữa.

___________________________________________________

(1) Nói ra những nỗi khổ đã nếm trải do địa chủ gây nên.

Đội Xảo nhận chỉ tiêu 15 địa chủ bị qui kết của làng Mây, trong đó có 5 cường hào và 1 cường hào ác bá. Qua điều tra sơ bộ tình hình cho thấy ông Bá có nhiều khả năng hội đủ yếu tố cấu thành đối tượng ác bá. Nhưng chỉ trong ngày đầu phát động tố khổ, Xảo thấy hoàn toàn không dễ chút nào. Những gì cốt cán tố ông Bá lại rất hời hợt, nếu không muốn nói là tố cho đủ lệ, cái được “tố” nhiều lại là những việc tốt của ông. Lực lượng nòng cốt mà như vậy thì khi đưa ra quần chúng tố đại trà sẽ thất bại là cái chắc. Đây thực sự là một thách thức đối với Xảo. Nếu nội dung đấu tố không phong phú để hội đủ căn cứ thuyết phục thì không thể qui ông Bá lên cường hào ác bá, chỉ tiêu không đạt được, đội Xảo sẽ không tránh được án kỉ luật khai trừ khỏi Đảng. Kiếm củi 3  năm thiêu một giờ ư? Cái thẻ Đảng là một dòng chói sáng trong lí lịch của con cái sau này. Phải bằng mọi giá không để nó tuột khỏi. Lúc này Tàm đang được đội Xảo quán triệt lập trường giai cấp:

- Đồng chí là thành phần cốt cán của cách mạng. Đồng chí phải bảo vệ cách mạng. Muốn thế, đồng chí phải tiên phong đánh tan lực lượng phản cách mạng, đó là những kẻ trước đây đã hà hiếp, bóc lột đồng chí. Đồng chí bảo tên Quýnh gây dựng cho đồng chí. Trước kia đồng chí tin điều ấy, vì chưa được cách mạng giác ngộ. Bây giờ đã được giác ngộ, đồng chí phải nhận thức khác đi. Tại sao đồng chí nai lưng hầu hạ nhà tên Quýnh mà chỉ con cháu nhà nó ăn trắng mặc trơn, học hành đến nơi đến chốn, còn đồng chí vẫn nghèo xác nghèo xơ. Nếu không bị bóc lột, tại sao đồng chí phải khổ như vậy?

- Nhưng người ta cho tôi nhà, ruộng, gả chồng cho tôi. Mà tôi lại không phải con cái người ta.

- À, đấy là sự mua chuộc đầy xảo trá.

- Nhưng người ta mua chuộc tôi để ăn bàn ăn giải gì. Tôi chỉ là người làm cho người ta, có là ông này bà kia đâu!

Nếu cứ để vú Tàm cốt cán nói càn theo cung cách ấy thì kế hoạch tố khổ mở rộng không thể không tránh khỏi đại bại, vì quần chúng có đấu tố mạnh hay không là hùa theo tinh thần thái độ của cốt cán. Xảo là người khá nhạy bén, nhất là khi đối phó với mối đe dọa tới bản thân, đành quay sang ung dung dọa:

- Nhà, ruộng đồng chí đang sở hữu là do tên Quýnh bóc lột nông dân mới có. Nếu đồng chí không đấu tố quyết liệt để tự giành lấy, thì sau này Đội lấy lại sẽ sung vào sở hữu chung, khi chia quả thực, đồng chí có thể không được hưởng nữa.

À, thế ra họ cứ lấy bừa mọi thứ của ông, kể cả những gì ông đã cho con cháu. Bây giờ họ muốn cho hay không cho ai là quyền của họ. Bảo rằng thằng Sình rỗ ngày xưa kéo cả đảng vào trang viên ăn cướp thì vú còn hiểu được. Đằng này hoàn toàn không giống thế tí nào, là Đội được cử xuống, lại bỗng dưng lấy của người này chia cho người khác, thì có nên tin vào những điều họ bảo mình làm không? Một thắc mắc ít hôm rồi vú giữ trong lòng, cứ sôi lên sùng sục, đòi giải đáp bằng được.

- Thế ra bao nhiêu ruộng của người ta bây giờ lại là của nông dân trước kia? Tôi chả nghe các cụ già nói thế bao giờ!

- Không phải ruộng này trước kia do nông dân sở hữu, mà do tổ tiên của họ cơ. Sau đó họ bị bóc lột thậm tệ, bị chèn ép, phải bỏ ruộng mà đi.

- Thế sao tổ tiên có ruộng lại bị bóc lột? Là chủ ruộng cơ mà, chủ cày cấy không xuể thì phải đi thuê người làm chứ. Thế là đi bóc lột người khác. Nông dân cũng bóc lột à? Đồng chí giảng giải thế thì bố tôi sống lại cũng không hiểu, càng tối om thêm.

- Đồng chí không được vin vào chuyện ngày xưa để ngụy biện, bao che cho địa chủ. Như thế, đồng chí đứng trên lập trường của kẻ thù rồi. Đồng chí bao che cho kẻ thù giai cấp có nghĩa là đồng chí cùng một giuộc và đồng chí sẽ bị bắt giam như tên Quýnh. Tôi cho đồng chí đêm nay suy nghĩ cho thật kĩ đi. Nếu đồng chí vẫn ngoan cố thì Đội sẽ gạch tên đồng chí trong danh sách cảm tình Đảng, rồi sau đó… đồng chí có thể tự đoán biết.

Vú ngừng “cãi lại” đội Xảo, đâu phải đầu óc đã “thông”, mà đang nghĩ cách thông báo cho ông Bá tin xấu đội Xảo vừa hở ra.

Vú ghé sát miệng vào khe cửa, nhưng chỉ gọi thì thào:

- Ông ơi!

- …

- Ông ơi! Ông dậy mau, cho con bảo ông cái này.

- Nhà Tàm đấy hả?

- Vâng, con đây.

Ông bật dậy, chân không kịp xỏ guốc, hấp tấp kéo then rồi hé cửa cho vú vào.

- Chúng nó sắp bắt ông rồi. Nhưng ông không trốn được. Xung quanh nhà mình, chúng nó canh gác kĩ lắm. Không biết tí nữa con về có bị chúng nó trông thấy không, chúng nó mà thấy là con chết mất.

- Họ có nói bắt giam tao vì tội gì không?

- Đội Xảo chỉ nói ông là kẻ thù của nông dân. Nói nhiều nữa, toàn những tiếng nghe chẳng hiểu tí gì. Cái gì nghe như giáo mác, ninh nấu (Mác, Lê-nin) hay sao ấy, có cả lạp sường (lập trường) với cắn tiệt (quán triệt) nữa. Lão nói thì lão nghe, chẳng lọt tai con câu nào. Lão toàn nói điêu. Ông mà lại đi bóc lột chúng con! May ra có bố nó nghe được! Con chỉ muốn cho nó mấy cái đập vào mặt.

- Ừ, không muốn nghe thì bỏ ngoài tai, chớ vặc lại họ. Bây giờ họ to nhất, chính phủ cũng còn bé.

- Con biết rồi! Ai cũng bảo “Nhất Đội nhì giời”. Nhưng lão cứ ép buộc con nói, làm những điều trái khoáy, bất nhân, là con không chịu đâu.

- Tiên nhân bố nhà mày. Có con có cái rồi mà chứng nào vẫn tật ấy: bướng bỉnh, cứng cổ. May lấy được thằng chồng lành như đất, chứ phải thằng cục súc thì nhiều nhất được ba hôm là nó tống mày ra khỏi cổng.

- Ông!

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3