Biểu Tượng Một Dòng Họ - Chương 19

XIX

Năm 1950, quân Pháp mở chiến dịch Mandarine ra Thái Bình với mục đích dồn quân chủ lực Việt Minh vào nơi hiểm yếu rồi “cất vó”. Gia đình ông Bá cũng như mọi gia đình tản cư khác chạy tới chạy lui như đèn cù mà chẳng thấy nơi nào không có chiến sự. Điệu này có lẽ sẽ chạy loạn thẳng về nơi xuất phát sẽ an toàn chăng? Ít ra sẽ không có những trận đánh qui mô thế này. Nếu cứ chạy vòng vo mãi, cuối cùng cũng bị “cất vó” hoặc bị tiêu diệt lây. Rõ ràng là cùng đường mất rồi! Có lẽ phải chọn giải pháp “qui hàng”. Giả dụ có cánh quân Việt Minh nào phải đầu hàng, chắc Pháp chẳng nỡ đem họ ra xử bắn hết, họ chỉ bắt làm tù binh thôi. Đây chúng tôi là dân có đánh đấm ai đâu, xin hàng các vị, cốt được an toàn quay về quê quán làm ăn, có gì làm các vị lo sợ đến nước phải dùng súng đạn để nói chuyện! Và ông đem ý nghĩ ấy ra thăm dò nhiều gia đình lúc ấy co cụm lại trên bãi biển Tiền Hải, được họ đồng tình. Ông tập hợp được khoảng 100 gia đình, xếp thành hàng tề tựu, gồng gánh bị gậy sẵn sàng, ai không mang vác gì thì giơ tay lên trời. Đi đầu là một lá cờ trắng, tất cả lê bước đến khu trú quân của Pháp. Sau khi bị thẩm vấn và khém xét sơ sơ, mọi người được cấp giấy phép hồi cư và được chỉ dẫn đường về an toàn.

Đoàn hồi cư thiếu Phượng và bà Bá hai. Phượng quen một sĩ quan vệ quốc đoàn, là tiểu đoàn trưởng. Hai người nặng lòng với nhau và được ông bà cho phép thành hôn. Bà hai phải ở lại giúp chị Khiết vợ anh Hân sinh con đầu lòng. Anh Hân, cố công tìm nơi gia đình lánh nạn, nhưng phải mất 2 năm sau mới thấy. Ông bà đến Bình Cách huyện Đông Quan để nhận con dâu. Nếu tính cả mẹ thằng Hoan thì chị Khiết là tứ thất của anh Hân. Cô “đầm non” chưa ai thấy mặt, nhưng hẳn phải rất đẹp, vì nếu không thì sao lọt được vào mắt anh. Còn chị Khiết do chính anh chọn? Đối với bà Bá, xấu hay đẹp nào “có mài ra mà ăn được”, cốt sao con mình ưng ý, và trên hết sinh cho bà đứa cháu nội. Thế nên điều bà quan tâm nhất là cái bụng vượt mặt của đứa con dâu. Còn đối với ông? Chị con dâu với vẻ cung kính và thương cảm:

- Thầy bu đi bộ cả ngày thế này, chắc hẳn mệt nhọc lắm. Con đi pha nước chanh để thầy bu dùng ạ.

- Ừ… mệt!

Bà ngồi cạnh, nghe giọng cộc lốc của ông, biết ngay ông không ưng cái “dung” của chị, liền xê ngón chân sang bấm lên mu bàn chân chồng ra tín hiệu: “Đừng nên thế! Con nó tủi thân.” Xem cung cách nói năng thì có thể khen được cái “hạnh” và cái “ngôn”. Còn “dung” thì… ông lặng lẽ lắc đầu, khiến bà phải quay sang dò xét. Hai con trước chả bù cho con này một ít! Vừa nhỏ vừa lùn, con cái nhất là con giai sau này giống mẹ thì kém giá biết bao nhiêu. Kéo lại, trời cho nước da trắng mịn, phớt hồng, như trứng gà bóc ở chỗ lòng đỏ soi được qua. Thằng Hân mê con này hẳn chỉ vì cái nước da!

