14. Nói Láo Được Khen
Nói láo là bịa ra mà nói, là không có sự thật và là một sự xấu. Ai cũng biết như vậy thế nhưng từ xưa đến nay, không ai là người hoàn toàn không nói láo, đời người ít nhất cũng phải nói láo đôi ba lần, nếu không, không thể được.
Tuy nhiên, người thường nói láo với nhau thì không sao. Cha con, vợ chồng, anh em, bạn hữu, có nói láo với nhau đến đâu, cái tai hại của nó cũng chỉ đưa đến chỗ mất chữ « tín » là cùng. Chứ như bầy tôi mà nói láo với vua thì thật là nguy hiểm. Chiếu theo luật pháp của các triều đại phong kiến xưa thì nói láo với vua là phạm tội khi quân, có khi phải chặt đầu là khác.
Vậy hỏi có ai dám nói láo với vua, nói láo chẳng những đã không bị tội mà còn được khen thưởng.
Để trả lời câu này người ta cho là có và đem tích Trạng Quỳnh xưa, dâng cho Chúa Trịnh lọ tương, nhưng lại không bảo là tương mà nói là mắm « đại phong » làm bằng mầm đá tán nhỏ ra.
Kể cũng hay, nhưng chưa sát cho lắm, vì chuyện Trạng-Quỳnh, xét cho đúng, chỉ là một bộ chuyện hoạt kê, nhân vật Trạng Quỳnh trước sau chỉ là một nhân vật do người viết dựng lên.
Theo tôi, để dẫn chứng cho việc này, phải kể câu chuyện của ông Đinh-Nhất-Thận với vua Tự-Đức mới là một ví dụ thực sự.
Ông Thận hiệu Bạch-Mao-Am, người làng Thanh-liên, huyện Thanh-chương, tỉnh Nghệ-an, sinh năm Ất-hợi (1815) mất năm Bính-dần (1860). Ông thi đỗ đình nguyên khoa Mậu-tuất năm Minh-Mạng thứ 19 dương lịch 1838. Ông được bổ làm quan ít lâu, thì chán cảnh hoạn trường, nên cáo quan về nghỉ, sinh sống bằng nghề làm thuốc và dạy học.
Đến đời vua Tự-Đức, ông bị bắt giải vào kinh vì tình nghi có nhúng tay vào vụ Cao Bá Quát (hai người cùng là bạn chí thân). Nhưng xét không có gì làm bằng chứng, ông được tha. Vua Tự-Đức mến tài ông, giữ ông ở lại dạy các tôn thất học và cũng là một kế để dễ bề kiềm tỏa.
Tục truyền, khi ở kinh, một hôm ông được cùng các quan đại thần theo ngự thuyền đi ngoạn cảnh sông Hương.
Nhân bàn luận về đạo đức Thánh Hiền, ông có nhắc đến câu « Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung, phụ xử tử tử, tử bất tử bất hiếu » 君使臣死臣不死不忠父使子死子不死不孝 (vua khiến tôi chết, tôi không chết không trung, cha khiến con chết, con không chết không hiếu) và cho đó là một câu chí lý.
Thấy vậy vua Tự-Đức phán : Thế giờ đây, trẫm truyền cho khanh phải nhẩy xuống sông này chết đi !
Nghe phán các quan ai nấy đều sợ thay cho ông, vì không nhẩy thì không được mà nhẩy là bị chết một cách oan uổng.
Ấy thế, nhưng ông vẫn bình tĩnh, lạy nhà vua xong rồi lao mình xuống sông tức thì…
Dòng nước sông Hương bắn tung tóe lên, người ta tưởng đây là nơi yên nghỉ giấc cuối cùng của ông ! Ôi thôi, thế là kết liễu một đời tài hoa không tội lỗi !…
Nhưng chỉ giây lát, ông lại ngoi lên, lội bám vào ngự thuyền. Vua Tự-Đức hỏi : Sao khanh không ở dưới đó lại còn trở lên đây ?
Ông đáp : Thần định ở nhưng vừa xuống đáy sông thì gặp ông Khuất-Nguyên, ông ấy đuổi lên và mắng thần bằng hai câu thơ sau :
Ngã phùng ám chúa hàm oan nhẫn
Nhữ ngộ minh quân nịch tử hà ?
我逢暗主含冤忍
汝遇明君溺死何
Nghĩa là ta gặp vua ngu, phải chịu oan đã đành, còn ngươi gặp được minh quân, cớ sao lại chết đuối ?
Thần nghe ông ấy mắng đúng lắm, nên phải lên tâu bệ hạ rõ.
Vua Tự-Đức cả cười, sai thị vệ đón lên ngự thuyền, lấy quần áo cho thay, rồi đích thân rót một chén rượu để khen thưởng, khen thưởng cho cái tài ứng phó mẫn tiệp, mặc dù biết đó là một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt, nghĩa là chuyện nói láo.
Ấy nói láo đấy, nói láo mà nhà vua phải khen, các quan phải phục và người đời sau còn phải ghi nhớ, phải ca tụng.
Và nói láo đó, chẳng những không làm hại gì ai, mà còn là nói láo để cho giới văn học thêm một giai thoại có nhiều khía cạnh (…) nên suy nghĩ bàn bạc (…) Cho nên mặc (…) nói láo, nhưng láo đây để mà vui, và để (…) một thí dụ cho sáng thêm ý nghĩa (…) câu nói của người xưa để lại. Cái láo (…) ích lợi cho đời, chớ không phải như cái láo của những quân cướp đêm và những kẻ cướp ngày…
Than ôi ! Người đời đã mấy ai không láo ! mà đã mấy ai láo có nghệ thuật, có thiện chí vì đời, để cho thiên hạ biết láo mà vẫn nghe vẫn phục…