Biểu Tượng Một Dòng Họ - Chương 25

XXV

Hoan trở lại làng Mây hôm qua. Sau khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết về dòng họ mình, Hoan đem về Pháp kí hợp đồng xuất bản. Với số tiền nhuận bút ứng trước 500.000 Francs đem về nơi quê cha đất tổ, anh càng thấy tự tin và phấn chấn hơn nhiều so với lần về đầu với quyết tâm vực lại uy thế của họ Đào. Lần trước về quê, Hoan đã tìm gặp được hầu hết 2 bên họ nội ngoại sinh sống ở làng Mây và các làng xã trong vùng. Ấn tượng và hứng khởi hơn hết là được trò chuyện với các bà cô. Một người anh hết mực kính yêu, khâm phục cả về học vấn lẫn đức độ, được anh đưa vào truyện bằng những dòng trân trọng, đằm thắm và thăng hoa, đó là ông Giáo. Ông cầm tay Hoan, lời nghẹn ngào trong nước mắt:

- Bị lưu lạc tưởng mất hẳn, mà cháu quay về được với ông bà cha chú thế này, nghĩa là họ Đào vẫn còn vượng phúc lắm. Kể cả trong thời kỳ tối tăm nhất, ông vẫn không tin họ mình cạn phúc.

Và cũng như các bà cô, ông Giáo đưa ra lời khuyên như một nguyên tắc: “Nếu không tạo dựng lại trang viên thì không thể vực lại thanh thế họ Đào”. Có thể coi tính chính xác trong lời khuyên ấy là tuyệt đối, vì nó được chắt ra từ con tim của một người đang ngày càng tới gần cõi âm - tính chân thiện và linh thiêng của nó luôn tỉ lệ nghịch với khoảng cách sống còn lại.

Quay lại quê lần này, Hoan còn có kế hoạch hội ngộ với cha mẹ và các em tại Thái Nguyên. Anh Hân ngày xưa giờ đã nghỉ hưu, sau một thời gian oanh liệt trong kháng chiến 9 năm nắm cương vị đại tá quân báo liên tỉnh Hải Phòng - Kiến An, tiến hành nhiệm vụ biệt động từng gây kinh hồn bạt vía kẻ thù.

Ông Hân đi vắng, có mình bà ở nhà.

- Thưa bà… - Hoan hơi rụt rè - Đây có phải nhà ông Hân không ạ?

- Vâng, đúng rồi, nhà ông Hân. Ông ấy vào trong bản, có lẽ sắp về. Thế ông hỏi ông Hân có việc gì?

- Thưa bà, cháu là con của ông Hân. Cháu từ Pháp về tìm bố và các em cháu.

- Là con? Thật tình tôi không hiểu. Tôi là Khiết vợ ông Hân đây. Chẳng lẽ tôi đã đẻ ra một anh Tây?

- Dạ thưa mẹ, xin mẹ tha thứ cho con cách xưng hô vừa rồi, vì con chưa được biết ạ. Mẹ đẻ ra con là người Pháp, còn bố con là người Việt, là… ông Hân ạ.

- Tôi chưa nghe ông Hân kể có một cậu con lai bao giờ. Anh ngồi chơi rồi nói kĩ tôi nghe với. Rất nhiều điều về ông Hân tôi đã được nghe kể. Nếu đúng như anh nói thì đây là thông tin không những mới mà còn đặc biệt. Kìa, ông ấy về rồi - Bà Khiết chỉ ra phía ngõ.

Hoan đứng lên, chắp tay lễ phép:

- Con chào bố. Con tự giới thiệu con là Hoan.

Ông Hân sững lại nhìn người khách nước ngoài từ đầu đến chân và nhanh chóng nhận ra nét đặc trưng của thằng con trai đầu lòng: nốt ruồi ở chính yết hầu và vành tai rộng, mỏng phiến đến lạ mắt và phần dái tai gần như không có. Đã có lần ông để ý lúc con chạy, thấy hai phiến tai ấy rung lên theo bước chân.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến, ông Hân cố công dò la tung tích của trại Dục Anh Đường để tìm lại con. Nhưng vô vọng. Có lẽ Trại đã tự giải tán vì không còn nơi nào yên. Tuy vậy, hi vọng tìm lại Hoan vẫn không hề tắt trong ông. Biết đâu tình hình sẽ có một đột biến giúp ông cơ hội.

- Việc tìm con chẳng khác nào mò trăng đáy nước. Ai lạc quan nhất cũng phải lắc đầu chán ngán. Thế mà bây giờ, không tìm đòi lại thấy. Chẳng lẽ có thần linh phù trợ, tổ phụ xui khiến dẫn đường cho con.

- Vâng. Con bơ vơ góc bể chân trời, mất phương hướng, lại trở về đúng nơi cần về, quả đúng nhờ âm đức dòng họ.