Cái bàn chân của vợ một lần nữa gọi ông ra khỏi nỗi thất vọng đang đè nặng. Cũng là lúc ông nhận ra mình vừa trả lời con không tương xứng với sự quan tâm của nó, đáp thêm như để sửa lại câu trước:

- Ừ, thầy bu mệt hết cả hơi. Già rồi, sức vơi đi theo tuổi, con ạ.

Bà hai nói lời khen con dâu, nhưng lại nhằm thông tin cho chồng:

- Nghe kể hai con thương yêu nhau hết lòng, thầy bu vui lòng lắm. Nếu không bị loạn li thì phải làm lễ vu qui thật linh đình cho các con. Có yêu thương nhau hết lòng mới mong ở với nhau tới mãn chiều xế bóng. Không biết chồng con có kể gì về trước kia nó lận đận mãi không.

- Thưa bu có ạ. Về duyên phận không được xuôi chèo mát mái ạ.

- Đấy, nào có cần nhan sắc mới nên duyên – bà quay sang nhìn ông như có ý phê phán bóng gió – Cốt hợp nhau, thương yêu nhau, ông nhỉ. Con Tung 6 năm, con Mười 3 năm, đều chung nhau một mối hận. Chung qui do định mệnh cả thôi. Anh Hân vô tội, hai đứa kia cũng vậy. Vắn tắt lại, cả ba đều đáng thương. À, bu nhắc chuyện buồn nhiều quá, phải không con? Thế tháng này có phải tháng nằm ổ của con?

- Vâng ạ. Nhưng hình như lên tháng hay sao ấy?

- Nó vẫn đạp mạnh?

- Vâng, đạp không ngủ được, bu ạ.

Ông xen vào chuyện xưa nay vẫn rất kị bàn với phụ nữ chuyện thai nghén, cho thấy không chỉ bà được cái bào thai kia gây niềm phấn chấn:

- Chắc thằng này sẽ nghịch như cướp!

- Thưa thầy, con cũng mong nó là thằng cu.

- Thằng cu là đích thị. Cái bụng nhọn thế kia, chưa ai sinh cái hĩm bao giờ!

Và đúng như hy vọng, một tuần sau, cô con dâu thứ tư đã sinh cho ông một thằng cháu nội chính thức, nói “chính thức” là nói nó ra đời từ một cuộc hôn nhân trong hôn thú, còn nếu chỉ xét đến huyết thống thôi thì nó là thứ hai. Khi bà bế nó lên trình ông, mới cúi nhòm mặt nó, đã thấy mắt nó vừa chớp chớp vừa tập trung thị lực vào ông, khiến ông phải sững sờ. Mới được hơn chục ngày mà mắt nó đã có thần sắc! Thằng này lớn lên không thể là thường dân! Mắt nó có thần như mắt thằng Hoan anh nó vậy. Nó có hơi đoản tướng một chút. Nhưng không sao, ăn nhau ở cái thần thái. Chính cái thần mới giúp người ta làm nên chuyện đáng được lưu danh.

Ông Bá đinh ninh phải đến khi kháng chiến thắng lợi, bà hai mới trở về với ông. Thế mà chỉ sau dăm tháng ông hồi cư, bà cũng trở về, đem theo con dâu và hai cháu nội: thằng Hải, cái Hà. Anh Hân phải theo đơn vị rời Liên khu 3 lên chiến khu Việt Bắc. Còn lại hai người đàn bà và hai trẻ thơ, không sao chịu nổi sức ép dữ dội từ những trận càn của Pháp. Bà và con dâu, cũng như ông Bá trước đó phải đánh liều một phen lếch thếch tìm nơi có đồn trại Pháp để xin “hàng”. Và sau đó cũng được chỉ lối an toàn về quê hương. Mẹ con chị Hân lưu lại trang viên vài tháng để nhận họ hàng, rồi lên định cư ở Kiến An, nơi có gia đình bên ngoại, ở đây chắc tiện cho dự định làm ăn của chị.