Biểu Tượng Một Dòng Họ - Chương 26

XXVI

Liên tục nửa tháng nay, các báo từ Trung ương đến địa phương đăng mục “Mời họp mặt”:

Từ làng Mây, hai cháu đích tôn của ông Đào Quýnh - thường được gọi là ông Bá - là Đào Văn Bỉnh và Đào Văn Hoan xin trân trọng kính mời mọi thành viên Đào nội tộc và ngoại tộc về giỗ ông nội chúng cháu vào ngày 24 tháng 6 âm lịch tới, sau đó hiến kế cho việc khôi phục lại thanh danh dòng họ. Trang viên đã được xây dựng lại như trước khi bị ngộ nạn, nay đã đủ chỗ thờ phụng và tiếp đón họ hàng xa gần về tham gia các ngày kị. Có ban tổ chức thường trực tiếp đón trước và sau ngày kị một tuần. Chúng cháu tha thiết kính mời các bậc ông bà, cha chú, thúc bá huynh đệ hồi hương vì hương hồn người quá cố, vì danh dự và truyền thống của dòng họ.

Kính mời

Đào Văn Bỉnh - Đào Văn Hoan

Tin trang viên được tái dựng dấy lên trong lòng toàn gia tộc niềm phấn khích tột độ, niềm tự hào dòng họ bấy nay vẫn được trân trọng cất giữ, nay được dịp bùng lên. Nên mọi bếp, mọi chi đều tề tựu đông đủ. Họ đi thành nhiều tốp, hớn hở, trầm trồ chiêm ngưỡng. Toàn bộ quần thể không có gì khác xưa, chỉ thấy được khoác vẻ mới tinh.

Từ đường, nhà tế, nhà ngang và nhà khách, cả thiên đăng cũng được đúc lại, đến cả nhà bếp và chuồng chim câu cũng được tái hiện y nguyên. Cái chạm ngay vào cảm giác là vẻ tươi sáng và mùi nồng của vôi ve bao trùm lên toàn tổng thể, nơi đã thành quá quen thuộc như lòng bàn tay, vẫn được mọi người ngắm nghía rất kĩ các họa tiết. Trên tường hồi của từ đường, bốn con rồng nạm sứ hoa ở tư thế bay, giữa đường nóc có đôi nghê chầu nguyệt. Ông Cuộc-tanh-tách thành viên ban khôi phục, đã lên tận Bát Tràng đặt ngói cổ và gạch vuông lát sân, với yêu cầu các viên đều phải nổi màu gan gà. “Đoàn tham quan” ngạc nhiên đến không tin nổi mắt mình: các đồ thờ từ bài vị nhang án, bát hương đại đến đỉnh, lư, cây nến, đài rượu bằng đồng thau, rồi hòm sắc, phú ý v.v… đều hoàn toàn như xưa. Chẳng lẽ chúng được cất giấu? Cách nào có thể giấu được, quá nhiều thứ, lại cồng kềnh thế này trong khi trang viên bị canh gác nghiêm ngặt?

- Chị Thư ơi - Cụ Giáo không kìm được thắc mắc - Dạo ấy chị là người cuối cùng bị đuổi ra khỏi trang viên, hẳn phải biết những đồ thờ này đi đâu khi từ đường bị chiếm?

- Dạ thưa chú, Đội đem chia quả thực cho họ hết. Tôi cũng đang nghĩ không hiểu sao những thứ đó lại quay về đầy đủ thế này.

- Để tôi giải thích về các đồ thờ này. Lúc đầu cử người đi Hải Phòng, Hà Nội tìm mua, đều không thấy bán. Hai tỉnh to ấy không có thì chẳng nơi nào có. Mấy hôm trước ngày kị, tôi cứ nằm khàn cả ngày để nghĩ cách. Trong khi đang đếm nhịp đời bằng những hơi thở dài ngao ngán thì vợ chồng Lông-mũi ì ạch khiêng cái bát hương đại - ông Quyên vỗ vỗ vào bát hương - đến trước mặt tôi nói:

- Bác khỏi cho người đi mua. Chúng em kiếm được đây, một chinh cũng không mất. Em đố bác kiếm bằng cách gì?

- Chị chịu tài cô chú - Tôi ngồi nhỏm dậy, chạy đến vừa ngắm vừa xoa đi xoa lại lên da nó. Dịp cũng hưởng ứng động tác của tôi.

