15. Chuyện Răng Cắn Lưỡi hay Cốt Nhục Tương Tàn

CHUYỆN RĂNG CẮN LƯỠI HAY CỐT NHỤC TƯƠNG TÀN

Các cụ nhà ta xưa đọc chuyện Tam-Quốc thường khen Tào-Thực, con trai thứ của Tào Tháo là một người văn chương nổi tiếng, chỉ đi bảy bước đã xong một bài thơ.

Khi Tào-Tháo chết, con trưởng là Tào-Phi nối ngôi. Phi cho gọi Thực đến bảo rằng : Tao với mày tuy tình là anh em nhưng nghĩa là vua tôi. Khi còn tiên quân mày hay đem văn chương khoe hợm với người, tao nghi mày tất có mượn tay người khác. Nay tao hạn cho mày đi bảy bước phải làm xong một bài thơ. Không xong sẽ chém.

Thực xin đầu bài.

Phi trỏ vào bức tranh thủy mặc vẽ hai con trâu chọi nhau treo trên tường, một con thua ngã xuống giếng chết, và cấm không cho dùng những chữ : » Hai trâu chọi trên tường, một con sa xuống giếng chết ».

Thực vâng lệnh vừa đi vừa ngâm, xong bảy bước đã thành một bài thơ :

Đôi vật đi cùng đường,

Trên đầu bốn khúc xương.

Gặp nhau tựa sườn núi,

Hung hăng mở chiến trường.

Đôi bên thi sức mạnh,

Một vật lăn xuống hang.

Nào phải lực nó kém,

Chẳng qua sự lỡ làng.

Ai nấy đều phục tài. Phi nói : Bảy bước còn chậm, mày có thể ứng khẩu làm xong một bài không ?

Thực trả lời được. Phi bảo : Tao với mày là anh em, vậy lấy đó làm đầu đề, nhưng không được phạm vào hai chữ « anh em ».

Thực liền ứng khẩu đọc :

Nấu đậu lại đun bằng củi đậu,

Tưởng trong nồi đậu cũng (…) xa.

Khóc cùng rễ ấy mà ra,

Hại nhau quá quắt sao mà chẳng thương.

煮豆燃豆萁

豆在斧中泣

本是同根生

相煎何太急

(Chử đậu nhiên đậu cơ. Đậu tại phủ trung khấp.

Bản thị đồng căn sinh. Tương tiễn hà thái cấp.)

Thực đọc xong, Phi cảm động, rưng rưng hai hàng lệ.

Các nho gia đời Tống sau khen Thực là một tay văn chương cự phách xuất khẩu thành thơ và đặc sắc là hai bài thơ trên.

Theo tôi thì tài của Thực và giá trị của hai bài thơ trên vẫn còn kém cụ Nguyễn-Hàm-Ninh về trào vua Tự-Đức nhà Nguyễn. Câu chuyện xảy ra cũng trong một trường hợp na ná như trên.

Cụ Nguyễn-Hàm-Ninh đỗ Giải-nguyên năm Tân-Mão (1831) và làm quan tại triều.

Hồi đó vua Tự Đức vừa giết anh là Hồng-Bảo vì tội muốn cướp ngôi. Trong một buổi ngự thiện ngài sơ ý cắn nhầm lưỡi nên bảo các quan làm bài thơ « Răng cắn lưỡi » nhưng trong thơ cấm không được dùng những tiếng « răng và lưỡi ». Sau đây là bài thơ được nhà vua chấm hay nhất của cụ Nguyễn-Hàm-Ninh.

Ngã sinh chi sơ nhữ vị sinh,

Nhữ sinh chi hậu ngã vì huynh.

Bất tư cộng hưởng chân cam vị,

Hà nhẫn tương vong cốt nhục tình.

我生之初汝未生

汝生之後我爲兄

不思共享珍甘味

何忍相忘骨肉情

Bốn câu thơ này có nghĩa là :

Thuở trước tớ sinh, mày chửa sinh,

Mày sinh sau tớ, tớ là anh.

Ngọt bùi chẳng nghĩ cùng nhau hưởng,

Xương thịt làm sao nỡ dứt tình.

Nhà vua khen hay thưởng mỗi chữ một nén vàng, nhưng vì có ý móc nên bắt phạt mỗi chữ đánh một trượng.

Xem sự tích này, có người chê vua Tự-Đức về điểm bắt phạt mỗi chữ đánh một trượng. Nhưng theo tôi, tôi phải khen nhà vua, chỗ có ưu điểm không vì thấy móc xỏ mình mà đánh hỏng, trái lại còn thưởng cho vàng nữa. Chỗ đó ít ai bằng. Phải nhà vua là các tay độc tài tàn bạo khác như Tần-Thủy-Hoàng, và Kiệt, Trụ, hay như Hít-Le và Mút-Sô-Li-Ni thì khó mà ông Ninh không bị tru di tam tộc cũng chung thân đi nằm nhà đá vậy.

Thế mới biết thuốc đắng giã tật, lời thật mất lòng. Song hễ biết dùng thuốc đắng, biết tôn trọng lời thật, mới gọi là con người sáng suốt.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3