20. Tục Mà Thanh
Tục truyền vào thời đại các sách vở của Thánh Hiền Trung-quốc còn được chiếm những địa vị tối cao trong ngành học ở nước Việt-Nam ta, có một anh học trò nghèo, nghe tiếng quan huyện sở tại là một vị khoa mục xuất thân, mới đến xin quan trợ cấp cho ít gạo để ăn. Chẳng may, ngày anh tới cửa quan, lại nhằm phải ngày quan đi vắng. Đã thế, bà lớn lại là một bà cay nghiệt có tiếng, đã chẳng cho gạo thì chớ, lại thốt ra những tiếng tục tằn, thô bỉ hết điều.
Thân phận học trò nghĩ ức quá, anh ta ra ngoài cố đợi quan về để bẩm lại sự tình.
Quan cho anh theo vào tư thất, để chứng kiến ở trước mặt bà lớn, và bảo anh nếu thật là học trò thì hãy lấy ngay cái mà bà lớn « bảo ăn » làm đầu để vịnh một bài thơ xem sao, xem có thật học trò hay là một gã « cha chài chú chóp » ở đâu đến. Anh liền vịnh ngay rằng :
Bác mẹ sinh thành giống tổ tông,
Ai ai cũng có chẳng ai không.
Ngoài bôi phấn trắng ba phân bạch,
Trong giắt châu son một tấc hồng.
Ngày sáu khắc vây màn Đông-tử,
Đêm năm canh dựng ngọc Hồ-công.
Học trò hết gạo xin cho gạo,
Của ấy riêng bà để biếu ông.
Anh vịnh xong, quan phải thưởng tiền gạo và lấy lời an ủi để cho anh ra về.
Bài thơ nay, ai đọc đến cũng cho là hay, cái hay của nó là tả một cái rất tục mà toàn bài không phải dùng đến một chữ tục nào, đã thế câu thứ tám lại đem được tất cả những gì là tục tằn của bà lớn thốt ra để trả lại ông lớn, như vậy là bà chửi bao nhiêu, thì ông lại phải nghe bấy nhiêu, cái câu kết rất là êm dịu, là hữu lý, nhưng rất là mai mỉa, cay độc.
Tuy nhiên, hay thì hay thật, nhưng xét ra cũng chưa lấy gì làm khó cho lắm. Vì đó mới chỉ là vịnh có một cái « tục » thôi, một cái mà phải dùng đến những 8 câu 5 vần và 56 chữ mới xong. Đâu bằng bài « tứ khoái » và bài « cục phân » của ông Phan-Văn-Trị, tức Cử Trị, người làng Hanh-thông tỉnh Gia-định, thi đỗ Cữ-nhân khoa Kỷ-Dậu năm Tự-Đức thứ hai, dương-lịch 1849, một nhà nho yêu nước, ở thế kỷ 19 đã vang bóng một thời với những thi văn chống lại những bài của Tôn-Thọ-Tường, người ra cộng tác với thực dân Pháp.
Cũng theo tục truyền, thấy ông Trị là người có tài nghệ văn chương và tính tình khoáng đạt, có lần một người bạn cắc cớ bảo ông làm thử một bài thơ « tứ khoái ». Ấy thế mà ông chẳng những đã không giận, trái lại còn ứng khẩu đọc ngay :
Cơm Phiếu Mẫu, gối Trần-Đoàn,
Ngửa nghiêng loan phụng nhẹ nhàng nương long.
Cơm Phiếu Mẫu tức là khi đói quá được ăn, sự tích lấy trong Tây-Hán sử : Hàn-Tín xưa nhà nghèo, câu cá ở dưới thành không đủ ăn, bà Phiếu Mẫu thấy Tín đói quá, gọi Tín đến cho ăn. Gối Trần-Đoàn là thích nghĩa về ngủ, vì ông này xưa ngủ một giấc ở trong núi đến ba năm mới dậy, « ngửa nghiêng loan phụng » là thích nghĩa về cái khoái thứ ba, còn « nhẹ nhàng nương long » là thích nghĩa về cái khoái thứ tư, vì hai chữ « nương long » là tiếng lóng của các cụ Nho xưa dùng để chỉ « hậu môn ».
Đó là vài thơ vịnh « Tứ khoái ». Còn về bài thơ « cục phân » thì đại để như sau :
Số là tên phản quốc Trần-Bá-Lộc tức Tổng-Đốc Lộc, vẫn nghe danh ông là người cứng cổ, không hề sợ ai, thường dùng thi văn để đả kích những người ra làm việc cho chính phủ « Tân Trào », mà đả kích ra mặt chớ không có quanh co úp mở, y ta nghĩ tức, nên khi quân Pháp bình định được sáu tỉnh miền Nam, một bữa nọ, nhân đi có việc xuống Vĩnh-Long (lúc ấy ông Cử đang ngồi dạy học ở Vĩnh-Long) y liền cho lính đến mời ông lên nói : Nghe đồn ông làm thơ hay lắm, vậy tới đây, ông hãy xuất khẩu làm một bài nghe thử xem được không, nếu không, thì đây đã có luật pháp của chánh phủ.
Ông trả lời : Quan lớn muốn tôi ứng khẩu làm thì cứ việc ra cho đầu đề.
Sẵn tính lưu manh, nên nghe thế, tên Lộc liền trắng trợn nói : Cục cứt.
Hắn tưởng với cái đầu đề tục tĩu như vậy, là vừa để khinh thường ông Cử, vừa để lên mặt ta đây và cho như thế, ông Cử sẽ không sao làm được.
Nhưng vỏ quít dày đã có móng tay nhọn, tên bán nước đã dựa vào thế giặc để làm mặt ra oai thì đây đã có thứ vũ khí văn chương, thứ này tuy mềm, nhưng nếu biết dùng và khéo dùng, cũng có thể đâm thủng được những tấm da mặt dày của những kẻ lòng lang dạ thú, nên tên Lộc vừa há họng dứt, ông Cử đã đọc ngay :
Đương cơn bận rộn ló đầu ra,
Người thấy ai mà chẳng sợ va.
Cậy thế vắt lưng ngồi vít đóc,
Rồi đây sẽ bị chó liền tha.
Là 4 câu vịnh đầu đề trên, nhưng nội dung thật là xứng đáng với con người của Lộc. Tên này không biết có hiểu như thế là ám chỉ mình không, hay hiểu mà giả đò như không biết gì đến, cho đỡ bị tiếng đồn loan ra. Hắn phải thả ông về. Câu chuyện này đồn đi, ai cũng phục tài ông, và phục nhất là ở chỗ trước mặt một tên uống máu đồng bào không biết gớm mà vẫn giữ được tư thế, phong độ.
Hai bài thơ trên đều với đầu đề là tục cả, ấy thế mà dùng toàn chữ thanh, một bài chỉ vỏn vẹn có hai câu lục bát mà tả được những bốn cái tục, còn một bài thì chỉ bốn câu ba vần mà bao hàm biết bao nhiêu ý nghĩa. Chẳng những là hay mà còn là vô cùng khó nữa. Thế mới biết người giỏi thơ văn, thì với những đầu đề tục cho mấy cũng vẫn làm được thanh, còn những kẻ kém thì xin hãy miễn cùng bàn vậy.