- Em mang bát sang xin bà Lân tí mắm cáy xổi, thấy bà đang kì cọ cái bát hương này, hỏi bà rửa để làm gì. Bà bảo hũ đựng không hết, phải dùng cái này. Em gạ đổi cho bà cái hũ đại to ngang bát hương, lại có nút, nhặng không vào đẻ bọ được. Bà thích mê. Em về gọi chồng em sang khiêng ngay về đây cho bác.

… Nào ngờ cái bát hương mở đường cho tiệm thu mua đồ cổ. Tôi phao tin: Trang viên cần mua mọi đồ thờ có lần là quả thực chia cho các ông bà nông dân trong cải cách. Trong vòng có 3 hôm, thu lại có thể nói là gần hết. Riêng cái đỉnh hương này thì hơi vất vả. Phải qua 3 cầu, cầu cuối ở nhà con cháu ông chánh Đa thôn Thạch. Đỉnh có lẽ cao bằng thằng bé lên 6 lên 7 thế này, lại có cả chú nghê ngồi chễm chệ nhe răng cười, hấp dẫn chưa nào! Bên ấy kể khi mua được sướng như trúng số độc đắc, thực bụng không muốn bán lại. Sau tôi phải gợi đến sinh thời 2 cụ chánh Đa và chánh Quýnh là đồng nghiệp với nhau, lại đồng tuế, họ mới động tâm mà rời ra. Khiêng đỉnh về đến nhà, đến lượt mình cũng có cảm giác như người trúng số độc đắc, và mình mới là người trúng thật. Thế là bỗng thành ông lái đồ cổ. Khi được chia quả thực, không biết sẽ dùng làm gì, cũng phải tỏ vẻ như vớ được vàng, một là do phải nịnh hở ông Đội, hai là cảm thấy hãnh diện thật, vì còn đầy người không được chia gì cơ mà. Như mấy cái đài rượu chẳng hạn, cho con đem ra sân lăn mấy vòng, nó chán, phải quẳng vào gầm giường cho khỏi vướng chân. Rồi hoành phi đem quây chỗ cho vịt ngủ, câu đối đem bắc cầu ao… Nhà mình tấp nập suốt ngày, toàn khách gạ bán đồ. Có một bà tận xóm “Củng”, cái tên hơi khó nhớ… À bà Đổm, khoác đến một cái chiếu hoa, mầu bợt gần hết, mép vừa sờn vừa gẫy lởm chởm như bị cá rô đớp, lại thủng mấy chỗ. Một bà khác bưng đến cái nghiên mực, quên mất tên…

- Bà Ngợt, người xóm trong - Cụ Bê nhắc.

- Vâng. Cả hai bà thề sống thề chết: “Không phải là chiếu ngày xưa cụ Bá ngồi, tôi chết bỏ 9 đứa con”. Công nhận đã liều mồm thề độc. Bà kia thì: “Hồi cụ còn sống, tôi trông thấy cụ kê đơn bằng cái nghiên này. Tôi nói điêu, tôi cũng làm con ông.” Không nói điêu thì bà ta cũng chỉ bằng tuổi con mình. Có thứ như bộ tượng tam đa kia, chu du tới mãi Tú Đôi, cũng được cho vào thúng lót rơm chu đáo đội đến, kèm theo 2 bát Giang Tây bịt bạc cáu ám vàng khè. Hỏi sao bẩn thế. Đáp: vẫn để uống nước vối. Tiếc cho hạt gạo tám xoan, thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà! Còn mấy cái sập gụ, tủ chè có lẽ đang du ngoạn ở tỉnh khác, chưa được nghe ai kháo nhà cụ Bá xưa giờ thành cơ sở thu mua ve chai, nên chưa xui chủ khiêng đến.

Cụ giáo giơ tay ra hiệu cho ông Hân:

- Có lẽ ta ra chỗ con Lu một lát, thắp hương gọi nó về đón chủ.

Trong khi mọi người dừng chân trên sân ngắm khu lăng con Lu, cụ Giáo một mình trèo lên, bước tới sát tượng nó rồi ngồi xổm xuống, vừa vuốt ve vừa ghé sát mặt nó, lẩm bẩm câu gì. Cụ ngoái lại:

- Loan lấy cho chú chậu nước mưa và cái khăn mặt.