Ông Hân sững sờ tròn mắt nhìn con, lát sau mới thốt được, giọng thảng thốt như vừa ra khỏi cơn mê:

- Ối giời! Hai chục năm ăn cơm Tây nói tiếng Tây, giờ về lại quê cha chưa được mấy lúc, đã biết sử dụng tiếng Việt thành thạo, nhuần bị như… Bà có để ý không đấy?

- Có, tôi vẫn nghe.

- Quả là có sự xui khiến của tổ tiên, nhờ âm đức, âm phúc, nên họ Đào vẫn không bị mất một đứa con, đứa cháu. Hoan ơi, bố vô cùng tự hào đã sinh thành ra con, hơn thế một công dân Pháp, nhưng lại nặng lòng với Việt Nam hơn.

Và sau khi cho bố biết ý tưởng vực lại uy thế dòng họ, với số tiền anh đem theo để chi phí cho công cuộc lớn lao này, Hoan cũng được bố cho lời khuyên y hệt những gì anh nhận được từ các bà cô và ông Giáo.

- Thưa bố, ai cũng khuyên con như bố. Không ai bảo ai mà cùng một ý tưởng. Con nghĩ đây hẳn là ý nguyện của tổ tiên linh ứng rồi. Đã vậy thì không nên bàn cãi gì nữa. Ta phải thuê kiến trúc sư vẽ kiểu ngay thôi.

- Không được, con ạ. Nếu dựng lại y như trước thì chả có kiến trúc sư nào vẽ được. Phải là các cha chú từng sống tại trang viên, hoặc đã nhiều lần chiêm ngưỡng nó mới làm kiến trúc sư được. Bố muốn nói hình dung ra đến đâu, xây đến đấy. Năm ấy, sau khi trang viên mình bị chiếm, bố về thương lượng chuộc lại, nhưng người ta chỉ đạo không bán cho bố. Họ nghĩ nếu trang viên vẫn thuộc về họ Đào có nghĩa họ thua trong cải cách. Còn bây giờ thì tình thế khác rồi, họ được bán cho bất cứ ai. Vô lí đùng đùng, danh nghĩa đất của mình, có văn tự hẳn hoi, mình lại phải bỏ tiền ra mua, họ một tấc đất cắm dùi chẳng có lại có quyền bán đất!

- Nhưng những người được chia đất đã tự bỏ đi hết. Em Hoàn vẫn nói “bỏ của chạy lấy người”.

- Sao lại bỏ đi? Đi đâu được?

- Lên Lào Cai khai hoang. Họ kể hồn con Lu đêm nào cũng hiện về chạy lồng lộn, sục sạo xó này, bụi kia. Những đêm sáng trời, họ nhòm qua khe cửa thấy rõ lắm: Nó chạy đến cửa từng nhà, nghếch mõm nhìn một lúc, rồi hộc lên mấy tiếng trước khi phi về lăng nó, rồi biến mất. Nhà nào đưa chó về nuôi, được dăm bữa nửa tháng là bị hồn con Lu về cắn chết. Đêm nghe chó mình kêu ăng ẳng, sáng ra đã thấy chết nhăn răng ngoài vườn. Vợ Kiểm một lần đi giải đêm, lúc quay vào, thấy con Lu như từ trời rơi ngay bên cạnh, đuổi tận cửa đớp hụt gót, may mà hập cửa kịp. Bà ấy sợ run đến sáng, dậy hé cửa, thận trọng nhìn ra, tưởng chừng con Lu vẫn còn ngồi rình ngoài ngưỡng. Người đời rất sợ nhiều điều, chẳng hạn thói điêu toa, vô ơn, sự phản bội… thì họ lại chẳng ngần ngại nhúng tay vào, nhưng lại sợ chết khiếp một con chó chết, đến nỗi không thể làm ăn gì được, dẫn tới phải tháo dỡ, bán vội bán vàng đến từng viên gạch, thanh gỗ, rồi cả lũ bỏ chạy khỏi làng như có con Lu đuổi riết đằng sau. Cụ Nghiên bảo nó vẫn trung thành giữ nhà cho chủ. Bây giờ trang viên chỉ là một khu đất hoang, cây dại mọc um tùm, trên đó có con Lu đứng nổi bật, dáng ngạo nghễ đầy khí phách. Con thường sang thắp hương trước lăng nó và nhắc em Hoàn mang cơm cho nó hàng ngày.

Từ nãy nghe con trò chuyện, thỉnh thoảng bà Khiết lại mỉm cười kín đáo cái lối diễn đạt tiếng Việt của nó. Chỉ có giọng bị pha, còn lại, bất cứ ai nghe cũng phải tưởng nó là người Việt Nam chính nòi. Người Việt chính nòi không phải ai cũng thạo từ như thế.

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3