Cụ khom người cắm hương vào bát rồi xấp nước khăn lau rửa cho con chó mà sinh thời cụ yêu chiều như một đứa con nhỏ, do tình nó dành cho cụ quan nhiều năm chỉ có một. Hình ảnh nó nằm trên thềm cổng cả buổi chờ cụ từ Nam Định về nghỉ hè, đang hiện lại rõ nét, tưởng đưa tay ra là sờ thấy. Ôi “thiên khuyển hồi thiên sào” mất rồi! Nếu không, trong lần hội ngộ này, hẳn gây xúc động lớn cho những người đang đứng trước lăng đây. Cụ quay lại ông Hân:

- Tôi đọc Le Monde lâu rồi, hình như con Lu được tờ báo nhắc đến trong cái tên tiểu thuyết của nhà văn Hoan viết về họ Đào. Tôi quên mất.

- Dạ thưa cụ, “Đào Lu - con chó đá”. Từ lúc cháu nói cái tên ấy đến nay, cứ ngẫm mãi cái ngụ ý sâu xa của nó.

- Ý nghĩa ra sao, cũng khó đoán, vì ta chưa đọc truyện.

- Theo con, sự phát triển của họ Đào gắn liền với con Lu. Năm nào cũng vậy, sau cả năm xa chủ đằng đẵng, khi gặp lại nó quấn quýt chủ như hình với bóng, nó liều chết hạ kẻ tử thù để cứu chủ, ngay cả sau khi lìa đời vẫn không quên trách nhiệm bảo vệ trang viên. Dòng họ mà cụ Bá là đại diện tạc tượng thờ nó, chính là để tôn vinh nhân nghĩa, lòng trung thành, đức hi sinh v.v… Tựu trung là tôn vinh đạo lí.

Cúng bái và cỗ bàn xong, mọi người hàn huyên tới khuya mới lên giường. Mỗi người một nỗi niềm riêng: nào nuối tiếc một thời lộng lẫy, huy hoàng, nào đau đáu những kì vọng về tương lai, song tâm trạng chung là tràn trề nỗi mừng về trang viên đã được khôi phục gần như hoàn toàn.

Riêng bà Loan, ruột gan mỗi lúc một cồn cào, khiến bà không thể nằm yên, khẽ khọt hé cửa, ra thềm ngồi.

Gió đêm hè từ mặt ao mơn man khuôn mặt phẳng lặng của bà. Trăng hạ tuần mảnh như một vàng móng tay vẫn còn đậu trên ngọn đề, tỏa một nguồn sáng xanh nhạt lên nền sân gạch còn chưa hết mùi nồng của gạch mới. Ngay đằng sau nhà khách là tán đề vẫn rì rầm lời tâm tình, nghe lúc nào cũng rất quen mà cũng rất lạ. Bà ngước nhìn đỉnh thiên đăng sau 9 năm ngọn đèn biểu tượng đã sáng lại, báo hiệu thời kỳ phục hưng của họ Đào. Chín năm liền, ngọn đèn tuy tắt nhưng vẫn cháy sáng trong lòng mọi thành viên từ họ nội đến họ ngoại. Thời ấy, ban đêm nó làm ta yên lòng như đức tin cho các tín đồ, ban ngày nhìn nó lồng lộng trên nền trời mà thấy mình như có huân chương trên ngực. Lúc này, ngọn đèn đang lung linh trong đáy mắt bà, đưa bà trở lại miền kí ức bộn bề kỉ niệm vừa đậm đà chất lãng mạn vừa trần trụi tính hiện thực, lắm ngọt bùi và cũng không ít đắng cay. Ôi những tháng ngày nghẹt thở trước họa xâm lăng, những giây phút hãi hùng do đạn lửa khét lẹt và máu loang, cả những năm dài hoảng loạn, tan hoang. Ôi cha! Sao người đức độ nhường ấy lại bị trời áp đặt một bản mệnh bất công đến thế, để lần này quay lại, con không được hội ngộ cùng cha?! Đối với cha, nỗi oan khiên này là quá lớn, nên năm tháng sẽ chẳng dễ gì xoa dịu và niềm thương xót cha cũng sẽ không nguôi đè nặng lên trái tim con!...

Trăng đã xuống hẳn bên kia núi Cột Cờ. Bà Loan vẫn ngồi chỗ ấy trên hè nhà ngang, im lìm trong đêm thâu và giữa gió nam lộng thổi và trong kí ức của bà cũng đang nổi gió, đánh thức toàn bộ quá khứ với những hình ảnh sắc nét như một cuốn phim mầu, và bà đang thả hồn mình trôi ngược về miền kí ức đầy ắp những buồn vui, hào hùng, đê mê, ngọt lịm… mãi đến lúc trời bừng sáng, bà mới được kéo trở về hiện thực. Ngoài cổng đã có tiếng gọi í ới của mấy bếp đến giỗ sớm.